Đại Chúng số 82 - phát hành ngày 15/9/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trước)

Nói xong, Ngọc Phụng cúi xuống vuốt ve mái tóc của con nựng nịu hỏi:

_ Có phải thế không Bé Bự của má? Từ nay con có tên chính thức rồi. Tên là Anh Hào, biết không? Con sẽ là anh hào trong đám anh hùng hào kiệt như ông bà nội hằng mong muốn...

Rồi nàng lại ngẩng mặt lên nhìn cha chồng:

_ Thưa ba, con muốn chuyến gửi tiền này, sẽ gửi luôn một đôi hài bông sang bên ấy, theo ba thấy có tiện không?

Ngọc Phụng bao giờ cũng xử sự một cách khôn khéo. Từ việc lớn đến việc nhỏ nàng đều mang ra hỏi han hay xin phép cha mẹ chồng, ngoại trừ việc viết thư riêng rẻ cho Sùng Thực.

Quốc Trung ra chiều suy nghĩ, mãi đến giây lâu sau mới nói ra ý kiến của mình:

_ Theo ba nghĩ thì dường như ở ngoại quốc không thích hợp mấy về loại hài bông của xứ mình.

_ Thưa ba, năm rồi anh con viết thư về bảo là bị rét quá tê cả hai bàn chân...

_ Hả? Nó bảo bị tê chân? - Bà Thục Trinh nghe nói lo lắng chận ngang lại hỏi - Ờ, thì chân bị tê thì gửi hài bông sang cho nó mang cho ấm. Cần gì thích hợp hay không thích hợp! Miễn sao cho ấm chân đừng tê nữa là đủ.

_ Được rồi! Hai mẹ con muốn gửi thì tôi đi gửi ngay. Tôi không phản đối gì cả...

Quốc Trung quả không ngờ trời mới chỉ vào thu mà Ngọc Phụng đã có sẵn đôi hài bông cho chồng.

_ Thật con chu đáo hết sức.

_ Con may xong từ mấy tuần nay rồi...

_ Ừ, thì con gói ghém cẩn thận mang ra cho ba đi gửi gấp trong vòng chiều nay cho nó...

Ngọc Phụng quày quà về phòng mang ra một bọc nhỏ ghi rõ địa chỉ trao cho cha chồng. Nhìn gói quà xinh xắn của con dâu Quốc Trung cười bảo:

_ Chiều nay gửi thì chỉ trong vòng tuần lễ thế nào Sùng Thực cũng nhận được.

_ Thưa ba, trong thư mới nhất, anh con bảo bận học thi cuối năm, nên ít có thì giờ thư về thăm thường xuyên như trước nữa.

Quốc Trung gật gù đầu:

_ Ờ, mình từng học thi cũng biết là như vậy. Chỉ cần nó siêng năng chăm chỉ học hành. Thư từ có thưa thớt chút đỉnh cũng chẳng sao con à!

Từ ngày ra đi đến hơn năm trường, Sùng Thực gửi thư đều đặn về cho cha mẹ và Ngọc Phụng. Cứ cách ba bốn hôm là có một thư hoặc cho cha mẹ, hoặc cho Ngọc Phụng. Nay nghe con dâu nói vậy Quốc Trung chẳng có vẻ gì nghĩ ngợi, song bà Thục Trinh thì tỏ ra kém vui vẻ. Tuy nhiên bà cũng chẳng nói lên một lời nào mà chỉ ngoảnh mặt nhìn ra bên ngoài trời im lặng. Vốn bản tính chóng quên, nên liền sau đó bà đưa tay nắn nót gói quà của Ngọc Phụng gửi cho chồng, lòng bà tràn ngập cả niềm vui...Bà cho rằng con mình có số may mới được vợ hiền như Ngọc Phụng.

Ngoài trời ánh nắng chói chan, xuyên qua cửa sổ. Tiếng ríu rít của đàn chim sẻ chen lẫn với tiếng ve sầu tấu lên một điệp khúc trầm buồn !

Đêm về, dưới mái hiên tây, Quốc Trung ngồi nhâm nhi chung rượu với đỉa cua rang muối, thỉnh thoảng cất cao giọng ngâm nga thi phú. Ngồi trong phòng trông chừng Anh Hào ngủ, Ngọc Phụng nghe giọng của cha chồng ngâm nga hệt như Sùng Thực, nhất là bài "Dịch Thủy Tống Biệt" của Lạc Tân Vương có lần Sùng Thực ngâm tặng cho nàng tại động Tiên Cô:

Thử địa biệt Yên Đan,

Tráng sĩ phát xung quan.

Tích thời nhân dĩ mộ,

Kim nhật thủy do hàn.

(Đất này biệt chú Yên Đan

Tóc anh tráng sĩ tức gan dựng đầu.

Người xưa nay đã đi đâu,

Lạnh lùng sông nước cơn sầu chưa tan!)

(Tản Đà)

* * * * *

Mặc dù tinh thần còn minh mẩn, song le việc buôn bán Quốc Trung vốn không quen nên lần hồi bị thua lỗ không ít. Tất cả mọi việc sau này, Quốc Trung đều trông nhờ vào sự sắp xếp tính toán của Đại Minh. Tuy ít học song Đại Minh nhờ có bản chất lanh lẹn lại xưa nay sinh sống ở thị thành nên so với Quốc Trung vượt hẳn hơn nhiều. Vì vậy mà lúc bây giờ mọi lời khuyến cáo của người phổ ky này đều được Quốc Trung chấp nhận. Ngay trước khi có ý định sang nhượng cửa tiệm lại cho Đại Minh, Quốc Trung đã nhận thấy tuy người phổ ky mình khôn ngoan lanh lẹn, song bị thất học, nên Quốc trung lấy sở học của mình ra truyền cho để mong giao luôn việc giữ sổ sách của cửa hàng. Nhờ vậy mà về sau này Đại Minh đở khỏi phải tính nhẩm.

_ Ấy mọi việc tôi đều giao cho chú...nhờ chú giúp cho.Cuối năm tôi sẽ chia chú hoa hồng.

Kể từ ngày bán tất cảruộng đát nhà cửa ờ nông thôn mang ra chợ huyện buôn bán làm ăn, Quốc Trung chưa hề rong chơi đây đó để biết nơi chốn mình đang ở như thế nào. Nhờ thời gian sau này có Đại Minh đảm trách, nên có thì giờ rổi rảnh hoặc một mình thơ thẩn đi dạo giá ở các cửa hàng hoặc đưa cháu nội đi rong chơi đây đó...mới biết thêm được cảnh trí nơi đây...

Thơ của Sùng Thực một ngày một thưa thớt. Đã vậy mà trong thư không hề đề cập đến tình trạng học hành của mình như thế nào. Thư gửi về không còn viết dài dòng như ngày trước nữa. Nó vừa ngắn gọn lại vừa nguệc ngoạc khó đọc. Sùng Thực viện lý do không có thì giờ viết thư về thường xuyên nữa.

"Hắn bận đến nỗi không có thì giờ viết thư hay sao!" Nghĩ đến điều này Quốc Trung cảm thấy lòng mình lâng lên một nỗi buồn man mác...Buôn bán làm ăn thất bại, nhưng nhờ quen nếp sống như thuở nào ờ nông thôn, cùng vợ con thắt lưng buộc bụng, chẳng rỉ hơi than phiền điều gì. Quốc Trung thường ngăn đó trước việc buôn bán của mình sẽ có ngày đổ vỡ, nên thường phát ngôn trước mặt vợ:"Chuyện đàn ông của đàn ông, đàn bà con gái không nên chen vào". Bà Thục Trinh tuy mang máng biết cửa hàng chồng bị thua lỗ, nhưng vì thói quen ẩn nhẫn, tôn trọng ý chí và hành động của chồng, nên bà cũng chẳng mấy quan tâm. Điều làm cho bà đặc biệt chú ý đến là thư từ của Sùng Thực càng ngày càng thưa thớt hẳn, bà đã tỏ ra hết kiên nhẫn được nữa, bà hỏi con dâu bất cứ giờ phút nào bà muốn:

_ Bộ nó không gửi thư đều đặn cho con sao?

Ngọc Phụng chỉ cúi mặt xuống buồn bã lắc đầu. Mái tóc của bà Thục Trinh nay đã ngả màu sương muối, bà vừa than thở vừa trách cứ chồng:

_ Phải chi ông đừng bắt nó đi cái ngoại quốc, có phải là hay hơn không? Học hành cái gì mà cứ bắt con mình theo học mãi, để rồi ngày nay phải ngồi đó mà ngày đợi đêm trông!

_ Đi học đâu có gì là sai trái? Chắc là nó bị bận thi cử gì đây. Chưa biết chừng sang năm nó về cũng nên. Bà cứ ưu tư mãi thế này thì liệu hồn có ngày ngả bệnh cho mà xem!

Bà Thục Trinh không cầm được dòng lệ để mặc cho tuôn trào trên đôi má.

_ Nó mà không về thì... tôi không thể nào sống nổi...

_ Sao lại không về? Nó ở với ai bên đó? Cha mẹ ở đây, vợ con ở đây, không sớm thì muộn nó cũng phải về... Bà nên an ủi Ngọc Phụng, dạo này tôi trông thấy nó gầy đi rõ ràng... Tội nghiệp...

Thục Trinh nghẹn ngào nói:

_ Ông ơi! Tội nghiệp nó lắm! Dạo này tôi thường bắt gặp nó mang mấy bức thư cũ của Sùng Thực ra đọc đi đọc lại rồi hai hàng nước mắt tuôn ra ròng ròng... Cớ sự này đều do ông đặt bày ra tất cả. Nếu ông không bắt thằng nhỏ học hành cho ra da có đâu tôi phải sống dở chết dở, còn con Ngọc Phụng thì xanh xao gấy mòn thế đó...

Quốc Trung dạo này cũng sạm hẳn. Đôi mắt sâu hoăm hoắm dưới vầng trán đầy cả những vết nhăn hằn sâu xuống. Hàng đêm Quốc Trung nằm lẩm nhẩm:"Không cho con ăn học là lỗi lầm của cha mẹ, còn chẳng lẽ cho con đi ăn học cũng lại lỗi lầm nữa sao?!

Thục Trinh thì thầm than thở với chồng:

_ Tính ra đã gần hai tháng trời mà nó chẳng lấy một chữ nào gửi về. Tôi không tin là nó bận đến nước như vậy. Nếu nó biết thương cha nhớ mẹ, yêu vợ, yêu con, thì cố mà nhín đi đôi ba phút viết gửi về vài dòng, thì ít ra mỗi tuần cũng có một phong thư gửi về thăm cha mẹ vợ con...Tôi hỏi ông làm như vậy không được sao?

Một hôm đang ngồi bàn bàn tán về Sùng Thực, bỗng từ bên ngoài cửa có tiếng người phát thư gọi vọng vào:

_ Thư đây...

Thục Trinh vội chạy ra cầm thư mang vào trao chồng:

_ Này... quả đúng là nó rồi... Chính cái phong thư có sọc xanh đỏ ngoài bìa là của nó chứ còn ai vào nữa! Tôi chỉ cần liếc sơ qualà biết ngay đi hè... Của cục cưng mình đó... Bóc nhanh ra đọc nghe thử nó viết cái giống gì bên trong đó?!

Với con cái thì quả Quốc Trung trọn đạo làm cha, nhưng đối với cha mẹ thì Quốc Trung không tránh khỏi nỗi hỗ thẹn, nếu không cho là bất hiếu, chẳng những không tậu thêm được thửa ruộng bờ ao nào mà còn mang bán sạch cả cơ nghiệp của cha mẹ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tạo dựng nên được ! Tuy nhiên, nguyện vọng của Quốc Trung là làm sao cho con trai mình tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình, thu thập cho được nhiều kiến thức hầu mai sau mang ra phục vụ cho nhân quần xã hội...

_ Mình không đạt được ý nguyện thì con mình nó sẽ thay thế...

Sự đỗ đạt thành tài của nó há không phải làm vinh danh cho họ Mã hay sao?

Nghĩ đến đây Quốc Trung phá lên cười, khiến Ngọc Phụng ngạc nhiên ngơ ngác nhìn, chẳng biết điều gì đã làm cho cha chồng đắc ý?

_ Ngọc Phụng! Con không trách ba đã cho Sùng Thực đi du học chứ?

_ Thưa ba, không ạ! Con bao giờ cũng nghĩ là ba đã làm đúng.

_ Ngọc Phụng à! Theo ba việc cho Sùng Thực đi du học ở ngoại quốc chẳng có gì lầm lẫn cả.

Ngọc Phụng lo ngại cha chồng không nghe thấy câu trả lời của mình vừa rồi nên lặp lại:

_ Thưa, những việc ba chủ trương cho anh con du học là đúng. Con chẳng có gì phiền lòng cả.

Quốc Trung nhìn con dâu:

_ Nghe con nói như vậy là ba đủ vui lắm rồi. Vậy bắt đầu từ hôm nay con cùng ba má cố gắng cùng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình thêm một thời gian nữa... Đợi mai kia thằng Sùng Thực thành tài rồi trở về, lúc đó thì xem như công thành danh toại rồi... Ông bà chúng ta ắt là sẽ ngậm cười nơi Chí Suối...

_ Thưa, con cũng cùng chung một ý niệm như ba! Con tin tưởng là anh con sẽ mang lại niềm vinh dự cho nhà họ Mã chúng ta...

Ngọc Phụng cảm thấy lòng mình xa xót trước sự hy sinh của cha chồng mình, chỉ vì muốn cho con ăn học thành tài đành phải bán cả cơ nghiệp và luôn cả sức khỏe để mong có đủ tiền gửi cho con trai ăn học. Liệu rồi đây ông có đủ sức để làm nhiệm vụ của một người phổ ky không? Nhìn thân hình ốm yếu của cha chồng, nàng tỏ vẻ ái ngại nhỏ nhẹ hỏi:

_ Thưa ba, bà có cần suy nghĩ lại về việc đi làm của ba không?

_ Chẳng có gì phải suy nghĩ cả. Ba thích hợp với bất cứ hoàn cảnh nào. Ba chỉ thấy không an tâm là con đã khổ với con cái, với việc làm trong gia đình trong bao lâu nay, giờ lại sắp phải khổ thêm nữa. Điều này lam cho ba phải suy nghĩ nhiều.

_ Xin ba đừng lo cho con. Con còn tuổi trẻ, có thể chịu đựng được sự khổ cực... Con chỉ sợ cho ba mà thôi!

Trong khi đó, bà Thục Trinh từ nhà bếp bưng lên mâm cơm thịnh soạn để gọi là ăn bữa cuối cùng tại ngôi nhà cũ trước khi dời sang ngôi nhà mới thuê...

Cơm nước xong, Quốc Trung chuếnh choáng hơi men, Quốc Trung cảm thấy hồn thơ lai láng, ngẫu hứng ngâm bài "Tiền Xích Bích Phú":

"Gió mát hây hây, sông nước lặng lờ, nâng ly mời khách, đọc "Minh Nguyệt chi thi", hát một chương yểu điệu...

Trong giây phút trăng vàng xuất hiện trên đỉnh Đông sơn, lửng đửng đứng giữa hai sao Ngưu, Đẩu...

...............................................................

Duy chỉ có gió mát trên sông, vầng trăng trên đỉnh núi, tai lắng tai nghe được tiếng, mắt ngắm nhìn được vẻ, lấy không người ngăn, dùng không bao giờ hết. Đó làcái kho tàng vô tận của Tạo Hóa mà cũng là cái vui chung của khách cùng ta..."

Đêm nay bà Thục Trinh cũng vui với cái vui bắt đầu thay đổi nếp sống, nhân nghe chồng ngâm nga bà cũng cất cao giọng chen vào cố ý trêu chồng:

"...Khách nghe nói vậy tươi cười, rửa lại chén mà rót thêm tuần rượu nữa! Cho đến khi đồ nhắm hoa quả không còn, chén bát ngổn ngang, đoạn cùng nhau gối đầu trên mạn thuyền mà ngủ say say sưa không còn hay biết Vầng Đng kia rực sáng tự bao giờ?!

Bà Thục Trinh tuy đã bắt đầu luống tuổi nhưng giọng ngâm của bà vẫn còn thánh thót như thuở xuân thì...Sau khi bà chấm dứt tiếng ngâm cả Quốc Trung lẫn Ngọc Phụng đều ca tụng không tiếc lời...

* * * * *

Ngót cả năm trường Quốc Trung làm quần quật như một cái máy. Giữa thời tiết lạnh lẽo của mùa đông tháng giá, đêm nào cũng vậy, mãi đến quá canh hai Quốc Trung mới thu dọn tất cả các hàng bày bán, làm sổ sách giấy tờ xong xuôi mới thất thểu ra về...

Càng về khuya gió bắc càng lộng, tạt mạnh những hạt mưa phùn lên cả mặt mày cơ hồ những mũi kim đâm vào da thịt. Nhiều lúc Quốc Trung nghiến răng chịu đựng, co quắp người lại lầm lũi đi như một bóng magĩua đêm hôm khuya khoắc.

Ngôi nhà Quốc Trung mới thuê đã cũ kỹ, lắc lư trước các cơn gió mạnh thổi thốc đến, lắm lúc như muốn sụp đổ. Các tấm tôn bên trên nóc cứ bật tung lên trông hệt như họng cá sấu ngoác rộng ra rồi khép ngay lại theo từng cư gió. Khi sắp đến trước cỗng mặt nhà, Quốc Trung bất giác kêu lên:

_ Mái tôn bị trốc thế này liệu trong nhà có còn chỗ nằm nữa hay không?

Tiếng mưa xối xả đổ trên mái hiên han rỉ kêu rổn rảng. Bước qua chiếc ván gỗ òi ọp, nhầy nhụa cả bùn, lúc nào cũng cuồn cuộn chảy lôi theo đủ thứ rác rến được khai thông từ nhà này đến nhà nọ, Quốc Trung phải cố lắm mới tránh khỏi phải bị trợt ngã xuống.

Ngôi nhà ọp ẹp này tọa lạc tại bên ngoài khu vực chợ huyện..

(còn nữa)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002