Đại Chúng số 78 - phát hành ngày 15/7/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


TỪ SONG ĐẤU TRONG VÕ ĐƯỜNG ĐẾN CHIẾN ĐẤU TỰ VỆ NGOÀI PHỐ CÓ GÌ KHÁC NHAU? VÕ SINH TỚI TUỔI NÀO, CẤP NÀO CÓ THỂ BẮT ĐẦU THỰC TẬP CÔNG PHÁ?

  • MỘT BẤT NGỜ: SỰ THỬ THÁCH KHÓ KHĂN LẠI PHÁT XUẤT TỪ NGƯỜI V.N. TỊ NẠN!

Phỏng vấn của đặc phái viên TÂN DÂN

(kỳ 4, tiếp theo và hết)

TẬP VÕ ĐỂ KHỎI PHẢI DỤNG VÕ!

Trong con mắt tôi, từ giây phút đầu tiên mới gặp Đặng Kỳ Thụy, nếu tôi không nói chuyện với anh chắc chắn tôi không thể nào ngờ được anh là một võ sư Thái Cực Đạo đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Trông ngoại dạng của anh, với nét mặt sáng sủa, và mái tóc dầy, mượt thả chấm ngang vai, người ta có cảm tưởng anh là một mẫu người nghệ sĩ Á châu trẻ tuổi. Ngay cả trong câu chuyện về võ thuật, tôi nhận thấy anh cũng có một cái nhìn về võ thuật khác với nhiều quan niệm thông thường. Vì thế tôi đã không ngại công bố thêm những đối thoại có giá trị bổ ích rất thực tế cho mọi người, kể cả võ sinh và những ai không biết gì về võ thuật. Sau đây là cuộc phỏng vấn tiếp tục:

TD.- Tôi thường nghe người ta nói tập võ để tự vệ. Nhưng tôi nghĩ "tự vệ" trong nhiều trường hợp đã trở thành "tấn công"...Anh nghĩ sao?

KT.- Theo tôi, đó chỉ là cách dùng chữ của người đời, ta bàn đến lòng vòng mất nhiều thì giờ tranh cãi vô bổ lắm. Đối với tôi, là một người đã tập võ thuở nhỏ, lớn lên đã dạy võ nhiều năm, khắp nơi, có đủ hạng học trò thuộc nhiều sắc tộc khác nhau. Với chút kinh nghiệm bản thân ấy, tôi thiển nghĩ có thể đóng góp phần nào ý kiến với anh và độc giả báo Đại Chúng để tìm ra một lời giải đáp chính xác nhất cho câu hỏi: "Tập võ có phải để tự vệ không?".

Dĩ nhiên những ý kiến của tôi sau đây đều có tính cách chủ quan phần nào. Dù vậy, rất đáng kể vì nó phản ánh toàn bộ chủ trương và đường lối về võ thuật của gia đình tôi, từ ba tôi đến anh em tôi, và cho đến các võ sinh đã từng do gia đình tôi đào tạo nên.

Đúng như anh đã nói, người ta, ai cũng quan niệm tập võ để tự vệ. Điều này rất thông thường, không có gì sai quấy hết. Nhưng theo chủ trương của ba tôi, đã truyền cho các anh em tôi từ ngày còn nhỏ, nếu tập võ mà chỉ để tự vệ thôi thì tầm thường quá. Thiết tưởng chúng ta chẳng cần phải tập võ làm gì! Anh thử tưởng tượng coi, một võ sinh đã phải tốn rất nhiều tiền bạc (học phí, mua sắm dụng cụ, võ phục v.v...), nhiều công sức và thì giờ, thường là hàng mấy năm trời liên tiếp để luyện tập, mà chỉ để dùng vào cái việc gọi là "tự vệ", khi bỗng nhiên bị một kẻ lạ mặt tấn công vô lý cớ, thì còn gì đáng tiếc và đáng khinh cho bằng!

Ngoài ra, học võ trong võ đường (dojang) và đánh nhau để tự về ngoài đường phố là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Khác từ kỹ thuật giao đấu, đến hoàn cảnh, và mục đích cũng như hậu quả.

Tóm lại, quan niệm tập võ của chúng tôi có thể được minh định thực đơn giản và ngắn gọn trong câu tiêu ngôn là: "biết võ để tránh khỏi phải dùng võ!"

Trong cuộc sống ngoài đời, lắm khi chúng ta thường bị những kẻ ngu dại, bốc đồng, hay điên cuồng... khiêu khích, hoặïc hành hung hay đánh đập vô cớ. Nhưng chẳng phải vì thế mà ta vội vàng dụng võ để "tự vệ" ngay, hay còn gọi là: Để cho kẻ đáng thương kia một "bài học" nhớ đời, hầu lấy đó làm một thành tích vẻ vang, kiêu hãnh...Theo tôi hành động tự vệ như thế cũng rất nguy hiểm, không kém gì tấn công, nếu một khi lỡ tay gây ra thương tật trầm trọng hay án mạng. Chúng ta nên nhớ, ở các nước Tây phương này, luật pháp chỉ cho phép ta tự vệ để giải toả hiểm hoạ, chứ không cho phép ta đả thương nhân thương chí mạng rồi dùng 2 chữ "tự vệ" để bào chữa!

Mặt khác, tục ngữ ta có câu rất chí lý mà người tập võ nào cũng cần phải thuộc nằm lòng: "Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ." Câu này đặc biệt lưu ý chúng ta về hậu quả của một hành động sân si, nóng giận nhất thời. Người tập võ không nên để bị lôi cuốn vào hậu quả này!

Vậy, cách tốt nhất và cao thượng nhất là ngay từ đầu nên bình tĩnh tìm mọi cách, bằng lời nói ôn hòa, mềm mỏng để giải tỏa tình trạng gay cấn, khó khăn. Nhược bằng vẫn không thành công thì cũng chẳng bao giờ mượn cớ "tự vệ" để chấp nhận giao đấu ngay. Ta hãy cứ "chịu thua" cho qua cơn khó khăn. Theo tôi, hầu hết những vụ này- nếu không phải là những âm mưu thanh toán đã được xếp đặt sẵn - đều xảy ra trong những giây phút ngắn ngủi bốc đồng, rồ dại nhất của con người, xét ra chẳng có gì nguy hiểm, nếu ta tránh được, mọi sự tốt đẹp sẽ vãn hồi ngay.

Nói như thế là tôi đã nghĩ đến lời ba tôi dạy anh em tôi, từ ngày mới tập võ: "Nghệ thuật sống an lành là không bao giờ dùng đến võ thuật!"

 

GIAO ĐẤU TRONG VÕ ĐƯỜNG KHÁC VỚI ĐÁNH NHAU NGOÀI PHỐ.

TD.- Tôi thấy các võ sinh Cước Quyền Đạo (tức TCĐ) đã biểu diễn những ngọn cước rất đẹp, nhất là đòn "song phi" bay lên đá rất cao, bằng hai chân, xem chẳng khác nào như trong các loại phim "action" trên TV Mỹ...

KT.- Xin phép anh tôi phải ngắt lời ngay, để tránh suy diễn quá rộng và sai lầm. Trước hết, tôi phải nhìn nhận môn võ TCĐ đã luyện cho võ sinh được những đòn chân rất ngoạn mục và rất nguy hiểm. Đá rất cao, rất nhanh. Đá hậu, hay đá một lúc bằng cả hai chân luân chuyển liên tiếp như 2 cánh chong chóng, gọi là đá song phi...Nhưng xin anh và quí độc giả báo Đại Chúng nhớ cho là huấn luyện và biểu diễn là một việc. Còn thực tế ứng dụng trong cuộc đụng độ ngoài phố lại khác hẳn. Khác từ đối tựơng, địa điểm, hoàn cảnh, đến cả sự ăn mặc.

Xin nhớ: Bộ võ phục luôn luôn rộng rãi, thoải mái hơn bộ quần áo dạo phố, thường gò bó, và đôi khi còn có cả cà vạt vướng víu. Riêng đôi giày lượn phố cũng đã không mấy thuận tiện trong việc đấm đá...

Hơn nữa, khi đụng độ ngoài phố, chúng ta thường chỉ có một hay hai phút là nhiều để giải quyết cấp tốc tình trạng khó khăn tại chỗ.

Trong giây phút nghiêm trọng đó, theo tôi, có 2 yếu tố cực kỳ quan trọng cần phải đặc biệt quan tâm: Trước tiên thuộc về tinh thần. Thứ đến năng lực võ thuật.

1.- Về tinh thần: Trong mọi trường hợp khó khăn trước mắt, người võ sinh phải cực kỳ bình tĩnh, và tự tin. Lúc đó sự bình tĩnh và tự tin sẽ đem đến sáng suốt cho võ sinh để tìm giải pháp ôn hoà tránh cuộc đụng độ đáng tiếc phải xảy ra. Nhược bằng bất đắc dĩ phải chấp nhận "thú đau thương", thì võ sinh cũng không nên giao đấu với lòng nóng giận và thù hận. Vì sự nóng giận và lòng thù hận sẽ khiến cho võ sinh bị mất hết sáng suốt, không tập trung được tinh thần vào một mục tiêu, tụ điểm nào đó.

Theo "lực thuyết" (theory of power) mà chưởng môn khai sáng võ đạo Tea Kwon Do Choi Hong Hi đã dẫn giải thì sự tập trung này là khả năng sát nhập cả tinh thần lẫn cơ thể thành một khối bất khả phân. dưạ theo triết thuyết "tri hành hợp nhất" cuả Vương Dương Minh.Tinh thần hướng đến đâu tự động cơ thể tương ứng tới đó, chuyên chú nhắm vào một mục tiêu duy nhất, tạo tối đa chưởng lực cho các đòn quyền cước để công phá. Khi một võ sinh đã tập trung tinh thần vào một mục tiêu nào đó, tất nhiên toàn cơ thể cũng phối hợp với tinh thần, để tạo nên một hành động độc nhất. Lúc đó ta có thể nói tâm và thân cuả võ sinh đã trở nên đồng nhất thể, không có một thứ gì khác chen vào đó được. Tóm lược "Lực thuyết" gồm 6 nguyên tố căn bản sau đây:

  • Tập trung (Hàn ngữ: Jip Joong/ Concentration)

  • Lực phản công (Bandong Ryok/ Reaction Force)

  • Thăng bằng (Kyun Hyung/ Equilibrium)

  • Kiểm soát hơi thở (Hohup Jojul/ Breath control)

  • Khối lượng, tụ hội (Zilyang/ mass)

  • Tốc độ (Sokdo/ Speed).

Theo tôi, việc tập trung tinh thần nhắm vào một mục tiêu độc nhất chẳng những chỉ đắc dụng trong lúc giao đấu mà còn giúp ta rất nhiều trong mọi sinh hoạt cuả cuộc sống hằng ngày.

Như thế ta phải hiểu rằng: Học võ chẳng phải chỉ luyện tập chân tay mà thôi, điều cốt yếu nhất là còn phải luyện tập cả tinh thần và trí tuệ.

2.- Về quyền cước.Trong trường hợp bất đắc dĩ phải "nói chuyện" bằng tay chân, những đẳng cấp và màu đai cuả võ đường không ăn thua gì tới đối phương. Họ không cần biết đến những thứ đó. Vậy chỉ còn một con đường duy nhất là phải tự vệ bằng khả năng đích thực cuả chính mình. Khi đó, một điều kiện tiên quyết, cực kỳ quan yếu, mà bất cứ võ sinh nào ngay từ khi mới bước chân vào võ đường đã phải luyện tập ngay là: "mở mắt ra!".

Điều này nghe có vẻ lạ tai đối với nhiều người, nhưng khi tập cho học trò song đấu, chúng tôi đặc biệt quan tâm luyện cho họ phải luôn luôn "mở mắt". Kẻ nào mở mắt được trong khi giao đấu kẻ đó mới dễ thắng cuộc. Ngược lại, sẽ dễ trở thành một cái bị thịt để hứng đòn.

Như mọi người đều biết, trời sinh ra con người, ai cũng đều có sẵn bản năng tự vệ thiên nhiên, phản ứng hoàn toàn tự động. Thí dụ như khi có một con ruồi chợt bay vào mắt, hay có một vật gì vụt thoáng qua trước mắt là người ta tự động nhắm mắt lại ngay. Bởi thế khi giao đấu, thình lình đối phương phóng một đòn quyền hay cuớc vào mặt mình, võ sinh không có kinh nghiệm thường hay bị giật mình và lập tức nhắm mắt. Đó là một phản ứng tự động hết sức tai hại!

Khi nhắm mắt, võ sinh sẽ không tránh được đòn, lại cũng không nhận ra được chính xác tiêu điểm để trả đuã. Như thế tất sẽ không tránh khỏi việc tung ra những đòn thưà thãi, đánh hụt, "đánh đòn gió" quờ quạng...

Nói đến "đánh đòn gió", để tránh thắc mắc, thiết tưởng tôi cần phải giaỉ thích sơ qua ngay về sự khác biệt kỹ thuật giưã môn võ Kung Fu cuả Tàu với môn Cước Quyền Đạo (TCĐ). Môn Kung Fu cuả Tàu khi ứng dụng, ta thường thấy diễn ra rất nhiều "hư chiêu" để lừa con mắt cuả đối phương, làm cho hoa mắt, làm cho tinh thần cuả đối phương bị hoang mang, bối rối, hầu bất thần tung ra một "thực chiêu" có tính cách quyết định. Nhưng khác hẳn với Kung Fu, môn võ Đại Hàn này, cũng như môn Không Thủ Đạo cuả Nhật, mỗi đòn là một "thực chiêu" nhắm dốc toàn lực tấn công nhanh như chớp, thật chính xác vào một tiêu điểm trên cơ thể cuả đối phương. Nên biết: Mỗi đòn quyền cước cuả TCĐ khi phóng ra phải hội đủ 3 yếu tố căn bản: Nhanh, chính xác và mạnh.

Như thế, ta không nên nhầm lẫn những "hư chiêu" cuả Kung Fu với những đòn đánh gió quờ quạng, không trúng đích cuả một người giao đấu kém kinh nghiệm. Mặc dù đã biết đối phương tung hư chiêu, nhưng ta vẫn luôn luôn phải mở to đôi mắt như đôi mắt rắn để theo dõi và ngăn đón từng động tác nhỏ nhất cuả đối phương.

Bây giờ trở lại điểm then chốt trong câu hỏi cuả anh là: Những ngọn cước cao và đẹp. Thưa anh, nói thực, tất cả những đòn quyền cước mỗi khi biểu diễn thường rất đẹp mắt, làm khán giả thích thú say mê, thán phục. Nhưng khi phải tự vệ ngoài đường phố, không mấy khi võ sinh có dịp thi thố những đòn quyền cước đẹp mắt ấy. Nên biết những cú đá song phi thật cao, từ đằng xa, tự thân nó đã tiềm tàng mối hiểm nguy cho người sử dụng.Vì nó rất dễ bị mất thăng bằng. Hơn nưã nếu đá không trúng tiêu điểm hay đối phương tránh né kịp, quả là một thảm họa vô lường!

Khi dạy học trò, anh em tôi thường nhấn mạnh: Trong khi giao đấu, dù sử dụng ngọn cước nào, điều cần yếu phải luôn luôn giữ được thế thăng bằng, ngay sau đó mình vẫn còn đứng vững trên đôi chân để sẵn sàng phóng ra những cú đá khác...

TD.- Vậy, khi phải chiến đấu tự vệ ngoài phố, theo anh những đòn cước nào được kể là hiệu nghiệm nhất.

KT.- Những cú đá thần tốc, đầy cường lực, nhưng rất ngắn và thấp. Ngắn và thấp dễ chính xác hơn, nhanh hơn, lực mạnh hơn. Bạn thử tưởng tượng: Một cây duì cui ngắn cuả cảnh sát đánh vưà tầm tay, chắc chắn làm ta bị đau hơn là một cây sào dài từ đằng xa vụt tới.

Khi giao đấu, võ sinh phải tùy theo chiều cao cuả đối phương mà phóng ra những cú đá gọi là "A Chagi / front kick" ngay ức (Sternum, cũng là một tử huyệt trên thân thể), hay bao tử hoặc giưã bụng (stomach), xuống đến đầu gối, ống quyển. Trước một đối thủ dù to lớn đến đâu, khi đã bị ta đạp bể xương bánh chè, hay đạp gẫy đầu gối, lập tức sẽ khuỵu xuống ngay. Cũng như thế, nếu đối thủ lãnh một cú đá vào ngay giưã ức hay bụng tất đường hô hấp sẽ bị tắc nghẽn, không còn đủ khả năng chống chọi nưã.

Vả chăng những đòn ngắn và thấp như thế giúp ta luôn giữ được thế thăng bằng, trở chân, đổi đòn nhanh hơn, tức là hiểm hoạ cho ta ít hơn. Ngoài ra, nó còn rất thích hợp ở những nơi chật chội...

Nói như thế không có nghiã tôi loại trừ hẳn những cơ hội tốt để ta có thể tặng cho đối thủ những cú đá như trời giáng vào giưã mặt hay lên đầu...Trường hợp này, với đôi giày cứng trên chân, đối phương không thể tránh khỏi bị trọng thương, thường là bể quai hàm, gẫy răng, nứt xương sọ...Ngay cả khi giao đấu tranh giải vô địch thế giới, có trọng tài giám thị nghiêm ngặt, nhưng vẫn không tránh được một vài tai nạn đáng tiếc đã xảy ra như gẫy răng, bể xương quai hàm..., phải tức tốc chở đi nhà thướng cứu cấp.

Tóm lại, nói về chiến đấu tự vệ ngoài phố, tôi xin được nhắc lại nơi đây lời ba tôi đã dặn anh em tôi và các học trò rất kỹ đến mức mọi người cần phải nhập tâm là: "Luật pháp nước nào cũng chỉ cho phép ta tự vệ khi cần phải giải trừ một hiểm hoạ trước mắt cho tính mệnh mà thôi. Vậy ta không thể mượn cớ tự vệ để tấn công hay tiếp tục hủy hoại thân thể đối thủ cho thoả lòng nóng giận và thù hận !"

 

TỚI TUỔI NÀO ĐƯỢC TẬP CÔNG PHÁ?

TD.- Ai cũng biết TCĐ thường biểu diễn những màn "công phá" rất ngoạn mục. Vậy, với tư cách một huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, một võ sinh tới tuổi nào mới được phép tập công phá? Khi tập có gì nguy hiểm không?

KT.- Vâng, những màn công phá (tiếng Đại Hàn gọi là: "Kyuk Pa", nghe na ná như tiếng Việt !) của TCĐ rất đặc biệt. Khi biểu diễn, dùng tay không chặt vỡ một tấm ván, mấy viên gạch, ngói, đấm bể một chồng gạch, ngói cao, dùng chân đá bể những tấm ván dầy... ai xem cũng khoái và tán thưởng. Đó chính là một công phu luyện tập nội lực căn bản cuả TCĐ.

Trước anh cũng đã nhiều người, nhất là giới phụ huynh có con em tập TCĐ, đã hỏi tôi về vấn đề tuổi tác khi tập công phá. Trẻ em vị thành niên đang trong thời kỳ tăng trưởng, xương cốt còn yếu, nếu tập, rủi bị gẫy xương, có thể thành tật suốt đời không?

Những lo ngại ấy cuả mọi người rất chí lý. Thông thường, ai cũng nghĩ chung chung là phải đợi đến tuổi "thành niên" (adults). Nhưng tuổi thành niên là tuổi nào? 18 hay 20, hay 24...?Nhưng tại sao lại phải đợi tới tuổi thành niên? Chúng ta nên biết, không một võ sinh trẻ tuổi nào khi tập TCĐ lại chịu nhịn, chờ cho đến năm đủ tuổi thành niên mới tập công phá. Ai cũng tỏ ra háo hức mong muốn được tập công phá càng sớm càng khoái.

Theo tôi đây là một vấn đề bao la, hoàn toàn tùy thuộc vào cơ thể và khả năng cuả mỗi võ sinh, cùng với kinh nghiệm và sự lượng định sáng suốt cuả người huấn luyện viên. Bởi chính bản thân anh em tôi, khởi sự tập từ lúc dưới 10 tuổi. Đến khi lên 10 và 12 tuổi, ở VN, anh em tôi đã mang đai đen đệ nhất đẳng, tức đã phải có đủ khả năng công phá. Căn cứ trên chương trình huấn tập và điều kiện cuả bất cứ một cuộc thi lên đai đen nào, võ sinh cũng phải thực hiện một màn công phá( the grading syllabus). Nên biết, khi thi lên đai đen, trước một hội đồng giám khảo, mỗi võ sinh phải lần lượt thực hiện thuần thục các môn sau đây: Biễu diễn những bài quyền (poomse), song đấu, và công phá.

Ngoài ra, trong thời gian trên 20 năm làm huấn luyện viên, tôi đã có không biết bao nhiêu võ sinh cả trai lẫn gái, đủ các quốc tịch, đủ mọi lứa tuổi, trẻ nhất từ 6 tuổi đến già nhất ngoài 55 tuổi, cả nam lẫn nữ. Trong số đó có nhiều em, trai lẫn gái, mới 12 tuổi đã mang đai đen (chẳng khác nào như anh em tôi ngày trước). Những em này đã chứng tỏ có khả năng công phá rất ngoạn mục, ngoài sự tưởng tượng cuả mọi người, mà xương chân với xương tay không hề bị thương tật gì cả!

Để cho chính xác hơn, theo tôi, ta có thể để cho một võ sinh 13 tuổi đai đen tập công phá, nhưng ngược lại, không nên để cho một võ sinh 18 tuổi còn mang đai trắng tập công phá.

Dù sao, ta cũng không nên để cho võ sinh còn nhỏ tuổi tập chặt gạch, ngói, hay ván... ngay, mà trước tiên nên tập cho tay chân cuả các em quen va chạm với những vật cứng, rồi lần hồi chỉ dẫn kỹ thuật cho các em thử sức với những tấm ngói mỏng, những tấm ván thông mỏng, dễ vỡ. Nếu có thể ta nên dùng những tấm ván thông mỏng đã dùng để biểu diển rồi, lấy keo dán lại cho các em tập. Nhưng dù sao người huấn luyện viên cũng phải hướng dẫn cho các em từ cách tập trung tinh thần và thể lực vào một khối, đến cách nhắm tấn công trúng tiêu điểm, để tung hết chưởng lực vào đó.

Quí vị nên biết rằng công phá là cả một nghệ thuật. Vì khi công phá thành công, tức là tấm ván, viên gạch, miếng ngói... bị chặt bể như ước tính, thì tay chân ta không bị đau, không bị thương tích. Vì bao nhiêu nội lực trong cú đấm hay cái đá cuả ta đã dồn hết vào đối tượng. Ngược lại, nếu đấm hay đá công phá không đúng cách, vận nội lực, và nhắm tiêu điểm không chính xác, tức không lay chuyển được đối tượng, thì bao nhiêu nội lực ấy sẽ dội ngược trở lại, có thể khiến cho xương bàn tay và cổ tay, hay xương bàn chân cuả ta bị xưng phù lên ngay tức thì rất đau đớn. Ấy là chưa kể trường hợp xương bàn tay, hay bàn chân bị nứt hoặc gẫy.

Dĩ nhiên, nơi đây tôi cần phải đi sâu vào chi tiết thêm một chút là trường hợp cuả mấy em gái. Theo tôi, không nên cho các em gái tập công phá sớm, cùng một tuổi như các em trai. Ít ra phải chậm hơn 2 năm! (trai 14 gái 16 tuổi). Nhưng dù sao, tất cả đều do kinh nghiệm và sự lượng định thông minh cuả vị võ sư, trách nhiệm chương trình huấn luyện cuả mỗi võ đường. Dù muốn dù không, các vị võ sư đều có trách nhiệm trực tiếp về cả 2 mặt: tinh thần và trước luật pháp đối với sức khoẻ và sự an toàn thân thể cuả mỗi võ sinh trong suốt thời gian luyện tập ở võ đường. Võ sư không được vì bất cứ lý do gì khiến cho thân thể cuả võ sinh bị hủy hoại hay bị thương tật. Điều này rất dễ khiến cho võ đường mất uy tín, và mất hết học trò. Các vị võ sư cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trước pháp luật, khi chểnh mảng để cho các võ sinh bạo động đấu đá bưà bãi với nhau trong võ đường, khiến gây ra thương tích v.v...

Nơi đây, thiết tưởng tôi cần phải nói thêm về tâm lý khác biệt giưã người VN, các sắc dân Á Châu, Ả Rập... với những người Tây phương. Trong khi các sắc dân Á châu và Ả Rập, trong đó có VN đứng hàng đầu tỏ ra rất ưa thích những trò đấu đá bạo động có tính nguy hiểm, ngược lại người Tây phương rất kỵ những trò đó. Ngay cả những người Đức học trò cuả tôi ở Hamburg cũng vậy. Họ thường nói thẳng là chỉ tập TCĐ như một môn thể thao có tính cách quân bình cả về thể chất lẫn tinh thần, chứ không muốn bạo động!

Bởi thế, đã có một vài môn võ thuật xuất phát từ Á Châu có tính cách bạo động, tôi xin miễn kể tên để tránh đụng chạm, đã không được dân chúng Âu châu hưởng ứng. Đó cũng là lý do khiến môn võ Tea Kwon Do này đã được chọn làm một môn thể thao trong chương trình Thế Vận Hội (Olympic).

 

NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN!

TD.- Khởi đầu mới dạy Tea Kwon Do ở hải ngoại anh có gặp thử thách khó khăn gì không? Nếu có, từ đâu đến ?

KT.- Câu hỏi này cuả anh đã gợi lại cho tôi một kỷ niệm khó quên và những cảm giác khá đau sót. Thử thách khó khăn đến từ các sắc dân ngoại chủng, suốt 26 năm qua, tuyệt nhiên không hề có. Từ những người lớn tuổi, ngoài 50, đến những thanh niên đủ các sắc tộc, ai cũng yêu mến và thân ái với anh em tôi. Nhiều người còn đãi ngộ chúng tôi như thân thuộc, tình cảm gắn bó hết sức tốt đẹp. Nhưng ngược lại, ngay từ những ngày đầu mới mở võ đường ở nơi gia đình chúng tôi cư ngụ, ba cha con tôi đã phải mệt trí đối phó với ngay những người VN cùng tị nạn ở Đan Mạch .

Xin được kể vài trường hợp thí dụ điển hình:

1.- Nơi đây có một ông cựu phó quận trưởng hành chánh quận 4, Khánh Hội. Hai ông bà có 2 đứa con trai đều cho đến tập trong võ đường cuả cha con tôi. Một hôm đến ngày thi lên đai, người anh học trước dủ thời gian, đủ khả năng được dự thi. Còn người em, mới nhập học nên không được dự thi. Giưã lúc ba tôi đang làm giám khảo chấm thi lên đai cho ngót trăm võ sinh đủ các cấp, ông bà cựu phó quận trưởng nghênh ngang bước vào phòng tập. Phu nhân ông phó quận trưởng lớn tiếng giận dữ hạch ba tôi:

_ "Tại sao anh không cho thằng...( tên con trai nhỏ cuả bà) thi lên đai?"

Ba tôi hết sức ngạc nhiên nhưng vẫn ôn tồn đáp:

_ "Cháu mới nhập học chưa thể cho thi lên đai kỳ này được, phải đợi kỳ sau... "

_ "Tôi tưởng anh cho nó thi hôm nay tôi mới đến! Chớ không tôi đâu thèm đến làm chi!". Bà phó quận trưởng vẫn lớn tiếng la lối, khiến không khí trang nhiêm cuả phòng thi trở nên nặng nề khó chịu, vì hầu hết người ngoại chủng hiện diện đều tỏ ra hết sức kinh ngạc không hiểu gì cả. Ba tôi đành phải dứt khoát ngắt lời bà:

_ "Thưa chị, quyền quyết định cho học trò nào thi là quyền cuả tôi. Không ai được phép hạch sách tôi hết. Xin chị vui lòng giữ trật tự dùm!"

 Thế là bà vùng vằng giận dữ lôi con ngoe ngẩy ra về.Sau đó chấm dứt luôn không cho con đến tập nưã, đồng thời cũng từ đó ba tôi trở thành kẻ thù bất cộng đái thiên cuả 2 ông bà!

2.- Chuyện sau đây nghiêm trọng hơn. Gần nơi chúng tôi mở võ đường có một gia đình rất đông dân số, gồm một bà goá phụ đã lớn tuổi với năm người con trai và hai người con gái, xưa kia vốn ở khu Ngã ba Ông Tạ. Trong số 5 người con trai ấy có 3 người đã thành niên, hồi ở VN từng làm nghề xe ôm. Những người này thấy cha con tôi mở võ đường có đông học trò nam nữ người bản xứ đến tập, ngay từ những ngày đầu đã thường kéo nhau đến, tự tiện vào phòng tập, chọc phá, la lối, chuyện trò, cười nói ồn ào...Ngoài ra, họ còn khoe hồi ở VN cũng đã tập Tea Kwon Do có đai đen, đai đỏ đủ thứ. Thâm tâm dường như họ ghen tị, nên thường hành động khiêu khích, như đòi thử sức với anh em tôi, để hạ nhục cha con tôi cho bõ ghét. Nhưng ba tôi đã căn dặn và nghiêm cấm anh em tôi không được phản ứng. Thấy cha con tôi nhẫn nhục, họ càng làm già tới. Họ chận đường chị gái tôi mỗi khi đi học để chọc ghẹo và nói những câu thô bỉ...Nghe chị tôi về khóc kể lại, ba má tôi vẫn cố nuốt giận, hạ mình tìm đến nhà bà goá phụ để năn nỉ xin bà nói với mấy người con trai "tha thứ" và để cho mấy chị em tôi được sống yên ổn.

Dường như thái độ ôn hoà và lễ độ cuả ba má tôi đã bị hiểu lầm như một sự hèn nhát, sợ hãi. Họ càng làm dữ hơn.

Một hôm, mấy người con trai này, sau khi đã chọc ghẹo chị tôi ngoài phố, gặp ba tôi còn hăm he đến chiều sẽ tới tận nhà hỏi chuyện. Ba tôi vẫn im lặng về kể cho má tôi nghe. Thoạt tiên máø tôi lo sợ định kêu hai anh em tôi về để đối phó. Lúc đó anh em tôi đang tập cho một võ đường ở một tỉnh xa nhà khoảng chừng 25 phút lái xe. Nhưng ba tôi đã không đồng ý và ông muốn tự tay giải quyết lấy vấn đề này.

Quả nhiên, khoảng, hai, ba giờ chiều, hai anh em trai cuả nhà đó đã đến gây sự, nói những lời khiêu khích rất thô lỗ và hết sức mất dạy với ba tôi tại nhà. Cho đến lúc này, ba tôi vẫn còn nhẫn nhục, ông chỉ ôn tồn bảo mấy thanh niên kia: "Thôi như thế đủ rồi. Tôi không muốn nghe thêm một lời nào nưã.Các em nên về đi!"

 Hai người này biết rằng lúc đó anh em tôi đều không có nhà, cho rằng ba tôi sợ, nên vẫn tiếp tục đứng giưã nhà tôi lải nhải lớn tiếng xỉ vả lung tung. Lúc bấy giờ bắt buộc ba tôi phải hỏi lại 2 người đó một câu cuối cùng: "Bây giờ tôi nói câu cuối cùng: Các em có chịu ra khỏi nhà không?"

Câu trả lời" không !" đầy thách đố vưà buông ra, bất đắc dĩ ba tôi đã phải tỏ thái độ... Chỉ vài phút sau, cả hai anh em, đưá bị tét sọ, đưá bị gãy tay, rách mặt, máu me đầm đià bỏ chạy ra khỏi nhà. Nhưng vưà chạy ra đến sân là chúng đã khụyu xuống, song vẫn còn sợ bị đuổi đánh thêm, nên cố bò lết về đến nhà rồi nằm quay lơ trước bực thang cưả.. Nên biết trước khi ra tay, ba tôi đã dụng ý để ngỏ cưả sẵn ... Lúc bấy giờ cả nhà chúng mới hốt hoảng tru tréo lên, kêu khóc thảm thiết, rồi nhờ hàng xóm người bản xứ gọi xe cứu thương cấp tốc chở đến bịnh viện...

Từ đó bọn này mới chịu để cho võ đường cuả chúng tôi yên ổn. Chẳng bao lâu sau gia đình này đã xin qua Canada đoàn tụ với mấy người con trai khác. Còn lại 2 người con trai lớn vẫn ở Đan Mạch, nhưng đồng thời họ cũng dọn nhà tới một tỉnh xa, cách thủ đô đến 500 CS...

 Đến tối, khi anh em tôi về, nghe ba má tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện, chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Tôi đã hỏi ba tôi:

_ "Tại sao ba không gọi tụi con về để tụi con đối phó?"

Ba tôi nói:

_ "Gọi về thì dễ quá. Nhưng đời các con còn dài, tương lai còn nhiều, không nên để cho các con gây thù chuốc oán sớm quá. Vả lại ba không bao giờ muốn chứng kiến cảnh các con đánh nhau với ai trước mắt ba. Ngược lại, ba cũng không muốn để cho các con trông thấy lúc ba phải dùng đến hành vi bạo động đối với kẻ khác.

Trong vụ này, ba thấy chúng nó ngu dại chẳng khác nào những con chó nhỏ hay ủng oẳng suả dai. Chúng nó đã ba vào chân tường, bắt ba phải dứt khoát thái độ. Nếu hôm nay không cho chúng nó một bài học, thì lập tức ngày mai ba phải dẹp bỏ võ đường...

Nhưng dù vậy, khi cho chúng nó một bài học, ba vẫn không nỡ gây thương tật suốt đời cho một đưá nào. Ba phản ứng vưà đủ cho nó sợ mà từ bỏ thói ngông cuồng dại dột thôi!..."

Ngoài ra, còn vài chuyện linh tinh khác nưã, nhưng thiết nghĩ chẳng cần kể thêm vào đây làm gì. Xuyên qua hai vụ điển hình trên đây, chúng tôi nhận thấy muốn sống hoà thuận trong cộng đồng người bản xứ, tuy khác chủng tộc, ngôn ngữ và văn hoá, nhưng có phần dễ hơn đối với người VN. Bởi thế, trả lời cuộc phỏng vấn cuả anh hôm nay, trong lòng tôi thực sự vẫn cảm thấy không mấy thoải mái...

TÂN DÂN

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002