Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

Có sắc đẹp nào không tàn phai nhưng...

TÌNH CÒN MUÔN THUỞ

  •  Ngắm bóng mỹ nhân xưa của chính mình, bà cụ 114 tuổi tâm tình với các thiếu nữ ngày nay.

Đời người sống đến tám chín mươi đã là dài. Chúc nhau 100 tuổi chỉ là một ước mơ ít người đạt. Thường khi cũng có một số hiếm hoi trong các bậc già cả vượt ngoài tuổi bách niên nhưng hầu hết đều mắt lòa tai điếc, đi đứng khó khăn. Giờ đây bước vào thế kỷ 21, y học tiến bộ đầy hứa hẹn: lùa xa bệnh tật, ngăn chận tình trạng lão hóa. Tuổi thất thập như mới thoạt bước vào ngường cửa trung niên, nâng cao tuổi thọ thông thường tới 130 năm!

Báo chí y khoa tây phương đã nêu trường hợp sơ khởi của cụ bà Jeanne Calment nước Pháp (hình) trong tuổi trời 114 mà vẫn khang kiện sáng suốt. Thuật chuyện lại cho thế hệ hậu sinh, có nhiều việc cụ nhớ rõ như vừa xảy ra. Cụ cho biết vào năm 14 tuổi, cụ được chứng kiến ngày lễ khánh thành tháp Effiel Balê. Năm 20, giữa tuổi đời hoa mộng thì cũng là thời điểm khai mạc nền điện ảnh thế giới, và vừa bước qua tuổi 40, cụ phải buồn khổ nhìn thấy cảnh nước Pháp thất trận trước quân Đức trong cuộc đại chiến thứ nhất.

Khi được hỏi về điều gì đã làm cho cụ tiếc nuối hơn cả trong suốt cuộc đời, cụ cười ý nhị mà rằng, đã gần 50 năm sau này, cụ muốn quên hẳn những loại cảm nghĩ như thế. Tuy nhiên, giá cố mà nhớ để kể ra thì đây là một: “vào năm 1888, tôi có ngồi làm mẫu cho nhà danh họa Van Gogh vẽ chân dung. Lúc ấy ông chưa có tiếng tăm gì hết. Chưa ai biết đến ông. Người họa sĩ nghèo ấy, danh không có, hàng ngày lang thang trên các đường phố, diện mạo xấu xí, râu tóc bờm xờm đến trẻ con cũng phát sợ. Giá như tôi đây tiên đoán được trước là Van Gogh sẽ trở thành danh sư vào thế kỷ này và tôi vẫn còn sống tới bây giờ thì chao ôi, tôi chỉ việc “giữ lại” vài bức họa của ông ta, tất tôi sẽ thành nhà triệu phú vào ngay lúc lớn tuổi nhất ở trần gian. Tôi là phụ nữ lại chẳng quan tâm đến mỹ thuật thì đã đành phận tôi, nhưng cái nhà ông bác sĩ của gia đình chúng tôi (cũng là người thầy thuốc chữa bệnh cho Van Gogh) lại nào có hơn gì chúng tôi?! Vì có lúc, để tạ ơn thầy trị lành bệnh cho, nhà danh họa kia có vẽ tặng bác sĩ bức truyền thần. Bức họa giống như người thật – chỉ có điều – hai bên gò má bác sĩ thì Van Gogh lại tô màu hồng. Do đó ông bác sĩ đâm “mắc cỡ” đem nó liệng vào buồng kho chứa đồ tạp nham. Giá mà ngày nay bức tranh ấy rớt vào tay ai thì giá trị có đến biết bao triệu triệu quan nhỉ?!”

Cụ Jeanne Calment đang sống trong trại dưỡng lão thường co thói quen chống gậy đi dạo chỗ này chỗ kia. Cụ ăn ngủ đều đặn và bữa nào cũng thấy ngon miệng. Mỗi buổi trưa, cụ nhâm nhi một ly rượu chát và chiều đến thì đổi thành ly Porto. Mỗi ngày cụ vẫn có cái thú hút một điếu thuốc lá thơm. Cụ chưa hề biết đến thuốc bệnh là gì. Sáng nào cụ cũng là người thức dậy sớm nhất. Và tối đến đi ngủ khuya nhất. Không có ngày nào cụ quên đọc kinh thánh. Đứng xa người ta vẫn nghe rõ giọng đều đặn quen thuộc của cụ cất lên. Cụ có hơi nghễnh ngãng nên cụ đọc lớn tiếng để có thể tự mình nghe tự lời mình thốt ra.

Khi người ta hỏi cụ Jeanne làm cách nào để giữ mãi được sức khỏe và sống lâu như cụ, cụ thành thật đáp: “Có lẽ là do nguyên nhân di truyền, mẹ tôi mất năm 90, cha tôi tạ thế tuổi 87, và anh tôi sống đến 98 tuổi. Chỉ chút xíu dòng họ tôi có 2 người sống tròn một thế kỷ đấy! Tôi thường soi gương thấy mình cười và miệng vẫn chưa đến nỗi méo xệch. Tôi lại không có nét nhăn nheo xệ xuống cuối đôi mắt. Còn ngực tôi ư, các cô không thấy sao, vẫn cứ như là đôi trái lê xinh xinh đấy chứ! Từ lúc còn con gái đến bây giờ tôi vẫn không thay đổi, người vẫn thon thon, không mập ra. Cả quãng đời trẻ đến tuổi trung niên, tôi hoàn toàn dùng dầu Olive nuôi da mặt, còn phấn thì ít lắm, chỉ thoảng qua thôi. Tôi chẳng hề đau ốm nhiều bao giờ. Bệnh tật cứ tránh xa tôi ngoại trừ một vài lần bị cảm cúm. Các bác sĩ cho rằng cơ thể tôi bị “điếc” nó trơ trơ trước mọi tiếng động của bệnh tật định xâm nhập vào tôi.

Tiếp xúc với cụ bà... nội tổ, cái điều trớ trêu nhất là đám chắt, cháu, chít,... vẫn tò mò hỏi về đời tình ái “lâm ly” thường có. Cụ Jeanne dí dỏm mà trang nghiêm bảo: “Khi còn trong tuổi thanh nữ tôi ưa nghịch ngợm quấy phá. Trái lại anh tôi hiền hòa dễ thương. Suốt cả ngày tôi hay ngồi cả ngày dưới các lùm cây mơ mộng. Cha tôi cấm đoán không cho đi chơi bên ngoài. Ông cụ lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần: Đợi khi nào con lấy chồng, con muốn làm tất cả những gì mà chồng con muốn. Bây giờ khoan đã. Tôi có một người anh họ xa Fernand – tên của chàng – thường đến nhà chúng tôi luôn, nhưng anh chẳng bao giờ thèm nhìn ngó đến tôi. Có lẽ vì thói quen, anh cứ coi tôi như “bé bỏng” lắm. Bỗng một hôm anh giựt mình ngạc nhiên chợt khám phá ra người thiếu nữ xuân thì. Không phải để tự khen, chứ tôi đẹp lại duyên dáng nơi vùng tôi sinh trưởng được tiếng là hoa khôi. Thế rồi hai chúng tôi yêu nhau và đám cưới được cử hành đúng năm tôi 20 tuổi. Áo của cô dâu bằng satin trắng tinh khiết. Không như thời buổi ngày nay, hầu hết cô nào cũng mặc đồ màu. Nhưng mà cũng phải thôi có mấy ai còn nguyên trinh nữa nhỉ. Thời đại gì mà con trai thì cần sa, ma túy, con gái thì dùng thuốc ngừa thai... Nhớ lại cái ngày tôi không còn trẻ cho lắm, có người thân đã hỏi tôi, tôi có bao nhiêu người yêu trong đời? Họ đâu biết rằng tôi chỉ có một. Một người tình nhân duy nhất và cũng là người chồng duy nhất mà tôi thiết tha yêu thương mãi mãi...”

Mạc Kinh

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002