Đại Chúng số 77 - Lễ Độc Lập 4/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

MỘT BÔNG HỒNG CHO BA

Hoài Thu Phương

Kính thưa ba,

Hàng năm ở Hoa Kỳ ngươì dành một ngày trong tháng sáu dương lịch để nhớ ơn người cha.  Điều đó đã trở thành một tập tục để nhắc nhớ con cháu phải nhớ đến ơn cha nghĩa mẹ.  Đối với chúng con, suốt ba vạn sáu ngàn ngày dài đằng đẳng là chuổi ngày chúng con mang ơn ba.

Ngày mẹ còn sống, ba bương chải, lặn lội phương xa, không quản ngại chốn rừng sâu nước độc, mưa gió, bão lụt để đi kiếm tiền một cách lương thiện cần mẫn về nuôi vợ nuôi con.

Đi Lào, đi Cao Miên, đi Hà Nội, ba xông pha khắp đủ mọi nơi với một mục đích là mưu cầu hạnh phúc ấm no cho chúng con.  Ba không hề quản ngại đến sự vất vả, nhọc nhằn, mặc dù ba phải lăn lóc đủ mọi nẻo đường đất nước.  Đường xa vời vợi, ba phải xa nhà, phải nhớ nhung vợ con, ba phải chịu đựng mọi đều vất vả, thiếu thốn để kiếm chén cơm, manh áo cho anh chị em con.

Mỗi năm ba về nhà vài lần, rồi vội vã ra đi.  Ba mang trên vai nặng trĩu trách nhiệm làm chồng, làm cha. Ba muốn làm việc nhiều, để có tiền dành dụm cho chúng con ăn học đến nơi đến chốn.  Mọi việc ở nhà ba phó thác vào tay mẹ, để ba yên trí lo chuyện làm ăn...

Chẳng may mẹ chúng con từ trần quá sớm, ba phiền muộn khôn cùng. Ba không còn tha thiết đến chuyện làm ăn nữa. Trong thời gian đó đất trời như sụp đỗ trước mắt ba. Ba như con chim đại bàng gãy cánh. Ba chỉ thích cô tịch một mình.  Sự đau khổ mất người bạn đời, ngự trị tâm tư ba, ba như người mất hồn. Thể xác ba ngồi ở đây, mà tâm trí ba đang theo dõi bóng hình thân yêu của mẹ từng giờ, từng phút ở cõi xa xăm nào đó.

Ba nằm lặng thinh, nhìn lên di ảnh mẹ đang ngập khói hương nghi ngút, chập chùng giữa hai cây đèn sáp sáng ngời. Sự nhớ nhung khổ đau dâng ngập lòng khi ba mất người bạn đầu ấp, tay gối quá bất ngờ, quá nhanh chóng. Nỗi phiền muộn đang dày xéo tâm hồn ba. Ba không khóc mà nước mắt vẫn cứ tuôn trào; quá cô đơn ba chỉ còn oán trời, trách đất cho hả cơn buồn phiền, cơn giận của mình. Ba giận ông trời ác nghiệt, cướp mất người vợ hiền đi.

Nhờ thấm hiểu giáo lý đạo Phật và sự vô thường của cuộc đời, ba thu hết can đảm, chú tâm vào sự cầu nguyện.  Ba cầu nguyện cho mẹ được siêu thoát và cho ba tìm lại sự bình thản của tâm hồn sau cơn bão táp đau đớn.

Tâm hồn bình tĩnh mất đi, đớn đau vô ích, rước chi vào mình

Sao bằng trì chí tụng kinh, mỗi điều cầu nguyện thênh thênh trong lòng.

Bên cạnh đó, thời gian là liều thuốc giúp ba lắng dịu vết thương lòng, để định hướng cho cuộc đời còn lại của mình.  Ba không còn tha thiết ganh đua chuyện danh lợi nữa.  Khi nhìn đàn con trứng nước mà mẹ bỏ lại đàng sau, ra đi vội vả, ba cảm thấy chạnh lòng.  Ba muốn dồn hết thời giờ để dạy dỗ anh, chị, em con và thương yêu chăm sóc chúng con, để bù lại phần nào sự thiếu thốn tình mẫu tử của anh chị em con.

Ba hiểu sự thiếu tình thương của mẹ, ảnh hưởng đời sống chúng con rất nhiều, thế nên ba từ bỏ mộng “công hầu, khanh tướng” để chúng con khỏi thiếu tình thương của ba.  Ba “về hưu” khi tuổi đời còn trẻ.  Ba quan niệm “để cho con một rương vàng, không bằng dạy con một pho sách”. Ba lấy sự dạy dỗ làm niềm vui, an ủi cuộc sống đơn chiếc của ba.

Ba bắt buộc chúng con phải chuyên tâm vào sự học.  Nhưng tuổi trẻ chúng con không ý thức được sự quan trọng của học vấn, chúng con chỉ ham chơi, thích chơi hơn học nên đôi lúc làm cho ba buồn phiền. Ba áp dụng kỷ luật với chúng con, ăn cơm tối xong, tất cả phải ngồi vào bàn để học bài. Con không thích học, giả bộ kéo dài thì giờ ở nhà bếp, ba không chịu.  Ba nói: “Ba không cần con làm việc gì hết, phải làm bài, học bài xong rồi mới làm gì thì làm”. Con sợ ba nên miễn cưỡng ngồi vào bàn học và giận ba bắt con phải học.

Những ngày mưa đông rét mướt của xứ Huế, cứ năm giờ sáng ba đánh thức chúng con dậy học bài.  Con chỉ thích ngủ nướng thêm một hai giờ nữa, nhưng nghe tiếng roi nhịp của ba, con hoảng quá, phải bò dậy ngồi vào bàn học.  Ba cũng ngồi bên cạnh chúng con, ba tập cho chúng con thói quen thức khuya, dậy sớm dùi mài kinh sử.  Khi chị em con học trung học, ba đã hướng dẫn chị em con mở lớp học “tình thương”, dạy hè miễn phí cho các trẻ em nghèo trong xóm, trong làng.  Chúng con còn nhớ rõ như in, lúc đi từng nhà báo cho các em biết ngày, giờ đi học hè, cha mẹ các em và các em vui mừng hớn hở.  Mùa hè các em có chỗ học hành, im mát khỏi chạy rong ngoài đường.  Riêng chị em con thì vui thích được trở thành “cô giáo nhỏ” trong làng, được lên “chức” oai quá!

Ba đã gieo mầm những hạt giống thương yêu, giúp đỡ người nghèo khó vào đầu óc non nớt của anh chị em con và những hạt giống nầy đã trở thành thói quen trong đời sống của chúng con.  Trong những bữa ăn gia đình, ba chỉ dạy cho chúng con lòng yêu thương và sự biết ơn những người giúp việc trong nhà. Ba thường nói: “Nuôi người ăn, người ở, các con phải cho họ ăn no, mặc ấm; phải thương yêu họ vì họ phải làm việc vất vả và họ đỡ đần công việc cho mình”.  Ba cho phép những người giúp việc ngồi vào bàn ăn cùng lúc với gia đình và đối xử với họ một cách bình đẳng để dạy cho chúng con “phải thương và chia xẻ với họ, để họ khỏi cảm thấy tủi nhục của sự phân biệt chủ tớ.  Họ đỡ đau khổ về sự nghèo khó làm công của họ”.

Hàng năm quê hương mình bị cảnh bão lụt tàn phá, nhà cửa của đồng bào ở gần bờ sông bị chìm ngập hoặc bị cuốn trôi theo dòng nước.  Ba đã mở rộng cửa đón họ đến trú ẩn.  Mọi người từ dưới đò, từ miệt sông, từ trên cầu đến dưới cống, từ xóm đồng, từ cuối xóm đổ về nhà mình chen chúc nhau tạm trú chờ cơn lụt hạ xuống.  Ba đã dặn chúng con phân phát gạo, đậu, bắp, nước mắm (mà ba đã dặn chúng con dự trữ sẳn vào mỗi độ hè về) cho họ nấu ăn.  Nhà mình lúc đó vui quá! Họ vừa nấu ăn, vừa trò chuyện , con nít cười đùa chơi với nhau như con trong một gia đình, thật là vui vẻ ấm cúng. Họ được ăn chén cơm nóng với mắm ruốt nhưng ai cũng thấy ấm lòng vì ba thương mến giúp đỡ họ, chia xẻ nỗi bất hạnh của họ. Khi nước hạ xuống, ba khuyến khích chúng con mang quần áo, mền, chiếu đến giúp họ.  Chúng con còn nhớ những ngày đi cào bùn non, dọn nhà giúp họ khi họ đau lòng trở về nhìn cảnh tàn phá của thiên tai.  Ba luôn dạy chúng con “lá lành dùm lá rách, chan chưa tình người”.  Thế nên mỗi mùa bão lụt đến, con nhớ nhà, nhớ ba, nhớ cảnh đồng bào tụ hội trong nhà mình tha thiết.  Truyền thống người giúp người đã thẩm thấu vào huyết quản của chúng con.

Ngày còn nhỏ, chúng con không hiểu tại sao ba tích trữ gạo cũi thật nhiều.  Bây giờ khôn lớn, chúng con mới hiểu một cách sâu đậm sự san xẻ tình thương đối với những kẻ bất hạnh trong xóm làng, nơi mình sống.  Bởi vậy, khi đến miền đất tạm dung nầy, chúng con đã noi gương ba, tình nguyện làm đủ thứ việc giúp đồng bào cùng cảnh tha hương như mình.  Nhờ làm việc tình nguyện, chúng con đã học được rất nhiều điều mới lạ, nhiều bài học quí giá.  Chúng con cảm ơn ba vô cùng. Ba đã dạy chúng con gieo hạt giống yêu thương bất cứ nơi đâu, bất cứ làm nghề gì để nuôi thân.  Chúng con đã mang hành trang quí báu đó vào đời và chúng con cảm thấy thích thú vì được người ta yêu mến mình.  Ba thường dặn: “Con đừng tranh cãi hơn thua với ai cả, cứ để họ hơn các con lời ăn tiếng nói, nhưng họ thua các con một điều đó là đời sống đạo đức”.  Chúng con cảm ơn ba.  Chúng con còn nhớ rõ như in lời giảng dạy của ba về “người có tài, cần phải có đức, nếu thiếu đức thì tài cán bao nhiêu cũng bỏ đi”.  Nhờ vậy mà anh chị em con sống cuộc đời bình dị và thương người.

Bên cạnh xóm mình ở ai cũng nghèo.  Chú Trưởng làm nghề đồ tể . hôm nào đi mua được heo, đem về làm thịt bán thì có ăn.  Hôm nào kiếm mối không ra, chú đành uống rượu để tiêu sầu, để quên đi phần nào sự lo âu vợ con nheo nhóc, đói khát.  Chú Ngụ rất siêng năng, cày sâu cuốc bẩm quanh năm mà sao cảnh nghèo túng vẫn đeo đẳng chú.  Chú Hàm ngày mùa thì làm nông, trồng thêm khoai sắn để phơi khô, ăn vào mùa đông. Mùa mưa chú phải chằm tơi, chằm nón để kiếm thêm tiền chi dùng trong gia đình, mà sao chú chẳng dư dật được đồng nào.  Chú Lăng vừa làm ruộng, vừa làm vườn, thím phụ tay trồng rau, cải cà, mướp để kiếm tiền nuôi mười đứa con.  Vậy mà họ vẫn nghèo.  Ba thường cho họ mượn tiền, lúa, gạo về mùa đông để giúp họ cầm cự với ngày mưa gió, bão lụt. Chúng con sợ họ không trả nên thường phàn nàn:

- Ai ba cũng cho mượn tiền, mượn lúa gạo hết

- Mùa đông tháng giá mình phải giúp họ một tay.

- Họ nghèo vậy, tiền gạo đâu mà họ trả lại cho mình.

- Các con đừng lo, người không trả thì trời sẽ trả cho mình.

- Ba thích chia gánh nặng chi cho khổ thân?

- Ba gửi của đi đường cho các con đó. Mình ăn cháo phải cho người ta chút hồ để húp đỡ đói.  Ai cũng nghèo khổ như nhau!

Lúc con thi hỏng tú tài toàn phần một, con lo lắm, con sợ ba buồn, ba thất vọng vì sự học của chúng con ba đã đầu tư tiền bạc rất nhiều. Không những ba không rầy là mà còn hiểu được nỗi đau khổ “tuy không ăn ớt thế mà cay”. Ba đã an ủi:

- Học tài thi phận, con buồn làm chi?

- Con phụ lòng mong ước của ba!

- Ba hiểu con đâu có muốn thi hỏng đâu.

- Ba có buồn khi con thi hỏng đâu?

- Luận anh hùng, ai kể được thua, con lo chi cho nhọc lòng!

- Con mắc cở với tụi bạn.

- Chịu khó ôn tập trong tháng hè rồi thi lại, ngày xưa thi hỏng phải chờ đợi ba năm mà không ai nản chí, bỏ cuộc. Hễ con quyết tâm học thì con sẽ đậu vào khoá thi sắp tới.

Nhờ sự an ủi, khuyến khích của ba, con yên tâm ôn lại bài vở để chuẩn bị cho kỳ mùa thu. Con dọn bàn ra ngoài sân để học về ban đêm cho mát; có hôm, học bài mệt quá, con buồn ngủ nên úp mặt vào bàn ngủ ngon lành. Ba rón rén lại gần phủ chiếc mền mỏng lên cho con, sợ con cảm lạnh vì sương đêm xuống nhiều.  Giựt mình, thức giấc, con nói:

- Con có ngủ đâu.

- Học bài mệt thì ngủ đi con. Không có nghề nào khổ bằng nghề học, lo lắng nhiều bài vở, thi cử, con cần phải ngủ để bồi dưỡng sức khoẻ.

Khi con thi đậu tú tài II rồi, con muốn nghĩ học đi làm việc nhưng ba không đồng ý:

- Ba muốn con tiếp tục học lên đại học.

- Ba lớn tuổi rồi mà mọi sự chi tiêu chúng con điều phụ thuộc vào ba, làm cho ba phải lo âu là điều chúng con không bao giờ thích.

- Các con học được thì cứ lo học đi. Nếu thích, thì con đi dạy một tuần vài giờ cho biết giá trị đồng tiền thôi, làm có nhiều tiền, con không học được đâu “nghèo khó tạo anh hùng”.

- Học đại học ba bốn năm rất tốn kém, chúng con không thích ba phải lo lắng nhiều về tiền bạc.  Chúng con không thích ba khổ.

- Các con yếu đuối, chịu khó học một nghề để đượcc thanh nhàn, tấm thân, ba sợ các con vào đời lăn lộn, vất vả tội nghiệp. Được rứa thì ba vui rồi.

Hàng ngày ba cầu nguyện cho chúng con được sức khoẻ để theo đuổi việc học đến nơi đến chốn.

Chúng con làm sao quên được những ngày thi trung học, thi tú tài, mấy suốt ngày thi, ba đến sớm, đợi chị em con trước cổng trường. Dặn dò hơn thiệt, khuyến khích, nâng đỡ tinh thần và cầu nguyện cho chị em con giữ được bình tĩnh lúc bước vào phòng thi.  Ba đứng đợi ròng rã dù nắng hay mưa. Mỗi khoá thi, ba đều đến trường để an ủi, vỗ về, khích lệ chúng con. Ba theo dõi sự học hành, thi cử của chúng con. Chúng con thật cảm động khi biết rằng mình không chiến đấu trong cô đơn.  Hình ảnh ba đứng đợi trước cổng trường Đồng Khánh thật khó mà phai mờ trong tâm trí của chúng con.

Ba thường dặn chúng con: “ Giao thiệp với bạn bè phải giữ chữ tín. Giữ lời hứa là điều hết sức quan trọng, nếu các con thất tín thì không ai kính trọng các con.  Sự thật thà trung tín là châm ngôn cần thiết trong sự giao tế với bạn bè. Các con thương ba thì phải nhớ lời ba dặn.  Người ta không khinh người nghèo mà chỉ khinh người nói láo và không thật thà”.  Chúng con đã áp dụng sự trung tín và lương thiện vào đời sống hàng ngày. Bên tai con luôn văng vẳng lời ba dặn dò, chúng con mang ơn ba nhiều lắm.

Ngày em Uùt đi lấy chồng, ba lo lắng đến nỗi không nuốt được miếng cơm nào. Ba nói: “Mười bảy năm trời, con Uùt ngồi ăn cơm với mình.  Bây giờ nó sẽ đi ăn cơm nhà người ta. Không biết nó còn được đưa cơm tận miệng, cá đưa tận môi không?”. Thật là lòng cha mẹ thương con vô bờ bến. Uùt đã lập gia đình mà ba vẫn lo cho em như những ngày còn trứng nước. Lúc nào ba cũng muốn giữ chúng con trong vòng tay yêu thương trìu mến của ba.  Con gái lớn không gả chồng thì không được, mà gả đi thì sợ con khổ.

Chúng con bất hạnh, mất mẹ sớm, ba đã là vị giáo sư đầu tiên trong đời. Ở Huế, vào mùa đông mưa dầm gió bấc, khó mà mua được con cá sống, cá tươi. Vậy mà ba cũng nhờ người tìm mua cho bằng được con cá bống cát, to, trắng, bụng đầy trứng, để nấu canh cho bà nội thời. Con thích ăn cá đó lắm! Ba biết vậy, ba nói: “Ba cho con ăn khúc đầu và khúc đuôi, còn khúc giữa có nhiều nạt để cho nội thời. Nội già rồi, bà chẳng còn sống được bao lâu nữa, nên miếng nào ngon thì để dành cho nội. Con còn lớn còn ăn, nội già rồi, cho nội ăn, khi chết cúng nội không ăn được. Mặc dầu ngày đó còn nhỏ tuổi, con rất ham ăn nhưng khi ba nói về tình thương bà nội như vậy, con vẫn nhớ mãi lời nói đó, mỗi lần nghĩ đến, con vẫn còn cảm động.

Ba chấp nhận cảnh gà trống nuôi con, để chúng con được tắm mát trong tình thương yêu trọn vẹn của ba. Ba chỉ nghĩ đến chúng con mà chưa bao giờ nghĩ đến bản thân mình. Khi chúng con đau ốm, thì được ba săn sóc lo lắng. Còn lúc ba bệnh hoạn thì ba cam tâm chịu đựng một mình. Ba hy sinh tất cả chỉ vì tình thương chúng con. Ba nhất định không tục huyền , mặc dù bạn bè của mẹ nhiều người mong được nâng khăn sửa túi cho ba mà ba vẫn khăng khăng từ chối. Ba nói: “Ba thì các con khổ, suốt đời ba chỉ muốn cho các con hạnh phúc”. Ba hiểu biết sự bất hạnh của những đứa con mồ côi mẹ từ lúc ấu thơ, nên ba chấp nhận sống cuộc đời đơn lẻ để cho chúng con được hạnh phúc. Chúng con không biết nói làm sao để diễn đạt được lòng thương yêu, kính trọng của chúng con dành cho ba. Ba vừa làm cha, vừa làm mẹ để nhận lãnh công việc nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng con trở thành người hữu ích trong xã hội.

Ngày hôm nay bưng bát cơm ăn, lại được ngồi trong mát để làm việc giúp đời, giúp người các con mang ơn ba vô cùng. Xin ba hiểu thấu tấm lòng tri ân sâu đậm của chúng con. Ba người cha có một không hai trên cõi đời nầy.

Ba ơi! Ba có biết rằng chúng con hãnh diện được làm con của ba. Ba đã lấy sự cần, kiệm, liêm chính để giáo dục chúng con với một tình thương vô bờ bến.

Con của ba.

Hoài Thu Phương

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002