Đại Chúng số 80 - phát hành ngày 15/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

(tiếp theo)

Qua cơn cười, bà Thục Trinh nhìn con dâu nói:

_ Theo lẽ má phải yên tâm như ba con mới phải, nhưng mà, chắc con còn nhớ hôm thằng Sùng Thật sắp sửa ra đi má có làm cái bánh nhưn trái hồng nó ăn nhằm được... má biết thế nào cũng gặp nhiều may mắn... sẽ về nước sớm với con, tránh được khỏi mấy con yêu tinh ngoại quốc. Ấy thế mà từ ngày đó đến nay bao nhiêu năm tháng rồi nó đâu có chịu về để thăm viếng? Má thử hỏi con, nếu không bị lủ yêu tinh hớp mất hồn mất vía thì tại sao càng ngày nó càng thưa thớt thư từ không như mọi khi nữa? Con nhớ lại thử xem mới thời gian đầu lúc mới ra đi, thì ngày một ngày hai đều có thư về đọc hết muốn nổi...

Nói đến đây bà ngẩng mặt nhìn lên trần nhà, đôi mắt bà đăm chiêu nhìn mấy con nhện đang nhả tơ giăng lưới, khiến bà liên tưởng đến câu ca dao "chúc sao cho chủ tôi tàn/xe dây nhện kéo tìm đàng tôi đi"! Một nỗi buồn thoáng gợn lên đôi mắt, bà chép miệng nói với con dâu:

_ Má đâu có ngờ thằng Sùng Thật hư đốn đến như vậy. Con phải bảo nó siêng viết thư gửi về cho dài, kể hết đầu đuôi gốc ngọn, chứ đừng viện dẫn lý do này nọ viết vài ba câu qua loa lấy lệ như mấy thư vừa rồi nữa!

Và như sực nhớ điều gì quan trọng, bà bật dậy chìa miệng bảo khẽ vào tai con dâu:

_ Nè, mà con nhớ đừng cho nó nghe tin ông già đã đi ở mướn cho người ta! Nó mà nghe được ắt là buồn lắm! Má không muốn nó buồn. Ở tại cái đất ngoại quốc mà buồn thì làm sao chịu nổi?! Thà là mình buồn không sao, để nó buồn tội nghiệp! Đừng viết tình trạng gia đình mình ngày nay nghe con!

_ Dạ, thưa má, con biết!

 Bà Thục Trinh vốn giàu tình cảm nên mỗi lần nói đến chuyện gì có chút thương tâm là y như hai dòng suối lệ của bà tuôn trào ngay trên đôi má.

_ Hai mẹ con mình đang ngồi thương nhớ nó, chẳng biết giờ này bên ấy nó có nhớ thương mình không?

_ Bây giờ thì bên ấy anh con đang ngủ say rồi!

_ Làm sao con biết?

_ Dạ, bên mình ngày thì bên Mỹ ban đêm...

 Nghe vậy, bà Thục Trinh thở hắt ra:

_ Mỹ quốc cái gì cũng kỳ kỳ quặc quặc... Ngày với đêm mà cũng còn lộn xộn... Lẽ ra thì phải ngày cùng ngày, đêm cùng đêm. Con nghĩ có phải như vậy không? Cả thế gian này cùng một bầu trời, cùng một ông Mặt Trời, tại sao lại có chuyện sáng tối khác nhau được?

 Rồi bà dang cao tay lên tỏ vẻ thất vọng:

_ Tại vì con không biết đó thôi. Cả ba con cũng vậy. Ông dám bảo với má là trái đất mình đang ở đây là tròn. Điều gì còn có thể tin ông được, còn bảo trái đất xoay tròn như trái vụ thì má nhất định phản đối.

_ Con học ở nhà trường, các thầy cũng đều dạy vậy...

_ Thế là họ sai hết trọi hết trơn. Thánh nhân ngày xưa chẳng bảo trái đất là vuông đó sao? Nếu bảo như các ông nhà giáo tân thời ngày nay cho là quả đất xoay tròn thì tại sao chúng ta không chóng bồ bồ?

 Bà Thục Trinh vừa dứt lời thì cũng vừa lúc Quốc Trung từ bên ngoài bước vào, nghe loáng tiếng vợ bảo là chóng bồ bồ vội lên tiếng hỏi:

_ Thế nào? bà chóng mặt phải không?

_ Đâu có! Tôi nói với Ngọc Phụng nếu quả đất tròn như kiểu ông đùa với tôi thì có nước mọi người đều phải ngã lăn quay ra cả...

 Nói đến đây bà xoay qua chuyện khác:

_ Thôi bỏ đi, còn ông thế nào đã thuê được nhà cửa chưa?

_ Có rồi! Ngôi nhà hai phòng... không lớn không nhỏ.

_ Cũng chẳng hề hấn gì. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm... Mẹ con Ngọc Phụng một phòng, còn tụi mình một phòng... Thế chừng nào mình có thể dọn đến ở được?

_ Sáng ngày mai giao tiền, xế chiều dọn đến. Được không?

_ Tốt, tốt lắm! Thế là tôi yên lòng...

Dứt lời, bà Thục Trinh nhìn Quốc Trung mỉm cười hỏi:

_ Đã đói chưa? Bây giờ thì đến lượt tôi đi thổi cơm nha!

Quốc Trung cười đùa vợ:

_ Ấy, bà nhớ là hôm nay bà phải thưởng tôi chầu rượu. Nhờ có tôi mà gia đình mới có nhà mới để ở!

_ Đúng như vậy, cũng nhờ có ông mà mới có chuyện thằng Sùng Thật đi mất tiêu mấy năm trường nay... đến ngày nay cũng vẫn chưa chịu về!

Bà Thục Trinh vừa nói vừa đi thẳng xuống nhà bếp, Ngọc Phụng cũng đứng lên theo chân mẹ chồng Quốc Trung gọi giật lại:

_ Ngọc Phụng! Ba định ngày mai mang tiền đi gửi cho Sùng Thật, nhưng còn viết thư cho nó thì lần này con viết hộ ba, ví sáng ngày mai lo dọn dẹp nhà ba không đủ thì giờ...

_ Thưa vâng! Cơm nước xong xuôi con sẽ viết...

_ Con nhớ là tuyệt đối không nên đề cập đến lý do mình phải dời nhà đi, chỉ bảo là ba má muốn có một nơi thoáng hơn...

_ Dạ, má còn dặn là đừng đề cập đến chuyện ba phải đi làm công cho thiên hạ nữa.

Nghe con dâu nói vậy, Quốc Trung khẽ gật đầu cười khen:

_ Má con quả thật chu đáo.

_ Khi nào con viết thư xong sẽ đọc lại cho ba má nghe trước khi mang đi gửi!

_ Bất tất phải vậy. Ba chỉ cần là con nhớ bảo nó nên thường xuyên thư từ về nhà thăm là được. Con nhớ như thế đủ lắm rồi.

Đến đây, Quốc Trung trầm ngâm trong giây lát đoạn nói tiếp:

_ À! Còn một điều quan trọng khác bảo là ba má muốn nó sang năm phải về, không được nêu bất cứ lý do gì... để trì hoãn nữa.

_ Dạ! Con sẽ ghi lại tất cả ý của ba vừa dạy bảo.

Lần đầu tiên Ngọc Phụng nhận thấy cha chồng bày tỏ sự nôn nóng không còn như ngày nào nữa.

Bỗng dưng Ngọc Phụng thấy mặt cha chồng đỏ rực lên như bị ngấm hơi men rượu mạnh. Tay chân ông run rẩy, không còn đứng vững nữa, gieo mình xuống chiếc trường kỷ đặt bên cạnh, thở hổn hển, miệng ú ớ như muốn nói lên điều gì... Ngọc Phụng vội chạy đến hỏi:

_ Ba... ba làm sao thế?

_ Không! Không, chẳng có gì cả... Ba chỉ... giận cho thằng Sùng Thật... không biết tìm chút thì giờ rảnh rỗi viết vài ba chữ gửi về... thăm cha mẹ, vợ con...

_ Dạ, có thể... anh con bị bận... học...

_ Ờ! cũng có... thể là vậy... Ba luôn luôn đặt niềm tin tưởng nơi nó sẽ có một tương lai rực rỡ... làm đẹp cho dòng họ nhà họ Mã... ta...

Nói đến đây Quốc Trung cảm thấy lòng mình lâng lên niềm vui khôn tận. Ông nguyện với lòng sẽ mang tất cả sức lao động còn lại của tuổi già đánh đổi cho thiên hạ để kiếm thêm tiền gửi cho con ăn học...

Trong lúc đó, từ bên trong có tiếng của bà Thục Trinh vừa đi vừa nựng nịu với cháu nội từ bên trong vọng ra:

_ Ấy dà... dà! Bé Bự của nội ơi! Lớn lên đừng có bắt chước cái thằng cha mày... mà đi theo học... cái ngoại quốc nữa nha! Đừng có... như thằng con nhà ông Triệu trước kia ở dưới quê mình, xấu miệng, xấu mồm... đâm đầu thóc, chọc bị gạo... lúc nào... cũng cho

mình là bậc nhất... thiên hạ... Nghe lời nghe hôn! Không nghe lời, nội hổng thèm hôn nữa đâu nha!

Bà Thục Trinh vừa nói dứt lời thì cũng vừa đến ngay bên chồng. Lúc bấy giờ Quốc Trung đã qua cơn xúc động, sắc diện trở lại bình thường, nên bà không nhận thấy, lên tiếng trách đùa chồng:

_ Nãy giờ ông nằm đây mà tôi cứ tưởng là đã lo sữa soạn ra đi làm... cho người ta rồi! Bộ hôm nay không sợ trể sao?

Quốc Trung không đáp lại câu hỏi của vợ, lên tiếng vui vẻ nói:

_ Tôi đã nghĩ ra tên cho thằng cháu nội của bà rồi...

_ Hả? tên gì? Nói nhanh lên! - Bà Thục Trinh hối thúc chồng.

_ Anh Hào! Được hôn?

_ Anh Hào?! Mà thôi ông nè! Hồi nào tới giờ mình gọi nó là thằng "Bé Bự", thì cứ gọi như thế đi... Còn cái tên Anh Hào để dành sẵn đó khi nào lớn lên đi học hãy dùng như thằng Sùng Thật ngày xưa vậy!

Và không cần đợi chồng đối đáp ra sao, bà cười hồn nhiên hỏi chồng:

_ Tôi thiệt tình hỏi ông nha! Cái thằng Bé Bự này nó giống thằng Sùng Thật hay con Ngọc Phụng?

Quốc Trung đưa mắt nhìn đứa cháu nội trên tay vợ:

_ Mắt mũi thì giống mẹ, còn gương mặt thì giống cha nó.

Bà Thục Trinh cười:

_ Đúng rồi! Khuôn mặt của hai cha con nó giống nhau như khuôn đúc. Còn cặp dò này rồi đây ông nội nó xem lớn lên cao lỏng khỏng chẳng khác nào thằng cha nó. Chắc ngày thằng Sùng Thật về nó sẽ biết chạy như bay rồi...

Bỗng Quốc Trung thở dài bảo với vợ:

_ Tôi nghĩ chúng mình có chút cháu nội thì không còn gì vui bằng nữa, nhưng riêng con Ngọc Phụng lại bị thiệt thòi...

Bà Thục Trinh ngạc nhiên hỏi:

_ Thiệt thòi? Nó cũng vui lắm chứ! Như hồi tôi mới sinh thằng Sùng Thật... đâu có phải riêng cha mẹ vui không đâu mà tôi cũng vui đến nổi quên ăn quên ngủ nữa...

_ Không, không phải tôi nói vậy. Tôi muốn nói là nó đang đi dạy học, tinh thần được thoải mái hơn nhiều...

_ Tinh thần? Cái gì tinh thần?

_ Thì ví như công việc dạy học sẽ làm cho lòng nó cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản hơn là phải cả ngày lo cho con cái này cái nọ...

Thục Trinh lắc đầu:

_ Sai rồi! Chính bây giờ nó mới sung sướng hơn nhiều! Ông thử nghĩ lại hình ảnh này nha! Cả ngày nó được ngồi nhà ôm con, hôn hít, nựng nịu con, chọc phá cho thằng Bé Bự cười lên sặc sụa, bế nó đi hóng mát... thì thử hỏi ông trên cõi đời này cái gì vui hơn

nữa?!

Thục Trinh rất hài lòng về con dâu từ đức độ đến công việc làm. Chẳng những vậy, về gia thế thì môn đăng hộ đối... lại còn là chỗ con cháu của chị Cả bên nhà! Bà quay lại hỏi chồng:

_ Ông nội của Ngọc Phụng nổi tiếng ở Lâm Gia Trang đâu có thua sút gì nhà họ Mã của ta. Có phải thế không ông nội nó?

_ Hả? bà bảo phải cái gì?_ Quốc Trung như đang suy nghĩ điều gì nên chẳng nghe thấy lời lẽ gì của vợ nói, giật mình lên tiếng hỏi lại.

_ Thì ông nội của Ngọc phụng đó! Ông cụ chữ nghĩa đầy bồ, ruộng đất ê hề đâu có khác gì ông bà cố của thằng Bé Bự đây!

_ Ờ! Còn hơn nữa... Ông cụ Lâm ở Lâm Gia Trang ai mà không biết danh tiếng vang lừng cả một thời...

Mãi bận rộn với công việc buôn bán, Quốc Trung không còn nhớ là đã bao lâu rồi Sùng Thật không có thư về thăm, lên tiếng hỏi vợ:

_ Dường như lâu lắm rồi thằng Sùng Thật chưa có thư về phải không?

_ Chỉ mới có chưa đầy ba tháng... Cái gì chứ cái việc thư từ thì y như tôi đếm trên đầu ngón tay hè!

_ Nó không gửi thư cho mình đã đành, chứ chẳng lẽ nó không thư cho vợ nó sao?

 Bà Thục Trinh nhìn chồng:

_ Đó, thấy sáng mắt ra chưa? Còn mè nheo tôi nữa không? Tôi đoán tại vì sao nó lâu thư cho mình... chỉ vì chưa có tiền mua tem thư rồi. Đợi khi nó nhận được tiền rồi thì tự nhiên thế nào nó cũng có thư ngay cho mà xem!

Lúc đó cũng vừa lúc Ngọc Phụng từ trong nhà ra bồng lấy con mĩm cười nói:

_ Con bận giặt tã, để má bế mãi mỏi cả tay...

Thục Trinh khoe với con dâu cái tên cha chồng nàng vừa đặt:

_ Con nè! Ba con vừa mới đặt được cái tên cho Bé Bự đấy...

 Ngọc Phụng đang kéo thẳng lại nép áo cho con nghe nói vội ngẩng mặt lên hỏi cha chồng:

_ Ba đặt tên cho nó rồi?

Quốc Trung nhìn con dâu cười đáp:

_ Ba nghĩ ra cái tên cho nó là Anh Hào... Chắc con biết ý nghĩa của cái tên này!

_ Dạ thưa ba, có phải là...

Quốc Trung không để cho con dâu nói trọn câu, ông cắt ngang tiếp tục nói ý nghĩa của cái tên mà ông đắc ý nhất đã tìm ra được kể từ ngày sinh nó ra đời:

_ Ba muốn nói sau này nó sẽ trở thành là đấng anh hào trong đám anh hùng hào kiệt...

Ngọc Phụng càng ngày càng cảm thấy khoảng cách giữa mình với cha mẹ chồng thu hẹp lại, nàng reo lên:

_ Hay, hay quá ba ơi! Ba đặt cho cháu nó cái tên quá đẹp... Con thích lắm! Chắc khi anh con về nghe gọi tên như thế ắt sẽ vui lòng lắm!

(còn nữa)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002