Đại Chúng số 76 - phát hành ngày 1/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

CHỮ V, VÀ D (HAY DZ) TRONG TIẾNG VIỆT

Nguyên Nguyên

(tiếp theo kỳ trước)

Vấn đề có vẻ hiển nhiên nhưng khá “động trời” này đã nằm chìm trong lòng đất và dưới dòng nước của thời gian trên dưới cũng đã 300 năm. Liên quan đến vấn đề  này nếu nhìn trên phương diện hoàn toàn khách quan của một người có quốc tịch Úc, Mỹ hay Pháp, Anh, Gia Nã Đại, Tân Tây Lan, v.v. người ta có thể nói  trong quá trình chuyển từ tiếng Nôm sang chữ quốc ngữ, người Bắc Hà đã biến chuyển lối phát âm của nước mình (Yiệt Nam ra Việt Nam), còn người Nam bộ phát âm sai Wăn hoá của dân tộc mình (văn hoá, chứ không phải yăn hoá). Sai hay biến chuyển, xin nhấn mạnh, đều lấy thế kỷ 17 làm điểm mốc. Cũng chẳng sao, bởi Yiệt xuất xứ từ lối gọi người Wăn Lang (Văn Lang, xin xem Hoàng Thị Châu, có trích dẫn trong bài “Chữ-Võ) của người Tàu từ thời cổ thượng, chứ người Yiệt trong thời đại Hùng Vương chắc hẳn đã không gọi dân tộc mình là Yiệt tộc. Còn “văn hoá” chỉ là một từ Hán Việt cũng vay mượn từ tiếng Tàu. Nếu vị trí địa dư của Việt Nam nằm xa Trung quốc hơn, chắc hẳn tiền nhân Việt Nam sẽ không gọi đó là “văn hoá” hay “văn minh” mà đã gọi hay diễn tả chúng bằng các “cụm từ” khác! Và chắc cũng không bao giờ có tên gọi Yiệt hay Việt trong lòng dân tộc! Cái gì của Caesar xin hãy trả lại cho Caesar! Phải chăng tiền nhân Việt ở hai miền Bắc Nam trong tiềm thức đã nghĩ như vậy khi họ trả lại cho Trung Quốc, từ Yiệt và wăn hoá, những gì thật sự không phải của tiền nhân nước Văn Lang?

Thế nhưng tại sao lại có hiện tượng này và tại sao nó dễ bị dòng đời quên lãng như vậy? Trước khi truy tìm câu trả lời hay các giả thiết giải đáp cho hiện tượng “động trời” này, xin nhấn mạnh phát âm V là Y hay By của đến phân nửa các từ bắt đầu bằng V trong tiếng Việt (như Buya chúa, yũ bão, công yiên, v.v.) không phải do người Nam Bộ “sáng chế” gì ra mà nó lại xuất xứ từ đất Bắc Hà. Người Bắc chỉ phát âm như vua chúa, vũ bão, công viên, và đã dần dà dẹp lối phát âm cũ  trong các thế kỷ 17 đến 19 khi chữ quốc ngữ bắt đầu được phổ biến. Phát âm này cũng như một lô từ như Bông thay vì Hoa, Trái thay vì Quả, v.v. trước giờ thường tưởng là lối gọi đặc thù Nam Bộ, xuất phát ở thế kỷ 17 tại miền Bắc. Yi yân đi về phía Nam theo chúa Nguyễn đã đem nó vào Nam không hề thay đổi và giữ mãi cho đến ngày nay.

Bình Nguyên Lộc trong quyển “Nguồn gốc Mã Lai” đã trích dẫn một bài thơ, từ một quyển sách của Hoàng Xuân Hãn, của một thi sĩ Bắc Hà vào thời xưa cổ r” ràng dùng từ Bông chứ không phải Hoa! Bình Nguyên Lộc còn ghi lại theo quyển “Khâm dịch Việt Sử Thông Giám Cương Mục” của giáo sư Langlet ở đại học Văn Khoa Sàigòn ngày trước rằng có thể việc di tản chiến lược của trên 50000 lính Tàu ở Bắc Hà trong cuối thời Minh sang qua Thanh đã ảnh hưởng đến việc Hoa-ngữ hoá một số từ thông thường ở đàng Ngoài. Việc di tản một số khổng lồ của tàn quân nhà Minh đến Bắc Hà đã làm Chúa Trịnh nhức đầu không ít, nhưng rất tiếc, có thể vì một lý do nào đó, sử Việt hình như chưa có dịp nghiên cứu kỹ. Giả thiết “Hoa ngữ hoá” này được tăng thêm sức thuyết phục mạnh mẽ nếu tra ra từ Bông trong bản so sánh các từ tiếng Nôm với các ngôn ngữ thuộc nhóm Nam-Á do Hồ Lê cung cấp trong quyển kỷ yếu “Tiếng Việt và các Ngôn ngữ Dân Tộc phía Namõ. Theo đó tiếng Mường (ở ngoài Bắc) gọi Bông là Pông, tiếng Xơđăng là Bông, tiếng Chăm, Bangu. Nguyễn Du (vào thế kỷ 18) trong Truyện Kiều có câu dùng cả bông và hoa, có lẽ đúng vào thời kỳ chuyển tiếp, giao ban, giữa bông và hoa tại miền Bắc:

 Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

TRÁI cũng vậy. Người Biat, Co, Boloven, Brâu, Kơho gọi là PLAI (âm TL hay BL, PL ở vào thế kỷ 17 chính là âm TR hiện nay: ông Trời ngày xưa gọi ông Blời!), người Xơđăng gọi Trái là Pơlai, Xtiêng gọi Plơy, người Mường, Thay. Việc người Bắc di cư vào Nam sau Hiệp định Genève 1954 lấy làm lạ khi thấy người Nam gọi Hoa là Bông, Trái thay vì Quả, cũng giống như những người phiá Bắc sinh đẻ sau 1954 vào Nam Bộ công tác hay tham quan, hoặc thăm họ hàng  sau 1975. Họ sẽ bỡ ngỡ không ít khi nghe người trong Nam nói: tìm ra, đi chơi hay đi xem cảnh, nghĩ ra, nhanh lên, v.v. thay vì: phát hiện, đi tham quan, phản ảnh, khẩn trương, v.v.. bởi sau mấy mươi năm quan hệ mật thiết với Trung quốc, ngôn ngữ Việt ở phiá Bắc cũng bị ảnh hưởng sâu đậm như thời chúa Trịnh kể trên.

Hiện tượng một từ xuất xứ ở một nơi (hoặc ngay cả lối phát âm), được người di cư đem đi chốn khác hay người chốn khác vay mượn, rồi tại nơi xuất xứ ban đầu, từ đó có biến đổi, và lâu ngày về sau nơi vay mượn hay nơi người di cư mang đến từ cũ đó vẫn giữ nguyên, -  mọi người đều có thể tưởng lầm rằng từ vay mượn hay mang đi đó, hoặc cả lối phát âm, là những gì đặc thù của nơi vay mượn. Hiện tượng này đã xảy ra với tiếng Hán Việt như Vũ Thế Ngọc (trong “Nghiên Cứu chữ Hán và tiếng Hán Việtõ) đã dẫn chứng. Tiêu biểu là từ Buồng mang nghĩa Phòng (room), nhiều người vẫn thường tưởng là tiếng Nôm thuần tuý! Buồng chính là âm Hán Việt của thời Thượng cổ mượn từ Buàng trong phát âm tiếng Tàu hồi đó. Đến thời Trung cổ bên Tàu âm này biến thành Buờng, và đến ngày nay tiếng quan thoại phát âm là Fang, gần với Phòng hơn.

Sau khi ghi nhận rằng những người có trách nhiệm sáng chế ra chữ quốc ngữ chưa hẳn đã thông thạo chữ Nôm ở thế kỷ 17, ta có thể ghi nhận tiếp rằng mặc dù vậy, phản ứng của dân chúng Việt Nam đối với chữ quốc ngữ rất cuồng nhiệt! Bằng chứng là ở thế kỷ 17 có thể phỏng chừng 10 phần trăm dân số là biết đọc và biết viết chữ Nôm và chữ Hán. Đó là những nhà Nho, những quan lại, những ông Nghè ông Cử, thuộc giai cấp hàng đầu là Sĩ. Còn 90 phần trăm kia chỉ có tiếng nói mà không biết chữ viết. Tức mù chữ! Đến cuối thế kỷ 20, trong các  lăng xê kêu gọi đầu tư nước ngoài vô Việt Nam, các kinh tế gia và các nhà doanh thương Âu Mỹ thường nêu lên con số 90 phần trăm dân số Việt Nam biết đọc biết viết, và vài chục phần trăm biết thêm một hai ngoại ngữ!! Đó là thành quả lớn lao nhất của chữ quốc ngữ do công trình các giáo sĩ Tây Phương. Qua việc xử dụng chữ quốc ngữ, có đến hàng trăm hàng ngàn người Việt hiểu r” tâm sự của Tố Như, và đến 90 phần trăm dân số đều biết đến Nguyễn Du và quyển Truyện Kiều bất hủ. “Lý do đầu tiên” đã khiến mọi người không để ý đến biến chuyển “động trời” của chữ V, chữ W, chữ Y, chữ D rồi Dz (!!) chính lại là “lý do tiền đâu” tức là chữ quốc ngữ đã giúp họ một phương tiện hữu hiệu cho việc mưu cầu sinh kế, và mở mang kiến thức. Mê học chữ quốc ngữ trong thuở ban đầu đến nổi quên ăn quên ngủ, quên để ý đến sự biến chuyển đó. Chữ quốc ngữ đã may mắn đến nước Nam trước cuộc cách mạng Công Nghệ diễn tiến tại Âu Châu vào thế kỷ 18. Nhưng trớ trêu thay cho giai cấp Sĩ, tức giai cấp những người Việt đã hấp thụ Tây học hay những sĩ phu tiến bộ đã góp phần chính vào việc truyền bá chữ quốc ngữ, sự lan tràn của chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng Công Nghệ đã vô hình chung đẩy giai cấp Sĩ xuống phía dưới, trong mức thang Sĩ Nông Công Thương, và đưa Công với Thương lên trên! May mắn cho Việt Nam còn ở chỗ so với tiếng Hán, chữ Nôm mà Nguyễn Du đã dùng để viết Truyện Kiều là một chữ cực kỳ khó khăn và phức tạp. Muốn học nó thông thường phải học tiếng Tàu trước!!! Muốn thông thạo chữ Nôm có lẽ phải tốn ít nhất là 7 năm, và không phải ai cũng học được, nếu không xác nhận rằng chỉ một số ít người mới học được. Trong khi đó chỉ cần chừng 9 tháng là có thể học biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ, và hầu như ai học cũng được. Chữ quốc ngữ đã tới Việt Nam thật đúng lúc và trong vài thế kỷ qua đã là phương tiện hữu hiệu cho cảm thông, thông tin, quân sự, chính trị, phát triển văn hoá, văn nghệ, mỹ thuật, ca kịch nghệ, khoa học, kỹ thuật, v.v. nghĩa là cả một nền tảng thiết yếu và thuận lợi cho sức sống dân tộc. Thử tưởng tượng nếu không có chữ quốc ngữ, người Việt sẽ phải loay hoay lâu hơn so với người Tàu và người Nhật trong việc gia nhập cách mạng internet hiện nay. Bởi tiếng Nôm còn khó hơn tiếng Tàu và tiếng Nhật rất nhiều.

Sự sai lạc hay biến chuyển của các âm như âm V và Dz (như sẽ trình bày phía dưới) có vẻ xuất phát từ những vị tôn sư ban đầu. Đó  là các Cha, các ông Cố Đạo, “thầy kẻ giảngõ, các người Việt Nam thấm nhuần Tây học, hoặc những người đã theo giúp các cố đạo ra công truyền bá chữ quốc ngữ. Trong các tác giả tiên khởi của chữ quốc ngữ có mặt tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ 16, đáng kể nhất là Alexandre de Rhodes còn gọi Jean Rhodes, vào đàng Trong giảng đạo trước, về sau ra đàng Ngoài, và  có gặp chúa Trịnh. Sau đó Alexandre de Rhodes trở về Pháp và cho xuất bản địa đồ nước An-Nam vào năm 1649, quyển Sử Ký Bắc Hà năm 1652, và quan trọng nhất, quyển tự điển tiếng Việt-Bồ Đào Nha-và tiếng Latinh (1651). Thế tại sao tên quan trọng nhất  Yiệt Nam các giáo sĩ thuở ban đầu và một hai thế kỷ sau lại không lưu ý để nó tự biến thành Việt Nam? Thật ra quốc hiệu của nước trong suốt từ thế kỷ 15 khi Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh cho đến đầu thế kỷ 19 khi Gia Long thiệt lập nhà Nguyễn, là một vấn đề hơi lộn xộn, và hình như chưa có công trình nào nghiên cứu kỹ việc này. Cũng như việc nghiên cứu xem vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, v.v. hay ngay cả Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, ông nào có học qua chữ quốc ngữ và ông nào thông thạo quốc ngữ nhất -   sử liệu hãy còn thiếu sót. Các sách sử có ghi sau khi đuổi xong quân Minh, Lê Lợi tạo dựng nên nhà Lê và tự đổi quốc hiệu ra Đại Việt. Nhưng quốc hiệu Đại Việt này đã không có sự chuẩn nhận của Trung Quốc, và của “quốc tếõ! Tức Trung Quốc trong suốt vài thế kỷ sau Lê Lợi vẫn tiếp tục gọi nước Nam là An-Nam. Bằng chứng: (i) Bắc Kinh tấn phong Nguyễn Huệ với tước An-Nam quốc vương, trước khi Gia Long vào năm 1802 sai sứ sang Tàu xin đổi quốc hiệu ra Nam Việt trở lại. (Nhưng nhà Thanh không cho vì nghĩ đến nước Nam Việt rộng lớn của Triệu Đà trước đó khoảng 2000 năm đã lan qua đến một phần của Quảng Đông và Quảng Tây, nên chỉ thuận với tên Việt Nam). (ii) Hoà ước Patenôtre 1884 vẫn ghi nước Việt là Đại Nam. Nghĩa là đối với những người có công tạo dựng và truyền bá chữ quốc ngữ trong suốt trên 200 năm, từ Việt hay Yiệt hoàn toàn không có trong tâm thức của họ!!! Họ chỉ biết nước đó là nước An Nam, hay cùng lắm thêm vào Cochichine (Nam kỳ) hay Tonkin (Bắc kỳ) mà thôi. Họ gọi chung người Yiệt là người An Nam. Trong giả thiết quy lỗi ở những vị Thầy đầu tiên trong khoảng thế kỷ 17-19 đã gây ra chuyện ký âm biến chuyển ở V đi làm dâu hai họ W và Y (hay By), chúng ta có thể đặt ra thêm 3 giả thiết nhỏ nằm dưới tiêu đề giả thiết “Sai do lỗi ở Thầy".

Giả thiết nhỏ thứ nhất: Ký âm này do ở chỗ chính các tác giả đầu tiên chưa thấm nhuần và thông thạo toàn diện tiếng Nôm, như đã bàn qua ở phía trên. Có lẽ các tác giả đầu tiên phải thảo ra chữ quốc ngữ trong một thời gian ngắn do ở sự đòi hỏi cấp bách của các cấp trên ở tại Paris. Thành ra còn một hai âm chưa được nghĩ ra hoàn tất như âm “By” trong các từ như Byải (vải), Byua (vua chúa -  tuy nhiên Bình Nguyên Lộc có ghi các Cố đạo thoạt đầu có ghi Bua cho Vua như ta đọc ngày nay), Byiệt (trong Nam Việt -  bởi lý do người Nhật gọi Việt Nam là Beto-Nam), v.v.

Giả thiết nhỏ thứ hai: Ký âm này do ở các Thầy (có thể có một vài Cô -  như các Bà Phước chẳng hạn, cũng lại một điểm sử liệu còn hơi thiếu sót) ở thế hệ thứ hai, và thứ ba, v.v. Đó là những Cố đạo, những giáo sĩ đến nước Nam một vài chục năm hay cả trăm năm sau các tác giả ban đầu, bấy giờ  đã về với cõi Chúa. Tất nhiên khả năng tiếng Việt của họ có thể sâu rộng hơn hay kém thông thạo so với các giáo sĩ tác giả nguyên thủy. Thêm vào đó chắc chắn có thêm các thầy cô người Việt bản xứ đã theo giúp việc truyền bá chữ quốc ngữ. Trong tất cả những người thuộc các thế hệ tiếp nối này chắc chắn sẽ có vài vị thắc mắc một vài điểm kỹ thuật trong toàn bộ chữ quốc ngữ mà các giáo sĩ như Alexandre de Rhodes đã “sáng chếõ.  Và . . . có thể họ đã tự ý thay đổi một vài âm -    trong đó có âm V hoàn toàn thay thế cho các âm bắt đầu bằng Y (như yiên chức, thay bằng viên chức), bằng By (Byải: thay bằng Vải), hay bằng B (Bua: thay bằng Vua). Khi họ thay như vậy người Bắc Hà hoàn toàn chấp nhận đổi mới và đọc luôn những từ đó bắt đầu bằng V. Người Nam Hà ngược lại tưởng V dùng để ký âm cho By (ông byua, bà byải) hay Y (yũ lộ, diễn yiên), nên khi gặp phải bất cứ từ nào bắt đầu bằng V họ đều đọc tuốt ra ra By hay Y hết trọi: Byăn hoá (văn hoá), con yoi (con voi), v.v.. Họ dẹp và đọc lầm một số từ bắt đầu bằng W khi xưa -  như tiền nhân họ đã từng đọc khi còn ở miền Bắc  - nhưng vẫn giữ được cách đọc đúng của lối phát âm trên toàn cõi nước trước đó khoảng trên 100 năm: Yiệt Nam hay Byiệt Nam! Ở phía dưới ta sẽ thấy giải thích tại sao D được đọc như Dz tại Bắc Hà -  và chính điểm này cộng với âm chữ V của miền Bắc là một âm hoàn toàn “Tây” khiến ta có thể đặt ra thêm một giả thiết nữa. Đó là các Thầy ở các thế hệ sau của phía Bắc có thể vẫn gồm nhiều giáo sĩ gốc Pháp hơn các Thầy dạy chữ quốc ngữ ở Nam Bộ. Ta có thể tìm ra luôn một sự liên hệ mật thiết (strong correlation) giữa phát âm chữ V, chữ Dz (thay cho D) ở miền Bắc với tỷ số người theo Đạo ở miền Bắc so với miền Nam.

Giả thiết nhỏ thứ ba là một giả thiết mang nhiều trí tưởng tượng và ảnh hưởng của các phim xinê Hollywood. Đó là loại giả thiết theo kiểu conspiracy theory (thuyết về âm mưu toa rập), được đặt ra để viết tiểu thuyết, để làm đề tài quay phim kinh dị thu hút hàng triệu khán giả trên toàn cầu. Thường chỉ để giải trí mà thôi. (Xin xem phim về conspiracy gần đây do Mel Gibson và Julia Roberts thủ vai chính). Thuyết về âm mưu toa rập sẽ nói có thể đã có một nhóm thực dân chủ trương phải cho hai kỳ Bắc và Nam phát âm khác nhau để  chia nước Nam ra cho dễ cai trị. Rất dễ, họ chỉ cần dạy người học chữ quốc ngữ lần đầu, trong Nam  từ nào viết bắt đầu bằng V hãy đọc By hay Y, ngoài Bắc hễ thấy từ nào viết bắt đầu bằng V cứ đọc như tiếng Tây. Chỉ có vậy thôi.

Quan sát Thầy rồi, xin thử quan sát Trò. Trò là ai? Trước khi chữ quốc ngữ đến với hàng vạn rồi hàng triệu người học trò cuối cùng là những người trong dân gian, những người học trò đầu tiên, trong số hàng chục đến hàng trăm hàng ngàn trong thời buổi ban đầu, đều trở thành những người Thầy người Cô nhận trách nhiệm thiêng liêng truyền bá chữ quốc ngữ cho dân tộc. Đa số những người học trò đầu tiên nhanh chóng trở thành Thầy đó đều là những người Việt, những người theo Đạo, những người theo Tây học, và một số sĩ phu tiến bộ đã thấm nhuần Nho học. Ta có thể suy đoán rằng chỉ có chừng một trăm người học trò ban đầu đã có thể học chữ quốc ngữ trực tiếp từ các tác giả đã “sáng chế” ra chữ quốc ngữ mà thôi. Điểm này vẫn chưa quan trọng. Điểm khác biệt quan trọng nhất của người học trò, hay “đồ đệõ, ở thế kỷ 17-19 với người học trò, hay “sinh viênõ, ở cuối thế kỷ 20 và sang thế kỷ 21 hiện nay là gì?  Đó là người học trò ở các thế kỷ trước dưới ảnh hưởng ngàn đời của văn hoá Trung quốc cổ xưa luôn luôn tôn kính các bậc Sư bậc Thầy của mình. Thầy dạy gì học đó, không hề thắc mắc hay đặt nghi vấn với Thầy. Đó cũng là người học trò ở các thế kỷ trước hoàn toàn thiếu thốn trang bị của tinh thần khoa học Tây Phương như ngày nay. Tinh thần khoa học bao gồm việc phân tích và tổng hợp dựa vào những quan sát khách quan về sự kiện. Thiếu sót về phân tích khoa học cộng với dư thừa trong việc tôn kính ân sư đã khiến những người HọcTrò-trở-thành-Thầy đó qua nhiều thế kỷ không thể nào “phát hiện” được một vài điểm thiếu hoàn hảo (như V dùng để thay cho W và Y)  nằm ngay trong lòng tiếng Việt mến yêu.

Thế còn những người học trò có ít nhiều hiểu biết về tiếng Tàu thì sao? Tại sao tiếng Tàu đọc Yue Nan hay Yuet Nam cho Việt Nam mà họ cũng không phát hiện được có cái gì hơi lạ ở chữ quốc ngữ? Ta phải phân biệt thêm tiếng Tàu ở nước Việt Nam là gì. Thường gọi đó là tiếng Hán hay đúng hơn, Hán Việt. Tiếng Hán Việt là một hệ thống phiên âm tiếng Tàu nói theo giọng Hoa Bắc, tức gần với giọng Quan Thoại hơn giọng Quảng Đông (xem Vũ Thế Ngọc, Bình Nguyên Lộc). Thật ra nó gần với giọng tiếng Tàu ở thời Trung Cổ hơn hiện tại (xem Vũ Thế Ngọc). Nó lại được phiên âm theo “khẩu vị” của người Việt phát âm tiếng Nôm. Thí dụ Hoài Cổ quan thoại đọc Huai Gu, Nam Bắc quan thoại đọc Nan Bei, Mao Trạch Đông, đọc Mao Ze Dong, tái kiến, quan thoại: zai jian. Người Việt Nam đọc tiếng Hán Việt người Tàu chỉ hiểu được chừng 5 phần trăm là cao!! Ngược lại người Tàu, Quảng Đông, Phúc Kiến hay Bắc Kinh có đọc thơ văn Lý Bạch hay nói cái gì đi nữa, người tinh thông Hán Việt nhất cũng chỉ có thể đoán được đến 10 phần trăm là giỏi lắm rồi!

Cái thế bí mật của sự biến chuyển âm chữ W và Y sang âm chữ V như Wương Yũ thay vì Vương Vũ, yĩnh yiễn cho vĩnh viễn, người rành tiếng Hán Việt qua nhiều năm vẫn không thể khám phá ra được bởi vì chữ quốc ngữ đã được dùng để ký âm luôn cho tiếng thuần Nôm (như đi về, sức mấy, động trời) và tiếng Hán Việt (trọng yếu, Kinh tế, vũ lộ, vĩnh viễn). Và tiếng Hán Việt đã tách rời khỏi tiếng Tàu từ lâu trong cách phát âm. Tiền nhân Việt Nam không bao giờ phải kiểm lại rằng từ Hán Việt này, từ Hán Việt nọ hiện đang được phát âm bên Tàu ra sao. Tiếng Việt biến chuyển ra sao thì tiếng Hán Việt cũng thay đổi y như vậy. Yũ để chỉ mưa, lông chim viết thành Vũ thì tiếng Hán Việt cũng phải chấp nhận dùng Vũ luôn thôi. Thành ra chỉ cần sang một thế hệ ký âm không đúng sẽ dễ dàng trở thành đúng. 

Có một giới rất rành tiếng Việt và tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, v.v. sau khi chữ quốc ngữ ra đời. Đó là những người sứ thần hay tùy yiên sứ quán sang Tàu làm việc (yiệc?) và những nhà cách mạng Việt Nam bôn ba lưu vong và sống lâu năm bên Tàu. Hoặc những thương gia gốc Hoa hay gốc Việt đi qua đi lại hai nước.  Những người này là những người không bao giờ có được một phút nghĩ đến chữ quốc ngữ! Tựu chung những điểm thiếu hoàn hảo của V  đã ẩn mặt dễ dàng đối với cả hai giới thông thạo chữ Nho (Hán Việt) và giới nói rành tiếng Quảng Đông hay Quan thoại.

Ta cũng phải để ý sự nồng nhiệt trong việc đón nhận rồi giúp truyền bá chữ quốc ngữ của giới sĩ phu trí thức của nước An-Nam. Mục đích sâu xa và thầm kín của họ chắc hẳn đã bao gồm việc mở mang và nâng cao dân trí để giành lại chủ quyền quốc gia, tạo dựng cho dân tộc một ngôn ngữ mới tách khỏi cái rườm rà rắc rối của chữ Nôm và chữ Tàu. Họ có thân Tây ít nhiều đi nữa, việc đóng góp vào sự phát triển chữ quốc ngữ, theo thiển ý, là một hành động mang tính chất cách mạng, góp phần không ít trong việc đánh đuổi thực dân. Thời gian hai ba trăm năm xem ra thật ngắn, rất ngắn trong sự bận rộn của cả một dân tộc lo thức tỉnh trước trào lưu tiến bộ của thế giới, lo tranh thủ độc lập cho nước nhà. Bởi vậy V thế cho W và Y, D thay cho Y, rồi Đ bất đắc dĩ trám chỗ cho D-Tây là những chuyện “tầm phàoõ, “vu vơ” chẳng ai màng để ý đến.

Bây giờ xin quan sát phát âm chữ D-Việt, và thử tìm giải thích tại sao người Bắc Hà thường có khuynh hướng phát âm thành Dz.

Việc thay thế cho âm Y bằng D-Tây (đọc là Đ) như dans le jardin, Demi Moore, diaspora, rồi dùng Đ của tiếng Iceland trám chỗ cho D là một việc làm thiếu hoàn hảo của các tác giả chữ quốc ngữ. Đó là những từ như Dầu (quan thoại: You), Dùng (Yong), Dễ (Yi), Dì (Yi, chị hay em gái của mẹ), Dược (như Dược Sĩ, quan thoại Yao), v.v.  Và rất có thể D-Việt, nếu dùng để thay cho Y, đáng lẽ phải được dùng viết luôn cho những từ như Dĩnh diễn (vĩnh viễn, yong yuan), công diên (công viên, gong yuan), v.v.  Nhưng lại không. Từ đó ta có thể thêm một giả thiết rằng phải chăng tiền nhân Việt Nam ở thế kỷ 17 hoặc trước đó đã phát âm đến phân nửa các từ bắt đầu bằng V  như Việt Nam, công viên, vải vóc, thật sự bằng By như Byiệt nam, công byiên, byải byóc, cho nên các tác giả ban đầu đã không ký âm các từ này bắt đầu bằng D-Việt tức âm Y thuần tuý?

Việc thay thế âm Y bằng D-Việt đã gây ra 2 hệ quả quan trọng. Thứ nhất, đối với  người Việt di tản ra định cư ở nước ngoài, những người có tên bắt đầu bằng chữ D-Việt đành phải từ giả lối xưng hô danh tánh, cha sinh mẹ đẻ của mình. Danh đọc thành Đanh, Di đọc thành Đi, Diên đọc thành Đien. Và đặc biệt hai tên đẹp cho người nữ và người nam là Mỹ Dung và Anh Dũng đều phải đọc My Dung và Anh Dung. Dung hay Dũng viết không dấu thành ra Dung hết. DUNG đọc theo tiếng Mỹ tiếng Anh lại trở nên một danh từ mang ý nghĩa “hết sức hôi hám” (nghĩa: phân bò)! Do đó khuynh hướng thông thường hiện nay của người Việt định cư ở các nước nói tiếng Anh tiếng Mỹ mang tên bắt đầu bằng chữ D thường bắt buộc phải biến nó ra thành Dz, biến Dung thành Dzung, hoặc một đôi khi và có vẻ đúng hơn: Yung, như Yung Krall.

Hệ quả thứ hai xảy ra tại miền Bắc có lẽ cũng đã hai ba trăm năm rồi. Đó là lối phát âm D-Việt thành ra Dz. Xin nhắc lại D-Việt có âm như Y, trong dinh dưỡng, và D-Tây có âm như Đ, trong dans, Denis, Disneyland. Ta hãy thử tìm giải thích hiện tượng này bằng hai giả thiết sau đây.

Giả thiết thứ nhất là giả thiết “Sai theo lối hài thanh” như đã đề cập ở phía trên. Đó là cách phát âm theo với chữ viết, như V viết cho Vũ thay vì đúng ra phải Y như Yũ chỉ mưa gió, người đọc sẽ đọc nó như Vũ (với âm V của tiếng Tây).  Theo với giả thiết này ta hãy xem xem âm bắt đầu bằng D-Việt đã có viết chuyển biến qua lại với âm bắt đầu bằng Gi hay không. Thí dụ: dở chứng hay  giở chứng; Dành giật hoặc  giành giật - với điều kiện ta phải thấy r” rằng sự biến chuyển qua lại này xảy ra rất nhiều trong tiếng Việt.

Lật một quyển từ điển Việt Hán ta thấy những điểm r” rệt như sau:

  • D-Việt như trong Dầu hỏa, dĩ vãng, dinh dưỡng, dự báo, di cư, biểu diễn, dĩnh ngộ, Dương Qua, v.v. nếu bắt nguồn từ tiếng Hán với những từ tương tự đều phải bắt đầu bằng Y : Shi you (dầu từ đá), yi wang, ying yang, yu bao, yi ju, biao yan, ying wu, Yang Guo.

  • Âm Gi trong tiếng Việt, gần gần với âm Dz, như Trường Giang, giám hộ, thế giới, giao thiệp, giải thích, giới tuyến, Giáo Hoàng, giảm giá, nếu bắt nguồn từ chữ Hán thông thường sẽ bắt đầu bằng Ji: Chang jiang, jian hu, shi jie, jiao she, jie shi, jie xian, Jiao huang, jian jia, v.v.

Gần như  hoàn toàn không có âm nào bắt đầu bằng Ji trong tiếng quan thoại khi chuyển qua tiếng Hán Việt lại bắt đầu bằng D-Việt cả. Như vậy D-Việt đặt ra để thay thế chính yếu cho Y. Nguyên thủy bắt buộc phải đọc yầu hỏa, yĩ vãng, yinh yưỡng, yự báo, yi cư, biểu yiễn, v.v.

Ta cũng phải xem xem trong những từ Việt thuần Nôm có những từ nào có thể bị tình nghi gây ra lối sai hài thanh cho chữ D-Việt hay chăng. Tìm tòi bằng cách đối chiếu với các tiếng như tiếng Mường, tiếng Khả Lá Vàng, tiếng Mã Lai, v.v.  Rất khổ việc này cực kỳ khó khăn vì ở Việt Nam cho đến nay hình như chỉ có vài ba người đã nghiên cứu về vấn đề này, như Bình Nguyên Lộc và Hồ Lê. Chỉ có thể tìm ra lác đác một hai từ trong các bản đối chiếu đã xuất bản:

  • Dừa (Coconut): Nyor (Mã Lai), Đôn (Kampuchia), Prao (Thái Lào)

  • Dòm (Nom/Lom, look): yôô (Darang), yao (Vu), yau (En), yaung (Son)

  • Dùa (Vơ, sweep off): iok (Hrê), yok (Bahna), yok (Xơ đăng), chok (Giế triêng)

  • Giết (kill): kuchit (Môn), gơxớt/xvêt (Kơho), kachêt (Tà Ôi), ziet (Theng)

  • Gió (wind): kyaal (Môn), kơyol (Khơme), kayêu (Hrê), kuyal (Bru), khial (Co)

  • Giỡ (giỡ nhà, lift/remove): yuk (Môn), yơik (Danaw), Đ-yuk (Palaung), yơk (Mnông)

 Ta để ý trong bản đối chiếu ngắn ngủi này, âm D-Việt vẫn còn tương đương với âm Y. Âm Gi khi thì gần với Y như trong Giỡ và Gió, nhưng r” ràng sát với Gi như trong Ziet (giết), tiếng Theng, hay kachêt tiếng TàÔi, hoặc gơxớt (Kởho) đọc thật nhanh.

Giả thiết đọc D-Việt thành ra Dz do ở sự biến chuyển con thoi qua lại giữa D-Việt và Gi do đó thiếu sức thuyết phục vững chắc.

Giả thiết thứ hai liên hệ đến việc “sai do lỗi ở Thầy” như đã đề cập phía trên. Các Thầy ban đầu, nhất là các Thầy nói tiếng Tây rất quen, đa số đã phát âm D-Việt (tức Y, như trong dan díu) thành ra Dz trong hàng chục hàng trăm năm đầu, nên các trò và đại đa số dân chúng phía Bắc đã tiêm nhiễm và phát âm theo y như vậy. Thế nghĩa là thế nào?

Muốn hiểu rõ ta hãy thử đặt mình vào vị trí của những vị Thầy vào thế hệ thứ hai thứ ba sau các tác giả đầu tiên. Từ Pháp đến xứ An-Nam những người Thầy đó phải học cấp tốc tiếng quốc ngữ của người bản xứ để mai mốt có thể giảng đạo. Họ tự học cấp tốc tiếng quốc ngữ bằng cách thực hành qua trung gian những người rành 2 thứ tiếng Tây và Nôm, hoà mình “nói đạiõ, “học đại” với người địa phương, cũng như ngày đêm tra cứu những quyển sách tài liệu mà các người “sáng chế” chữ quốc ngữ đầu tiên đã để lại.  Khó khăn thông thường nhất của những vị  Thầy Tây này và ngay cả những người Việt bản xứ đã học qua chữ cái alphabê và thông thạo tiếng Tây là gì? Đó là khó khăn nhận diện một chữ cái rất quen thuộc ở tiếng Tây nhưng bị “cưỡng ép” phát âm khác biệt một trời một vực. Đó là chữ D-Tây (đọc là Đ) bị ép phải đọc như Y (viết dang dở, lại không đọc đang đở như Tây, mà phải đọc là yang yở!). Bởi chữ D-Tây đã và đang bị thay thế một cách thiếu tự nhiên bằng Đ,  như đáo để, đáng lẽ phải viết theo kiểu Tây là dáo dể! R” thật lộn xộn.

Thế tại sao D tự nhiên biến thành Dz? Xin mạo muội đưa ra giải thích rằng mỗi khi các vị tôn sư người Pháp này hay các Thầy người Việt chưa rành chữ quốc ngữ (trong lối đánh vần) nhưng đã khá thông thạo tiếng Tây gặp phải những từ viết bằng chữ D trong giờ “Tập Đọc” của lớp học chữ quốc ngữ: những từ như Danh dạy dỗ Duyên, Dung dạn dĩ (với) Danh, v.v., họ sẽ dễ dàng bị lúng túng và . . . nhầm lẫn. Theo bản năng cố hữu từ thuở cha sinh mẹ đẻ, họ sẽ dễ đọc nhầm chữ D-Việt thành ra chữ D-Tây trở lại (tức Đ, như au dedans, déja-vu, v.v.). Tức họ sẽ đọc Danh thành Đanh trong chừng một tíc tắc của thời gian, chừng 1 phần trăm hay một phần ngàn của một giây đồng hồ. Sau khoảng thời gian nhanh chóng đó, với trí hiểu biết của một bậc Thầy họ nhận diện liền ngay rằng Danh phải đọc là Yanh, lập tức họ sẽ biến chuyển phần phát âm còn lại trở thành Yanh. Tức là họ sẽ phát âm D như Đờ-Yờ và Danh như Đờ-Yờ-ANH.

Ta thử đọc nhanh Đờ-Yờ xem sao: Đờ-Yờ => Đờ-Yờ => Đờ-Yờ => ĐờYờ

Nhanh hơn nữa: ĐờYờ => ĐờYờ => ĐờYờ => Đ-Y  => Đy = ĐY => . . . Đz= Dz !!!

Đọc thử Duyệt (lịch duyệt) hay Dĩnh (dĩnh ngộ) thật nhanh theo kiểu những vị Thầy gốc người Pháp xem sao:

ĐờYờ-uyệt => ĐờYờ-uyệt => Đ-Yuyệt  => ĐYuyệt => . . . Đzuyệt = Dzuyệt !!!

ĐờYờ-ĩnh => ĐờYờ-ĩnh => Đ-Yĩnh  => Đyĩnh => . . . Đzĩnh = Dzĩnh !!

Âm Y đi theo sau chữ D-tây sẽ trở thành một âm gió y hệt như âm Dz. D trước z trong Dz chính nguyên thủy là D-Tây. Và Dz thật ra phải được viết là Dy, hay đúng phiên âm hơn ĐY. Nhưng quyền viết ra Dz là quyền của người hay những người viết ký âm ra nó đầu tiên. Sự biến chuyển của D-việt ra Dz này nghĩ cho kỹ cũng vẫn là một biến chuyển do ở “hài thanhõ. Thấy chữ giống nhau người ta hay đọc giống nhau: Thấy chữ D-Việt lại lầm là D-Tây nên thay vì phát âm như Y các Thầy thời xa xưa đã có khuynh hướng nhận diện và phát âm nó như D-Tây. Nhưng chỉ trong một tíc tắc của thời gian thôi. Sau đó các Thầy Tây này sẽ nhận thức sai lầm của mình và uốn lưỡi lại sao đó để trả nó về âm Y. Từ đó sinh ra Dy và Dz.

D đọc ra Dz và V đọc luôn cho W và Y hay By, cả hai dễ dàng đưa chúng ta đến giả thiết rằng các Thầy dạy chữ quốc ngữ ở Bắc Hà nhiều người Pháp hơn ở Nam Bộ, và việc này cũng liên hệ mật thiết đến số người theo Đạo ở Bắc Hà có vẻ đông hơn ở Nam bộ.

Thử kiểm chứng thêm về giả thiết “hài thanh” của những vị Thầy ban đầu trong âm D (cho Y) đọc như Dz. Ta phải tìm xem có một trường hợp nào tương tự như vậy chăng? Có. Thật ra âm Dz là một thứ âm Z nhẹ, rất nhẹ. Giữa D-việt và Z. Nó cũng giống xa xa gần gần với âm Z trong pinyin của tiếng Quan thoại: Mao Ze Dong (Mao Trạch Đông), zai jian (tái kiến), zai nar (tại đâu), v.v.. Âm Z này của tiếng quan thoại ngày xưa phiên âm theo kiểu Wade-Giles (xin xem bài chữ-V) được viết là Ts:     Mao Ze Dong xưa được viết Mao Tse Tung. Nay, theo pinyin do chính người Tàu soạn lại, Ze thế Tse, Dong thế Tung. Tung với Dong, nhất là T với Đ, là hai âm có động tác phát âm ở lưỡi gần giống nhau. Thí dụ để ý khi đọc Toàn hay Đoàn, Đoàn chỉ khác với Toàn trong vị trí đầu lưỡi nằm sâu trong miệng hơn một chút. Ts (tức TờXờ -  trong Mao Tse Tung) đọc nhanh cũng giống như Đờ-Xờ (Ds), ngày trước đã dùng y như cho Z-nhẹ ngày nay -  trong Mao Ze Dong. Thành ra chữ D-Việt đọc theo giọng lớ của các Thầy gốc Pháp là Dz hay DY, tức một loại Z-nhẹ, cũng giống như một loại Z-nhẹ KHÁC đã được dùng để thay cho TờXờ (Ts) trong pinyin (phiên âm) của tiếng quan thoại ngày nay.

Bài này đặc biệt sẽ không có phần kết. Chỉ xin tóm tắt một vài điểm chính:

  • Tiếng Việt cho đến thế kỷ 17 hoàn toàn không có âm chữ V.

  • Trong việc kiến tạo chữ quốc ngữ, các giáo sĩ đã dùng chữ V thay cho W (như con Woi) và Y hay By (như Yiệt Nam hay Byiệt Nam).

  • Vấn đề tìm hiểu âm cổ của chữ V thật sự là một chuyện “vu vơ” trong trên 300 năm qua.

  • Chữ D phát âm như Dz là hệ quả tất yếu của việc dùng D thay cho Y, rồi Đ thay cho D-tây, mà những vị Thầy người Pháp đã vướng phải do ở thói quen “hài thanhõ.

Postscript (Viết Sau): Phạm Quỳnh trong tạp chí Nam Phong số 84 Tháng 6 -  1924 (xem Phạm Quỳnh 1892-1992, Nhà xuất bản An Tiêm 1992) đã dùng “yêm-bác” tiền thân của uyên bác sau này. Học giả họ Phạm cũng dùng i-ngắn trong các từ như mĩ thuật.  Yêm bác, xuất xứ từ tiếng quan thoại yuan bo, có lẽ là từ cuối cùng có phát âm Y như quan thoại được biến chuyển ra khỏi Y trong thời đại cận kim. Việc biến chuyển của Yêm bác đã để lộ một vài tông tích và dấu vết: (i) Tiếng Hán Việt ngày xưa quả thật đã dùng âm Y (như D-Việt) cho phân nửa âm hiện bắt đầu bằng V ngày nay; (ìi) Sở dĩ Yêm bác còn tồn tại cho đến khoảng thế chiến thứ 2 là vì đó là một loại từ ít được dùng tới, và người trong dân gian coi đó là thứ dao to búa lớn, không hiểu đó là gì; (ììi) Uyên bác thật sự sẽ có ký âm là Wiên bác nếu chữ quốc ngữ có chữ cái W, hay ít lắm đáng lẽ phải viết thành viên bác. Điều này chứng tỏ ai đó (có lẽ thuộc Tự Lực Văn Đoàn) viết lại Yêm bác thành uyên bác có hiểu biết rằng V đã thay cho W và Y, nhưng vì phải biến đổi trễ nếu không nói sau cùng, nên thay vì viết viên bác  hay viêm bác họ phải viết thành uyên bác. Sao vậy? Bởi Viên hay Viêm đã bị các từ mang nghĩa khác cũng biến từ âm Y chiếm mất hết rồi: Công Viên (gong yuan) và Viêm Nhiệt (Yan re)!

(b) Bình Nguyên Lộc có trích dẫn từ công trình nghiên cứu về người Mường của Jeanne Cuisinier: “Les Mường, Géographie humaine et Sociologie”, xuất bản năm 1946, viết rằng “người Mường có khuynh hướng phát âm chữ V như Bi”. Nghĩa là vải vóc họ đã đọc như Biải Bióc, y hệt như người Nam Bộ! Và theo thống kê năm 1946 của bà Cuisinier, tổng số người Mường độ 300000, trong đó 136000 cư ngụ ở Hoà Bình, 86000 sống ở Thanh Hoá, 30000 ở Phú Thọ, 20000 tại Sơn Tây.

Nguyên Nguyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002