Đại Chúng số 82 - phát hành ngày 15/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Cụ Vũ Quốc Hanh Bender TX. 77338. Tôi muốn được rõ nghĩa hơn mấy câu tục ngữ như sau: 1. Muốn ăn lăn vô bếp / muốn chết lết vô hòm", nghĩa của nó như thế nào? 2. Tục ngữ ta có câu nói về thời tiết "Sấm to, gió lặng" có đúng vậy không? 3. Tàu có câu:"Vô tiền bất thành sự", có phải không có tiền chẳng làm chẳng làm gì được. Đúng như vậy chăng? Hay còn nghĩa gì khác?

Đáp: 1. "Muốn ăn lăn vô bếp". Tục ngữ Trung Hoa cũng có câu: "Yếu ngật long nhục, thân tư hạ hải". Có nghĩa: Muốn ăn thịt rồng thì phải lồng xuống biển / muốn ăn hét phải đào giun / muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh. Đó là những câu đồng nghĩa với câu cụ hỏi. Tuy nhiên, câu thứ hai: "Muốn chết lết vô hòm" thì chỉ nói để cho điệp với câu thứ nhất. Nhưng cũng có người cho là câu thứ hai này có ngụ ý bảo với những người quá buồn lòng nhiều khi muốn chết thì cứ lết vào trong hòm săn mà nằm để chờ mang đi chôn.

2. Ông bà ta ngày xưa có câu tục ngữ như vậy. Thường trời đang mưa to gió lớn bỗng dưng có tiếng sấm thì mưa gió đều lặng. Tục ngữ Tàu cũng có câu: "Vị vũ tiên lôi đáo dạ bất lai / Vị vũ tiên phong đáo dáo dả bất hung" (có sách ghi là đáo dã chứ không là đáo đáo "dả"). Có nghĩa của câu tục ngữ này: "Chưa mưa đã sấm đến tối không mưa / Chưa mưa đã gió, có mưa, chẳng to" hay "Sấm to, gió lặng".

3. Đúng vậy. Ta cũng có mấy câu chỉ về kẻ khó chẳng làm gì nên nổi: "Không tiền không nên việc" hoặc có câu:

"Bố đĩ giầu bố đĩ tiên

Ông tổng không tiền là ông tổng tểnh".

4. Xin bà vui lòng nói về sự tích của Vạn Lý Trường Thành - một di tích lịch sử của Trung Hoa. 5. Bà cụ có nhớ đoạn "gà heo tranh nhau" trong bài Lục Súc Tranh Công, xin nhắc hộ. Thành thật cảm ơn bà cụ.

4. Vạn Lý Trường Thành được xây lên từ 2.500 năm về trước. Bức trường Thành này dài đến 5.000 cây số ngàn tức 3.000 dặm Anh, bắt đầu từ ải Gia Du, tỉnh Cam Túc đến tận Liêu Minh, tính ra xấp ba lần từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau chiều dài của Việt nam.

Vạn Lý Trường Thành do tần Thủy Hoàng xây lên sau khi chiếm cả khu vực sông Hoàng Hà. Bức trường thành này nối dài với trường thành cũ của nước Yên, Triệu. Tuy nhiên việc xây dựng bức trường thành vĩ đại này không dừng lại tại đây mà liên tục đến triều Hán, Bắc Ngụy, Bắc tề, Bắc Châu v.v... Cho mãi đến đời nhà Minh mở rộng thêm ra thêm ra hoàn chỉnh như hiện nay. Các du khách ngày nay viếng Trung Hoa thường đến chiêm ngưỡng kỳ quan nổi tiếng thế giới này. Ngày các phi hành gia lên mặt Nguyệt Cầu nhìn xuống trái đất đều bảo rằng, họ chẳng nhìn thấy gì ở Địa cầu ngoại trừ bức Vạn Lý Trường Thành.

5. Đoạn gà heo tranh nhau trong Lục Súc Tranh Công như sau:

Lời lẽ của gà:

Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì

Giả ngây dại biết gì việc chủ.

Ngắm diện mạo,dị hình dị thú

Xem dung nhan khác thế lạ đời.

Như nuôi chơi chẳng phải giống chơi

Chạy rau cám như tiền nội án.

Lợn cãi lại:

Kìa những việc hôn nhơn giá thú

Không heo ra tính được việc chi?

Dẫu cho mời năm bảy chuyến đi

Cũng không thấy một người thấp thoáng.

Việc hòa giải heo đầu công trạng

Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.

Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu

Giận nhau đánh giập đầu,chảy máu.

Làng xã tới lao đao.láu đáu,

Nào thấy ai gở rối cho xong.

Khiên heo ra để lại giữa giòng

Mọi việc rồi liền xong trơn trải.

Phải chăng,chẳng phải

Nghĩ lại mà coi

Việc quan hôn tương tế vô hồi

Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.

Cô Trần Hải Thụy Westminster Orang County (CA) Bà cụ có nhớ bài thơ "Tự Chữa Bệnh" của cụ Huỳnh Thúc Kháng,xin nhắc hộ. Cám ơn nhiều.

Đáp: Bài thơ đó như sau:

Bệnh lão sao mà giống Ngọc Long

Việc nhiều ăn ít mạch như lông.

Lót lòng ngày dặm ngày hai bữa

Tiểu tiện đêm đi ít sáu lần.

Tiêu khát trà ngon dùng chẳng hiệu

Trừ trung thuốc bổ uống hoài công.

Bệnh mình,mình chữa còn là quí

Hơn bạn Đông du tiếng thọ ông.

Cụ Hàn Tường Nguyên LA.(CA) Xin bà cụ giải hộ về khoa Kỳ Môn Độn Giáp.

Đáp: Hình như đã có lần tôi đã tóm lược về khoa Độn Giáp này. Tuy nhiên để được đầy đủ hơn, tôi xin mang ra lạm bàn cùng cụ để được một phần nào minh bạch hơn.

1. Khoa Kỳ Môn Độn Giáp ra đời vào khoảng 5000 năm về trước. Có thể nói đây là môn cổ học tinh hoa của người Trung Hoa - một đất nước vốn có nền văn minh tối cổ. Từ thời Hoàng Đế lập quốc, khoa Kỳ Môn Độn Giáp đã được mang ra sử dụng trong trận chiến Si Vưu. Các bậc thánh hiền sau này như Thái Công, Lã Vọng, Trương Lương, Gia Cát Khổng Minh. Lưu Bá Ôn phát triển thêm ra.

2. Kỳ Môn Độn Giáp còn được gọi là Tam Nguyên Kỳ Môn Độn Giáp. Tam Nguyên gồm: Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. Tam Nguyên còn gọi Thiên Nguyên, Nhân Nguyên và Địa Nguyên, dựa trên cơ sở Tam Tài tức Thiên, Địa, Nhân. Từ đó mới tìm ra Thiên

thời, Địa lợi, Nhân hòa. Còn Kỳ là Tam Kỳ và Lục Nghi. Nên lưu ý là trong Thiên Can thì Ất, Bính, Đinh được gọi là Tam Kỳ. Còn Lục Nghi thì gồm: Mậu, Kỹ, Canh, Tân, Nhâm, Quý... Con Giáp được ẩn trong Lục Nghi nên gọi là Độn Giáp.

3. Cửu Cung Kinh: tức chín cung màu, (cửu sắc cung) gồm:Trắng, đen, biếc, lục, vàng, đỏ, xám, tím, xanh, đỏ. Đó tức là chín loại bức xạ của tuyến vũ trụ. Chúng xuyên qua lớp khí quyển tới

mặt đất ảnh hưởng đến sinh lý và hành vi của tất cả các sinh vật trên trái đất. Cửu Thiên Kinh gồm 9 ngôi sao gồm 7 ngôi sao thuộc hệ Bắc Đẩu và hai ngôi sao phụ. Các ngôi sao này có tên như sau:Thiên Bồng, Thiên Nhuế, Thiên Xung, Thiên Phụ, Thiên Cầm, Thiên tâm, Thiên Trụ, Thiên Nhiệm và Thiên Anh. Chín ngôi sao thuộc hệ Bắc Đẩu này có ảnh hưởng tới đời sống con trên trái đất này. Còn Bát Thần tức 8 Ông Thần có tên Trực Phù, Đằng Xà, Thái Âm, Lục Hợp, Câu Trần, Chu Tước, Cửu Địa và Cửu Thiên... Những yếu tố mà tôi trình bày bên trên đây, nó ảnh hưởng đến sự vận chuyển của Địa Cầu theo "Niên, Nguyệt, Nhật, Thì" và luôn cả thời tiết nữa, gây nên những cảm ứng khác nhau cho muôn loài trên trái đất, tất nhiên có cả con người của chúng ta. Nếu cái gì đó hình thành "tốt" gọi đó là "Cát", hình thành "Xấu" gọi đó là "Hung". Sự biến hóa thay đổi đó được thể hiện trên 9 Cung của bản Kỳ Môn Độn Giáp chẳng khác nào mạch điện tử, nó thay đổi, biến hóa theo sự vận chuyển của Địa Cầu... Tất nhiên Kỳ Môn Độn Giáp có thể mang ra áp dụng cho đời sống hằng ngày của con người...

Cô Ngô Thụy Long MO. (Tịnh Huỳnh Trinity St.Phila) Cái nghĩa của "Giá áo túi cơm" như thế nào, xin bà cụ giải hộ.

Đáp: Giá áo túi cơm do câu:"Y giá phạn nang" chỉ vào những đồ vật tầm thường, như cái giá để treo áo, cái ruột như cái túi để đựng cơm.

Ông Thái Kiến Hoa, Center Rd Drexel Hill Philadelphia, PA.19026: Xin bà cụ giải thích hộ từ "Bức Tranh Vân Cẩu" có nghĩa gì?

Đáp: Giải theo nghĩa trắng là "bức tranh mây chó". Hai chữ Vân Cẩu xuất xứ từ hai câu thơ của Đỗ Phủ như sau:

"Thiên thượng phù vân như bạch y,

tư tu biến ảo vi thương cẩu.

có nghĩa: mây nổi trên trời như áo trắng, bỗng chốc biến đổi thành chó xanh. Ý bảo rằng cuộc đời biến đổi thất thường. Ngày trước làng báo ta thường có mục "Bức Tranh Vân Cẩu" để nói lên tình đời với mục đích cảnh tỉnh những người làm những điều sai trái. Trong Quan Âm Thị Kính có câu:

"Phù vân một đóa bay đi,

Khi thì áo trắng, lúc thì muông đen."

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002