Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

HƯƠNG SẮC QUÊ MÌNH

Lãng Nhân

LIỆT NỮ ẤU TRIỆU

Khi về nước, chí sĩ Phan Bội Châu bị chính quyền Pháp giam lỏng ở dốc Bến Ngự, Huế, trong ngôi nhà ba gian, chung quanh có sân và vườn nhỏ. Phía trái lối ra vào, sát tường rào, có một mái đình, giữa đề bốn chữ "Ấu Triệu bi đình" (Nhà bia Ấu Triệu) hai bên cột đề câu đối quốc văn:

Tơ nhân sợi nghĩa giây lưng trắng

Dạ sắt lòng son nết má hồng

Giữa đình là một tấm bia đá mặt trước khắc chữ nho, mặt sau khắc quốc ngữ như sau: Bia liệt nữ Ấu Triệu, người xã Thê Lại Thượng, phủ Thừa Thiên, năm canh tuất đời vua Duy Tân, bị bắt vì quốc sự, bị tra tấn hết sức tàn nhẫn, nhưng thủy chung không cung khai một lời. Ngày 16 tháng 3 năm ấy tự tử trong ngục. Các đồng chí nhờ vậy mà được thoát nạn. Than ôi quả là một liệt nữ. Sống vì nước chết vì nòi. Bà Trưng, cô Triệu, xưa rày mấy ai!

Hỏi ra mới biết Ấu Triệu là danh hiệu ông Phan đặt cho cô Lê Thị Đàn, con nhà tiền bối cách mạng Lê Xuân Uyên. Khi cha bị giam tại nhà lao Thừa Thiên, cô Đàn phải lui tới thăm nom. Vốn là một thiếu nữ đương thì xuân sắc lại có theo đòi bút nghiên nên sớm được đốc phủ họ Đinh, gốc Nam Kỳ, bấy giờ là viên chức cao cấp trong tòa Khâm sứ, để ý tới và hứa sẽ hết sức giúp cho thân phụ cô được tha, nếu ưng thuận làm tiểu tinh. Vì thương cha nuốt hận chốn lao tù, cô cũng nghĩ như nàng Kiều:

Dâng thư đã thẹn nàng Oanh

Lại thua ả Lý bán mình hay sao!

Thế là cô trở thành "Cô Đốc" sau khi cha được phóng thích. Chẳng bao lâu sau đó, đốc phủ phải đổi vào Sàigon. Nghĩ mình chút phận lẽ mọn, cô nhất quyết không theo chồng, ở lại với cha, tiếp tục chí hướng cách mạng. Để tiện liên lạc với các đồng chí của cha, cô mở một quán nước bên vệ đường An Hòa. Ỏ đây, một hôm cô gặp ông Phan. Rồi khi ông Phan sang Trung Hoa, được tin cô tuẫn tiết, ông viết trong tập “Việt Nam Nghĩa liệt sử” đoạn hồi ký được trong nước dịch lại như sau: Sau khoa canh tý tôi đỗ cử nhân rồi vào Huế, nói là để học trường Hậu bổ rồi ra làm quan. Nhưng thật ra là để tìm những người có tư tưởng trong học giới Việt Nam hồi ấy như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh và sĩ phu Trị Thiên. Nam Ngãi, nghĩa là tìm đồng chí cách mạng. Trên đường từ An Hòa về thị xã Huế, tôi thường nghỉ chân trong một quán bên vệ đuờng. Chủ quán là một cô gái trẻ đẹp, có tên là "Cô Đốc". Hỏi ra mới biết lai lịch đáng thương đánh kính của cô. Từ đó chúng tôi đã trở thành một cặp đồng chí cách mạng. Sau khi tôi qua Nhật vì phong trào Đông du, Cô Đốc hoạt động trong nước với nhiệm vụ vận động du học sinh và tài chánh trong hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Năm 1912, Việt Nam Quang Phục hội thành lập, lẽ tất nhiên cô là đảng viên Trị Thiên. Năm 1916, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục do vua Duy Tân lãnh đạo, với sự giúp sức của mấy ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề... bị thất bại cô Đốc bị Pháp bắt áp giải về Huế, giam tại nhà lao Phủ Thừa, tra khảo để tìm liên hệ tổ chức. Bị cực hình tra tấn, cô cương quyết không xưng ra một đồng đảng nào hay bộ phận nào của đảng. Rồi trong một đêm không sao, nhân lúc quân coi ngục ngủ say, cô Đốc xé áo làm dây, treo cổ lên song sắt nhà lao...

Cô Đàn hy sinh thân thế để cứu cha, lại có lòng quả cảm trung thành với đảng, tự hủy đời mình, gương dũng liệt thật đáng ca ngợi và kính phục. Song tặng cô danh hiệu Ấu Triệu (cô Triệu Thị Trinh nhỏ) đặt cái công bảo toàn cho đảng ngang với sự nghiệp đánh đông giẹp bắc của Hai Bà cùng cô Triệu, e có phần quá mức.

 

BÀ TÚ XƯƠNG VÀ BÀ PHAN BỘI CHÂU

Ông Trần Tế Xương, quán làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, sinh năm Canh ngọ (1879) mất năm Bính ngọ (1906) vốn là một tay hào hoa, văn hay chữ tốt, gặp khoa nào cũng:

Ta thấy người đi, ta cũng đi

Cũng lều cũng chiêú, cũng vô thi

lăm le bia đá bảng vàng cho sang mặt vợ, nhưng rồi chỉ mang về cho vợ được hai chữ "Bà Tứ” thôi nên đâm ra chơi bời khinh bạc. Có bài tự cười:

Lúc túng toan lên bán cả trời

Trời cười: thằng bé nó hay chơi

Cho hay công nợ là như thế

Mà vẫn phong lưu suốt cả đời

Tiền bạc phó cho con mụ kiếm

Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi

Còn dăm ba chữ nhồi trong ruột

Khéo khéo không ma nó lại rơi...

Tiền bạc phó cho con mụ kiếm tuy nói sỗ sàng thế nhưng thâm tâm vẫn nể vì, khen ngợi:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi dủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu dành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công!

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không...

Hai câu mỉa sau cùng hiển nhiên không phải lời bà Tú xỉa xói: là con nhà danh giáo ở làng nho học Lương đường Hải dương, trước sau bà chỉ cắn răng chịu đựng, đâu dám nói gì. Hai câu kia là ông Tú tự mắng mình quên nghĩa tào khang.

* * *

Bà Tú Xương cắn răng chịu đựng "một duyên hai nợ âu đành phận" cũng như bà Phan Bội Châu.

Bà Phan Bội Châu, khuê danh Thái Thị Huyên, con nhà nho Thái Văn Giai ở làng Diễn Lam, thôn Thục Nam, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, nguyên là bạn học của thân phụ ông Phan. Khi về làm dâu họ Phan, mẹ chồng đã khuất bóng, cha chồng bệnh hoạn, bà phải một thân gánh vác giang sơn: một giang sơn nghèo rớt mồng tơi. Chồng phải quanh năm dạy học nơi xa, có kiếm được đồng lương thì chiều đãi bạn bè chưa đủ, sau đó lại bôn ba nước ngoài, mãi đên khi bà vợ 60 tuổi mới gặp lại ông được nửa giờ, thì ông phải giải về Huế, bà ở lại Nghệ.

Đến ngày 22 tháng 5 năm 1936, bà từ trần, thọ 71 tuổi. Được tin báo, ông Phan khóc bà bằng hai cặp câu đối:

I

Ba mươi năm cầm sắt khéo xa nhau, mưa sầu gió thảm, chỉ bóng làm chồng, ngồi ngó trẻ con rơi lệ nóng

Dưới chín suối thân bang như hỏi đến, lấp biển dời non, nao ai giúp bác, chỉ còn mình lão múa tay không.

II

Tình cờ gặp khách năm châu, hơn ba mươi năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, ngậm đắng nuốt cay tròn đạo mẹ

Khen khéo giữ nền tứ đức, ngoài bảy chục tuổi sống đau hơn chết, thôi về mau cho khỏe, đền công trả nợ nặng vai con...

Và ông kể lại lai lịch cho các con nghe như sau:

Này con, các con ơi,

Cha e chết ở ray mai, có lẽ mẹ mày không được một phen gặp nhau nữa... Nhưng nếu Trời thương ta, cho hai ta đồng chết, thì gặp nhau dưới suối vàng, cũng vui thú biết chừng nào!

Song đau đớn quá, mẹ mày e chết trước ta. Ta bây giờ nếu không chép những việc đời mẹ mày cho chúng con nghe, thì chúng con rồi đây không rõ mẹ mày là người thế nào, có lẽ bảo: mẹ ta cũng như người thường thảy cả.

Than ôi, ta với mẹ mày "vợ chồng thật" gần năm mươi năm, mà "quan, quả" gần bốn mươi năm: khi sống chẳng mấy hồi tương tụ, tớt chết lại chỉ tin tức nghe hơi...

Chúng mày làm con người, đã biết nỗi đau đớn của cha mẹ, chắc lòng con thế nào mà an thích được.

Nay ta, trong lúc sắp sửa chết mà chưa chết, đem lịch sử mẹ mày nói cho hay:

Mày nên biết: nêú không có mẹ mày thì chí của cha mày đã hư những từ lâu rồi.

Cha ta với tiên nghiêm của mẹ mày xưa, đều nhà nho cũ, rất chăm giữ đạo đức xưa. Mẹ mày lớn hơn ta một tuổi. Hai ông đính thông gia với nhau từ khi ta mới lên một.

Tới năm hai mươi ba tuổi, mẹ mầy về làm dâu nhà ta. Lúc âý, mẹ ta bỏ ta đã tám năm rồi, trong nhà duy có cha già với em gái bé. Ta vì sinh nhai bằng nghề dạy trẻ, luôn năm ngồi quận ở phương xa, cái gánh sớm chiều gạo nước gửi vào trên vai mẹ mày.

Cha ta đối với dâu con rất nghiêm thiết, nhưng chẳng bao giờ có sắc giận với mẹ mày.

Cha ta hưởng thọ 72 tuổi, song bị bệnh nặng từ ngày 60. Liên miên trong khoảng 10 năm những công việc thuốc thang hầu hạ bên giường bệnh, cho đến các việc khó nhọc nặng nề người ta không thể làm được, thảy dều tay mẹ mày gánh vác. Kể việc hiếu về thờ ông cha như mẹ mày thật là hiếm có. Trước khi cha ta lâm chung vài phút đồng hồ, gọi mẹ mày bồng mày đến cạnh giường dạy ta rằng:

_ Ta chết rồi, mày phải hết lòng hết sức dạy cháu ta, và hết sức thương vợ mày. Vợ mày thờ ta rất hiếu chắc trời cũng làm phúc cho nó.

Xem lời nói lúc lâm chung của cha ta như thế, cũng dư biết nhân cách của mẹ mày rồi. Năm cha ta sáu chục tuổi, còn hiếm cháu trai, vì ta lại là con độc đinh nên cha ta khát cháu lắm. Mẹ may muốn được chóng sanh trai cho bằng lòng cha, nên gấp vì ta cưới thứ mẫu mày. Chẳng bao lâu em mày sinh. Trong lúc thằng cu mới ra đời, mẹ mày gánh việc ôm ấp, đùm bọc hơn một tháng.

Cha ta được thấy cháu đầu hoan hỉ quá, thường nói với ta rằng:

_ Ta chỉ còn việc chết chưa nhắm mắt được là mày chưa trả cái nợ khoa danh mà thôi...

Mẹ mày nhân đó càng cảm đức thứ mẫu mày thân yêu hơn chị em ruột. Kể đức nhân ái với người phận em như mẹ mày cũng ít có.

Cứ hai chuyện trên, bảo mẹ mày là hiền, về thời trước ắt không quá đáng. Nhưng mà bắt buộc ta trọn đời ghi nhớ luôn luôn, thì lại vì một việc:

Nguyên nhà ta chỉ có bốn tấm phên che sương, chẳng bao giờ chứa gạo tới hai ngày. Ma vì trời cho ta cái tính quái đặc, thích đãi khách, hay làm ơn. Hễ trong túi được đồng tiền, thấy khách hỏi tức khắc cho ngay. Thường khi từ quận về nhà, khách hoặc năm sáu người, có khi mười người chẳng hạn, mà chiều hôm sớm mai, thiếu gì tất hỏi mẹ mày. Mẹ mày nào có gì đâu! Chỉ dựa vào một triềng hai thúng từ mai tới hôm, mà cũng nghe chồng đòi gì thì có nấy. Bổng dạy học của ta tuy khá nhiều, nhưng chưa đồng xu nào mẹ mày được xài phí. Khổ cực mâý cũng không sắc buồn, khó nhọc mấy cũng không tiếng giận.

Từ ta ba mươi sáu tuổi cho tới ngày xuất dương, những khi kinh dinh việc nước, mẹ mày ngầm biết hết mà chưa từng hé răng một lời.

Duy có một ngày kia, tình cờ ta ngồi một mình, mẹ mày đứng dựa cột kế một bên ta mà nói:

_ Thày toan bắt cọp đó mà! Cọp chưa thấy bắt, mà người ta đã biết nhiều. Sao thế?

Mẹ mày nói câu đó mà lúc đó ta làm ngơ, ta thiệt dở quá! Bây giờ nhắc lại trước khi ta xuất dương, khoảng hơn 10 năm nghèo khó lại bạn bè nhiều, vậy mà vững chí trong khốn cùng, một phần lớn là nhờ ơn mẹ mày.

Tới ngay ta bị bắt về nước, mẹ mày gặp ta một lần ở Nghệ, hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ có một câu nói với ta rằng:

_ Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay được một lần gặp thầy, lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây về sau, thày làm gì tùy thày, đừng nghĩ gì tới vợ con. Chỉ mong thày giữ được lòng xưa là đủ.

Hỡi ơi, câu nói ấy bây giờ còn phảng phất bên tai ta, mà té ra ta chầy chà năm tháng, chẳng làm một việc gì, chốc đã chẵn mười năm! Nay mẹ mày chết trước ta, trách nhiệm của ta e còn nặng thêm mãi mãi.

Suối vàng quạnh cách, biết lối nào thăm

Đầu bạc trăm năm, còn lời thề cũ

Mẹ mày thật chẳng phụ ta, ta phụ mẹ mày!

"Công nhi vong tư, chắc mẹ may cũng lượng thứ cho ta chừ...

(Bản dịch nguyên văn chữ Hán của Tùng Lâm Lê Cương Phụng)

“Chỉ mong thày giữ được lòng xưa”, lời dặn lại nghe đơn sơ mà thật đanh thép, khiến nhà chí sĩ sau này tránh xa những cám dỗ của Pháp, tìm quên lãng trong kinh kệ:

Vàng khê trắng toát khác đôi bên

Thôi mặc ai chê, mặc tiếng khen

Sông núi lỡ làng màu lịch sử

Gió trăng chờn chợ mối lương duyên

Khó long lay nổi lòng son sắt

Chẳng hổ ngươi vì tiếng bạc den

Ba chén xong rồi ai nấy bạn?

Một pho kinh Phật, một cây đèn...

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002