Đại Chúng số 82 - phát hành ngày 15/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


LÁ THƯ TOÀ SOẠN

Mùa hè đã trôi qua và năm học mới lại bắt đầu từ ngày 4-9, mùa thu đã đến sớm hơn mọi năm và đất trời mây vần vũ, u ám hơn. Những tia nắng hè đã dịu lại và những cơn mưa thu cũng bắt đầu rơi lất phất về đêm. Tất cả trường học khắp nơi trên toàn quốc đều mở cửa chào đón năm học mới. Các thầy cô giáo bận rộn đón học sinh và các em hớn hở, sung sướng trở lại trường. Chúng ta luôn mơ ước tiếng súng không bao giờ còn nổ trong sân trường để tuổi thơ được sống vô tư, hồn nhiên, hạnh phúc dưới mái trường thân yêu.

Trong số báo hôm nay, chúng tôi xin được giới thiệu đến quý độc giả bài thơ "Ngày Tháng Khó Quên" của nhà thơ Hà Thượng Nhân. Tác giả đang hoài niệm về những kỷ niệm xa xưa với "...Những chiều mưa gió thê lương, Nhớ vô cùng nhớ con đường vào Nam...", nhà thơ vẫn không quên tà áo thướt tha của người con gái, giọng ca thiết tha, nức nở của ca sĩ Thanh Thuý, Khánh Ly, nhớ Sài gòn yêu dấu... Những kỹ niệm xa xưa đó nay còn đâu? Nhìn lại thời gian đã thấy bạc đầu và cuối cùng tác giả tự hỏi "...Uy quyền hay chính tình thương nồng nàn...". Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích gởi mối sầu ly hương vào bài thơ "Ra Đi". Tác giả mượn men rượu nồng để quên đi kiếp sống tha nhân. Cuộc chiến tranh hình như còn vương vấn đâu đây trong tâm hồn tác giả, để những kỹ niệm thời quân ngũ hiện về biết bao đau thương, mất mát. Nhà thơ cất tiếng thở dài "...Bạn tù dăm đứa vùi thây lại, Chiến hữu bao người mất xác đi!...". Và nhìn kia, đất mẹ thanh bình không tiếng súng nhưng máu vẫn chan hoà thời bĩ cực, cảnh hàn vi, đói rét vẫn còn kia. Nhà thơ đã mơ ước ngày mai đàn chim Việt tụ về để chung một tổ ấm trên quê hương yêu dấu trong bài thơ thứ hai "Tụ Đàn". Đôi khi con người muốn biến thành dòng thác đổ để gieo mình xuống sườn núi, trôi ra ao, hồ, sông và biển cả. Dù vật đổi sao dời, dòng nước kia vẫn tràn đầy, tuôn chảy, vẫn thuỷ chung muôn đời để gạn đục khơi trong. Nhà thơ Hoàng Huy đã nhân cách hoá dòng thác đổ chính là tấm lòng chung thuỷ son sắc của ông đối với nước non qua bài thơ "Ta Là Ai?".

Trong mục Đàn Ngang Cung, Lý Thu sẽ giới thiệu đến quý vị bài thơ chua "Mặc Xác Trò Đời" của Nghịch Nhĩ. Nhà thơ chua Nghịch Nhĩ xem "...trò đời hay dở mặc ai ai...". Bởi nhà thơ biết cái thân phận mình bất tài vô tướng chỉ biết làm thơ, nên nhìn thế sự đổi trắng thay đen như một giấc chiêm bao. Đàn Ngang Cung có thêm một người bạn mới đó là Chính Hà (Sài Gòn). Chính Hà đã tự giới thiệu mình với độc giả bốn phương bằng bài thơ "Tự Vịnh": "Tám sáu, xem chừng vẫn chịu chơi. Thân bằng ca ngợi tính yêu đời...". Nhà thơ Trình Xuyên cũng hoạ theo: "Tám mốt, năm thêm đẹp tuổi đời. Vẫn trà, vẫn rượu, vẫn rong chơi...". Như vậy chứng tỏ, càng già càng gân, vẫn biết mần thơ, chọc gái..như ai. Dù "có ham vui" cở nào đi nữa thì các ông về nhà cũng trọn đạo thờ bà "...Sợ vợ còn hơn cả sợ trời!". Cám ơn sự góp mặt của Lý Thu, Nghịch Nhỉ, Chính Hà, Trình Xuyên trong Đàn Ngang Cung.

Nhân ngày lễ Vu Lan, ĐC cũng nhận được bài thơ "Đời Cha Tôi" của Mây Buồn và bài thơ "Hoa Hồng Dâng Mẹ" của Thương Việt Nhân. Hai bài thơ nói lên lòng thương nhớ, kính yêu cha mẹ và sự hy sinh vô bờ của đấng sinh thành.

Nhà thơ Việt Dương Nhân thân mến, TBĐC rất cảm ơn sự cộng tác của nhà thơ. Rất mong một ngày đẹp trời chúng ta có dịp gặp gỡ để trao đổi tâm tình. Chúc nhà thơ nhiều thành công trong sáng tác.

Trong số báo vừa qua, cụ Mộng Tuyền Nữ sĩ đã trả lời thơ ông Văn An Thomas Ave. St. Paul MN.55104; ông Phan Thành Cao West Covina; Cháu Vũ Quí Đông, cháu Lê Văn Hồ Quang Westminter CA.; ông Hồ Hữu Đồng Brookhurst Westminster CA.; cháu Vũ Quốc Bảo Maryland và ông Vũ Khắc Lê Thuỳ Mc.Laughling San Jose. Trong số báo tuần nầy, cụ Mộng Tuyền nữ sĩ trả lời thơ cụ Vũ Quốc Hanh Bender TX.77338; cô Trần Hải Thuỵ Westminster Orange County; cụ Hàn Tường Nguyên LA.(CA); cô Ngô Thuỵ Long MO. TBĐC xin chân thành cảm tạ cụ Mộng Tuyền nữ sĩ, cùng toàn thể quí độc giả đã theo dõi mục 1001 Chuyện Nhớ Quên.

Ông vua "không ngôi" 24 giờ- Dương Văn Minh lúc còn sinh thời đã tạo nên nhiều sôi động trên chính trường MNVN, bây giờ khi ông Dương Văn Minh nằm xuống cũng tạo ra những nguồn dư luận sôi nỗi khắp nơi. Người xưa nói không sai "cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Vậy tiếng xấu hay tốt sẽ tuỳ thuộc vào những hành vi, việc làm của chúng ta. Sống làm sao để rồi "trăm năm bia đá dẫu mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Hôm nay, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến quí độc giả bài viết thứ hai của nhà báo Đặng Văn Nhâm "Sau Khi Đã Đến Pháp Tị Nạn, Cựu Đại Tướng Tổng Thống Nằm Vùng Dương Văn Minh Vẫn Còn Thèm Khát Danh Vọng, Muốn Về VN Phục Vụ Chế Độ C.S!".

Cùng lúc ấy, TBĐC cũng nhận được bài "Dương Văn Minh Và Lệnh Đầu Hàng" của nhà báo Tú Gàn. Chúng tôi thành thật cảm ơn sự cộng tác của Tú Gàn.

Nhà báo Mạc Kinh kính mến, những bài viết vừa qua dù là những tài liệu nghiên cứu, sưu tầm nhưng đã hấp dẫn và tạo sự thích thú cho người đọc. TBĐC vô cùng cảm tạ sự giúp đỡ tận tâm của nhà báo. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài "Du Khách Và Biển Cả" của nhà báo Mạc Kinh. Qua bài viết nầy, chúng ta sẽ có ý thức được việc bảo vệ biển là công việc hết sức hệ trọng. Việc bảo vệ môi sinh cho biển cả không phải chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà còn là trách nhiệm của mỗi người chúng ta.

Thân ái chào bạn Hoàng Trọng Thuỵ, cảm ơn những dòng thư ngắn bạn gởi cho ông chủ nhiệm Hoài Thanh. Nhận được bài viết của bạn gởi sang, chúng tôi rất vui. Hy vọng một ngày không xa lắm chúng ta sẽ gặp nhau. TBĐC cũng xin giới thiệu đến bạn đọc bốn phương bài "Hãy Dành Một Ít Thời Gian Để Nghỉ Ngơi" của Hoàng Trọng Thuỵ. Tác giả viết như vậy để khuyên chúng ta đừng có giống tác giả. Vì hiện nay, anh chạy lăng xăng lấy tin, phỏng vấn, viết bài vở cho báo, cho đài, tác giả còn là một xướng ngôn viên của đài radio VNCR (Vietnam California Radio). Bây giờ anh có muốn dành thời gian đi lang thang với người yêu cũng "kẹt" nữa. Bởi vậy, có than khóc cũng muộn lắm rồi. Ai biểu có nhiều tài làm chi cho khổ cái thân.

Chúng tôi đã nhận được bài "Từ "Được Aên Được Nói Được Gói Đem Về Đến Gọng Kìm Lịch Sử" của Trần Nguyên Sơn. ĐC sẽ xem xét cẩn thận và sẽ cho đăng tải trong những số báo tới. Thành thật cảm ơn sự cẩn thận của nhà báo Đặng Văn Nhâm và tác giả Trần Nguyên Sơn.

Nguyễn Thanh Bình từ lâu vắng bóng trên TBĐC, hôm nay đã trở lại với đọc giả qua những câu chuyện vui. Đọc xong quí vị sẽ cảm thấy cuộc đời thật dễ thương (dù thương không dễ vì bill chất như núi) và ngày mai có đi cày 2, 3 job cũng thấy hài lòng với ông bà xã... Nguyễn Thanh Bình cũng giới thiệu về nam tài tử ăn khách hiện nay là Jackie Chan.

Muốn tìm hiểu một sự thật về một con người đã khó, nhưng muốn tìm hiểu sự thật về lịch sử càng khó hơn. Bởi mỗi người đều có cái nhìn khác nhau về một sự kiện, một vấn đề. Nếu những nhân chứng còn sống, họ là những người có cái nhìn khách quan và dám nhìn nhận trách nhiệm của mình trước lịch sử, trước dân tộc thì việc họ viết hồi kỳ sẽ trung thực và đứng đắn hơn. Tiếc thay, đời nay ít có ai dám nhìn thẳng vào vết bẩn trên lưng mình. Mời quý vị đọc bài viết "Đọc Việt Nam Nhân Chứng Của Trần Văn Đôn" của Phụng Hồng để hiểu tác giả đang muốn phê phán điều gì?

Chúng tôi cũng nhận được sự cộng tác của bạn Hữu học sinh họ Vương ghi lại những tài liệu về khoa học và lịch sử. Và mục Văn Học Nghệ Thuật cũng có bài "Hiệu Năng Và Nghệ Thuật" do Khổng Đức Đinh Tấn Dũng dịch. Cảm ơn hai vị đã cộng tác với TBĐC.

Từ mục đọc báo dùm bạn của Ký Điệu, chúng ta có thể tìm hiểu thêm những tin tức sôi nổi về một số tác phẩm mới ra đời của nhiều nhà chính trị từng phục vụ dưới thời VNCH trước 1975 do Đạt Luận sưu tầm và cống hiến bạn đọc. Chúng ta lại một lần nữa lắng nghe "Tiếng Chuông Chiều" của kỹ sư Sagant Phan. Đó là tiếng chuông chùa, hay tiếng chuông nhà thờ khiến lòng trần thoát tục, hay đó là tiếng "Chuông Gọi Hồn Ai' để người đọc buâng khuâng như chuyện tình Lan Và Điệp. Riêng kỹ sư Sagant Phan vẫn còn nhớ mãi tiếng lòng thổn thức trước tình yêu đầu đ?i "....Sợ khi chạm mặt, chuông lòng lại rung..."(nói nghe thơ lắm, nhưng thực ra hồi đó kỹ sư thấy người đẹp là tim đánh LÔ-TO như cái trống chầu! Có đúng vậy hôn?).

Chúng tôi xin gởi đến bạn đọc một món ăn mới do cô giáo Ngọc Cần Thơ biên soạn: Cá Kho Riềng.

Kể từ hôm nay, TBĐC chỉ trả lời thư tín cho tất cả quí độc giả có địa chỉ, tên họ, số điện thoại, email rõ ràng. Chúng tôi xin phép được từ chối đáp lễ những lá thư và email nặc danh, không rõ ràng xuất xứ và nguồn gốc.

Riêng ông Nhuan N Vu, chúng tôi thông cảm sự hiểu lầm của ông. TBĐC không hề có ý miệt thị nghề nghiệp của ông hay của bất cứ ai làm công việc xây dựng nhà cửa. Xin ông hãy đọc lại hai bài viết: Chuyện Anh Thợ Trộn Hồ Sơn Tùng của Vân Nam và Đánh Kẻ Ngã Ngựa của Thợ Hồ phụ trách (đăng trong số báo 81, phát hành ngày 1-9 đến 15-9). Hy vọng ông hiểu sâu hơn nội dung của hai bài viết nầy.

Xin chân thành cảm tạ quí vị, kính chúc quí vị một tuần lễ an lành, hạnh phúc.

Đại Chúng

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002