Đại Chúng số 82 - phát hành ngày 15/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


ĐÒI ĐOẠN XA GẦN

Lãng Nhân

XẢ HƠI CĂM NỘ (X.H.C.N.)

Lửa căm nộ của cộng sản bùng lên nhiều nhất về phía văn nghệ sĩ, vì cho là đồi trụy, hủ hóa, nhưng đó chỉ là lời đả kích bề ngoài, chính ra là họ yên trí giới này là phản động, là "sịa" (CIA) nên tìm hết cách để diệt. Khởi đầu họ cấm bán và oa trữ những tác phẩm học cho là có hại cho thuần phong mỹ tục, là cổ võ cho đế quốc. Rồi họ bắt giam hơn 50 nhà văn nhà báo tên tuổi. Sau đến lượt Vũ Hoàng Chương bị một bọn công an kéo đến Gác Bút là nơi cư ngụ của thi sĩ, đọc cáo trạng: "Sau khi giải phóng còn làm và cho phổ biến những bài thơ chống phá cách mạng". Rồi họ hùng hổ lục soát từng cuốn sách, từng tờ bản thảo, trong hơn 2 giờ. Suốt trong thời gian này, Vũ ngồi thẳng người, mắt nhắm lại, nét mặt bình thản không lộ một chút hờn căm hay kinh ngạc, họ hỏi gì cũng không trả lời, chỉ thỉnh thoảng hơi nhún đôi vai.

Lục soát xong, hai công an đến xốc nách Vũ , dìu ra cầu thang và đưa lên xe chạy về Khám Chí Hòa.

Vũ bị giam 4 tháng, thì được phóng thích. Lúc ấy thân hình đã tiều tụy lắm rồi, 5 ngày sau ông từ trần (17 – 9 – 1976).

Sở dĩ Vũ có thái độ thản nhiên trước tai họa xảy đến cho mình là vì ngay từ khi cộng sản đột nhập vào Nam ông đã biết thế nào họ cũng đến hỏi thăm mình và sẽ không đội trời chung với họ. Nên ngay từ đầu 76 vào dịp Tết Bính Thìn, ông đã tiên đoán được vô thường có thê sẽ đem đến cho ông một đổ vỡ phũ phàng nên ông đã viết những lời như để trối trăng:

Sáu mươi hai tuổi hãy mừng ta

Cũng Trích-tiên xưa, tuổi ấy mà!

Đời đã xong rồi, mau tịch mịch

Sống chi niều nữa, để phôi pha

Văn chương đến buổi văn nằm ụ

Tết nhất coi như tết đời già

Tái diễn năm nay màn tróc nguyệt (1)

Không chừng vai chính sẽ là ta.

(1) Tróc nguyệt: bắt mặt trăng. Lý bạch xưa nhảy xuống sông bắt bóng trăng mà chết đuối.

Ít lâu sau đó, thi sĩ vvũ Hoàng Chương thấy như cái chết thế nào cũng đến với mình rất mau chóng nên tỏ ý sẽ chết theo định mệnh chứ không chết trong sự khuất phục bạo quyền, bèn họa nguyên văn bài Thơ Tết của cụ Yên Đổ:

(thơ Yên Đổ):

Năm nay tớ đã bẩy mươi tư

Rằng lão, rằng quan, tớ cũng ừ

Lúc hứng uống thêm ba chén rượu

Khi buồn ngâm láo một bài thơ

Bạn già thuở trước nay còn mấy

Chuyện cũ mười phần chín chẳng như

Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa

Thử xem đời mãi thế này ư?

(Bài họa của họ Vũ):

Di cư từ một chín năm tư

Đón Tết mừng xuân chỉ ậm ừ

Có đất ngài đây làm đất hứa

Gõ đầu trẻ cũng đứng đầu thơ

Ngã ra thì ngã thân Từ Hải

Chôn khó mà chôn giọng Tố Như

Nỡ đã sông Tiền xuôi ngọn nước

Ai còn đeo đẳng ... vuốt đuôi ư?

Không khi nào chịu vuốt đuôi, dù sống trong cảnh nghèo nàn, nghèo rớt mồng tơi. Năm 1973, ông được giải thưởng thi văn toàn quốc 1 triệu đồng, tưởng như đã thư thái được đôi chút, ai ngờ chưa đủ để trả những món nợ lưu cữu, ông cảm xúc nên bài thơ Khất Nợ:

Thơ đoạn trường kia hãy khất nhau

Vay không vội hẳn, trả thêm rầu

Thơ vay bằng huyết tan vào sử

Ngọc trả thành mưa đọng dưới lầu

Trước đã trời xanh vay má phấn

Rồi xem biển lớn hóa nương dâu

Mình vay mình, hãy riêng mình biết

Để trả cho mình những kiếp sau.

Vay của người rồi lại vay của mình, đem tâm huyết vào thơ để trả cho đời và trả cả cho mình mãi mãi về sau, thi sĩ có những mơ tưởng hào sảng lâng lâng như thế, làm sao sống lẫn trong đám dung tục được, nên từng than vãn:

Ta van cát bụi bên đường

Dù dơ, dù sạch, đừng vương gót này

Để ta trọn một kiếp say

Cao xanh, liều một cánh tay níu trời...

 

XƠI HOÀI CƠM NGÔ (X.H.C.N)

Văn nghệ sĩ trong Nam cứ than phiền đời sống khó khăn, có ngờ đâu bạn đồng nghiệp ở Bắc trong 30 năm vinh quang khổ cực ngoài sức tưởng tượng: cơm độn ngô hoài hoài. Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm 1956, những Phùng Quán, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đăng, Phan Khôi, vạch trần những rác rưởi dơ dáy, những bạo tàn ngu xuẩn của chế độ, và bị khủng bố, bắt đi chỉnh huấn cùng với 304 nhà văn nhà báo chống đối khác, đội ngũ văn nghệ phải dằn lòng uốn theo trào lưu cho qua kiếp người. Nhóm nghiên cứu văn sử chẳng hạn, tuy khá đông đảo, nhưng thực có khả năng thì không được 100 người. Họ thiếu những phương tiện vật chất tối thiểu, chỉ ngồi thảo luận độ hơn nửa giờ, trán đã lấm tấm mồ hôi, mặt mày xanh mét, phải nghỉ để giải lao. Ngay cả những cán bộ trung thành với chủ nghĩa nhưng có tinh thần cầu tiến, cũng khổ tâm vì không có bạn để giãi bày nổi suy tư, nhu cầu tri thức luôn luôn bị dồn nén.

Tình trạng giới hội họa mới thật bi đát: dù có cảm hứng sáng tác cũng không thi thố được, vì không lấy đâu ra vải, sơn, màu, là thứ nhà nước giữ độc quyền, nên đành phải theo chỉ thị bộ thông tin mà vẽ những bức hình có tác dụng tuyên truyền. Phải vẽ phác trước để đưa trình, bọn cán bộ xúm lại phê bình: Tay người công nhân này phải vẽ gân guốc hơn, mắt cần sáng tí nữa, miện tươi thêm, nét mặt người nông dân kia cần thoải mái hơn, người bộ đội nọ phải hiên ngang cương quyết, v.v... Họa sĩ đem về sửa cho đúng rồi khi trình lại, mới được cán bộ đo và tính xem cần bao nhiêu màu, nhiêu sơn, nhiêu vải, bấy giờ mới phát cho đúng số để đem về thực hiện.

Muốn biết tường tận về nếp sống hàng ngày của người nghệ sĩ Hà Nội, xin đọc bài phú sau đây:

NIỀM VUI CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ

Chà chà, cán bộ như mình sang thật là sang

Chà chà, nghệ sĩ như tôi của đà lắm của!

Nhà thuê năm bảy thước – lương lĩnh mấy mươi đồng

Lênh đênh vài giá sách, nào truyện nào thơ.

Lổn ngổn một góc phòng, này soong này lọ

Hộp thuốc lá bằng nhôm phản lực, hàng Huê Kỳ lắm nước dành mua.

Lọ cắm hoa bằng vỏ đạn đồng, của hỏa tiễn mấy ai đã có.

Xấp giấy báo nào Nhân Dânh, nào Văn Nghệ,

dán trần nhà thấm nghĩa văn chương,

ghép gỗ thùng, tấm Trung Quốc, tấm Liên

sô làm bàn viết tầm cao quốc tế

Rọc áp phích đóng thành bản thảo, kịch

viết đẫm màu sơn – gõ ống bơ đun nước

pha trà, thơ ngâm vang chất thép.

Gối quanh năm toàn sách Mác Lê, mới biết

đo từ góc tóc – đêm mùa rét trải bằng

báo chí, làm sao chữ chẳng thấm da.

Ghế mòn kê chân thấp chân cao, ngồi ngất

ngưởng tựa phi trên mình ngựa-màn

thủng dán giấy vàng, giấy đỏ, nằm mơ màng

như lượn giữa rừng hoa

Đi xe ngại gây ra tai nạn, nên ung dung

dạo bước vỉa hè – vào rạp e nóng mất vệ

sinh, cứ đủng đỉnh xem phim ngoài bãi.

Khinh cảnh nghèo ít công ít của, dân buôn

chẳng đến nhà –thương kẻ sĩ một bóng một

mình, nàng thơ thường gõ cửa.

(Dụng Hiệp)

Nàng thơ này có lẽ điệu gầy như mai, giống nàng thơ xưa đã gõ cửa Ôn Như Hầu mà nỉ non:

Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da!

(còn tiếp)

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002