Đại Chúng số 75 - phát hành ngày 15-6-2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trúơc)

Mặt trời vừa xế bóng, Sùng Thực đã đến ngay sân trường chợ Huyện thì cũng đúng lúc Ngọc Phụng rời khỏi lớp ra về. Chàng lẻo đẻo theo sau đợi qua khỏi ngôi quán cốc ven trường mới khẽ lên tiếng gọi:

    _ Ngọc Phụng!

    Nghe gọi tên mình, Ngọc Phụng vội quay đầu lại. Bốn mắt gặp nhau, mừng mừng tủi tủi không nói nên lời, chỉ nhìn nhau qua màn lệ. Mãi hồi lâu, khi hai người đi sát bên nhau, Sùng Thực mở miệng hỏi:

    _ Nghe ba... bảo là em rất hoan hỉ khi nghe tin anh sắp xuất ngoại du học phải không?

    _ Dạ... vâng, em... em mừng lắm!

    Tuy Ngọc Phụng tỏ bày như vậy song giọng nói của nàng cũng đủ cho Sùng Thực suy đoán được tâm trạng của người yêu như thế nào rồi, bèn nắm tay khẽ bảo:

    _ Ngọc Phụng à! Nếu em không đồng ý thì anh sẽ không đi...

    Ngọc Phụng vội lau nước mắt đáp lại:

    _ Không... không..., em không có ý đó! em mừng lắm...

    Sùng Thực nhìn thẳng vào mặt người yêu chậm rãi nói:

    _ Ngọc Phụng à! Anh có điều yêu cầu nơi em... chẳng biết em có chấp nhận không?

    _ Anh cứ nói... em sẵn sàng làm bất cứ điều gì anh cần đến.

    Sùng Thực ngập ngừng, mãi giây lâu sau mới mở miệng:

    _ Anh muốn chúng mình làm lễ cưới trước khi anh lên đường đi du học...

    Ngọc Phụng trố mắt ngạc nhiên:

    _ Chúng mình làm lễ thành hôn?

    _ Vâng, làm lễ thành hôn. Em đồng ý chứ? Chúng mình sẽ làm lễ cưới trước khi anh lên đường...

    _ Việc đại sự này cần có ý kiến nội. Với em, thì anh khỏi phải lo. Miễn nội đồng ý thì cha mẹ em cũng vâng lời...

    _ Sở dĩ anh có ý định tổ chức lễ cưới sớm là muốn em thay anh săn sóc ba má trong thời gian anh đi tu nghiệp. Hơn nữa, anh cũng muốn em được yên lòng...

    Nhìn thẳng vào mặt Sùng Thực, Ngọc Phụng nói bằng giọng đầy sự tin tưởng:

    _ Em thì chẳng có gì là không yên tâm cả. Em hoàn toàn tin cậy nơi lòng chung thủy của anh.

    Sùng Thực nắm tay người yêu, bằng giọng chân thành:

    _ Phần anh,thì lúc nào và bao giờ cũng cũng yêu em, xem em là người bạn đường duy nhất của thủa ban đầu và cũng chính là người vợ duy nhất cho đến suốt cả cuộc đời của mình. Anh muốn chứng minh điều đó bằng mối tình khắn khít, để cho đám bạn bè của chúng ta biết rằng giờ đây hai đứa chúng ta đã trở thành vợ chồng thật sự, vĩnh viễn sống bên nhau đến răng long đầu bạc...

    Ngọc Phụng như không dằn được nỗi xúc động, nàng để mặc hai giòng lệ lăn tròn trên đôi má, nghẹn ngào nói:

    _ Sùng Thực! em hiểu ý anh. Em biết anh thật sự yêu em... Em luôn luôn cầu xin Tiên Cô hãy phù hộ cho mối tình đôi ta trọn đời keo sơn gắn bó. Nhưng... anh ơi! em có linh cảm...

    _ Linh cảm thế nào?

    _ Linh cảm... mà thôi... hãy quên đi và mong rằng linh cảm của em không bao giờ lại trở thành sự thật.

    _ Đừng nói gỡ em ơi! Ba năm đi tu nghiệp kể cũng dài ghê, nhưng nếu chúng ta cứ xem đó chỉ là một thời gian ngắn ngủi thì... có gì đáng để cho chúng ta phải u buồn trông đợi... Thời gian như thể thoi đưa...em ạ! Em cứ yên lòng, hãy nghĩ ba thu như thể một ngày...

    _ Em vâng theo lời anh! Nhưng em chỉ xin anh một điều là thường xuyên viết thư về ba má cũng như cho em để được biết sức khỏe của anh trong thời gian ở chốn xa xôi đó.

    Đến ngả rẽ vào Lâm gia trang thì mặt trời đã xuống dưới chân đồi. Gió bắt đầu thổi mạnh khiến các thân lúa nặng trĩu hạt hoằng xuống nhấp nhô như những lượn sóng nhấp nhô trên mặt bể cả chiều hôm!

    Trên suốt đoạn đường từ ngả chợ huyện về đôi uyên ương chuyện vãn đủ điều về ngày cưới, về tình yêu nồng thắm luôn luôn như keo sơn thiết thạch... Cuối cùng họ cũng phải chia tay... Bóng đêm phủ lên vạn vật. Sao đã rựng mọc trên khắp vòm trời...

      * * * * * * * * * * * * *

 

CHƯƠNG CHÍN

    Hôm nay nhà họ Mã nhộn nhịp hẳn lên. Ngay trước cổng ra vào Quốc Trung cho kết cái tụi bằng vải tơ điều mà cụ Mã lúc sinh thời mua tận tỉnh Giang Tô mang về.

    Môt căn trại khá đồ sộ được dựng lên ngay trước sân. Chiếc đèn “mân sông” có nồi hơi sơn toàn đen trông hệt như một quả bóng lớn được treo ngay giữa trại dựng lên toàn bằng những tấm vĩ tre đã ngã màu đen sậm.

    Tuy ngày cưới tổ chức gấp rút, nhưng lễ cưới không kém phần linh đình. Dân miền quê chú trọng về nghi thức lễ nghĩa và rập theo khuôn sáo của đạo thánh hiền, vì vậy mà mọi việc đều trông nhờ chú Hồ.

    _ Cậu Sùng Thực nhà ta đã đỗ đến bảng nhãn, cử nhân, không phải là tầm thường. Nếu phải thời thì làm đến chức quan triều kề cận mình rồng hoặc ít ra cũng làm đến cấp đại chưởng quan, chứ không phải như các quan đầu tỉnh, đầu huyện... Cậu chăm học đỗ đạt thành tài như vậy chẳng những vinh danh nhà họ Mã mà cho cả trong làng ngoài xã ta cũng đều được thơm lây nữa... Vậy anh chị Quốc Trung nó nên cố gắng mà tổ chức lễ cưới sao cho đẹp mày đẹp mặt mới được, cho xứng đáng là cháu đích tôn của anh chị Mã...

    Và theo lời đề nghị của chú Hồ, Quốc Trung cho sắm sửa đủ mọi lễ vật đặt trong mấy quả sơn son thép vàng, bên ngoài phủ lên chiếc khăn tơ điều dán chữ “Hỉ” bằng loại giấy kim tuyến.

    _ Anh chị Quốc Trung nó phải lo sao cho đầy đủ tiền cheo heo cưới. Cái đó là sỉ diện của mình. Quan trọng nhất là quả vàng, quả bạc...

    _ Vậy theo ý chú phải bỏ quả là bao nhiêu?

    _ Vàng thì một cái kiền vàng hai lượng. Hai chiếc vòng xuyến chạm, nhẫn vàng một đôi, nếu cẩn được kim cương càng tốt bằng tiện tặn thì làm trơn khắc tên cho cô dâu chú rể cũng quí vậy. Bạc thì túc số hai ngàn. Cái gì cũng phải đủ đôi,đủ cặp để cầu xin ông Tơ bà Nguyệt cho đôi trẻ sống bên nhau đến răng long đầu bạc.

    _ Thưa chú, ngoài hai quả kim ngân còn những lễ lộc gì thêm nữa?

    _ Một con heo sống bỏ củi. Hai con ngang trắng mỏ vàng. Bốn cái ché Giang Tây cổ kính vẽ hình loan phụng, chứa loại mỹ tửu thượng hạng, đặt lên cái giá bằng gỗ mun đen bóng, do bốn tên trai làng lực lưỡng khiên. Hai mâm trái cây: một đào, một mận. Đào biểu trưng cho con gái. Mận biểu tượng cho con trai. Tám quả bánh sen đủ kiểu, đủ màu...

    _ Theo chú thì thằng Quốc Trung nhà cháu nó ăn vận Tây được không?

    _ Ấy! chớ bày đặt như vậy, người ta chê cười cho. Mình có quốc hồn quốc túy đâu phải là tầm thường như Man Di đời thượng cổ?! Nước ta có loại “xường xám”, có mũ “mã quạ”, có giày “làn lụ”, có quạt lông chim trĩ... Nền văn minh của nước ta còn cao hơn thiên hạ trên khắp thế giới này, chuyện gì phải mượn kiểu cách của mấy ông Hồng Mao, lúc nào cũng tròng cái thòng lọng tòn teng trước cổ! Chú bảo thật với hai cháu, điều đó là không nên. Có huông lắm! Như nhà họ Triệu, cưới cái thứ nữ sinh cho thằng con trai trưởng, cả ngày đeo cái thòng lọng trên cổ, rồi cuối cùng...nó thắt quách cái cổ đến le lưỡi ra mà chết! Anh Quốc Trung nó đi học xa không biết chứ bộ chị Thục Trinh quên rồi sao?

    _ Dạ, thưa chú, cháu nhớ. Chú nói vậy cũng phải.

    Thế là vợ chồng Quốc Trung bán đứt thêm mươi mẫu đất nữa để lo cho đám cưới được linh đình.

    Hôm lễ cưới có đến mười cặp người đi họ. Ngoài vợ chồng Quốc Trung, vợ chồng chú Hồ đi với tư cách mai dong, còn tám cặp khác đủ vợ đủ chồng, con đàn cháu lủ, lại toàn la những vị chức sắc trong làng trong xóm.

    Ngọc Phụng ăn vận áo cưới màu hoàng yến thêu loan phụng. Đầu đội mũ cườm trắng biểu hiệu cho sự trinh nguyên. Chân mang hài nhung màu đỏ tếch cườm xanh. Tuy chỉ chuẩn bị lễ cưới không đầy ba hôm mà các xã kế bên đều hay biết tấp nập kéo nhau đến xem đầy cả đường sá như ngày hội lớn. Ai cũng tấm tắc khen cô dâu vừa đẹp lại vừa giỏi dang chữ nghĩa.

    Đám cưới xong, Thục Trinh mới biết Ngọc Phụng không hề khuyên can Sùng Thực theo như lời mình căn dặn. Chưa hết niềm vui ngày cưới, lại sắp đến chuyện chia tay. Chỉ còn một tuần nữa, Sùng Thực phải lên đường, mà lần lên đường này phải đến tận bên kia bờ đại dương để tiếp tục học ba chữ nghĩa thánh hiền. Lần này, Sùng Thực không những phải xa cha mẹ mà còn xa cả người vợ mới cưới về đầu hôm sớm mai. Hương lửa còn chưa đượm mà đã vội chia tay. Nàng chẳng biết ai đã bày đặt ra làm gì mấy cái thứ hết bậc này sang bậc nọ, giờ lại vượt trùng dương xuất ngoại để tu nghiệp tu ngành... Rồi sau đó là điều gì sẽ xảy ra? Và, biết đến bao giờ nàng mới thực sự được sống đoàn tụ với con mình? Thì ra, theo Thục Trinh nghĩ khi con người quá đam mê điều gì cũng đều hóa ra thành ngu cả.

    _ Học cho chữ nghĩa ra da, để làm gì mới được? Văn hay chữ tốt, hay u mê ám chướng, cũng đều như nhau. Giàu sang danh vọng hay đói khổ nghèo hèn, tất cả đều như nhau, cuối cùng cũng phải buông tay nhắm mắt!

    Quốc Trung nhìn thấy vợ cứ gọi con trai lại chuyện vãn, hết hỏi chuyện này đến chuyện khác, bèn tìm cách khuyên can:

    _ Em nè! thằng Sùng Thực chỉ còn ở nhà mấy hôm nữa thôi, mình hãy dành tất cả thời gian còn lại để chúng được tận hưởng niềm vui hạnh phúc bên nhau. Chúng ta không nên làm mất cái khoảng thời gian quí báu đó, tội nghiệp cho chúng nó em à!

    Đưa mắt nhìn chồng với vẻ u buồn:

    _ Thì em cũng vậy. Em với Sùng Thực cũng chỉ còn mấy hôm nữa, thì cũng phải chuyện trò với nó. Chẳng lẽ em không được hỏi han chuyện vãn với con sao?

    Rồi như không thể dằn lòng được nữa, Thục Trinh òa lên nức nở khóc:

    _ Cái gì cũng do anh cả! Anh không cho nó đi... thì nó đâu có đi đâu được?! Em bảo một nó ở nhà, hai nó ở nhà, nó vẫn bảo làm cho ông vui lòng. Đâu có phải nó muốn rời bỏ cha mẹ, rời bỏ vợ mới cưới mà ra đi? Sở dĩ nó đành rứt cảnh ấm êm của gia đình đi ra ngoại quốc ăn học cũng chỉ vì anh... ép uổng nó...

    Nói đến đây, Thục Trinh lại ôm mặt khóc lên rưng rức.

    _ Thục Trinh à! Chẳng phải anh nhẫn tâm buộc nó phải rời xa nhà, nhưng vì tương lai của nó, vì xã hội nhân quần cần nó...

    Thục Trinh ngẩng mặt lên nhìn chồng tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

    _ Hả? Xã hội cần nó? Xã hội nào cần nó? Nó là con của chúng mình, mắc mớ gì xã hội với nhân quần?

    Quốc Trung mỉm cười, chàng không muốn giải thích nhiều lời với vợ có thể bị hiểu lầm, bèn ngõ lời xin lỗi:

    _ Anh lỡ lời khi nói không suy nghĩ, xin lỗi em... Nhưng em à! mình phải nghĩ đến tương lai sự nghiệp của nó,mà để nó ra đi... Chỉ vài ba năm thôi, rồi nó hãy về với chúng mình, với vợ con nó. Mình không nên giữ ru rú trong nhà mà làm mất đi tương lai rực rỡ của nó.

    _ Cái gì anh cũng có lý.

    Quốc Trung phân giải với vợ:

    _ Trên đời không gì quí bằng mở rộng được tầm mắt nhìn khắp đó đây, chẳng những ngay trong đất nước mình mà còn cả bao nhiêu cái hay cái đẹp trên khắp thế giới này nữa. Vợ chồng mình không thể đi đây đi đó thì tại sao mình không để nó được biết đó biết đây? Em nên biết chẳng được học...

    _ Chẳng được học gì cả...Tôi ân hận nhất sách vở. Chính vì sách vở đã hại thằng Sùng Thực của tôi.

    _ Anh chưa hề nghe ai bảo sách vở hại người bao giờ. Người có học thì thế nào tầm kiến thức cũng được rộng mở hơn ... Chỉ những kẻ...

    Nói đến đây, Quốc Trung bỗng ngừng lại. Lẽ ra Quốc Trung muốn nói “chỉ có những người ít có cơ hội đến trường mới bị thiệt thòi mà thôi.”

    Thục Trinh vốn bản chất đơn giản, không lưu ý đến lời lẽ chồng nói. Nói sao cũng được. Tha thứ vốn là bản tính của nàng.

    _ Mình nè!

    _ Em nói gì?

    Thục Trinh nắm lấy tay chồng:

    _ Bộ con mình không đi chẳng được sao?

    Mắt Quốc Trung bỗng gợn lên vẻ u buồn, khẽ gỡ tay vợ chậm rãi quay gót bước đi.

            * * *

    Sùng Thực đang dõi mắt nhìn đôi chim hoàng yến rỉa cánh cho nhau, nghe vợ hỏi vội lên tiếng:

    _ Em bảo gì anh?

    _ Anh có nhìn thấy hai con bướm kia không?

    Đảo mắt nhìn đôi bướm hoa đang nhởn nhơ bay lượn trên các cánh hoa hồng buổi sáng Sùng Thực gật đầu:

    _ Có, đời sống của đôi bướm hoa này nó đẹp đẽ làm sao? Em thích chúng mình mãi mãi thế không? Anh thì...cảm thấy thích được vĩnh viễn sống bên cạnh nhau, mỗi sáng ra vườn nhìn cảnh chim hót tíu tít trên cành, hay ngắm nhìn các cánh bướm khoe cái đẹp rực rỡ của nó. Lợt danh,danh lợi,giờ đây với anh nó chẳng có nghĩa gì cả!

            * * *

    Ngọc Phụng thuộc hàng gái có ăn học lại thừa thông minh, nàng biết Sùng Thực không muốn rời xa cuộc sống hạnh phúc như ngày nay. Mẹ chồng thì muốn giữ Sùng Thực lại, còn cha chồng lại khuyến cáo nàng phải động viên tinh thần Sùng Thực nên tiếp tục tìm cho mình một tương lai rực rỡ... Biết vâng lệnh bên nào? Được lòng mẹ chồng thì nàng sẽ tiếp tục đi dạy. Sùng Thực cũng sẽ kiếm một chân giáo học cũng tại chợ Huyện, sáng sáng sẽ cùng nhau sóng bước ra đi, chiều chiều sau khi bãi trường lại cùng nhau sánh vai ra về... Những đêm trăng sáng cùng nhau đưa ra vườn đào sau nhà mà ngâm thơ vịnh cảnh. Ôi! đẹp biết là bao! Nàng không cần nói một lời nào cả để cản ngăn chồng, chỉ một cái nhìn bằng đôi mắt dịu dàng cũng đủ nói lên: “Anh ơi! em mong muốn được như lời anh nói. Chúng mình sẽ trọn hưởng cảnh hạnh phúc bên nhau.” Nhưng... hình ảnh của cha chồng nàng chập chờn hiện lên trước mắt cùng với lời nói còn văng vẳng bên tai: “...Con hãy khuyến khích nó để đi tìm một tương lai rực rỡ... Xã hội đang hoài vọng nó... Con đừng để nó làm cho bác phải thất vọng, nha con, Ngọc Phụng”.

    Trước sau như một, Ngọc Phụng không một lời ngăn cản, mà cũng chẳng hề đề cập đến chuyện ra đi của chồng. Với nàng trong thời gian ngắn ngủi này chỉ biết quấn quít để tận hưởng niềm hạnh phúc vừa mới đến với mình. Ngày mai rồi ra sao, nàng không dám nghĩ đến! Nàng chỉ thầm cầu mong sao thời gian trôi đi chầm chậm lại. Hàng đêm mỗi lần giật mình sực tĩnh, nàng ngoảnh mặt nhìn chồng đang say ngủ mà lòng dấy lên nỗi buồn da diết! Mai kia, Sùng Thực sẽ lên đường. Thời gian học trình đã ấn định ba năm, ngày về tuy có xa xôi đó song vẫn có thể biết là bao lâu nữa mình sẽ được trùng phùng. Tuy nghĩ vậy song Ngọc Phụng vẫn âm thầm ưu tư cho số phận của mình. Ai có thể lường trước được việc gì sẽ xảy đến cho tương lai mình? Có ai học được chữ ngờ?

    Rồi nàng lại liên miên suy nghĩ đến cuộc sống cô đơn của chồng! Đã là con người làm sao tránh được cảnh trái gió trở trời? Nếu chẳng may gặp cảnh như vậy lấy ai săn sóc cho chàng? Nghĩ đến cảnh đoạn trường này quá xúc động nàng để mặc cho hai giòng lệ tuôn tràn trên đôi má!

    Se sẻ ngồi dậy nhìn ra khung sổ. Mắt nàng hướng về dãy núi từ phương xa ẩn hiện dưới bóng trăng khuya vằng vặc. Nàng bỗng nhớ lại bài thơ mà Sùng Thực thường ngâm nga mỗi lần nhắc đến cảnh chia tay ắp đến:

    Thanh sơn hoành Bắc quách

    Bạch thủy nhiễu đông thành.

    Thử địa nhất vi biệt

    Cô bồng vạn lý chinh.

    .....................

    (Rặng núi xanh xanh

    Hoành ngang ải Bắc

    Dòng sông trong vắt

    Uốn lượn Đông thành

    Một đi giả biệt đất lành

    Lẻ loi muôn dặm

    Cỏ Bồng rủi rong!)

    ......................

    Ý Du Tử: - Một tuồng mây nổi

    Tình cố nhân: - Bóng gội chiều hôm

    Ra đi, bạn vẫy tay buồn

    Thoảng nghe tiếng ngựa lìa đàn hí vang!

    Ngọc Phụng không ngờ mọi cử chỉ của nàng đều lọt vào mắt Sùng Thực.

    Biết vợ đang buồn về cuộc ra đi của mình sắp đến, Sùng Thực cảm thấy lòng mình se thắt lại. Chàng cảm thấy hoàn toàn nhụt chí. Một ý nghĩ thoáng qua “hay là mình thôi hẳn ở lại nhà” cùng vợ vui trọn vẹn với cuộc sống ấm êm trọn vẹn?!

    Trong lúc Sùng Thực cùng mọi người không ai mong muốn có buổi tiệc chia ly, thì Quốc Trung lại là người tỏ ra tích cực nhất, dùng trọn thời giờ của mình để lo sắp xếp mọi vật dụng cho con, kể cả các việc nhỏ nhặt nhất nữa.

    _ Thục Trinh nè! mình nên bỏ theo cho con một bao kim và vài trục chỉ Thượng Hải, nhiều khi cần dùng lắm đó!

    Vốn bản chất nhu mì, lúc nào Thục Trinh cũng chìu chồng, dù đang bất mãn trước cảnh sắp chia tay sắp đến do chồng sắp đặt, nàng cũng vẫn làm theo ý chồng, không bỏ qua lời đề nghị nào.

    _ Thục Trinh nè!

    _ Có em, anh bảo gì?

    _ Em hãy can đảm lên. Ngày sắp sửa lên đường của con mà em cứ để đôi mắt đỏ hoe như thế làm sao nó yên lòng ra đi được? Như vậy chẳng hóa ra mình chẳng thương con chút nào sao?

    Thục Trinh nhìn chồng bằng ánh mắt u buồn:

    _ Anh đâu có biết lòng dạ của em từ lúc biết được cục cưng lại phải lên đường xuất dương du học, đứt từng đoạn ruột! Rồi một ngày gần  đây em làm sao nhìn thấy được bóng con nữa?!

    Vừa nói, Thục Trinh vừa úp mặt vào giữa lòng hai bàn tay nức nở. Quốc Trung bực mình trách vợ:

    _ Tại sao lại không thấy? Em cứ khóc lóc mãi chỉ khiến cho con thêm mủi lòng, mủi dạ mà thôi! Làm cho con đau khổ lúc chia tay, như vậy có phải là thương con đâu? Mình thương con là phải làm sao cho nó vui vẻ ra đi, đừng để nó bịn rịn. Như vậy mới là thương chứ? Con Ngọc Phụng đó! nó đâu có khóc than như em? Nó đâu có khuyến khích chồng nó ở lại nhà để cùng sống cảnh hạnh phúc bên nhau? Nó vẫn vẫn vui vẻ nói nói cười cười! Em có thấy nó khóc lóc bao giờ không?

    Nhìn thấy sắc diện giận dữ của chồng, Thục Trinh đứng dậy lãng đi vào nhà bếp.

    Trong khi đó thì Sùng Thực cùng Ngọc Phụng đưa nhau vào động Tiên Cô, để thề nguyền lần nữa là sẽ trọn đời gắn bó bên nhau.

    Vừa vào động, Sùng Thực đã đến ngay trước bàn thờ Tiên Cô quì xuống dâng lên lời nguyền:

    _ Tiên Cô ơi! Con xin thề trọn đời thủy chung như nhất, vĩnh viễn sống cận kề và yêu thưng nhau trọn đời! Nếu con có sai lời ...thì trời tru đất diệt!

    Ngọc Phụng vội đưa tay bụm miệng chồng:

    _ Anh không nên thề độc... Em đâu có bảo là không tin anh?

    _ Nhưng để đảm bảo cho lời thề của mình nên anh phải hứa với Tiên Cô như vậy.

    _ Được rồi! em tin anh, mà cho dù anh có phụ em đi nữa, em vẫn yêu anh. Hình ảnh anh em mãi mãi khắc ghi trong tâm khảm. Tưởng từ ngay giờ phút này trở về sau chúng mình không nên nói mãi đến những lời lẽ phũ phàng nhau như vậy, nha anh! Nếu còn nhắc đến nữa Tiên Cô nghe được sẽ giận cho...

    Ánh nắng chiều chiếu thẳng vào miệng hang,len vào từng ngách đá. Bên ngoài tiếng chim ríu rít trên các cành cây vọng vào... Ngồi tựa vai bên nhau tuy ngoài miệng không nói thêm một lời nào, nhưng thật ra trong tâm tư cả hai đang dấy lên những cuộn sóng u buồn. Không biết trả qua trong bao lâu, Sùng Thực lên tiếng khẽ gọi:

    _ Ngọc Phụng nè! hay là...

    _ Hay là thế nào?

    _ Hay là anh thưa với ba anh, mình không đi nữa... Anh sẽ ở nhà vĩnh viễn với em...

    Ngọc Phụng trố mắt nhìn người yêu, đoạn bằng giọng cứng rắn:

    _ Thế có nghĩa là anh phản lại lời hứa với ba là sẽ ăn học thành tài để được góp phần xây dựng cho tương lai đất nước?!

    _ Nhưng với số vốn chữ nghĩa hiện hữu của anh, há không đủ góp mặt với xã hội hay sao?

    Ngọc Phụng nhìn Sùng Thực đáp:

    _ Em đâu có bảo là không? Tuy vân, nếu sau khi chúng ta rủ nhau vào động Tiên Cô trở về, anh rút lại ý định không xuất ngoại nữa, ba sẽ nghĩ gì về em? Phải chăng hẹp hòi và ích kỷ như trăm ngan kẻ tầm thường khác!

    Sùng Thực chặn lại:

    _ Không! anh sẽ giải bày tất cả nỗi lòng của mình cho ba thông cảm! Anh sẽ nói thẳng cho ba biết là tất cả chỉ vì anh không muốn, chứ không phải do sự ngăn cản của em!

    _ Nhưng anh quên rằng làm như vậy là bội ước với ba không? Có có hình dung được lúc đó ba buồn đến mức nào không? Sùng Thực, hãy nghe lời em một lần. Chỉ cần hy sinh vài ba năm nữa mà chúng ta có được tất cả,chẳng những riêng hạnh phúc của mình mà còn cho cả công cuộc được góp phần cho tương lai đất nước! Như thể không phải hoàn toàn trọn vẹn sao!

(còn tiếp)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002