Đại Chúng số 78 - phát hành ngày 15/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


HƯƠNG SẮC QUÊ MÌNH

Lãng Nhân

Đối với những bậc danh nhân đã cống hiến cuộc đời cho sự tồn tại và thanh danh của đất nước, nhân dân ta trước đây không dám nêu tên tục, tên húy của các ngài, vì nêu ra là lỗi với lòng sùng bái đương nhiên phải có. Cho nên những tên tục, húy, chỉ được ghi trên sử sách, còn thường thì dùng biệt hiệu, bút danh hoặc chức vị (1), như Tiên Điền, Hưng Đạo vương, Lê Thái Tổ...

Từ ngày theo kiểu tây phương, lấy tên "cúng cơm" của các bậc tiền bối đặt cho đường phố, tuy cũng hiểu đó là một cách biểu dương, nhưng khi gọi "phố Nguyễn Du, đường Lê Lợi" hẳn ta cũng thấy lòng tôn kính không còn trọn vẹn nữa, có vẻ như chỏng lỏn, xách mé, mà không nhận ra ngay.

Chúng tôi dài dòng ở đây, cốt để tỏ rằng sự lễ độ của dân ta thể hiện bằng cách kiêng nể phương danh các đấng, nên khi viết "Hai Bà" chúng tôi không nêu tên họ, theo như nhân dân gọi ngôi đền trên bãi Đồng Nhân là "Đền Hai Bà", bởi ai cũng hiểu rằng gần hai nghìn năm rồi, hai chị em Bà đã oanh liệt dựng nước và chết cho nước, không có hai Bà nào khác.

* * *

Lạc tướng họ Trưng ở Mê-Linh (phủ Yên-Lãng tỉnh Phúc-Yên ngày nay) kết duyên với bà Man Thiện Trần Thị Đoan, cháu ngoại Hùng Duệ Vương (thứ 18). Lạc tướng sớm thất lộc. Bà quả phụ dốc lòng chăm sóc hai con gái sinh đôi ngày l tháng 8 năm Giáp tuất (Tây lịch 14). Chắc là chị, Nhị là em (2) được rèn luyện theo tinh thần yêu dân làng, yêu cảnh thổ và nhất là tập luyện võ nghệ để tự vệ trong buổi nhiễu nhương.

Bà Chắc sớm kết duyên với ông Đặng Thi-Sách. Ông này bấy giờ nối nghiệp cha Đặng Thi- Kế đứng cai quản hạt Châu-Diên (phủ Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-Yên bây giờ) rất có uy tín với các châu khác trong nước.

Vào năm Giáp-Ngọ (T.L. 34) nhà Đông Hán thôn tính xong họ Triệu, chiếm nước Nam Việt, chia làm 9 quận: Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đạm Nhĩ và Giao Chỉ (là nước ta), mỗi quận đặt dưới quyền một viên thái thú.

Đây là lần thứ nhất ta lệ thuộc nước Tàu, thái thú là Tô Định, một tên tham tàn hống hách, đày đọa nhân dân, bắt mò ngọc trai, tìm ngà voi, nộp thuế má nặng nề, thật là trăm bề điêu đứng.

Trước cảnh thương tâm, ông Sách nổi lòng công phẫn, gửi thư cảnh cáo Tô Định: "Phương Nam tuy nhỏ, nhưng ức vạn sinh linh cũng là con đỏ của triều đình. Kẻ đi tuyên dương đức hóa, phải lâý việc yêu dân trước hết. Ngươi nay làm chính trị, bắt tội người nói thẳng, bày mưu hay, mà lại thương kẻ luồn lọt, bợ đỡ, để cho nịnh thần chuyên quyền. Lúc nào cũng nói thương dân, mà bóc lột người dưới càng ngày càng dữ. Rán mỡ dân dể thỏa lòng dục. Cậy mình như gươm Thái A sắc bén, đâu có hay thân mình như giọt sương sớm dễ tan... Nếu ngươi không mau đổi chính sách, sẽ nguy vong đến nơi".

Sau đó vợ chồng bàn tính cơ mưu: một mặt thao luyện trai tráng cho tinh thục, một mặt liên lạc với hào kiệt các nơi làm vây cánh để chờ khi lực lượng hùng hậu, một quét là xong.

Trong khi xếp đặt cơ ngơi, một hôm ông Sách cải trang đi với mấy tùy tùng xuống Long Biên để xem xét tình hình. Không ngờ có kẻ gian theo dõi, mật báo Tô Định, hắn liền ra lệnh bắt và hành quyết ngay, không cho biện bạch một lời. Mấy tùy tùng phải trộm đem thi thể chủ về Châu Diên.

Trước hành vi man rợ này, bà Sách căm hận vô cùng, song thế còn mỏng manh, đành cố dần lòng, lo khâm liệm cho chồng, rồi giải tán gia nhân cùng trai tráng, chỉ giữ lại ít người thân tín, cho theo quan tài chồng về Mê Linh an táng.

Bà Man Thiện thấy tang lễ sơ sài, như chỉ làm lấy lệ mà thôi, có vẻ không hài lòng, nói mát:

_ Thấy cảnh con tan vỡ, mẹ thương quá là thương. Mà sao con bình tĩnh thế được, giỏi thật!

Bà Sách sụp ngay xuống, gục đầu trên gối mẹ, òa lên nức nở. Bà em chạy lại, khẽ đặt tay lên vai chị đang run rẩy theo từng tiếng nấc, nhỏ nhẹ nói:

_ Thưa mẹ, chị con mãi hôm nay mới khóc được ra tiếng đấy chứ! Còn thì cứ ấm ức trong lòng không dám hở ra, sợ đến tai bọn giặc thì làm sao tiếp tục dõi theo đường lối để hoàn thành chí nguyện cứu dân cứu nước của anh con, mà chúng đã cắt đứt nửa chừng. Đúng thế không, chị?

Bà chị vội lau nước mắt, đứng dậy ôm chầm lấy:

_ Cảm ơn em, em đã thấu hết tâm can của chị rồi đó! Vậy em sẽ giúp chị một tay chứ?

_ Sẵn sàng! Giúp cả hai tay... vì tuy em còn nhỏ nhưng biết nghĩa lớn. Hơn nữa nhiều chị em nơi làng xóm cũng uất hận vì bọn lính Tàu hay cướp bóc, hãm hiếp, chẳng ai không muốn tống cổ chúng đi cho.

_ Vậy thì hay lắm. Em hãy dẫn dụ họ để lập thành một đội nữ binh, cố tập rượt cách chiến đấu cho thật hùng dũng. Phần chị sẽ cho người về Châu Diên gọi hết trai tráng lên đây họp với thanh niên Mê Linh, vào rừng sâu thao luyện cho kín đáo. Chị lại cho người thân tín đi liên lạc với các bậc anh thư anh kiệt bốn phương để làm hậu thuẫn, nhất định sẽ thành công...

Sau đó, nhờ bà Man Thiện chỉ dẫn và sắp đặt kỹ càng, chẳng bao lâu mọi việc tiến hành khả quan. Hưởng ứng với đại nghĩa, có Cao Doãn và phu nhân (3) Cùng 12 vị nữ hiệp:

_ Bát Nàn công chúa, quán làng Tiên La, huyện Diên Hà (Thái Bình ngày nay) nguyên là vợ Lạc tướng Trương Quán bị Tô Định hại sau khi giết ông Sách.

_ Bà Hoàng Thiều Hoa, người huyện Gia Hưng, tỉnh Thanh Hóa.

_ Bà Phùng Thị Chính cùng chồng là Đinh Lượng, chủ trại ở Sơn Tây.

_ Bà Lê Chân, quê làng An Biên, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, có phụ thân bị Tô Định hại.

_ Bà Cao Nhứ, ở trại họ Cao, Hoa Lư.

_ Bà Đào Phương Dung cùng hai em là Đào Hiển Hiếu, Đào Quý Minh.

Khi thấy lực lượng có cơ đáp ứng được nhu cầu của kế hoạch: tướng giỏi, quân đông và khí thế bừng bừng ai cũng nóng lòng giết giặc, Hai Bà bèn đứng lên phất cờ khởi nghĩa.

Bấy giờ là năm 40 dương lịch, vào giữa mùa xuân, núi rừng Mê Linh bỗng rực sáng ánh đuốc từ muôn phương đổ lại, chiếu rạng đám đông quân binh và dân chúng. Dù đang mang tang chồng, bà Chắc không mặc tang phục, uy nghi trong bộ khăn vàng áo vàng tượng trưng cho Đại Nghĩa Dân Tộc, ung dung bước tới lễ đài cáo yết trời đất, bách thần và tiên tổ, rồi tuyên đọc bốn lời thề (4):

Một xin rửa sạch thù nhà
Hai xin đem lạt nghiệp xưa họ Hùng
Ba, kẻo oan ức lòng chồng
Bốn, xin vẹn vẻ thửa công lênh này...

Trống đồng nổi lên từng hồi, làm rúng động bốn phương. Bà Chắc lại đọc lời tuyên ngôn:

"Tôi là nữ lưu, song đau xót cảnh lầm than của nhân dân vì người nước khác là Tô Định giữ thói chó dê, ngược chính hại dân, tôi là cháu ngoại triều Hùng, không thể điềm nhiên ngồi nhìn, nên mới đem nghĩa binh mà trừ bọn nghịch tặc, cúi xin trời đất thánh thần giúp cho lũ chúng tôi lấy lại được giang sơn, ấy là đại đức của trời đất nâng đỡ chúng tôi vậy."

Lễ xong, Hai Bà chia quân kéo đi, chiêng trống dưới thuyền, cờ biển trên đường rầm rộ xuống Long Biên, chỉ trong mấy ngày hạ hơn sáu mươi thành. Tô Định bỏ cả ấn tín chạy trốn(5).

Khi giặc không còn một bóng, Hai Bà thu quân về Mê Linh, mọi người hoan hô và thỉnh cầu Hai Bà lên ngôi. Lúc ấy vào tháng 3 năm Canh Tí (40 d.l.)

Hai Bà liền làm lễ đăng quang Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh, suy tôn bà Man Thiện ngôi Thái hậu. Lệnh đầu tiên ban xuống là tưởng thưởng quần thần.

Bà Bát Nàn không chịu nhận chức tước, chỉ xin được đem một tên giặc về làng Tiên La đề chặt đầu làm lễ tế chồng, rồi xuống tóc đi tu.

Bà Hoàng Thiều Hoa nói: Tôi chỉ làm nhiệm vụ chứ không nghĩ đến danh vọng. Hai Bà phong làm "Đông cung tướng quân".

Bà Phùng Thị Chính được phong "Thị Nội tướng quân".

Bà Lê Chân được phong "Tiên phong nữ tướng quân".

Nhờ Thái Hậu chỉ dạy cách sắp đặt cho trăm họ yên ổn làm ăn, Hai Bà để hết tâm cơ vào việc tăng cường quân lực, vì biết thế nào bọn Tàu cũng trở lại trả thù.

Quả nhiên, hơn một năm sau, đến tháng 4 Nhâm dần (42 đ.l.) Hán Quang Vũ sai Mã Viện đem hai vạn quân cùng rất nhiều xe và thuyền phối hợp thủy bộ tấn công quân ta. Trung lang tướng Lưu Long, thủy sư đô đốc Đoàn Chí bị quân ta đẩy lui về vùng Hắc Giang, để lại hơn nghìn xác. Mấy tháng sau, giặc lại từ Cao Bằng Tuyên Quang đánh xuống, nhưng thất bại, tổn hại khá nhiều. Lần thứ ba, Mã Viện từ Long Biên kéo lên, rồi cũng phải rút về vì bị kháng cự dữ dội.

Trong văn bia ở đền Hai Bà (6) có đoạn: "Mưu trí như Mã Viện mà còn bị thua ba trận! Thanh thế quân ta đã làm cho người Hán mâý năm mất ăn mất ngủ. Ôi trí tuệ biết nhường nào, khí khái biết nhường nào!" Nhất là trong trận thứ 3 này có một trường hợp lạ lùng: bà Thị nội tướng quân Phùng Thị Chính giao tranh với giặc trong tình trạng mang thai, đã gần kỳ sinh, giữa lúc múa gươm trên lưng ngựa thì trở dạ, phải lui vào trong quân, sinh xong, bọc con vào vạt áo giáp, rồi hiên ngang xông ra tiếp tục sát phạt, cho đến lúc địch phải lui mới quay về.

Trận sau, Mã Viện chia hai mặt tấn công, bắc đánh xuống, nam đánh lên. Quân ta phải phân đôi nên yếu hẳn, Hai Bà gắng cự địch phía hồ Lãng Bạc, không ngờ Mã dùng mưu vô sỉ: cho quân cởi bỏ quần áo tồng ngồng tiếp chiến. Nữ binh xấu hổ, hàng ngũ tự nhiên rối loạn, Hai Bà phải ra lệnh rút. Quân Tàu thừa thế đuổi nà. Đến xã Hát Môn, cùng đường, Hai Bà nhảy xuống sông Hát tự trầm. Lúc này vào ngày mồng 6 tháng 2 năm Quí mão (năm 43 dương lịch).

Khi hay tin này, bà Phùng Thị Chính và bà Lê Chân trẫm mình chết theo (7). Bà Đào Phương Dung cùng hai em, Đào Hiển Hiếu và Đào Quí Minh, khi rút khỏi vùng sông Hát, lui về miền Thổ quan, chiêu mộ nghĩa quân, tiếp tục đương đầu với Mã Viện (Di tích nay còn ở ngõ Thổ quan, ngõ Lệnh cư, gần ô Chợ Dừa, phố Khâm thiên, Hà Nội. Vùng này hiện còn một nơi có tên là Bãi Trận). Sau, không chống nổi quân Tàu, chị em họ Đào lui về bến Bồ Đề, và khi tan vỡ, bà Phương Dung cũng nhảy xuống sông tự tử (Điểm đặc biệt thời ấy: khi một phụ nữ đứng lên khởi nghĩa, chồng con và họ hàng đều hăm hở theo sau).

Mã Viện thắng trận bằng một thủ đoạn đê hèn, đúng như lời thơ Hải Nam Đoàn Như Khuê:

Quắc thước khoe chi đầu tóc trắng (8)
Cân thoa, đọ với gái quần hồng!

Hai Bà ở ngôi được bốn năm, mở trang đầu cuốn sử đấu tranh giành độc lập cho sông núi. Quốc dân tỏ lòng biết ơn và kính phục nên đã lập đền thờ ở Cẩm Khê, Mê Linh, Hát Môn và Hà Nội. Đền ở Hà Nội lớn nhất, dựng ở bãi Đồng nhân, trên bờ sông Hồng, năm Đại định thứ 3 (l 142) triều Lý Anh Tông. Sau vì đất bãi lở nên năm 1819, dân làng Đồng nhân dời đền vào khu trường Giảng Vũ dưới triều Lê, ở thôn Hương Viên, cũng thuộc làng Đồng nhân, tức là địa điểm hiện nay. Trong đền có tượng Hai Bà và 12 nữ tướng. Đến năm 1932 đền lại phải trùng tu. Dịp này, báo Trung Bắc mở cuộc thi thơ để kỷ niệm, bài trúng giải nhất là của ông Hoàng Thúc Hội:

Ngựa Gióng đã lên không
Rừng Thanh voi chửa lồng
Một chồi hoa nụ Lạc
Muôn dặm nước non Hồng
Trăng tỏ gương hồ Bạc
Mây tan dấu cột đồng (9).

Ba mươi chữ ghi cả thời điểm lãn vĩ tích người xưa: giữa khoảng ông Gióng trước, bà Triệu sau, là lúc hoa cùng nụ nở bùng trên đất Việt, trăng Lãng bạc sáng như gương, xóa hẳn dấu cột đồng sau đó... Bấy nhiêu dẫn xuống câu kết:

Nén hương lòng cố quốc
Xin khấn một lời chung

Lời khấn chung không lúc nào âm hưởng lại trầm thống và thành khẩn bàng trong ngày kỷ niệm Hai Bà năm 1932 này, giữa hồi cực thịnh của thực dân Pháp, khí thế của toàn dân nổi lên bừng bừng sau những vụ:

_ năm 1925 đòi phải tha cụ Phan Bội Châu

_ năm 1926 ùn ùn truy điệu cụ Phan Chu Trinh

_ năm 1930 khóc ông Nguyễn Thái Học cùng đồng chí bị chém ở Yên Bái (để 24 năm sau rũ sạch được gần l00 năm thuộc địa).

Đuổi được hùm cửa trước, ngờ đâu một bọn vô lại phản phúc mở cửa sau đón sói, quàng ách nô lệ khác lên núi sông, khiến cả triệu người, phần vùi thân đáy biển, phần thất thểu khắp năm châu. Giờ đây ở nước ngoài, gặp ngày mồng 6 tháng 2, ai không tưởng niệm đến Hai Bà trong lời khấn chung:

Hướng về nước thẳm non xa
Xin cho muôn dặm một nhà mới cam ...

Lãng Nhân

__________________________________

Chú thích:

  1. Ông Trần Quốc Tuấn, tước Hưng Đạo Đại Vương nay gọi là Trần Hưng Đạo, chúng tôi cho là không đúng.

  2. Theo thần tích làng Lâu thượng, huyện Bạch hạc, Phú thọ, quê hương Hai Bà chuyên nuôi tàm, khi chọn kén thì chia ra 2 loại: kển dầy gọi là kén chắc, mỏng là kén nhì, nên theo nghề đặt tên. Chắc là chắc bền. Còn Trắc, chữ Hán là nghiêng, hẹp, đo lường, thương xót, e không hợp dùng làm lên (Trưng Vương lịch sử Cúc Hương Hoàng Thúc Hội - Tài liệu Thái Văn Kiểm).

  3. Trưng vương lịch sử - Hoàng Thúc Hội - tài liệu Thái văn Kiểm.

  4. Theo Thiên Nam ngữ lục.

  5. Trưng Vương Côag Thần Phủ Lục - Viện Khảo Cổ Sàigòn - Sử địa số 22 tháng 4 năm 1971).

  6. Văn bia do tiến sĩ Vũ Hoán Phủ soạn tháng 5 năm Canh Tí (Minh Mạng 21 - 1840). Nguyên văn: "Trí như Phục ba nhi tam tiệp! Thanh thế năng sử Hán nhân tiêu can giả sổ nẫm. Thị hà đằng trí tuệ, hà đẳng nghĩa khái!"

  7. Sau bà Lê Chân được thơ øtrong ngôi đền ở Ngõ Nghè, Hải Phòng

  8. Sử Tàu khen Mã Viện là "quắc thước ông"

  9. Mã Viện khi rút quân về, cho trồng một cột đồng ở biên giới, trên cột khắc hàng chữ "Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt". Dân ta mỗi khi qua đó, lấy đất lấy đá ném vào chân cột, dần dần cột chìm mất không còn dấu tích.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002