Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

BÔNG HỒNG Á ĐÔNG

Phạm thị Quang Ninh

 Nước Hoa Kỳ được gọi là Hợp Chủng Quốc vì là xứ sở có nhiều chủng tộc. Mỗi dân tộc di dân tới Mỹ đều có nguyên do khác nhau, kể cả những người đến từ Châu Á. Theo lịch sử của người Mỹ gốc Á châu thì người Trung Hoa là những người di dân đầu tiên ở Hoa Kỳ và người Việt Nam là những người tị nạn Á châu mới nhất so với các dân Á châu khác như Nhật, Đại Hàn, Phi luật Tân...

Theo giáo sư Laura Uba trong cuốn Asian Americans thì người Trung Hoa là di dân đầu tiên được người Hoa Kỳ đưa sang Mỹ để làm hầm mỏ và đường rầy xe lửa với một số lượng lớn vào thế kỷ 19, cách đây 130 năm. Đợt di dân này là làn sóng đầu tiên. Nhưng sau đó chính quyền Mỹ đã cấm không cho di dân Trung Hoa vào thêm nữa với đạo luật Exclusion Act vào năm 1882. Rồi vào năm 1924, đạo luật Immigration Act vào năm 1924, cấm triệt để người Trung Hoa vào Mỹ. Đợt này, ngoài sự ngăn cấm, di dân Trung Hoa còn chịu nhiều cảnh kỳ thị, thuế má đặc biệt, phải sống gom vào một chỗ, không được sống chung với người bản xứ...

Đợt di dân thứ hai của người Trung Hoa vào Hoa kỳ vào thời kỳ sau World War II. Người Mỹ sợ Trung Hoa hợp tác với Nhật Bản nên đã hủy bỏ đạo luật Exclusion và tỏ ý thân thiện cho dân Trung Hoa vào sống ở Hoa Kỳ với một quota rất nhỏ. Đợt thứ ba, theo đạo luật Immigration Act, cho phép người Trung Hoa có nghề nghiệp chuyên môn vào Mỹ và cũng căn cứ vào quota như cũ.

Sau bao nhiêu khó khăn về cuộc sống, bị kỳ thị khắp nơi, người di dân Trung Hoa vẫn sống còn. Những thế hệ con cái của họ rất thành công trong mọi lãnh vực. Một trong những nghề khó khăn nhất mà những người trẻ mơ ước nhưng ít ai chen chân vào được, đó là làm xướng ngôn viên trên những đài truyền hình toàn quốc. Thế mà Connie Chung, một cô gái gốc Trung Hoa đã lọt vào được cửa này. Nàng là xướng ngôn viên Á đông đầu tiên của đài truyền hình Hoa Kỳ.

Connie Chung tốt nghiệp tại trường đại học Maryland về ngành báo chí và là xướng ngôn viên Á đông thường trực đầu tiên trên các đài truyền hình toàn quốc (xướng ngôn viên ở đây phải nói tiếng Anh đúng giọng và lưu loát như người bản xứ, không chỉ đọc tin mà còn phải đi phỏng vấn, tổng hợp tin tức và lấy dữ kiện từ các phóng viên khác...)

Connie Chung bắt đầu sự nghiệp tại đài địa phương WTTG-TV ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 1969. Đến năm 1971 côø vào làm ở đài CBS với chức vụ thông tín viên toàn quốc căn bản là Hoa Thịnh Đốn. Khi làm ở CBS, Connie Chung đã làm phóng sự những biến cố lịch sử rất quan trọng như cuộc tranh cử tổng thống của Ông George McGovern (1972) đại hội đảng dân chủ(1972), vụ tai tiếng Watergate, ông phó tổng thống Rockerfeller, những họat dộng trong tòa Bạch ốc và những biến cố chính trị khác.

Hơn thế, Connie Chung còn được cử sang Nga để theo dõi và tường trình về cuộc nói chuyện quan trọng SALT 1 về kiểm soát vũ khí nguyên tử giưã tổng thống Hoa Kỳ Nixon và tổng thống Nga Brezhnew. Sau cô còn làm phóng sự, trần thuật về chuyến đi cuối cùng của tổng thống Nixon sang Trung Đông. Năm 1976, Connie Chung dời qua Los Angeles và làm bẩy năm với đài CBS. Đến năm 1983, côø đổi qua NBC News của đài NBC, vừa đọc tin trên đài vừa làm phóng sự, kể cả đọc tin trong những chương trình ngày Thứ Bẩy của NBC Nightly news, NBC Night at Sunrise, NBC News Disgets, vài chương trình tin tức đặc biệt khác khi các xướng ngôn viên khác vắng mặt Connie Chung còn là phóng viên tại chỗ của những buổi đai hội chính trị vào năm 1984, 1988 và tường thuật cùng bình luận trong thời gian tranh cử và bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Năm 1993 tới năm 1995 Connie Chung làm vịêc chung với xướng ngôn viên Dan Rather, đọc tin và bình luận trong chương trình tin tức buổi chiều của CBS, và giữ một mình mục "Eye to Eye With Connie Chung". Trong thời gian này cô cũng đã tường trình những hiệp ước lịch sử giữa hai nước Do Thái và Palestine cùng phỏng vấn đặc biệt với lãnh tụ Trung Hoa Lý Bằng sau năm năm xảy ra vụ tàn sát Thiên An Môn.

Connie Chung rất xuất sắc trong những cuộc phỏng vấn và bình luận chính trị với các lãnh tụ trên thế giới. Vì vậy mà cô đã được ba giải Emmy Award trong đó có hai giải nhất về cả cuộc phỏng vấn và người được phỏng vấn (Best Interview/ Interviewer). Ngoài ra Connie Chung còn được nhiều giải danh dự của tập thể American Women trong ngành truyền thanh, truyền hình và các tổ chức khác.

Người Trung Hoa định cư tại Hoa Kỳ từ thế kỷ thứ 19, vậy mà đến năm 1969 mới có Connie Chung, là người xướng ngôn viên Á đông thường trực đầu tiên trên các đài truyền hình toàn quốc. Với trí thông minh và làm việc hăng say, Connie Chung đã thành công rực rỡ. Vì vậy, đó cũng là niềm hãnh diện chung cho người Á đông thiểu số sống trên đất Mỹ. Thời gian gần đây cũng đã có lác đác những khuôn mặt xướng ngôn viên đông phương cả nam lẫn nữ trên đài truyền hình khắp nơi. Đó cũng là một niềm hãnh diện, vì chen chân vào ngành này khó khăn hơn những nghề chuyên môn khác như bác sĩ, kỹ sư... rất nhiều.

Người Việt Nam tị nạn Cộng Sản sang Mỹ đợt đầu vào năm 1975 nên là một trong những dân tộc Á châu tị nạn mới nhất. Các thế hệ thứ hai, thứ ba cũng đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Điều này đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt hải ngoại

không ít. Về mặt truyền hình, nếu so sánh với người gốc Trung Hoa, chỉ 26 năm mà chúng ta cũng có được Leyna Nguyễn, người xướng ngôn viên đầu tiên gốc Việt duyên dáng, lưu loát hàng ngày trên đài truyền hình Hoa Kỳ KCAL mấy năm nay. Với tuổi trẻ, với trí thông minh, với những hoạt động hăng say, tương lai nghề nghiệp của Leyna Nguyễn chắc sẽ bay bổng như Connie Chung của cộng đồng bạn.

Ngoài nghề nghiệp chẳng thua gì người bản xứ, cô xướng ngôn viên trẻ trung Leyna Nguyễn vẫn tìm về cội, về nguồn, còn nói tiếng Việt lưu loát trong những buổi sinh hoạt của người Việt, như làm người điều khiển chương trình cho cuộc diễn hành của cộng đồng trong dịp Tết vừa qua tại miền Nam Cali, và các sinh hoạt khác nữa.

Thật quả hiện tượng Leyna là một ngạc nhiên thích thú và là niềm hãnh diện cho người Á đông nói chung và cho người Việt quốc gia hải ngoại nói riêng.

Phạm Thị Quang Ninh

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002