Đại Chúng số 83 - phát hành ngày 1/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NHỮNG VẤN ĐỀ THEN CHỐT NHẬN ĐỊNH CHÍNH TRỊ
TRONG THỜI ĐIỂM PHẠM QUỲNH

Đỗ Quý Sáng

Tôi đọc tác phẩm “Giải Oan Lập Một Đàn Tràng" mà lòng bồi hồi nhớ lại thời còn đi học bậc trung học với bao say sưa và cảm phục mỗi lần đọc và từ từ hiểu nghiã những bài nghị luận cuả Phạm Quỳnh. Bài văn ông so sánh người chính nhân phương Tây và người quân tử phương Đông thúc đẩy tôi cố nắm bắt những ý chính để mà học hỏi ngay từ lớp đệ Tứ khi bắt đầu tập suy nghĩ và định hướng cho sự phát triển cá tính mình. Tác giả các bài viết trong cuốn tuyển tập do "Ủy Ban Phục Hồi Danh Dự Phạm Quỳnh" đã cung cấp bao nhiêu tài liệu quí giá về người học giả thật sự này khiến tôi không thể không đóng góp cảm nghĩ riêng. Tôi nhớ câu "Đọc quốc sử có một điều rất đáng phấn khởi trong lòng…” đã khiến tôi ham mê đọc sử nước nhà một cách nhiệm ý trước cả mấy năm học trình bắt buộc.

Tôi thật không khi nào nghĩ Phạm Quỳnh vĩ đại của tôi lại có thể mất danh dự cách nào để nay phải phục hồi. Tôi liên tưởng vội vàng đến các vụ bạc đãi giết hại công thần dưới các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn rồi sau đó các vị minh quân kế vị phải hạ chỉ minh oan và phục vị cho những công thần đã bị kết tội một cách hồ đồ và đãi ngộ con cháu họ may chưa bị tuyệt diệt còn tìm kiếm ra được để lo phần hương hỏa. Vấn đề tôi đặt ra để tự suy nghĩ là ai đã làm mất danh dự cho Phạm Quỳnh, chứ danh dự ông không thể do ông có những hành vi bại hoại nào làm thương tổn. Hệ quả cuả vấn nạn này là ai có trách nhiệm phục hồi danh dự Phạm Quỳnh cũng như ai có tư cách để làm công tác quan trọng đó. Nói một cách đảo ngược, có thật Phạm Quỳnh đã bị mất danh dự hay không mà phải để đặt ra công tác đó? Câu chuyện người thiếu phụ Nam Xương hoặc người vợ nhà họ Trương bị ngờ oan là đi theo trai vì đứa con chỉ bóng mẹ trước đèn mà gọi là cha lúc người cha thật sự vắng nhà đến nỗi bà phải tự tử với nỗi oan thiên cổ nên mới cần giải oan bằng một đàn tràng. Phạm Quỳnh đâu có hành động nào hạ thấp phẩm giá đến nỗi ông phải xấu hổ về con người cuả ông, những ai đã hạ nhục ông, đã bôi nhọ danh dự của ông? Những ai đã giết chết ông lén lút? Nếu vậy họ có trách nhiệm gì và họ có xứng đáng đứng ra giải oan cho ông không. Nếu không, thì chính chúng ta, chúng ta, tập thể những người đang cầm bút viết lối chữ quốc ngữ này mới đúng là những người có bổn phận vinh danh xứng đáng công đức của Phạm Quỳnh với nền học thuật nước nhà, bằng những phương cách biện pháp nào thì nên cùng nhau thẩm định.

Những bài viết mà tôi trích dẫn đề cập vì những vấn đề tác giả đặt ra cần được đóng góp thảo luận và sự phong phú dữ liệu được cung cấp. Đó là bài của những cây viết có tầm vóc như Đặng Văn Nhâm, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Hữu Thống, Mạc Kinh, Trần Gia Phụng, cũng như nhiều bài viết của các tác giả trong tuyển tập với những đóng góp dữ liệu và những vấn nạn với các sắc thái đặc biệt nêu rõ con người toàn diện của học giả Phạm Quỳnh.

 

Người làm đảo lộn đời làm văn hóa của Phạm Quỳnh: Vua Bảo Đại.

Xã hội Việt Nam vừa sôi sục sau vụ khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930 vẫn còn ngột ngạt. Các vụ bắt bớ, xử án và hành quyết nối tiếp và theo sau là những bản án tù đầy của bao nhiêu thành phần yêu nước ẩn náu ngay trong hàng ngũ binh lính và công chức Việt Nam phục vụ cho guồng máy cai trị của Pháp đã làm người Việt Nam tự hỏi ta còn có thể làm được những gì sau bao nhiêu thất bại. Cả nước lại như một mặt hồ phẳng lặng chờ đợi một đường lối đổi thay. Trong tình trạng ấy vua Bảo Đại du học “hồi loan” trực tiếp cai trị không còn qua trung gian các ông phụ chánh đại thần. Dân ta đã quá chán ngán Nam Triều sau khi vua Hàm Nghi thất bại và chính các đại thần Nam Triều kế đó lại là những kẻ cầm quân theo lệnh vua Đồng Khánh và Pháp để tiêu diệt dư đảng nghiã quân. Nguyễn Thân cầm quân tàn sát nghiã quân văn thân của Phan Đình Phùng. Hoàng Cao Khải đánh đông dẹp bắc lập công cho Pháp. Không ai là không nhớ Nghè Trần Cao Vân bị Nam triều xử chém ngang lưng vì tội xúi giục vua Duy Tân chống Pháp. Chính các ông đại thần Nam triều trong Cơ Mật Viện phế và cho đi lưu đầy các vua Thành Thái, Duy Tân. Nam triều hoàn toàn là công cụ cai trị cuả Pháp. Chính cái Nam triều ấy không chịu nổi những tấn công đòi hỏi nhân quyền của cụ Phan Chu Trinh và đã kết án trảm khiếm diện nhà cách mạng này. Nhờ cụ quen người Pháp mà được giảm án xuống hậu trảm và sau được ân xá do sự can thiệp của Pháp.

Việt Nam Quốc Dân Đảng nổi dậy đòi hỏi thiết lập chế độ Cộng Hoà và song song với việc đánh Tây còn chĩa mũi nhọn vào đám tham quan ô lại tay sai của Pháp nằm trong chế độ Nam triều, đó cũng là những dấu chỉ thất vọng của quốc dân đối với chế độ phong kiến đã gần như đi ngược lại khát vọng của quốc dân, phải làm bù nhìn để bám víu ngai vàng và hợp thức hóa cho sự cai trị của Pháp thuộc địa.

Vua Bảo Đại trở về cầm quốc chánh làm lòng người nổi lên một thoáng hy vọng vì vua có tây học, không cổ lỗ lạc hậu như hàng ngũ quan lại Nam triều. Mặc dù các cụ thượng thư vẫn ham đội mũ cánh chuồn cân đai bối tử kiểu ‘mũ mãng giáp bào Thượng Hải’, tân quân miễn cho các cụ phải vào triều phục lạy và hối thúc lập một uỷ ban cải cách. Trong khung cảnh ấy nhà báo và nhà học giả Phạm Quỳnh được vời vào Huế giữ chức ngự tiền văn phòng tổng lý với hàm thượng thư. Theo một thỏa ước đã ký với Pháp bổ nhiệm chức vụ thượng thư phải có Khâm Sứ Pháp thuận ý.

Trong cương vị Hoàng Đế của nền quân chủ chuyên chế, ông vua là lớn lắm, mang thiên mệnh cai trị thần dân, chỉ hiềm vì dân nay đã biết trên vua còn có ông Khâm Sứ Tây, mà trên ông Khâm Sứ lại có ông quan Toàn Quyền, trên ông Toàn Quyền có Bộ Trướng Thuộc Điạ Pháp. Trong cái hệ cấp ấy vua nhất định không phải là con trời. Vua Bảo Đại biết như vậy và Phạm Quỳnh cũng biết như vậy. Cái thuyết quân chủ lập hiến mà Phạm Quỳnh hằng viết và đề cập tới hợp ý vua Bảo Đại vì ông biết rõ không có nhân dân đại biểu ông chẳng thể áp lực gì lên mẫu quốc được. Nhưng khi đã thủ tiêu chủ quyền nước bị trị Pháp chẳng để cho Bảo Đại tự thay đổi đế chế do đó đến bản hiến pháp cuả chính phần đất An Nam ở Trung kỳ cũng không thực hiện nổi, lấy chi là tập hợp dân để ban phát rộng quyền lập hiến ước với nhà vua ở vùng đất bảo hộ ngoài Bắc. Trong thời làm vua (khác với địa vị Quốc Trưởng sau này trong ván bài quốc gia Việt Nam trong Liên Bang Đông Dương Liên Hiệp Pháp) Bảo Đại chọn được ba vị thủ tướng xuất sắc nổi danh. Thật ra khi Pháp chưa bị Nhật hạ bệ thì vua chỉ cử Thượng Thư bộ Lại mà người ta muốn cho oai gọi ngang là thủ tuớng, phần vì Pháp có lẽ không muốn thấy một chức vụ thủ tướng mà muốn nói chuyện thẳng với hoàng đế, và vì từ đời Gia Long không có lấy chức vụ tể tướng. Thậm chí như trên đã đề cập theo một thỏa ước ký năm 1925, thoả ước Monguillot , thì vua Việt Nam mất luôn cả quyền tự ý bổ nhiệm Thượng Thư của mình (GOLMĐT, tr. 333). Duy nhất chỉ có cụ Trần Trọng Kim là Thủ Tướng do Hoàng Đế bổ nhiệm giưã lúc hoàng đế chẳng có lấy một đạo quân ra hồn để bảo vệ và canh gác an ninh bản thân nưã. Chính vua Bảo Đại nghe lời tâu của Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài dẹp luôn bộ Binh của Nam triều để khỏi lo bị Pháp sai đi đánh dẹp nghĩa quân Việt Nam cho mất lòng (GOLMĐT, tr. 335). Thảm thương hơn là lương tiền của nhà vua cũng do Pháp cấp cho: nuớc Nam không có lấy một ngân sách cho mình. Các ông Ngô Đình Diệm, Thái Văn Cẩn và kế đó từ năm 1942 khi Thái Văn Cẩn về hưu là Phạm Quỳnh đều phục vụ trong cương vị Lại Bộ Thượng Thư. Khởi đầu ông Ngô Đình Diệm kiêm luôn Tổng thư ký Uûy Ban Cải Cách nhưng chỉ trong 2 tháng thấy không thể được như ý liền từ chức. Phạm Quỳnh thì sau kiêm luôn chức Học Bộ và đến năm 1942 qua Lại Bộ nghiễm nhiên trở thành quan đầu triều kiêm ngự tiền văn phòng, kể như ông làm quan to suốt 13 năm phục vụ một vị Hoàng Đế một nước không độc lập của vua Bảo Đại. Cái tiếng “thân Pháp” và làm tay sai cho Pháp bị dị nghị từ đấy. Nhất là ngay sau khi Nhật hất cẳng Pháp để tránh bị đánh hôi hậu hoạn sau khi Mỹ liên tiếp cả thắng trên mặt trận Thái Bình Dương thì lập tức vua Bảo Đại cho lập chính phủ mới sau khi tuyên cáo độc lập khỏi nước Pháp. Trớ trêu thay là tình hình thế giới, chính lúc này lại là lúc Nhật sắp sụp đổ và Pháp sắp là đồng minh thắng trận khải hoàn. Hay là vua Bảo Đại nghĩ mình có thể trở lại thành một vì vua chuyên chế bình thường của triều đại nhà Nguyễn mà người xướng xuất thuyết quân chủ lập hiến không nên tồn tại nưã? Trong suy nghĩ đó vua lập Thủ Tướng như cương vị một vì vua có đầy đủ thẩm quyền trong một nước độc lập và Phạm Quỳnh phải bị đào thải. Ta thừa biết thế nào là thói đời khi thất thế trong xã hội Việt Nam với những đố kỵ. Phạm Quỳnh có tránh khỏi định lệ ấy chăng? Sáu bài viết không vị nào đặt vấn nạn này mà chỉ tán thán với tài ba nhận định chính trị của Phạm Quỳnh sao ông lại không thấy cái biến chuyển sắp tới mà đột ngột từ chức không chuẩn bị phòng thân gì cả. Thật vậy, không ai ở Đông Dương lúc ấy có thể tiên đoán Mỹ hoàn thành bom nguyên tử và rút ngắn ngày tàn cuả Nhật trên Thái Bình Dương một cách mau chóng và vô điều kiện như vậy. Trong cái hụt hẫng này hoàng triều của nhà Nguyễn sụp đổ với chiếu thoái vị cuả vua Bảo Đại mấy tháng sau đó khi tình thế quốc dân sôi sục khát khao đòi thực hiện nền độc lập.

 

Ai đã làm mất danh dự Phạm Quỳnh? Vận động với ai?

Tác giả Trần Thanh Hiệp nêu rõ bốn nguồn xuất xứ về những lời chê bai về khả năng, tư cách và đường lối chính trị của Phạm Quỳnh. Đó là cụ Nghè Ngô Đức Kế, chủ báo Hữu Thanh trong thập niên 20; ông Thiếu Sơn Lê Sĩ Quí, một nhà phê bình văn học trong thập niên 40; Cộng Sản Việt Nam, thập niên 40 đã cho lén lút hạ sát Phạm Quỳnh; và ông Nguyễn Văn Trung, thập niên 60 và 70. Tác giả đã hữu lý cho rằng những nguồn gốc này không có đủ khách quan khi phê bình về tài bộ, tác phong, giá trị các đóng góp văn học và đóng góp tư tưởng chính trị cuả Phạm Quỳnh. Cảm nghĩ của các ông chủ báo Hữu Thanh và nhà phê bình văn học Thiếu Sơn thiết nghĩ chỉ là những lơiø phê phán mỉa mai bộc lộ sự nổi giận gay gắt và đầy cảm quan về sự đề cao văn chương truyện Kiều mà quên luân lý (Ngô Đức Kế), bỏ sinh hoạt văn hóa bước vào chốn tanh hôi kèn cựa đồng liêu (Thiếu Sơn) hơn là những lời cáo buộc nặng nề phản quốc (GOLMĐT, tr. 332-333). Phạm Quỳnh lúc đó không trả lời các bài đả kích của Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng đăng trên các báo trong thơiø gian 1924 này. Đặc biệt ông Trần Thanh Hiệp thẳng thắn lên án thái độ giết người dã man không xét xử của Cộng Sản Việt Nam chỉ vì bất đồng chính kiến. (GOLMĐT, tr. 54)

Chúng tôi quan niệm rằng ngay cả khi thanh toán Phạm Quỳnh chính là cái uy tín và danh dự cuả kẻ ra tay không còn có một giá trị gì trước công luận, quốc dân và lịch sử. Tất cả những người yêu nước trong hàng ngũ không cộng sản bị thủ tiêu không một ai vì vậy mà danh dự bị thui chột trong lịch sử. Ở đây chính Cộng Sản Việt Nam lộ rõ sự mất tư cách cuả toàn bộ lãnh đạo đầu xỏ. Người không có tư cách và chế độ khát máu phản dân chủ mà nhân loại đang đào thải không thể có thế giá nào phục hồi danh dự cho một danh nhân đất nước như Phạm Quỳnh. Trên quan niệm này tôi ngạc nhiên khi tác giả Đặng Văn Nhâm đòi phải đặt thẳng vấn đề với nhà “đương quyền VN, gồm các nhân vật lãnh đạo cao nhất nước: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, và Phan Văn Khải…". Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi tác giả Đặng Văn Nhâm thúc giục: “chúng tôi mong sao các nhà chức trách đương quyền ở Việt Nam cùng với Bộ Văn Hoá và Hội nhà văn Việt Nam nên cứu xét lại vụ án Phạm Quỳnh cùng với một vài vụ án oan khuất khác, trong đó có cả Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ Văn Ngà, Dương Văn Giáo, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Phú Sổ v.v. để sớm phục hồi danh dự cho các vị ấy". (GOLMĐT, tr. 24 – ‘Tại Sao Phải Phục Hồi Danh Dự Cho Phạm Quỳnh’). Không đem tinh thần cực đoan vào lãnh vực văn hóa, chúng tôi dẫu vậy cũng đề nghị đến lúc phải hỏi tội Cộng Sản Việt Nam khi mà chúng đang tháo thân chạy tội trước lịch sử. Nhẹ nhất là chúng phải tạ tội với lịch sử và quốc dân, tự thú nhận đã vi phạm nhiều tội ác chiến tranh. Dầu như lúc nào chúng tôi cũng đặt cương vị tự chủ nước nhà lên trên hết, chúng tôi nghĩ chính là chính phủ và Quốc Hội Pháp nên ra một tuyên cáo tạ lỗi với học giả Phạm Quỳnh, bạch hoá rằng ông thực là một chiến sĩ cực lực vận động độc lập cho nước Việt Nam bằng đường lối hữu nghị. Sau đó chính phủ Pháp hoặc Viện Hàn Lâm Pháp, mà ở đây Phạm Quỳnh đã từng diễn thuyết và nhận giải thưởng, hỗ trợ cho các hội nhà văn Việt Nam cùng bảo trợ tuyên dương Phạm Quỳnh trước Cơ Quan Giáo Dục Khoa Học Và Văn Hoá UNESCO của Liên Hiệp Quốc. Không ai có thể dị nghị rằng sau 50 năm khi những lời tiên tri chính trị cuả Phạm Quỳnh đã thật sự xảy ra cho số phận vai trò nước Pháp ở Đông Dương và không thể nào trong thời điểm này Pháp phải vinh danh cho một tay sai của của mình, nếu không nói là người ơn đã vẽ cho mình một con đường cao cả mà trót đã không nghe, bởi sự nông cạn của giới chức cai trị thuộc địa. Còn như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh những đồng bọn sát nhân trong đảng Cộng Sản Việt Nam này không có chức năng và thế giá nào trong việc phục hồi danh dự cho học giả Phạm Quỳnh, họ cũng không phải là đối tượng để đáng chúng ta, những người yêu chuộng tự do cúi mình vận động ân huệ cho nạn nhân cuả chính tập thể tay nhuốm đầy máu đỏ.

 

Những lý do nào khiến người CSVN phải ra tay thủ tiêu Phạm Quỳnh?

Ông Trần Gia Phụng nêu ra sự việc Cộng Sản Việt Nam ra tay giết Phạm Quỳnh hai lần. Giết mạng người và giết danh tiếng của ông với lời kết tội làm tay sai cho Pháp. Tác giả Trần Gia Phụng nêu năm lý do Hồ Chí Minh cần phải thanh toán Phạm Quỳnh để tuyệt trừ hậu họa. Năm lý do đó là: Phạm Quỳnh đã cho Cộng Sản là nạn dịch hoành hành gây bất ổn xã hội và đã chủ trương quân chủ lập hiến khác hẳn chế độ Cộng Sản; Phạm Quỳnh tiêu biểu giới trí thức làm văn hóa theo lập trường quốc gia bất bạo động phải giết Phạm Quỳnh để khủng bố áp đảo tinh thần; Phạm Quỳnh có uy tín bên ngoài nước dễ được chấp nhận hơn Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh muốn tạo khoảng trống chính trị để dễ bề độc diễn; Hồ muốn che đậy bộ mặt để đóng tuồng ái quốc mà chỉ Phạm Quỳnh là người biết duy nhất còn sống lúc đó và biết rõ Hồ xin theo với Tây không đắt cũng như rất rõ Hồ Chí Minh tức là Nguyễn Tất Thành lúc còn ở Paris năm 1922 trước khi sang Nga học nghề Cách Mạng đổ máu. (GOLMĐT, Trần Gia Phụng, tr. 317-318). Với năm lý do thầm kín ngặt nghèo ấy thì dù Phạm Quỳnh có mưu chạy cũng không thoát. Tuy nhiên tác giả lại đặt một vấn đề cần thanh thoả. Đó là "Có lẽ cần chú ý việc Phạm Quỳnh về trí sĩ mà không phòng thân, hoặc không lo tìm đường mà trốn tránh, ngay cả sau khi Việt Minh đảo chánh, chứng tỏ bản thân Phạm Quỳnh nghĩ rằng ông chẳng phải là tay sai của Pháp để phản dân hại nước, và ông cũng chẳng theo một đảng phái chính trị nào, nên có chi phải sợ đề phòng. Nếu qủa thật ông là tay sai cuả Pháp thì ông đã cao bay xa chạy, và Việt Minh không dễ bắt được ông như vậy.” (GOLMĐT, tr. 301). Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm các nhà chống đối chính trị với Hồ Chí Minh đều bị thủ tiêu gọn, ngay cả những vị có hộ vệ và đệ tử đông đảo, với năm lý do cần phải giết Phạm Quỳnh, làm sao ông chạy khỏi lưới khi trong tay không một tấc sắt, không một hậu thuẫn hộ vệ nghe ngóng. Với một vợ 13 con, không phải dễ bôn tẩu như một tay độc thân Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh lại quá dễ nhận diện và là người xứ Bắc giữa chốn thần kinh lạc lõng. Dù không trốn hay trốn không thoát, vấn đề này có những yếu tố khách quan và chủ quan cùng chính sách giết người không ai ngờ được cuả Cộng sản Việt Nam, đề phòng hay không đề phòng nổi đều không là những yếu tố quyết định trắng đen Phạm Quỳnh có phải là tay sai cho Pháp hay không.

Tác giả Đặng Văn Nhâm trích dẫn Daniel Grandclément ghi lời Bảo Đại rằng Hồ Chí Minh rất nể trọng vị cố vấn tối cao của mình, đã cấm các cộng sự viên của ông ấy dùng danh từ "đồng chí" với cựu hoàng và có đến hai mươi lần trong 3 tháng trời sống gần gũi Hồ Chí Minh đã say sưa gật gù trong xe của Bảo Đại (GOLMĐT, tr. 264), để rồi tác giả Đặng Văn Nhâm than vãn: "Với thân tình đó, tại sao vua Bảo Đại không nói được một lời nào để can thiệp cho những người cộng tác thân tín nhất. Nếu không giúp được những người ấy thoát được lao tù, thì ít ra cũng giúp họ thoát được cái chết quá đau đớn, bi thương, tạo thành một vết hằn trong lịch sử dân tộc?” (GOLMĐT, tr. 265). Phải viện dẫn 5 lý do mà Trần Gia Phụng nêu ra để giải thích vì sao Hồ Chí Minh cố tình giết cho được Phạm Quỳnh. Công dân Vĩnh Thụy sống sót kỳ đó để còn tái hồi trong vai trò Quốc Trưởng sau này riêng ngài cũng là tay khá lắm, nhờ khả năng ngậm miệng nín thở qua cầu mà Pháp đã giáo hoá cho. Trong thời Tam Quốc, Lưu Bị thoát móng vuốt Tào Tháo cũng là do kế rơi đũa sợ sấm, Lưu Biểu được họ Tư Mã cho toàn mạng cũng nhờ cái dại khờ tuyên bố chẳng thiết tha gì về Thục. Hồ Chí Minh không giết vua Bảo Đại mà cầm chân ngài trong chức vị "cố vấn" hữu danh vô thực có lợi cho tiền đồ của phe nhóm ông ta trong lúc còn manh nha trứng nước. Không bỏ chạy kịp sang Hồng Kông thì khi Pháp Việt chiến tranh bùng nổ, mạng vua cũng khó giữ cho mình. Tác giả Mạc Kinh nhận định thêm một yếu tố quan trọng rằng mối hận của Hồ Chí Minh về bản Tuyên Ngôn Việt Nam Độc Lập phỗng tay trên do Phạm Quỳnh soạn thảo để Hoàng Đế Bảo Đại tuyên cáo cùng quốc dân và thế giới ngày 11 tháng 3 năm 1945 đã phong kín số phận cuả nhà học giả nguyên thượng thư đầu triều mấy tháng sau khi ông từ chức (GOLMĐT, tr. 34).

Về thời gian câu hỏi tán thán vua Bảo Đại cuả tác giả Đặng Văn Nhâm đặt ra nêu trên không phù hợp: Vua Bảo Đại thoái vị ngày 25 tháng 8-45, làm lễ thoái vị tại cửa Ngọ Môn ngày 30-8 cho đại biểu Việt Minh từ Bắc vào thu ấn kiếm, vua mất ngôi còn co ro cho thân phận mình không biết nói cùng ai thì Việt Minh yêu cầu ngài ra Bắc làm cố vấn ngày 4 tháng 9, hai ngày sau thì họ đã liền hạ sát Phạm Quỳnh khi ngài đang trên đường ra Bắc theo kế “điệu hổ ly sơn” của Hồ. Lấy đâu mà đã có dịp gần Hồ Chí Minh lúc ấy để kiếm lời van xin cho thuộc hạ. Mặt khác Cộng Sản chủ trương giết những thành phần nào họ đã nắm vững với nhau, há Hồ Chí Minh lại phải hỏi đến cựu hoàng về tự sự này.

Ngày nay sau những kinh nghiệm đẫm máu của Tết Mậu Thân, sau việc lừa cả nước bảo nhau trình diện vào các trại cải tạo học tập sớm về sớm, cái trò gửi giấy mời đến trụ sở uỷ ban rồi giữ luôn đã quá xưa nhưng trong thời Việt Minh mới nổi dậy chẳng ai hay cái trò quỉ này của họ cả.

Đường lối chính trị dung hoà cuả Phạm Quỳnh có những lý do thích đáng với những người trong hàng ngũ quốc gia.

Ông Trần Thanh Hiệp qua bài "Tìm Hiểu Tư Tưởng Chính Trị của Phạm Quỳnh Qua Thông Điệp Nam Phong" nêu trên đã tóm lược bối cảnh lịch sử nước nhà khi Pháp đã lần lượt thành công đàn áp tan rã các phong trào võ lực chống đối nền cai trị thuộc địa và bắt đầu bào chữa thái đo xâm chiếm chủ nhân ông bằng chiêu bài khai hóa. Từ bối cảnh thơiø thế đó xuất hiện tư tưởng quố gia gồm năm điểm do Phạm Quỳnh đề xướng. Năm điểm đó là ‘niềm tin sâu xa vào sự hiện hữu của giống nòi dân tộc’, ‘lòng yêu nước’, ‘độc lập tinh thần làm nền tảng cho độc lập chính trị’, ‘quy chế chính trị độc lập’ và ‘viễn kiến về tương lai đất nước’ (GOLMĐT, Trần Thanh Hiệp, tr. 61-70). Trên mô thức thực hiện Phạm Quỳnh đề nghị áp dụng hoà ước Giáp Thân 1884, tức Hoà Ước Patenôtre, trả lại nhiều quyền hạn đã tước đoạt của triều đình Huế và kế đó là thực hiện chế độ quân chủ lập hiến. Tất cả đều là trong vận động ôn hoà với Pháp đế họ bằng lòng giúp cho thực hiện và thực hành được bản hiến pháp quân chủ lập hiến cho Việt Nam vẫn nằm trong phạm vi khối liên hiệp Pháp. Ông Trần Thanh Hiệp cẩn trọng đề nghị phải nên dè dặt nhận định về sự nghiệp chính trị của Phạm Quỳnh cũng như phải phân biệt sự nghiệp chính trị đối với đóng góp tư tưởng chính trị của học giả này.

Tác giả Nguyễn Hữu Thống không bó mình trong giới hạn đó, qua bài ‘’Tưởng Niệm Phạm Quỳnh Tư Tưởng Chính Trị Và Sách Lược Vận Động", ông trình bày súc tích bối cảnh chính trị Pháp Việt, các đường lối đấu tranh giành độc lập thành công sớm ở các nước Á Phi khác mà không qua phương sách bạo động và cho rằng ngay cả cụ Phan Bội Châu vào năm 1918 đã viết “Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư”. Ngay đến Trung Hoa Quốc Dân Đảng sau khi thành công trong cuộc cách mạng lật đổ nhà Thanh thì Thư Ký riêng của Tôn Văn và Đô Đốc Trần Kỳ Mỹ cũng khuyên Phan Bội Châu không nên theo đuổi chủ trương bạo động kịch liệt. Tàu từ chối không phiêu lưu yểm trợ cụ Phan trong đường lối này khi cụ ngỏ lơiø vận động.

Theo nhận định của tác giả Nguyễn Hữu Thống thì năm 1919 là một cơ hội ngàn vàng cho giải pháp đấu tranh ôn hoà vì các khuynh hướng cách mạng Việt Nam đủ đa diện nhiều sắc thái : các sĩ phu thuộc phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo, các sĩ phu thuộc phong trào Tây Du có Phan Chu Trinh tiêu biểu, các nhà lập hiến Bắc Nam, phe tân tả phái với Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm, chưa ai theo chủ trương bạo động vì Nguyễn Tất Thành còn chưa nên cơm cháo gì hai năm sau cuộc cách mạng Bolsevic ở Nga và có lẽ đang học cách viết đơn cho Bộ Trưởng Thuộc Địa xin nhập học các lớp trường thuộc địa trong qui chế nội trú có bổng cấp vì đương sự “tha thiết muốn trở nên hữu dụng cho nước Pháp” (GOLMĐT, tr. 112). Tác giả Nguyễn Hữu Thống cho rằng nếu cùng qui tụ tham gia hợp tác chắc chắn cơ hội thành công sẽ đạt được. Chúng tôi không nghĩ rằng Pháp đã sẵn sàng trao trả thuộc địa vào thời điểm này, mà chỉ là đòn hứa kéo dài thời gian cho qua đợt sóng gió thành lập Hội Quốc Liên thuở đó vơí sự thúc đẩy cuả Tổng Thống Wilson nước Mỹ. Khi Hội Quốc Liên thất bại thì Pháp lại để chìm xuồng lời hứa hẹn chính trị. Những năm sau đó cụ Phan Chu Trinh mất vì bệnh, cụ Phan Bội Châu bị bắt thiếu điều bị tử hình, Pháp vẫn bịt tai xua tay với những kêu gọi thay đổi. Sự bế tắc đó dẫn đến cuộc bạo động khởi nghiã của Việt Nam Quốc Dân Đảng, với các lãnh tụ Nguyễn Thái Học Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Phạm Tuấn Tài vào năm 1930. Việt Nam Quốc Dân Đảng ngay từ khi thành lập thì đã chủ trương bạo độâng lật đổ nền cai trị Pháp dù lúc còn đi học Nguyễn Thái Học cũng chủ trương yêu cầu Pháp cải thiện nền cai trị ở Việt Nam. Điểm quan trọng khi đó là sự lãnh đạo phối hợp các mặt khác nhau của nhiều mô thức mà tiến lui cho đúng lúc chứ không phải bó giáo quay về đầu thú tất cả. Sự đấu tranh chính trị là khả năng vận dụng các đối lực xung khắc đích đáng cùng với khả năng chủ động đúng thời điểm. Vấn đề quan điểm ở đây cần phải được thảo luận kỹ hơn, thận trọng hơn đối với bốn (4) kết luận then chốt mà tác giả Nguyễn Hữu Thống đưa ra trong bài viết cuả ông. Đó là: "Nhìn lại lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, gạt bỏ mọi thành kiến, chúng ta ghi nhận công lao của những nhà đấu tranh ôn hoà bất bạo động như Phan Chu Trinh, PQ (Phạm Quỳnh), Bùi Quang Chiêu v.v... …Đây là con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khôn ngoan và hữu hiệu nhất. Chúng ta chỉ tiếc là năm 1919 Phan Bội Châu đã không nhìn ra giải pháp này. Và năm 1945, PQ đã rút lui quá sớm trong khi các mục tiêu độc lập và thống nhứt chưa hoàn thành. Cũng vì vậy mà ngày nay dân tộc ta đã phải ôm hận triền miên" (GOLMĐT, tr. 107)

Tôi xin vắn tắt đóng góp ý kiến thô thiển với 4 nhận định trên và không đồng ý với tác giả Nguyễn Hữu Thống trên các căn bản sau:

1. Không thể nào xác quyết với những yếu tố khách quan cuả lịch sử rằng bất bạo động là con đường hữu hiệu nhất để giải phóng dân tộc.

Lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta đã từng chứng minh cúi đầu ôn hoà năn nỉ là giải pháp kém hữu hiệu nhất. Nếu nói thời điểm 1919 là bước đi thuận lợi nhất có thể có được thì hãy xét những bối cảnh lịch sử của 1919. Aáy là thời điểm thế chiến thứ 1 kết liễu, toàn quyền Albert Sarraut đọc diễn văn tại văn miếu Hà Nội tỏ lòng tri ân Việt Nam đã gửi 100,000 binh sĩ sang chiến đấu bảo vệ nước Pháp cùng mua quốc trái để chi dùng chiến phí (Rồng Nam phun bạc đánh đuổi Đức tặc!) vậy Việt Nam xứng đáng tiến tới một chế độ lập hiến và tự trị. Albert Sarraut cũng cử người sang Tàu để thương nghị với cánh bạo động của cụ Phan (GOLMĐT, tr. 96). Lúc này đảng Cộng Sản Pháp cũng chưa thành hình nói chi là đảng Cộng Sản Đông Dương. Dẫu rằng Gandhi chủ trương bất bạo động mà mãi tới sau thế chiến thứ hai thì Ấn Độ mới được trả độc lập, có chăng lúc đó là sự ra đời đạo luật về “tổ chức chánh quyền Ấn Độ năm 1919”. Kinh nghiệm hiện tại về công cuộc tranh thủ độc lập tự trị cuả người Palestine ở Trung Đông cũng như một đảo dân là xứ Đông Timor độc lập khỏi Nam Dương một cách chớp nhoáng mặc dầu nhỏ bé cho ta thấy chiến hay hòa, bạo động hay bất bạo động đều tự nó không tách khỏi bối cảnh ảnh hưởng các áp lực thế giới phức tạp. Phạm Quỳnh thích truyện Kiều, ông thưà biết rõ mẹo "chiến hòa rắp sẵn hai bài" dầu là việc nhỏ như Thúc Sinh mặc cả để mua nàng Kiều từ mụ Tú Bà hà huống là sự tranh thủ độc lập. Tiếc thay "chim lồng không dễ cất mình bay cao" phải là thế đi của Phạm Quỳnh lúc đó nhưng không phải là thế đi của cụ Phan Bội Châu dù ở năm 1919 được. Những người muốn mặc cả phải biết vận dụng các động lực chính trị ấy hết sức linh họat mới tránh khỏi bị lỡ bộ.

2- Không đồng ý rằng cụ Phan đã làm lỡ cơ hội đường lối ôn hòa năm 1919

Cụ Phan không thể rút ngay được bài học Ấn Độ để từ bỏ dễ dàng lý tưởng cả đời mình, nhất là còn nhiều đồng chí chưa thể đồng tâm với cụ nếu thực sự cụ đổi theo con đường này. Có chăng là ông Nguyễn Bá Trác làm một bài thơ Hồ Trường rồi rưả tay gói kiếm "hà tất cùng sầu đối cỏ cây”. Ông Nguyễn Bá Trác cũng bị Việt Minh hạ sát năm 1945 tại Qui Nhơn (GOLMĐT, tr. 331). Nền thuộc địa Anh Quốc cũng khác vì tâm địa bọn thuộc địa Pháp có khác, không thể đinh ninh rằng Pháp cũng hành xử như Anh Quốc. Ta cứ xem như trường hợp Algerie, Pháp bám mãi như đỉa cho đến năm 1962 dù ở đấy không có phong trào Cộng Sản khuấy động và dù chính quốc bằng lòng ra đi nhưng Tây thuộc địa quyết không bỏ. Ai chẳng biết Pháp thuộc địa quỉ quyệt nói một đàng làm một nẻo. Những lời nói của Albert Sarraut không nên lấy gì làm chắc để trách cứ cụ Phan. Nếu như Pháp thật lòng muôn tiến tới sự hợp tác và buông tha cho người Việt thì chính sách bạo động của cụ Phan như cá bị tách ra khỏi nước còn kêu gọi được ai. Chính các lời hứa suông này mà Nguyễn Thái Học dù khi còn đi học cũng đã gan dạ đạo đạt đòi hỏi canh cải để cuối cùng phải quay sang bạo động và cũng bị tiêu diệt thẳng tay vào năm 1930. Dầu cho nước Pháp có dạy ta một nền văn minh văn hoá dựa trên giá trị tự do bình đẳng thế nào, thì 20,000 Tây thuộc địa cũng có những mưu mô thâm hiểm và gian ngoan của chúng. Đây là phe "thực dân hạ cấp" như chính ông Nguyễn Hữu Thống đã viện dẫn (GOLMĐT, tr. 101).

Chính đám hạ cấp này dai dẳng không chịu nhả mồi khiến chính sách ôn hòa suốt mười ba năm năn nỉ của Phạm Quỳnh trôi theo dòng nước mà còn đặt ra cả vấn đề minh oan cho ông đến ngày nay.

Ta cũng nên nhớ rằng dân tộc Ấn Độ đông đảo hơn ta và có nền văn minh triết lý trừu tượng siêu đẳng và thích hợp với đường lối bất bạo động. Nền văn hoá Khổng học với các gía trị sát thân thành nhân, sĩ khả sát bất khả nhục, và qúa trình bị đô hộ lâu dài của người Việt, sự nhẫn nại theo đuổi chính sách bất bạo động rất khó áp dụng và không có căn bản giá trị văn hóa đối với xã hội ta để được quần chúng hưởng ứng. Mặt khác dầu cho tình bạn riêng tư thân thiết như thế nào, quyền lợi tổ quốc của mỗi bên không chắc đã hy sinh vì tình bạn. Như bài học Phạm Quỳnh đó là tình thân với các bạn Pháp có thể khiến ông được tín nhiệm, không bị nghi kỵ rầy rà làm khó, nhưng không thể nghĩ rằng tình bạn ấy mua được nền độc lập cho tổ quốc khỏi bàn tay của xứ sở bạn mình đang là mẫu quốc! Cái việc trớ trêu mà Albert Sarraut nhắc đến người Việt giúp 100,000 lính đánh cho Pháp cùng tiền bạc ở kỳ đệ I thế chiến, nói ra là cả một niềm tủi nhục cho giới sĩ phu chứ hãnh diện gì. Mất nước để cho người ta khiển dụng trai tráng của mình, tài vật của mình giữ nước cho họ, ta phải nên tức tưởi mới đúng chứ không phải sự đúng đắn khôn ngoan tưởng tượng để làm mất giá trị bi tráng hào hùng của một trang sử và tiền nhân huyết lệ đã qua. Chúng ta cũng không có cơ hội sát cánh với đồng minh như trường hợp Miến Điện, Aán Độ, Phi Luật Tân ở đệ II thế chiến vì một cách giản dị ông Tây thuộc địa cà cộ đã bị ông Nhật phiệt còng tay chân từ năm 1940 (30-8) với hiệp uớc thân hữu Pháp Nhật và sau đó là sự đổ bộ 40,000 quân Nhật vào Nam kỳ theo hoà ước Pháp Nhật Thái Lan ngày 9 tháng 5-1941, mà ông Tây cà cộ thuộc địa phải lo phần cơm gạo dầu đèn do Hiệp ước phòng thủ chung quy định cùng chính phủ "Vichy", bù nhìn của Đức Quốc Xã. Chính Phủ Pháp lưu vong qua dạng Ủy Ban Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của tướng De Gaulle lại tuyên chiến với Nhật. Tình trạng quá phức tạp cho người Việt Nam xoay chuyển. Cũng có khi nhờ đó dân ta không bị đem đi đỡ đạn Phát Xít Đức ở Aâu Châu. Và vì thế mà ông Tây còn cay cú vòng trở lại Việt Nam không bỏ sau khi Bảo Đại và Phạm Quỳnh tuyên bố độc lập lúc Nhật thẳng tay loại Pháp khỏi quyền hành ở toàn cõi Đông Dương.

3- Năm 1945 Phạm Quỳnh đã rút lui quá sớm khi các mục tiêu độc lập và thống nhất chưa hoàn thành.

Chúng tôi thiển nghĩ Phạm Quỳnh bị đẩy vào thế phải rút lui vì vua Bảo Đại giải tán nội các. Một ông hoàng đế có quyền cho phục viên các quan lại phục vụ mình. Khi tình thế chính trị và quyền lực đột ngột thay đổi, Vua Bảo Đại thấy người Pháp mẫu quốc đã bị giải trừ, không tuyên bố độc lập thì còn đợi lúc nào đây? Phương chi ông Phạm Quỳnh đã phục vụ 13 năm mà con đường vạch ra không đi đến đâu. Ngồi như thế qủa đã là lâu. Bởi vì một nhà chính trị phải có chủ đích và đường hướng và một phương án hành động trong giới hạn thời gian. Dù không là tay sai cho Pháp thì Phạm Quỳnh cũng là con bài thân Pháp như vua Bảo Đại. Lúc đó người bầy tôi phải hy sinh cho ông vua của mình, dù Bảo Đại không giải tán nội các, ông Quỳnh cũng không thể căn cứ vào quyền lực nào để tiếp tục ở lại trong ghế đầu triều nữa. Không còn Phạm Quỳnh nhưng vua Bảo Đại có thể gấp rút thực hiện chế độ quân chủ lập hiến của ông Quỳnh theo đuổi vì bây giờ ta độc lập thì còn gì phải đợi nước nào ban cho ta cái hiến pháp nưã. Theo chúng tôi thiển nghĩ sau khi tuyên bố độc lập, nếu vua Bảo Đại tuyên bố thực hiện nền lập hiến, mời người tài giỏi hô hào tham gia nghị viện, lâm thời đề cử đại biểu quốc dân nghị viện và khẩn triệu tập vào Huế hay tại Hà Nội rồi vua thân hành đi tới nghe ngóng ý dân để gây hào hứng toàn quốc dù lúc đó có thể nguy hiểm vì Mỹ bỏ bom oanh tạc. Vì vua không quyết đoán mà ông Trần Trọng Kim vị thủ tướng kế nhiệm cũng e dè thận trọng chỉ lo đi xin Nhật trao trả thành phố này, dinh thự kia mà quên động viên tinh thần nhiệt liệt toàn quốc nên trễ nải công việc mà làm hư đại cuộc sau này. Chúng tôi cho rằng ông Quỳnh rút lui là phải chứ không quá sớm vì cái đối tượng mà ông mặc cả mãi cho giải pháp của mình đề bạt đã bất thần bị gạt ra ngoài lề quyền lực, nhưng vì ông không là một nhà chính trị hoạt động nên được về là vui mừng muốn xoay qua về viết báo là nghề sở trường ưa thích. Nghề này càng làm lâu càng danh giá và càng thực hành lý tưởng của mình. Khuyết điểm của Phạm Quỳnh là không hiến kế cho vua Bảo Đại phải làm gì trước khi rũ áo ra đi. Chúng tôi như có cảm tưởng thời thế làm ông bị thất sủng nhưng đường lối đề bạt về một nền lập hiến quân chủ có khi người Nhật cũng tán đồng. Thật vậy ngay cả khi Việt Minh cướp chánh quyền, các sĩ quan Nhật còn xin lấy quân còn lại của họ dẹp nổi loạn nhưng lúc đó tình hình có vẻ trễ và vua cũng không có sự quyết đoán lớn lao của một người thông thạo qui luật đấu tranh chính trị. Vua có sẵn ngai vàng nhưng dường như cũng không tha thiết bảo vệ, mà cũng không kham nổi việc trị quốc. Khi giải tán nội các ngày 19 tháng 3-1945, phục viên Phạm Quỳnh mà không phát huy một kế sách chính trị gì nối tiếp, người ta có thể nghĩ hoàng triều muốn ù lì chuyên chế, do đó thiếu hẳn đi sức hậu thuẫn cuả quốc dân. Nên nhớ rằng đã có nhiều nhà cách mạng như Phan Chu Trinh đã đòi dẹp bỏ vương quyền ngay từ thời phụ hoàng Khải Định cuả ngài nữa. Trước kia nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã đòi huỷ bỏ chế độ Nam triều mà để nhờ Tây trực trị cho rồi, vì như thế đỡ một cổ bị thắt hai tròng. Tác giả Nguyễn Hữu Thống cho rằng bản tuyên cáo độc lập chưa phải là một hiệp ước (GOLMĐT, tr 105).. Đúng vậy nhưng hiệp ước quan trọng nhất là cái hiến ước với quốc dân mình để dân mừng rằng nay mình tranh đấu giành quyền cho mình chứ không phải cho vương quyền và Nam triều nhà Nguyễn nưã.

4- Dân tộc ta vì vậy đã phải ôm hận triền miên.

Ông Nguyễn Hữu Thống cho rằng vì Cụ Phan bỏ lỡ cơ hội hoà vơiù Pháp năm 1919 và Phạm Quỳnh rút lui quá sớm nên "cũng vì vậy mà dân tộc ta phải ôm hận triền miên ". Tôi mong chờ tác giả có dịp làm sáng tỏ luận cứ này hơn là gay gắt phản bác luận cứ đó ở đây. Dù vậy tôi cũng xin đóng góp rằng cụ Phan và Phạm Quỳnh, dù hai vị đều có khả năng và được quốc dân khá mến mộ (trường hợp Phạm Quỳnh) có khi còn tôn sùng là ngang bậc cha già dân tộc (trường hợp cụ Phan), nhưng trong thời điểm 1919 và 1945 Cụ Phan và Phạm Quỳnh không ở vị thế chủ động tác động thời cuộc. Trách nhiệm lịch sử vì thế không ụp lên đầu hai vị được. Chúng ta đã biết rất rõ là ngày nay dân tộc ta ôm hận triền miên vì Hồ Chí Minh cam tâm theo mô thức cộng sản bạo động, đã thẳng tay triệt hạ hết những nhân tài đối thủ trong thời gian ông ta cầm quyền kháng chiến và thời gian ông ta làm chuá tể trên đất Bắc. Còn về phía Pháp ngay cả sau này Pháp tái dùng chiêu bài Bảo Đại cũng vẫn hứa nhăng cuội không chịu thực hiện nghiêm chỉnh các thoả thuận đối vơí chính phủ Quốc Gia Việt Nam, cứ kéo dài nuôi lực cho Việt Minh lớn mạnh và làm thui chột khả năng phát huy chính nghiã độc lập của những thành phần quốc gia dân tộc. Cụ Trần Trọng Kim sau này cũng nêu rõ thắc mắc ngờ vực dựa trên kinh nghiệm quí báu trải qua: "Việc làm của người Pháp thật là ngoắt ngoéo khó hiểu. Họ đánh nhau với Việt Minh mà lại dung túng người của Việt Minh. Họ nói muốn điều đình với những người trong phái quốc gia, mà lại cản trở việc làm của phái quốc gia" (Một Cơn Gió Bụi, Trần Trọng Kim, tr.176). Đọc danh sách dài đặc những nhân tài kiệt xuất của Việt Nam chống Pháp mà lại có tên trong bảng những người bị Việt Minh thủ tiêu chúng ta không khỏi bồi hồi ngăn được lệ đổ trên pho quốc sử thời hiện đại. Những ông Tây thuộc địa khi Phạm Quỳnh còn làm báo đã có một thời kỳ muốn bán thuộc địa Việt Nam, nhưng sau này khi được Mỹ giúp cho tiền bạc ở Đông Dương thì lại muốn đóng vai nhà thầu chiến tranh. Đó mới là những nguyên nhân tai họa làm dân ta ôm hận triền miên vậy.

 

So sánh đặc điểm của vua Bảo Đại, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim và Ngô Đình Diệm

Về bản chất một người chiến sĩ đấu tranh chính trị phải nói ông Ngô Đình Diệm sắc bén trội hơn cả. Vua Bảo Đại dĩ nhiên còn quá trẻ và không am tường chính trị nước nhà. Ngài tại vị chỉ vì thừa hưởng ngôi truyền, nhưng Pháp đã cảnh cáo cho ngài về số phận những ông vua chống đối. Phụ hoàng ông cùng do Tây chọn mà cho lên ngôi đã nhất mực phục tùng người Pháp cai trị. Khi tình thế sôi sục thì vua ẩn mình lo sợ như số phận Louis 14 hoặc số phận Nga Hoàng. Ngay cả giải pháp ôn hoà mà Phạm Quỳnh theo đuổi vua cũng nhột nhạt sợ Tây không chịu. Ngài tâm sự về cuộc vận động năm 1939 với Bộ Trưởng Thuộc Địa Pháp có Phạm Quỳnh tháp tùng “hộ giá” một quan niệm thụ động chấp nhận số phận: “mặc dù cuộc viếng thăm này không có tính chất chính thức, tôi cũng không thể nén mà không nói xa xôi cho ông ta biết vị trí chán nản mà nền chính trị Pháp đã dành cho tôi" (GOLMĐT, tr. 298). Vua không quyết đoán, suốt 13 năm trực tiếp trị vì điều khiển Nam triều đã muốn theo đuổi thực hiện nền quân chủ lập hiến, nhưng khi có tự do để thực hiện thì lại làm như thụt về ôm cứng lấy ngai vàng chuyên chính. Khi sóng gió đến thì run sợ lại muốn trút ngay đi để tránh vạ qua việc thoái vị dễ dàng. Khi Nhật đã bị ăn bom nguyên tử vua Bảo Đại thúc giục cụ Kim lập chính phủ lâm thời chớ không được từ chức thì lâm thời chính phủ không làm nổi nưã, đã bị Việt Minh cướp lấy chính quyền. Bảo Đại chỉ còn trong cương vị cố vấn, đại diện Mỹ muốn cho vay tiền chi dụng, ông hỏi ý Bộ Trưởng tài chánh thì ông Bộ Trưởng Phạm Văn Đồng gạt phắt đi, nói rằng: “Chính phủ Việt Nam không cần tiền người Mỹ” (M.C.G.B., TTK, tr.123). Điểm này cho thấy nếu biết vận động sớm vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim có thể nhận được sự giúp đỡ của Mỹ sớm hơn để làm đại sự. Chính vì tính thụ động chấp nhận số phận mà không liều thách đố thời cuộc và phát huy sáng kiến.

Phạm Quỳnh như chúng ta đã biết và qua sự trình bày cuả các tác giả trong Giải Oan Lập Một Đàn Tràng là một nhà văn hoá và nhà tư tưởng về chính trị, nhưng không phải là một người chuyên sinh hoạt chính trị. Ông có vạch ra một con đường nhưng không ấn định thời điểm hoàn thành. "Trong sinh hoạt chính trị Phạm Quỳnh không tạo ra những biến cố nổi bật ở dạng bùng nổ", đó là một nhận xét rất xác đáng của tác giả Trần Gia Phụng (GOLMĐT, tr. 314). Suốt thời gian cầm quyền cũng không tổ chức lấy một hậu thuẫn chính trị. Khi tình thế biến chuyển ông đã bị thời gian vượt qua và đào thải. Ông lại không thấy được cả cái thế hung hiểm cuả mình trước cơn lốc cuả lịch sử mà ông biết thế nào cũng kéo đến. Không thực hiện được chủ đích chính trị, ông cũng không phòng nổi thân mình để bị thảm sát mà không có một khả năng chống trả. Ông thường cho mình là người của giao thời và chỉ hợp được một thời gian, và rằng ít người ưa ông. Đứng ở giữa ông bị cả hai bên chán ghét. Một người sinh hoạt chính trị biết rõ mình là ngưỡi đáp đúng thời điểm thì thuờng chụp ngay lấy thời cơ mà hành xử. Phạm Quỳnh làm như người không thiết tha quyền lực theo nghiã quyền hành. Về điểm này ông giống bản chất vua Bảo Đại và khác xa mẫu người quyết liệt của Ngô Đình Diệm. Ông Diệm nhận lời tham gia nội các với điều kiện.

Chính ông Diệm cũng là người chủ trương Pháp cần quay về với căn bản hoà ước Giáp Thân 1884 tôn trọng quyền nội trị của Việt Nam. (GOLMĐT, tr. 336).

Sau khi biết rõ điều kiện cải cách không thỏa đáng ông liền từ chức để minh định lập trường. Ông muốn làm thủ tướng để thi thố kế hoạch của mình. Nhận chức hay từ chức đều có tính toán. Gia đình ông có khuynh hướng làm chính trị và đã đánh nhiều mặt bài liên kết quyền lực. Dựa vào thế lực phe thân Pháp và Thiên Chuá Giáo ( Nguyễn Hữu Bài), ông sống như một tu sĩ, một liêm quan. Anh của ông, ông Ngô Đình Khôi đã cho con là Ngô Đình Huân học tiếng Nhật làm thông ngôn cho đại sứ Nhật. Sau các thất bại liên tiếp và Nhật không tiến cử ông làm thủ tướng dù ông có sinh hoạt với những người thân phong trào Cường Để thân Nhật, ông trì chí liên lạc qua tôn giáo để bắt tay với Hoa Kỳ. Ông biết lúc nào phải vọt chạy, lúc nào hiểm nghèo thật khác với cái tác phong của Phạm Quỳnh. Vua Bảo Đại không ưa mấy với con người khó tính này nhưng thời thế đưa đẩy phải triệu dụng Ngô Đình Diệm. Lần thứ nhất quá ngắn ngủi và không hành sự được như ý, lần thứ hai với toàn quyền quân sự và dân sự cũng như đủ lâu để ông hất luôn Bảo Đại cho tiện bề cai trị đưa Việt Nam qua thể chế Cộng Hoà. Theo tác giả Đặng Văn Nhâm thì Phạm Quỳnh khôn khéo hơn Ngô Đình Diệm. Điểm này cần được phân định. Tác giả Đặng Văn Nhâm viện dẫn Daniel Grandclément qua tác phẩm “Bao Đai ou les derniers jours de l’empire d’Annam” rằng “điều làm cho ông Diệm nổi cơn thịnh nộ lên, và sinh lòng bất mãn, chỉ vì ông Eugène Chatel, vừa nhậm chức Khâm Sứ Trung Kỳ, đã cùng với Phạm Quỳnh, Tổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng, muốn bãi bỏ quyền xử án của các hàng quan lại địa phương. Đó là một đòn ác nghiệt đã đánh bể “hũ gạo ngon của giới quan lại Nam triều” (GOLMĐT, tr. 257) nên ông Diệm yếu thế dọa từ chức mà bị cách chức luôn. Vấn đề này nếu có chứng liệu xác đáng thì đánh dấu một sai lầm của Phạm Quỳnh trên phương diện chính trị. Trên cương vị đầu triều, ông Ngô Đình Diệm, Thượng Thư Bộ Lại kiêm Tổng Thư Ký Uûy Ban Cải Cách do tân quân (thật ra vua Bảo Đại nối ngôi từ năm 1926 lúc mới lên 9 tuổi, nhưng lại qua Pháp tiếp học và không trực tiếp trị vì đến năm 1932) thiết lập đã có thái độ quyết liệt của một chính trị gia. Việc bãi bỏ nồi cơm hũ gạo này cho dù có đúng, nhưng là dấu chỉ Pháp tiếp tục vi phạm trầm trọng quyền nội trị của Nam triều theo hoà ước Patenôtre. Nếu như Phạm Quỳnh thực thi việc đòi Pháp áp dụng hoà ước này trong con đường vận động nền quân chủ lập hiến thì ông phải chống lại giải pháp vi phạm qúa trớn đề cập mà đồng ý vơiù Ngô Đình Diệm mới là phù hợp. Trớ trêu thay, mang tiếng là gìn giữ hệ thống Nam triều, họ Phạm đã làm mất lòng quan lại Nam triều. Ngô Đình Diệm xuất thân từ quan lại Nam triều, bảo vệ cho quyền lợi quan lại Nam triều nhưng sau này lại khoác được cho mình danh nghĩa "Bài Phong Phản Thực". Xem như thế, Ngô Đình Diệm quyền biến mưu lược và chấp nhận hung hiểm cuả một nhà chính trị hơn vượt Phạm Quỳnh, vốn nặng nghiệp là một nhà văn hóa. Vấn đề chính ở đây không phải là quan Nam triều xử án ăn hối lộ, bởi đã chắc gì giao cho một ngành khác do Pháp nắm giữ lại thanh liêm hơn đâu. Vấn đề là sự vi phạm thêm vào quyền tự trị của nước Nam mà chính tác giả Đặng Văn Nhâm đã nhận xét tinh tế: "Người da trắng ở VN chính là những vị chúa tể. Một cảnh sát viên quèn từ Pháp sang Việt Nam, làm việc, được lĩnh lương cao hơn cả lương một vị quan đầu tỉnh Nam triều, thí dụ như lương của ông Ngô Đình Khôi, một trong những người anh cuả ông Diệm.” (GOLMĐT, tr.258). Điểm này làm chúng ta liên tưởng thời đệ Nhị Cộng Hoà lương chết đói của quân cán chính Việt Nam có thấm gì với lương những người làm sở Mỹ, dù Mỹ chỉ trên danh nghiã là đồng minh cuả Việt Nam! Người ta cho rằng Ngô Đình Diệm không lượng sức trong cuộc tranh chấp và đã vi phạm nhiều thể lệ như bật mí cho báo chí rõ về các bản tường trình để áp lực Pháp và rằng ông đã sai lầm trầm trọng mà "quên mất rằng: Nếu không có Paris thì Việt Nam chẳng là gì cả. Triều đình nhà Nguyễn cũng dẹp. Hoàng thành cũng sẽ trống trơn” (GOLMĐT, tr. 258). Nếu xét ông Diệm là một quan lại tầm thường thì đây là một dại dột nghề nghiệp, nhưng nhìn về hành vi chính trị này, ta thấy ông quyết liệt và dũng cảm, biết và dám dùng áp lực, được thì lấy thành tích, thua thì lấy danh nghĩa. Đặt mình trong cái thế lưỡng thắng đó, Ngô Đình Diệm xứng đáng là đối thủ cuả Hồ Chí Minh sau này vậy. Sự hiềm khích giưã hai ông Quỳnh và Diệm có thể đã xảy ra và làm cho người ta tiếc rằng ông Ngô Đình Diệm sau này vào năm 1956 trên cương vị chủ tể của quốc gia, dù tìm thấy xác cuả anh ruột và cháu mình cùng vùi dập một hố với Phạm Quỳnh do Việt Minh thảm sát tại rừng Hắc Thú (GOLMĐT, tr. 337), mà không rộng lượng tổ chức rộng rãi lễ cầu siêu vinh danh và phục hồi danh dự cho Phạm Quỳnh để thu phục thêm hậu thuẫn quốc dân.

Thủ Tướng chính thức do Hoàng Đế Bảo Đại cử ra sau khi Nhật hất cẳng Pháp tại Việt Nam là nhà học giả uy tín và đạo đức Trần Trọng Kim. Nếu Phạm Quỳnh ý thức mình là người của giao thời nhưng lại nhìn theo khía cạnh tiêu cực mà không biết làm cho bùng nổ đề vận dụng thời cơ, thì cụ Trần Trọng Kim còn ngơ ngác hơn nưã. Cụ cứ thắc mắc sao các ông chính trị khác như Ngô Đình Diệm lại không được vua Bảo Đại triệu dụng lúc khó khăn này. Cụ Trần Trọng Kim viết trong hồi ký cuộc hội ngộ của cụ lần đầu tiên với ông Ngô Đình Diệm: “Cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa hiểu rõ tại sao bọn ông Diệm là người của ông Cường Để ủy quyền cho tổ chúc việc lập chính phủ khi có đảo chánh ở Đông Dương, và lại có một số người Nhật Bản ủng hộ mà chính phủ Nhật lại bỏ rơi” (M.C.G.B., TTK , tr. 45) . Khi diện kiến vua Bảo Đại cụ Trần Trọng Kim còn nài nỉ vua triệu ông Ngô Đình Diệm mà lập chánh phủ. Vua Bảo Đại nói có điện có cho ông Diệm về mà sao không thấy mặt. Nhiều khi ông Ngô Đình Diệm đã nhận định sáng nước hơn mà lỉnh mặt để tránh thế theo Nhật lúc tàn cờ. Ra làm Thủ Tướng mà cụ Kim cẩn thận đôi ba lần thoái thác, rồi trong hoàn cảnh rối ren cụ làm hết sức mình như một người công chức gương mẫu lo trừng phạt cách chức tham nhũng trong khi thế nước đòi hỏi cấp bách một mưu lược chính trị, vì không là một nhà chính trị quyền biến cụ không đặt ngay trọng tâm vào vấn đề an ninh nội an phòng khi chính sự biến động. Tựu trung vì người Nhật đã lật đổ Pháp mà Nhật lại đang thất thế mà cụ không có nhận định chính trị quốc tế rõ rệt. Cả nước vẫn e dè sợ hãi quân đội "thiên hoàng" dò dẫm không biết tìm lối thoát thế nào. Như Phạm Quỳnh, cụ không gây hậu thuẫn chính trị dù em rể của cụ lúc ấy đã móc nối được sự hậu thuẫn cuả Đảng Trưởng Đại Việt. Ở trong thời đại sóng gió mà đứng mũi chịu sào cụ đã bỏ lỡ chớp nhoáng nhiều cơ hội. Phải chăng mẫu người quân tử Đông Phương không thể có khả năng làm chính trị theo nghiã hiện đại? Cái đức khiêm cung, cần kiệm liêm chính và cái quy củ nhân nghĩa lễ trí tín làm như có thể là cái đạo huấn luyện bầy tôi chứ không phải đạo làm chính trị lãnh đạo trị nước hay sao? So sánh giữa hai nhà học giả "nhảy" chính trị này, tác giả Nguyễn Hữu Thống cho rằng Phạm Quỳnh hơn hẳn Trần Trọng Kim vì Phạm Quỳnh" có khả năng và kinh nghiệm đấu tranh chính trị và ngoại giao với quyền biến, chủ trương mưu lược và thủ đọan trong một giai đoạn vô cùng gay go của lịch sử” (GOLMĐT, tr. 105). Điều này có phần xác đáng bởi ngay sau khi Nhật đầu hàng, nội các Trần Trọng Kim còn đang bối rôí, chiều ngày 15 tháng 8-1945 Phạm Quỳnh lại được vua Bảo Đại triệu vào mật nghị cùng với các ông Trần Văn Chương, phó tổng lý kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao và Nguyễn Duy Quang, nội các đại thần (GOLMĐT, tr. 340). Tiếc thay vua đã dùng Phạm Khắc Hoè một người hoat động liên hệ với Cộng Sản ngay trong chức tổng lý ngự tiền Văn Phòng. Có thể cuộc bàn luận này liên hệ tơiù khả năng người Pháp quay trở lại Việt Nam. Phạm Khắc Hoè đi báo phiên họp mật này với đảng viên Cộng Sản Tôn Quang Phiệt. Cũng như vua Bảo Đại, Thủ tướng Trần Trọng Kim, cả hai thầy trò lúc ấy bị nhóm khuynh tả cộng sản hù dọa lung lạc đến nỗi phải bị dồn vào thế thoái vị giải tán mà không chủ động gì được tình thế xã hội chính trị sau đó nữa. Đích thân cụ Kim khuyên vua Bảo Đại nên kịp mà thoái vị "Vì dân ta đã bị bọn Việt Minh tuyên truyền và đang hăng hái về việc cách mệnh như nước đang lên mạnh mình ngăn lại thì vỡ lở hết cả". (MCGB, TTK, tr. 92).

 

Phạm Quỳnh, Ông là ai?

Tôi gần như đã bàn ngang mà không giới thiệu Phạm Quỳnh. Thật ra cá nhân tôi không có thế giá làm chuyện giới thiệu mặt trời này. Các tác giả trong các bài viết gần như trình bày đầy đủ về nhân vật khả kính Phạm Quỳnh, một nhà văn hóa, một bậc học giả uyên bác, một gạch nối giưã Đông và Tây, giưã kim và cổ, người tiền phong khởi xướng vận động cho một nền quốc học thay vì chỉ có Hán học và Tây học ở xứ ta, một nhà tư tưởng chính trị thực tiễn, một người được giao trọng trách và kỳ vọng thực hiện được một chuyện lấp biển vá trời trong một hoàn cảnh nghiệt ngã éo le, nhìn truớc thời cuộc ba tầm nhưng bị thời cuộc xoay chuyển hụt chân một bước vì bản chất không phải là một nhà sinh họat và vận động chính trị có tham vọng quyền lực bản thân. Thuở thiếu thời theo đòi cách mạng nhưng bị bắt, mồ côi cha mẹ, ông được ông bà nuôi nấng, tự học, cần cù kiên nhẫn tiến lên trong công trình xây dựng kiến thức không những cho mình mà cho tập thể dân tộc của mình trong hoàn cảnh một nước nhược tiểu bị trị hạn hẹp. Một con người dung hòa thích lý luận thuyết phục chính mình và người chứ không qua ép buộc đàn áp. Một con người duy lý và không xung động, bình tĩnh và can đảm, một tay biện luận tài ba. Ông được uỷ thác trách nhiệm trong một thời buổi cực kỳ phức tạp hướng dẫn một hệ thống chính trị vô quyền nhưng khi thời điểm thật sự đã đến lúc thì mạng sống lập tức bị tước đọat bởi những phần tử liều lĩnh phiêu lưu cố quyết đọat lấy quyền lực mà không biết phải sử dụng quyền lực ấy trong trách nhiệm thế nào trước dân tộc và lịch sử, một nạn nhân tiên khởi của Cộng Sản Việt Nam. Một nhà báo tiền phong, một tay bỉnh bút chẳng tốt nghiệp từ một trường huấn luyện đại học chuyên nghiệp nào nhưng thừa khả năng và kiến thức bậc tôn sư. Đấy là những gì tôi mạo muội nghĩ về nhà Học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh, Chủ bút Nam Phong tạp chí trong suốt 17 năm với 217 số báo nền tảng cho một phong trào quốc học và sử dụng chữ quốc ngữ trong xã hội Việt Nam. Trong suốt gần 13 năm "một bước lên quan", theo như tác giả Mạc Kinh, "bàn tay của nhà chính trị ấy trải qua nhiều thập niên vẫn trắng, vẫn trong, không có vết máu. Vẫn là bàn tay đơn thuần của một văn nhân đấu tranh cho chính trị! Suốt một đời quyền uy của ông, ông không hãm hại, không giết ai cả”. (GOLMĐT, tr. 50).

Như thế hà cớ gì danh dự của ông bị mất? Hà cớ gì cần ai phục hồi? Có chăng là bổn phận làm vinh danh một người chiến sĩ văn hóa mà chúng ta cần vận động tôn vinh đúng với công trạng của ông đã cống hiến trong lịch sử phát triển hình thành một nền quốc học của quốc gia Việt Nam trong tự do và nhân bản tiến bộ. Sau cùng, đối với danh xưng Ủy Ban Phục Hồi Danh Dự Phạm Quỳnh, tôi xin đề nghị thêm vào hai chữ "vận động” để phản ảnh được đúng đắn chức năng và nghiã vụ cuả dự án này. Như thế Ủy Ban không nên ngừng lại ở việc phát hành tuyển tập này, vì đây chỉ là bước khởi đầu phải có cho công cuộc vận động.

Đỗ Quý Sáng

Tham Khảo:

  • Giải Oan Lập Một Đàn Tràng, Tuyển tập, Ủy ban phục hồi danh dự Phạm Quỳnh, Tâm Nguyện, Maryland, USA,2001

  • Một Cơn Gió Bụi, Trần Trọng Kim, Vinh Sơn, Saigon 1969

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002