|
|
Giới Thiệu |
Trong lãnh vực tình yêu, người ta thường nhắc câu "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở", ý muốn nói: những va chạm thực tế trong cuộc chung sống lứa đôi thương dẫn tới những thất vọng não nề. Câu chuyện dưới đây là những kinh nghiệm. Dưới thời Hitler (1889 - 1945), khoảng 6 triệu người Do thái đã bị tàn sát trong thời gian từ 1933 dến 1941. Gia đình cô Betty và cậu Richie nằm trong số nạn nhân đó. Họ đã sống sót trong các trại tập trung khủng khiếp của Đức Quốc Xã và đã được Hoa Kỳ giải thoát vào năm 1945. Đôi trẻ yêu nhau từ thủa thiếu thời và đã bặt tin nhau từ 1944. Mãi tới 1975, tình cờ họ gặp lại nhau tại chính Khách Sạn Hoàng Gia, nơi hai người đã từng ôm giấc mơ làm hôn lễ. Trong những cảnh huống thật éo le, Betty chỉ còn có vài giờ để quyết định lựa chọn người chồng hiện tại hay người yêu thủa ban đầu. Tạp chí Reader's Digest (7/01, tr. 29) có đăng bài "Two Great Men" của Joyce Gabriel. Câu chuyện: mô tả tình trạng rất eo le khi phải quyết định lựa chọn một trong hai người đàn ông để chung sống: một người đang là chồng và một người là người yêu từ thủa còn ngây thơ. Đại ý câu chuyện như sau. Cô bé Betty biết Richie lúc cô mới 9 tuổi. Hai người cùng học một trường. Richie yêu khoa học và âm nhạc. Cậu thường đưa Betty về nhà lúc tan trường. Vào năm 1938, gia đình Betty trốn khỏi Tiệp Khắc trước khi Hitler xâm chiếm - tới Budapest (thủ đô Hung), nơi gia đình Richie sinh sống. Hai trẻ lớn lên và yêu nhau. Mùa xuân 1944, Đức quốc xã đã gieo giông tố ở Hung lúc hai trẻ đang ôm giấc mơ tương lai chung sống với nhau và hoạch định sẽ làm lễ cưới tại Khách Sạn Hoàng Gia ở Budapest nơi mà Richie thường đánh trống trong một ban nhạc khiêu vũ trước khi Đức Quốc Xã tràn chiếm. Rồi Betty, mẹ, và anh chị em đã bị bắt và lùa đi cùng với 5000 người Do Thái gốc Hung khác vào một nhà máy gạch bùn lầy. Ở đó, họ sống trong đói, lạnh và mưa gió trước khi bị lùa đi khỏi Hung trong mùa đông tuyết giá. Sau 6 tuần lễ lao khổ, đoàn người chỉ còn chừng 500 người sống sót tại trại Mauthausen, một trại tập trung trên một ngọn đồi nhìn qua một thành phố cổ kính của Áo quốc. Trại đầy mùi chết chóc và đau thương. Trong vài tháng đầu, Betty bị mê sảng, cố chống bịnh thương hàn. Người Mỹ đã cứu Betty khi họ giải phóng trại vào 1945: Betty rất sung sướng nhưng cũng rất đau khổ vì không biết Richie ở đâu, còn sống hay chết. Lúc đó cô vừa tròn 16 tuổi. Trong khoảng nữa năm, chuyển từ trại này qua trại khác, cô tìm kiếm mà chỉ thấy bảng danh sách nói Richie đã chết. Mẹ cô lo lắng cho tương lai của cô, đã dục cô đi tiếp xúc đây đó. Có một người mà mẹ cô ngưỡng mộ là Otto đã đem lòng yêu cô nhưng cô từ chối phắt nhiều lần. Otto cũng là người đã bị mất hết những người thân tại Auschwitchz, đã yêu và quyết lấy cô cho bằng được. Cuối cùng cô chấp nhận lấy ông ta dù cô vẫn còn yêu Richie và có nói điều đó với Otto. Otto hứa để cô ta tự do nếu gặp lại Richie. Gia đình di cư sang Hoa Kỳ: Otto buổi đầu làm phụ bồi trong tiệm ăn, rồi kiếm được việc làm trong xưởng da, nghề cũ của Otto ở Hung, cố trau dồi tiếng Anh và tay nghề; Betty sinh hạ được hai trai và một gái. Otto đã vươn lên và làm chủ một xưởng; gia đình di sang Pennsylvania và rồi Arizona: họ có ngôi nhà và cuộc sống đã mơ ước. Nhưng Betty vẫn còn mang nhiều xúc cảm về những gì đã mất mát trong những năm chiến tranh, và đã bị suy nhược thần kinh. Cô nói: "Bởi vì tôi hãy còn chưa thật hạnh phúc; tôi cảm thấy trái tim tôi còn bỏ lại tại Âu Châu." Thời gian trôi qua, và vào năm 1975 mẹ của cô rất mong muốn nhìn lại Hung. Bà yêu cầu cô đưa về đó và họ lên kế hoạch; nhưng bà mẹ bị bạo bệnh chết. Buồn bã, Betty quyết định thực hiện điều ước của mẹ và lên đường. Tuần đầu ở Budapest, cô khó rời khỏi khách sạn - những kỷ niệm còn tràn đầy. Bạn hữu khuyên cô đi ra ngoài ăn uống và tình cờ cô đi tới Khách Sạn Hoàng Gia - đúng nơi cô và Richie đã một lần dự tính làm đám cưới. Cuối bữa ăn, cô bất chợt liếc qua căn phòng, và đã nhận ra từ đằng sau đầu: đúng là Richie. Cô bước tới và nắm lấy cánh tay chàng và nói: "tôi nghĩ là chúng ta biết nhau chứ?" Richie quay lại và khi chàng nhận ra Betty thì nước mắt dàn giụa. Betty nhớ lại: "Khi Richie ôm tôi thì dường như thời gian ngưng đọng. Nhưng đấy là tối cuối cùng tôi lưu lại Budapest, và trong thời cộng sản, bạn không thể gia hạn chiếu khán. Còn chàng thì đây là đêm đầu tiên ở Budapest. Chàng đã trở thành một nhà khoa học và đang có bài thuyết trình tại một hội nghị." Như vậy là chỉ trong vòng vài giờ thôi, họ phải nhìn lại dĩ vãng và quyết định tương lai. Richie kể cho nàng nghe chuyện của chàng: chàng đã bị Đức Quốc Xã bắt và gửi tới một trại lao động cưỡng bách ở Hungary. Khi được giải thoát, chàng sục sạo tìm nàng khắp Âu Châu - Đức, Áo, Pháp. Khi chàng và mẹ di cư qua Canada, chàng tiếp tục tìm nàng. Sự thật chàng đã tìm được nàng: vài năm trước, chàng đã dò ra chỗ nàng ở New York và tới căn phố nàng ở. Nàng và Otto lúc đó mới có một con đầu lòng. Otto đã tiếp chàng ở cửa, đã đuổi chàng đi, và không nói lại chuyện đó với nàng. Hiên giờ thì Richie sinh sống tại Mỹ, có gia đình và được 3 con. Chàng cầu xin Betty trở lại với chàng. Đêm đó ở Budapest, trời mưa, Betty đi bộ với Richie. Nàng nhìn sâu vào đôi mắt xanh đẹp của Richie ở đó như còn phản chiếu những chuyến đi chơi trên dòng sông Danube và tình yêu họ đã từng chia xẻ với nhau. Nàng nói với Richie rằng nàng sẽ trả lời chàng vào sáng hôm sau. Rồi sau đó nàng gọi điện thoại cho Otto: Otto khóc và cầu xin nàng tha thứ. Nàng rất đau đớn và cúp ngang diện thoại. Nhưng đồng thời nàng như nghe thấy lời mẹ nàng nhắc nhở về ý nghĩa quan trọng của gia đình; và nàng nhìn lại thấy hình ảnh của Otto vất vả làm việc 18 giờ mỗi ngày vì lòng yêu thương vợ con. Bước tới bước lui trong căn phòng khách sạn, cuối cùng nàng đã lựa chọn xong: nàng để lại cho Richie một thư vắn từ giã, và nàng đã khóc trong suốt cuộc hành trình trở lại Paris. Tại Paris, Otto trong vẻ vô cùng thiểu não đã có mặt để đón nàng. Nàng nói với Otto rằng nàng trở về nhà với chàng, và đó là lần đầu tiên nàng cho phép nàng yêu chỉ mình chàng. Sau này làm lễ ăn mừng 54 kết hôn, Betty nhận định là nàng đã làm một quyết định đúng: đã một lần trong thuở thiếu thời, nàng có một tình yêu non trẻ kéo dài từ lúc lên 9 cho tới tuổi 15, và đó là tình yêu cho Richie; rồi sau đó nàng may mắn đã có một tình yêu chín chắn, và đó là tình yêu cho Otto. Chắc phần lớn bạn đọc cũng đồng ý là Betty đã có một suy nghĩ và lựa chọn đúng vì đã dựa vào yếu tố hạnh phúc con cái và lòng biết ơn đối với người chồng đầu gối, tay ấp trong nhiều năm cuộc sống tha hương còn đầy cơ cực. Quyết định dứt khoát từ chối lời cầu xin của người tình thuở ban đầu là một quyết định thật khó khăn, bởi vì mối tình đầu bao giờ cũng là một cái gì thiêng liêng mãnh liệt nhất như có thi sĩ đã viết "Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy; Ngàn năm chưa dễ đã ai quên", nhưng ở đây thì có lẽ nó lại đúng với câu: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở." Vâng, tình yêu chân chính đồng nghĩa với hiến dâng; chung thủy; chuyên nhất; và hy sinh. Tình yêu là con đường dẫn nhân loại đến giai đoạn thăng hoa. Tình tiết câu chuyện trên đây nhắc nhở đến truyện Thúy Kiều của Nguyễn Du, đoạn Tái Hồi Kim Trọng: chàng Kim, sau nhiều năm tìm kiếm mới gặp lại được người yêu thủa ban đầu và cũng muốn kết hợp vợ chồng, nhưng Kiều đã cố gắng khước từ. Kiều và Kim cũng yêu nhau từ thuở còn niên thiếu. Chẳng may tai họa giáng xuống, Kiều phải chịu bán mình để có tiền chuộc cha khỏi vòng lao lý. Từ đó là cả một quãng đời gian truân: hai lần bị buộc làm ca kỹ (thanh lâu), hai lần phải làm phận tôi đòi (thanh y), và Nguyễn Du viết: Hết nạn nọ, đến nạn kia, Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. Sau hơn 15 năm luân lạc, truân chiên, Kiều đã kết liễu cuộc đời nàng trên sông Tiền Đường những mong dòng nước trong rửa sạch hết những vết đời ô nhục: Rằng "Từ Công hậu đãi ta, Chút vì việc nước mà ra phụ lòng. Giết chồng mà lại lấy chồng, Mặt nào còn đứng ở trên cõi đời? Thôi thì một thác cho rồi. Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông". Trông vời con nước mênh mông, Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang. Chàng Kim khi trở lại tìm gặp Kiều mới hay tai họa đã giáng xuống cho gia đình họ Viên: Đầy vườn cỏ mọc lau thưa, Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời. Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Nhưng rồi Kim cũng dò ra được chỗ ở của gia đình Viên Ngoại. Trong đau đớn và xót thương cho thân phận người yêu, chàng đã quyết định tiếp tục ra đi tìm Kiều: Rằng "tôi chót quá chân ra, Để cho đến nỗi trôi hoa, dạt bèo! Cùng nhau thề thốt đã nhiều, Những điều vàng đá; phải điều nói không! Chưa chăn gối cũng vợ chồng, Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang? Bao nhiêu của, mấy ngày đàng, Còn tôi, tôi một gặp nàng mới thôi!" Rồi Kim kết duyên với Thúy Vân (em Thúy Kiều), nhưng lòng vẫn không lúc nào quên được Thúy Kiều: Khi ăn ở, lúc ra vào, Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa. Nỗi nàng nhớ đến bao giờ, Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng. Về phần Thúy Kiều thì sau khi gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn, nàng được sư Giác Duyên cứu sống và từ đó nương dựa nơi cửa Bồ Đề, rồi sau đó nàng gặp lại được cha mẹ, hai em và chàng Kim. Cuộc tái hợp thật là vô cùng sung sướng cho tất cả mọi người: Trông xem đủ mặt một nhà: Xuân già còn trẻ, huyên già còn tươi. Hai em phương trưởng hòa hai, Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa. Tưởng bây giờ là bao giờ, Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao! Giọt châu thánh thót quẹn bào, Mừng mừng tủi tủi, biết bao là tình! Trong khung cảnh đoàn viên kỳ ngộ ấy, mọi người ai nấy đều ngỏ ý muốn cho Kim và Kiều kết hợp phu thê cho đúng với lời giao ước. Chính Thúy Vân là người đầu tiên mở lời thật là chân tình: Rằng: "Trong tác hợp cơ trời: Hai bên gặp gỡ một lời kết giao. Gặp cơn bình địa ba đào, Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em. Cũng là phận cải, duyên kim, Cũng là máu chảy, ruột mềm chứ sao? Những là rầy ước, mai ao, Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! Bây giờ gương vỡ lại lành, Khuôn thiêng lựa lọc đã dành có nơi. Còn duyên, may lại còn người, Còn vừng trăng bạc, còn lời nguyền xưa. Quả mai ba bẩy đương vừa, Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì." Tuy nhiên, Kiều đã gạt phắt ngay lời đề nghị của em: Dứt lời, nàng vội gạt đi: Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ? Một lời tuy có ước xưa, Xét mình dãi gió, dầm mưa đã nhiều. Nói càng hổ thẹn trăm chiều, Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi! Nhưng chàng Kim đã vội nhẩy ngay vào vào tranh luận, và cũng dựa vào lời giao kết để buộc Kiều chấp nhận chung sống vợ chồng : Một lời đã trót thâm giao, Dưới dầy có đất; trên cao có trời! Dẫu rằng vật đổi, sao dời, Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh! Duyên kia có phụ chi tình, Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai? Nhưng Kiều vẫn còn mang nặng mặc cảm về thân phận hoen ố của mình nên đã quyết lòng phản bác rằng: Thiếp từ ngộ biến đến giờ, Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa. Bấy chầy gió táp, mưa sa, Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn. Còn chi là cái hồng nhan, Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào!" Và: "Từ rầy khép cửa phòng thu, Chẳng tu thì cũng như tu mới là. Chàng dù nghĩ đến tình xa, Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ. Nói chi kết tóc, xe tơ! Đã buồn cả ruột, lại dơ cả đời! Nhưng Kim đã vội đem hết khả năng biện thuyết của mình về vấn đề chữ trinh để thuyết phục Kiều: Xưa nay trong đạo đàn bà, Chữ trinh kia cũng có ba bẩy đường. Có khi biến, có khi thường, Có quyền nào phải một đường chấp kinh? Như nàng lấy hiếu làm trinh, Bụi nào cho đục được mình ấy vay? Đến khi cha mẹ Kiều tóm kết phần tranh luận, bầy tỏ ý muốn Kiều Kim kết hợp vợ chồng, thì Kiều không còn lý lẽ nào để từ chối, và đành phải cúi đầu chấp nhận: Nghe chàng nói đã hết điều, Hai thân thì cũng quyết theo một bài. Hết lời khôn lẽ chối lời, Cúi đầu nàng những vắn dài thở than. Tuy nhiên, sự ưng thuận của nàng chỉ là để làm vừa lòng mọi người lúc đó thôi. Ngay trong đêm"động phòng dìu dặt chén mồi"; chàng còn đang say sưa "bâng khuâng duyên mới", còn nàng thì vẫn "ngậm ngùi tình xưa", Kiều một lần nữa đưa ra lời từ chối "hoa dinh cẩm trận" với người chàng Kim: Nàng rằng: Phận thiếp đã đành, Có làm chi nữa cái mình bỏ đi! Nghĩ chàng nghĩa cũ, tình ghi, Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may. Riêng lòng đã thẹn lắm thay, Cũng đà mặt dạn, mày dầy khó coi!" Và: Khéo là giở nhuốc, bầy trò, Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi! Người yêu ta xấu với người, Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. Đến giai đoạn này thì Kim trọng đành phải chịu thua và chấp nhận cuộc chung sống "chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm, thơ." với người yêu thủa ban đầu. Như vậy, sự quyết định của nàng Kiều như thế cũng tương tự như sự quyết định của Betty đối với Richie: đó là một sự quyết định không bị áng mây muôn màu của trí tưởng tượng và con tim làm mờ đi sự khôn ngoan của lý trí. Học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố có viết một câu về Truyện Kiều là: "Truyện Kiều còn, nước ta còn"; ý hẳn cụ muốn nói đến tính trong sáng của tiếng Việt mà Thi hào Tiên Điền Nguyễn Du đã chứng tỏ qua áng văn nôm tuyệt tác "Truyện Kiều". Từ lâu, tôi đã nghĩ rằng người Việt cũng như là người ngoại quốc muốn mau giỏi cách sử dụng tiếng Việt, không gì hơn là chọn đọc những áng thơ hay, và đặc biệt là áng thơ Kiều Nôm của Nguyễn Du.
Allentown, Cuối Mùa Hè 2001
|
Copyright (c) DaiChung News Media 2002