Đại Chúng số 78 - phát hành ngày 15/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trước)

Quốc Trung khoát tay:

_ Thiệt xưa nay chẳng có bà mẹ chồng nào lại đi tò mò xem thư của con trai mình gửi cho vợ nó. Thôi, bà mang đi tìm Ngọc Phụng giao tận tay cho nó, nhanh lên bà ơi!

Thục Trinh đinh ninh Ngọc Phụng đang bận công việc ngoài đồng, nhưng không ngờ khi ngang qua cửa phòng nhác thấy bóng con dâu đang ngồi tựa song sổ trông có vẻ mệt mỏi, vội bước ngay vào.

Vừa thấy bóng mẹ chồng, Ngọc Phụng đã vội ngồi ngay dậy.

_ Thư của Sùng Thực gửi về này con!

_ Thưa, con cám ơn má.

_ Mẹ với con mà! Nói cám ơn làm gì!

Nhìn vẻ mệt mỏi của con dâu hiện lên mặt, Thục Trinh lo lắng hỏi:

_ Con làm sao thế? Hình như trông con không được khỏe phải không?

_ Dạ, nhưng chỉ chút ít thôi, má à!

_ Vậy đọc xong thư, con cố gắng nằm ngủ chút xíu đi... Để chút nữa má nấu cho con ít cháo lỏng...

_ Thưa, con nằm chút rồi dậy ngay . Má để con tự nấu cũng được. Chỉ sơ sơ thôi, chẳng có gì đâu má!

Đợi mẹ chông lên nhà trên xong, nàng ngồi thẳng dậy bóc thư ra đọc. Vẻ mặt nàng thay đổi tùy theo mỗi đoạn trong thư Sùng Thực viết. Có đoạn Ngọc Phụng tỏ ra vẻ ngạc nhiên, nhưng có lắm đoạn khiến nàng xúc động. Nàng đọc đi đọc lại thư của Sùng Thực không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng áp sát thư vào miệng thì thầm nói: "Sùng Thực ơi! Nếu biết thương nhớ nhau như thế này, thì em đã giữ ngay lại không để anh phải lặn lội ra đi xa xôi tận nơi ngàn trùng cách trở như vậy." Rồi nàng không ngăn được hai dòng lệ lăn tròn trên đôi má, rồi lại lẩm nhẩm thở than: "Anh ơi! Em cũng chẳng khác gì anh...nhớ anh đến đòi đoạn cả tâm can..."

Trong thời gian gần đây, Ngọc Phụng có triệu chứng hoài thai. Thục Trinh biết được đã hối hả báo tin vui này cho chồng biết.

_ Mình ơi! Quả thật linh đáo để đi!

Quốc Trung đang ngồi ngắm nhìn mấy cánh chim xanh đang nhảy nhót trên bờ dâu sau vườn nhà, nghe vợ nói vậy quay lại hỏi:

_ Chuyện gì mà linh đáo để?

_ Thằng Sùng Thực nhà mình hôm ăn phải cái bánh có nhân trái dâu đỏ, tuy giờ còn ở ngoại quốc mà đã sắp lên chức cha rồi... Nó mà nghe được sẽ bỏ hết sách vở chữ nghĩa thánh hiền mà quay về đây ngay...

Quốc Trung cũng hớn hở không kén vợ, vội lên tiếng:

_ Thật à? Vậy em hãy chỉ vẽ cho nó biết cách cử kiêng, ăn uống cũng như cẩn thận việc đi lại... Con so mà, nó đâu biết gì!

Nói xong Quốc Trung vội đi lấy giấy mực viết liền một mạch báo tin cho con trai biết Ngọc Phụng đã mang thai. Thục Trinh đứng bên, đợi chồng viết xong tò mò hỏi:

_ Bộ mình sợ Ngọc Phụng thẹn thùng không dám viết báo tin cho chồng nó biết sao, mà phải viết thay cho nó?

_ Nó viết phần nó, mình phần mình. Mình còn phải viết nhiều chuyện khác nữa, đâu có phải chuyện vợ nó mang thai không đâu!

Đoạn, Quốc Trung ngước lên nhìn vợ bảo:

_ Tưởng mình cũng nên viết cho nó vài dòng...

_ Thôi, đừng bày vẽ! Chue6n gì chứ việc thư từ thì em dở ẹt đi hè! Làm sao em viết nổi những điều em nghĩ trong đầu óc?

Nói đến đây, mặt mày Thục Trinh đỏ ửng cả lên, thì thầm bên tai chồng:

_ Mỗi lần cầm bút em cảm thấy nặng nề còn hơn cả chiếc gàu tát nước... thà em đi đánh bột làm bánh há cẩu còn nhẹ nhàng hơn nhiều!

_ Cái gì mình cũng phải tập cho quen. Trước kia em cũng từng tập làm sổ sách cho vay mượn thóc đó sao!

_ Đó chỉ có mấy con số với vài chục tên người tá điền, chứ làm sao viết được chữ nghĩa văn hoa như anh được!

Quốc Trung cười bảo vợ:

_ Đấy, bây giờ em mới thấy việc anh cho Sùng Thực đi học cho đến nơi đến chốn là điều cần thiết.

_ Thì em đâu có hiểu nhiều bằng anh được! Nhưng mà, theo em thấy có ích thì có ích đó, nhưng đâu có cần phải đi học nhiều như "cục cưng"?! Trong huyện mình đây nè, có ai đi học như thằng Sùng Thực đâu, mà họ vẫn có thể giàu có, cũng làm ông xã, ông hương, cũng ruộng cò bay thẳng cánh vậy. Đâu có phải đợi học hành như thằng Sùng Thực? Bây giờ ông thử đi hỏi từ làng trên đến xóm dưới thử có ai đi học cái ngoại quốc không? Từ đời ông bà ông vải đến nay trong làng ta thử hỏi đã mấy ai biết đến ngoại quốc là cái gì? Như em đây nè, có con đi học ngoại quốc mà cũng chẳng biết nữa huống hồ là thiên hạ? Có nhiều cụ hương lý trong làng hỏi em cũng chẳng biết đường mò nữa huống hồ là mấy ông thôn, ông xóm...

Quốc Trung cười không đáp lại lời vợ. Thục Trinh sung sướng nhìn chồng, đoạn bỏ vào nhà trong, vừa đi vừa nói:

_ Không dông dài nữa, em cần đi tìm Ngọc Phụng bảo nó từ rày sắp sau không được làm công việc nặng nề nữa... đi đứng phải cẩn thận, tránh đừng bước qua dây buộc trâu... mà khốn...

Đợi vợ đi rồi, Quốc Trung lại tiếp tục viết cho con về niềm vui của mọi người trong gia đình. Có thể nói là Ngọc Phụng hiện nay là người hạnh phúc nhất trong đời. Chẳng những cha chồng lo lắng, bàn thảo cùng vợ sắp đặt mọi việc cho ngày sinh nở của con dâu, từng ly từng tí. Còn Sùng Thực từ khi nhận được tin, từ ngoại quốc cứ ba ngày một là có thư về thăm hỏi đủ điều... Thư nào Sùng Thực cùng bày tỏ nỗi bồn chồn nôn nóng của mình: "...Em ơi! ước gì anh có cánh sẽ bay ngay về sống bên cạnh em để săn sóc em, chờ ngày em khai hoa nở nhị..." Còn Ngọc Phụng, nhiều đêm nằm nghĩ đến tình thương của cha mẹ hai bên và nhất là các lời lẽ trong thư của chồng khiến nàng xúc động dến chảy nước mắt.

Nhờ Ngọc Phụng có mang, nên Thục Trinh cũng nguôi ngoai vơi bớt đi sự thương nhớ con, tất cả thì giờ đều dồn cho đứa bé còn nằm trong bụng mẹ nó.

_ Ngọc Phụng nè! Con phải cố gắng ăn cho nhiều nhiều một chút, Con nhớ là mình có mạnh cái thai mới có sức khỏe...

 * * *

Kể từ ngày Ngọc Phụng sinh ra cho vợ chồng Quốc Trung có chút cháu nội trai, họ không còn gọi nhau như thời son trẻ nữa. Lời lẽ gọi nhau thay cho đứa cháu cưng của mình bằng danh xưng "ông nội hay bà nội nó"... Lúc đầu còn gượng gạo nhưng sau dần quen đi và cả hai sẵn sàng gọi nhau như vậy.

Nhận được thư cấp tốc của cha báo tin, Sùng Thực lại càng gửi thư về thăm hỏi gần như ngày một. Riết rồi chính Quốc Trung cũng thắc mắc trong lòng không hiểu Sùng Thực đã viết gì trong đó mà mãi không dứt được?!

Lúc bây giờ ở nông thôn gặp hồi bất an, trộm cướp bắt đầu nổi hoành hành, cướp bóc. Những nhà giàu có không khỏi lo lắng, lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Để tìm lấy sự an toàn giữa thời buổi nhiễu nhương này, Quốc Trung giải thích mãi với vợ mới mang bán được tất cả số đất đai còn lại, dọn nhà ra chợ huyện xoay qua nghề buôn bán...

Tuy đã bán xong tất cả ruộng đất, Thục Trinh vẫn còn tiếc rẻ hỏi chồng:

_ Ruộng đất đã bán sạch cả rồi, giờ chúng mình làm ăn gì đây? Mình đâu biết cái gì mà mua với bán?

_ Không biết thì học. Có khó gì đâu? Đồng tiền là thấy kia mà! Người xưa bảo vậy.

Chẳng phải riêng Thục Trinh nôn nóng, mà cả Quốc Trung cũng xót xa không ít. Chàng cũng thừa biết "tọa thực sơn băng". Sùng Thực hiện còn phải ở lại ngoại quốc, cần phải có tiền để tiếp tục gửi sang cho nó trả học phí, nơi ăn chốn ở hàng năm...

Sau một thời gian đắn đo, Quốc Trung quyết định mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ và sang ngay cửa hàng có sẵn từ lâu ngay chợ, khỏi phải sửa sang, hay tìm kiếm làm quen với khách hàng... Quốc Trung phân công cho Thục Trinh và Ngọc Phụng lo chăm sóc "Cục Cưng" cũng như lo việc cơm nước...Thỉnh thoảng rảnh rổi, Thục Trinh hoặc con dâu lên tiếp tay việc buôn bán...

Cửa hàng tương đối đắt địa, nên Quốc Trung phải thuê người làm với mình. Người được thuê mướn là Kim Đại Minh. Thuở nhỏ họ Kim không được may mắn đến trường nên chỉ biết tính nhẩm với khách hàng. Bảm chất họ Kim thật thà nên Quốc Trung đặt cả lòng tin cậy. Nhờ buôn bán thịnh vượng, nên Quốc Trung hàng năm dư dũ tiền

bạc gủi sang cho con trai ăn học.

Mỗi lần mang tiền đi gửi, Thục Trinh lại sực nhớ đến con, bà lại rầu rĩ than thở:

_ Ôi! Học mãi, học hoài... chẳng biết bao giờ chữ nghĩa xuống tận hai bàn chân cho đụng được đất đây?

Quốc Trung cười:

_ Đừng có lo, bà nội "Cục Cưng" ơi! Chừng vài năm nữa thôi... lâu la gì đâu!

_ Hả? Ông nội nó nói gì? Hai năm nữa?

_ Ờ! Thì hai năm nữa, có là bao?

Thục Trinh trầm ngâm trong giâu lâu đoạn nói với chồng:

_ Ở xứ người, chắc con mình đói khổ lắm! Lần sau nhớ gửi cho nó nhiều nhiều một chút. Mình ở nhà ráng mà tiết kiệm thêm một chút cũng chẳng sao!

_ Đó, bà nội nó lộn xộn lắm...Ăn nói không đầu không đuôi. Bà thường bảo học mãi tốn tiền, tốn bạc, bây giờ lại thêm lo nó đói khổ!

Thục Trinh cười hôn cháu:

_ Thì tôi hay có tật nghe sao nói vậy...bây giờ tôi đã luống tuổi rồi... quên trước quên sau...

Từ ngày có đứa cháu nội, vợ chồng Quốc Trung hầu như bận rộn suốt ngày. Thục Trinh vừa lo chuyện bếp núc vừa giúp đỡ cho con dâu săn sóc đứa bé.

(còn nữa)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002