Đại Chúng số 77 - Lễ Độc Lập 4/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

NGUỒN GỐC MÔN VÕ THÁI CỰC ĐẠO.

  • TẠI SAO CỰU TRUNG TƯỚNG CHOI HONG HI LẠI ĐƯỢC CÁC VÕ SINH TRÊN KHẮP THẾ GIỚI XƯNG TỤNG LÀ “CHA ĐẺ” CỦA THÁI CỰC ĐẠO ?

  • THÁI CỰC ĐẠO ĐÃ DU NHẬP VÀO V.N. TỰ BAO GIỜ ?

  • NÊN ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ CHÍNH DANH CHO CÁC MÔN VÕ THUẬT:

    • TAEKWONDO PHẢI LÀ: THỦ CƯỚC ĐẠO HAY CƯỚC QUYỀN ĐẠO.

    • LAI LỊCH MÔN VÕ “KUNGFU” VÀ VỤ HỎA THIÊU THIẾU LÂM TỰ THỜI SƠ THANH (1644).

Phỏng vấn của đặc phái viên Tân Dân

(kỳ 3, tiếp theo)

TẠI SAO TẬP THÁI CỰC ĐẠO?

Cuộc phỏng vấn võ sư  Đặng Kỳ Thụy vẫn tiếp tục. Chúng tôi đặt câu hỏi:

TD.- Lúc bấy giờ ở VN đã có nhiều môn võ rất thịnh hành như: Thiếu Lâm, Bình Định, Vovinam, và võ Nhật như: Nhu đạo (Judo), không thủ đạo (Karaté) v.v...tại sao anh đã không tập mà lại tập Thái Cực Đạo?

KT.- Khi ba tôi cho anh em chúng tôi tập võ thì tôi mới lên 9 còn em tôi mới lên 7 tuổi. Sự chọn lựa này là do ba tôi, sau khi đã bàn bạc kỹ với má tôi rồi. Dĩ nhiên trước khi bắt đầu, ba tôi cũng đã đưa anh em tôi đến viếng một vài võ đường nổi tiếng về Karaté, Thái Cực Đạo, Nhu Đạo, Hiệp Khí Đạo, Vovinam, và Thiếu Lâm v.v... ở Sài Gòn, Gia Định, để cho anh em tôi có dịp chứng kiến tận mắt không khí sinh hoạt của mỗi võ đường và cách luyện tập của họ. Hầu hết võ sư của các võ đường ấy đều là bạn của ba tôi. Khi về nhà, ba tôi lại còn giảng giải thêm cho anh em tôi biết tường tận về đặc tính và công dụng riêng biệt của từng môn võ. Ba tôi cũng chỉ cho anh em tôi biết môn võ nào gọi là nhu, môn nào gọi là cương, môn võ nào có truyền thống tốt đẹp, lâu đời và có căn bản huấn luyện khoa học, có nhiều triển vọng bành trướng mạnh mẽ trong tương lai.

Sau khi đã so sánh giữa các môn võ thuật, ba tôi còn kể thêm cho anh em tôi nghe chuyện ba tôi đã từng được mời đến Đại Hàn nhiều lần để tham quan nước đó và được dự kiến  những buổi diễn tập Thái Cực Đạo của một số võ sư trong hàng sĩ quan thuộc sư đoàn 29 BB của Đại Hàn, dưới quyền hướng dẫn của trung tướng Choi Hong Hi, người đã được toàn thể võ sinh Thái Cực Đạo từ xưa đến nay trên khắp thế giới xưng tụng là “cha đẻ” của môn võ Thái Cực Đạo. Lúc đó anh em tôi nghe mà say mê...

Thoạt tiên má tôi chỉ muốn cho tôi tập trước. Còn em tôi là Kỳ Tú, má tôi ngại nó còn nhỏ quá chưa đủ sức. Nhưng phần vì em tôi nó đã tỏ ra thích quá, và ba tôi cũng nhận thấy không có trở ngại gì về tuổi tác và sức khoẻ của nó, nên cuối cùng cả hai anh em tôi đều khởi sự cùng tập một ngày.

TD.- Tại sao lại gọi ông trung tướng Choi Hong Hi là “cha đẻ” của môn võ Thái Cực Đạo ? Như vậy, có phải môn võ này mới ra đời ?...

KT.- Không hẳn như vậy.Nơi đây mà nói về lịch sử võ thuật ở Á Đông, nhất là tại các nước thuộc nhóm văn hoá “cầm đuã” cùng một nguồn gốc gồm: Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam...thì dài dòng và phức tạp lắm, dễ gây nên nhiều tranh luận không cùng. 

Bởi chính ngay các nhân vật cao cấp trong ngành văn hoá của chính quyền, cũng như các vị võ sư đại trưởng lão của các võ phái đương thời tại các nước ấy vẫn không ai chịu chấp nhận một nguyên lý nào khác với nhận định chủ quan của mình. Đến bây giờ vẫn còn có nhiều người thường cho môn võ KongFu của Tàu là lâu đời nhất, đã có hàng  mấy ngàn năm trước, và là thủy tổ của các võ phái khác như Không Thủ Đạo (Karaté) và Thái Cực Đạo (Teakwon Do) v.v...

Theo lời ba tôi kể lại, khỏang năm 1959, sau khi đã hướng dẫn phái đoàn TCĐ Đại Hàn đến VN biểu diễn theo lời mời của tổng thống Ngô Đình Diệm, trên đường về tướng Choi và phái đoàn đã đáp xuống Đài Bắc, theo lời mời của chánh phủ Đài Loan, để biểu diễn cho các tướng lãnh trong quân đội Đài Loan xem. Ngay giây phút mới gặp gỡ đầu tiên tại phòng khách danh dự tại phi trường Đài Bắc, tướng Vũ tổng tư lệnh quân đội Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan , đã vô tình (hay cố ý?) nói một câu làm cho tướng Choi phật lòng.

Tướng Vũ nói đại khái: ”Từ mấy ngàn năm trước, lịch sử đã chứng minh dân tộc Trung Hoa và dân tộc Triều Tiên vốn là hai anh em, cùng một nguồn gốc. Và có lẽ môn võ Teakwon Do đã từ Trung Quốc du nhập vào Triều Tiên từ thời nhà Tiền Hán, trước kỷ nguyên Tây lịch...”

Lập tức tướng Choi đã đính chính ngay: “Vâng, xuyên qua lịch sử, hai dân tộc Trung Hoa và Triều Tiên vốn là hai dân tộc anh em. Nhưng riêng về môn võ thuật Teakwon Do thì không phải vậy. Môn Teakwon Do không hề có từ thời Tiền Hán, trước Thiên Chuá. Môn võ này đã do chính tôi khai sáng ra  từ năm 1955!...”

Đến năm 1977, khi tướng Choi biết tin ba tôi lúc bấy giờ đã đến tị nạn tại Đan Quốc, ông đã từ Canada bay sang thăm gia đình tôi, và trong dịp này, qua những câu chuyện hàn huyên của hai người bạn cũ, tôi nghe lóm , được biết tường tận hơn về nguồn gốc và công lao gây dựng môn võ này của tướng Choi. Nay xin chia xẻ lại với anh và độc giả báo Đại Chúng như sau:

 

TAEKWON DO LÀ GÌ? CÓ LIÊN HỆ VỚI  VÕ TÀU KUNG FU KHÔNG ?

Mặc dù hàng ngàn năm trước, tại Triều Tiên , cũng như tại Trung Quốc, người xưa của mỗi nước cũng đã sáng chế ra võ thuật để tự vệ và phòng thân. Nhưng tất cả đều còn trong dạng thái rất thô sơ, nhất là phương pháp huấn luyện không có tính cách khoa học, thiếu mạch lạc, và nhiều động tác tay chân (quyền cước) còn rườm rà, luộm thuộm. Về sau, thấy thế trung tướng Choi Hong Hi đã bỏ ra rất nhiều công phu để nghiên cứu lại môn võ cổ truyền ấy của dân tộc.

Ông sắp xếp lại các thế, tấn , các đường quyền cước cho thật giản dị, gọn gàng và mạch lạc, giúp cho các thế võ phối hợp nhịp nhàng tạo thành các đường quyền cước có khả năng công thủ biến chuyển linh động, nhanh chóng và hiệu nghiệm. [nên biết 3 yếu tố chính để đem đến hiệu qủa của các đòn quyền, cước là: thật nhanh, thật mạnh và chính xác].

Ngoài ra ông còn nghiên cứu cả về khoa cơ thể học, và khoa dưỡng sinh, nhắm mục đích phối hợp thích nghi vào các thế võ, và các bài quyền cước.

Song song với những cải tiến về kỹ thuật , tướng Choi còn sắp xếp lại cả hệ thống đẳng cấp của môn võ TCĐ. Ông đã phân chia các trình độ huấn tập và qui định đẳng cấp của môn võ TCĐ chẳng khác nào như hệ thống đẳng cấp của quân đội. Các võ sinh đai màu, từ màu trắng lên đến màu đỏ (hay nâu) giống như hàng hạ sĩ quan và binh sĩ. Nếu một người tân binh quân dịch mới nhập ngũ được xếp hạng binh nhì lính mới tò te, thì trong hệ thống TCĐ đó là người võ sinh mới thụ huấn , mang đai trắng, ngụ ý: “chưa có kinh nghiệm,chưa biết gì”.

Sau đó , theo thời gian và chiếu theo quá trình huấn tập, võ sinh đai trắng bắt đầu đổi màu đai vàng (tức đã thấm nhuần, chẳng khác nào như mảnh đất đã được ươm hạt giống rồi). Kế đến là đai màu lục , xanh lá cây, hay xanh màu mạ non (ý chỉ hạt giống đã gieo khi xưa, nay đã bắt đầu mọc mầm, đâm chồi nẩy lộc). Khi cây mạ đã gìa, đã trở nên cây luá thì màu lá luá trở thành xanh đậm, giống như người võ sinh mang đai xanh vậy.

Khi nhánh lúa đã già, tức là thời kỳ đã phát triển toàn diện, màu lá luá trở nên vàng ươm, ví chẳng khác người võ sinh đến giai đoan mang đai cam. Nấc thang cuối cùng của giai đoạn hạ sĩ quan, hay võ sinh đai màu là màu đỏ, báo hiệu cho thấy người võ sinh sắp sưả bước vào thời kỳ trưởng thành, có đủ khả năng chiến đấu tự vệ, có đủ đức tính lãnh đạo và huấn luyện thế hệ hậu tiến...

Trong phạm vi đai đen, ví như hàng sĩ quan trong quân đội. Nếu trong hệ thống nhà binh có 3 cấp và mỗi cấp có 3 bực , từ thiếu uý lên tới đại tướng, gồm cả thảy 9 bực, thì trong hệ thống TCĐ , tướng Choi cũng chia ra làm 9 đẳng , từ huyền đai đệ nhất đẳng (tương đương thiếu uý) đến huyền đai đệ cửu đẳng (tương đương đại tướng).

Trong phạm vi huấn luyện, tướng Choi cũng đã nghiên cứu tường tận các thế quyền cước , để cấu thành những bài quyền ngắn gọn, linh động và biến chuyện mạch lạc, tiến từ mức độ đơn giản nhất, với những thế quyền cước thông dụng nhất, đến những bài quyền với những thế quyền cước biến chuyển kỳ aỏ hơn, phức tạp hơn và đòi hỏi  người võ sinh phải biết vận công và dụng lực để phóng ra những đòn quyền cước có chưởng lực mạnh với mức độ thần tốc v.v...

Thậm chí đến mỗi cuộc thi lên đai, từ đai trắng lên đai vàng cho đến các đai đen 5, 7 đẳng v.v... cũng đều được qui định bằng luật lệ rõ ràng. Tuỳ theo từng cấp bực mà ban giám khảo hay viên chánh chủ khảo có quyền đòi hỏi người võ sinh phải biểu diễn những thế võ căn bản từ đơn giản lúc nhập môn cho đến những bài quyền khó khăn rắc rối, rồi tới khả năng giao đấu và khả năng vận lực công phá (ván, hay gạch, ngói) v.v...

Tóm lại, từ chương trình huấn luyện cho đến thi cử, và phương pháp trau dồi khả năng của môn võ TCĐ đều đã được tướng Choi san định một cách hết sức chặt chẽ và hoàn toàn phù hợp với tính cách khoa học của các khoa dưỡng sinh, cơ thể học...Ấy là chưa kể đến phương pháp huấn luyện tinh thần, vận hành sự hô hấp, tập trung ý chí nhắm vào một tiêu điểm độc nhất, và  luôn luôn chủ động trong cuộc giao đấu v.v... 

Bởi thế, kể từ  năm 2000 môn võ TCĐ đã được chọn làm môn thể thao giao đấu trong khuôn khổ Thế Vận Hội (Olympic) .

Với công trạng lớn lao như thế, nếu có ai nghe các giới võ sinh TCĐ khắp nơi trên thế giới đều xưng tụng tướng Choi là “cha đẻ” (The Father of Teakwon Do), thì điều đó cũng không có gì là quá đáng, và theo tôi nghĩ ông rất xứng đáng  được người đời xưng tụng như vậy.

 

 VẤN ĐỀ CHÍNH DANH.

TD.- Tại sao lại gọi môn võ đó là Thái Cực Đạo ?

KT.- Anh hỏi câu này rất xác đáng. Người VN mình duờng như không có khả năng sửa sai. Cái gì đã cũ rồi, hay đã có ai dùng sai rồi, người sau đều vẫn cứ theo vết chân hiêu nai đó mà tiếp tục, không ai dám khởi xướng lên việc sai lầm để cùng nhau sửa sai. Thí dụ cụ thể là cái tên ”Thái Cực Đạo” của môn võ Teakwon-Do này.

Thực ra phải gọi nó là “Quyền Cước Đạo” hay “Thủ Cước Đạo” mới đúng. Có như thế mới dễ dàng phân biệt với môn võ  Không Thủ Đạo (Karate) của Nhật. Như cái tên này đã nói rõ là môn võ thuật dùng “tay không” (không thủ) để tự vệ. Trong cái tên đó không đề cập gì tới việc dùng chân (cước). Ngược lại, môn Thủ Cước Đạo (Teakwon Do), ngay cái danh xưng của nó đã nói rõ to cho mọi người biết: Đây là môn võ thuật dùng cả tay và chân (quyền và cước) để tự vệ.

Thực sự như vậy, nếu ai đã từng tập Thủ Cước Đạo hay Không Thủ đạo rồi đều nhận ra môn võ Karate dùng cước ít hơn quyền. Ngựơc lại, trong khi đó môn võ Thủ Cước Đạo (Teakwon Do) của Đại Hàn lại đặc biệt chú trọng đến những đòn chân hơn là dùng những đòn tay. Bởi lý do sau đây: Khi giao đấu, mỗi cánh tay và mỗi bắp chân đều trở nên những võ khí lợi hại, công dụng ví như bốn cây gậy. Nhưng đôi chân là hai cây gậy khổng lồ, nặng hơn và khoẻ hơn đôi tay rất nhiều. Một đòn chân (cước) khi phóng ra có sức mạnh gấp 10 lần một đòn tay (quyền). Tuy nhiên, ai cũng biết, đôi tay dễ tập luyện, và khi sử dụng chính xác, nhanh chóng hơn đôi chân. Nhưng , nếu khi đôi chân đã được tinh luyện thuần thục, đã đạt được mức độ nhanh chóng và chính xác như đôi tay thì thực là một thứ võ khí nguy hiểm không lường được. Nếu đối thủ có sức mạnh, thưà khả năng chịu nổi một cú đấm vào mặt, nhưng với một cái đá thần tốc giáng vào giữa mặt thì chỉ có đi nhà thương mà thôi!

 

KONGFU HAY VÕ THIẾU LÂM ?

Tiện đây, tôi tưởng cũng cần nói thêm chút nữa về hai cái tên KongFu và Thiếu Lâm. Môn võ Tàu này, cả người Tàu lẫn người Tây phương đều nhất trí gọi là KungFu. Như thế chứng tỏ cái hiểu biết của họ chính xác. Trong khi đó, đa số người VN mình khi thì gọi là Kong Fu , khi thì gọi là võ Thiếu Lâm, lung tung không còn phân biệt gì cả. Nên biết Thiếu Lâm chỉ là một tông phái của Kung Fu, như các phái Côn Luân, Võ Đang v.v... Riêng võ phái Thiếu Lâm phát xuất từ Thiếu Lâm Tự đã lâu đời. Nhưng đọc sử Tàu, ta được biết đến khỏang năm 1644 (ngang thời vua Louis XIV lên ngôi ở Pháp), quân Mãn Châu ở Bắc phương , từ xưa vẫn bị coi như là quân man rợ, đã đánh chiếm được Bắc Kinh, lập nên triều đại nhà Thanh, cai trị toàn cõi trung nguyên.

Dân Tàu từ lâu vốn tự hào là Hán tộc, coi khinh các tiểu quốc láng giềng, thảy đều gọi là rợ Hồ (chỉ Ba Tư), rợ Hung Nô (Mông Cổ), Nam Man (chỉ VN) v.v..., nay bị rợ Bắc phiên cai trị thì ức lắm, nên  mới cố gắng tìm cách chống đối và âm mưu lật đổ nhà Thanh.

Vào thế kỷ thứ XVII, ở Trung Quốc các chuà chiền đều là những tụ điểm của các tay võ hiệp giang hồ hảo hán, nuôi mộng “phản Thanh phục Minh”. Vua quan nhà Thanh biết rõ điều đó hơn ai hết, nên đã ra lịnh chiêu mộ các vị tăng sĩ ,võ sĩ quần hùng, đến tỉnh Phúc Kiến, vùng Đông Nam Trung Quốc, để nghiên  cứu và hệ thống hoá thành bài bản các thế võ cổ truyền đặt dưới danh xưng là KongFu, với mục đích dùng để phục vụ nhà Thanh.

Nhưng không ngờ, các vị tăng sĩ, võ sĩ  quần hùng Trung Quốc ấy, khi đã đủ lông đủ cánh rồi, lại dùng thủ đoạn “gậy ông đập lưng ông”, nghĩa là thay vì ủng hộ nhà Thanh thì họ lại kéo nhau đến Bắc Kinh nổi lên gây bạo loạn chống nhà Thanh.

Vua quan nhà Thanh đã thẳng tay đàn áp và quyết định  dùng bạo lực tấn công thẳng vào sào huyệt của quân phiến loạn, thiêu hủy luôn Thiếu Lâm Tự. Đồng thời vua quan nhà Thanh cũng tiêu diệt luôn  tất cả 18 tông phái tôn giáo khác trên toàn cõi Trung Nguyên. Nhưng trong số ấy có 5 tông phái may mắn đã thoát  khỏi bị tiệt diệt. Các vị sư cũng là võ sư  sống sót trong cơn khói lưả cuồng nộ ấy gồm: Thôi Tắc Chung, Phương Đại Hưng, Mã Chiêu Hùng, Vũ Tất, và LýThiết Hội. Về sau tất cả 5 vị ấy đều trở nên 5 vị thủy tổ của các hội kín ở Trung Quốc.

Năm vị sư võ sĩ thoát nạn kể trên đã đến Mỹ Dương, còn có ngoại danh là “phố Liễu” để tị nạn, sống mai danh ẩn tích, nhưng vẫn không ngừng âm thầm hoạt động chống nhà Thanh, và được người dân Trung Quốc gọi là “Ngũ Hổ Tướng”.

Trước tiên Ngũ Hổ tướng quân ấy đã lập nên một hội kín lấy tên là Hồng Môn. Đây là một trò chơi chữ để che mắt quan quân nhà Thanh. Thực ra tên Hồng Môn ngụ ý là “chính phái, chính gia”, ngoài ra chữ Hồng còn là tên của vị hoàng đế cuối cùng của nhà Minh. Như vậy chứng tỏ rõ rệt hội kín này chủ trương tranh đấu để phục hồi đế quyền của nhà Minh, là một triều đại chính thống của Hán tộc. Mặt khác , chữ “Hồng” còn có nghiã nôm na là “Đỏ”.Bởi thế các hội kín  thời bấy giờ ở Trung Quốc đều được gọi là Hồng Bang, và những người cầm đầu Hồng Bang được gọi là  Hồng Đăng Giáo Chủ.

Tiêu ngữ của Hồng Bang là “phản Thanh phục Minh” (chống nhà Thanh, phục hồi nhà Minh). Hình ảnh tiêu biểu của Hồng Bang là một hình tam giác đồng dạng , chính giưã hình tam giác có chữ “HỒNG”, viết bằng Hán tự. Cánh trái hình tam giác là chữ THIÊN (trời), bên phải là chữ ĐỊA (đất ), dưới đáy là chữ NHÂN (người) . Dấu hiệu này trông chẳng khác gì dấu hiệu hội “Tam Điểm” (France Macon) của Tây.

Đến thời vua Khang Hi, nước Tàu đẻ ra thêm nhiều bang, hội kín khác, mà đến nay hãy còn hoạt động trong vòng bất hợp pháp tại các nước Âu Mỹ như: Thanh Liên, Bạch Liên, Hồng Dương, Bát Quái, Thiên Điạ  v.v... Riêng cái Thiên Điạ Hội này , do Hồng Tú Toàn khởi xướng, trong đám có bọn Lưu Vĩnh Phúc (cờ Đen), Hoàng Sùng Anh (cờ Vàng), Lưu Văn Lợi (cờ Trắng)...về sau đã kéo nhau sang VN, dưới thời Tự Đức, đã làm khổ dân ta trăm chiều...

Từ đó một số người VN mới có cơ duyên học võ Tàu, nhưng thay vì gọi là KongFu , thì người mình cứ quen miệng gọi là võ Thiếu Lâm!

Về sau, có thể cũng có nhiều người đã biết sự sai lầm đó, nhưng lạ nhất là chẳng ai buồn sưả sai  hết cả!

 

NGUỒN GỐC TAEKWON DO.DU NHẬP VÀO V.N. TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

TD.- Cám ơn anh đã cho biết về danh xưng . Nhưng còn nguồn gốc của môn võ TCĐ, và trường hợp nào môn võ ở một xứ Đại Hàn xa lắc xa lơ đó lại du nhập vào VN, và tự bao giờ?

KT.- Vâng. Thưa anh, khi môn võ Teakwon-Do ra đời ở Đại Hàn thì tôi còn ở một thế giới nào xa xăm lắm, nên tôi không thể biết tường tận được. Nhưng khi ra đời rồi lớn lên, tôi đã được nghe ba tôi kể lại sau nhiều lần được chánh phủ Đại Hàn mời đến tham quan, cũng như trong thời gian ngăn ngủi mấy ngày tướng Choi đã lưu ngụ trong gia đình tôi, nói chuyện tâm tình với ba tôi, nên tôi được biết đại khái như sau, xin thuật lại vắn tắt để anh và độc giả báo Đại Chúng nghe:

Dĩ nhiên môn võ Teakwon Do cũng như  môn KongFu đều là những cóp  nhặt kỹ thuật và kinh nghiệm cổ truyền của người xưa, rồi hệ thống hoá và tối tân hoá nó cho thích dụng với thời đại hiện nay. Trong quá khứ  của lịch sử, ở Đại Hàn cũng đã có nhiều võ phái rải rác .Có người gọi là: Teak Kyun (cố tổng thống Lý Thưà Vãn), có người gọi là Tang Soo, Kong Soo hay Kwon Bub v.v...Nhưng tấ½t cả phương pháp vẫn còn cổ hũ và lề lối không giống nhau. Bởi thế tướng Choi Hong Hi đã phải tốn rất nhiều công sức để hệ thống hoá và khoa học hoá môn võ này và đặt cho nó một cái tên mới là Teakwon Do.

Vào khoảng tháng 6. 1954, sư đoàn BB số 1 rời khỏi đảo Cheju để sát nhập vào quân đoàn 2 đóng đại bản doanh tại Kang Won, một tỉnh thuộc miền Đông của nước Triều Tiên. Đến giưã tháng 9, quân đoàn 2 tổ chức một đại lễ kỷ niệm 4 năm thành lập quân đoàn đồng thời cũng là ngày lễ mừng sư đoàn 29 BB, mới thành lập, vưà được tròn 1 tuổi.

Trong buổi lễ long trọng này sư đoàn 29 BB đảm trách chương trình biểu diễn môn quyền thuật Tang Soo. Từ đầu đến cuối cuộc biểu diễn võ thuật, TT Lý Thưà Vãn chỉ đứng  mà không ngồi xem như thiên hạ, chứng tỏ ông rất chăm chú theo dõi. Nhưng đến phiên võ sư Nam Tea Hee dùng tay không chặt bể một chồng ngói cao, TT Lý mới chỉ vào nắm tay của võ sư Nam mà hỏi trung tướng Choi đang ngồi kế bên một câu đầy vẻ kinh ngạc: “Chỉ có bàn tay trần này không thôi mà đã chặt bể được đống ngói cao như thế à?”

Tướng Choi đáp: “Thưa vâng!”.

Lập tức TT Lý liền quay sang nói to lên cho các vị tướng lãnh khác đang chủ toạ đại lễ cùng nghe thấy: “Đó là võ thuật Teak Kyun. Tôi muốn tất cả binh sĩ trong quân đội của ta phải được tập môn võ này!”

Trước kia, trong quân đội Đại Hàn có nhiều tướng lãnh không muốn cho tướng Choi truyền bá môn võ thuật của ông vaò giới binh sĩ trong đơn vị của họ. Nhưng kể từ khi TT Lý Thưà Vãn đã tuyên bố như trên rồi thì không một vị tướng nào dám cãi lệnh. Nhờ đó tướng Choi mới được dễ dàng phát triển  môn võ của mình. Công việc quan yếu đầu tiên là ông mở ra một trường dạy võ thuật, để đào tạo các võ sư huấn luyện viên. Khi bộ tư lệnh sư đoàn 29 BB dời đến Yong Dae Ri, miền Tây núi Sulrak, tướng Choi ra lịnh cho xây cất ngay một võ đường, và khởi thủy đặt cho nó  cái tên là Oh Do Kwan, và trao trách nhiệm điều hành cho võ sư Nam Tae Hee.

Trong buổi trình diễn võ thuật Tang Soo, tổång thống Lý đã gọi nó là: Teak Kyun. Nhưng tướng Choi nhận thấy kỹ thuật của môn võ mà ông đã sáng tạo và truyền dạy cho các môn sinh từ trước đến lúc bấy giờ đều hoàn toàn khác hẳn với môn võ Tang Soo hay Teak Kyun. Vì thế ông nghĩ cần phải đặt ngay cho môn võ thuật của mình một cái tên mới phù hợp với kỹ thuật đặc biệt của nó.

Tưởng nên nói rõ thêm, từ trước năm 1946, khi tướng Choi còn chỉ huy trung đoàn 4 BB đóng ở tỉnh Kwang Du, ông đã đem môn võ của ông ra dạy cho các môn sinh rồi.  Môn võ này ông nghiên cứu và sáng chế dưạ trên căn bản triết lý Đông phương, phối hợp với kỹ thuật và khoa học về cơ thể, y học... hiện đại.

Đến bây giờ là năm 1955, ông nhận thấy thời cơ đã đến để khai sinh ra cái tên “TAEKWON –DO” mà ông đã ấp ủ từ nhiều năm qua. Tướng Choi cân nhắc kỹ lưỡng các tên như : Tang Soo, Kong Soo, Kwon Bub... nhận thấy cái thì lai Tày, cái lai Nhật linh tinh. Các tên ấy chẳng cái nào mang tính cách thuần tuý dân tộc của người Triều Tiên hết cả. Còn cái tên Teak Kyun của TT Lý thì lại không phản ánh được hết tinh thần và kỹ thuật của môn võ Tae Kwon Do. Nhưng tướng Choi nghĩ muốn đánh bạt các tên cũ ấy, đồng thời khiến mọi người chịu chấp nhận cái tên mới Taekwon Do do mình nêu ra thực là khó. Vì thế ông mới lập ra một tổ chức gọi là “Hội đồng cố vấn” gồm một số nhân vật nổi tiếng và có uy tín trong các giới quần chúng lẫn chính phủ như: Phó chủ tịch Quốc Hội Cho Kyung Jae, đại tướng Lee Hyung Keun, tổng tư lệnh quân đội, và ông chủ tịch hiệp hội báo chí và truyền thông v.v...để đả thông trước với các vị đó danh xưng Teakwon do.

Sau đó, tướng Choi lại còn phải nhờ đến các nhân vật thân cận với TT Lý như: Ông Kwak Young Joo, đổng lý văn phòng của tổng thống, ông Suh Jung Hak, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ tổng thống... để quí vị này lưạ dịp giải thích cho tổng thống Lý biết cái tên Teak Kyun mà TT đã nói chỉ là một cái tên của môn võ cổ truyền đã xưa lắm rồi, bây giờ không còn phù hợp với  trào lưu và môn võ mới này nưã.

Sau khi đã được TT Lý Thừa Vãn chấp nhận danh xưng TAEKWON –DO rồi, tướng Choi mới thưà lịnh TT ra chỉ thị cho các võ đường Oh Do Kwan và Chung Do Kwan phải cải danh Tang Soo, Teak Kyun, hay Kong Soo, Kwan Bub v.v...từ đây trở đi phải thống nhất danh xưng là “Taekwon Do  “.

 

TAEKWON DO DU NHẬP VÀO V.N.

Bây giờ nói về cơ duyên du nhập môn võ Taekwon Do vào VN. Đến khỏang giưã muà Hè năm 1957, TT Lý Thưà Vãn đã mới TT Ngô Đình Diệm  đến thăm viếng Nam Hàn. Trong thời gian tham quan của TT Diệm có chương trình biểu diễn võ thuật Taekwon Do. Trong khi  xem các võ sư  trong quân đội Đại Hàn biểu diễn môn võ Taekwon Do, TT Diệm đã nói với TT Lý: “Bây giờ tôi mới hiểu được vì sao mà người lính Đại Hàn lại dũng mãnh và tôn trọng kỷ luật đến thế!”

Sau đó ít lâu, tướng Choi Duk Shin, một bạn thân của tướng Choi Hong Hi, được bổ nhiệm qua VN làm đại sứ. Nhân dịp ấy, tướng Choi Duk Shin mới đề nghị với TT Diệm nên mời một phái đoàn võ sư trong quân đội Đại Hàn sang VN biểu diễn võ thuật Taekwon Do cho  các giới sĩ quan trong quân đội VNCH coi.

Khi TT Diệm đạt lời mời đến trung tướng Choi Hong Hi, thì cùng một lúc tướng Choi cũng nhận được thơ mời tương tự của chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan.

Lập tức tướng Choi Hong Hi chọn một phái đoàn gồm 21 võ sư ưu tú nhất của quân đội Đại Hàn, ra lịnh cho họ phải tập dượt trong vòng 2 tuần lễ cho thuần thục chương trình biểu diễn ở VN và THDQ.

Đây là lần đầu tiên môn võ Taekwon Do do tướng Choi Hong Hi sáng lập đã được đem ra nước ngoài biểu diễn. Cũng từ đó VN được trở nên là nước thứ nhất trên thế giới đã du nhập môn võ Taekwon Do. Sau VN mới đến lượt THDQ ở Đài Loan.

Những cuộc biểu diễn Taekwon Do trong chuyến này ở VN đã đạt được kết qủa lớn lao ngoài dự liệu. Trên 300.000 khán giả VN, gồm đủ các cấp chánh quyền, các hàng tướng lãnh, sĩ quan cao cấp, một số đơn vị quân đội , cùng với các giới chánh trị và báo chí VN đã có dịp dự kiến và hoan hô nhiệt liệt. Trước sự thành công lớn lao đó, TT Diệm đã hết sức vui vẻ yêu cầu phái đoàn ở lại thêm một tuần lễ nưã để đi biểu diễn thêm  tại các nơi khác , khắp 4 vùng chiến thuật. Dịp này đại tướng Lê Văn Tị đã ngỏ lời khen ngợi phái đoàn không tiếc lời.Riêng TT Diệm còn công khai tuyên bố: “Thực tôi không tưởng tượng nổi cách nào mà con người lại có khả năng vận sức mạnh mẽ được đến như thế. Đó là một môn võ thuật nên thực hiện ở VN!”

Tóm lại,chuyến đi biểu diễn này của phái đoàn Choi Hong Hi đã đạt được hai mục tiêu: Thứ nhất , tướng Choi đã đem được cái tinh hoa văn hoá lâu đời từ 5.000 năm qua của dân tộc Triều Tiên  ra nước ngoài.  Thứ nhì , đến năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm đã chính thức yêu cầu chánh phủ Đại Hàn gử i một phái đoàn võ sư huấn luyện viên Taekwon Do sang VN đêå huấn luyện cho quân đội VNCH và các giới quần chúng VN.

(còn tiếp)

TÂN DÂN

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002