Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

ĐÂY, VỢ CHỒNG T.T. THIỆU VÀ THÂN TỘC NỘI NGOẠI TRONG CÁC VỤ ĐẦU CƠ PHÂN BÓN, ĐẦU CƠ GẠO VÀ BÁN GẠO CHO VIỆT CỘNG!

  • CÔNG TY HẢI LONG ĐỘC QUYỀN NHẬP CẢNG PHÂN BÓN CỦA NGUYỄN XUÂN NGUYÊN, ANH EM CỘT CHÈO CỦA THIỆU, ĐÃ LŨNG ĐOẠN NỀN KINH TẾ QUỐC GIA NHƯ THẾ NÀO? TẠI SAO UỶ BAN ĐIỀU TRA CỦA THƯỢNG VIỆN DO NGHỊ SĨ TRẦN TRUNG DUNG LÀM CHỦ TỊCH, ĐÀNH PHẢI BỎ CUỘC?

  • CHỊ SÁU HUYẾT, MẸ CỦA HOÀNG ĐỨC NHÃ, THÂN TỘC CỦA THIỆU ĐÃ CẤU KẾT VỐI PHẠM SANH ĐÃ ĐẦU CƠ GẠO VÀ BÁN VÀO MẬT KHU CHO VIỆT CỘNG, TRONG VÒNG TAY BAO CHE CỦA THIỆU ĐÃ KHIẾN DÂN CHÚNG MIỀN TRUNG BỊ LÂM CẢNH ĐÓI KHÁT NHƯ THẾ NÀO?

Đặng Văn Nhâm

Lời tác giả.- Nhân vụ cựu trung tá THH em gộc chèo của cựu tướng Huỳnh Văn Cao, mượn cớ  “bảo vệ danh dự quân đội” để trổ ngón võ phu, hăm doạ  ông chủ nhiệm báo Đại Chúng trong một bữa tiệc cưới ở Maryland, chiều ngày 19.5.01, chúng tôi tiếp tục công bố thêm hồ sơ tội ác này của cựu TT Nguyễn Văn Thiệu đối với  dân tộc VN, để đồng bào tùy nghi phán xét, và cũng sẵn sàng chờ đón lời thanh minh hay cải chính của ông Thiệu cho dư luận được thêm phần sáng tỏ. Nên biết những tài liệu và dữ kiện tôi kể nơi đây đều xác thực 100% do chính các thượng nghị sĩ trong ủy ban điều tra cung cấp và đã được kiểm chứng  kỹ lưỡng với băng thâu âm cuộc đàm thoại giữa tác giả với một TNS hiện nay còn sống ở HK về vấn đề này.

Vậy, xin mời ông H đọc và cho ý kiến xem chúng tôi đã bôi nhọ quân đội ở chỗ nào. Ngoài ra, đến số báo tới chúng tôi buộc lòng phải tạm ngưng loạt bài về cựu TT Thiệu, để viết về cựu tướng kiêm nghị sĩ Huỳnh Văn Cao, để cho ông H và anh gộc chèo có dịp soi gương mà nhận diện lấy mình! Chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận cả những lời cải chính của tướng Cao, nếu có. - ĐVN

TRÁCH NHIỆM CỦA TÁC GIẢ.

Là tác giả cuả các bài đã đăng trên báo Đại Chúng, đã được ông H. nêu lên như một nguyên cớ  chủ yếu để ông ta hạ nhục và hăm doạ ông HT trong bữa tiệc cưới kể trên , tôi nhận thấy có trách nhiệm cuả mình. Bởi thế, tôi cần phải minh xác trước dư luận và độc giả đồng bào một số vấn đề như sau:

_ Tôi trách nhiệm hoàn toàn về tất cả những gì tôi đã viết trong 3 quyển “BÍ MẬT HẬU TRƯỜNG CHÁNH TRỊ MIỀN NAM” (quyển 1, 2, 3 đã phát hành) cùng những bài báo tôi đã đăng trên báo Đại Chúng. Ai muốn chửi bới, hăm doạ hành hung xin cứ nhắm tôi mà làm. Tôi không bao giờ muốn di lụy cho một ai khác.

_ Trong sách và trên báo này, đã nhiều lần tôi kêu gọi quí vị tướng tá lãnh đạo tối cao của miền Nam (dĩ nhiên trong đó gồm cả chánh phủ, thủ tướng, các tổng bộ trưởng, lưỡng viện quốc hội, giám sát viện, ngành tư pháp, cảnh sát công an, không chỉ cứ quân đội...) nếu nhận thấy có điều gì sơ xuất hoặc thiếu chính xác, cần phải bổ chính, tôi sẽ xin đăng tải vào trong sách ngay kỳ tái bản, và trên báo Đại Chúng trong số phát hành gần nhất.

_ Tôi cũng đã từng kêu gọi quí vị tướng lãnh cao cấp, trách nhiệm trong vụ làm mất miền Nam vào tay quân CSBV vào tháng tư năm 1975, hãy tổ chức một cuộc hội thảo luân lưu khắp nơi có sự hiện diện cuả người VN tị nạn để mổ xẻ nguyên nhân cốt lõi cuả vấn đề “VÌ SAO MIỀN NAM ĐÃ BỊ MẤT VÀO TAY CSBV CÁCH QUÁ DỄ DÀNG”, đồng thời cũng từ đó mà định công luận tội một cách xác đáng những kẻ oan người ưng trong đại tội làm mất miền Nam cách cực kỳ hèn hạ và nhục nhã chưa hề xảy ra trong lịch sử chiến tranh cuả nhân loại.

_ Các vị tướng ấy hãy chịu khó nhìn sang các dân tộc cùng cảnh ngộ như Nam Hàn và Đài Loan cho đến nay ngày càng bền vững và trù phú, trong vòng tay che chở của các chánh phủ Mỹ, người VN lưu vong không khỏi ngạc nhiên đặt câu hỏi: “Tại sao, vì lý do gì mà năm 1975, người Mỹ đành  phải bỏ rơi miền Nam cho quân CSBV xâm lăng? Tại quần chúng? Binh sĩ? Hay tại giới tướng lãnh cầm quyền cai trị đất nước?”

Những câu hỏi này, những vấn nạn ấy, theo tôi đáng lẽ phải do chính những người đã từng được hưởng lương cao bổng hậu, ăn trên ngồi trước trên đầu trên cổ dân hàng mấy chục năm trời ở trong nước, thậm chí cho đến bây giờ ở hải ngoại vẫn hãy còn  tụ tập tự xưng là “quân đội” với chủ đích tiềp tục “làm cha quốc gia” cuả những người lưu vong, phải tự nêu lên với nhau để trả lời cho quần chúng và lịch sử biết. Nhưng lạ lùng thay chẳng một ai bận tâm bàn bạc đến việc đó.

Đặng Văn Nhâm

 

THIỆU VÀ VỤ ĐẦU CƠ PHÂN BÓN CỦA CÔNG TY HẢI LONG

Ngay sau khi vưà nhậm chức tổng thống chưa được bao lâu dư luận quần chúng ở Sài Gòn đã trở nên sôi nổi về vụ đầu cơ phân bón của công ty Hải Long do nguyễn Xuân Nguyên, một người anh em cột chèo của TT Thiệu, đứng tên làm chủ tịch. Chuyện này đã mau chóng lan rộng ồn ào trong báo giới vì hành vi phách lối, và ngồi chồm hổm lên luật pháp quốc gia của Nguyễn Xuân Nguyên. Vì thế vụ đầu cơ phân bón của công ty Hải Long  đã khiến cho một số dân biểu và nghị sĩ đối lập phải đặc biệt quan tâm điều tra. Từ đó người ta phanh phui thêm ra đường dây “đầu cơ gạo và phân bón đi đôi với nhau” đã hoạt động mạnh mẽ từ nhiều năm qua, dưới cái dù che chở an toàn của vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu. Người đứng đầu trong ngành này là Nguyễn Xuân Nguyên  cùng với sự hợp tác của một số dân biểu, nghị sĩ gia nô và hầu hết các tỉnh, quận trưởng trên toàn quốc.

Đây là nguyên nhân chính của tình trạng thiếu gạo và thiếu phân bón trầm trọng ở miền Nam, nhất là tại các tỉnh miền Trung, nhiều nơi dân chúng đã phải ăn cơm độn với khoai, sắn và bắp... suốt mấy năm kể từ sau khi các tướng lãnh lập ra HĐQL và UBLĐQG do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch (1965), kéo dài liên miên mãi cho đến ngày miền Nam sụp đổ.

Hành động tham nhũng trong lãnh vực phân bón và gạo của Thiệu đã tạo nên một ảnh hưởng vô cùng lớn rộng trên toàn quốc. Bọn gian thương được vợ chồng Thiệu che chở đầu cơ phân bón, đã khiến giá phân bón lên cao gấp ba, bốn lần giá bình thường. Giá phân bón cao, giá lúa cũng lên cao. Tức nhiên giá gạo cũng tăng vọt. Cùng một lúc, nhà nông không đủ khả năng mua phân bón, lúa Thần Nông không phân bón chết rũ, khiến mức sản xuất lúa, gạo bị giảm sút. Lập tức gian thương lợi dụng thời cơ nhảy vào tích trữ lúa gạo, gây nên tình trạng thiếu thốn đói khổ chung trong quần chúng. Thê thảm nhất là giới dân thường, lam lũ, lính tráng nghèo đói, vợ con nheo nhóc.

Trước tầm ảnh hưởng lớn lao như thế đám “hạc gỗ” trong Thượng, Hạ Viện biết không thể nào tiếp tục làm ngơ được nữa, bất đắc dĩ phải lập ra một ủy ban điều tra, nhắm mục đích trấn an dư luận và “xả xú báp”. Vì sợ bình hơi căng quá sẽ nổ banh chết chùm cả đám! 

Nhưng, thành phần của Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt này lại gồm hầu hết là các nghị sĩ thân chính, đúng ra phải nói cho sát nghĩa hơn là “gia nô”, đặt dưới quyền điều động của ông Trần Trung Dung, một nhân vật chính trị tương đối có úy tín trong quần chúng.

Sau mấy tháng điều tra, ủy ban đã không thể nào ém nhẹm được vài trò “thủ phạm đầu cơ phân bón và lúa gạo” của Nguyễn Xuân Nguyên, chủ tịch công ty phân bón Hải Long, người đã ký chi phiếu 98 triệu đồng  trả cho tây đồn điền Đất Đỏ, để mua lại bất động sản cho bà Thiệu. Đến lúc này, TT Thiệu cũng tự biết không thể bưng bít được sự thật đã hiện ra sờ sờ trước mắt nhiều người, nên đã mời Ủy Ban Điều Tra vào dinh Độc Lập, khoản đãi một bữa ăn, đồng thời yêu cầu ủy ban đem toàn bộ hồ sơ  vụ “đầu cơ phân bón của công ty Hải Long” cho ông ta xem.

Sau khi liếc sơ qua tập hồ sơ, Thiệu liền giữ chịt lấy luôn, rồi quay sang các nghị sĩ trong ủy ban lạnh lùng bảo: “Thôi, xin các ông đừng làm khó dễ ‘công ty của chúng tôi’ nữa!”

Chỉ nội một câu ”công ty của chúng tôi” cũng chứng tỏ rõ ràng Thiệu đã vi phạm hiến pháp rất nặng nề, ngoài đại tội tham nhũng, tiếp tay với gian thương đầu cơ phân bón, làm lũng đoạn nền kinh tế quốc gia. Bởi căn cứ trên hiến pháp, điều 68, tổng thống không được quyền kiêm nhiệm bất kỳ một chức vụ nào trong lãnh vực tư, dù có thù lao hay không.

Thế nhưng các nghị sĩ trong ủy ban điều tra(UBĐT) đành im lặng, tiu nghỉu ra về tay không.

Được báo chí và một số đồng viện hỏi đến, NS Trần Trung Dung, chủ tịch UBĐT, đành lúng túng tuyên bố, vì lý do cần phải điều tra bổ túc, nên xin hoãn thêm một tháng nữa. Nhưng sự thực, đó chỉ một kế kéo dài thời gian để ủy ban lập lại một hồ sơ khác, sau khi đã cẩn thận xóa bỏ tất cả những chi tiết nào đề cập đến mấy chữ ”công ty phân bón Hải Long”.

Về phần Nguyễn Xuân Nguyên, biết rằng mình đã đương nhiên trở thành một kẻ quyền uy tột đỉnh, đến mức ”bất khả xâm phạm” trước pháp luật, nên khi nhận được giấy mời chất vấn của UBĐT thượng viện, hắn chỉ cười khì rồi vò nát, ném vào thùng rác. Thế là xong!

THIỆU VÀ VỤ ĐẦU CƠ GẠO, BÁN GẠO CHO V.C.

Vấn đề gạo, mới nghe qua tưởng chừng như chẳng có gì bí ẩn và phức tạp cho lắm. Nhưng thực ra, khi đi sâu vào vấn đề gạo ở miền Nam, ta mới thấy đó là cả một mê hồn trận, với những bát quái đồ bày la liệt khắp nơi. Bởi đây là vấn đề sinh tử của nhiều phe phái: Trước hết là phe tham nhũng, thối nát do vợ chồng Thiệu và thân nhân chủ trì. Phe đối thủ cường lực đáng sợ nhất là Việt Cộng, vì gạo là sự sống chết của cả một đạo quân xâm lăng từ miền Bắc vào Nam. Phe thứ ba là bọn gian thương, lợi dụng thời cơ trục lợi. Phe này không đáng kể. Nhưng lại gây nhiễu hại cho quần chúng vô cùng.

Theo tôi biết, dưới thời đệ nhất CH, miền Trung không bao giờ thiếu gạo, đến nỗi khiến cho dân các vùng quê xa xôi hẻo lánh bị đói hay phải ăn độn  ngô, khoai, sắn v.v... Trong thời gian đó, tôi biết viên chức kinh tế các ty kinh tế tỉnh và cùng đều có khả năng theo dõi số lượng gạo sản xuất và cung cấp trong mỗi địa phương căn cứ trên chứng chỉ điền thổ, dân số trong vùng, số lượng phân bón tiêu thụ v.v... 

Nhưng đến thời các tướng tá ”làm cách mạng”, tình hình kinh tế ngày càng rối loạn. Chính quyền trung ương không điều nghiên, không kế sách. Nhân sự từ bộ phủ đến địa phương toàn một lũ mèo “bắt chuột không hay chỉ hay ỉa bếp”, hành động quan liêu, lười biếng, hèn nhát, song ăn cắp vặt và ăn hối lộ thì rất tài tình, nhanh như chớp. Đó là mầm mống khiến cho bọn gian thương lộng hành, vì đã được chính quyền yểm trợ. Mặt khác, tình hình chiến sự ngày càng tở nên nguy kịch, quân CSBV lũ lượt kéo vào Nam, tạo nên những mật khu lớn rộng với hỏa lực dồi dào, yểm trợ cho các lực lượng VC nằm vùng và du kích địa phương đánh phá lung tung khắp nơi. Các tướng tá miền Nam không đủ khả năng đối phó. Nếu không có trên nửa triệu quân đồng minh đổ bộ vào VN từ 1965, chắc chắn miền Nam  đã rơi vào tay CSBV từ lâu lắm rồi!

Đến thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu lên cầm quyền, tình hình miền Nam trở nên cực kỳ đen tối. Một phần lớn do hành động tham nhũng, thối nát của cá nhân Thiệu và gia đình hai vợ chồng Thiệu/ Kim Anh, cộng thêm hành động tham nhũng, thối nát của cả tập đoàn lãnh đạo trong dinh Độc Lập, phủ Thủ Tướng, bộ Tổng Tham Mưu. Các cơ chế lập pháp, tư pháp, vì bị mua chuộc bằng tiền bạc, nên  đã trở thành những món đồ trang trí cho chế độ, và làm công cụ cho Thiệu. Xuống đến các địa phương, từ hàng tỉnh trưởng, quận trưởng, trưởng ty v.v... trên toàn quốc, đều hành động giống nhau như rập khuôn, lạm quyền, ăn cắp công quỹ, sách nhiễu dân chúng, bao che các hoạt động phi pháp, buôn lậu, bán gạo, bán thuốc trụ sinh cho VC, hợp tác với gian thương, nuôi lính ma, lính kiểng v.v...

Trong khi đó, vì lý do sinh tồn, quân CSBV phải đạt cho kỳ được mục tiêu sống chết là thu mua gạo bằng mọi giá, để nuôi quân. Hơn ai hết, quân CSBV đã nhận thấy: Một khẩu súng tối tân nằm trong tay một thằng lính chết đói chẳng khác nào một que củi!

Hành động triệt để thu mua gạo ở miền Nam của quân CS chẳng những do tình thế bức bách mà còn rất phù hợp với “Binh Pháp” của Tôn Tử. Trong thiên “Tác Chiến”, Tôn Tử viết:

_ Tào Công rằng: “Binh giáp chiến cụ dùng của trong nước, lương thực thì lấy của bên địch.”

_ Trương Dự rằng: “Khí dụng lấy của trong nước vì vật nhẹ dễ đem. Lương thực lấy của bên địch vì thóc nặng khó chở. Nay nghìn dặm mang lương thực thì quân có vẻ đói, cho nên lấy lương của bên địch thì sẽ được đủ ăn...”

_ Mai Nghiêu Thần nói: “Cho nên viên tướng trí năng cốt tìm cách ăn của bên địch, ăn của bên địch một chung thì đỡ cho mình được 20 chung...”

_ Trương Dự rằng: “Nghìn dăm mang lương, tốn 20 chung và thạch mới được 1 chung và thạch đến nơi quân đóng.Nếu càng hiểm trở  thì chẳng những thế, cho nên nhà Tần đi đánh Hung Nô, đem 30 chung đến nơi chỉ còn 1 thạch!”...

Như vậy, đáng lẽ các tướng tá lãnh đạo miền Nam phải tìm mọi biện pháp ngăn chận hiệu quả việc bán gạo vào mật khu cho VC, tức là đánh thẳng vào nhược điểm quan yếu nhất của địch, khiến cho địch mất khả năng chiến đấu. Ngược lại, các tướng tá miền Nam lại hiệp đồng với gian thương chuyên chở gạo đến tận nơi thu mua cho địch. Thậm chí có tướng còn để cho vợ lẽ trực tiếp đứng ra điều hành dịch vụ bán gạo vào mật khu cho MTDTGPMN, để kiếm lời. [Tên tuổi vợ chồng vị tướng này bạn đọc sẽ tìm thấy trong  sách BMHTCTMN, các quyển 1,2,3 đã phát hành khắp nơi].

Bây giờ tôi trở lại thảm cảnh thiếu thốn, đói rách của dân chúng miền Nam dưới thời Ng.V. Thiệu làm tổng thống. Tình trạng trầm trọng đáng kể nhất bắt đầu từ lúc quân Mỹ và đồng minh chuẩn bị rút lui, theo chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”. Các giới bình dân lao động và binh sĩ đồng lương thấp kém, ít oi, không bắt kịp với đà vật giá mỗi ngày tăng vọt không ngừng.

Lúc đó, đời sống người dân thành thị còn tương đối dễ chịu. Nhưng đại đa số dân chúng miền quê, ở các vùng xa xôi hẻo lánh của miền Trung, ngày càng bi đát, đến mức gần như tuyệt vọng. Những ai đã từng ra Trung, thăm dân cho biết sự tình trong thời kỳ ấy, chắc chắn đều phải biết nhu cầu vô cùng cần thiết cho sự sinh tồn hằng ngày của họ là: GẠO!

Nhiều gia đình ở nông thôn miền Trung đã phải ăn cả rau dại, củ chuối, củ năng... để cầm hơi sống qua ngày. Nguyên nhân chỉ tại phân bón bị đầu cơ, khiến giá thóc lúa tăng vọt, kéo theo giá gạo. Giá gạo lên cao, số lượng gạo lưu hành trên thị trường bị khan hiếm, là thời cơ rất thuận lợi cho bọn gian thương tích lũy, tạo giá chợ đen cắt cổ, để làm giàu phi pháp. Người dân quê nghèo khó, không đủ tiền đong gạo. Binh sĩ đồng lương thấp kém, không đủ khả năng mua gạo cho vợ con. Vả chăng chính khẩu phần gạo dành cho bản thân của người lính, theo luật định, cũng đã bị bọn quan quyền thượng cấp cắt xén bớt rồi, còn lấy đâu để giúp vợ con?!

Theo con số thống kê của chính quyền lúc bấy giờ, dân số miền Trung, gồm các tỉnh Quy Nhơn, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên v.v... gồm trên 6 triệu người. Nhu cầu tiêu thụ gạo hàng tháng tính ra khoảng trên 80.000 tấn. Theo sự tìm hiểu của tôi, qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi quan điểm, và kiểm kê các chứng liệu với một số trưởng ty kinh tế tỉnh miền Trung, tôi nhận thấy khả năng sản xuất ngũ cốc của địa phương, kể chung cả gạo, ngô, khoai, sắn... mỗi tháng cũng vừa tạm đủ.

Nhưng trên thực tế, cảnh trạng khan hiếm gạo lại diễn ra lại hoàn toàn trái ngược với nhận định của tôi. Dân chúng miền Trung bị thiếu gạo thực sự. Nhiều gia đình đã bị đói thực sự, vì không đủ tiền đong gạo. Theo báo cáo của chính quyền trung ương, ước lượng mỗi tháng các tỉnh miền Trung bị thiếu đến phân nửa số lượng gạo, tức 40.000 tấn, cần thiết để nuôi dân. Tại sao? Nguyên nhân nằm ở đâu?

Vấn đề nghịch lý đó đã khiến tôi phải cất công tìm hiểu thêm từ cội rễ. Trước hết, vì lý do con vi khuẩn tham nhũng đã lan tràn xuống đến tận cấp thừa hành hạng bét trong guồng máy cai trị địa phương, từ ông trưởng ấp cho đến chú lính cảnh sát đều biết ăn hối lộ bỏ lơ trách nhiệm kiểm soát. Đến mùa gặt hái, ai trả giá cao sản phẩm mồ hôi nước mắt cả năm trời làm việc cực nhọc của họ thì họ cứ bán. Họ chẳng cần biết những sản phẩm ấy sẽ phiêu bạt đến nơi nào, chui vào bao tử của ai, anh lính cộng hòa hay anh cán binh CS. Những người có trách nhiệm kiểm soát đã được đút lót chút đỉnh rồi cũng làm lơ cho xong chuyện. Thi hành đúng chức năng được ăn cái giải gì, ấy là chưa chừng còn chuốc thêm họa vào thân!

Cao hơn một bực nữa là bàn tay tham nhũng của các tướng, tá nhân danh quân đội là “cha quốc gia” nhúng vào để thủ lợi, làm giàu cá nhân. Trong đó tôi phải kể ngay đích danh gồm cả TT Thiệu, thân nhân ông Thiệu, và các tướng tá quan quyền địa phương. Hành động lạm quyền và tham nhũng của các vị tướng tá ấy đã khiến cho bọn gian thương lộng hành, đồng thời giúp cho bọn CS dễ dàng thu mua trên tầm vóc qui mô số lượng thực phẩm dồi dào để nuôi quân, kéo dài cuộc chiến mãi cho đến thắng lợi cuối cùng ngày 30.4.75!

Như vậy, vấn đề gạo miền Trung, mỗi tháng bị thiếu hụt đến 40.000 tấn, có thể coi như đã bị thất thoát vào tay quân CSBV. Trong sự thất thoát lớn lao đó hiển nhiên bọn quan chức tham nhũng và gian thương đã được hưởng một phần lợi lộc quan trọng. Nhưng vấn đề vẫn chưa ngừng ở điểm đó. Trước tình trạng khan hiếm gạo như thế ở miền Trung, chính phủ Sài Gòn phải lo tiếp tế chứ! Bỏ lơ sao được?!

CHỊ SÁU HUYẾT, MẸ CỦA HOÀNG ĐỨC NHÃ, ĐƯỢC LÃNH MỐI CUNG CẤP GẠO RA MIỀN TRUNG ĐỂ CÓ DỊP ĐẦU CƠ VÀ BÁN RA MẬT KHU CHO V.C!

Tức thì một chương trình tiếp tế 40.000 tấn gạo mỗi tháng cho miền Trung được bày ra. Người được TT Thiệu cho phép đứng ra bao thầu  việc cung cấp gạo hằng tháng ấy là bà Ngô Thị Huyết, cô ruột của Thiệu, mẹ của tổng trưởng Thông Tin và Dân Vận Hoàng Đức Nhã, đại tá Hoàng Đức Ninh, thân tộc của Ngô Khắc Tĩnh, tổng trưởng Giáo Dục ( nguyên TT Thông Tin Chiêu Hồi), và Ngô Xuân Tích (chủ tịch Giám Sát Viện)... Người đứng thầu chuyên chở gạo ra miền Trung là Phạm Sanh (một tay chân đồng bọn của bà Sáu Huyết) chủ tịch Nam Việt ngân hàng, trụ sở chính đặt trên đại lộ Hàm Nghi, ngó ngang qua hông sở Hỏa Xa, gần Bùng Binh, Sài Gòn.

Nhưng gạo miền Nam gửi ra Trung tiếp tế phải cộng thêm tiền chuyên chở và các sai biệt linh tinh khác, khiến cho giá thành trở nên quá đắt. Dân nghèo và gia đình binh sĩ không đủ khả năng vói tới, nên vẫn chịu chết đói như thường. Để hạ bớt giá gạo tiếp tế cho miền Trung, xuống ngang với giá gạo ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam phần, chính phủ phải đài thọ khoản trợ cấp sai biệt tính trên mỗi tấn gạo và tùy theo từng vùng. Thí dụ gạo tiếp tế cho các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quy Nhơn, Bình Định... mỗi tấn được trợ cấp khoảng 2.500 đồng. Các tỉnh Thừa Thiên, Huế, Đà Nẵng, được trợ cấp mỗi tấn 3.000 đồng. Các tỉnh Nha Trang, Tuy Hòa được trợ cấp mỗi tấn 2.000 đồng. Tổng cộng mỗi tháng tiền trợ cấp chuyên chở gạo tiếp tế của chính phủ cho miền Trung lên đến khoảng 90 triệu đồng!

Nhưng đó chỉ là những con số tính theo lý thuyết và ghi trên giấy tờ; chứ trên thực tế, người dân miền Trung đâu có được hưởng một đồng xu  cắc bạc tiền trợ cấp nào. Tình trạng khan hiếm gạo vẫn đe dọa triền miên. Ngoại trừ dân chúng thành thị có thể mua được gạo tự do.Nhưng hầu hết dân chúng miền quê, hay những nơi xa xôi hẻo lánh đều chỉ được chính quyền xã ấp cho phép mua mỗi gia đình 5 kí lô gạo giá chính thức. Còn thiếu phải ăn độn ngô, khoai, hay củ sắn... hoặc mua gạo giá chợ đen cắt cổ!

Tiền mua gạo chuyên chở ra miền Trung mỗi kỳ lên đến hàng tỷ bạc, do tổng trưởng Thương Mãi và Kỹ Nghệ ký chi phiếu chuyển thẳng vào Nam Việt ngân hàng, ứng trước cho bà Sáu Huyết và Phạm Sanh. Nhưng bà Sáu Huyết đã thông đồng với Phạm Sanh để  chia chác số tiền trợ cấp chuyên chở mỗi tháng 90 triệu đồng, nên không bao giờ thi hành đúng khế ước, luôn luôn tìm đủ mọi lý cớ để trì hoãn việc chuyên chở, khiến miền Trung vẫn bị sống trong tình trạng thiếu gạo thường xuyên. Chuyện này đã gây dư luận khá xôn sao, phần lớn đều nghi cho bàn tay tham nhũng của bộ Kinh Tế.

Mặc dù tổng trưởng Kinh Tế Nguyễn Đức Cường  vẫn biết sợ uy của vợ chồng Ng.V. Thiệu, không dám động chạm đến bà Sáu Huyết, nhưng không thể nào làm ngơ luôn cho cả Phạm Sanh, đành phải ra lịnh phạt Phạm Sanh một số tiền khổng lồ là 240 triệu đồng!

Tuy vậy, nạn khan hiếm gạo miền Trung vẫn không giảm bớt chút nào.Vì trên thực tế, bà Sáu Huyết chỉ cung cấp cho thị trường tiêu thụ của quần chúng miền Trung  mỗi tháng có 20.000 tấn. Còn lại 20.000 tấn, bà Sáu Huyết đã toa rập với các viên chức địa phương để chuyển thẳng cho các đường dây cung cấp vào mật khu cho VC, với giá bán cao hơn, được lời nhiều hơn.

Theo sự ghi nhớ của tôi cho đến bây giờ tôi còn giữ: Hồi đó, ở Sài Gòn giá một tạ gạo thường (100 kí lô) là 18.000 đồng. Nếu tạ gạo đó chở ra Tam Quan - Bồng Sơn bán được 30.000 đồng (không kể tiền chuyên chở). Điều đáng chú ý nhất là hai nơi này không thiếu gạo. Vậy tại sao giá gạo lại cao khủng khiếp, gần gấp đôi như thế? Và ai đã đủ khả năng để dám mua với giá cắt cổ đó? Thiết tưởng trong câu hỏi đó đã có sẵn câu trả lời rồi vậy!

Đến đây, tôi thấy còn cần phải bổ túc thêm một yếu tố quan trọng khác nữa liên quan đến  vụ tham nhũng cấu kết với gian thương cung cấp gạo cho VC suốt trong thời gian chiến tranh diễn ra trên toàn thể lãnh thổ miền Nam. Nên nhớ, từ thời đệ nhất CH, gạo và thuốc tây (đặc biệt  các loại thuốc trụ sinh, diệt trừ sốt rét, dịch tả, kiết lî v.v...) đều bị đặt trong tình trạng bị kiểm soát cực kỳ gắt gao, cấm chuyên chở từ địa phương này đến địa phương khác, nhắm mục đích ngăn ngừa chuyển lậu vào mật khu cho VC.

Mỗi quân khu, mỗi vùng chiến thuật đều có một Hội Đồng Bình Định để chuyên lo việc kiểm soát đó. Nhưng, chính vì căn bịnh tham nhũng thối nát trầm kha, lại thêm bị CS cài cán bộ vào nằm vùng ngay trong chính quyền trung ương, nên việc kiểm soát đã trở thành những trò chơi trẻ con, vô hiệu lực. Tôi còn nhớ khoảng đầu năm 1973, ngay sau khi hiệp định Ba Lê vừa bước vào giai đoạn chót, Nguyễn Văn Diệp, tổng trưởng kinh tế trong nội các của Trần Thiện Khiêm, vốn là một tên CS nằm vùng (muốn kiểm chứng về tên này xin đọc thêm tác phẩm “30 tháng 4” tuyển tập của nhà văn CS Vũ Trần Nhã, nhà xuất bản TPHCM. 85), đã tung ra một công điện cho tất cả các tỉnh, thị trên toàn quốc, chỉ thị giải tỏa việc kiểm soát gạo và thuốc tây (loại trụ sinh v.v...), có nghĩa là từ đây các thứ đó được mua bán và chuyên chở tự do. Hành động này rõ ràng là “đâm sau lưng chiến sĩ”. Vậy mà chẳng ai hay biết, chẳng ai lên tiếng?!

Nhân những chuyện kể trên đây, tôi xin hỏi ông cựu tr. tá H, em rể gộc chèo của tướng Huỳnh Văn Cao, hiện đang tác yêu tác quái ở Maryland, xem ai là người đã “bôi nhọ quân đội” và ai là người đã “đâm sau lưng chiến sĩ”?

Đặng Văn Nhâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002