Đại Chúng số 83 - phát hành ngày 1/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


ĐỌC “VIỆT NAM NHÂN CHỨNG” CỦA TRẦN VĂN ĐÔN

Phụng Hồng

(tiếp theo kỳ trước)

Ta hãy nghe ông Đôn kể lại chi tiết để biết rõ lòng dạ ông lúc đó:

"Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1955, Nguyễn Văn Vỹ hấp tấp mời ký giả đến tuyên bố rằng quân đội cũng Nguyễn Văn Vỹ đảo chánh Ngô Đình Diệm bị nhóm Nguyễn Bảo Toàn, Nhị Lang, Trình Minh Thế lấn quyền. Báo chí và đài phát thanh cũng loan tin này. Tôi phân vân lo lắng. Một bên là Bình Xuyên đang nổ súng, có Bảo Đại và Pháp đang che chở, một bên là Ngô Đình Diệm sắp bị khống chế, bây giờ quân đội lại tính đảo chánh. Sự lộn xộn này chắc chắn sẽ dẫn đến những tệ hại khôn lường cho quốc gia. Tôi điện thoại mời Lê Văn Tỵ lại cùng với Nguyễn Hữu Có và Dương Văn Đức. Đến nơi, Lê Văn tỵ hỏi:

_ Các anh đang làm gì đó?

Nguyễn Văn Vỹ trả lời:

_ Tôi đảo chánh.

_ Anh lấy gì để đảo chánh?

_ Quân đội.

Ông Tỵ lột sao của mình bỏ xuống bàn:

_ Tôi lột lon trao cho anh đây. Tôi không theo anh đâu! (trang 129).

Rồi tiếp theo, tác giả trình bày ý định của mình ở những trang sau:

" Tôi quyết định phải dẹp loạn Bình Xuyên. Tôi đã ra lịnh chiến đấu với quân Bình Xuyên từ mấy ngày nay. Tôi không thể tiếp tay bất kỳ ai lật đổ Ngô Đình Diệm, thay bằng tướng cướp Bảy Viễn để đoàn quân vô kỷ luật ấy lộng hành. Tôi quyết định chọn con đường tôi tính mấy ngày nay nên cùng với Lê Văn Tỵ tuyên bố ủng hộ Ngô Đình Diệm. Đài phát thanh loan đi lời tuyên bố của chúng tôi. Các anh em tướng tá đang thảo kế hoạch đảo chánh nghe, họ đang đợi tôi về để hỏi lại cho rõ ràng.

"Họp xong tôi trở về tư dinh Tổng Tham Mưu Trưởng. Tôi vô gặp các anh em đang ăn cơm trưa, nhiều người tức giận tôi nhưng tôi giải thích rằng nếu đảo chánh sẽ rối loạn thêm, nhất là tình thế đang sôi động với Bình Xuyên. Tôi ra đi, anh em giải tán. Nguyễn Văn Vỹ và Nguyễn Tuyên bay lên Đà Lạt, từ đó bay qua Cao Miên rồi sang Pháp sống lưu vong.

“Tôi ra lịh tiểu đoàn Thiết Giáp dưới quyền chỉ huy của đại úy Lâm Quang Thơ xoay sang đi đánh Bình Xuyên bên kia cầu chữ Y" (trang 130).

Người đọc phải công nhận đây là một hành động sáng suốt và hợp lý của đại tá Trần Văn Đôn lúc bấy giờ. Thử hỏi lúc đó, với tư cách làm tham mưu trưởng, chỉ cần một mình ông Đôn thôi ngả về phe đảo chánh Nguyễn Văn Vỹ thì tình hình sẽ biến chuyển trầm trọng đến mức độ nào? Có lợi cho ai? Tương lai miền Nam đi về đâu? Nguyễn Văn Vỹ nếu thành công thì sẽ làm được gì ích quốc lợi dân? Tương lai những người trẻ chúng tôi chẳng lẽ lại giao phó trong tay tên tướng bất tài này ư? Đâu có được! Tôi còn nhớ đêm 29.4.55, Bình Xuyên nổ súng vùng Sài Gòn-Chợ Lớn và khu Pétrus Ký, Thiếu Tướng Trình Minh Thế đã tổ chức buổi họp báo sáng hôm sau tại bản doanh ở đường Trương Minh Giảng (Eyriaud des Vergnes cũ) để minh xác lập trường ủng hộ Thủ Tướng Diệm. Báo chí đã tường thuật và nhắc đến một câu chí lý của ông Thái Lân tức Nhị Lang, cố vấn chính trị kiêm phát ngôn viên của tướng Thế: "Cuộc gây hấn đêm qua chỉ có lợi cho cộng sản!"

Tuy nhiên muốn hiểu rành mạch căn nguyên của biến cố trọng đại này, tôi xin trích vài đoạn tường thuật khác của tác giả mà tôi không đồng ý (có lẽ vì tác giả không đi vào chi tiết hay không nắm vững tình hình dinh Độc Lập trước đó).

" Vào Dinh Độc Lập cùng với Lê Văn Tỵ, Trần Văn Minh, Nguyễn Văn Vỹ, tôi đã thấy Nhị Lang, Trình Minh Thế và nhiều người khác đang họp. Tôi đoán họ đang họp để xác định việc ủng hộ Ngô Đình Diệm và truất quyền Bảo Đại. Chắc họ đã nghe biết tin Bảo Đại đưa Nguyễn Văn Vỹ nắm tổng tham mưu trưởng, gọi Ngô Đình Diệm qua Pháp...

" ... Trần Trung Dung vội vàng bước vô nói:

“ _ Cụ! Cụ! Chúng nó đang định bắt giết ông Vỹ!

“ Lúc đó bên ngoài Nhị Lang chĩa súng vào Nguyễn Văn Vỹ và đang lột sao của Vỹ. Ngô Đình Diệm vội kéo Nguyễn Văn Vỹ vào phòng ngồi với chúng tôi. Ngô Đình Nhu ngưng họp đi ra đi vô can gián:

“ _ Thôi đừng nóng, mấy ông tướng đang họp bàn chuyện với cụ." (trang 125)

Giữa tình thế giằng co gây cấn này, ông Đôn sợ nguy hiểm đến tánh mạng mình, vì phỏng đoán nếu hành động phi thường của ông Nhị Lang thanh toán xong ông Vỹ thì cũng có thể quay qua uy hiếp luôn cả mình, nên ông Đôn bèn điện thoại kêu cứu Đỗ Cao Trí lúc đó đang chỉ huy tiểu đoàn Nhảy Dù phục ở Chợ Lớn chưa ra mặt ủng hộ ông Diệm công khai và đang còn lưng chừng, đem quân “bao vây” dinh Độc Lập để làm hậu thuẫn, bảo vệ an ninh cho cá nhân mình (?). Ông viết tiếp:

“ Ngô Đình Diệm bực mình vì khó xử, đòi bỏ ra ngoài ngủ với những người lính gác. Ngô Đình Nhu cũng tỏ vẻ không bằng lòng. Tôi biết giờ phút đó, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đứng giữa, một bên thì tiêu biểu cho Ủy Ban Cách mạng, vừa được đại hội các đoàn thể bầu ra để ủng hộ mình, một bên là các tướng tá đang có quân đội trong tay. Chỉ vì hành động quá khích của Nhị Lang và Hồ Hán Sơn mà tình thế trở nên rối rắm." (trang 126)

Tôi không đồng ý với lối lập luận này của tác giả. Tôi cho là hành động phi thường, lanh trí quyết định chớp nhoáng của ông Nhị Lang “chỉa súng lột lon tướng Vỹ” hôm đó là rất hợp lý, hợp tình. Bởi bì nếu không có mũi colt 45 của Nhị Lang thì chắc là tướng Vỹ đã thành công áp đảo thủ tướng Diệm từ chức, đưa Bảy Viễn lên làm thủ tướng, thì lúc đó chắc là "tình thế" sẽ trở nên vô cùng hỗn độn, rối rắm bội phần hơn là ông Đôn tưởng! (kế hoạch của Bảo Đại, trang 124).

Tiếp theo tác giả viết:

“Quyết định truất phế Bảo Đại của Đại Hội không có sự hiện diện của Ngô Đình Diệm, lại thêm chuyện chĩa súng đòi bắn và lột lon Nguyễn Văn Vỹ ngay trong Dinh Độc Lập, rõ ràng là họ không nể nang gì Ngô Đình Diệm.

"Việc anh em tướng tá chúng tôi tình cờ vào dinh giúp nhiều cho Ngô Đình Diệm trong việc lấy lại quyền hành. Khi biết quân nhảy dù của Đỗ Cao Trí đang bao vây Dinh Độc Lập, họ mới nghe lời Ngô Đình Diệm, hết còn hống hách." (trang 128).

" .... Chuyện không ngờ là Đại hội quyết định quá mạnh mẽ và ông Nhị Lang lại có hành động làm tổn thương đến tự ái của các tướng tá. Chính ông quyết định này và hành động chĩa súng làm cho Ngô Đình Diệm lo ngại cho quyền uy của mình đang lung lay.

" Trước tình thế này, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bối rối phải can gián giàn xếp cho được lòng cả hai bên. Đến 11 giờ, họ – những nhân vật trọng yếu trong Liên Minh của Trình Minh Thế và của các giáo phái võ trang như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Nhị Lang. Trình Minh Thế, Nguyễn Giác Ngộ, Nguyễn Thành Phương – mới đồng ý để chúng tôi ra về sau khi dùng cơm với họ." (trang 128).

Chính vì lập trường chưa được rõ rệt trong giờ phút đó nên ông Đôn đã bị Liên Minh hiểu lầm là về ohe tướng Vỹ, và cũng bị Liên Minh "tạm giữ" tại dinh cùng với số phận tướng Vỹ. Nhưng ông Đôn lý luận rằng "họ không nể nang gì Ngô Đình Diệm", khi biết quân nhảy dù của Đỗ Cao Trí đang bao vây Dinh Độc Lập, họ hết còn hống hách" và ông Đôn còn cho rằng quyết định của Hội Đồng Nhân Dân Cách mạng mà ông Nhị Lang làm tổng thư ký, cùng việc "chĩa súng làm cho Ngô Đình Diệm lo ngại cho quyền uy của mình đang lung lay" là sai lạc và không thực tế. Ông Đôn quên rằng lúc đó tướng Thế và tướng Phương cũng đã điều động mấy tiểu đoàn quân trực thuộc cơ hữu và bọc hậu phía sau dinh Độc Lập tại đường Trần Quý Cáp (Testard cũ) chăng? Chính sự cuơng quyết của ông Nhị Lang và của hai vị tướng này mới làm cho Đỗ Cao Trí dịu lại và tình thế bớt cang thẳng, khi Trí thấy ông Diệm đã có hậu thuẫn quân sự, gây đổ máu cũng không ích gì mà còn thiệt lấy thân. Kết quả là Đỗ Cao Trí sau đó được vinh thăng Trung Tá chỉ huy thực thụ liên đoàn Nhảy Dù có trung tá Nguyễn Chánh Thi phụ tá! Ngoài ra như trên đã nói, quyết định của Đại Hội là hợp lý và hành động hy hữu của ông Nhị Lang chính là hau yếu tố cần thiết để cứu ông Diệm ra khỏi cơn ngặt nghèo và nâng cao uy tín của ông Diệm đồng thời củng cố thêm quyền hành của ông. Thủ tướng Diệm sau đó nghiễm nhiên trở nên hợp pháp đại diện cho nhân dân miền nam vì lý do quyết định của Đại Hội Đồng (chứ không còn dính líu gì đến quyết định của Bảo Đại như lúc trước nữa; mà Đại Hội Đồng là ai? Chính là do toàn dân bầu ra trong một phiên họp khoáng tại Tòa Đô Chánh một ngày trước đó, để thay mặt nhân dân mà quyết định vận mệnh đất nước vậy). Ông Đông chắc không thấu rõ khía cạnh căn bản pháp lý đó mà chỉ đứng về “tự ái cá nhân” nên đã có những nhận xét hời hợt một chiều. Tôi còn nhớ những ngày Trưng Cầu Dân Ý 23.10.55, một ký giả Pháp của nhật báo JEO (Journal d' Extreme Orient – Viễn Đông Nhật Báo, xuất bản tại Sài Gòn) đã hỏi ông Diệm nghĩ gì về sắc lệnh của phế chế Bảo Đại, do Nguyễn Đệ đánh điện về cách chức – thủ tướng của ông đã do ông ta bổ nhiệm? Ông Diệm đã điềm nhiên trả lời: " Ca c' est du passé" (Điều đó thuộc về quá khứ). Nhiều người cho đó là một câu trả lời ý vị và tuyệt diệu!

Để chứng minh cho lời giải thích trên tôi muốn trích dẫn lại đây lời diễn dịch của chính người trong cuộc, “tác giả chủ động” cuộc chĩa súng kia. Đó là nhà văn, nhà cách mạng lão thành Nhị Lang đã mô tả tỉ mỉ sự việc diễn tiến trong pho lịch sử ký sự giá trị "Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế" (12):

" Khi tôi tới nơi vào khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi bắt gặp một số đông sĩ quan Quân Đội Quốc Gia ước chừng 50 người đang ngồi chật cả phòng khách ở từng dưới dinh Độc Lập. Trên lầu, chúng tôi lại thấy thiếu tướng Lê Văn Tỵ đang ngồi trong một phòng khách nhỏ với một tướng lĩnh khác mà tôi không biết tên. Thấy hơi lạ, tôi bèn nhờ đại úy tùy viên Tạ Thành Long kín đáo đi dò xét tình hình xem tại sao thủ tướng Diệm lại định tiếp kiến một lúc quá nhiều sĩ quan như vậy. Tạ Thành Long tìm hiểu được lý do, vội vàng hốt hoảng trở lại cho hay là Tướng Nguyễn Văn Vỹ (người cùng ngồi với tướng Tỵ) đã thừa lệnh Bảo Đại cướp đoạt quyền binh trong tay tướng Tỵ từ lúc chiều, và được tướng Tỵ cùng các sĩ quan kia hộ tống vào dinh Độc Lập để cướp đoạt nốt quyền lãnh đạo chính phủ trong tay thủ tướng Diệm! Như thế có nghĩa là số người này hoàn toàn đồng lõa với tướng Vỹ, kéo nhau vào đây tuy không gươm dao, nhưng rõ ràng là muốn lấy số đông gây áp lực bao vây thủ tướng Diệm như bao vây một con chim nhỏ để bắt buộc ông đằng nào cũng phải nhượng bộ, rời khỏi chính quyền. Cần nhắc lại rằng, Bảo Đại không những triệu thỉnh thủ tuớng Diệm sang Pháp, mà còn đòi cả tướng Lê Văn Tỵ cũng phải bỏ cả nhiệm vụ đi theo. Mặt khác, Bảo Đại đặc phong cho tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia, một điều mà các tướng Trình Minh Thế, Nguyễn Giác Ngộ và Nguyễn Thành Phương đã công khai phản đối bằng một quyết nghị chung. Hành động như trên, quả thực Bảo Đại đã vượt ra ngoài phạm vi thể chế buổi đương thời. Vì một chế độ với Quốc Trưởng, với thủ tướng, thì chức tổng tư lệnh phải thuộc về tay Quốc Trưởng, còn người cầm đầu quân đội chỉ có thể là tổng tham mưu trưởng mà thôi. Gia chi dĩ, thủ tướng Ngô Đình Diệm khi lãnh đạo chính quyền với điều kiện “thừa lệnh Đức Quốc Trưởng” tức là mặc nhiên đã là người thay mặt quốc trưởng một cách hợp pháp, và mặc nhiên nắm quyền tổng tư lệnh tối cao. Vậy tại sao Bảo Đại còn phong chức tổng tư lệnh cho tướng Nguyễn Văn Vỹ nữa?

Phụng Hồng

(còn tiếp)

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002