Đại Chúng số 81 - phát hành ngày 1/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Truyện ngắn1

ĐÀN CHIM VỀ

Việt Dương Nhân

Căn nhà nho nhỏ, có gác suốt, vách ván, mái lợp tôn, sàn nhà lót gạch bông, có sân nhỏ, trán xi-măng, cỡ chừng bốn năm thước vuông, nằm trong hẻm khá rộng, cuối đường Hưng-Phú gần lò heo Chánh-Hưng, thuộc quận 8 (Sài-gòn), do bà góa phụ Nguyễn Quốc-Việt làm chủ. Nơi căn nhà này, bà Việt sống một mình gần bốn mươi năm qua. Tuổi bà đã hơn tám mươi mà tâm trí vẫn còn sáng suốt, da mặt không nhăn nheo và cũng không trỗ đồi mồi. Nhưng đi đứng thì có phần chậm chạp, đôi mắt hơi yếu, răng rụng sạch bách, đầu cạo trọc lốc, ăn mặc như mấy bà vãi tu ở trong chùa. Nhưng bà không chay trường, mà chỉ ăn chay tám ngày mỗi tháng thôi. Đêm đêm bà hay tụng và nghe Kinh Phật trước khi đi ngủ. Hôm nay bà Việt vui lắm. Vì có Quê, đứa con gái út từ bên Pháp trở về thăm sau hơn hai mươi lăm năm ly quốc. Tuy Quê là con gái út, nhưng nàng đã hơn năm mươi tuổi đời!

Đầu tháng sáu bước sang mùa mưa, Sàigòn vẫn còn oi bức, thỉnh thoảng những cơn mưa trút xuống như thác đổ, nhiệt độ liền hạ thấp nghe mát lạnh. Chiều nay một cơn mưa lớn vừa dứt, thì hơi nóng bốc khói từ mặt đất lên làm nóng hầm trở lại. Bà Việt đang nằm trên chiếc ghế mây dài kề bên chiếc quạt máy cũ xì, bà thò bàn tay già nua gầy ốm bấm nút, tiếng chong chóng của chiếc quạt quay nghe lọc cọc, lạch cạch và xoay qua xoay lại, bà đứng dậy nhìn ngoài sân còn vài giọt mưa nhỏ xuống từ trên mái nhà, bà thở ra và hỏi Quê:

- Ở bên Tây có mưa lớn như vầy không vậy con?

- Dạ, ít khi lắm, chỉ có mưa phùn thôi má à!

- Rồi ruộng nương họ cày cấy làm sao?

- Ở bên ấy cái gì người ta cũng dùng bằng máy. Họ không có cấy mà chỉ rải hột thóc thôi. Còn nước, thì họ có những ống dẫn nước từ giếng hoặc rạch, kinh đào và những con sông lớn...

Bà Việt đi lại ngồi bên cạnh con gái:

- Hai mươi mấy năm trời con mới trở về! Còn hai anh của bây, thì không biết bao giờ mới trở lại thăm má?

- Anh Nam có viết thơ cho con. Còn anh Bắc thì điện thoại nói với con: thế nào các anh cũng sẽ về đây một lần để thăm má và quê hương. À! Anh Trung và chị Hương có lên thăm má thường không?

- Ít khi lắm! Mà má nghe đâu vợ chồng thằng Trung đang ly dị gì đó. Còn con Hương thỉnh thoảng mới lên đâ. Cũng may, nó sống êm đềm với chồng con của nó. Má chỉ rầu nhứt là việc gia đình anh Ba con thôi.

- Vợ chồng anh Ba đã già rồi mà còn ly dị?

- Thằng Trung, dường như nó mắc chứng bệnh thần kinh!

- Trời ơi! Có nặng không má ? Mà sao chị Ba chỉ muốn ly dị, chỉ ác quá vậy? Sao má không khuyên cản?

- Má đâu có quyền hành gì mà xía vô chuyện gia đình của tụi nó. Tại thằng Trung bị bệnh ấy, lâu lâu nó nhậu say, rồi lên cơn là đánh vợ.  Ôi, khổ lắm con ơi!

- Rồi mấy đứa con của ảnh?

- Đứa nào cũng lớn, có gia đình ra ở riêng hết rồi. Cũng may là có hai đứa.

- Chị Hương cũng có hai đứa phải không má?

- Ờ... Nè, ở bên Tây con làm cái gì?

Quê nghe mẹ hỏi, nàng nín thinh đôi mắt hiện lên nét buồn. Quê nhìn ra cửa sổ giả đò không nghe... mà tâm hồn nàng như gởi tận đâu đâu...

Bà Việt hỏi lại... Quê giựt mình:

- Dạ... Dạ, con chạy bàn nhà hàng!

- Má thấy trong mấy tấm hình con chụp trên tuyết gởi về, thì chắc là ở bên Tây trời lạnh lắm phải không con?

- Dạ, những hình đó là con chụp lúc mùa đông. Nhưng tới khoảng tháng tư tháng năm là ấm trở lại. Rồi đến tháng sáu tháng bảy thì có khi cũng nóng lắm má à!

- Con làm có cực nhọc lắm không? Tiền lương có khá hôn?

- Dạ, cũng không cực lắm. Tiền lương cũng được được đủ sống!

- Hổng biết anh Hai con ở bên Úc làm nghề gì. Còn anh Tư bây sống như thế nàoábên Mỹ, mà khi viết thơ cho má, tụi nó chỉ hỏi thăm má chớ không có nói làm gì hết?

- Mấy anh có gởi tiền về cho má không?

- Chỉ có một mình con nuôi má từ hồi nào tới giờ, chớ có đứa nào lo đâu!

Quê bào chửa cho các anh :

- Chắc tại vì các anh con chưa ổn định cuộc sống bên ấy đó má à! Bởi vì còn lo cho vợ con của mấy anh nữa. Mà má đâu có thiếu hụt gì.

- Nói, thì má nói vậy thôi. Chớ nội tiền của con gởi cho má ăn xài còn dư nữa là khác. Nhưng má buồn lắm con à!

- Má buồn gì má?

- Buồn vì... thằng Bắc, thằng Nam, tụi nó còn thù anh Trung mầy!

- Thù! Há, nối giáo cho giặc vào nhà gây đầy tội ác ! Nhưng má cũng quá lo lắng làm gì. Không phải chỉ có gia đình mình gặp cảnh ấy đâu má ơi! Theo con nghĩ, chắc là anh Trung ảnh giả điên đó má!

- Giả điên! Tại vì sao mà con nghĩ nó giả điên?

- Thì ảnh bị thất vọng. Vì tưởng đâu theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là ngon, là có công lớn với đất-nước... Ai dè, sau khi đó thì... thì bị họ trở mặt, dẹp ảnh qua một bên. Ảnh lầm, mà... cả miền Nam lẫn miền Bắc cũng lầm, chớ không phải một mình anh Trung lầm đâu! ... Con có nghe phong phanh, là bác Quốc-Giang từ ngoài Bắc trở về. Ông đi họp, rồi nóng mũi đứng lên phát biểu ý kiến gì đó. Sau đó, họ cho đi vào đại-học ba tháng để cảnh cáo, rồi cho bác về hưu luôn. Cũng may là bác đi Kháng-Chiến từ năm 1945 với ba con, nên họ nương tay... Nếu ba con còn sống, thì chắc chắn cũng vào chung tình trạng của bác Giang rồi. Còn bác Quốc-Sơn là Đại-Tá Công-Binh trong Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, sau mười lăm năm bị họ bắt đi cải-tạo, đến khi tụi nó thấy bác Quốc Sơn sắp rã xương, tụi nó mới thả bác ra, và cho bác đi đoàn tụ gia đình bên Pháp. Vừa qua tới Tây, bác được vô nhà thương trị bệnh liền. Nhưng chỉ có mười lăm ngày sau là bác Quốc-Sơn chết.

Bà Việt thở ra:

- Thật tội nghiệp cho bác Quốc-Sơn bây. Ảnh học bên Tây thành kỹ-sư cầu cống. Rồi về giúp nước hồi năm 1952. Ảnh nhân từ, hiền hậu và học giỏi lắm. Hứ hự! Còn ba bây hồi đó, ổng đi Việt Minh chống Pháp, rồi có mấy năm sau là ổng đền nợ nước. Còn má... thì má...

Nói đến đây bà Việt cảm động, nước mắt tuôn ra. Quê thấy vậy vội đi lấy khăn chậm nước mắt cho mẹ, và nói:

- M! Má buồn làm gì. Rủi má bệnh là khổ cho tụi con đó!

- Khổ cho con là đúng hơn! Chớ mấy đứa kia tụi nó có đếm xỉa gì đến má đâu! Con là con gái út, mà phải gánh hết gia đình từ hồi nào đến giờ. Con có giận má không?

- Trời ơi! Sao má hỏi con gì kỳ vậy? Mấy chục năm rồi, con vẫn là con của má mà!

- Bởi khi ba con chết, má không làm tròn phận mẹ...

- Má! Má nhắc làm chi chuyện...đó. Má hãy cho vào dĩ vãng và xóa bỏ đi má ơi!

- Làm sao má quên được sự bồng bột của má.

- Khi ba con chết, lúc đó má còn trẻ măng mà.

- Nhưng má không tròn bổn phận với các con.

- Làm người có ai mà "Thập-Toàn" đâu má! ... Nếu má nhắc hoài là má làm con buồn đó.

Bà Việt liền đứng dậy :

- Thôi, tối rồi. Đi nấu cơm ăn con ơi! Má hứa sẽ không nhắc nữa.

Ăn cơm xong, Quê nghĩ mệt đến tối nàng hỏi bà Việt:

- Má ơi! Sáng mai mình về Tân Nhựt thăm gia đình anh Trung và chị Hương nghe má?

Bà Việt suy nghĩ, rồi nói:

- Chắc là má không đi, con có đi thì đi một mình...

- Sao vậy má?

- Má không thích về đó. Vì... vì... Thôi con đừng hỏi vì sao mà má không về.

- Má không thích thì con cũng không ép. Vậy để vài ngày nữa con về cũng chẳng muộn màng gì.

* * *

Mấy ngày sau, sáng sớm Quê lấy xích-lô qua Chợ-Lớn-Mới mua năm sáu con vịt quay và cả chục ổ bánh mì, leo lên xe đò về Chợ-Đệm. Đến Chợ-Đệm, Quê quá giang ghe hàng đi tắt về làng Tân-Nhựt, thuộc quận Bình-Chánh (Sài-gòn).

Quê ngồi trên chiếc ghe tam-bảng có gắn máy (đuôi vịt) chạy ạch-ạch nhẹ nhàng lướt sóng trên dòng sông nước trong vắt. Thỉnh thoảng có vài chiếc ghe khác chạy ngược chiều, họ vẫy tay chào nhau. Sau đó, chiếc ghe rẻ vào con rạch nhỏ, dọc hai bên bờ sông có nhiều cây bầng, những đám dừa nước, nhiều bụi ô-rô... rồi cặp vô bến nhỏ. Trên ghe có cả chục người đàn ông lẫn đàn bà. Họ là những người đi buôn bán, nhưá; rau cải, trái cây, tôm tép, cá mắm, heo, gà, vịt v.v... Khi họ trở về thì những chạc, rổ, thúng, cần xé, vóng gánh đều trống không. Họ lần lượt bước lên chiếc cầu ván vào bờ, rồi chào nhau đi về. Quê cũng theo chân họ. Nhưng nàng đợi mọi người đi hết, nàng chờ người chủ ghe cột dây xong để nói cám ơn và nhét vô tay ông ta tờ giấy năm chục ngàn đồng. Ông chủ ghe tươi cười:

- Dạ, cám ơn bà. Bà đưa tôi xách phụ cho. Có phải bà là Việt-Kiều ở bên Tây mới về, là em của anh Ba Trung và chị Năm Hương phải không?

- Dạ, phải! Anh có quen anh chị tôi. Sao hồi đó tôi không biết anh cà?

- Hồi đó, tôi ở trên Sài-gòn.

- Hèn chi mà tôi không gặp anh.

- Thời cuộc biến đổi... Những năm, sau khi tôi bị đi học tập được trở về. Gia đình tôi mới đến đây lập nghiệp...

Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Người chủ ghe nói tiếp:

- Hơn hai mươi năm trước, ba má tôi có quen biết một gia đình ở làng này. Họ có đất muốn bán. Ba má tôi thấy rẻ, nên mua cho tôi để cất nhà và trồng trọt mà sinh sống. Vì ở trên Sài-gòn dạo ấy tình hình phức tạp lắm... Ở ngoại quốc chắc bà có nghe tin tức và hiểu... mà. Mấy năm nay Họ dễ giải một chút xíu, tôi mới mua chiếc ghe tam-bảng này để chở bà con ra chợ buôn bán sống qua ngày, để chờ...

- Chờ ngày quật-khởi hén? Hồi đó anh có đi lính Cộng-Hòa hả?

- Dạ, có, mà chỉ cấp Hạ-Sĩ-Quan. Nên đi học tập có hai năm thôi.

- Cũng may cho anh... Tôi có hai người anh đi lính Biệt-Kích-Dù. Nên vượt biển trong những ngày nóng bỏng cuối tháng tư năm ấy. Dạo đó. anh không có tính đi vượt biển sao?

- Có chớ! Đi mấy lần, mà lần nào cũng bị bắt, rồi bị người ta gạt hết tiền hết bạc...Ôi thôi, lúc đó biết bao chuyện ly kỳ rùng rợn, kể sao cho xiết bà ơi!

- À, này! Theo anh thấy tình hình và dân chúng ra sao không?

- Nói nhỏ với bà. Sự thật, nếu ai mà dũng cảm và được uy tính mà đứng lên cầm đầu nổi dậy. Thì chắc chắn là toàn dân sẽ cùng đứng lên một lượt là xong chuyện liền đó bà ơi! Nhưng trước sau gì tụi nó cũng tiêu hà...

Quê nghe thế, nàng gật và rất đắc ý, quay qua hỏi người chủ ghe:

- Chắc anh quen thân với anh Ba tôi lắm phải không?

- Dạ, tôi quen chút chút thôi. Vì gia đình anh Ba Trung là gia đình Cách-Mạng.

Trên gương mặt Quê không mấy bằng lòng, nàng nói nhanh:

- Cách-Mạng khỉ khô gì, ảnh là loại nằm vùng, là Bộ-Đội 30. Hồi Sàigòn mới mất, ảnh mới lòi mặt ra. Mấy ngày sau tôi vọt về đây nắm cổ ảnh. Ảnh năn nỉ thiếu điều lạy tôi. Vì ảnh đã thấy bộ mặt của tụi nó thò lò ra rồi. Ảnh biểu tôi lo đi Pháp mau mau.

- Cũng may là chị đi sớm. Chớ một năm sau đó thì nó lùa dân chúng đi Kinh-tế mới quá trời!

- Tôi có nghe chuyện ấy. Chắc anh đến nhà anh tôi chơi thường nên anh mới biết là anh tôi có người nhà ở ngoại quốc?

Người chủ ghe lắc đầu:

- Ít khi lắm. Nhưng người cùng trong làng, gia đình ai có người ra được ngoại quốc thì cả làng biết hết. Tôi thấy bà là tôi nghi liền. Nhưng vì có đông người nên tôi không tiện hỏi chuyện với bà được.

Quê quay sang nói chuyện khác:

- Chắc anh nhỏ hơn tôi?

- Cũng có thể. Tôi được bốn mươi chín tuổi!

- Vậy à, tôi lớn hơn anh. Vì tôi đã ngoài năm mươi tuổi rồi. Anh gọi tôi bằng chị đi, đừng kêu tôi bằng bà nữa...

- Nếu chị cho phép.

- À, nhà anh ở xóm nào?

- Nhà tôi ở phía bên xóm Cầu-Tre, cách đây cũng không xa lắm. Chị về đây chơi, rồi chừng nào chị đi?

- Về đây, thì chắc mai tôi trở lên Sài-gòn. Còn trở lại Pháp thì cỡ mười ngày nữa. À, ghe anh có ra Chợ-Đệm sáng mai không?

- Không!

Ánh mắt của Quê có vẻ băn khoăn, người chủ ghe nói tiếp:

- Cách hai ngày tôi mới đi một chuyến. Nếu chị muốn, thì sáng mai tôi lấy xuồng nhỏ đưa chị ra chợ cũng được.

- Thôi, để tôi tính lại. Nói chuyện với anh nãy giờ mà tôi quên hỏi anh tên gì?

- Tôi tên Đình! Còn chị, là Út Quê phải hôn?

- Sao anh biết hay quá vậy?

- Tôi có nghe chị Năm Hương nhắc tên chị.

Đến ngõ vô nhà của Ba Trung, Quê nói:

- Thôi, tôi vô nhà nha. Chút chiều, nếu anh có rảnh thì qua nhậu với anh tôi.

- Để tôi xách đồ vô tới sân cho chị.

- Khỏi, đâu có gì nặng, anh đưa tôi xách được rồi. Có gì, anh nhớ chiều chiều ghé qua nha!

- Dạ, cám ơn chị. Để tôi coi, chớ tôi không dám hứa. Chào chị!

Từ cửa ngõ đi vào nhà, Quê ngắm nghía hai bên, có mấy gốc bông giấy và bông bụp, bên tay trái có cái đìa với đám dừa nước lưa thưa, hai ba cây bình bát nhiều trái còn xanh lè lòng thòng dựa mé đìa, bầy vịt xiêm tơ kêu cạp-cạp đang bơi lội dưới ao. Trước cửa nhà có cái sân tráng xi-măng, căn nhà ngói đỏ cũ kỹ rêu xanh trên nốc, xây cất kiểu bánh ếch xưa rít. Ngoài vườn có hai ba tảng đá ong khá lớn nằm ngả nghiêng bên cạnh gốc cây vú sữa tím. Trong vườn khá rộng, có thêm các loại cây ăn trái, như khế, ổi, cam, quít, mít v.v... Những cây cối đều già cằn cỗi, cỏ mọc tứ tung. Bởi thiếu sự chăm sóc của gia chủ. Từ trong nhà có bóng người bước ra cửa và la lên:

- Út Quê! Trời ơi! Mầy đó hả Út Quê?

Quê tươi cười:

- Dạ, thưa anh Ba, anh khỏe hôn?

Ông Ba Trung, khoảng sáu mươi tuổi, vốc dáng ốm nhom, ốm nhách và cao khều khệu, nước da hơi đậm, tóc bạc trắng và cắt ngắn ngủn, gương mặt xương xương hơi dài, ông ở trần trùi trụi, chỉ mặc chiếc quần xà lỏn đen. Ông đi ra đưa tay xách phụ mấy giỏ đồ, vừa đi vô nhà, vừa hỏi Quê:

- Tao có nghe má nói là năm tới mầy mới về mà. Mầy về được mấy bữa rồi?

Quê để tất cả đồ trên bộ ván gỗ nhỏ. Rồi nhìn dáo dác, trả lời và hỏi :

- Dạ, em về được ba bữa nay. Ủa, chị Ba đâu rồi, sao em không thấy?

- Chị Ba mầy, nó giận tao nên đi qua bên nhà vợ chồng thằng Triều ở hỗm rày.

- Chút nữa, anh qua bễn gọi chỉ với vợ chồng cháu Triều và cháu Đại về đây đi. Em đã nghe má kể sơ sơ về chuyện gia đình anh rồi. Tối ngày anh cứ uống rượu say sưa, rồi đánh vợ. Nên bị người ta bắt nhốt anh trong nhà thương điên mấy lần phải không?

- Đánh đâu mà đánh. Tại chị Ba mầy, nó chửi tao là thằng Việt-Cộng hết thời. Thằng Bộ-Đội-30 mất thế hoài. Ai chịu cho nỗi. Nên đôi khi tao nổi điên lên đó... Chớ... chớ... tao nào muốn đánh vợ bao giờ!

- Chị Ba nói như vậy thì có sai chỗ nào đâu? Anh có thấy anh hết thời, mất thế không? Sự thật phũ phàng là như vậy, thì anh cứ nhận đi, mắc gì phải đánh vợ. Anh có biết, đàn ông mà đánh đàn bà là vũ-phu không?

- Thôi, bữa nay có mầy về là ngày vui, đừng có nhắc tới chuyện đó nữa. À, má vẫn khỏe hả Quê? Mà sao mầy không mời má về đây chơi?

- Cha, anh muốn chạy tội hén! Mai mốt anh Nam và anh Bắc trở về, là anh hết chối. Nói chơi với anh, chớ anh em của tụi em sống trên mấy xứ Tự-Do, Dân-Chủ. Tụi em không có bắt bẻ hay hỏi tội anh đâu. Nhưng anh cũng phải làm cái gì để lấy công chuộc tội chứ?

- Thì tao cũng theo dõi tình hình. Nếu có gì hay hay là kêu gọi dân chúng đồng đứng lên chung. Và tao hy vọng sẽ có được thật sự Dân-Chủ, Tự-Do sau này. Mầy cũng biết quá rồi. Toàn dân Việt Nam, ai mà không mong muốn và khát khao có được những thứ đó.

- Ừa, ráng đi nha. Ở Hải-Ngoại người ta cũng ủng hộ trong này lắm đó... À, về má, thì em có hỏi. Nhưng má không chịu đi.

- Má không chịu về đây. Tại vì má khó tánh quá!

- Khó cái gì? Tại má sống một mình mấy chục năm, nên má quen rồi. Em nghĩ, là má không ưa... dâu và rễ. Thôi, để cho má yên ở trên Sài-gòn. Nhưng anh sẽ chờ xem, chừng nào có anh Nam về là ảnh nói cái gì má cũng chịu hết.

- Tao biết mà, anh Nam là con trai trưởng, nên má cưng nhứt nhà.

Quê cười cười:

- Còn em, thì con út. Người đời thường nói: Giàu Út ăn, nghèo Út chịu, nên em lãnh hết... từ khi gia đình mình suy sụp. Nhưng em hy vọng rồi đây tất cả sẽ thay đổi. Mình ráng làm sao cho má vui là đủ rồi.

- Thôi, mầy đi rửa mặt hay ra đàng sau tắm đi. Để tao chạy qua cho mẹ con thằng Triều, thằng Đại hay và bảo tụi nó kéo về đây gặp cô nó.

- Nè, anh bảo đứa nào đó chạy tạt qua nhà chị Năm cho chỉ hay luôn nghe. Nói là có em về, chút chiều vợ chồng chỉ với mấy đứa nhỏ qua đây ăn chung luôn.

* * *

Các anh chị và mấy đứa cháu của Quê về tề tựu cùng ăn uống chung, tất cả đều vui vẻ. Qua ngày sau, Quê đi thăm hỏi mấy nhà bà con và lối xóm. Quê ở lại nhà ông Ba Trung hai ngày. Qua sáng thứ ba, Quê quá giang ghe của Đình ra Chợ-Đệm để lấy xe đò trở lên Sài-Gòn.

Gặp lại mẹ, Quê kể sơ sài là gặp tất cả hai gia đình anh Ba Trung và chị Năm Hương cho mẹ nghe. Trên gương mặt bà Việt rất là vui. Rồi bà sực nhớ, miệng tươi cười đưa hết hai cái nứu không còn cái răng nào, bàákéo học tủ lấy lá thư và nói:

- Chút xíu nữa má quên mất. Hôm qua má có nhận thư của thằng Nam bên Úc nè. Con đọc coi nó nói cái gì?

- Vậy hả má? Đưa đây, đưa đây con đọc cho.

Quê mừng rỡ, liền mở thư ra đọcálớn lên cho mẹ nghe :

Sydney, ngày... tháng... năm...

Má kính thương của con,

Trước hết, con kính thăm má và mong má được khỏe mạnh. Con có nghe Quê nó về Việt Nam trong tháng này. Vậy nó về tới chưa? Còn riêng con và thằng Bắc đã hẹn nhau rồi, là tụi con sẽ cố gắng kéo về ăn Tết vào năm tới với má. Nếu con Quê có mặt đó thì má nhớ nói với nó, là ráng Tết tới trở về gặp tụi con luôn. Con và vợ con cùng hai cháu của má tất cả đều bình yên, khỏe mạnh.

Vài hàng thăm má. Con kính chúc má được vạn sự an lành.

Con trai của má

Quốc Nam

 

Bà Việt nghe xong những lời trong thư người con trai trưởng gởi về, bà mừng và cảm động đến rơi lệ. Bà đi tới ôm Quê và nói:

- Các anh con Tết tới sẽ về. Vậy con cũng ráng mà về cho cả gia đình xum họp một lần. Rồi sau đó, má có theo ông theo bà, má cũng mãn nguyện nghe con.

- Con đọc thư anh Nam, con cũng nghe mừng lắm. Chắc chắn là con phải ráng về rồi. Chuyện khó có, mà sẽ thành sự thật. Chúng con là những cánh chim về tổ, mà cũng là món quà xuân chúng con sẽ tặng cho má ba ngày Tết. Con hy vọng, thế kỷ 21... quê hương mình sẽ được Dân-Chủ, Tự-Do, và đầy đủ quyền làm người đó má à!

Bà Việt gật gật đầu và nói:

- Má cầu mong như vậy!

Bà Việt cũng đồng ý với Quê. Bà tươi cười sung sướng. Bà từ từ đứng lên đốt ba nén nhang xá xá, rồi cấm vào lư hương trên bàn thờ Phật. Miệng bà lẩm nhẩm khấn vái :

Nguyện cầu Nhân-Loại nhất tình

Cùng nhau xây dựng Hòa-Bình từ đây

Thế-kỷ hai mươi mốt nàyá,

Mong toàn thế-giới đượm đầy thương yêu.

Việt Dương Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002