Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

QUANG DŨNG VỐI BÀI THƠ TÌNH CẢM LÃNG MẠN TUYỆT TÁC THỜI KHÁNG CHIẾN ”QUÁN BÊN ĐƯỜNG” CHỨA ĐỰNG MỘT MỐI TÌNH THƠ MỘNG NHƯNG VẪN ĐẪM MÁU VÀ NƯỐC MẮT!

  • CÁC NHÀ SOẠN KỊCH CẢI LƯƠNG NÓI: “TÌNH CHỈ ĐẸP KHI TÌNH DANG DỞ”. NHƯNG THEO TÔI: TÌNH CỦA THANH NIÊN NAM NỮ V.N. THỜI KHÁNG CHIẾN CHỈ ĐẸP KHI ĐẪM MÁU VÀ NƯỐC MẮT CHIA LY!

  • GIAI NHÂN TUYỆT SẮC TRONG BÀI THƠ “QUÁN BÊN ĐƯỜNG” HIỆN LÀ MỘT LÃO BÀ ĐANG SỐNG LƯU VONG Ở HK!

ĐẶNG VĂN NHÂM (kỳ 6, tiếp theo)

 

CHUYỆN MỘT BÀI THƠ

Mới đây trong một dịp tới thủ đô ánh sáng Ba Lê, tôi lại có dịp gặp nhạc sĩ Trịnh Hưng. Ngồi trong quán cà phê quen thuộc ấm cúng ở góc đường Tolbiac, qua khung cưả kính chúng tôi nhìn mưa xuân rơi lấm tấm mà chẳng ai nói với nhau một lời nào. Dường như anh Trịnh Hưng cũng đang thả hồn về dĩ vãng theo hương khói cuả tách cà phê thơm với điếu thuốc lá gần tàn. Riêng tôi, lúc bấy giờ những giọt mưa xuân trên đường phố Ba Lê cũng khiến tôi đang bâng khuâng chạnh nhớ đến quê nhà ở Ngọc Hà, Hà Nội, vào thời thơ ấu, mà nay đã hơn nưả thế kỷ trôi qua vẫn chưa từng được một lần về thăm lại.

Bỗng anh Trịnh Hưng lên tiếng :

_ “Này  anh Nhâm, loạt bài viết về thi sĩ Quang Dũng đăng trên báo Đại Chúng dường như cũng được nhiều độc giả ưa chuộng lắm đấy?!”

_ “Đúng vậy. Nhất là những anh chị em lưá tuổi chúng mình là những người thời trai trẻ đã trải qua cuộc kháng chiến muà Thu cuả dân tộc. Có mấy anh chị đã điện thoại cho tôi kể rằng loạt bài Quang Dũng đã khiến các anh các chị ấy bừng sống lại thuở đôi mươi trong không khí kháng chiến, đầy gian nguy nhưng rất hào hùng và lãng mạn ở liên khu 3...”

Cuộc đối thoại bất ngờ khựng lại trong giây lát ngắn ngủi. Vì khi nhắc đến cuộc kháng chiến muà Thu cuả dân tộc, bỗng tôi đã chợt nhớ đến một bài thơ tuyệt tác khác cuả thi sĩ Quang Dũng. Tôi hỏi:

_ “Ngoài những bài Tây Tiến và Đôi Mắt Người Sơn Tây... tôi nhớ anh Quang Dũng còn có một bài thơ nổi tiếng khác là bài ” Quán Bên Đường”. Nhưng tôi rất tiếc chỉ còn nhớ được lõm bõm. Không biết anh có nhớ hết không? Và anh có biết vì sao mà anh Quang Dũng đã làm nên bài thơ đó không?”

_ “Tôi thuộc lòng bài ấy không sót một chữ ”. Anh Trịnh Hưng đáp. Và dường như khi tôi hỏi đến nguyên nhân tạo ra bài thơ “Quán Bên Đường” đã bất ngờ chạm đúng vào một đầu mối ẩn ức đã chất chứa thầm kín lâu năm trong tâm tư cuả anh, nên anh đã tuôn ra thẳng một tràng những chuyện liên quan đến bài thơ này. Anh hậm hực nói:

_ “Anh Quang Dũng đã làm bài thơ đó là do cám cảnh cuộc đời cuả một trang giai nhân tuyệt sắc mà đa truân, bị trôi nổi trong giòng định mệnh  cùng với những sóng gió dồn dập cuả lịch sử dân tộc. Nhưng hiện giờ trang giai nhân ấy đã trở thành một lão bà hãy còn sống ở Mỹ, trong mái gia đình ấm cúng với con cháu...

Nhắc đến chuyện này tôi lại bực hai tên Duyên Anh và Lô Răng Phan Lạc Phúc đã viết bậy viết bạ. Không biết thì thôi đi...”

Ngừng một lát  như để ôn lại ký ức, anh Trịnh Hưng kể tiếp:

_ “Năm 1993, khi tôi mới qua Pháp tị nạn được vài năm, tôi có đọc một bài của Duyên Anh viết về Quang Dũng đăng trên một tờ báo nọ ở Wichita, HK. Trong bài này, Duyên Anh có đề cập đến bài Quán Bên Đường. Nhưng anh ta lại chú thích thêm ra điều thông thạo là thi sĩ Quang Dũng đã sáng tác bài Quán Bên Đường nhân một chuyến đi công tác qua tỉnh Tuyên Quang, vào nghỉ uống nước cuả một cô chủ quán người Hà Nội. Vì cuộc gặp gỡ với giai nhân hôm đó mà thi sĩ Quang Dũng đã cảm tác nên bài thơ ấy.

Đọc xong, tôi nghĩ là Duyên Anh chưa hề gặp và không biết mặt mũi Quang Dũng như thế nào.Vì năm đó Duyên Anh mới chừng lên chín hay lên mười gì đó, còn mặc quần đùi, chạy đánh đinh đánh đáo ở nhà quê thôi. Về sau này, lớn lên, Duyên Anh mới có dịp đọc bài thơ đó rồi tự ý suy diễn ra và cứ tưởng là vào thời kháng chiến ai cũng đều ở Việt Bắc cả!...

Trường hợp thứ hai, cách nay vài năm, tôi lại được đọc tờ bào Ngày Nay ở Texas có ông Lô Răng viết về Quang Dũng với bài thơ Quán Bên Đường, và vẫn chú thích giống như Duyên Anh, trong mục tản mạn muà hè. Đọc bài của Lô Răng tôi cũng biết ngay là anh này cũng chưa từng quen biết gì Quang Dũng hết cả, và chỉ nghe ai đó đọc lại bài đó. Nhưng tai hại ở chỗ là: người đọc bài thơ cuả Quang Dũng cho Lô Răng chép lại nhớ sai một vài chỗ và bỏ sót cả một đoạn. Thành thử bài thơ do Lô Răng cho in trên tờ Ngày Nay đã chẳng ra làm sao cả.

Về sau tôi có gặp anh Lô Răng ấy một lần vào ngày sinh viên làm kỷ niệm 50 năm quốc kỳ VN. Hôm ấy sinh viên có nhờ tôi làm cho một bài ca chính thức để đem ra ca hát. Sau khi sinh viên đã hát xong bản nhạc cuả tôi, bỗng tôi thấy có một anh cũng gần tuổi tôi đem bản nhạc lại xin tôi chữ ký và xưng danh là ký giả Lô Răng. Dịp này tôi mới nhớ lại bài anh ấy viết về Quang Dũng cùng với bài thơ Quán Bên Đường mà anh ta đã trích đăng trên báo Ngày Nay. Tôi liền hỏi thẳng:

_ “Chắc anh không có quen biết gì Quang Dũng phải không?”

 Anh ta gật đầu.

Sau đó tôi mới nói cho anh ta biết hai điều: Trước hết anh ta đã viết sai về người đàn bà trong Quán Bên Đường, kế đó là anh đã chỉ nghe người ta đọc lại bài thơ ấy, nên anh đã ghi chép sai sót nhiều chỗ quan trọng. Như vậy, coi như là anh ta đã tự tiện sửa thơ cuả Quang Dũng rồi. Tiện thể tôi cũng đã cho anh Lô Răng biết tôi là người em kết nghĩa cuả anh Quang Dũng. Tôi đã từng ở chung với anh Quang Dũng trong kháng chiến. Hơn thế nưã, tôi còn quen biết rất thân cả với cô gái chủ quán mà anh Quang Dũng đã tặng bài thơ đó. Ngoài ra, tôi còn cho  anh Lô Răng biết thêm: Hiện thời người phụ  nữ nhan sắc chủ quán bên đường ấy đang còn sống sờ sờ ở HK mà anh lại viết là thi sĩ Quang Dũng đã làm bài thơ đó để tặng cho một cô gái nào đó ở Tuyên Quang, chắc sẽ làm cho bà ta buồn lắm!”

Lại ngưng thêm một lát nưã rồi anh Trịnh Hưng mới nói tiếp:

_ “Bây giờ nhắc lại chuyện này, tôi có ý muốn kể hết đầu đuôi lịch sử bài thơ Quán Bên Đường cùng với mối tình thơ mộng, nhưng đầy rẫy ngang trái, và cuối cùng đã chấm dứt một cách bi thương trong máu và nước mắt giưã khung cảnh đổ vỡ hoang tàn, xác xơ của cuộc chiến chống ngoại xâm cuả dân tộc, để anh  viết lại cho hậu thế và ghi một bằng chứng xác thực cho lịch sử văn học thời kháng chiến. Vì ngoài những sai lầm cuả Duyên Anh và Lô Răng như đã nói, tôi còn nghe ở Mỹ có kẻ đang kiếm ăn bằng cách quật mồ các văn nghệ sĩ tài danh đã quá cố, sẽ khai thác chuyện của Quang Dũng để kiếm tiền. Tôi sợ bọn con buôn chữ nghiã ấy, vì không biết gì về Quang Dũng, sẽ viết bậy viết bạ, khiến cho đau lòng những người trong cuộc còn sống - như chị Nhật Akimi, một giai nhân hồng nhan đa truân -, và làm tủi vong linh người đã quá cố.

Tôi đặc biệt ký thác chuyện này cho anh, và hy vọng sau khi đã hoàn tất toàn bộ, anh sẽ cho quyển sách viết về Quang Dũng, với tất cả sự thật không ai có được, ra đời để độc giả  hải ngoại thưởng lãm.  

 

CHIẾC QUÁN BÊN ĐƯỜNG

Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, anh Trịnh Hưng đã viết vội cho tôi cả một tập giấy hàng mấy chục trang chi chít, kể đầy đủ về lai lịch cuả bài thơ bất hủ Quán Bên Đường cuả thi sĩ Quang Dũng cùng với tất cả những tình tiết éo le cuả người đẹp Akimi, chủ nhân một ngôi quán lá nghèo xác xơ đã dựng vội bên bờ đê sông Đáy để đón khách qua đường, hay những chàng trai anh hùng ra đi theo tiếng gọi cuả núi sông.

Quán Bên Đường

Tôi lính qua đường trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu.
Giàn mướp nghèo không hưá hẹn bao nhiêu
Muà gạo đắt đường xa thưa khách vắng .

Em đắp chăn dầy, tóc em chĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng lên đôi má.

Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào, em đắp có hoa thêu
Hàng cuả em chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá.

Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cưả
Em tản cư, tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường

Tiền nước trả em rồi, nắng gắt
Đường xa xa mờ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương, mà em đâu có hay !

Quang Dũng

 

Từ bài thơ Tây Tiến, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Đôi bờ đến bài thơ này, Quang Dũng đã nói lên tất cả tình cảm đích thực cuả con tim mình. Trong thơ Quang Dũng, ta thấy có nhiều nhạc tính. Điều này cũng dễ hiểu vì chẳng những tác giả đã thạo về âm nhạc cổ điển VN lại giỏi cả âm nhạc Tây phương. Hơn thế nưã, đọc thơ Quang Dũng, tùy theo nội dung cuả mỗi bài, ta còn có thể hình dung ra được cả những bức tranh linh động đã được mô tả bằng lời, đúng như cổ nhân đã nói:” Thi trung hữu họa, hoạ trung hữu thi” (trong thơ có hoạ, trong hoạ có thơ). Đây là câu nói của cổ nhân đã khen Vương Duy, còn gọi là Vương Ma Cật, vốn là một thiên tài xuất chúng, vưà làm thơ rất hay lại vẽ rất đẹp. Đọc thơ ông trong tác phẩm “Võng Xuyên” người ta tưởng như đang  xem một bức tranh tuyệt tác linh động.

Ta nên biết, trước kia, khi còn là sinh viên, Quang Dũng đã từng theo đuổi môn hội hoạ ở trường cao đẳng Mỹ Thuật ở Hà Nội cùng với Nguyễn Tường Tam.

Đó là nói về hình thức và bút pháp cuả thi sĩ, còn về phần nội dung, ai cũng phải nhìn nhận bài thơ Quán Bên Đường đã biểu lộ trung thực một tình cảm thanh cao và đẹp đẽ cuả người nghệ sĩ chân chính. Bởi thế nên đã có nhiều người từng thuộc nằm lòng bài thơ này, không sót một chữ.

 

NGƯỜI ĐẸP CHỦ QUÁN LÀ AI?

Theo lời nhạc sĩ Trịnh Hưng, vốn đã quen biết thân tình với tất cả những nhân vật liên hệ tới chiếc quán nghèo bên đường thời kháng chiến ở liên khu 3 kể lại thì, người đẹp chủ cái quán lệch tường xiêu kia là một thiếu phụ năm ấy mới khoảng ngoài 20 tuổi. Nhưng không ngờ giai nhân lại còn trẻ hơn tuổi đời rất nhiều. Nhìn dung nhan và thân thể cuả nàng không một ai có thể đoán được nàng đã có đến ba con!  

Đến cả danh tánh cuả nàng cũng khá đặc biệt. Khuê danh nàng là : Nhật với ngoại hiệu là Akimi. Nhưng không hiểu tại sao hầu hết những người quen biết thường gọi nàng là Akimi chứ không mấy ai chịu dùng đến khuê danh cuả nàng. Lai lịch cuả cái tên thuần tuý Phù Tang ấy chúng tôi sẽ đề cập đến trong một chương sau. Bây giờ ta hãy biết, ngay từ khi khởi đầu cuộc kháng chiến muà Thu của toàn dân Việt, xã hội VN đã trải qua nhiều biến chuyển trọng đại ảnh có tầm hưởng sâu xa đến cuộc sống cuả nhiều gia đình và làm thay đổi  cuộc đời cuả nhiều con người, nhất là giới phụ nữ nhan sắc chân yếu tay mềm. Trong số đó có người đẹp tên Akimi. Nàng vốn là gái thị thành, nhưng gặp buổi loạn ly, nàng đã trôi giạt về đây từ năm 1947, mở quán nước bên đường làm kế sinh nhai. Chiếc quán lá đơn sơ cuả nàng đã được dựng vội lên bên bờ đê con sông Đáy, mà tên địa phương gọi là Kinh Đào, thuộc tỉnh Hà Đông, phủ Ứng Hoà.

Trước quán cuả nàng là con sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc. Bên kia sông là làng Tía Từ Dương, một làng quê trù phú, nơi thường họp những phiên chợ lớn nhất trong vùng. Vì thế nơi đây còn có một bến đò tấp nập đưa khách sang sông họp chợ. Bến đò này gọi là bến đò Tiá. Qua bên làng Tiá, đi độ gần một cây số nưã, người ta tới một xóm đạo có một ngôi nhà thờ lớn gọi là Cả Miêng. Nếu người khách bộ hành vui chân đi thêm một cây số nưã thì tới Quán Tròn, nơi quê hương cuả ông Bùi Tín. Nhưng nếu người ta còn đủ sức đi thêm hai cây số nưã, thì sẽ đến thị trấn Vân Đình. Nơi đây, lúc bấy giờ, đang có rất đông người Hà Nội tản cư sinh sống và buôn bán khá sầm uất.

Ngoài tấm nhan sắc xinh đẹp trời cho với làn tóc mây óng ả đen mượt phủ xuống tận gót chân, mỗi khi tắm gội nàng đã phải đứng trên giường cao để chải tóc mà ngọn tóc vẫn còn chấm đất, Akimi lại còn tỏ ra là người hiền hậu, vui tính và nói chuyện có duyên, nên đã được rất nhiều người yêu mến. Riêng giới thanh niên thời bấy giờ, ai đã gặp nàng một lần đều không khỏi có cảm giác ngất ngây và nhận ra rằng quả thực ” má hồng không thuốc mà say”!

Nhưng phần đông thanh niên đã ”trồng cây si ” chung quanh Akimi, trong chiếc quán nghèo bên con sông Đáy ấy, đều là những chàng trai Hà Nội đã ra đi theo tiếng gọi cuả sơn hà nguy biến. Thậm chí có người đang phục vụ ở các cơ quan xa xôi, mỗi lần đi công tác, nghe đồn bên bờ đê sông Đáy có chiếc quán lá vách đổ tường xiêu cuả Akimi, người đẹp Hà Nội, cũng phải cố tìm mọi cách tạt vào quán, nghỉ chân trong giây lát, để thưởng thức dung nhan cuả nàng, và trao đổi vài câu chuyện vu vơ, uống ly cà phê hay phì phèo điếu thuốc Cotab từ vùng tề gửi ra...

(còn tiếp)

ĐẶNG VĂN NHÂM

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002