Đại Chúng số 84 - phát hành ngày 15/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


ĐỌC “VIỆT NAM NHÂN CHỨNG” CỦA TRẦN VĂN ĐÔN

Phụng Hồng

(tiếp theo kỳ trước)

“Khi nghe biết được biến cố trọng đại như trên, ai nấy bàng hoàng sửng sốt. Biết được người đeo lon thiếu tướng lạ mặt kia là Nguyễn Văn Vỹ, tôi liền nảy ra ý kiến bắt ông ta tại chỗ. Tôi chỉ kịp bàn qua vài câu với các tướng Trình Minh Thế và Nguyễn Thành Phương, và cả hai ông đồng ý gật đầu cho tôi ra tay. Thế là tôi lặng lẽ tiến ra hành lang phía sau dinh Độc Lập, khi tới chỗ phòng khách nơi ông Vỹ đang ngồi tư lự, tôi nhanh nhẹn rút khẩu súng colt 45 trong chiếcc cặp ra, chĩa thẳng vào người tướng Vỹ, ra lệnh: "Giơ tay lên! Không tôi bắn"

tướng Tỵ trông thấy trước, vội đứng ngay lên và tướng Vỹ cũng hoảng hốt đứng lên theo, hai tau giơ cao khỏi đầu. Tướng Tỵ liền liều mạng chạy lại ôm lấy tôi, năn nỉ can thiệp để cứu Vỹ. Nhưng tôi sợ ông ta thừa cơ đoạt súng, nên đưa tay trái gạt ông ra và bảo: "Việc này không liên hệ tời thiếu tướng, xin đừng làm trở ngại!" Mặt khác tôi gọi Hồ Hán Sơn và bảo: "Hãy bốc hộ ga lông của ông này cho tôi!"

“Thủ tướng Diệm liền được báo tin. Oâng tất tả chạy vào ôm lấy tôi ngay trước mũi súng, và hổn hển nói: "Tôi xin ngài! Tôi xin ngài đừng làm đổ máu tại đây! Việc gì còn có tôi đây giải quyết, xin ngài đừng nóng giận!" ...

" ...Tướng Thế và tướng Phương dùng điện thoại liên lạc về hành dinh, ra lệnh cho các đơn vị võ trang sẵn sàng ứng chiến ..." (trang 306 – 307)

Tại sao thủ tướng Diệm lại đi che chở và bênh vực kẻ thù toan "đảo chánh" ông? Ta hãy nghe Nhị Lang giải thích tiếp:

"Chẳng qua thủ tướng thấy rõ ngay trong chốc lát rằng khi mà tướng Vỹ đã phải giơ tay đầu hàng trước mũi súng của tôi, thì ắt là thế lực và uy tín cá nhân của ông ta chẳng còn gi. Bộ hạ của ông ta không dám làm càn, bởi không muốn ông ta bị hạ sát ngay. Do đó mà thủ tướng tạm đóng vai quân tử đối với kẻ thù, để có thì giờ tìm một giải pháp êm đẹp, không gây đổ máu tại Dinh Độc Lập. Trong lúc ngồi điều đình tôi thấy thủ tướng luôn luôn ngả theo các ý kiến của tôi, và cứ trông đợi nơi tôi một thái độ ít cứng rắn hơn. Thủ tướng cũng không thể không nhận chân sự phản bội trắng trợn của tướng Lê Văn Tỵ ..." (trang 312 – 313)

Qua những dòng diễn tả trên, người đọc đã nhận chân được cung cách xử sự quân tử của TT Diệm, thái độ của kẻ sĩ thời loạn luôn luôn bao dung đối với cấp dư?i và hành động chẳng đặng đừng của ông Nhị Lang. Ta lại còn thấy rõ bộ mặt thật và lòng dạ bất chính của "Người anh cả trong QLVNCH" sau này.

Kết thúc chương này, Nhị Lang còn viết thêm về những khuôn mặt phản trắc thời đó như muốn hé mở cho ta thấy:

" ... Về phía quân đội, tôi nhận ra nhiều khuôn mặt đã theo tướng Vỹ chiều hôm qua, và tôi tự hỏi không biết họ sẽ "trung thành" với thủ tướng Diệm tới mức độ nào?" (trang 315)

Tôi cũng lại tự hỏi không biết lúc đó có mặt tướng Trần Văn Đôn không. Nếu có, không biết ông Nhị Lang có ám chỉ ông này không? Nếu quả thật đúng như vậy thì ta sẽ không lấy làm lạ gì sau này, ông Đôn lại đi móc nối bè lũ để tạo ra trang sử nhơ nhuốc này ngày 1.11.63! Ôi thế thái nhân tình là thế đó! Hỡi ôi!!!

Như trên đã nói, tôi hoàn toàn bác bỏ ý kiến và nhận định thiếu khách quan của ông Đôn cho rằng hành động chỉa súng của ông Nhị Lang là “quá khích”. Để vấn đề được minh bạch hơn, xin mời độc giả đọc tiếp lập trường của ông Nhị Lang lúc đó:

" ... Người Liên Minh chúng tôi sống 5 năm trong rừng núi, quen với cuộc đời đầu đội trời chân đạp đất, dù rằng gian nan chồng chất. Khi về thành, trông thấy bọn chân tay cũ của Pháp tung hoành, chúng tôi không tài nào chịu nỗi. Tới lúc nghe thấy tướng Vỹ toan làm chuyện đảo điên đất nước, lại thêm một tướng lĩnh quân đội quốc gia như Lê Văn Tỵ đầu hàng đối phương vô điều kiện, riêng lòng tôi thật lấy làm căm giận ... Thoáng trong giây phút, tôi tự hỏi mình, nếu Nguyễn Văn Vỹ đã cướp quyền trong tay Lê Văn Tỵ, và nếu lát nữa đây, Vỹ lại cướp luôn quyền lãnh đạo chính phủ của thủ tướng Diệm, thì số phận đoàn quân Liên Minh của chúng tôi sẽ như thế nào đây?

"Chúng tôi chỉ vì cảm phục thủ tướng Diệm, vì động lòng trước mối tình tri ngộ thắm thiết của ông, mà lìa bỏ chiến khu về thành. Nếu bây giờ thủ tướng Diệm bị đối phương áp đảo phải nhượng quyền, rồi hoặc chết, hoặc ra đi với hai bàn tay trắng, thì anh em chúng tôi quả thật là những kẻ khờ dại, bỗng không biến thành "đứa con côi", bị ném vào giữa một đám người xa lạ đầy mưu cơ xảo quyệt, sớm muộn chúng tôi cũng sẽ chết. Việc ấy không thể xảy ra được. Cần phải ra tay trước. Hơn nữa, xét theo hoàn cảnh buổi đương thời, đem một Ngô Đình Diệm ra để so sánh với những Bảo Đại đầy tội lỗi với nước non, thử hỏi tôi nên chọn ai đây? Ngô Đình Diệm không làm tay sai cho Pháp, chưa hề phạm tội với giống nòi. Người ấy đang có sứ mạng đương đầu với hiểm họa cộng sản, đang lo định cư hàng triệu đồng bào Bắc Việt thì có lẽ nào chúng tôi lại nỡ bỏ ông để xu phụ phe đối nghịch? Chúng tôi sở dĩ liều mình ủng hộ Ngô Đình Diệm là ủng hộ con người đạo đức ấy ...” (trang 316 – 317)

Rồi Nhị Lang kết luận với lời nhận xét như là một bản án kết tội những kẻ đã lật đổ ám hại “con người đạo đức ấy”; đã đặt quyền lợi cá nhân mình trên quyền lợi tối thượng của quốc gia dân tộc; đã cam tâm cúi đầu làm tay sai cho ngoại bang mà không có một đường lối, chính sách rõ rệt sau ngày đảo chánh:

" ... Thí dụ ông Diệm là người không xứng đáng khiến các anh chủ trương lật đổ, thì mai đây chẳng những các anh không tìm được “Minh quân thánh đế”, mà trái lại, các anh sẽ bắt gặp hàng chục "Ông Diệm" khác ghê gớm hơn! Nhưng tôi cam quyết với các anh, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây thôi, hoặc chậm nhất là 10 năm, ông Diệm sẽ lại được suy tôn là anh hùng dân tộc! ....

"Quả nhiên, tôi nào có nói sai? Chưa đầy 4 năm sau cái chết của ông Diệm, khi tên quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu – một đồng lõa đắc lực của bọn Dương Văn Minh trong cuộc hạ sát Diệm Nhu – chiếm ghế chủ tịch của cái gọi là "Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia" thì ngay giữa lòng thủ đô Sài Gòn đã phát sinh phong trào "Phục hồi danh dự cho cố tổng thống Diệm". Khắp nơi tổ chức truy điệu, cầu hồn cho ông. Nhục nhã thay, chính bản thân tên Thiệu chẳng những không dám ra tay đàn áp phong trào ấy, mà hắn còn lén lút cho vợ hắn đi ngả sau, tham dự lễ cầu hồn ông Diệm, người mà hắn phản bội mấy năm trước." (trang 318)

Trích dẫn dài dòng những đoạn trên, cũng một "nhân chứng" thứ hai mà cũng là của một nhân vật quan trọng buổi đương thời đã xoay chuyển tình thế góp công không nhỏ vào sự tạo dựng nền Đệ Nhất Cộng Hòa, tôi muốn để độc giả có thêm tài liệu lịch sử đối chiếu trong một tinh thần khách quan nhận xét và phê phán lịch sử. Và tôi cũng muốn chứng minh rằng, ông Đôn đã lý luận sai lầm khi nghĩ rằng "mình vào dinh Độc Lập là để giúp đỡ ông Diệm l?y lại quyền hành" như ông đã viết. Và cũng không lần nữa, tôi muốn xác định lại quan điểm của người viết là cuộc đảo chánh 1.11.63 là một lỗi lầm to lớn đưa đến thảm họa lưu vong ngày nay để đánh đổ những luận điệu đề cao xuyên tạc từ trước đến nay.

Về cái chết lịch sử của cố trung tướng Trình Minh Thế, thay vì cần phải mô tả tỉ mỉ thì trái lại ông Đôn đã có ý kiến sơ sài, không đúng sự thật. Tác giả viết:

“Trong cuộc lễ, Ngô Đình Diệm trao cờ quốc gia cho Trình Minh Thế. Khi Trình Minh Thế cầm lá cờ không hiểu sao lá cờ bị rớt. Tôi lo ngại cho điềm bất thường. Chỉ mấy tháng sau, Trình Minh Thế tử trận trong lúc đánh Bình Xuyên trên cầu Bình Lợi.

"Sau cuộc qui thuận của Trình Minh Thế, Ngô Đình Nhu và lansdale không ngừng vận động các giáo phái võ trang trở về yểm trợ cho Ngô Đình Diệm ..." (trang 122)

“Gần hai tháng chiến đấu quân đội Quốc Gia mới đẩy lui được quân Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn Chợ Lớn. Lửa đạn làm thiệt hại một số nhà cửa của đồng bào và một số chiến binh quốc gia tử thương, trong đó có thiếu tướng Trình Minh Thế tử trận vào ngày 3 tháng 5 năm 1955.

"Có giả thuyết cho rằng Trình Minh Thế bị ám hại. Theo tôi dựa trên nhận xét và quan sát chiến trường, điều đó không đúng. Hỏa lực Bình Xuyên bên kia cầu bắn qua khá mạnh, quân đội bên này cầu không có ai tiến tới, Trình Minh Thế là tướng du kích chiến, không quen đánh xáp lá cà, xung phong tiến trước để quân lính tiến theo, nên bị bắn khi tiến lên cầu.

"Tôi tổ chức quốc táng cho Trình Minh Thế, đưa về Tây Ninh có Ngô Đình Nhu tiễn đưa linh c?u tới nơi mai táng." (trang 130 – 131)

Trước hết có một điểm sai lầm cần đính chính ngay là chiến trường lúc đó xảy ra tại cầu Tân Thuận trên đường đi xuống Nhà Bè về miệt Bình Đông và Bình Quới. Cầu này bắt ngang một nhánh sông của sông Sài Gòn chảy qua vùng Bình Xuyên cầu chữ Y là nơi Bảy Viễn làm sào huyệt. (chính nhờ con sông nhỏ này mà khi bị ta bao vây, Bảy Viễn đã thừa lúc đêm tối dùng thuyền nhỏ trốn về rừng Sát cùng với "Cố Vấn Chính Trị" như Trần Văn Ân, Hồ Hữu Thường ... Ngoại trừ Viễn trốn thoát qua Pháp nhờ tàu chiến Pháp vớt khi ra sông Lòng Tão, toàn bộ tham mưu của Viễn đã bị bắt sống trong chiến dịch "tảo thanh tiễu trừ phiến loạn" Hoàng Diệu do đại tá Dương Văn Minh làm tư lệnh. Sau chiến dịch, đại tá Minh được TT Diệm vinh thăng thiếu tuớng trong lễ quốc khánh 26.10.1955, sở dĩ có chiến dịch này là vì khi về Rừng Sát, tàn quân Bình Xuyên đã chận cướp của thuơng thuyền Nam Việt 7000 lít dầu khi tàu này di chuyển trên sông Lòng Tão ngang qua Rừng Sát trên đường tiếp liệu ra Đà Nẵng). Khi trốn được lên tàu Pháp, Viễn đã nói với một phóng viên (13) tờ Paris Match, người đã viết một bài xuyên tạc trước đó với tựa đề giựt gân “Sài Gòn attend d' heures en heures la chute du gouvernment Diệm" (Sài Gòn đợi chờ từng giờ sự sụp đổ của chính phủ Diệm): "Diệm peut me chercher dans 10 ans sans me trouver!" (Diệm có thể truy lùng tôi 10 năm mà không tìm thấy tôi). Và tướng Thế đã tử trận ngay bên này cầu, khi đang ló đầu lên pháo tháp của một chiếc thiết giáp để quan sát chiến trường trước khi cho lệnh tiến qua cầu. Còn cầu Bình Lợi là cầu bắc qua sông Đồng Nai trên hướng đi liên tỉnh lên Biên Hòa và Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Điểm thứ hai mà tôi muốn đề cập tới là danh từ "qui thuận" mà tác giả dùng trong trường hợp này đã làm mất tính cách thiêng liêng và ý nghĩa của buổi quốc lễ ngày hôm đó. Thực vậy, hai chữ “qui thuận” có ý nghĩa đầu hàng vô điều kiện. Nó hàm chứa một ý nghĩa xấu xa, thất bại của kẻ thù trước sức mạnh của đối phương. Vì thế theo tôi ở đây ta nên dùng chữ "hợp tác" thì đúng hơn, như một số người đã dùng để tránh lầm lẫn đáng tiếc. Trong danh từ “hợp tác” đã bao hàm ý nghĩa bình đẳng, tương quan cán cân lực lượng, khi nhận nhau là bạn thì sẵn sàng đến với nhau để cùng nhau hợp lực hoàn thành đại sự, cùng nắm tay nhau khi hữu sự, v.v... Hơn thế nữa, hai chữ “hợp tác” đã nói lên tình bạn, đồng đội cùng đi một đường, cùng chung một chí hướng. Vậy theo tôi nghĩ, danh từ "hợp tác" xử dụng trong trường hợp này mới đúng nghĩa.

Nhưng điều này cũng dễ hiểu thôi, vì ông Đôn từng là dân Tây nên ít thông hiểu rành mạch về ý nghĩa sâu sắc của Việt ngữ nên đã dùng sai nghĩa, đúng như trong lời nói đầu ông đã cẩn thận thanh minh: "Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp ... nên quyển sách này chắc chắn có những câu vụng về." (trang 12)

Tuy nhiên, nghĩ cho cùng dầu sao chăng nữa, sự hiện diện của hai chữ trên chắc chắn sẽ gây nhiều ngộ nhận đáng tiếc về sau, nhất là ở một cuốn "hồi ký lịch sử" do chính một ông tướng nguyên tổng tham mưu trưởng QLVNCH viết, nghĩa là người đã từng có trách nhiệm trực tiếp trong việc “quốc gia hóa” đoàn quân liên minh đã từng tạo lập nhiều chiến công hiển hách "bài phong, đả thực” một thời. Đó là một điều đáng buồn. Người chết khuất mặt đã đành. Nhưng còn người sống, nhất là ông Nhị Lang sẽ nghĩ gì khi đọc đến chương này của VNNC? Sở dĩ tôi muốn dài dòng ở đây là vì tôi muốn nhấn mạnh đến sự thận trọng trong lúc dùng danh từ thích hợp theo hoàn cảnh. Tôi còn nhớ hồi đó báo chí Sài Gòn và ngay cả Phủ Thủ Tướng chỉ dùng danh từ "cộng tác" thay vì "hợp tác" thôi, thế mà, ông Nhị Lang đã phải mất nhiều thì giờ đính chính. Ta hãy nghe ông Nhị Lang giải thích rõ ràng hơn:

"Tôi luôn luôn nhấn mạnh tới hai chữ "hợp tác" chứ không phải "cộng tác" như báo chí Sài Gòn ngộ nhận khi mới biết tin ... Sở dĩ chúng tôi tranh đấu tới cả một danh từ nhỏ nhặt, cũng vì chúng tôi không muốn cho đời ngộ nhận chúng tôi "chạy theo bã lợi danh" bỗng không mà bỏ cả cuộc đời độc lập thênh thang đi làm tay chân cho một thế lực khác. Mà chúng tôi không muốn chứng tỏ với thủ tướng Diệm, với ông cố vấn Nhu, rằng chúng tôi nhận lời mời trên cương vị một "đồng minh" ngang hàng trên tình hiểu biết và tương kính nhau. Có thế thì việc trở về của chúng tôi mới có ý nghĩa, mới giúp chính quyền tăng thêm uy thế! (14)

Rất tiếc một vấn đề tế nhị như thế mà tác giả đã không quan tâm đến.

Tiếp theo khi đề cập đến cái chết của tướng Trình Minh Thế, ông Đôn đã không tin là có ám hại. Hồi đó chính người viết cũng đã nghe rất nhiều giả thuyết, nhiều nguồn tin mâu thuẫn đối nghịch nhau chỉ muốn quan trọng hóa vấn đề mà đưa ra những lời bình luận vô căn cứ theo nhãn quan của mình. Tôi nghĩ rằng bây giờ chỉ có ông Nhị Lang, người đã từng chiến đấu bên cạnh tướng Trình Minh Thế trong bao nhiêu năm trời mới đủ thẩm quyền nói lên nguyên nhân cái chết đó. Oâng Nhị Lang đã lý luận rằng, một viên đạn Carbine duy nhất bắn vào lỗ tai bên phải xuyên thẳng qua mắt trái, tròng mắt bay mất. Oâng viết: " ... Cứ theo vị trí kể trên, thì viên đạn đi xéo từ bên phải ở phía sau, trúng ngay lỗ tai, mà người bắn ra viên đạn ấy không thể cách xa hơn 10 thước, và ắt đã núp dưới chân cầu, sau lưng mục tiêu. Tướng Thế chết gục tức khắc, không kịp thốt ra một lời nào ..." (15)

Như vậy, giả thuyết ông Đôn cho rằng tướng Thế tử trận là vì "hỏa lực Bình Xuyên quá mạnh" không còn đứng vững được nữa.

Những kẻ bắn ra viên đạn quái ác kia là ai? Ta hãy nghe tiếp Nhị Lang vén màn bí mật:

"Thủ phạm chính thi hành vụ ám sát kia là cựu tướng M.H.X người mà 8 năm sau đã thay mặt bọn Dương Văn Minh hạ sát cả hai anh em Diệm Nhu buổi sáng ngày mồng 2 tháng 1 năm 1963, trước rạp hát Kim Chung ở đường Hồng Thập Tự ...

" M.H.X. là một nhân viên tình báo nổi tiếng phục vụ cho quyền lợi Pháp ở Việt Nam. Tên này chưa hề ra trận mạc bao giờ, mà vẫn lên tới cấp tướng của Pháp đủ biết hắn ta được lòng tin cậy của Pháp như thế nào ... M.H.X sai bộ hạ phục sẵn dưới cầu, thừa lúc chiến sự đang sôi nổi hỗn loạn, bắn ngay một phát súng Carbine từ đằng sau tới, rồi biến vào nhà dân gần đó. (16)

Như vậy là trắng đen đã rõ như ban ngày. Người đọc lại rất lấy làm tiếc là hình như ông Đôn không muốn phanh phui sự thật (hay không dám?) cố tình che giấu tội lỗi sát nhân tày trời của một người bạn đồng đội (?). Với trách nhiệm của ông Đôn thời bấy giờ, ông không thể chối cãi rằng ông "không biết rõ" hay quy tội cho Bình Xuyên được.

(còn tiếp)

Phụng Hồng

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002