Đại Chúng số 80 - phát hành ngày 15/8/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM CỦA NHÀ THƠ QUANG DŨNG

  •  NGƯỜI ĐẸP AKIMI ĐEM GIỌT MÁU RƠI CUẢ TUẤN SƠN TRAO LẠI CHO ÔNG BÀ NỘI NUÔI DƯỠNG... NHỮNG CUỘC TÁI NGỘ BẤT NGỜ Ở SÀI GÒN SAU DI CƯ, VÀ Ở MỸ SAU NĂM 75...

ĐẶNG VĂN NHÂM

(kỳ thứ 10, tiếp theo và hết. Cấm trích dịch, hoặc cóp lại những tình tiết trong truyện này, nếu không có phép cuả tác giả).

 

TRAO CON CHO ÔNG BÀ NỘI NUÔI DƯỠNG

Chị Akimi tiếp tục kể về thân thế cuả anh Tuấn Sơn:

_ "Anh là người con trai độc nhất cuả một ông bác sĩ, giám đốc một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình giàu có, danh giá, khi cuộc chiến chống xâm lăng bùng nổ, anh Tuấn Sơn đang là một sinh viên ưu tú cuả ngành y khoa, chỉ còn 6 tháng nưã là cũng trở nên bác sĩ, có khả năng nối nghiệp cha. Vì lòng yêu nước nhiệt thành, gặp kháng chiến, anh Tuấn Sơn đã trở nên một thanh niên trí thức Hà thành đầu tiên xung phong tòng quân theo bộ đội. Anh đã cùng anh Quang Dũng tham gia trung đoàn Tây Tiến.

Trong thời gian đó nhị vị thân sinh cuả anh Tuấn Sơn vẫn ở lại Hà Nội. Riêng ông cụ vẫn tiếp tục giữ chức vụ giám đốc bệnh viện như cũ. Từ đó cho đến ngày từ giã cõi đời, anh Tuấn Sơn vẫn thường xuyên liên lạc, thăm hỏi tin tức và vấn an sức khoẻ cuả song thân. Anh là người con chí hiếu. Lúc nào cũng nhớ thương và nghĩ đến cha mẹ.

Khi biết tôi đã thụ thai, anh Tuấn Sơn mừng lắm, cũng đã viết thơ kể lại chuyện đó cho cha mẹ nghe. Ngoài ra, anh còn biên cho tôi đầy đủ tên tuổi cuả ông bà thân sinh ra anh, cùng với điạ chỉ cuả gia đình hiện đang cư ngụ ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Sau những lần trao đổi thơ từ như thế, anh Tuấn Sơn đã cho tôi biết, bà cụ khi nghe tin sắp có cháu nội thì bà vui lắm...

Được biết như thế, khi trở về Hà Nội, tôi đã đánh bạo tìm tới nhà thăm ông bà cụ. Tôi xưng tên và tự giới thiệu, nguyên là vợ cuả anh Tuấn Sơn, và cái bào thai tôi đang mang trong bụng hiện thời chính là con cuả anh Tuấn Sơn để lại. Sau khi nghe tôi nói thế, bà cụ đã ôm chầm lấy tôi mà khóc nức nở. Câu đầu tiên bà nói mà mãi đến sau này không bao giờ tôi quên được:

_ "Tội nghiệp con dâu tôi quá!"

Thế rồi bà cụ kể tiếp:

_ "Ba me đã nhận được tin anh Sơn gửi về, kể rõ cả rồi. Anh Sơn là con trai độc nhất của mẹ đấy. Nay nó vì nước mà hy sinh, ba me cũng buồn lắm. Nhưng may mà nó còn để lại giọt máu của nó cho ba me, thì ba me cũng bớt buồn. Mẹ mong sao con sẽ sinh ra một cháu trai giống anh Sơn cho ba me. Thôi con đừng buồn nữa. Thôi bây giờ con ở lại đây ăn cơm với ba me nhé!"

Hôm ấy tôi bị xúc động mạnh, nên cứ khóc hoài. Bà cụ đã phải dỗ dành tôi mãi và tha thiết muốn tôi ở lại. Tôi cũng cố làm vui lòng bà, nhưng đến chiều thì tôi đành phải xin phép về để đón các cháu về ăn cơm.

Từ đó, hằng ngày, cứ chiều chiều, bà cụ lại xuống thăm tôi, an ủi tôi, và có khi còn dắt tôi đi bệnh viện để các bác sĩ quen của ông cụ khám thai và cho tôi thuốc uống dưỡng thai. Tôi thấy bà cụ thật là tội nghiệp. Bà lo đi sắm từng tấm tã lót và quần áo, chuẩn bị sẵn sàng để chờ đón đứa cháu nội của bà sắp chào đời. Khi tôi biết chỉ còn vài ngày nữa là sinh, nên tôi lo gửi các cháu về nhà mẹ đẻ của tôi để nhờ bà ngoại trông nom giúp.

Vì đã sinh nở đến 3 lần rồi, nên tôi có kinh nghiệm. Một buổi sáng kia tôi cảm thấy triệu chứng khác thường, và bắt đầu chuyển bụng, nên tôi bảo bà cụ:

_ "Mẹ à, con sắp sinh rồi. Mẹ đưa con vào nhà thương đi kẻo chậm, vì con sinh dễ lắm!"

Tất cả các bác sĩ ở nhà thương mà bà cụ sắp đem tôi tới, họ đã được ôn cụ gửi gắm cả rồi. Nên khi tôi và bà cụ vừa tới, thì các cô nữ hộ sinh đã ra dìu tôi vào và săn sóc cho tôi cực kỳ chu đáo.

Khi sắp sinh, tôi vẫn cứ lẩm nhẩm cầu khấn trời phật cho tôi sinh ra được một cháu trai, giống anh Sơn, để cho bà cụ vui và thỏa lòng ước nguyện.

 Nhưng đáng buồn thay, khi sau khi sinh, bác sĩ cho biết cháu lại là con gái. Nó cân nặng hơn 3 kí lô và khỏe mạnh bình thường. Hôm ấy, tôi thấy nét mặt bà cụ vui hẳn lên. Bà không về nhà mà ở lại túc trực đêm ngày bên cạnh mẹ con tôi trong nhà bảo sanh. Bà cụ lo cho tôi và lo cả cho cháu. Bà cụ tỏ ra thương cháu lắm. Mỗi khi nó thức giấc, ọ ọe muốn khóc, tự tay bà cụ đến bế cháu lên, để tôi cho cháu bú. Xong cụ lại đặt cháu vào nôi.Cụ không để cho một cô nữ hộ sinh nào sờ đến cháu của bà. Suốt ngày cụ vui với nó.

Sau 7 ngày, tôi phải xuất viện. Trước khi xuất viện, tôi và bà cụ thân mẫu cuả anh Sơn đều đồng ý với nhau đặt tên cho cháu là: Sơn, gọi là để tưởng nhớ mãi mãi đến anh, mặc dù nó là con gái.

Sau khi đã đưa mẹ con tôi về, bà cụ mới tạt về nhà trong giây lát để thu xếp công việc trong gia đình, rồi trở lại ở luơn bên cạnh tôi và tiếp tục chăm nom cháu. Đến đêm, bà cụ bảo tôi:

_ "Con cứ ngủ đi cho mau lại sức. Còn cháu bé, con để mẹ lo cho..."

Nhìn cụ già đêm hôm phải lận đận lo cho cháu, tôi thương cụ quá. Tôi nghĩ thật là có phúc mới có được một bà mẹ chồng như vậy. Thương cụ bao nhiêu tôi lại càng nhớ đến anh Tuấn Sơn bấy nhiêu. Thỉnh thoảng cầm lòng không đậu, tôi đã nắm tay cụ, khó và nói:

_ " Con cám ơn mẹ thật nhiều!..."

Bà cụ vừa nghe tôi nói đã vội gạt đi ngay:

_ "Con đừng nghĩ ngợi gì cả. Hãy cứ lo nghỉ ngơi cho khỏe!"

Đêm đêm bà cụ phải vất vả lo cho cháu, ăn ngủ không yên. Đến sáng, bà cụ lại phải tất tả về nhà săn sóc nhà cửa và lo cơm nước cho ông cụ. Khi công việc nhà vừa xong, bà cụ lại vội vàng trở lại, lo cho mẹ con tôi.

Ròng rã như thế suốt tám tháng trời, lúc nào cũng lo cho cháu bé từng bữa ăn, và ẵm bồng nó luôn tay, nên lâu dần nó trở nên quen hơi cụ, và chỉ bám theo cụ thôi. Càng ngày tôi thấy nó càng quyến luyến bà nội hơn cả mẹ. Như thế tôi cũng mừng.

Trong khoảng thời gian này, một hôm bà cụ bảo tôi:

_ "Bây giờ cháu đã khá lớn rồi và khoẻ mạnh. Nó lại mến me, theo me hoài. Me mất anh Sơn, nay có nó thay thế me cũng vui. Bây giờ me nói với con điều này, nếu con đồng ý, thì để me đem bé Sơn về trông nom, săn sóc cháu thay cho con, để con bớt vất vả. Hằng ngày hai bà cháu hủ hỉ với nhau, me cũng vui. Về phần ông nội cuả bé Sơn cũng ao ước được như vậy. Nếu có cháu trong nhà thì ông cũng đỡ nhớ anh Sơn. Vì sao nó cũng là giọt máu cuối cùng cuả giòng họ. Bây giờ ông cụ đã già rồi và cũng sắp về hưu. Nhà vắng vẻ quá, nếu có thêm cháu ba me sẽ cảm thấy bớt phần cô đơn..."

Nghe bà cụ nói mà tôi thương bà cụ quá. Tôi là mẹ nên tôi cũng không muốn xa cháu. Vả lại nó còn là một kỷ niệm giưã tôi với anh Sơn. Nhưng tôi nghĩ, tuy cháu là gái, nhưng nó lại là giọt máu cuối cùng cuả gia đình. Bây giờ ông bà đã mất anh Sơn rồi, chỉ còn lại đứa cháu nội độc nhất là nguồn an ủi. Nếu tôi không đồng ý thì ông bà cụ sẽ rất khổ tâm, nên tôi cười vui vẻ và nói:

_ "Con đồng ý để mẹ đem cháu về nuôi, vì nó là cháu nội cuả mẹ mà! Có nó ngày đêm quấn quít bên mình như mẹ vẫn còn có anh Sơn thôi. Vậy, mẹ đừng thắc mắc gì. Mỗi chiều chủ nhật thì con lên chơi với cháu, hoặc đón cháu về chơi ít giờ với các anh cuả nó thôi."

Nghe tôi nói, bà cụ cảm động quá, không cầm được nước mắt. Bà ôm tôi nói:

_ "Me cám ơn con nhiều. May mà con mang cho mẹ được giọt máu cuả anh Sơn, chứ không gặp con thì bây giờ gia đình ta kể như đã tuyệt tự rồi!"

Tôi cũng cảm động lắm.Thế là tôi và bà cụ cứ ôm nhau khóc hoài...Từ ngày cháu về ở với ông bà nội cho đến nay đã được 3 năm rồi.Càng lớn nó càng xinh đẹp và nhất là giống bố như đúc. Vì thế mà ông bà nội càng thương cháu nhiều hơn. Tôi thấy vậy cũng yên tâm, không phải bận tâm lo lắng gì cho cháu nữa..."

 

GIỮA ĐÊM KHUYA KHÔNG HẸN MÀ GẶP!

Kể đến đây, chị Akimi ngưng lại, để đi pha cà phê cho chồng và tôi uống. Khi đang uống cà phê, nghe tiếng còi xe Jeep trước nhà, anh D. vội vàng đứng lên nói:

_ "Bây giờ xe đã đến đón, tôi phải xin phép đi làm. Vậy anh cứ ở lại chơi kể chuyện kỷ niệm xưa với nhà tôi cho vui. Tôi tôn trọng kỷ niệm cuả bà xã tôi lắm!"

Khi anh D. vừa ra khỏi nhà, chị Akimi lấy ra một cây đàn Guitare còn mới bảo tôi:

_ "Ở nhà một mình lắm lúc tôi cũng buồn, nên mới mua cây đàn này, định tìm thầy để học, nhưng chưa đi được.Nay nhân tiện có anh, nhờ anh mỗi tuần ghé lại đây chơi dùng cơm với vợ chồng tôi, và dạy tôi vài giờ cho vui..."

Tôi vui vẻ đồng ý ngay. Từ đó hằng tuần tôi đều đến chơi với chị, dạy chị học đàn, rồi ở lại ăn cơm luôn với vợ chồng chị. Những buổi gặp gỡ như thế rất vui. Nhưng ngày vui thường qua mau. Chỉ vài tháng sau, thì anh Lê Khaỉ Trạch được chính phủ Sài Gòn bổ nhiệm chức đổng lý văn phòng cho bộ Xã Lao, nên anh tôi phải đem cả gia đình, gồm cả tôi, vào Nam. Vì thế, một lần nưã tôi và chị Akimi lại phải chia tay, không hẹn ngày tái ngộ.

Tới năm 1954, sai khi hiệp định Genève 1954 đã được ký kết, cả triệu đồng bào miền Bắc đã lũ lượt kéo nhau vào miền Nam.Trong số người di cư đó, tôi đoán thế nào cũng có gia đình chị Akimi, vì anh D., chồng chị, vốn là sĩ quan Bảo An thuộc chính quyền Sài Gòn. Còn riêng chị, vốn xuất thân là một vũ nữ, làm sao chị có thể ở lại miền Bắc để sống với CS được. Trong thời gian này tôi vẫn để tâm dò la, tìm kiếm, hỏi han về tin tức cuả gia đình chị Akimi. Nhưng hoàn toàn biệt vô âm tín!

Mãi 3 năm sau, nhân một buổi tối đi chơi khuya với mấy người bạn, chúng tôi thấy đói, mới rủ nhau tạt vào một con hẻm ở đầu đường Phan Đình Phùng, để "ăn đêm". Trước năm 1975, dân hay đi chơi khuya ở Sài Gòn, như đi nhảy đầm, coi hát, ai cũng biết con hẻm đó có rất nhiều quán bán đủ loại thức ăn lót dạ như: bánh cuốn, sôi, chè, miến gà, miến lươn... Tuy mấy cái quán này rất xập xệ, nhưng lại đông khách lắm. Nhiều người không có ghế ngồi phải ăn đứng, nhưng ai cũng vui thích, tạo nên một không khí sinh hoạt nhộn nhịp khác thường.

Trong lúc tôi đang chen vào mua điã bánh cuốn, bỗng có một bàn tay nắm chặt lấy tay tôi và kêu rõ tên tôi. Tôi giật mình kinh ngạc, nhìn lại, thì hoá ra vợ chồng chị Akimi. Hai anh chị có vẻ mừng lắm, mà tôi cũng mừng quá, nên đã hỏi ngay:

_ "Anh chị vào Nam ở đâu mà tôi tìm hoài không gặp?"

Chị Akimi đáp:

_ "Chúng tôi ở xa Sài Gòn một chút. Nhưng tối nào cũng đến đây ăn quà cho đỡ đói trước khi về nhà ngủ. Chắc anh cũng ít khi ra đây phải không? Nếu anh thường đến đây thì đã gặo nhau rồi!"

Tôi đáp:

_ "Tôi ít đi chơi khuya lắm. Mỗi ngày, ở nhà dạy học đến 10 giờ đêm,mệt quá, ăn xong là đi ngủ thôi.Chả đi đâu cả. Hôm nay, chủ nhật, nhân tiện có mấy anh bạn đến kéo đi chơi, nên mới về khuay thế này. Nhờ vậy hôm nay mới được gặp anh chị đấy chứ!..."

Nói đến đây, tôi chợt chuyển hướng câu chuyện:

_ "Thế bây giờ anh chị đang làm gì? Ở đâu?"

Chị Akimi thay lời chồng đáp:

_ "Nhà tôi vẫn còn trong lính. Còn tôi ở nhà, không làm gì. Về sau có một vũ trường quen ở Chợ Lớn mời tôi giúp họ làm cai gà. Tôi đã nhận lời để kiếm thêm tiền phụ vào cho gia đình. Vì thế nên tối nào nhà tôi cũng mang xe Vespa đi đón tôi, và trước khi về thì ghé đây ăn lót dạ..."

Sau lần gặp gỡ bất ngờ đó, mặc dù được biết đêm nào hai anh chị cũng đèo nhau đến hẻm Phan Đình Phùng để ăn quà trước khi về ngủ, nhưng vì tôi không có thói quen đi chơi đêm, nên chúng tôi không còn gặp lại nhau nưã.

Thời gian trôi qua khá lâu, mãi đến năm 1965 tôi mới có dịp tình cờ gặp lại chị Akimi lần nưã. Lần naỳ, tôi đã tò mò hỏi chị về tin tức cuả cháu Sơn, xem cháu có cùng di cư vào Nam với mẹ hay không.

Nhưng chị lắc đầu nói:

_ "Cháu ở lại với ông bà nội. Vì ông bà nội đã gìa rồi, lại có tiền, nên ông bà không muốn rời nơi quê cha đất tổ..."

Bẵng đi một thời gian khá lâu, tới năm 1970, tôi lại gặp vợ chồng chị Akimi lần nưã và đó cũng là lần cuối cùng.

 

HỮU DUYÊN THIÊN LÝ...

Sau ngày 30.4.75, tôi kẹt lại Sài Gòn, rồi bị CS cầm tù 8 năm, tức đến năm 1982, mới được thả ra. Trong thời gian này, thỉnh thoảng tôi có nghĩ đến chị Akimi, nhưng không biết anh chị có thoát được không hay lại cũng bị đoạ đày như bao nhiêu triệu con người khác ở miền Nam. Đến năm 1990, tôi được qua Pháp, nhưng lúc bấy giờ trong lòng tôi không còn nghĩ gì đến vợ chồng chị Akimi với những kỷ niệm thời kháng chiến ở ngoài Bắc cuả tuổi thanh niên nữa.

Nguyên tôi có một anh bạn thân, tên Phạm Nghệ, trong thời kháng chiến anh là đội trưởng cuả tôi, còn tôi là đội phó đội tuyên truyền. Chính anh là người đã có lần theo tôi và anh Quang Dũng ra quán cà phê cuả chị Akimi để nấu cơm cho mấy đứa con chị ăn, hôm chi đang lên cơn sốt rét.

Sau năm 1954, anh cũng theo đoàn người di cư vào Nam tìm tự do, rồi sau ngày 30.4.75, anh cũng thoát được nanh vuốt CS, vượt biên sang Mỹ và hiện đã trở nên giáo sư vĩ cầm (Violon) cuả một trường Quốc gia Âm Nhạc ở Hoa Kỳ. Vì thế, trong thời gian lưu vong ở hải ngoại tôi vẫn thường liên lạc, trao đổi thơ từ với anh Phạm Nghệ.

Năm 1993, bỗng tôi nhận được thơ anh kể chuyện bất ngờ đã gặp lại vợ chồng chị Akimi ở HK.

Anh kể:

_ "Hôm ấy là một ngày thứ Tư, có một người bạn làm bác sĩ gọi điện thoại mời tao đến nhà xoa mà chược. Trước sự mời mọc bất thường ấy, tao khỏi ngạc nhiên và thắc mắc, nhưng ông bạn bác sĩ đã giải thích ngay: Vì ông ta mới có hai vợ chồng một người bạn thân ở xa đến chơi, ngỏ ý muốn xoa mà chược, song còn thiếu một chân.

Chiều lòng bạn, hôm đó tao đã đến xoa mà chược. Một lát sau, nhà ông bác sĩ lại có thêm một người bạn khác đến chơi. Ông này là một tay rất sính thơ và yêu văn nghệ. Nên câu chuyện quanh bàn mà chược chuyển hướng lần hồi sang chuyện thi phú. Ông bạn mới này mở đầu câu chuyện: "Trong đời này, trên phương diện thi ca, tôi chỉ phục có một mình nhà thơ Quang Dũng, và thích thơ cuả Quang Dũng nhất..."

 Trong lúc phấn khởi, ông ta lại còn cất cao giọng ngâm bài thờ "Quán Bên Đường" mà ông ta khoái nhất cho mọi người nghe. Sau khi bài thơ đã được ngâm xong, vợ chồng người khách quí cuả ông bác sĩ chủ nhà đã không ngớt lời khen ngợi.

Còn tao, nghe xong tao cũng góp chuyện với ông bạn này cho vui, và kể lại chuyện cũ, ngày xưa, tao với mày thân với anh Quang Dũng lắm. Tao cũng kể hiện nay mày đang ở Pháp. Tao còn tỏ ra người biết cả về nguyên nhân đã khiến anh Quang Dũng cảm tác nên bài thơ Quán Bên Đường cho mọi người nghe. Tao nói hôm đó, chị chủ quan bị sốt rét, anh Quang Dũng đã phải cấp tốc đến săn sóc, thuốc men cho chị, đồng thời hôm ấy anh dũng còn dắt thêm cả mày với tao cùng đến quán để lo việc cơm nước cho các cháu nhỏ...Tối hôm đó, về nhà tao, anh Dũng đã cảm hứng viết nên bài thơ ấy, rồi hôm sau anh đã đem đến quán để ngâm tặng chị...

Tao kể, mặc dù bây giờ thời gian ngót nưả thế kỷ đã trôi qua với bao thay đổi khủng khiếp cuả kiếp người VN, nhưng tao vẫn còn nhớ mãi cái tên rất đẹp, nghe rất lại tai cuả chị chủ quán xinh như mộng là Akimi. Tôi dự đoán, lúc bấy giờ hình như chị ấy lớn hơn tao khoảng 3,hay 4 tuổi gì đó.

Cuối cùng tao nói với ông bạn ngâm sĩ kia:" Anh ngâm thơ cuả Quang Dũng, tự nhiên làm tôi lại nhớ đến anh Quang Dũng. Anh là người giản dị, vui tính và được nhiều người yêu mến. Ngoài ra anh còn là một thanh niên to cao, đẹp trai, khiến nhiều cô mê lắm...

Lúc bấy giờ mải mê kể chuyện dĩ vang xa xưa, tao chẳng còn để ý gì đến cặp vợ chồng người khách quí cuả ông bạn bác sĩ chủ nhà nưã. Người vợ mái tóc đã bạc phơ, nhưng mái tóc ấy vẫn không đủ khả năng xoá hết những nét yêu kiều cuả thời xuân sắc. Còn người chồng trông có vẻ nhỏ tuổi hơn bà vợ. Nhưng xem ra họ yêu đương và quyến luyến nhau lắm.

 Bàn mà chược kéo dài mãi cho đến 1 giờ sáng mới tạm nghỉ, để giải khát và ăn uống cho no bụng, rồi lại tiếp tục luôn cho đến sáng hôm sau. Trong lúc này, tao thấy cần phải tiểu tiện, nên xin phép chủ nhà vào hậu thất.

Khi tao vưà mở cưả bước ra, thì tao thấy bà lão tóc bạc đang đứng chờ sẵn ở ngoài. Bấy giờ, giưã lúc tao còn đang lúng túng, bỗng bà ôm chầm lấy tao, khóc và nói:" Anh Nghệ ơi, Akimi mà anh vưà nói bằng xương bằng thịt đây này. Nếu không nghe anh kể chuyện cũ, thì đâu có nhớ anh, và cũng không sao nhận ra anh được. Vì trông anh bây giờ, đã già rồi, cũng khác xưa nhiều lắm!..."

Sau đó, chị Akimi có hỏi thăm mày, rồi cho điạ chỉ và bảo tao viết thơ nói với mày có rảnh viết thơ thăm chị ấy!"...

 

ĐÔI LỜI NÓI THÊM CỦA NGƯỜI VIẾT: Tuy chuyện Quang Dũng còn nhiều điều kỳ thú, nhưng cần dành thêm chỗ dụng bút cho các văn nghệ sĩ khác, nên tôi tạm kết thúc nơi đây. Mai sau, khi chuyện này được in thành sách, sẽ bổ túc cho đầy đủ hơn. Mong bạn đọc sẽ đón xem. Đa tạ.

Đặng Văn Nhâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002