Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

Nói chuyện với ảnh

SỐNG VỚI LOÀI VẬT THÚ VỊ HƠN!

Hà Ngọc

Tuần báo Đại Chúng số 75 vừa qua có đăng bài tường thuật về câu chuyện đáng tiếc xẩy ra trong một bữa tiệc cưới của người đồng hương tại Hoa thịnh Đốn, do từ thái độ khiếm nhã, vô ý thức của một thực khách - ô. Cựu Trung Tá T.H.H. (Xin không cần thiết nhắc lại. Là một cơ quan ngôn luận chủ trương phục vụ nghiêm chỉnh quyền sống tinh thần của đồng bào hải ngoại, chúng tôi thực tình không muốn dồn bất cứ một cá nhân nào xa rời danh dự dân tộc vào chốn đường cùng nếu họ biết nhìn nhận sai lầm đã có, và chịu hồi tâm sửa đổi).

    1. Nữ hoàng Alizabeth và con chó trung thành Corgi
2. TT Pháp Chirac đùa giỡn với Mascou và cho chó liếm mặt
3. Tài tử Alain Delon và cặp chó dữ Buck

Ở mục báo hôm nay, toà soạn ĐC chỉ xin sưu tầm một số hình ảnh có thật, và dựa theo sự việc, để luận về cái tâm lý thường có nơi “con người” sống trong xã hội loài người : Lắm lúc, gần gũi, chơi đùa với súc vật vẫn là điều thú vị hơn là tiếp xúc với một thiểu số cá nhân thiếu nhân cách làm người.

Vậy xin mời quý bạn đọc cùng cười vui trong chốc lát qua những tình tiết dưới đây :

Người Việt chúng ta cũng thích nuôi chó nuôi mèo trong nhà nhưng phần lớn là do thói quen, nhằm một hữu dụng nào đó. Đa số chúng ta không thực sự cưng chiều, gần với chúng, tìm ở chúng một niềm vui nho nhỏ, nhẹ nhàng. Một số ít người thì thích nuôi chim, mê say tiếng hót và sắc lông đẹp của loài chim. Chỉ với như vậy, họ đã được nhìn nhận là có khiếu nghệ thuật rồi. Còn với những ai bắt đầu quyến luyến với bầy cá vàng lượn tung tăng trong bồn nước, có núi giả sơn thì hầu như họ đã được người thiên hạ phong tặng cho 2 tiếng “dưỡng già” - có nghĩa là bóng hoàng hôn đời người đã bao phủ cuộc sống. Vui đấy mà cũng buồn đấy !

Người Tây phương khác vói chúng ta.

Phần đông, họ rất gần gũi loài vật, nhất là với mèo với chó. Họ tìm ở sự săn sóc, vuốt ve chúng như... tìm yêu, an ủi, và lạc thú.

Từ mọi giới triệu phú, tài tử điện ảnh và chính khách - đối với họ, giống vật vừa được nhắc tới, chính là người bạn tâm tình không cần thốt ra lời, hay người bạn đường dịu hiền khả ái không hề làm nghịch ý, phản bội. Đôi lúc, còn là những... đứa con ngoan. Họ đánh giá loài vật đúng mức và công bằng hơn chúng ta. Bằng chứng là, tiền nhân ta thường bảo: “Chơi với chó, chó liếm mặt”. Nhưng Tây phương không nghĩ vậy. Họ sung sướng với cử chỉ trìu mến mà loài vật dành cho chủ. Chẳng thế, xin hãy ngắm nhìn bức hình đương kim Tổng Thống Chirac (lúc còn là Thị Trưởng thủ đô Paris) in ở trang báo bên. Ông đã vô cùng thích thú để cho con chó Mascou gác hai chân lên vai, âu yếm liếm má ông. Nhà chính khách lãnh tụ ấy hầu như vui như chưa hề bao giờ được vui thế! Lại hãy xem nữ hoàng Elizabeth nước Anh với con khuyển Corgi trong lòng Bà, ngồi chung ghế với Bà. Chiếc ngai vàng đế vương đa đoan việc nước chỉ thực đem lại sự bình dị khi có con vật trung thành được nép một bên. Cựu TT phu nhân Danielle Mitterrand thì gần như không rời con Upsilon một khắc nào. Bà ngồi đâu thì khuyển ta cũng có một ghế kề cận. Cựu TT Pháp Giscard dõEstaing vô hình chung có cùng sở thích vớI TT Chirac. Ông yêu loài chó Labrador vô cùng. Ông chạy, đùa với một bầy Samba, Beauty, Ophélie (tên của chúng) trên bãi cỏ nơi vườn rộng và là thú tiêu khiển duy nhất của nhà chính khách lỗi lạc ấy.

Đối với Thái Tử Charles thì con khuyển Tigger thuộc loài Terrier với họa phẩm do chính tay ông tạo nên, là một. Họa chăng có giảm đi chút ít thiết tha, là từ ngày ông hoàng đa tình lao mình chạy theo bóng dáng người thiếu phụ Camilla ! Lúc còn sinh thời Công chúa Diana, không được tự do hẹn hò với tình nhân, Thái tử Charles thường tìm sự ẩn dật cuối tuần, giữa khung cảnh thiên nhiên cô đơn. Bên giá vẽ của ông, chú cẩu Tigger lặng lẽ gếch mõm nhìn chủ nhân phóng cây cọ, đưa mầu sắc vào tranh thì đó là điều gì thi vị, gợi cảm nhất cho nhà họa sĩ vương giả Charles.

      4. Ca sĩ Jackson chỉ chơi với vẹt lông trắng mỏ đen
5. Alizabeth Taylor ít khi chịu rời con Shitzu
6. Vị phật  sống Đạt Lai Lạt Ma và mèo mướp không tên
7. Thái tử Charles và Tigger

Nhưng rõ ràng, cứ nhìn ảnh thì biết người. Cựu TT phu nhân Hoa kỳ G. Bush 1 không chỉ nuông chiều thú vật. Tình mẫu tử còn hàm chứa trong phong cách của Bà. Đối với Bà, những con chó puppies vừa lọt lòng mẹ được Bà tận tình chăm sóc. TT phu nhân Bush (lúc lang quân còn ngồi ở Toà Bạch Ốc) mỗi lần đi xa, kể cả những chuyến công du thì bầu đoàn thê tử mẹ con nhà chó đều được đưa theo. Nào đố ai có thể nói khác được (nếu nhìn hình), với mái tóc bạc phơ, Bà đâu có xa cách với một bà nội bà ngoại đang thiết tha, ôm ấp các cháu vào lòng?!

Riêng với cựu TT Reagan và phu nhân, lại quý mèo hơn chó. Cặp Rancho del Cielo như những con chồn nhỏ, đuôi thật dài, mượt mà óng ả. Ông TT chồng, một thời quyền uy nhất thiên hạ chẳng biết ghê gớm đến thế nào, chứ cứ thoạt nhìn vào ảnh thì quả như lời đồn bên trong hành lang Bạch Cung, hễ có đôi phút rảnh rang là cả hai ông bà TT lại cuống quýt với cặp mèo Rancho. TT Reagan lật đà lật đật chạy đi kiếm chúng, tâng tiu chăm sóc. Ông tự cho đây mới là những thời khắc nghĩa lý của đời sống riêng tư bên cạnh đời sống nghĩa vụ đối với dân với nước.

Chuyện loài vật với người, ở những bậc tài danh lỗi lạc nhiều lắm, sưu tầm kể không siết. Ở đây, chỉ là những nét sơ lược, tổng quát. Có điều, nói chung, rõ ràng súc vật không... súc vật, như ở một thiểu số con người thường sống lẫn trong bàn dân thiên hạ chúng ta. Chúng tình nghĩa, thuỷ chung. Chúng không lọc lừa, phản trắc. Chúng không nhuộm lông, bôi mặt. Đen thành trắng, trắng thành đen. Vì là những con vật, chúng không thể gian dối như một vài chính khách hàng hai hàng ba thời trước nay léo hánh đến đất Ba Lê hoa lệ - trung tâm văn hoá của người đồng chủng VN sinh sống, bàn chuyện lịch sử. Lịch sử gì ? Phải chăng chỉ là những gọng kìm bẻ nát lịch sử nước nhà thành tro cám nữa ư ? Chúng không a tòng, phụ họa cắn xé đồng chủng. Uống máu đồng loại. Nhất định, những loài vật kia đã khác xa loài động vật... người, mà nhà văn già Lãng Nhân đã ghi lại trong bài Danh Ngôn với Danh Nhân đăng trong cùng số báo này. Nhà văn lão thành ấy, chỉ còn thiếu vài ba nấc thang tuổi đời nữa thì đạt tới đỉnh “bách tuế”. Cả đời, tiên sinh cầm bút, lương thiện. Chứng kiến, thông suốt chuyện Trăm Năm. Nào những tai to mặt lớn, thượng vàng hạ cám, tiên sinh đều biết rõ, nhớ rõ. Lòng dạ người đời xảo quyệt sao qua nổi mắt tiên sinh ? Cứ phải thật gần, mới nhận được rõ nét phục thiện, công bằng, đường hoàng ở nhà văn phong độ ấy. Xin nêu một việc làm bằng : Từ đã lâu rồi, tiên sinh bất phục nhà học giả cựu Thượng Thư Phạm Quỳnh, cho rằng nhân vật này tuy giỏi nhưng lại kết thân với người Pháp dưới thời thực dân đô hộ nước nhà. Chỉ mới thật gần đây, khi có những chứng tích văn học-chính trị-lịch sử và những văn kiện “Mật”liên quan tới một thời đấu tranh tư tưởng giữa Phạm Quỳnh với nhà cầm quyền Bảo hộ còn lưu trữ đầy đủ ở Thư viện QG Pháp và Bộ Pháp quốc Hải ngoại (thời trước) được phanh phui, được đưa ra trước ánh sáng công luận thì rất mau chóng, cởi mở, Lãng Nhân tiên sinh cất tiếng cười vang, sẵn sàng thay đổi nét nhìn, thái độ về nhà chính trị gia Phạm Quỳnh.

9. Bà vợ Joy đùa giỡn với cọp gấm. Bà đã để lại 3 tác phẩm danh tiếng trong tủ sách nước Mỹ nói về các thú dữ chốn rừng xanh: "Ra đời tự do", "Sống tự do" và "Tự do muôn thuở"
10. Ông chồng Adamson sống lẫn lộn với đàn sư tử

Bên cạnh tiên sinh, Lãng Nhân phu nhân là người bạn đường chung thủy. Bà là một nữ lưu độc giả thâm trầm, tinh tế và khó có ai đọc nhiều hơn bà. Bà đã không một chút ngần ngại thốt ra : “Tôi đã khóc khi đọc lại Phạm Quỳnh”.

Người phụ nữ ấy có một lý luận đáng nể, với cá tính “thẳng băng”. Hiểu sao nói vậy.

Thiết nghĩ, một số đông nhà văn nhà báo viết sách ở hải ngoại từng ghé đến vấn an Lãng Nhân tiên sinh chắc phải còn giữ lại được một ấn tượng đặc biệt nào đấy về bà.

Bây giờ, nhà văn Lãng Nhân cùng với hiền thê ngày ngày ngồi bên ngọn đồi cô tịch vùng Cambridge Anh quốc - tuy không còn viết được nhiều như trước mà viết ít lại, viết cho đời, cho bạn đọc, cho văn giới. Tiên sinh vẫn có cái thú đọc sách làm thơ, và thích tìm được “tiếng cười” kín đáo qua các trang báo. Vậy, tài liệu về giống chó giống mèo giờ đây đặt bên cạnh... giống người “xa cách” với tuyệt đại đa số đồng bào khả kính ở chân trời hải ngoại, về một ý nghĩa nào đó đã còn là một tiếng Thơ nhẹ, dìu dịu, muốn xin được gửi gắm vào nỗi niềm “đòi đoạn xa gần” của tiên sinh.

Và trong tinh thần ấy, xin mời bạn đọc tiếp nối câu chuyện Người và Vật còn dang dở :

Giới săn tin quốc tế đã lặn lội tìm gặp vị Phật Sống Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma đang tị nạn ở Ấn độ (người đã có dưới trướng 200 triệu tín đồ và từng được trao tặng Giải Hòa Bình Nobel năm 1989). Ôm con mèo “không tên” trong tay, vị giáo chủ tối cao Tây Tạng tươi cười, hồn nhiên trả lời cuộc phỏng vấn: “Dân tộc tôi không chủ trương bạo động. Chúng tôi không oán thù số người chủ tâm gây nạn diệt chủng trên đất nước chúng tôi. Trước sau gì bạo lực cũng phải suy tàn. Nghe tiếng kêu rên yếu ớt của con mèo mướp, loài người rồi phải động tâm. Và lương tri nhân loại sẽ bừng tỉnh, can thiệp”!

Thế nhưng, vượt lên trên mọi câu chuyện yêu thương loài vật, loài người ở các quốc gia văn minh không thể không giật mình xúc động về trường hợp của đôi vợ chồng George Adamson chuyên sống với hàng đàn sư tử nơi rừng cấm Kenya Phi châu đã bị chính tay những kẻ săn bắn trái phép sát hại. Chúng chỉ nhằm loại bỏ Adamson cho kỳ được, để tự do bắn giết thú rừng lấy da và ngà voi.

Gốc người Ái Nhĩ Lan, Adamson sống 3/4 cuộc đời ở xứ Kenya. Thời thanh xuân, ông được cử trông nom một khu rừng rộng lớn về phía bắc Kenya. Khởi thủy, ông là một tay săn bắn cừ khôi. Nhiều người Anh, Mỹ biết tiếng, tìm làm môn đệ cho ông. Vào một ngày đẹp trời của năm 1956, Adamson hạ được một con sư tử cái. Lúc quay về trại, ông mới buồn bã khám phá ra những bầu vú đầy sữa ở bụng con vật chúa tể rừng xanh. Bà vợ ông, Joy Adamson, thuộc dòng dõi gia đình quý phái nước Áo cũng có chung cái thú săn bắn như chồng, đã nhất định cùng chồng sống nơi bìa rừng Châu Phi quên hẳn cuộc đời văn minh cõi trời Âu. Nay cả hai chứng kiến cảnh tượng thương tâm nói trên, vợ chồng Adamson quyết đi tìm cho ra bầy sư tử con mất mẹ - và họ đã đạt được ý nguyện. Cũng từ bữa ấy, họ nguyền không xử dụng đến cây súng sát hại thú rừng nữa. Chẳng những thế, họ còn tìm cách làm bạn với cọp, beo, sư tử và triệt để bảo vệ chúng.

Trong số 3 con sư tử con tìm thấy, ông bà Adamson giữ một, còn 2 con kia tặng lại cho viên Giám đốc khu vườn thú ở địa phương Thoiry. Tất cả, đều có niềm kiêu hãnh là huấn luyện cho chúng không còn thú tính sát hại người. Chỉ tiếc rằng, vợ chồng Adamson thì thành công với trường hợp con sư tử có tên là Elsa. Còn 2 con kia, lúc trưởng thành được thả ra, cho về rừng. Vì đói, vì thiếu tình thương săn sóc quen thuộc, chúng nổi cơn, táp vài thường dân ở một làng gần rừng, khiến người ta phải dùng súng bắn hạ. Riêng với con sư tử thuần thục Elsa bỗng trở thành ngôi sao sáng: Bà Joy Adamson đã viết liền 3 tác phẩm về đời sống của nó và về loài thú rừng thẳm tung vào thị trường sách báo Âu Mỹ. Liền sau đó “sư tử mẹ Elsa và bầy con” được ngành điện ảnh Mỹ quay thành phim và liên tiếp được Hãng Truyền Hình Mỹ quốc khai thác trình chiếu. Còn chồng bà, ô. Adamson được chính phủ Kenya trao cho quyền quản trị khu rừng cấm rộng 50 cây số vuông có hằng hà sa số thú dữ. Ông dấn sâu vào việc nghiên cứu chung sống với bầy sư tử, và đảm nhận trách nhiệm bảo vệ chúng, không cho những tay giang hồ kéo đến săn bắn hạ thú lấy da lập thành một kỹ nghệ xuất khẩu. Ông luôn ngủ với khẩu súng đạn đã lên nòng đặt bên mình. Người ta thật đã không hiểu nổi, với nghệ thuật nào, Adamson đã có thể thân thiết, đùa dỡn với bầy sư tử như lũ trẻ quây quần đùa nghịch với nhau. Thú dữ không ăn thịt ông nhưng “người” - những người không lương thiện lại trở thành đối thủ tử thù ông !

Adamson xa lánh đô thị, ánh đèn điện và động cơ máy móc. Ông chôn mình trong một căn chòi gỗ thô sơ chốn rừng thẳm. Thế nhưng, như điều mà Adamson thường lo ngại, loài người bất lương đã kéo về, ra tay bí mật sát hại bà vợ ông. Bà Joy bị giết thật thê thảm. Để rồi, một thời gian ngắn sau đó, chồng nằm xuống, theo vợ - dưới lằn đạn tàn nhẫn của bọn người thú kia.

Tên tuổi của Adamson, giới báo chí Âu Mỹ đều quen thuộc. Nhiều tờ báo lớn đã loan tin với biết bao thương tiếc dành cho ông.

Adamson vĩnh viễn ra đi, để lại sự ngơ ngác bên kia núi rừng Phi Châu cho bầy thú dữ. Dù dữ, chúng vẫn biết từ chối không uống máu người bạn già đã hết lòng yêu thương, bảo vệ chúng.

Ngày nay, người ta chỉ còn ngậm ngùi dựng bên cạnh nấm mồ của George Adamson một tấm bia nhỏ bằng đá rừng, khắc sâu lời trăn trối của ông:

“Tôi đã sống cả đời bên rừng thẳm
thì cũng tại chốn rừng thẳm tôi nằm xuống,
tìm giấc ngủ ngàn thu”.

Hà Ngọc

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002