Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

LỊCH SỬ MỘT MỐI TÌNH LÃNG MẠN, ĐẦY NGANG TRÁI, CHUNG QUANH CHIẾC ”QUÁN BÊN ĐƯỜNG” THỜI KHÓI LỬA.

 

  • VÌ ĐÂU NGƯỜI ĐẸP AKIMI LẠI CÓ CÁI TÊN ĐƯỢM ĐẦY MÙI VỊ HOA ANH ĐÀO?

  • MỐI GIAO TÌNH CAO ĐẸP  GIƯÃ TRANG HỒNG NHAN ĐA TRUÂN CHỦ "QUÁN BÊN ĐƯỜNG” VỚI THI NHÂN DỒI DÀO TÌNH CẢM QUANG DŨNG.

ĐẶNG VĂN NHÂM ( kỳ 7, tiếp theo)

CHÚ Ý: Cấm trích từng đoạn hay từng phần, kể cả việc cóp lại những tình tiết về Quang Dũng đã được kể trong truyện này, nếu không được phép cuả tác giả.

QUANG DŨNG VÀ AKIMI.

Như trên đã nói chiếc ”quán bên đường” đã lập ra từ khoảng đầu năm 1947, nhưng cho mãi đến cuối năm 1948, tức hơn một năm sau, trung đoàn cuả tôi mới về đóng quân gần đó. Nhờ vậy tôi mới có dịp quen biết  người đẹp Akimi. Nơi đây là một vùng quê xa các thị trấn đông đúc dân cư, nên chiếc quán nghèo cô đơn cuả chị, người đẹp nổi tiếng cuả Hà Thành hiển nhiên đã trở thành một tụ điểm thu hút rất nhiều trang thanh niên trí thức từ bỏ gia đình theo tiếng gọi cuả núi sông trong trung đoàn cuả chúng tôi.

Sở dĩ tôi gọi Akimi bằng chị vì năm đó tôi hãy còn là một chàng trai mới lớn lên, vưà đến tuổi thành nhân. Trong khi đó chị Akimi đã vào khoảng 23-24 tuổi. Mặc dù vậy, trông chị vẫn hãy còn trẻ măng, tưởng chừng hãy còn đôi tám, và nhìn sắc diện bên ngoài, quả thực không một ai dám ngờ năm ấy chị đã có đến 3 con.

Chiều chiều, những khi nhàn rỗi, anh em chúng tôi thường rủ nhau đến quán cuả chị để uống cà phê, hay mua thuốc lá ngoại, hiệu Cotab, là một thứ thuốc thơm đặc biệt, rất hiếm , rất đắt hồi bấy giờ, ở trong vùng tề đem ra bán lậu.

Lần đầu tiên đến quán chị, thấy chị đẹp và vui vẻ, nên tôi lân la hỏi chuyện làm quen, thì không ngờ được biết chị vốn là em ruột cuả anh Lân, người đã dạy chúng tôi hát ở đội Thiếu Niên Tiền Phong trước kia. Nhờ thế, tôi đã có thể làm quen với chị rất dễ dàng và mau chóng trở nên thân tình với chị sau này.

Không lâu sau, đến  khoảng đầu năm 1949,  anh Quang Dũng đã không còn ở trung đoàn Tây Tiến nưã, mà được chuyển về làm trưởng phòng văn nghệ cuả liên khu 3. Về phần tôi, lúc bấy giờ thuộc đội tuyên truyền cuả một trung đoàn nằm dưới hệ thống chỉ huy trực tiếp cuả bộ tư lệnh liên khu, nên tôi đã có dịp thường gặp anh Quang Dũng. Trong thời gian này, vì nhiệm vụ , anh Quang Dũng cũng thường đến thăm  đội tuyên truyền cuả chúng tôi để hướng dẫn và bổ khuyết các thiếu sót trong công tác.

Tôi còn nhớ một hôm anh Quang Dũng đến thăm đội cuả chúng tôi như thường lệ. Nhưng lần này anh lại đưa cho chúng tôi xem bản nhạc ” Ba Vì” cuả anh mới sáng tác, đồng thời còn hát luôn cho chúng tôi nghe. Thấy bài hát hay quá, nên trong đội lúc bấy giờ có cô em gái là Kim Ngọc, một con chim hoạ mi cuả đội, liền đòi anh Quang Dũng phải dạy cho cô hát ngay bài hát ấy. Không ngờ chỉ 15 phút sau, Kim Ngọc đã hát rất vững và rất hay, lại còn cực tả được tinh thần cuả bài hát, nên anh Quang Dũng đã tỏ ra rất vui , và không ngớt lời khen ngợi chúng tôi.[xin xem đoạn viết thêm về Kim Ngọc, do nhạc sĩ Trịnh Hưng kể, sẽ đăng vào cuối truyện].

Đến chiều hôm đó, vào lúc nghỉ ngơi, anh Quang Dũng đã nói riêng với tôi và một người bạn nưã làm đội trưởng đội cuả tôi (còn tôi là đội phó), là hôm nay anh rất vui, vì thấy đội cuả chúng tôi đã cố gắng vượt bực để đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Dịp này anh muốn khao chúng tôi một chầu uống tại quán cuả chị Akimi. Nói rồi, anh hỏi:

_ “Chắc mấy chú đã biết quán ấy rồi chứ?”

_ “Dạ, vâng. Tuị chúng em mấy tháng nay đóng quân ở đây, gần quán , nên thỉnh thoảng cũng đã đến đó.”

Đến khoảng 7 giờ tối, anh  Quang Dũng dắt chúng tôi ra quán đó. Trên đường đi, trong thâm tâm tôi cứ nghĩ , chắc anh Quang Dũng chỉ mới nghe tiếng quán cuả chị Akimi thôi, chứ chưa bao giờ có dịp đến đó. Nên lần này, anh mượn dịp để cùng đi với chúng tôi đến đó cho vui.

Nhưng thực là hoàn toàn bất ngờ. Tôi không dè chẳng những anh Quang Dũng đã biết quán đó rất rành , lại còn đã quen rất thân tình với chị Akimi.

 Mới bước chân vào quán, lúc đó chị Akimi đang bận tắm cho con ở đằng sau nhà, anh Quãng Dũng mới cất cao giọng âu yếm lên tiếng gọi :

_ “Akimi! Akimi!”

 Đằng sau nhà, tuy chưa thấy mặt người khách gọi tên mình, nhưng có lẽ đã quen thuộc lắm với giọng cuả anh Quang Dũng, nên chị Akimi đã lên tiếng đáp rất dễ thương :” Dạ, có em đây!”

Nói xong , chị vội vàng chạy ngay ra ôm chầm lấy Quang Dũng, và tươi cười, mừng rỡ hỏi:

_ “Anh đi đâu mà cả mấy tháng nay em không thấy mặt, làm cho em lo và mong anh quá!”

Anh Quang Dũng nhẹ nhàng từ từ gỡ tay chị Akimi ra vui vẻ nói:

 _ “Từ liên khu bộ xuống đây quá xa, lại thêm mấy tháng nay anh bận công tác liên miên. Cũng có vài lần đi công tác ở ngoài, nhưng lại ngược đường, nên đã không sao ghé thăm em được!

 Hôm nay, nhân tiện xuống thăm đội tuyên truyền thuộc trung đoàn cuả hai chú em đây, anh mới dẫn hai chú ra thăm em và khao hai chú một chầu. Chắc em đã biết hai chú đây rồi chứ nhỉ?!”

 _ “Ôi, hai chú này thì còn lạ gì quán cuả em. Các chú ấy thường ra đây chơi và uống nước luôn...Nhưng em không được biết hai chú lại ở trong đội tuyên truyền. Ở trong ban tuyên truyền thì chắc các chú ấy phải giỏi đàn , ca lắm nhỉ?!”

Ngưng một chút, chị lại liến thoắng nói tiếp ngay:

_ “ Lần sau anh đến, anh nói với các chú ấy mang theo đàn ra đây đàn hát cho vui. Vì cả mấy năm nay, em không được nghe tiếng nhạc... Nhớ lắm!...”

Thế rồi chị vui vẻ săn sóc anh  Dũng như là một cô em gái  lâu ngày gặp lại người anh trai đi xa mới về.Chị pha cà phê cho anh Dũng. Còn tụi tôi thì chị làm cho 2 ly trứng đường. Vì chị biết chúng tôi không bao giờ uống cà phê, mà chỉ uống trứng đường cho khoẻ thôi. Rồi chị lại còn mang thuốc lá Cotab ra mời anh Dũng và chúng tôi nưã.

Trong khi chúng tôi mải lo uống trứng đường và phì phà điếu thuốc lá thơm Cotab, thì anh Dũng và chị Akimi ngồi ra một chỗ khuất, chụm đầu nói chuyện riêng với nhau, trông có vẻ rất âu yếm, thân tình. Một lát sau, đến lúc phải ra về, anh Dũng đứng dậy móc tiền ra trả, nhưng chị Akimi xua tay, nhất định không nhận và nói:

_ “Hôm nay em thết anh và hai chú đó ! ”

 Ngược lại, anh Dũng cũng quyết không chịu thua, nói:

_ “Lúc này anh có tiền. Anh muốn gửi em để em  bù vào nuôi các cháu. Nếu em không nhận , anh giận sẽ không bao giờ đến nưã đâu!”

Nghe anh Dũng dọa già sẽ không bao giờ đến nưã, chị Akimi chùn lòng , đành phải miễn cưỡng cầm lấy món tiền anh Dũng trao cho.

 

LAI LỊCH MỘT CÁI TÊN ĐƯỢM MÙI VỊ PHÙ TANG TAM ĐẢO

Khi chúng tôi về đến cơ sở thì trời đã tối lắm rồi. Cuộc đi chơi chiều hôm nay thật là vui trọn vẹn, nhưng riêng tôi vẫn còn thắc mắc nên tò mò hỏi anh Dũng:

_ “Tại sao em vẫn thấy các anh trong trung đoàn và cả anh nưã , ai cũng gọi chị Nhật là Akimi?”

Anh Dũng nhìn tôi cười , rồi mới thong thả giải thích về biệt danh ” Akimi” cuả chị Nhật:

_ “Chắc mấy chú còn nhớ, trước khi cách mạng muà Thu bùng nổ, tất cả mọi quyền hành ở VN, chẳng cứ gì thủ đô Hà Nội cuả chúng ta,  đều nằm gọn trong bàn tay cuả quân đội Nhật. Lúc này, tụi thực dân Pháp đã bị Nhật đảo chánh rồi. Tụi Nhật mới ra lịnh đóng cưả hết các khiêu vũ trường ( bar dancing). Đó là một trong số những biện pháp an ninh, nhắm chấm dứt những cuộc hẹn hò gặp gỡ nhau, thường là để thông tin bí mật hay âm mưu chánh trị giưã nhóm người làm cách mạng, hay hạng thượng lưu giàu có thân Pháp với người Pháp, ở những nơi công cộng trước mũi cuả quân đội Thiên Hoàng.Đồng thời biện pháp đóng cưả các khiêu vũ trường cũng khiến cho một số người VN thuộc hạng trí thức trung lưu, ham chơi bời, không được tiếp tục hưởng thú tiêu khiển ấy nưã. Nhưng trong khi đó, ngược lại,  tụi Nhật chỉ cho phép một tiệm nhảy lớn duy nhất, tên Takara, ở đường Khâm Thiên được tiếp tục hành nghề, với điều kiện chỉ dành riêng cho cho các sĩ quan Nhật Bản, từ cấp úy  tới cấp tướng, làm nơi giải trí. Ngoài ra, không một ai được phép bén mảng đến, kể cả đám lính Thiên Hoàng.

Lúc bấy giờ chị Nhật còn là một cô gái mới lớn lên, đang tuổi dậy thì, lại rất xinh đẹp, như một đóa hoa hàm tiếu. Không hiểu nguyên nhân nào, vì thời cuộc chánh trị, vì lý do gia cảnh , tình duyên ngang trái, lỡ làng, hay vì lý do kinh tế ... đã đưa đẩy tấm hồng nhan, đào tơ mơn mởn ấy lạc bước vào chốn vũ trường. Chị Nhật vào làm vũ nữ  ở Takara. Tụi sĩ quan Nhật thằng nào gặp chị cũng đều mê mẩn tâm thần như ăn phải bả. Chúng tôn sùng chị như thần tượng , nên đã nhất trí đặt cho chị cái danh hiệu “Akimi”. Anh không biết tiếng Nhật, nên không hiểu ý nghĩa cuả chữ ” Akimi” là gì. Nhưng anh,  cũng như một số bạn VN khác, đều thầm đoán chữ Akimi có nghiã là: Giai nhân, hoa khôi, hay người đẹp gì đó...Từ đó về sau, bắt chước bọn sĩ quan Nhật, người VN nào cũng gọi chị là Akimi.Còn cái khuê danh ” Nhật ” cuả chị thì đã bị người đời bỏ quên hẳn, chẳng ai buồn nhắc đến nữa !”

  Ngừng một lát, anh Quang Dũng lại kể tiếp:

_ “Trong thời gian này, anh đâu có ở Hà Nội mà còn đang ở bên Tàu. Nhưng ngay khi cuộc tản cư vưà bắt đầu, anh  đã có dịp đến quán cuả chị để uống cà phê. Từ đó anh quen với chị. Rồi lâu dần hai người trở nên thân nhau. Kể từ ngày mới quen biết cho đến nay anh luôn coi  chị Akimi như một cô em gái. Ngược lại, anh  nhận thấy Akimi cũng coi anh như một người anh ruột. Vì thế đã có lần anh được nghe chị Akimi kể chuyện tâm sự về đời tư cuả chị ấy. Nghe chuyện cuả chị , anh càng thương mến và cảm phục chị hơn, một người thiếu nữ VN vốn có tinh thần dân tộc rất cao.

Chị Akimi đã kể:

_ “Khi mới vào làm ở Takara, nhờ trẻ đẹp, chị được coi như một hoa khôi cuả vũ trường. Các tướng tá Nhật đều mê chị, đưá nào cũng muốn chiếm đoạt được thân xác cuả chị. Chúng nó đua nhau tặng quà cáp, để mong lấy lòng chị. Dĩ nhiên vì nghề nghiệp, ngoài mặt , chị luôn luôn phải tươi cười niềm nỡ với mọi người; nhưng thực sự trong lòng chị hoàn toàn dửng dưng đối với tất cả bọn chúng nó. Thậm chí có mấy tên tướng Nhật, đã mê chị đến nỗi quên cả thân danh, thường lui tới với chị, đem tiền bạc và danh vọng ra nhử chị, và đề nghị xin cưới chị về làm vợ đàng hoàng.

Trong trường hợp đó, nếu chị là người đàn bà  ham tiền bạc, danh vọng  và quyền uy, muốn được ăn sung mặc sướng , có nhà cao cưả rộng, dinh cơ sang trọng , có quân hầu đầy tớ, xe cộ đưa rước long trọng...thì chị chỉ cần gật đầu một cái là xong. Nhưng không hiểu vì sao, trong lòng chị vốn đã không ưa tụi Nhật, mà hằng ngày chị lại thấy cách hành xử cuả chúng đối với dân ta quá ác độc, nên chị đã cương quyết khước từ hết. Hằng đêm chị chỉ lo làm việc , để kiếm tiền về nuôi cha mẹ già thôi!

Nhưng một khi đã sinh ra làm kiếp người, nhất là một người con gái nhan sắc mặn mà, xinh đẹp, làm sao thoát khỏi vướng vòng tình luî. Thế rồi chị đem lòng yêu một thanh niên  VN.Hai  người  đã chung sống với nhau những ngày hạnh phúc và sinh hạ được một đưá con. Khi đứa bé vưà qua tuổi thôi nôi, bỗng hai vợ chồng sinh ra bất hoà. Một hôm, người chồng  đã lặng lẽ bỏ đưá con còn măng sưã lại cho người vợ trẻ nuôi dưỡng, ra đi biệt tích. Từ đó, cuộc đời cuả chị càng thêm quẫn bách. Chị vẫn phải tiếp tục cuộc đời vũ nữ để kiếm tiền nuôi thân , nuôi con và nuôi cha mẹ.

Qua năm sau, gặp một thanh niên VN khác, chị mong tìm được nơi người bạn trai này một cơ hội tốt để chắp nối cuộc tình vưà gẫy đổ. Hai người lại ăn ở với nhau có được thêm một đưá con nưã. Nhưng hình như số kiếp cuả chị vốn chẳng khác nàng Kiều cuả cụ Nguyễn Du bao nhiêu, hồng nhan đa truân, má hồng phận bạc...Và định mệnh kiếp người cuả chị hầu như đã được tạo hoá an bài từ trước” Bắt phong trần , phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao !”. Vì thế cũng chỉ hơn một năm sau, cuộc tình lần thứ nhì lại gẫy đổ bất ngờ như lần thứ nhất. Và người đàn ông thứ nhì trong cuộc đời cuả chị lại cũng ra đi không bao giờ trở lại !

Bấy giờ mới khoảng 20 tuổi đầu, đã trải qua hai đời chồng và có hai con phải nuôi dưỡng, nhưng nét mặt xinh đẹp cuả chị vẫn còn trẻ măng như một thiếu nữ mới mười tám.  Bấy giờ bọn sĩ quan Nhật vẫn còn tiếp tục bám sát chị, và vẫn còn tiếp tục sẵn sàng cung hiến cho chị những đề nghị như xưa. Tuy chị vốn là một người con gái có tâm hồn đa tình và đa cảm; nhưng một khi chị đã nhất quyết rồi thì không có gì lay chuyển được.

Vơí cái tuổi đôi mươi, tràn đầy nhựa sống, mặc dù trái tim non cuả chị còn đang rướm máu vì hai vết thương lòng đau đớn, nhưng chị vẫn còn tha thiết yêu đời và yêu người. Rồi chẳng bao lâu sau, chị lại đem tấm lòng sắt son gửi đến một chàng trai VN khác. Lần này hai vợ chồng chị Akimi đã sống rất hoà thuận và hạnh phúc. Ai cũng ngỡ cái hạnh phúc tầm thường cuả một gia đình nhỏ bé, sống rất khiêm nhường ấy sẽ được bàn tay nhân từ cuả thượng đế hộ trì cho qua cơn sóng gió cuả giòng đời ác nghiệt. Nhưng không ngờ chẳng bao lâu sau  cuộc cách mạng tháng 8 bùng nổ. Các khiêu vũ trường ở Hà Nội đều phải đóng cưả.Chị Akimi bị thất nghiệp. Nhưng nhờ vào số tiền vốn chị đã tằn tiện, chắt chiu, dành dụm được trong những năm tháng đi làm, nên cái gia đình bé nhỏ cuả chị cũng tạm sống lây lất qua ngày.

Trong thời gian này, quân Nhật đã đầu hàng và quân viễn chinh Pháp đã theo chân đoàn quân đồng minh Anh-Ấn đến Sài Gòn, với mưu toan thiết lập lại nền cai trị trên toàn cõi Đông Dương. Hành động tái xâm lăng này cuả thực dân Pháp  đã khích động tinh thần yêu nước cuả toàn thể dân Việt, từ Bắc chí Nam , không phân biệt nam, phụ, lão, ấu...đồng thời tạo nên một làn sóng kháng chiến trong các giới thanh niên  nam, nữ trên toàn quốc mạnh như vũ bão. Hưởng ứng phong trào kháng chiến đánh đuổi thực dân, người đàn ông thứ ba trong cuộc đời tình ái cuả chị Akimi cũng đã hăng hái lên đường tòng quân, gia nhập bộ đội vào Nam bộ diệt giặc. Người trai yêu nước, lòng không vướng bận thê nhi ấy ra đi , đã để lại cố đô Hà Nội một người vợ trẻ đẹp với một bào thai sắp đến ngày khai hoa nở nhuî.

Riêng về phần chị Akimi, sau khi chồng đã lên đường chiến đấu diệt  xâm lăng, chị vẫn can đảm , bền chí ở lại Hà Nội , người khôn cuả khó, nuôi con và chờ chồng. Mãi cho đến khi tiếng súng giao tranh giưã quân viễn chinh Pháp và lực lượng kháng chiến đã bùng nổ khắp nơi và lịnh tản cư với chiến thuật ” tiêu thổ kháng chiến” do chánh phủ cách mạng lâm thời ban ra chị mới vội vã, lếch thếch tha lôi một lúc ba đứa con thơ, có đưá còn đang ẵm ngửa trên tay, đi chạy giặc. Chị Akimi đã đem con đến đây cùng một lượt với gia đình một người chị gái và một bà mẹ già cuả chị. Thế rồi, từ đó chị đã lập ra cái quán này để kiếm tiền độ nhật và nuôi con . Cũng từ đó cho đến nay, người chồng theo kháng chiến cuả chị vẫn bặt vô âm tín !...”

Nghe anh Quang Dũng kể lại tâm sự cuộc đời cuả chị Akimi, tự nhiên lòng tôi dấy lên một niềm thương cảm vô biên...

Hôm sau, sáng sớm, anh Dũng đã sửa soạn lên đường trở về khu bộ. Lần này chúng tôi xa cách nhau rất lâu.Mãi cho đến đầu muà Hè năm 1949 , anh Dũng mới có dịp trở lại đây với chúng tôi  và với chiếc quán lá xác xơ nghèo bên đường cuả chị Akimi! 

 

BÀI THƠ  ”QUÁN BÊN ĐƯỜNG” RA ĐỜI TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Buổi trưa hôm đó, bắt đầu vào Hè, trời nắng chang chang, trên những cành cây cao chọc mây xanh, chim tu hú kêu ra rả suốt ngày, và các dàn cây vải ở ven đô trái đã chín đỏ rồi. Lúc đó vào khoảng 3 giờ chiều, bỗng tôi thấy bóng dáng cao lớn cuả anh Dũng lừng lững hiện lên giưã ánh vàng gay gắt, chói loà.Vai anh khoác chiếc ba lô nặng chĩu, phanh cả ngực áo ra, và trên mặt, trên người anh mồ hôi nhễ nhại, đầm đià như người vưà mới tắm.

Anh bước vào nhà, trút vội cái ba lô nặng chịch xuống, đưa một cánh tay áo lên quệt mồ hôi đã rịn từng giọt nhỏ dầy trên trán và trên mặt , rồi thở phào, nói buông lửng:

_ “Ối chà, hôm nay sao mà nóng quá!”

Anh ngồi nghỉ chưa đầy 10 phút đã vội đứng phắt lên rủ chúng tôi qua tắm ở sông Đáy, ngay trước làng đóng quân. Anh em tôi tắm mát và ngâm mình dưới nước cho thoả thích được một lúc, đến khoảng hơn 4 giờ chiều, anh Dũng lại hối thúc chúng tôi phải mau về ăn cơm, vì đã đến bưã hỏa  thực chia phần ăn rồi. Lệ trong đơn vị cuả chúng tôi, đến bưã ăn, anh nào về trễ thường bị đói luôn.

Chúng tôi rảo bước về đến nhà thì đúng bưã. Như thường lệ, ngày nào cũng như ngày nấy,  bưã cơm của chúng tôi chẳng có gì, chỉ quanh đi quẩn lại độc nhất có một món duy nhất là : rau muống luộc chấm với nước muối. Tuy vậy, lúc bấy giờ , không hiểu tại sao  anh em chúng tôi đã ăn rất ngon lành, chẳng hề bao giờ có một ai tỏ ý phàn nàn hay chê bai gì cả.

Ăn xong , tôi đem bát đuã cuả tôi và anh Dũng đi rửa , rồi lại cất kỹ vào ba lô. Tôi vưà quay trở ra, anh Dũng lại hối thúc:

_ “Các chú mặc quần áo vào nhanh lên, đi với anh một chút!”

_ “Đi đâu hở anh?” Tôi hỏi.

Anh đáp cộc lốc như ra lệnh, vẻ gấp rút lắm:

_ “Đi ra quán chị Akimi. Mặc áo vào mau lên!”

Tôi vẫn còn lè nhè họi gặng:

_ “Mới hơn 5 giờ, ra làm chi sớm quá hả anh ? Mọi khi mãi đến 7, 8 giờ  anh em mình  mới ra đó mà!”

Anh nói:

_ “Nhưng hôm nay vì có việc cần, mình phải ra đó sớm một chút !”

Nghe anh nói thế, chúng tôi  biết thế, nhưng thấy giọng cuả anh có vẻ quyết liệt, nên  không ai dám hỏi han lôi thôi thêm nưã. Chúng tôi vội vã khoác áo lên người , rồi hấp tấp chạy theo anh ra khỏi nhà.

Khi ra đến đầu đường , anh Dũng mới bảo:

_ “Tại sao hôm nay anh muốn các chú đến sớm, các chú có biết không?”

_ “Dạ không!”

_ “Anh nói cho các chú hay là hồi trưa , lúc 12 giờ, anh ở Vân Đình, có ý định về thăm đội cuả các chú. Anh đã lấy đò qua bến Tiá. Lên đò là nhìn thấy quán cuả chị Akimi ngay. Anh định ghé vào nghỉ chân một lúc cho đỡ mệt, nhân tiện thăm chị ấy một thể. Nhưng không ngờ ngôi quán nhỏ hôm nay vắng lặng khác thường...

(còn tiếp)

Đặng Văn Nhâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002