Đại Chúng số 81 - phát hành ngày 1/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MỘT CHUYẾN HẢI HÀNH

Kỹ sư Sagant Phan

Rùa Biển Vietnam.

Ngày xưa, lúc còn học tại trường Khoa Học Saigon, lớp Lý Hóa Nhiên (S.P.C.N) chuẩn bị qua trường Y gần đó. Chúng tôi có dịp đi khảo sát đảo Phú quốc, nói đúng hơn một hòn đảo nhỏ gần Phú Quốc, đi chung tàu với Hải Quân. Có nhiều chị Thúy Kiều, Thúy Vân học cùng trường và trường Nông Lâm Súc nữa... Chuẩn bị cả tuần, nôn nao, nhiều lúc ăn không ngon nữa... còn mấy chị thì vào lớp toàn là bàn chuyện hải hành mà thôi.

Ngày lên tàu Hải quân tại Bến Bạch Đằng Saigon, trời còn tinh sương nhưng không ai cảm thấy lạnh hết. Thành phố Saigon dậy sớm hơn mình tưởng nữa, mấy chị bán xôi hay mấy xe xích lô đạp đã có mặt trên đường phố Saigon từ lúc 4 giờ khuya rồi. Đèn đường vàng vọt. Chiếc tàu Hại quân khá lớn, cầu tàu bắt từ bến lên tàu hơi dốc nghiêng, nhưng mấy chị lên cảm thấy khó, nhõng nha nhõng nhẽo rồi có anh thủy thủ ga lăng dẫn mấy nàng từ từ lên. Ra khơi Vũng Tàu gió hải hồ thổi vào mát cả buồng phổi, ai ai cũng vui vẻ. Sĩ quan trên Tàu hình như dành hẳn một phòng ngon lành cho mấy chị, rồi họ giảng nghĩa nữa... Đến đảo nhỏ sau khi qua Phú quốc, chúng tôi thật sự quên mất tên rồi, tàu đậu ngoaaì xa, xuồng nhỏ đưa vào bờ. Trên đảo khá nhiều dừa, tre và nhiều loại cây sần sùi mà chúng tôi không biết tên. Chiều tối cả trại lều tăng lên đèn, chúng tôi mỗi người tay một đèn pin mượn của thủy thủ. Khuya khoảng 10 giờ đêm, rùa biển từ từ bò lên. Đẻ trứng, chôn chôn lắp lắp... rồi từ từ chậm chạp bò xuống biển màu đen như mực, biến mất.

Sóng vỗ rào rạt ngoài xa, ánh sáng trăng mờ mỏng khuất sau làn mây đen đục. Mỗi ổ rùa đẻ trên 40 trứng là thường. Người ta gọi rùa biển, chớ dân cư gọi là con vít. Mình nó dẹp và chân mỏng hơn rùa, trứng tròn như trái pingpong. Luột chín cách mấy tròng đỏ vẫn không đặc cứng lại được như hột gà. Có người ăn trứng vít thì nổi dị ứng mề đai khắp người. Nói ngay ăn trừng vít rùa không thấy ngon bằng trứng gà bao nhiêu... Rọi đèn pin loang loáng bờ biển thì thấy nhiều rùa từ từ bò lên bãi cát, có con bò đi rất xa trên đồi cát cao, trên cồn cỏ lơ thơ trong xa... Cũng có nhiếu anh thủy thủ không muốn ăn thịt rùa biển sợ kỵ huông. Thật sự họ ăn cá hay tôm hùm rất nhiều nếu có người chịu lặn hụp xuống biển khơi, nơi xa có nhiều đảo san hô chìm dưới nước rất sâu, rất nhiều tôm hùm... Rồi sau đó, sáng rạng ngày, đoàn chúng tôi vào sâu trong đảo, có anh ghi ghi chép chép trong tập nhỏ, rồi có anh có chị ngắt ngắt vái đọt rau mọc như rau muống giữa cồn cát, lá hơi hôi hôi khó chịu, dĩ nhiên là ăn không được rồi, nếu ăn thì họ hái hết từ lâu đâu có mọc hoang và nhiều như vậy. Dừa có nhiều trái không có nước, nhưng chua nhiều hơn ngọt.

Lúc trở về tàu đậu ngoài khơi, không ai buồn nói với ai một lời, mệt nhiều hơn khỏe. Có chị lại viết thơ trên tàu, không hiểu tại sao? Tàu đang về lại thành đô mà viết thư làm gì?

Tàu ra khỏi hải phận Phú quốc, thì chuyển mưa. Bầu trời đen nghịt lần lần, gió lạnh hơn. Trên khoang tàu không có ai lai vãng, chĩ có gió và mưa đánh lất phất vào khắp nơi. Rồi gió mạnh hơn, tàu trồi lên hụp xuống nhiều hơn nữa. Có chị bắt đầu nôn ọe, mấy anh sinh viên cười khằng khặc, nhưng sau đó chính mấy anh lại ói mửa nhiều nhất.

Có ai từng bị say sóng cấp 4,5 hay không mà còn cười giỡn. Nó ói tới mật xanh, mọi cái gì trong gan ruột cũng đều tuôn ra hết. Khoảng chừng 2 tiếng nữa, thì bắt đầu tới mấy anh thủy thủ ói... Sóng đánh mặt sóng, tàu vẫn đi, người vẫn ói ra mật xanh. Ói xong thì khát nước, uống nước thì ói nữa... Một chu kỳ khép kín như vậy đó. Rồi có một con chuột lớn bằng con mèo mun, đứng gần bếp mà xù lông không cử động. Con chuột đang say sóng gần chết, nó là tay nhà nghề đi biển mà vẫn còn chịu không nổi nữa huống chi người. Nó xù lông, mắt trắng dã, còn tôi không có lông để mà xù lên, nhưng tóc thì xù ra hết ga rồi.

Tôi lo chuyện tôi, con chuột lo chuyện con chuột. Người và vật lo một chuyện ói cho hết trong ruột ra rồi tính sau.

Chuyện chuột bị say sóng đứng xù lông gần cửa bếp, không sợ người ta nữa, rồi người ta cũng bị say sóng gần chết, ngó nó cũng không gớm nó luôn. Chuột đứng một góc, còn tôi cũng dựa cửa, chờ dịp... lắc nữa thì ói tiếp...

Sau cùng Tàu về đến cửa sông Saigon, thì lúc này mới thấy mấy chị Thúy Vân, Thúy Kiều xuất hiện, xinh tươi... cười nói luôn miệng. Còn tôi thì có gì trang điểm hồng nhan đâu, nên mặt mày vẫn còn xanh như tàu lá chuối. Tụi con trai đi biển và con gái đi biển là cả 2 phương trời cách biệt...

Trở lại giống rùa biển ViệtNam. Việt Nam đưa nguyên cái bụng bự ra biển Thái bình Dương, gần trọn trên 3200 km đường biển. Khu vực thuộc nước ấm, nhiều dòng nước ấm chứa nhiều vi sinh vật, như rong tảo trôi đi từ Philippine đến tận Triều Tiên... nên nhiều giống vật nhỏ, tôm cua, sứa biển theo đám rong tảo đó. Rùa biển Thái bình Dương sống theo giòng Gulf Stream này. Riêng tại vùng Côn Đão cách Vũng Tàu không xa, quần đảo này gồm có trên 6 đảo nhỏ tụ vào. Như hòn tài Nhỏ, hòn tài Lớn, hòn Tre, hòn Cau và Bãi Dương... Vùng quần đảo Côn Đảo nằm ngay trên con đường chuyển vận hải hà của Thái bình Dương, có rất nhiều sinh vật theo dòng Gulf Stream này. Rùa biển vào đẽ trứng từ ngàn năm trước đến nay. Nhưng càng lúc càng giảm vì nhân loại săn bắt, tàn phá môi sinh. Rùa biển rất thích ăn sứa biển. Sứa biển là món ăn khoái khẩu của nó, như chúng ta thích ăn Tôm hùm vậy. Như vậy có gì lạ từ Sứa Biển và Rùa Biển? Xin thưa, Rùa biển chết vì sứa biển này rất nhiều. Một miếng plastic mỏng, như bao nylon chẳng hạn, trôi nổi dập dìu trong biển, ánh sáng lấp lánh, nhìn xa như một con sứa biển vậy. Rùa bơi nhanh đánh, đớp vào và ngẹn họng không nhả được. Rùa chết vì bị hóc bao nylon của loài người làm ra. Nhiều rùa con bay quanh quẫn những đàn cá nhỏ, gần những đảo san hô, thì người ta dùng mìn đánh cá. Chất nổ truyền công lực, ép chết trái tim rùa con, cá con vv..vv... Họ mong được một loại cá thu trắng, hay cá thu ảo mà thị trường bán rất cao giá, mìn nổ họ được một buổi lời ròng trong ngày đánh cá đó, nhưng họ đã giết chết rất rất nhiều những sinh vật quanh đó. San hô chết, rong biển, vi sinh tảo cũng chết, cá con chết... Rồi một ngày kia có biển xanh dương, nhưng là một vùng biển chết trong lòng.

Hàng năm World Wild Fund (gọi tắt là WWF) cấp tiền cho quần đảo Côn Sơn khoảng $5000 đôla USD. Người ta dựng lều trại tại các đảo nhỏ mà canh chừng rùa biển vào sanh đẻ. Từ đầu năm 1999 đến 2000 rùa vào hòn Tài Nhỏ, Tài Lớn, hòn Tre, hòn Cau, Bãi Dương... Rùa vào đẻ trứng đến khoảng 40 ngàn trứng. Riêng ở hòn Bảy Cạnh đã có trên 10 ngàn trứng rùa biển được ấp nở thành công. Nhưng trong nam 1999 quần đảo Côn Sơn bị bão số 5 đánh thẳng vào, làm hư nhiều lều trại cứu hộ Rùa biển. Nay họ đã làm lại với những loại tre và vật liệu nhẹ nhưng chắc chắn. Nhà lá nhỏ chỉ có một vài người canh chừng chuyện này, đèn neon nhỏ được thắp sáng bởi ánh sáng mặt trời (solar power).

Người canh Rùa Biển vào đẻ, thì thường khoảng 10 giờ khuya thì Rùa vào... Ngoài bãi xa, từng đợt sóng vỗ nhè nhẹ rào rào trên mặt biển. Một con Rùa Biển thật to bò chậm chạp lên bờ, lết thật chập, rồi nó quay đuôi đào hang bằng chân sau. Sau khi rùa đẻ, người ta vội đến đo Rùa chiều ngang, chiều dọc, rồi thong dây ngang bụng mà cân rùa. Bên ngoại quốc thì người ta bấm một thẻ bài nhỏ vào mai rùa làm dấu. Nếu bắt được người nào mà giết Rùa có làm dấu bằng thẻ bài thì người đó sẽ bị tội trước pháp luật. Đây là luật đưa ra từ Liên hiệp Quốc từ lâu rồi.  Độ chừng khoảnh khắc thì Rùa từ từ bò xuống biển đen rồi biến mất. Chỉ còn lại tiếng sóng vỗ lào rào ngoài khơi. Lúc này người ta mới vội đến nơi rùa đẻ xong. Họ móc đất rất nhanh, đếm được 86 cái trứng còn nóng hổi. Lúc này phải di chuyển gấp trong vòng 4 tiếng đồng hồ, vì sau 4 tiếng đồng hồ thì phôi thai sẽ thành hình, nếu di chuyển thì trứng sẽ hư. Họ di chuyển tất cả số trứng nói trên vào trại có máy ấp nóng. Rồi thời gian khoảng 1 ngày thì họ đem tất cả số trứng đó lại bãi cát, đào hố nông rồi lấp nhẹ cát vào. Người ta đếm được tất cả khoảng 100 hố trứng, mỗi hố có ghi thẻ tre, đánh dấu ngày sinh, giờ của từng loại rùa. Người chủ lều trại cho biết hiện nay Trại ấp trứng của hòn Bảy Cạnh, ấp được 8000 trứng rùa. Bình quân Rùa đẻ trên cát, thì khoảng 56 ngày thì trứng nở ra rùa con, nếu để thiên nhiên can thiệp thì Trứng Rùa sẽ bị kỳ đà hay loại chuột bọ đào sới ăn gần hết, rồi ổ trứng bị móc đất đi, sáng ngày nắng nóng thì hư thêm nhiều nữa.Có ổ bị hư gần 95 %. Nay có sự can thiệp của Quỹ World Wuild Fund thì có người đến bảo vệ trứng, ấp trứng... nên mỗi con rùa đẻ thì được chỉ tiêu 90% tốt hết.

Có khi thủy triều tràn vào, làm ngập úng hết tất cả trứng thì hư hoàn toàn 100%. Số người canh chừng rùa đẻ, họ làm việc rất vất vả khi vào mùa rùa đẻ rộ lên nhiều hơn năm rồi. Lương căn bản họ còn được thêm lương làm ca đêm do tỉnh cấp bồi dưỡng là $500 ngàn đồng bạc Việtnam. Có người làm việc tại đảo hoang nhỏ, chừng 2 năm thì được điều về thị xã Côn Đảo hay về đất liền. Nhưng có người yêu nghề họ ở đến 5 năm rồi. Có loại rùa thuộc loại lão nương, nặng đến trên 100 kg, rất tinh khôn. Nếu nghe tiếng động thì nó nín đẻ, rồi bơi xuống biển mất. Một anh chàng trẻ canh chừng ổ rùa tiếc rẻ nó: "Thôi chờ ngày mai nó sẽ lên đẻ tiếp". Các loại rùa biển này chỉ đẻ vào ban đêm, mỗi mùa đẻ từ 3 - 5 lần, mỗi lần khoảng 100 trứng. Lịch rùa đẻ là từ tháng 4 Dương Lịch, tức lá bắt đầu vào mùa mưa, rồi kéo dài đến tháng 10. Trung bình bãi đẻ, mỗi đêm có chừng 10 chị rùa bò tới. Họ nhớ vào năm 1997 khoảng tháng 6 mùa hè, bãi đẻ của Rùa đông nghịt, khoảng 34 con, không còn chỗ để mà lâm sàng, nên các chị đành xuống biển, đợi ngày mai vậy. Từ trại giống ấp trứng, người ta thấy rùa bắt đầu moi đất mà chui ra. Rùa nhỏ bằng nửa bàn tay con nít, tay chân đập loạn xạ, hình như có con chưa mở xong mắt nhưng tất cả đều hướng về biển khơi mà cất bước chập choạng đi ra. Thì lúc này người giữ trại ấp trứng Rùa phải tìm cách xua đuổi đàn chim hải âu phi xứ đang lao đầu từ trên không trung nhào xuống, gắp những miếng mồi tươi ngọt dưới bãi biển. Nhiều loại chim ham ăn, ăn nhiều rùa con quá, bay hết muốn nổi đành đi bộ nghỉ khỏe vậy.

Thấy những chú rùa hướng về biển khơi theo di truyền tính mà lòng ta không khỏi xúc động. Các chú rùa con đâu có biết dưới biển khơi, một màu đen như mực đang có nhiều con cá đang chờ những con rùa nhỏ mà ăn tươi nuốt sống. Còn trên bãi biển chúng ta thấy một sự hoang vắng lạ thường. Rùa đã ra khơi, sóng biển rạt rào trong lòng người.

Có anh thành thật kể, ngày làm việc đầu tiên tại trạm cứu hộ rùa biển, tay nâng niu từng con rùa nhỏ mà tay chân nó đang quơ quào như chạy bằng pin điện vậy, thả từ từ nó xuống biển, có con lội thêm một vòng như chào ly biệt vậy. Rồi mất dấu ngút ngàn ngoài khơi... thì nước mắt tôi tự dưng ứa ra không cầm được. Nhưng không có ai cười vì hoang đảo mà. Dân Việt chúng ta ít ai thích ăn Rùa biển, nhưng dân Nhật và Trung quốc, Đài Loan họ rất thích ăn Rùa biển, bởi vậy tại Đài Loan hay vùng những đảo nhỏ, không còn nhiều Rùa vào đẻ nữa.

Có một điều kỳ lạ về Rùa đẻ. Tại Hoakỳ, Đại học Florida người ta làm một thí nghiệm như sau: khi rùa đẻ vừa xong, chôn lấp trứng, thì người ta đem tất cả trứng này vào thùng rồi người ta bay sang Texas, đem trứng rùa còn tươi chôn xuống bãi biển Texas, người ta làm dấu từng con bằng cách bấm thẻ bài vào lưng rùa mới nở. Rùa xuống biển Texas. Nhưng khi sanh đẻ thì người ta thấy nó trở về lại bãi biển Florida. Thì người ta đưa giả thuyết là khi được chôn lấp tại bãi biển Florida, thì trứng rùa đã cảm nhận được nơi nào là quê hương chào đời rồi, bởi một cái gì mà người ta chưa hiểu được. Tại từ trường Florida khác từ trường Texas, hay tại mùi nước biển Florida có chất khác mùi nước biển tại Texas? Chưa ai giải mã được chuyện này. Nhưng còn chúng ta thì sao? Chúng tôi một lần mất quê hương, lòng đau đớn không nguôi. Nhưng còn những người ngoài Bắc, khi di cư vào Nam vào năm 1954, họ mất quê hương yêu dấu một lần. Rồi bỏ nước ra đi nơi xứ lạ quê người... Họ mất 2 lần quê hương. Dĩ nhiên lòng họ vạn niềm đau hơn. Rùa biển hỡi rùa biển, nhà ngươi còn có quê hương để về. Còn ta làm sao đây. Một bụm nước biển tại Hungtington Beach của California mùi nước mặn rất khác xa nước biển mặn của bãi biển Hà Tiên của chúng tôi. Nơi đây không có dừa, nơi kia thì có dừa. Uống nước dừa hay nước mắt quê hương?

Sagant Phan

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002