Đại Chúng số 84 - phát hành ngày 15/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Nhà thơ Tú Lắc, (Checker's Dr. San Jose): Một người bạn hỏi tôi cái nghĩa của từ "Thuyền Quyên" là gì? Xin bà chị vui lòng giải hộ.

* Thuyền có nghĩa là dáng dấp đẹp đẽ dễ yêu. Quyên là xinh đẹp. Quyên còn được lặp lại thành "điệp tự" như "Quyên Quyên", có nghĩa là đẹp đẽ thường đi đôi với chữ Thuyền (beautiful, pretty). Danh từ Quyên còn có nghĩa là một giọt nước hay dòng nước trong trẻo có vẻ ẻo lả. Dòng nước nhỏ nhắn ẻo lả này thường gọi là "Duềnh quyên" tức là "Dòng quyên". Chữ Quyên là đẹp đẽ viết khác với chữ Quyên của con Đỗ Quyên tức Đỗ Vũ như theo điển tích "Vua Đỗ Vũ nước Thục sau khi phải nhường ngôi cho Bá Linh hóa ra chim giống chim này".

Thuyền quyên mà ông bạn anh hỏi theo Hán tự không phải Thuyền của nghĩa là ghe, tàu, mà nó có nghĩa dung nhan đẹp đẽ như ghi bên trên. Chữ "Thuyền" này còn được đọc là "Thiền", cũng cùng nghĩa là "đẹp". Vì vậy mà còn viết là "THIỀN QUYÊN", chữ Thiền và chữ Quyên đều có bộ "Nữ" một bên (chỉ phái yếu) khác với chữ Thiền như "thiền định" tham thiền, tiếng nhà Phật địch theo âm chữ Phạn (dhyana, có nghĩa là yên lặng và nghỉ ngơi)). Vậy nghĩa của danh từ "THUYỀN QUYÊN" chỉ về dáng đẹp đẽ của người phụ nữ. Ca dao có câu:

"Thuyền quyên muốn sánh anh hào,
Vốn không thả lý gieo đào như ai."

Nhưng từ xưa nay người đời vẫn thấy, anh hùng thường "nan quá mỹ nhân quan", vì vậy mà thuyền quyên chỉ cần "ứ hự" một tiếng cũng đủ cho đấng anh hùng ra tay rồi. Câu "Thuyền quyên ứ hự anh hùng ra tay"nhằm mỉa mai các đấng mày râu này.

Như vậy chúng ta đủ thấy gái thuyền quyên chỉ có mỗi cái "ứ hự" không thôi cũng đủ làm cho đấng anh hào ra tay rồi, đâu cần phải binh hùng tướng mạnh?! "Thuyền Quyên" chẳng có điển tích như anh muốn tìm hiểu, mà nó là một danh từ chỉ cho dung nhan sắc nước hương trời được ghép lại bởi hai từ có cùng một nghĩa như nhau.

Ông Đỗ Đức Nhuận Los Angeles: Tôi có mấy câu xin bà cụ giúp cho: 1. Quạt ngà trâm ngọc 2.Án kia nâng ở ngang mày. 3. Cái nghĩa của "Phượng cầu kỳ hoàng".

* 1. "Quạt ngà trâm ngọc": Có nghĩa khi hai họ đính ước gả con cái cho nhau thì họ đàng gái trao quạt ngà cho đàng trai, còn đàng trai thì trao trâm trâm ngọc cho đàng gái. Trong Phan Trần có câu: "Quạt ngà, trâm ngọc, kết nguyền họ Phan."

2. Án kia nâng ở ngang mày, có nghĩa: Ý nói người vợ kính trọng chồng. Do điển

Lương Hồng với nàng Mạnh Quang, hai vợ chồng kính trọng nhau như khách. Khi dâng cơm lên chồng ăn, nàng nâng chén cơm và đũa lên cao ngang lông mày.

3. Phượng cầu kỳ hoàng: tên khúc đàn của Tư Mã Tương Như người đời nhà Hán gảy. Tiếng đàn nghe não nùng ai oán, nàng Trác Văn Quân là một người đàn bà trẻ tuổi góa chồng nghe phải cảm động đem lòng mê mẩn. Sau hai bên lấy nhau.

Cậu Vũ Quang Thuật Dayton Dr. San Jose (Thanh Huơơng chuyển), bà cụ có nhớ bài "Thanh Phong, Minh Nguyệt của Ngô Thế Vinh không? Nếu có xin nhắc hộ. Thành thật cám ơn.

* Bài cậu hỏi đó như sau:

Giang tâm thu nguyệt bạch,
Não nùng thay khi gió mát, lúc trăng thanh!
Bóng thiềm soi đáy nước long lanh,
Quang cảnh ấy cũng thanh mà cũng lịch.
Vạn khoảnh tịch nhiên thu dạ vĩnh,
Nhất hồ oánh nhĩ nguyệt minh thâu.
Đàn năm cung, thơ một túi, cờ một cuộc, rượu một bầu,
Tiếng ca quản một vài câu khiển hứng.
Chèo mấy mái, thuyền lan lững thững,
Bạn mấy người tài tử ngao du,
Non mấy tầng, đá mọc lô nhô,
Cầu mấy nhịp, bắc ngang sông Vị thủy.
Hội Xích Bích nọ năm Tuất nhỉ!
Thú phong lưu há để một Tô công?
Trăng thanh gió mát kho chung...

Cụ Hà Thành Đạo (qua Văn Đồng Virginia) Bà cụ có nhớ điển cố của con chim tinh vệ không? Xin nhắc hộ. Thành kính cảm ơn.

* Con gái của vua Viêm Đế bị chết đuối ở Biển Đông, hóa ra chim tinh vệ. Sau khi hóa thành chim tinh vệ rồi cứ bay đi nhặt đá ở núi Tây để lấp biển. Về sau người ta thường mượn điển cố này để chỉ cho người mang mối hận thù hoặc nói lên mối hận ở lòng mình.

Cháu Nguyễn Thanh Hùng Monterey Park (California): Cháu thường nghe nói đến "Chỉ Hồng". Cháu cũng được biết đó là "Sợi Xích Thằng", nhưng không biết ý nghĩa sâu xa của nó. Bà cụ giải hộ cho.

* Chỉ Hồng cháu hỏi đó dịch từ chữ "xích thằng" mà ra. Nó chỉ cho sự hôn nhân. Trong Tình Sử có chép: "Đời Đường Vi Cố đi kén vợ gặp một ông cụ đang ngồi dựa vào tường đá núi nơi chỗ khoáng đạt dưới bóng trăng thanh xem sách. Vi Cố hỏi: “Sách ấy là sách gì?". Ông cụ bảo: "Sách chép tên những người lấy nhau làm chồng vợ." Vi Cố hỏi: "Còn cái túi bên mình kia chứa gì bên trong ấy?" Ông cụ bảo:"Trong túi ấy chứa những sợi tơ hồng tức là sợi xích thằng".

Cư sĩ Tịnh Sơn Garden Grove (CA). Trong kinh Kim Cương có đoạn nói về cái có có không không. Bà cụ có nhớ đoạn này không? Tôi đã có lần thảo luận về điểm này với cư sĩ Tịnh Hải, nhưng chúng tôi đều không nhớ được đầy đủ. Xin bà cụ nhắc hộ.

* Theo triết của nhà Phật phủ nhận cái thế giới hiện tượng hình danh sắc tướng, bao gồm trong bốn câu như sau:

"Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng ảo bào ảnh
Như lộ diệc như điện
?ng tác như thị quan"

Nghĩa:

Tất cả hiện tượng có
Nên xem tuồng mộng ảo
Như bọt (nước) như điện chớp
Tương đối không, có, hảo huyền.

Ông Tony Quan Laurel St. Preston 3072 Victoria Australia (qua nhà thơ Mộng Đài): Nền văn hóa của Trung Quốc có ảnh hưởng gì đến nền văn hóa Nhật Bản không? Cháu đang tìm hiểu cứu về đề tài này, bà cụ nhắc lại hộ.

* Ngoài Việt Nam ra, Trung Quốc còn là nước láng giềng của các nước Nhật Bản, Triều Tiên và cả với Mông Cổ nữa. Tuy nhiên về mặt giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc cùng hai quốc gia Nhật và Triều Tiên đã có từ ngàn xưa và cả hai phía đã trao đổi về hệ thống văn hóa vốn có của mình. Công cuộc giao lưu văn hóa giữa Trung Hoa và Nhật đã thực hiện ngay từ thế kỷ thứ hai, thứ ba... Trung Quốc đã mang lại cho Nhật Bản các loại lúa nước, hay về mặt kỹ thuật trong việc canh tác, luôn cả đồ đồng, đồ sắt v.v... liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác thúc đẩy được sự phát triển của xã hội đất nước Phù Tang. Có dịp tôi sẽ bàn thảo của ông bạn về các cuộc trao đổi văn hóa giữa hai xứ sở này từ thời kỳ Tam Quốc Tây Hán đến thời Hán Vũ Đế - thời kỳ mà hơn 30 nước của Nhật lần lượt cử sứ thần sang Trung Quốc để kết thân - cũng là thời kỳ Kiến Vũ Trung Nguyên của thời Đông Hán trao đổi sứ thần giao hảo với nhau. Chính thời kỳ này Hán Quang Vũ Đế đã tặng "ấn vàng" cho quốc vương Yamayhai của Nhật. Giai đoạn cực thịnh của mối tình giao hảo hai nước Trung-Nhật vào triều đại nhà Đường. Nhật đã cho hàng loạt các đoàn du học sinh cũng như tăng lữ sang Trung Quốc nghiên cứu học hỏi thêm. Trong số đông đảo lưu học sinh này có nhiều người lưu lại đất nước Trung Hoa từ 20 đến 40 năm,như Chiêu Hoành, Cao Hướng Huyền Lý, hay Không Hải, Tăng Mân v.v... Ngoài ra, còn về mặt chính trị, như việc nước Nhật tiến cử Thái tử Nhiếp chính của Suy Cố nữ vương tham dự vào các cuộc đấu tranh chính trị áp dụng tư tưởng Nho, Pháp, Mặc và Phật của Trung Quốc... Đó là chưa kểvề mặt giáo dục mà người Nhật đã mô phỏng theo v.v... Hoặc như về mặt văn học của thời Đường được các nhân sĩ Nhật Bản ham mộ. Họ đã thu tập các tác phẩm thi văn của các tác giả nổi tiếng đời Đường như Bạch Cư Dị (bài trường thi Trường Hận Ca và Tỳ Bà Hành) v.v... Có dịp tôi sẽ trình bày thêm.

Cụ Võ Khải Hoàn,Philadelphia (qua Kiển Thái Drexell Hill,PA.19026): Tôi còn nhớ năm 1942, có đọc được trong tạp chí Tri Tân, bài nghiên cứu lịch sử "Từ binh chế đến hình phạt của nhà Đinh" của ông Tiêu Dàm trong đó nói về thời loạn lạc, giặc giả, trộm cướp khắp nơi, nhà vua cho lập một ngục thất giữa lòng núi ở làng Yên Hạ rồi ra lệnh nhốt hổ báo vào, kẻ nào phạm trọng tội cho quăng vào đó để mãnh thú ăn thịt. Kẻ phạm tội trọng quá nhiều nên đầu lâu ở lòng núi này cũng chẳng ít. Hết đời Đinh hình phạt này được bải bỏ những oan hồn trong ngục thất giữa lòng núi đó đêm nào cũng hiện lên kêu khóc nghe đến ghê rợn. Những người tiều phu thường nghe thấy khi ngang qua dải núi non này. Chuyện ấy thực hư ra sao, bà cụ có nhớ xin nhắc nhở hộ.

* Vâng. Tôi có dịp đã đọc qua dường như trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nơi q.1, có nói về trường hợp kinh hoàng này. Nhiều người qua lại nơi này đều nghe thấy kêu khóc của oan hồn, tiếng hổ thét, báo gầm... đều hoảng sợ. Cho mãi đến đời nhà Lý có vị Cao Tăng Nguyên Minh Không nổi tiếng pháp thuật cao cường, ngang nhiên vào trong hang tụng kinh thuyết pháp cho ma quỉ nghe được siêu thoát và từ đó không còn tiếng khóc than nữa. Hang này, nay được gọi là Am Tiên Động được xem là thắng cảnh của huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình ngày nay. Đó không còn nghe tiếng khóc than nữa.

Ông Lý Nguyên Westminster (CA): Nhà Tần có văn học không? Xin bà cụ giải thích hộ.

* Không. Có thể nói nhà Tần không có văn học. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc thì mọi học thuật, mọi tư tưởng, văn học đều tự do nẩy nở. Nhưng đến khi Tần Thủy Hoàng thôn tính lục quốc thì nền văn hóa bị tàn phá: đốt sách, giết học trò... từ đó nền văn học bị gần như biến hẳn...

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002