Đại Chúng số 77 - Lễ Độc Lập 4/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

ĐÒI ĐOẠN XA GẦN

Lãng Nhân

 (tiếp theo kỳ trước)

Chán ngấy xã hội (C.N.X.H.)

Trong khi ghi chép những nhận xét thiển cận và vụn vặt trên đây, lúc ngạc nhiên, lúc kinh tởm, đôi khi không khỏi cười thầm, cái cảm giác bao trùm trên hết của tôi là một nỗi chán chường triền miên.

Nhớ lại thời gian sau 75, ngồi nhà nhìn ra đường, đây anh cán bộ đi công tác, mắt lắm lét nhìn ngang, chân lê dép lẹp xẹp, hai bàn tay vung vẩy quếnh quáng; kia anh bộ đội tản bộ chữ bát, ngón chân út lòi ra ngoài đôi dép râu, tay chắp sau lưng, nhìn ngang nhìn ngửa, nét mặt ngây ngô; cô lính nữ này vai u thịt bắp, chiều ngang gần bằng chiều cao, chân to như bàn cuốc bước đi thình thịch; cô cán bộ nọ tóc thắt bím buông thõng hai vai, quần ngắn để lòi mắt cá, tay chân thô lỗ... Chán ơi là chán.

Trên vỉa hè đường Phạm Ngũ Lão mấy anh thoạt ở rừng về, ngồi xổm uống nước ngọt và chửi thề. Trong tiệm ăn đường Trần Hưng Đạo, một bọn co hai chân lên ghế, miệng nhai nhồm nhoàm, cười nói bi bô, ăn xong cầm đũa ủi lên môi, ngặm tăm ra vẻ hồ hởi.

Ở ngân hàng quốc gia và hãng thuốc lá Mic, cán bộ tổng giám đốc chân co chân duỗi trên ghế bành nệm gấm, vớ cái điếu cầy ống tre, sản phẩm đặc biệt của xứ Nghệ, kéo một hơi sòng sọc rồi vẩy bã thuốc xuống thảm Hàng Kênh...

Không chán hay sao? tởm nữa là khác...

Mình phân vân tự hỏi:

_ Dân Hà Nội đấy ư? Nghìn năm văn vật mà đến thế này rồi ư? Nào đâu là những thư sinh mi thanh mục tú, ý khí hiên ngang, nào đâu là những thiếu nữ mặt hoa da phấn, dáng dấp thướt tha yêu kiều của những năm 30 – 40? Chỉ mới hơn ba mươi năm mà đồi tệ thật quá mức tưởng tượng.

Nếu lại nghe giọng nữ cao của mấy cô như đóng đinh vào tai nữa, mới ghê rợn. Nhất là cô nào cũng lẫn lộn lờ mờ. Giá cô lảnh lót vút lên ngâm Kiều:

Trách nòng hờ hững với nòng
Nửa hương chốc để nạnh nùng bấy nâu
Thì mới thật là chán mớ đời!

Nhớ lại hồi di cư 54, người Hà Nội vào đây được đồng bào thương mến biết bao: cử chỉ nhã nhặn, nói năng nhẹ nhàng, ăn mặc ưa nhìn, đứng ngồi phải phép, nên đi đến đâu cũng được tiếp đãi niềm nở, có khi lại nể vì là khác. Ngay như lúc còn kháng chiến, bộ đội cộng sản lẻn vào du kích, đói khát bệnh hoạn, nhiều bà mẹ ở nông thôn cũng cho cơm nước thuốc men, lại tìm cho chỗ ẩn nấp an toàn nữa.

Vậy mà bây giờ khác hẳn.

Người “chiến thắng” hễ ló mặt ra là gặp ngay những tia nhìn khinh khi ghê tởm, khiến cho dân di cư 54 phải xấu hổ thay.

Vì sao nên nỗi?

Vì cái hình dáng không giống ai, quê kệch thô lỗi, đã đành lại còn vì những hành vi bỉ ổi nữa. Anh thủ trưởng kia đi công tác về, xe hơi nặng chình chịch những gạo mỡ, thịt, cá, để bán chợ đen. Anh công an này xách cập ni lông to phồng, tưởng đâu hồ sơ, thật ra chỉ có cái giò heo lớn đem về ăn nhậu. Trong khi ấy, anh nào cũng nói như vẹt, những là chế độ trách nhiệm, kỷ luật, bảo vệ của công, phục vụ nhân dân, có công an điều tra, có tòa án trừng trị... Thật trăm voi không được bát nước sáo! Khiến người dân chán ngấy, càng chán càng oán già Hồ.

Chí Minh lòi mặt Chính Mi rồi
Cách mạng gì đâu, cướp cạn thôi!
Xô hết muôn dân vào mõm gấu
Ba đình giam lỏng kiếp tôi đòi...

Cộng sản Việt Nam nêu cao chính nghĩa củ mình là chủ nghĩa Mác-lê và không ngớt tung hô trên biểu ngữ dán cùng khắp chốn, ở cột đèn, ở vách chợ: “Chủ nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng muôn năm”.

Thực ra Marx không phải là thủy tổ chủ nghĩa xã hội mà chỉ là khai thác giấc mơ của cách mạng Pháp (1789) của những Fourier (1772 – 1837), Proudhon (1809 – 1965) ở Pháp, Thompson (1785 – 1833), Owen (1771 – 1858) ở Anh, rồi quay hẳn về phái duy vật mà đặt cương lĩnh: vật chất quyết định tinh thần, kinh tế quyết định nhân sinh, giai cấp đấu tranh quyết định lịch sử xã hội. Vì thế, lao công cá nhân phải thay bằng lao công tập thể, tập thể nắm giữ phương tiện sản xuất để bảo đảm cho bình quyền giữa mọi người, và bấy giờ không còn cần đến guồng máy chính quyền nữa, thế giới đại đồng! Để thực hiện ý mình, Marx chủ trương cách mạng để lập vô sản chuyên chính xây dựng một cộng đồng bình đẳng trong đó chiến tranh không còn mầm mống nữa.

Chủ trương này thử đem gieo hạt ở Tây Âu thì vấp phải truyền thống tự do, viễn tưởng nô lệ và quan niệm nếu bản tính con người xấu sẵn thì không đổi ra tốt được, cũng như chì không hóa được ra vàng. Ấy là Marx đẽ dè dặt khuyên rằng chính thể vô sản muốn áp dụng có hiệu quả cần phải châm chước với điều kiện sinh hoạt của mọi quốc gia. Vì thế mà đằng đẳng năm mươi năm trường, thuyết của Marx không có đất dụng võ mà chỉ là một giấc mơ không tưởng. Mãi đến thế chiến thứ nhất mới đẩy được vào nước Nga, một nước lạc hậu quân chủ độc tài sẵn sàng đón nhận bất cứ phương cách giải thoát nào. Thuyết của Marx tuy cổ võ ở đây, nhưng được áp dụng không phải công của Marx, mà lại của Lenine.

Lenine lợi dụng sự kiện nước Nga không có giai tầng tiểu tư sản làm trung gian hòa giải mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, đẩy mạnh cách mạng vô sản. Nhưng không đồng ý với Marx muốn diệt tư bản bằng phương tiện hòa bình, Lenine chủ trương bạo động để cướp chính quyền, nêu ra mấy nguyên tắc: chọn lựa một ít tayy cách mạng chuyên nghiệp, cho hoạt động trong bóng tối, phối hợp phương tiện hợp pháp với mánh lới bất hợp pháp và vô nhân đạo, tự khuyến khích rằng cứu cánh sẽ xóa hết lỗi lầm của phương tiện.

Lenine cầm nắm chính quyền để thành lập vô sản chuyên chính tiêu diệt tư bản, tin tưởng rằng khi không còn giai cấp nữa, nhân dân sẽ tùy khả năng mà sản xuất, tùy nhu cầu mà tiêu thụ, không còn chính phủ nữa, con người sẽ hoàn toàn tự do!

Khuôn vàng thước ngọc của Lenine được Hồ coi như kinh nhật tụng, hồ hởi đem về làm quà cho dân nước, huấn luyện một ít đàn em chọn trong đám bất mãn cuồng tín, dùng chính sách gian xảo và bưng bít, vô nhân đạo, vô liêm sĩ, bất chấp thuần phong mỹ tục, miễn nhảy tót được vào bắc bộ phủ để rồi, cũng như quân minh khi xưa:

Nướng dân đen trên lò bạo ngược
Vùi con đỏ dưới hố tai ương
Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khóe
Gây binh gây hấn, ác chứa hàng mấy mươi năm.

Chúng mình bấy lâu đã chịu đựng bọn Thiệu – Kỳ, một tên gian tham, một tên mất dạy, cả hai cùng làm hao công tốn của mà cũng vô tích sự như cây cầu chợ Bến Thành mà dân chúng gọi là Thị Kiều.

Vậy mà giờ đây lại điêu đứng biết bao nhiêu dưới ách của bọn dép râu nón cối sặc mùi hôi tanh này, nó còn

XẤU HƠN CẢ NGỤY (XHCN)

Âu cũng là đáng kiếp:

Tránh thằng đánh đau

Lại

Gặp thằng mau đánh!

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002