Đại Chúng số 78 - phát hành ngày 15/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NỖI  OAN KHUẤT CỦA VE SẦU

Phong Thu

Viết cho Doulag và hai con

_ Mẹ ơi! Con gì nó kêu suốt ngày trên những hàng cây sau vườn vậy mẹ - Bé Đậu Phụng ngước đôi mắt đen, to, trong veo nhìn tôi dò hỏi.  Tôi mở tung hai cánh cửa sổ để những cơn gió nóng ấm từ ngoài vườn ùa vào nhà. Trên những hàng cây cao vút, tôi nghe rõ tiếng ve ngân nga một điệp khúc buồn muôn thuở.  Ở đây hay ở Việt Nam, đối với tôi tiếng ve không có gì khác biệt.  Âm thanh trầm buồn, đôi lúc rộn rã giữa buổi trưa hè hay mỗi buổi hoàng hôn điều gợi cho tôi những kỷ niệm êm đềm của thuở học trò không bao giờ tìm lại được. Tôi hôn lên má bé đáp:

_ Đó là những chú ve sầu đó con.  Cứ hàng năm khi mùa hè về là ve sầu xuất hiện.  Chúng ca hát suốt ngày và khi mùa hè trôi qua thì chúng chết rũ trên những bụi cây, ngọn cỏ và trên những vòm lá của những ngọn cây cao.

_ Vậy là ve sầu đi về trời hở Mẹ?

_ Ừ! Ve sầu về trời vào những ngày cuối hạ. Và năm sau, đúng mùa hạ, chúng lại tái sinh.

Bé Đậu Xanh ôm ngang hông tôi nói líu lo:

_ Có phải cái con mình xanh đen, có những sợi lông li ti, đôi cánh to, đôi mắt bự xanh biếc phải không mẹ?

Tôi nâng bé Đậu Xanh lên, xoa đôi má bầu bỉnh của bé và trả lời:

_ Con nhớ dai lắm! Năm ngoái, khi mình về New York, mẹ dẫn hai con đi dọc theo con đường trồng đầy cây xanh.  Mẹ con mình lượm những trái thông rơi và thấy nhiều chú ve bị rơi xuống đất.  Chúng ta đã đem những chú ve nầy về nhà bà nội và đặt chúng lên những nhánh cây trong vườn.

Bé Đậu Phụng reo lên:

_ À! Con nhớ.  Nhưng tại sao bà nội có vẻ không thích mấy chú ve sầu hở mẹ?

_ Không phải chỉ có bà nội không thích mấy chú ve mà ngay cả ba con cũng không thích chúng.  Nói đúng hơn người Mỹ không thích ve.  Có lần mẹ nghe cô giáo của mẹ trong trường Montgomery Colegle nói rằng năm nào có ve nhiều là cô ấy sợ lắm.  Riêng đối với mẹ, mỗi năm hè về khi nghe tiếng ve kêu, mẹ nhớ quê hương ghê lắm! Mẹ có nhiều câu chuyện cổ tích về những chú ve sầu.

Hai đứa con bé bỏng ngước mắt nhìn tôi hết sức ngây thơ.  Bé Đậu Xanh chu miệng lại tròn như quả bóng nhỏ và hôn khắp mặt mũi tôi.  Bé Đậu Phụng thì ôm cổ tôi nũng nịu:

_ Mẹ à! Mẹ kể cho con nghe nhé!

_ Chiều nay mẹ sẽ kể cho hai con nghe.

_ Mẹ vẽ hình cho con nữa nha!

Tôi mỉm cười gật đầu. Đôi mắt Đậu Phụng sáng lên, nó nhảy tưng tưng vui thích.  Bé Đậu Xanh vạch tóc tôi ra thì thầm bên tai:

_ Mẹ nhớ làm cho con một cái hộp để con đựng ve và đôm đốm đèn.

_ Hai con phải làm bài tập cho xong trước.  Chiều mẹ hứa sẽ kể chuyện con Ve cho nghe.

Tiếng reo của hai đứa vang lên khắp nhà.  Bé Đậu Phụng ngồi vào bàn, mở máy điện toán chuẩn bị chơi và học những chương trình ráp chữ mới.  Bé Đậu Xanh lấy ra hộp chì màu và quyển sánh "Preschool" tôi mua cho bé trong ngày sinh nhật mừng bé lên bốn.  Bé Đậu Xanh cố gắng lựa màu và tô đúng với yêu cầu trong sách.  Tôi lo dọn dẹp nhà cửa, lau bếp, lau sàn nhà rồi chuẩn bị giặt giũ quần áo. 

Mỗi ngày tôi thức dậy từ sáu giờ sáng. Tôi lo chuẩn bị điểm tâm và thức ăn cho chúng đến trường, sau đó tôi đi làm đên bốn giờ chiều mới trở về nhà.  Mùa đông hoặc những ngày mưa lạnh lẽo không ra ngoài được thì mẹ con ngồi xem tivi, đọc sách báo, vẽ tranh. Mùa hè, mỗi chiều tôi chuẩn bị đưa hai con ra công viên chơi. Chúng chơi cầu tuột, xích đu, leo cầu thang, chạy đuổi nhau trên những con đường dài, ngoằn ngoèo và hẹp.  Buổi chiều công viên rất đông.  Phần lớn cha mẹ hay đưa con ra đây chơi và họ có dịp gặp nhau trò chuyện.  Hai con tôi rất nhạy cảm. Chúng làm quen với tất cả những đứa trẻ mới quen và chúng trở nên thân thiện rất nhanh.  Tôi cũng có dịp nói chuyện với nhiều người và biết được họ là những người từ nhiều quốc gia đến đây sinh sống.  Đất nước Mỹ luôn mở rộng vòng tay chào đón tất cả những người cùng khổ, bất hạnh và đất nước nầy như một người mẹ bao dung, quản đại đã trao cho mọi người chén cơm manh áo.

Cạnh công viên là một con suối nhỏ chạy ngang.  Con suối nầy hẹp và chạy dài từ công viên Crip cho đến cuối con đường "?".  Doulag và hai con tôi rất mê dòng suối  nầy.  Nước suối trong vắt chảy len lõi qua các khe đá xanh to lớn nằm ngang dọc dưới mặt nước.  Dọc hai bên bờ suối, người ta kê những tảng đá xanh to, nặng nề để chống đở sự xói mòn và sụp lở của hai bên bờ suối mỗi độ mưa về.  Những hàng cây xanh, cao lớn rũ bóng xuống dòng suối trong rất thơ mộng.  Hai con tôi thích mang giầy cao ống để có thể lội xuống suối lượm những viên sỏi trắng. Chúng có thể lấy tay vớt mấy chú cá nhỏ đang bơi lội tung tăng.  Hai đứa cũng thích ném đá xuống dòng suối để nước bắn lên trời tung toé và nhảy tung tăng từ hòn đá nầy sang hòn đá khác.  Tôi thường ngồi im lặng hàng giờ nơi đây đọc sách, hoặc nhìn ánh nắng chiều rơi xuyên qua khe lá.  Hoàng hôn nơi đây êm ả và thơ mộng.  Thỉnh thoảng, chúng tôi ngắm những đàn chim đủ màu xoãi cánh trên mặt nước hay vài đôi vịt trời bay về đây kiếm mồi. 

Khi mẹ con tôi về nhà, ánh nắng chiều đã tắt.  Bầu trời xa xa khói lam một màu vàng óng ả như  mật.  Lá trong vườn xôn xao rũ xuống như lim dim ngủ.  Những luống hoa Fier Patien, Lily, và những khóm hoa hồng hình như đang thì thầm lời tạm biệt với ánh mặt trời.  Tôi chuẩn bị tắm rửa cho hai con, nấu nướng, ăn tối và bắt đầu dạy cho chúng học. 

Những ngày nghĩ  cuối tuần, tôi đi thích chợ với hai con. Tôi mang chúng đi theo khắp mọi nơi dù đôi lúc chúng làm tôi bận rộn.  Tôi ở nhà quá ít, khoảng thời gian từ bốn giờ cho đến tối chỉ có bốn, năm tiếng đồng hồ. Tôi không có đủ thời gian chăm sóc hai con. Chính vì vậy mà mẹ con tôi thường quấn quít bên nhau.  Bé Đậu Phụng đã lên bảy.  Nó lớn nhanh như thổi, hai cái má lún đồng tiền mỗi khi cười sao mà giống chồng tôi như đúc.  Vòng tay tôi ôm nó đã mở rộng ra.  Hai cái chân cao lêu nghêu của nó chạy nhảy nhanh như sóc.  Đậu Phụng dễ xúc động, giàu tình cảm và ham có bạn bè.  Bảy tuổi đầu mà còn mê ngủ chung với mẹ.  Bé Đậu Xanh năm nay lên bốn, khuôn mặt thon nhỏ và cái miệng tía lia, khỉ khọt và hay chọc phá người khác.  Tình tình gan lì, không cần phải có bạn bè.  Nó thích chơi một mình khi cần và không cằn nhằn khi tôi bảo nó phải chấm dứt trò chơi để về nhà.  Những cái xích đu cao dành cho những đứa trẻ lớn tuổi, nó lại khoái ngồi và đánh hai chân thật mạnh.  Chiếc xích đu bay lên rất cao và nhanh.  Tôi sợ nó té nhưng nó lại khoái chí cười khanh khách.  Tôi hay nói đùa với chồng tôi rằng ước gì tôi có thể cột thời gian lại, để hai con cứ bé bỏng mãi trong vòng tay của tôi.  Có nhiều đêm bé Đậu Xanh van xin:

_ Mẹ ơi! Mẹ cho con ngủ chung với mẹ một đêm nhé!

Tôi xoa lưng nó cười:

_ Con có cái giường rất đẹp.  Ngủ với mẹ thì ai ngủ ở đó?

_ Con chỉ xin nằm với mẹ mười phút thôi - Nó đưa bàn tay nhỏ xíu ra trước mặt tôi năn nỉ.

_ Thôi được.  Nhưng nhớ là mẹ bận lắm.  Tối mẹ phải làm việc tiếp.

Bé Đậu Xanh la lên một tiếng vui mừng và biến nhanh dưới cầu thang.  Đâu phải đêm đó yên với bé Đậu Phụng.  Nó biết Đậu Xanh được nằm với mẹ là nó đòi được ngủ chung luôn.  Hai đứa rút đầu vào ngực, vai, nách và buộc tôi phải ôm chúng.  Tôi đành phải nằm giữa để không phải nghe lời cằn nhằn của hai nhóc bảo rằng tôi thương đứa nầy hơn đứa kia.  Tôi nghe hai đứa rúc rích cười, bi bô nói đủ thứ rồi chúng vô tư ngủ vùi.  Hai thân thể bé bỏng, ấm áp, thơm mùi cỏ dại hoà lẫn nước suối áp trên người tôi.  Tôi có cảm giác thương yêu chúng vô ngần. 

Chiều xuống nhanh, trong vườn đầy tiếng ve kêu.  Từng ngọn gió đùa vui trên cỏ lá.  Tôi dẫn hai con ra vườn và trãi một chiếc ghế dài ra nằm nghĩ lưng. Bé Đậu Phụng và Đậu Xanh đủng đỉnh theo sau.  Cả hai chen lấn nằm hai bên hông tôi. Bé Đậu Phụng thỏ thẻ:

_ Mẹ có nghe tiếng ve kêu không?

_ Mẹ nghe.

_ Mẹ kể chuyện con ve đi mẹ.

Tôi choàng tay ôm hôn lên tóc từng đứa và bắt đầu phịa ra câu chuyện "Nỗi Oan Khuất Của Ve Sầu"....

* * *

Chuyện kể rằng.....

....Có một hòn cù lao mọc lên giữa biển khơi xa tít, mắt người không thể nào nhìn thấy rõ.  Nếu chúng ta có kính viễn vọng đặc biệt, chúng ta có thể thấy hòn cù lao xinh đẹp kia như một ốc đảo xanh tươi, xinh đẹp, quả ngọt trĩu cành.  Nơi đây muôn thú sống bình yên, hiền hoà và thân thiện.  Trên cù lao có một dòng nước chảy ra từ khe đá tiếp nối một ngọn đồi dốc thoai thoải.  Dòng nước nầy đã tụ lại thành một dòng suối trong vắt, ngọt ngào nằm dưới gốc Thông già.  Chim chóc, thú rừng thường về đây hội tụ.  Chúng nhảy nhót, ca hát suốt ngày và nằm lăn trên cỏ xanh ngủ ngon lành.

Mùa hè trở về, những cánh hoa rừng đủ màu nở khắp mặt đất.   Thú rừng kéo về cù lao ngày càng đông. Một chú Ve Sầu lạc đàn bay về đậu trên ngọn Thông già.  Nó thường cất tiếng hát ngân vang những khúc nhạc lúc rộn ràng, lúc buồn man mác.  Các loài thú không thích nghe tiếng hát của Ve Sầu.  Chúng bàn tán xôn xao.  Chú Nai Vàng phàn nàn:

_ Cái con nầy không biết thẹn.  Mình lo đi kiếm ăn suốt ngày, còn nó cứ ngồi đó hát hết ngày nầy qua ngày khác điếc cả tai.

_ Tao không ưa cái giọng rè rè của nó.  Hát chẳng có hay ho gì cả - Cáo đen cau mày.

Sóc hậm hực:

_ Nó làm tao nhức cả đầu.

Khỉ đột càu nhàu:

_ Mỗi lần tao muốn ngủ trưa một lúc đâu có được.  Nó nỉ non, rên rỉ cả ngày y như có ai chết chưa chôn.

Ve Sầu buồn lắm. Nó muốn bay đi tìm đàn nhưng nó lại thương bác Thông già.  Cây Thông già không ai bầu bạn, ông mọc chênh vênh giữa ghềnh đá và dòng suối nhỏ uốn quanh.  Từ ngày Ve Sầu đến đây, ông cảm thấy trái tim mình ấm lại.  Những bản nhạc không lời, du dương cất lên từ người bạn bé nhỏ làm cho cuộc sống ông vui tươi hơn.  Và có lẻ, chỉ có ông là người duy nhất hiểu được số phận của Ve Sầu. Ông thường an ủi:

_ Đừng buồn cháu.  Sống ở đời có một người hiểu mình là đủ.

_Cảm ơn lời an ủi của bác. Nhưng cháu chịu không nỗi những lời chửi bới.

_ Mình phải sống nhẩn nhục cháu ạ!  Cháu là người khách lạ mới đến đây lần đầu nên họ chưa chấp nhận cháu là thành viên trong đại gia đình của họ.  Rồi thời gian sẽ quen đi.

Lời khuyên chí tình của bác Thông già đã giữ chân Ve Sầu ở lại.  Nó thường lủi trốn trong đám lá rậm rạp chờ khi vắng vẻ mới cất tiếng hát vang lừng.

Thời tiết thay đổi đột ngột.  Lá rừng thay nhau rụng vàng mặt đất. Các loài chim xao xác gọi nhau báo hiệu điềm dữ sẽ xảy đến. Những cơn gió hanh khô từ biển khơi thổi vào đất liền, cây cỏ trên cù lao xơ xác.  Dòng nước từ trên ngọn đồi thoai thoải bổng nhiên ngừng chảy.  Dòng suối nhỏ chạy quanh gốc Thông già từ từ khô cạn. Chú Khỉ bắt đầu lo sợ than van:

_ Không có nước chắc chết.  Xung quanh là biển, biết nơi nào có nguồn nước ngọt.

Sóc con ngồi khóc thút thít.  Suốt đêm nó không chịu ngủ và đòi uống nước.  Sóc mẹ phải dỗ dành:

_ Ngủ đi con của mẹ.  Ngày mai các chú chim sẽ tìm ra nguồn nước.

Sóc con khóc lớn hơn:

_ Con muốn uống bây giờ.  Con khát quá!

Sóc mẹ nhai lá cây vắt nước mớm cho con. Sóc con thiu thỉu ngủ.  Chót vót trên ngọn cây Si cao, từng đàn Kiến bò chậm chạp.  Chúng rối loạn cả hàng ngũ vì lo lắng. Cáo bò ra khỏi hang, chấp tay sau lưng đi ra đi vô, chốc chốc lại thở hắc ra. Nai, Mễn, ngơ ngẩn nhìn nhau ái ngại. Cọp, Sư Tử, Voi, Hà Mã, Gấu thỉnh thoảng dậm chân thình thịch trên những vùng đất xốp để hy vọng tìm ra nguồn nước mới.  Ve Sầu không dám hát, những tầng số trong người nó cứ rung lên làm cho cơ thể nó rất khó chịu,  nhưng nó nằm im cố gắng chịu đựng.  Đối với Ve Sầu, nhựa cây là lẻ sống của nó.  Dù hạn hán nó vẫn ung dung sống cho trọn kiếp đời ngắn ngủi, nhưng nhìn mọi người đói khát lòng nó không yên.  Ve Sầu thầm nghĩ: "Mình biết một mạch nước ngầm nằm trong khe đá cách đây không xa.  Nếu họ chịu khó đến đó cùng nhau đào bới thì mai ra sẽ tìm ra nguồn nước".  Nghĩ xong Ve Sầu chui ra khỏi đám lá cất giọng nói:

_ Các bạn ơi! Tôi biết cách đây một dặm đường có một dòng suối ngầm. 

Các loài thú đồng thanh hỏi:

_ Mầy biết thì nói cho tụi tao nghe thử xem.

_ Tôi có đến đó một lần trước khi bay lạc vào đây. Dòng suối nầy được che phủ bởi một cây cổ thụ rất cao lớn. Các bạn hãy đến đó và cùng nhau đào vách đá ra.  Tôi tin dòng nước đó không bao giờ khô cạn.

Bầy thú rừng ngờ vực nhìn nhau.  Anh voi uốn éo cái vòi to lớn gần như đe doạ:

_ Mầy đừng có lừa tụi tao nhé! Nếu không có thật thì đừng trách Voi nầy vô tình.

Ve Sầu không buồn hay giận hờn câu nói xấc xược của Voi, nó giục mọi người:

_ Các bạn đi sớm cho kịp.

Các loài thú kéo nhau lũ lượt lên đường.  Chỉ còn lại loài kiến ôm nhau khóc tỉ tê:

_ Ôi ! Làm sao chúng tôi có thể đi đến đó?

Cáo tức giận quát to:

_ Tụi bây là lủ ăn hại.  Theo tụi tao làm chi cho vướng chân.  Có khiêng đá nỗi không mà đòi đi.  Ở đây chịu chết cho rồi.

Cáo nói xong cong đuôi chạy mất. Kiến Vàng ngước mắt nhìn trời nước mắt lưng tròng.  Kiến Hôi, Kiến Đen bò ra, bò vô khóc than thảm thiết. Ve Sầu cầm lòng không được nên nói:

_ Các bạn yên tâm.  Tôi sẽ giúp các bạn có nước uống - Nói xong Ve Sầu cất tiếng gọi - Bác Thông ơi! Bác cho cháu xin một ít nước nhựa cây nhé!

Bác thông ngạc nhiên hỏi:

_ Để làm gì đó cháu?

_ Cháu muốn cứu các bạn Kiến có nước uống.

_ Thôi được.  Bác cũng cần trử nước cho qua cơn hạn hán, nhưng nay vì cứu sinh linh mà bác phải chia xẻ với họ.  Cháu cứ tự nhiên. Cháu làm cách nào lấy nước?

_ Bác đừng lo. Cháu sẽ khoan lổ trên người bác.  Bác chịu đau một chút thôi.

_ Cháu nên tìm nơi nào vỏ cây mềm và xốp thì nước mới nhiều.

Ve Sầu cảm ơn bác Thông già.  Nó xếp đôi cánh thật gọn, dùng đôi chân dò thám tìm nơi có nhựa cây nhiều nhất và bám chặt vào thân cây.  Ve Sầu nhấc thân mình lên một chút và cắm chặt chiếc vòi cứng, sắc, nhọn vào thân cây.  Những dòng nhựa li ti bắn ra từ miệng Ve Sầu.  Đàn Kiến bu quanh.  Chúng không còn nghĩ đến người khoan giếng tìm ra nguồn nước.  Kiến Vàng leo lên đầu Ve Sầu, Kiến Hôi chui xuống bụng, Kiến Kim đu theo vòi.  Kiến Đen táo bạo hơn đã lôi cả vòi của Ve Sầu lên và kê miệng vào uống.  Ve Sầu đau nhức cả người.  Sức nặng của hàng ngàn con Kiến đã làm cho nó nghẹt thở.  Nó cố gắng la lên:

_ Các bạn phải giữ trật tự.  Làm như vậy những bạn yếu sức không thể uống được.

Khi đàn Kiến đã no nê thì Ve Sầu đã nằm bẹp không nhúc nhích.  Nó cố gắng mở mắt ra nhìn khi bên tai vang lên tiếng chim Sâu kêu thất thanh:

_ Anh Ve ơi! Chúng tôi đến đó mà không thể nào tìm ra mạch nước.  Bạn có giúp được gì không?

Ve Sầu tuy con mệt nhưng cũng trấn an:

_ Tôi sẽ đi với bạn.  Nhưng bây giờ tôi đã quá mệt.

Chim Sâu sốt sắng:

_ Tôi sẽ cõng bạn đi.

Chim Sâu và Ve Sầu từ giả bác Thông và đàn Kiến bay đi mất dạng.  Khi cả hai đến nơi, thú rừng đang ngơ ngác, thất vọng và buồn rầu.  Ve Sầu đứng trên lưng Chim Sâu, cất giọng trấn an:

_ Anh Voi phải nhổ một cái cây làm đòn bẫy.  Cọp, Beo, Gấu, cố gắng đào cái rễ bên trái cây cổ thụ lên. Các bạn còn lại lăn những hòn đá nhỏ xuống cái hố gần bên.  Sau đó, anh Voi đút cái cây xuống tảng đá xanh lớn nhất và mọi người dùng lực đẩy hòn đá sang môt bên.  Cứ tin tôi, dòng nước ngầm sẽ chảy ra.

Tất cả các loài thú quên cả đói khát.  Chúng ca hát, hò reo vang trời để lấy lại dũng khí.  Chúng cố gắng trong nhiều giớ mà hòn đá vẫn trơ trơ, nặng ngàn cân.  Nắng như đổ lửa xuống rát bỏng cả da thịt.  Bầy thú bắt đầu mọi mệt.  Chúng thở hào hển và nản chí.  Ve Sầu thúc giục và cất tiếng hát vang:

Một cây làm chẳng nên non*

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao**

Cho dù mưa nắng, gian lao

Chí không nhục chí, kiên gan vững bền

Mưa tuôn, gió bão, sấm rền

Lòng ta vẫn vững hiên ngang với trời

Mai sau còn chút tàn hơi.

Sống cho trọn kiếp làm người bạn ơi!

Lời ca như  tăng thêm sức mạnh cho mọi người.  Đàn thú phấn chấn hẳn lên. Cọp gầm dữ dội và thu hết toàn lực dồn vào đôi tay rắn chắc.  Sư Tử không chịu thua, nó gồng mình lại và cố sức vươn người về phía trước.  Tất cả hò reo theo tiếng hát của Ve Sầu. Hòn đá to lớn đã bật tung.  Một dòng nước trắng xoá bắn lên trời cao và toả ra như một ngọn pháo bông rơi xuống mặt đất.  Đàn thú rừng reo vang, chúng nhảy nhót, ngửa mặt lên trời hứng lấy từng giọt nước.  Khi mọi người nhìn lại thì Ve Sầu đã biến mất từ lâu.

Mùa hè trôi qua thật nhanh, thỉnh thoảng có những cơn mưa làm mặt đất bớt khô cằn.  Dòng suối nhỏ đã róc rách chảy.  Thú rừng đã trở lại cuộc sống bình thường nhưng ai cũng kinh hoàng khi nhớ lại trận hạn hán bất ngờ vừa qua. Mùa thu dịu dàng trãi gót ngọc dừng chân bên cù lao.  Những chùm hoa cúc dại nở hoa vàng mặt đất hoà lẩn với những ngọn cỏ xanh mướt trãi dài xa tận biển khơi. Nai thơ thẩn gậm cỏ rồi bất chợt hỏi chim Sơn Tước:

_ Tôi mong gặp lại Ve Sầu.  Không hiểu vì sao từ hôm đó Ve Sầu đi biệt tăm.

Khỉ nhăn mặt như ăn phải ớt hiểm:

_ Bộ mầy nhớ nó lắm hả?

Chim Sơn Tước khó chịu trả lời:

_ Mầy là kẻ vô ơn.  Không có Ve Sầu mầy đã chết khô.

_ Ơn với nghĩa. Hứ! Kẻ nào biết thì chỉ cho kẻ khác. Nước là của trời cho.  Không có thằng nào làm ra được đâu là phải mang ơn - Cáo xen vô.

Chim Sâu quẹt mỏ trên một cọng rơm khô, xía vô nói:

_ Vậy mầy có giúp đàn Kiến không hay mầy mắng chúng nó là đồ vô dụng.

Cuộc tranh cãi bị cắt ngang. Đàn Kiến xếp hàng ngay ngắn.  Chúng kiêng Ve Sầu từ trên ngọn cây bác Thông già xuống đất.  Chúng đi thật im lặng.  Không khí khác thường làm Sóc ngạc nhiên.

_ Có chuyện gì vậy? Mới nhắc Ve Sầu là nó có mặt ngay.  Tụi bây định mang nó đi đâu đó? Mọi người đang tìm nó đây.

Kiến Vàng sụt sịt khóc:

_ Chúng tôi làm đám tang cho Ve Sầu.

Các loài thú đồng thanh kêu lên:

_ Cái gì?  Ve Sầu chết rồi ư?

Bác Thông già buồn rầu đáp:

_ Suốt mấy tuần hạn hán, Ve Sầu đã vắt kiệt những giọt nước cuối cùng trong người để nuôi sống hàng vạn đàn Kiến.

Nai rươm rướm nước mắt.  Khỉ tỏ dấu hối hận. Cáo xấu hổ quay mặt đi nơi khác. Chim Sơn Tước bật lên tiếng khóc. Bác Thông già thở dài:

_ Lúc nó còn sống các cháu không hiểu và thông cảm nó. Các cháu xa lánh Ve Sầu.  Đất trời sinh ra muôn loài, chúng ta tất cả như nhau.  Không ai là thượng đẳng và không có ai là hạ cấp.  Chỉ có tấm lòng và trái tim mới biết được ai cao quí. Các cháu đừng buồn.  Ta đứng đây gần một trăm năm, ta hiểu cuộc sống của muôn loài mà Thượng Đế đã ban cho.  Ve Sầu sống rất ngắn ngủi.  Nó chỉ sống ba tháng hè rồi sẽ về với cỏ cây, hoa lá.  Chính vì vậy mà nó thường tự khóc than cho thân phận ngắn ngủi của mình.

_ Hãy tha thứ cho tôi - Nai quì bên xác Ve Sầu khấn nguyện.

Khỉ chấp hai tay trước ngực, mặt buồn so:

_ Tôi thật có lỗi với bạn.

Cáo run rẩy hái nhanh những chùm cúc dại đặt lên đầu Ve Sầu, nước mắt rưng rưng :

_ Chúc bạn yên giấc ngàn thu.

Voi lặng lẽ đào huyệt. Sư Tử, Cọp, Beo Gấu đốn cây làm một cái giường nho nhỏ.  Chúng đặt Ve Sầu lên và khiêng đi quanh dòng suối.  Nắng sớm rung rinh trên mặt nước một màu trắng bạc. Đôi mắt Ve Sầu vẫn mở to như thu cả bầu trời. Khuôn mặt nó bình thản, vô tư và đôi cánh mỏng manh xếp lại bên tấm thân trong suốt.

Nỗi oan khuất của Ve Sầu không biết bao giờ mới xoá được...

* * *

... Câu chuyện chấm dứt từ lâu mà hai con tôi vẫn mở mắt nhìn tôi chờ đợi.  Một lúc sau, bé Đậu Phụng mới hỏi:

_ Mẹ ơi! Ve Sầu chết tội nghiệp quá mẹ nhỉ!

_ Con không thích Ve Sầu chết đâu - Bé Đậu Xanh đưa một ngón tay trỏ lên miệng nói khẻ.  Tôi luồng tay ôm quanh bụng nó và giải thích:

_ Khi còn bé mẹ còn nhớ bài thơ ngụ ngôn "La Cigale Et La Fourmi" của La Fontaine.  Bài thơ nầy nói về một con Ve lười biếng, chỉ ca hát suốt mùa hè mà không biết lo xa. Sau nầy lớn lên, mẹ mới hiểu vì sao nhà thơ La Fontain viết bài thơ đó.  Mẹ kể câu chuyện " Nỗi Oan Khuất Của Ve Sầu" để các con hiểu thêm một chút về loài ve.  Trong những ngày nắng hạ như  thiêu, như đốt, nếu các con chú ý, các con sẽ thấy những chú kiến thường bò theo mấy chú ve để xin nước uống. 

Bé Đậu Phụng nũng nịu:

_ Mẹ còn thiếu con một món nợ.

Tôi phì cười:

_ Biết rồi cô bé cưng.  Bây giờ hai con chuẩn bị đi ngủ.  Sáng mai thức dậy, con sẽ thấy một bức tranh vẽ chú Ve Sầu.

Cô bé nhẻo miệng cười.  Cái lún đồng tiền trên má làm cho nó thêm xinh xắn.  Bé Đậu Xanh kèo nèo:

_ Còn con nữa chi.

_ Mẹ cũng sẽ tìm bắt cho con một con đôm đốm đèn.  Sáng mai con sẽ thấy nó được đặt trên bàn học, cạnh cây hoa Phong Lan tím. Và mẹ hứa sẽ kể cho con nghe chuyện "Đôm Đốm Đèn Và Con Muỗi".

Bé Đậu Xanh hôn lên má, lên mắt và khắp mặt mũi tôi.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, chồng tôi đọc sách cho hai con độ ba mươi phút. Sau đó, cả hai hôn khắp mặt mũi tôi nói: "Chúc mẹ ngủ ngon".  Tôi ôm hôn hai con thật nồng nàn. gia đình là một tổ ấm hạnh phúc, bình yên, êm đềm mà tôi thường cầu nguyện, mang ơn Thượng Đế đã ban cho tôi một người chồng hiền hậu và hai đứa con ngoan. Mười giờ đêm tôi bắt đầu lật lại những quyển sách củ để tìm hình một chú Ve Sầu.  Tìm mãi không gặp, cuối cùng tôi thấy một bức tranh vẻ chú Ve Sầu lẻ loi, đang đậu trên một nhánh hoa phượng vĩ mà một người bạn hoạsĩ từ Việt Nam vẻ tặng khi quyển sách thiếu nhi đầu tiên của tôi xuất bản năm 1990 tại quê nhà.  Tôi đọc lại dòng lưu niệm, để nhớ lại quá khứ đã lùi xa và kỷ niệm vẫn còn chất chứa trong tiềm thức.  Tôi loay hoay vẽ lại bức tranh đó đến nữa đêm bằng bút chì đen. Tôi cũng không quên ra vườn bắt một chú đôm đốm đèn bỏ vào một cái chun bằng thuỷ tinh và khoé léo bịt cái chun lại bằng một miếng giấy bồi có đục ba lổ nhỏ. Tôi hy vọng nó không chết trước bình minh, để ngày mai tôi có thể nghe được tiếng cười như thuỷ tinh vỡ của bé Đậu Xanh và tiếng cười rộn ràng của bé Đậu Phụng khi thấy bức tranh cú Ve Sầu đã vẽ xong.

Lời hứa với hai con rất quan trọng đối với tôi.  Tôi luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để bé Đậu Phụng và Đậu Xanh được vui.  Tôi thường rời khỏi máy điện toán vào lúc một, hai giờ sáng.  Một ngày trôi qua nhanh quá.  Tôi rất quí thời gian và cảm thấy hối tiếc là mình chưa làm được điều gì trọn vẹn như lòng mình mong ước.  Tôi vào phòng hai con, ngắm chúng đang ngủ say và lòng tôi dâng lên một tình yêu thương vô bờ.  Tôi cúi xuống hôn lên trán, lên từng bàn chân của chúng.  Bàn chân đó ngày nào chập chửng bước đi những bước đầu tiên, giờ bàn chân đó đã lớn, chắc nịch những bước chân sáo đến trường.  Tôi có cảm giác mình già đi.  Tôi bất giác nhìn lại cuộc đời của mẹ tôi, của ba tôi, để thấy dòng chảy của thời gian là định mệnh mà Thượng Đế đã sắp đặt sẵn tự bao giờ. Và có phải thế gian sẽ mãi mãi luân chuyển trong khát vọng tìm kiếm yêu thương mà nhân thế thường không bao giờ chấp nhận hạnh phúc mình đang có trong tay?

Phong Thu

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002