Đại Chúng số 77 - Lễ Độc Lập 4/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

HŨ MẮM THỐI TRONG NGÀNH QUÂN Y:

QUÂN Y SĨ CŨNG THI ĐUA ĂN BẨN: BÁN CHỨNG CHỈ GIẢI NGŨ, CHỨNG CHỈ MIỄN DỊCH VÌ LÝ DO SỨC KHOẺ, CHIA CHÁC VỚI SĨ QUAN QUẢN LÝ, VÀ NHÀ THẦU CUNG CẤP THỰC PHẨM, CAN DỰ TRONG CÁC VỤ ĂN CHẬN KHẨU PHẦN GẠO CỦA THƯƠNG BỆNH BINH...

  • DƯỚI THỜI TT THIỆU CẦM QUYỀN, TỆ NẠN THAM NHŨNG, THỐI NÁT TRONG QUÂN ĐỘI ĐÃ LAN TRÀN CẢ VÀO GIỚI QUÂN Y.

  • NGƯỜI CHIẾN SĨ BỊ THƯƠNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG, VỚI TẤM HÌNH HÀI TÀN PHẾ VẪN KHÔNG THOÁT KHỎI BÀN TAY DƠ BẨN CỦA GIỚI QUÂN Y TRONG CÁC QUÂN Y VIỆN.

  • THẾ LỰC CỦA PHU NHÂN ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN TRONG NGÀNH QUÂN Y LỚN LAO ĐẾN CỠ NÀO?

ĐẶNG VĂN NHÂM

 

NGÔN NGỮ TIÊU BIỂU CỦA MỘT QUÂN Y SĨ Ở HẢI NGOẠI.

Tuy đã từng trải nhiều, và ít ra cũng đã chứng kiến hai vụ nổi loạn, tố giác công khai tệ trạng tham nhũng thối nát trong ngành quân y của hai vị sĩ quan quân y trong sạch là BS Hà Thúc Nhơn (đã bị bọn tham nhũng bắn chết) và BS Lương (đã công khai tố giác trước tiền đình quốc hội), nhưng cho đến ngày miền Nam bị mất vào tay quân CSBV, tôi vẫn còn tin tưởng dù sao ngành quân y của quân đội VNCH vẫn không đến nỗi dơ bẩn, thối nát lắm.

Lý do khiến tôi đã bị mù quáng như thế là vì tôi thầm nghĩ: Dù sao người quân y sĩ cũng là những kẻ trí thức, tối thiểu phải biết trọng danh dự của mình, và nhất là phải ý thức được nghĩa vụ cao cả của nghề nghiệp mình, để sống cho xứng đáng với lòng kính trọng của các giới quần chúng, nhất là lòng tin tưởng của các anh em chiến sĩ cầm súng nơi tiền tuyến.

Nhưng sau khi đã được nghe một người em kết nghĩa vốn là quân y sĩ (hiện đang ở Mỹ) kể hết đầu đuôi với những bằng chứng cụ thể, đành rành về các hành vi tham nhũng đã diễn ra trong các quân y viện của quân đội VNCH, tôi không khỏi ngao ngán, và thất vọng chán chường. Nhưng cuối cùng tôi vẫn chỉ kết luận xuông: “Với tệ trạng tham nhũng thối nát trầm trọng trong quân đội và ngành quân y như thế, thì việc mất miền Nam hiển nhiên là điều tất yếu!”.

Sau này, sống lưu vong, tôi lại được biết thêm những “Scandale”lớn lao khủng khiếp, gây chấn động dư luận các giới đồng bào tị nạn khắp nơi hải ngoại, liên quan đến vụ các giới y sĩ và dược sĩ VN ở Mỹ đã gian lận tiền khám bệnh và thuốc men cho bịnh nhân... tôi càng ngao ngán thêm. Niềm tin nơi giới trí thức VN trong tôi cũng như trong đại đa số đồng bào tị nạn đã bị sứt mẻ rất nhiều.

Thời gian trôi đi, những vụ án gian lận y-dược chấn động dư luận Mỹ và Việt ấy cũng theo năm tháng mà chìm vào dĩ vãng. Nhưng chẳng phải vì thế mà vụ án dơ bẩn ấy không còn tồn tại. Thực ra nó chỉ chìm xuống  như chất bùn đen lắng đọng dưới mặt nước ao tù, đợi đến khi nào có bàn tay ai quậy lên thì nó lại sủi bọt và bốc mùi thối khắm lan tràn.

Nhưng gần đây, đọc báo, bất ngờ tôi lại đọc phải một bài ”phê bình” (!) sách kiểu thù tạc, ve vãn, tán tụng  rất ấu trĩ  của một vị cựu quân y sĩ  ở vùng 2 ngày xưa ở VN, với những lời chửi bới cạnh khoé, xỏ xiên, vu vơ, nguyên văn như sau:

...những tên bồi bút văn nô hạng bét trước đây ở miền Nam và ngay cả bây giờ, khi dược phè phỡn ở hải ngoại trà trộn trong cộng đồng VN tị nạn CS là những đưá từng trốn quân dịch, sống trên xương máu dân lành [đã trốn quân dịch thì sợ lính bỏ mẹ còn làm gì có quyền hành nào để sống trên xương máu dân lành!?], từng được quân đội VNCH che chở để sống yên lành nơi đô thị đã viết những loại bài nhảm nhí ba xu rẻ tiền đả kích và thoá mạ hạ cấp quân đội VNCH mà trong đó phần đông là cha, ông,anh em, bạn bè chúng nó nữa. Chúng nó là những tên “ăn cơm cờ hoa thờ ma VC” nhắc đến chỉ thêm bẩn ngòi bút mà thôi...”

Thực tôi không ngờ, một  quân y sĩ, dù đã được đào tạo trong thời tướng Thiệu cầm quyền, lại có thể viết lách đến cỡ đó.. Gạt ra ngoài vấn đề chuyên môn, những câu văn này đã bộc lộ cả một trình độ hiểu biết rất thiển cận, một tư tưởng bịnh hoạn, một lối nói hàm hồ thất phu, giống hệt như ngôn ngữ và hành động của cựu trung tá T.H. Hội trong một tiệc cưới ở Maryland!

Hành động và loại ngôn ngữ kể trên của ông BS quân y này đã vô tình tăng cường thêm giá trị những lời tố giác của trung uý quân y Phan Ngọc Quang về những tội tham nhũng thối nát trong giới quân y ở vùng 2 CT . Vì thế, bất đắc dĩ  tôi quyết định cho đăng tải bài tường thuật sau đây, để độc giả thưởng lãm:

 

CHUYỆN THAM NHŨNG TRONG QYV PLEIKU.

Tại miền Nam, dưới hệ thống tiếp vận của bộ TTM/QLVNCH có Cục Quân Y( viết tắt:CQY), gồm các Tổng Y Viện (viết tắt: TYV) Duy Tân (Đà Nẵng) và Tổng Y Viện Cộng Hòa (Gò Vấp, Sài Gòn), và 40 đơn vị nhà thương quân đội, hay còn gọi là QYV. Như thế, trên chóp bu của hệ thống là trung tướng Đồng Văn Khuyên, tổng cục trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, rồi tới y sĩ thiếu tướng Vũ Ngọc Hoàn, cục trưởng CQY.

Bây giờ tôi trở lại chuyện QYV Pleiku, có tính cách điển hình cho hành động tham nhũng trong ngành quân y của quân lực VNCH. Về địa thế, QYV Pleiku giáp với bộ tư lệnh QĐ 2 và phi trường Cù Hanh, thuộc sư đoàn 6 Không Quân, cách thị xã Pleiku khoảng 6 cây số, gần vùng Tam Biên [Việt-Miên-Lào], trong thung lũng Boloven. QYV Pleiku chẳng khác nào bệnh viện Nguyễn Huệ [Nha Trang] và QYV Qui Nhơn, thuộc cấp số 600 giường, lớn hơn bệnh viện tiểu khu 400 giường.

Lúc bấy giờ vào khoảng thời gian trước và sau mùa hè đỏ lửa, 1972, QYV Pleiku đang được chỉ huy bởi các vị sĩ quan sau đây:

  • Y sĩ trung tá Trần Quí Trung, chỉ huy trưởng QYV Pleiku (hiện đang làm BS dân sự ở San Diego/ Cali.)

  • Y sĩ thiếu tá Phan Huy Quế [em ruột của BS Phan Quang Đán], chỉ huy phó QYV( Nghe đâu hiện đang ở Pháp hay một nước Âu Châu nào đó).

  • Đại úy quân y Võ Văn Kỳ, quản lý QYV( hiện nay nghe đâu đang ở Texas).

  • Trung úy trưởng phòng Thực Vụ Võ Văn Tư (hiện còn ở Sài Gòn).

  • Trung úy  y sĩ Bùi Thế Khải, trưởng trại ngoại thương .

  • Đại úy nha sĩ Nguyễn Tấn Sĩ, trưởng phòng Nha Khoa( hiện đang hành nghề tại Santa Ana, Cali.).

  • Trung úy Y Sĩ Phan Ngọc Quang, trưởng phòng nhận bệnh (hiện đang ở El Monte, Cali.).

  • Trung úy Đỗ Đức Lợi, trưởng phòng tiếp liệu.

  • Thiếu úy Phan Huy Hoành (hiện đang ở Cali.).

  • Thượng sĩ Bùi Văn Trường (hạ sĩ quan, đặc trách an ninh QYV).

Nên biết, mỗi TBB ngay từ giây phút đầu tiên mới nhập viện đã bị tham nhũng “ăn trên đầu trên cổ” rồi! Mỗi TBB bất kể bịnh tình nặng nhẹ hay đã bị trọng thương mê man bất tỉnh, khi được chở vào QYV đều lập tức được ghi vào sổ nhập viện, và phòng Thực Vụ QYV ghi luôn  phần ăn 700 Gram gạo mỗi ngày. Nhiều TBB không ăn được vì vết thương nơi chiến trường hay bị bịnh sốt rét... vẫn được ghi 700 Gram gạo.Căn cứ vào đó quản lý và phòng Thực Vụ tự động trừ đi mỗi người 700 Gram gạo. Đó là một cách “ăn cắp” ngang nhiên tài nguyên của quân đội. Chuyện này đã diễn ra cách quá thông thường hằng bao nhiêu năm qua,trong tất cả các QYV thuộc quân lực VNCH, không thấy một ai nghiên cứu hay điều tra để bít cái lỗ hổng phi lý đó. Hay là đã có sự biểu đồng tình, ngấm ngầm ăn chia số thực phẩm thặng dư ấy của TBB do các nhân vật tai to mặt lớn trong ngành quân y chủ trương?

Tại QYV Pleiku cũng như các nơi khác, vì các cấp chỉ huy tranh nhau ăn bẩn, nên còn nảy sinh thêm tệ nạn bè phái, và phe đảng. Phe chỉ huy trưởng, y sĩ trung tá Trần Quý Trung và phe chỉ huy phó y sĩ thiếu tá Phan Huy Quế, nhìn bề ngoài tưởng như là đồng nghiệp, đồng đội thân thương, làm việc gắn bó.Nhưng kỳ thực, bên trong, hai ông đang tranh nhau ăn món “giải ngũ TBB”, nên  mỗi bên đều thủ sẵn những lưỡi dao mổ cực sắc bén để hạ nhau bằng những đòn ngầm chí tử. Do đó mà chuyện tham nhũng  mới lần hồi bị lòi ra ánh sáng, khiến  một số người biết được.

Một hôm chiến tranh ngầm giữa hai phe chỉ huy phó và phe chỉ huy trưởng bỗng nhiên bùng nổ  bằng một cú mở màn khá ngoạn mục sau đây:

Như thường lệ hằng bao nhiêu năm qua, mỗi ngày nhà thầu Nguyễn Tất Hoanh đều chở thực vật: rau, cải, thịt, cá... vào QYV, cung cấp cho hỏa đầu vụ, không có chuyện gì xảy ra. Bỗng nhiên, hôm nay, khi xe nhà thầu vừa ra đến đồn canh QYV liền bị an ninh chận lại, lục soát và bắt được quả tang trên xe nhà thầu một bao gạo của phòng Thực Vụ. Hỏi ra đó là bao gạo mà trung sĩ nhất Trần Xứng, thuộc phòng Thực Vụ nhờ chở ra giùm. (họ Trần hay họ Hồ, tôi nhớ không rõ!).  Nội vụ bị lập biên bản... Nếu bình thường thì vụ một bao gạo lẻ tẻ này sẽ được xử êm ngay. Nhưng vì y sĩ thiếu tá Phan Huy Quế mới lên nhậm chức, muốn gài người hạ sĩ quan y tá của ông vào Thực Vụ nên phải xé chuyện bé ra to, đồng thời còn muốn nhân dịp dằn mặt  viên y sĩ trung tá chỉ huy trưởng một cú chơi.

Tưởng cũng nên biết, trong các QYV của quân lực VNCH trên toàn quốc có rất nhiều món ăn béo bở khác nhau.Các sĩ quan y sĩ có món ăn riêng. Các sĩ quan hành chánh, tài chánh, làm quản lý hay trưởng phòng Thực Vụ có món ăn riêng. Những sĩ quan, hay hạ sĩ quan nào được bổ nhiệm làm quản lý hay thực vụ chỉ chừng nửa năm sau đều trở nên “mát mặt” và sung túc hơn so với các sĩ quan và hạ sĩ quan thuộc các ban khác.

Xuyên qua vụ một bao gạo vừa kể trên, người ta khám phá ra trung sĩ Trần Xứng đã bắt tay với nhà thầu Nguyễn Tất Hoanh, nổi tiếng rất giàu có trong tỉnh, chuyên cung cấp thực phẩm cho QYV. Từ bao nhiêu năm qua năm nào nhà thầu NT Hoanh cũng đều trúng thầu. Người ta còn được biết thêm, nhà thầu NT Hoanh đã mua đứt đại úy Võ Văn Kỳ quản lý QYV Pleiku từ khi ông Kỳ còn là trung úy. Vậy đây là một vụ tham nhũng có ăn chia giữa nhiều thành phần chỉ huy trong QYV. Nhưng trong bất kỳ một cuộc tham nhũng có tổ chức nào ở miền Nam VN, chẳng cứ gì trong các QYV,- như QYV Pleiku này là điển hình -, khi bị đổ bể chỉ kẻ nào thuộc đẳng cấp thấp nhất mới bị hy sinh mà thôi.

Thế là trung sĩ  nhất Trần Xứng bị thuyên chuyển lên Pleiku. Còn trung úy trưởng phòng Thực vụ Võ Văn Tư bị lãnh 30 ngày trọng cấm và đổi sang phòng, ban khác.

Vụ này còn đang tùm lum thì tới chu kỳ thanh tra QY thường lệ hằng năm. Người ta vội vàng cử ngay trung úy y sĩ Phan Ngọc Quang, trưởng phòng Nhận Bệnh, kiêm nhiệm luôn chức trưởng phòng Thực Vụ. Có lẽ bởi PN Quang vốn nổi tiếng là một sĩ quan quân y trẻ thanh liêm và cương trực chẳng khác nào Hà Thúc Nhơn. Vả lại, người ta còn  biết gia đình PN Quang vốn quen lớn khá nhiều với một số nhân vật chóp bu của ngành quân y VNCH. 

Việc cử PN Quang vào chức vụ trưởng phòng Thực Vụ dĩ nhiên có cái lợi tạm thời là ”bịt mắt” được phái đoàn thanh tra, và giả thiết nếu có xảy ra điều gì bất trắc cũng dễ dàng dùng PN Quang như một cây cầu nối liền “thông cảm” với cục QY. Hiển nhiên, cấp chỉ huy QYV Pleiku đã thành công trong mục tiêu trước mắt. Cuộc thanh tra đã diễn ra êm xuôi, tốt đẹp.Nhưng xét ra, về lâu về dài, nếu để PN Quang ở chức vụ trưởng phòng Thực Vụ thực là vô cùng bất lợi. Trong tương lai không xa thế nào cũng sẽ xảy ra những vụ đụng chạm nảy lửa giữa phe tham nhũng với người sĩ quan quân y trẻ tuổi này. Bởi ngay từ giây phút đầu tiên mới bàn giao chức vụ trưởng phòng Thực Vụ, trung úy y sĩ PN Quang đã khám phá ra ngay những trò mánh mung, tiểu xảo để ăn cắp, bòn rút của công trong QYV. Căn cứ trên các con số của biên bản thì mọi thứ thực phẩm đều đủ cả. Nhưng khi đích thân kiểm soát cân lường từng thùng, từng loại, thì PNQ mới bật ngửa. Dưới đáy các thùng gạo, đường, sữa ... đều bị độn giấy báo cả đống cho nặng, để cân đủ ký. Như thế cả gạo, lẫn, đường, sữa v.v... đều bị thiếu hụt rất nhiều. Trung úy PNQ  định làm tờ trình riêng. Nhưng trung tá chỉ huy trưởng vội gạt đi liền, khuyên không nên bới rỡ ra làm gì, vì đó chỉ là chuyện nhỏ!

Quả nhiên, chẳng bao lâu sau khi giữ chức trưởng phòng Thực Vụ, TU Quang đã gây trở ngại, khó khăn cho hệ thống tham nhũng trong QYV. Một hôm, ông khám phá ra nhà thầu đem giao 60 kí lô  thịt heo, chỉ có vài kí trên mặt, để làm màu, là thịt nạc, còn lại trên 50 kí lô đều là mỡ heo. TU Quang coi phiếu giao hàng thấy có đủ chữ ký nhận hàng hợp lệ của 1 bác sĩ, 1 dược sĩ, 1 trung úy, 1 hạ sĩ quan và 1 đại diện TBB. Nhưng chiếu điều kiện sách ký kết giữa QYV với nhà thầu, ông vẫn được quyền bác bỏ như thường.

Khi hàng bị bác bỏ theo điều kiện sách thì phòng tài Chính phải xuất tiền mặt cho nhà bếp đi chợ mua  thịt khác thay thế. Đến lúc đó bè phái tham nhũng mới ló cựa ra đá lại TU Quang, để dằn mặt. TU Quang chạy đi tìm đại úy quản lý Võ Văn Kỳ xin chữ ký để xuất tiền đi chợ, thì được biết ĐU Kỳ không có mặt trong văn phòng. Nghe nói ông ta vừa ra phố!

Lúc đó đã là 9 giờ sáng rồi, nếu để chậm trễ hơn làm sao ra chợ mua thịt cho kịp. TU Quang trở lại phòng Tài Chính làm dữ mới lấy được tiền. Khi có tiền, TU Quang chạy xuống phòng Tiếp Liệu, tìm gặp TU Đỗ Đức Lợi để lấy quân xa đi chợ, thì lúc ấy TU Lợi vừa lái xe ra khỏi cổng. Hỏi đến xăng cũng không có luôn.

Khi TU Quang đã nắm trong tay đủ sự vụ lệnh, tiền mặt và xe để đi chợ thì đồng hồ đã điểm 10 giờ 30 phút.TU Quang chỉ còn vỏn vẹn một tiếng đồng hồ nữa là tới giờ cơm trưa của TBB. Thường lệ vào 11 giờ 30!

Làm sao cho kịp? Tuy nhiên đã đâm lao thì phải theo lao. TU Quang muốn làm việc phải tất phải chịu nhọc nhằn. Ông không quản ngại lái xe tức tốc chạy xuống chợ Pleiku mua đủ thịt cá ngon, đem về nấu nướng xong cho TBB ăn thì đồng hồ đã chỉ 1 giờ 30.

Trong khi đó, về phía TBB, họ đâu có biết nội tình, thấy trễ giờ mà chưa có thức ăn, họ kéo nhau vào nhà ăn xô đẩy cửa và gõ muỗng, gõ mâm, gào mên rùm trời. Đợi cho đến lúc này, viên chỉ huy trưởng mới kêu TU Quang lên văn phòng xài xể!

Chuyện nhà thầu chẳng phải như thế đã hết. Ngoài chuyện thực phẩm còn chuyện củi. Theo điều kiện sách, nhà thầu phải cung cấp củi khô cho Hỏa Đầu Vụ, nhưng nhà thầu đã hối lộ cho nhân viên để ký nhận cả củi ướt, củi non v.v...khi đút vào lò đã không bắt lửa lại bốc khói mù mịt như có hỏa hoạn. Tuy biết vậy, nhưng TU Quang vẫn  không thể làm gì được. Vì khi TU Quang trình vấn đề này cho chỉ huy trưởng để làm giấy phạt nhà thầu, thì chỉ huy trưởng và quản lý QYV đều cản trở., nêu lý do: Nếu làm như vậy thì nhà thầu bỏ ngang hợp đồng. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cung cấp củi cho nhà bếp? Nếu mua củi ngoài chợ thì ai sẽ lo việc đi khiêng, vác củi và xe cộ đâu để chở củi vào QYV, giữa lúc săng, dầu đang bị hạn chế gắt gao? Cả ngàn nỗi khó khăn nan giải hiện ra.Thế là TU Quang đành chịu bó tay đối với vấn đề nhà thầu!

Nhưng TU Quang vẫn còn thừa khả năng và thiện chí để làm những công việc ích lợi khác cho QYV. Như trên đã nói, các QYV trên toàn quốc lúc bấy giờ đã được phép làm “kinh tế tự túc” bằng cách nuôi heo và nuôi cá Phi, để bán lấy lời mua văn phòng phẩm. Trong chương trình nuôi heo, TU Quang không cho bất kỳ ai được phép gửi heo riêng, nuôi nhờ trong chuồng của QYV. TU Quang trao việc nuôi heo cho một người lính Thượng, vốn xuất thân chốn thôn rẫy, thạo nghề chăn nuôi. Anh lính Thượng này lại tận tụy trong công tác đặc biệt của mình. Anh ta làm ngay một cái chái, lợp tôn, sát bên cạnh chuồng heo, để có thể ngày đêm sống gần gũi bên những con heo của QYV.Anh săn sóc heo rất chu đáo. Vì thế bầy heo của QYV rất mau lớn và béo tốt.

Để thưởng công và khích lệ anh lính Thượng tận tụy với nhiệm vụ của mình, TU Quang đã đặc cách cho anh ta được phép nuôi thêm 2 con trong bầy 20 con của QYV. Ngoài ra TU Quang còn cho phép anh lính Thượng được rẫy đất, làm cỏ một khoảng vườn rộng kề bên chuồng heo để trồng thêm bắp và khoai lang. Chẳng bao lâu sau, nhờ công lao tận tụy vun xới và sửa sang chuồng heo của anh lính Thượng chuồng heo của QYV Pleiku cùng với vườn bắp và khoai lang xanh tươi mơn mởn, quả trái xum xuê đã trở thành như một trang trại trông rất đẹp mắt. Sau đó QYV cũng đã bán được vài lứa heo, đem lại một khoản tiền khá lớn dùng để mua sắm dụng cụ văn phòng và trang trải tiền in các ấn phẩm cần thiết.

Chỉ trong một thời gian ngắn đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng Thực Vụ, TU Quang nhận thấy các TBB được ăn uống ngon lành và đầy đủ hơn, nhưng ông lại khám phá ra một sự thật khác là: Gạo trong QYV từ xưa đến nay chỉ vừa đủ dùng. Con số cung cấp và con số sử dụng luôn luôn cân bằng sít sao, không dư lấy một hột gạo nào, nay lại bỗng nhiên ông thấy số lượng gạo trở nên dư thừa. Mới 3 tháng làm trưởng phòng Thực Vụ, TU Quang kiểm điểm số lượng gạo tích lũy trong kho đã dư được trên 2.000 kí lô!

Như vậy rõ ràng từ bao nhiêu năm qua phòng Thực Vụ và nhà bếp của QYV đã ăn chận thêm một lần nữa khẩu phần gạo của TBB. Số lượng gạo dư như thế đã chui vào ngõ nào?[ Khám phá này tức là câu trả lời cho vấn đề một bao gạo của phòng Thực Vụ, do trung sĩ Trần Xứng đã gửi trên xe nhà thầu chở ra ngoài và bị bắt ở đoạn trên].

Với dụng ý tố cáo hành động ăn cắp gạo trong QYV của các cấp chỉ huy trách nhiệm liên hệ, TU Quang đã  lập ra một hội đồng giám định, gồm: 1 y sĩ, 1 dược sĩ, 1 hạ sĩ quan, và 1 đại diện TBB, chứng minh số lượng gạo thặng dư trong 3 tháng, rồi lập biên bản với đầy đủ chữ ký của các thành viên trong hội đồng. Biên bản lập thành nhiều bản phụ, 1 bản lưu tại phòng Thực Vụ, 1 bản gửi cho phòng Tài Chính của QYV, 1 bản gửi lưu trữ trong phòng chỉ huy trưởng.

Trước thành quả tốt đẹp đó băng đảng tham nhũng đã bắt đầu rục rịch tìm cách “chơi” TU Quang. Riêng đại úy quản lý Võ Văn Kỳ, trong lòng cay cú lắm, song ngoài mặt vẫn vồn vã, tươi cười, tỏ vẻ thân thiện, chờ hễ có cơ hội là tìm mọi cách để phá TU Quang cho bõ ghét. Thường lệ hàng năm, mỗi quân nhân đều được hưởng 7 ngày nghỉ phép để về Sài Gòn thăm thân quyến. Đến dịp này, cũng như mọi quân nhân, TU Quang làm đơn xin nghỉ phép về Sài Gòn thăm song thân. Đại úy Kỳ tự biết không thể nào bác đơn của TU Quang được, nhưng đã tìm cách ngâm tôm, lần lữa mãi cho đến khi mùa mưa đến. Mỗi năm, ở Pleiku, khi mùa mưa đến thì Cộng Quân cũng bắt đầu mở các trận tấn công, đánh các đồn biên giới xa xa, như Tân Cảnh, Chu Bao...hay gây áp lực với Kontum. Dĩ nhiên đến lúc đó, năm nào cũng vậy, bộ tư lệnh QĐII  ra lệnh báo động đỏ, cấm phép, và cấm trại 100%. Thế là TU Quang khỏi được đi nghỉ phép luôn. Và TU Quang đã bị băng đảng tham nhũng trong QYV chơi như vậy liên tiếp luôn trong 4 năm ròng rã.

Tuy nhiên, TU Quang vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi như vậy, cho đến khi ông đủ thời hạn luật định của quân đội VNCH, mới làm đơn xin thuyên chuyển về Sài Gòn. Tới lúc đó chỉ huy trưởng và sĩ quan quản lý vẫn tiếp tục đánh đòn thù độc địa bằng cách ghi một câu vào đơn của TU Quang: “Kính chuyển. Đương sự rất cần cho QYV. Xin người khác thay thế.” Với lời phê như vậy của viên chỉ huy trưởng, tất nhiên khi đơn chuyển về Cục Quân Y bị dẹp qua một bên liền.Vì Cục QY đào đâu ra người thay thế?

Nhưng cuối cùng, một dịp may cho TU Quang được thoát vòng kiềm tỏa của bàn tay tham nhũng trong QYV Pleiku: Mỹ bắt đầu thực hiện chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”, nên bộ TTM / QLVNCH cần rất nhiều sĩ quan tham mưu trung cấp, thuộc đủ mọi ngành nghề  trong tất cả các binh chủng, với ngân khoản trợ cấp của chánh phủ HK. Riêng ngành quân y, các đơn xin đi học được gửi lên chỉ huy trưởng đơn vị, để chuyển về cho CQY lựa chọn.

Dĩ nhiên QYV PLeiku, như tất cả mọi nơi khác, đã nhận được công điện thông báo về khóa học tham mưu trung cấp, để thông báo rộng rãi cho sĩ quan trực thuộc. Nhưng bộ chỉ huy QYV Pleiku chỉ thông báo riêng cho các sĩ quan thuộc phe đảng tham nhũng. Họ cố tình bưng bít không cho TU Quang biết. Nhưng băng đảng tham nhũng trong QYV Pleiku đã không ngờ chính vị chỉ huy phó CQY lại là người thân của gia đình TU Quang ở SaØi Gòn. Vì thế sắp đến ngày khóa học khai giảng, không thấy tên của TU Quang trong danh sách học viên, thân nhân của TU Quang mới cấp tốc báo động cho biết.

Ở Pleiku, TU Quang nghe tin không khỏi giựt mình chưng hửng, chạy hỏi phòng nhân viên của QYV, thì được trả lời tỉnh bơ là họ không biết, mặc dù chính họ đã chuyển đơn cùng với danh sách của 12 học viên về CQY. Tuy chỉ còn 4 ngày nữa khóa học khai giảng, nhưng TU Quang vẫn thành công tốt đẹp trong việc ghi danh nhập học. Ngược lại danh sách 12 sĩ quan, kể cả quản lý và tiếp liệu đều bị loại.

Trong thời gian 4 tháng học khóa tham mưu trung cấp tại trường Quân Y ở Sài Gòn, TU Quang được thực tập tại các QYV Trần Ngọc Minh, và Tổng Y Viện Cộng Hòa( viết tắt:TYVCH).Đây là một TYV thuộc hàng lớn nhất của quân đội VNCH với cấp số 6.000 giường, nghĩa là lớn gấp 10 lần QYV Pleiku. Nhưng TU Quang giật mình kinh hãi khi thấy trong sổ sách và hồ sơ của TYVCH cũng không có dư một hột gạo nào. Ông nghĩ: Trong thời gian làm trưởng phòng Thực Vụ ở QYV Pleiku, cứ mỗi 3 tháng kiểm kê  ông thấy có dư được trên 2.000 kí lô gạo. Nay tại sao TYVCH lớn gấp 10 lần QYV Pleiku mà từ bao nhiêu năm ròng rã không bao giờ dư được một hột gạo là nghĩa lý làm sao?

Khi TU Quang được chuyển qua thực tập trong Cục Quân Y, ông  tò mò  đến phòng lưu trữ công văn và công điện trao đổi giữa CQY với các cơ sở QY trực thuộc trên toàn quốc, ông không tìm thấy một dấu vết nào về những biên bản và báo cáo dư gạo của QYV Pleiku do chính ông lập nên. Như vậy có nghĩa là bộ chỉ huy QYV PLeiku đã không gửi những hồ sơ báo cáo số gạo dư  ấy đi. Đến lúc bấy giờ TU Quang mới có dịp nhận thấy cả một hệ thống ăn chận rất nhịp nhàng, rất ăn khớp, khẩu phần gạo của TBB, và ăn cắp gạo trong tất cả các cơ sở quân y, từ bệnh viện tiểu khu, quân y viện, bệnh viện dã chiến, tổng y viện...trên toàn lãnh thổ miền Nam.

 

THẾ LỰC CỦA BÀ VIÊN TRONG NGÀNH QUÂN Y.

Theo tôi nhận xét, kể từ thời quốc trưởng Bảo Đại, rồi tới thời TT Ngô Đình Diệm cho đến khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống, nền cai trị của đất nước VN, bên ngoài thì bị lệ thuộc hết Tây đến Mỹ, còn bên trong thì bị đàn bà chi phối.

Đối với Bảo Đại, một ông vua Play boy lừng danh quốc tế, đàn bà nhiều quá không kể hết. Đến thời đệ nhất CH, nổi danh độc nhất có một mình bà Ngô Đình Nhu.Có lẽ một tay bà đã từng chống đỡ chế độ trong cơn nguy biến [ năm 1961]. Rồi cuối cùng [ năm 1963] cũng chính bàn tay ấy của bà đã góp phần làm sụp đổ nhanh chóng chế độ do gia đình anh em nhà chồng đã tạo dựng nên. Nhưng kể từ năm 1964, khi các tướng lãnh  lên cầm quyền lãnh đạo chính trị đất nước, trong bóng tối hậu trường chính trị miền Nam chẳng phải chỉ có một bà Nhu mà lại có đến cả chục bà Nhu.

Bà Thiệu làm bà Nhu đã đành, bà Khiêm làm bà Nhu còn hiểu được, bà Cao Văn Viên cũng làm bà Nhu luôn.Thậm chí vợ các tướng lãnh èng èng cũng đua đòi làm bà Nhu, và xía cả vào chuyện quân cơ, binh bị, rồi lại còn  đua chen nhau trong việc mua quan bán chức, ăn hối lộ...như các bà:Tuyết Vân [vợ tướng Nguyễn Khắc Bình], Lâm Đệ Đệ [vợ của tướng Phú], cô Dung [nữ trợ tá xã hội, vợ ba của tướng Trần Thanh Phong TGĐ / CSQG], vợ của tướng Nguyễn Văn Mạnh [ tư lệnh QĐ IV, quân khu IV], nữ ca sĩ Minh Hiếu [vợ nhỏ của tướng Vĩnh Lộc], vợ của tướng TV Nhựt, vợ của tướng Phạm Quốc Thuần, vợ của tướng Trần Văn Trung, vợ nhỏ của tướng Phạm Văn Đỗng [TT Bộ Cựu Chiến Binh]...Ôi nhiều lắm, kể ra không hết.Càng kể càng đau lòng lòng thêm.Vì nó còn nhắc tôi nhớ đến cả các bà tá tỉnh trưởng, quận trưởng nữa...Giấy mực nào mà ghi cho xuể!

Đặc biệt nhất là các bà tướng tá đều cùng chung một mẫu số, bà nào cũng hoang dâm, tham lam tiền bạc cách bẩn thỉu, và vận dụng quyền lực của chồng quái đản hơn bà Nhu gấp ngàn lần!

Ở trên và xuyên qua 2 quyển BMHTCT I & II, bạn đọc đã biết về thành tích tham lam biển lận của bà Thiệu, bà Khiêm [liên hệ với Trần Đình Trường], bây giờ nơi đây, tôi xin kể sơ qua những điều thấy biết với  cả nhân chứng sống đàng hoàng về những ảnh hưởng thế lực và tình cảm của bà đại tướng Cao Văn Viên trong ngành Quân Y  của QLVNCH.

Để cho có đầu có đuôi, tôi mạn phép kể từ đời chồng trước của bà Viên là ông Giang Văn Trọng. Hồi còn làm báo ở quê nhà, khoảng năm 1957-58  tôi đã có dịp quen biết sơ qua ông Trọng.Lúc đó ông còn mang cấp bực đại úy, thuộc Cục Quân Y. Hồi trước năm 1969, thiếu tá Trọng giữ chức vụ trưởng phòng nhân viên CQY.Tư gia của ông ở trong cư xá Lữ Gia, Phú Thọ.  Khổ người TT Trọng cao lớn, có dáng vẻ bảnh trai. Nếu tôi không lầm, dường như  bà Viên đã có hai người con với ông Trọng trước khi bà sang ngang với ông Cao Văn Viên. Một người con trai lớn tên gì tôi không nhớ rõ, khi đến tuổi đi quân dịch đã nhập ngũ trong đơn vị nhảy dù và đã được đại tướng Viên tận tình nâng đỡ. Nhưng chàng lính cậu này vốn tánh thích đàn đúm bạn bè, ăn nhậu, bê tha, thường say sưa quá chén, khiến quân cảnh của bộ TTM phải dùng xe díp chở về nhà luôn.

Đúng sáng ngày 30.4.75, khi Cộng Quân vừa tràn vào Sài Gòn, cậu con trai lớn của bà Viên đang đứng trên ban công nhà, trong cư xá sĩ quan Phú Thọ, bất thần bị một viên đạn lạc trúng ngay đầu, ngã lăn ra chết tốt.

Còn người con gái kế, tên Giang Kiều Miên, vì giống cha nên rất đẹp. Một vẻ đẹp mặn mà cưcï kỳ quyến rũ. Khi quân CSBV đã chiếm được miền Nam, bọn công an khu vực nghe nói Giang Kiều Miên có ông cha ghẻ làm tới chức đại tướng tổng tư lệnh quân đội VNCH, nên chúng  ra tay hành hạ cô gái vô tội để cho cô phải chịu nhiều điều tủi nhục ê chề. Chúng bắt cô đi quét đường và rửa cầu tiêu công cộng. Cô cảm thấy uất quá và nhục quá, chịu không nổi, nên một hôm đã uống một lúc cả chục viên ký ninh để tự tử. Giang Kiều Miên đã chết  tức tưởi giữa tuổi thanh xuân tràn trề nhựa sống và đầy rẫy ước mơ sáng lạng. Đau đớn nhất là cô gái trẻ trung vô tội ấy đã chết cô đơn, thân thể trần trụi, không có manh chiếu mà chôn!

Kể từ cuối năm 1965, khi tướng Khánh đã bị cưỡng bách rời khỏi VN, đi làm đại sứ lưu động, tức là đi lêu bêu luôn, thì cuộc đời của ông bà Cao Văn Viên cũng bắt đầu trở nên sáng sủa hơn nhiều. Cho đến khi ông Viên được ông Thiệu cất nhắc lên  chức đại tướng tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH thì cuộc đời của bà Viên cũng bước vào chu kỳ cực thịnh.

Tục ngữ ta có câu: “Vợ chồng cũ không rủ cũng tới!” Mặc dù lúc đó thiếu tá Giang Văn Trọng đã có vợ khác, nhưng dù sao giữa bà Viên và thiếu tá Trọng vẫn còn mối dây tình cảm gắn bó qua sự hiện diện của hai người con, nên thỉnh thoảng bà Viên vẫn tìm gặp lại người chồng cũ, và đã dùng thế lực của chồng mới để giúp chồng cũ kiếm được cuộc sống dễ thở hơn. Bà đã cất nhắc ông chồng cũ ra khỏi cục QY, nơi đó kiếm ăn cũng khấm khá, nhưng không thể làm giàu mau chóng bằng chức chánh sở ”Miễn Dịch”. Với chức vụ đó TT Trọng một mình một cõi giang sơn tha hồ tung hoành” dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Hơn thế nữa, lúc bấy giờ mỗi tờ chứng chỉ miễn dịch của cơ quan “Miễn Dịch”, chỉ to bằng bàn tay, mang chữ ký của TT Giang Văn Trọng trị giá đến nửa triệu bạc. Giấy này bán rất chạy, vì mấy chú Ba “Thoòng nhần” trong Chợ Lớn thích lắm. Giá nào, mấy chú cũng cố nài nỉ mua cho bằng được, để khỏi phải nhập ngũ, trở ngại cho công việc làm ăn buôn bán hằng ngày. Nhờ vậy, chẳng bao lâu sau, những người quen biết lâu đời, thấy nhà cửa của TT Trọng trở nên giàu sang hơn xưa, khách khứa tới lui thăm viếng nườm nượp. Quan sát số khách  ấy, người ta thấy toàn là những bộ mặt béo tốt, ăn mặc sang trọng, đẹp đẽ, lộng lẫy. Nhưng đông nhất vẫn là người Tàu. Người nào đến nhà TT Trọngcũng khệ nệ bưng theo lễ vật lỉnh kỉnh. Ngày xưa, khi còn làm trưởng phòng nhân viên CQY, nhà TT Trọng còn phải nuôi chim cút ở sân sau, để bán  kiếm lời. Nhưng kể từ khi TT Trọng được về làm chánh sở “Miễn Dịch” thì bà kế thất của ông Trọng không còn phải nuôi chim cút nữa mà tối ngày chỉ lo săn sóc, vuốt ve mấy con chó giống quí, nuôi để làm kiểng, rất đắt giá chẳng hạn như loại “Békinois”, mắt lồi, mõm tẹt, lông vàng ươm và dài chấm đất trông giống như mấy con kỳ lân bằng sành trong Tử Cấm Thành ở Bắc kinh, thủ đô Trung Quốc!

Tôi còn nhớ dưới thời các tướng lãnh cầm quyền, ngành quân y đã xì ra hai vụ ”scandale” về tham nhũng rất quan trọng. Vụ thứ nhất do  Hà Thúc Nhơn, thuộc QYV Nguyễn Huệ ở Nha Trang làm loạn. Vụ thứ nhì, không bạo động và không đổ máu, nhưng lại gây nên một luồng chấn động dư luận rất mạnh. Vì Bác Sĩ Lương (rất tiếc tôi không nhớ họ), vẫn thuộc QYV Nguyễn Huệ, đã đến trước tiền đình quốc hội, tố cáo tham nhũng trực tiếp với các dân biểu và đại diện báo chí.

Vì vụ tố cáo tham nhũng đó của BS Lương mà thiếu tướng y sĩ cục trưởng CQY Vũ Ngọc Hoàn [có vợ đầm] từ lâu đã mang tiếng lem nhem, bị mất chức. Khi dư luận về vụ tướng Hoàn bị mất chức cục trưởng CQY loan ra trong quần chúng, thì trong nội bộ giới quân y, người ta đã kháo nhau rằng Đại tá Hoàng Cơ Lan, lúc đó đang giữ chức chỉ huy trưởng trường QY sẽ được bổ nhiệm thay thế tướng Hoàn. Nhưng xui xẻocho ĐT Hoàng Cơ Lan là lúc bấy giờ bà đại tướng Cao Văn Viên lại đang là người tình yêu dấu của đại tá Phạm Hà Thanh, chỉ huy trưởng TYV Cộng Hòa. Người ta được biết ĐT Phạm Hà Thanh vốn có  một căn nhà riêng ở ngay trong khuôn viên TYV Cộng Hòa, nơi dành riêng cho các sĩ quan cao cấp. Trong thời gian này người ta thường thấy bà Viên năng nhân danh “Hội Phụ Nữ” chi chi đó, do mấy bà vợ của các ông tướng lập ra, để vào TYV/ CH thăm nom và ủy lạo các TBB.

Mỗi lần đi thăm viếng và ủy lạo TBB, nhiều người bị thương nặng đến ngất ngư gần chết, đa số bị sứt càng, gẫy gọng, cụt chân, mất tay, có người bị mù lòa khổ sở, thế mà các bà mệnh phụ phu nhân lại chưng diện lộng lẫy, láng cóng,  tô son điểm phấn be bét, lòe loẹt, đầu tóc giả bới kiểu cọ cao nghệu như cái mão Tề Lư của Võ Tắc Thiên hoàng đế, các ngón tay trắng nuột, bụ bẫm đeo đầy cà rá kim cương óng ánh, cổ đeo dây chuyền vàng sáng chói, và mùi dầu thơm Estimate nồng nực đến nhức đầu, chóng mặt...Có lẽ các bà mệnh phụ phu nhân ấy đã không biết rằng làm như thế chẳng khác nào cầm kim nhọn chọc vào con mắt của TBB và chửi rủa lên những vết thương tàn tật của họ. Riêng đối với bà Viên mỗi lần viếng thăm TYV / CH để ủy lạo TBB còn là một cơ hội quí báu để có dịp gần gũi, thỏa mãn nhục dục với người tình trong khu cư xá sĩ quan cao cấp của TYV/ CH.

Bây giờ gặp dịp may, giữa lúc CQY đang có chuyện lôi thôi trong cấp lãnh đạo, bà Viên liền dùng thế lực của chồng để nâng đỡ người yêu lên làm cục trưởng CQY, thay thế tướng Vũ Ngọc Hoàn. Như vậy chẳng những công-tư vẹn cả đôi bề, lại thêm tiện lợi mọi việc ái ân khác nữa.

Chuyện tư tình lén lút giữa bà Viên với Phạm Hà Thanh có lẽ đại tướng Cao Văn Viên đã biết từ lâu, nhưng ông không tìm cách cản trở, vì lúc bấy giờ ông cũng đã có một cô vợ lẽ người Tàu lai, còn trẻ tuổi. Chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem” trong giới tướng tá của quân đội VNCH, kể từ khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ đã trở thành thông lệ. Xưa kia, thời ông Diệm còn cầm quyền, các tướng tá ấy đâu dám lộng hành đến thế!

Nhưng dường như càng ngày bà Viên càng trở nên quá sỗ sàng, lộ liễu trong cuộc tình vụng trộm, khiến cho ông Viên không khỏi bị thương tổn tự ái, và lòng ghen tương bùng nổ.

Một buổi sáng, khoảng vài tuần lễ trước ngày 30.4.75, ông Viên đã bất ngờ nổi ghen, rút khẩu ”rouleau” P.38, 5 viên, nòng ngắn, hiệu Smith & Wesson bắn  vào đùi vợ một phát. Phát súng này có lẽ ông Viên chỉ cốt ý bắn dọa để cảnh cáo, chứ không muốn giết chết vợ, sợ gây tai tiếng lùm sùm, nên viên đạn đã không cắm sâu vào đùi của bà Viên. Tuy vết thương không nặng, nhưng dù sao ngay lúc bấy giờ bà Viên cũng đã được tức tốc chở thẳng vào phòng Cấp Cứu  của TYV Cộng Hòa. Lúc bấy giờ bệnh viện CH đã tràn ngập TBB từ các mặt trận quanh thủ đô chở về điều trị.Nhưng các sĩ quan quân y trực phòng Cấp Cứu cũng đã phải dành ưu tiên tối thượng để đón nhận và săn sóc ”vết thương xác thịt” của một đấng mệnh phụ phu nhân. Hôm đó quang cảnh phòng nhận bệnh TYV / CH đã bị đặt trong tình trạng cự kỳ khẩn trương. Cả tiểu đội Quân Cảnh thuộc Bộ TTM đã được lịnh trải ra bố trí khắp nơi chung quanh khu nhận bệnh của TYV/ CH,  cấm không cho bất kỳ một ai được phép ra vào khu này nếu không có phận sự!

Vì thế ta không lấy gì làm lạ khi thấy trước ngày 30.4.75, tướng Cao Văn Viên, một vị đại nguyên soái của một đạo hùng binh đông đến 1 triệu 300 ngàn quân dưới trướng, đã đơn thương độc mã, mặc áo thun ”polo” kiểu thể thao, quần bò Jeans, chuồn qua Thái Lan theo một chuyến bay của quân đội Mỹ!

Nếu tôi không lầm, ông bà Cao Văn Viên cũng có mấy người con chung cả trai lẫn gái. Hai người con trai tên Cao Anh Dũng và Cao Anh Tuấn, thuở nhỏ học ở Taberd, [năm nay vào lứa tuổi 45-47]. Khi thân mẫu của quí vị ấy qua đời, các vị cũng chẳng mấy bận tâm hơn việc lo múa may, nhảy nhót với bạn bè!

ĐẶNG VĂN NHÂM

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002