Đại Chúng số 85 - phát hành ngày 1/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Buổi Sinh Hoạt Văn Học và Nghệ Thuật

CÂU LẠC BỘ VĂN HOÁ VIỆT-NAM PARIS

Bình Huyên tường thuật

Chủ Nhật mùng 07 tháng 10 năm 2001, trước 14 giờ, Trọng-Bình và Thùy-Huyên đậu xe ngay trước cửa khu nhà hội họp F.I.A.P., 30 đường Cabanis, Paris Quận 14. Không có chỗ để xe, Thùy-Huyên xuống trước đi vào Hội Trường, xách theo một bao nylon đựng vài chục cuốn báo Đại Chúng số 81 và 82. Trọng-Bìng lái xe hai vòng mới tìm ra một chỗ để xe cách F.I.A.P. khoảng hai trăm mét. Chàng khoá xe, xách nốt bọc nylon thứ nhì cũng đựng vài chục cuốn báo Đại Chúng số 81 và 82. Đây là những cuốn báo "dành dụm" cả tháng Chín để dùng vào dịp này. Số 83 chưa tới. Số 84 mới xuất hiện trên mạng lưới điện tử của Đại Chúng, U.S.A.

Vào trong hành lang rộng lớn của F.I.A.P., Trọng-Bình thấy Thùy-Huyên cầm trong tay bọc nylon không, đứng nói chuyện với mấy bà bạn. Thùy-Huyên mau mắn đi nhanh lại bên chồng, đỡ lấy bọc báo thứ nhì, tiếp tục đi trao cho từng văn thi hữu và khán giả. Dĩ nhiên là số báo không đủ. Nhiều văn thi hữu đã tìm gặp Bình-Huyên để "bắt đền", trong số có Gia-Trạng Lê Ngọc Quỳnh, Việt Dương Nhân, Quỳnh-Hạnh,... Bình-Huyên đã hứa sẽ gửi báo tới các vị đó sau.

Trong hành lang trước cửa vào Hội trường, Bình-Huyên thấy Hà Lan Phương cùng các bạn ngồi sau dãy bàn dài trên bày các tác phẩm để bán. Trao đổi vài câu thăm hỏi với nữ thi sĩ, hai người kiếu từ, đi tìm gặp nữ sĩ Nguyễn thị Vinh và nhà văn kiêm hoạ sĩ Nguyễn hữu Nhật để chuyển lời thăm của nữ thi sĩ Dư thị Diễm Buồn nhắn qua email sáng nay. Bà Nguyễn thị Vinh cho biết đã bị mất cắp một valise đựng sách và tiền tại phi trường Na-Uy.

Vào bên trong Hội trường, Bình-Huyên hội kiến ngắn ngủi với một số văn thi hữu: ca sĩ Thanh-Hùng tươi tắn, nhạc sĩ Trịnh Hưng lạc quan, thi sĩ Vân Uyên vui vẻ, nhà văn Hồ trọng Khôi lịch sự, Thi sĩ Nguyễn tấn Phước sâu sắc,.... Hai người tìm chỗ ngồi cách sân khấu sáu, bảy hàng ghế. Trước khi ngồi xuống, họ đi lên hàng ghế đầu chào hỏi nữ nghệ sĩ Bích Thuận. Phu quân của bà vắng mặt. Bình-Huyên cũng gặp lại các bạn thân, sơ, chuyện trò thật vui vẻ. Hai người nhận được các món quà tinh thần vô cùng quý báu: Đặc san "Nạng Gỗ" (hội Bạn của Thương Phế Binh V.N.C.H.), cuốn tài liệu hình ảnh các tác phẩm điêu khắc tuyệt vời của nữ điêu khắc gia Anh Trần, tập truyện ngắn "Gió Xoay Chiều" của văn thi sĩ Việt Dương Nhân, trao tặng.

Hội trường khá rộng lớn với khoảng hai trăm ghế. Bên phải sân khấu, một lá cờ vàng ba sọc đỏ thả từ trần nhà xuống chấm đất. Trên bức màn trong cùng sân khấu có treo biểu ngữ xanh đậm, trên gắn hàng chữ lớn mầu vàng THU ĐẤT KHÁCH, dưới có hàng chữ nhỏ hơn mầu đỏ TÁC GIẢ & TÁC PHẨM.

Lúc 15 giờ 20, Hội trường gần hết chỗ. Đại diện Ban Tổ Chức lên khai mạc buổi sinh hoạt. Hoạ sĩ Nguyễn đức Tăng giới thiệu chương trình.

Ca sĩ Thanh Hùng mở đầu bằng bài hát "Tình Nghệ Sĩ" của Đoàn Chuẩn & Từ Linh. Tiếp theo, bác sĩ kiêm ca sĩ Tố Lan trình bày bản "Không Còn Muà Thu" của Việt Anh. Ca sĩ Phạm Đăng xuất sắc trong bản "Muà Thu Paris" của Phạm Duy và Cung Trầm Tưởng. Ca sĩ trẻ Mạnh Cường trình bày bản "Mùa Thu Chết" của Phạm Duy.

Chị Thúy Hằng, hiền thê của anh Đỗ Bình, giới thiệu nữ sĩ Nguyễn thị Vinh lên thuyết trình về Ngôi Nhà Ánh Sáng (bãi Phúc Xá, Hà-Nội) của Tự Lực Văn Đoàn.

Ca sĩ Tuyết Dung trình bày bản "Thu Hát Cho Người" của Vũ Đức Sao Biển. Tuy hơi bị cảm, cô diễn tả trọn vẹn bài hát với giọng ca thật truyền cảm.

Nhạc sư Trương thị Quỳnh Hạnh sử dụng đàn tranh diễn ngâm bài "Thu Điếu" của Nguyễn Khuyến. Nữ nghệ sĩ Diệu Khánh ngâm bài "Giọt Lệ Thu" của nữ sĩ Tương Phố với phụ hoạ đàn tranh của nghệ sĩ Quỳnh Hạnh và tiếng sáo của nghệ sĩ Trần Tam Nguyên. Bác sĩ Nguyễn đình Tuấn diễn ngâm vô cùng xuất sắc tác phẩm "Bài Hát Mùa Thu" của Đinh Hùng để tưởng niệm chương trình Tao-Đàn ngày xưa.

Giáo sư Lê Mộng Nguyên lên thuyết trình về nữ thi sĩ Hoàng Xuyên Anh, từ California tới. Bằng giọng nói đầy cảm xúc, ông giới thiệu hai tập thơ "Nỗi Lòng Cô Phụ" và "Khung Trời Kỷ Niệm", mô tả cuộc đời ngập tràn đau khổ của người nữ nghệ sĩ: các con của nữ thi sĩ và phu quân là Lương Quang Xuyến lần lượt lìa trần; bản thân chị bị tai nạn máy bay huỷ hoại nhan sắc và làm chân tay tàng tật. Nữ thi sĩ ở lại một mình trên cuộc đời với những mất mát hoàn toàn, chỉ còn lại ba đứa con và nguồn thơ giúp ngòi bút của chị làm sống lại cuộc đời tình ái của hai vợ chồng khi trước. Tiếp theo đó, chính Hoàng Xuyên Anh được dìu lên sân khấu trình diện với khán giả với bước đi chập chững, gương mặt đầy thẹo căng bóng phủ hết nét yêu kiều thuở xưa. Chị nghẹn ngào tâm tình cùng văn thi hữu và khán giả, rồi chị kết thúc dòng tâm tư não nuột bằng một câu thơ vô cùng cảm động "... Có ai thương tiếc cánh hường tả tơi ?!..."

Bác sĩ Phương Du Nguyễn bá Hồng tiếp tục chương trình với bài giới thiệu những tác phẩm của ông : "Tha Hương" (1985), "Tình Thương 1" (1991), "Tình Thương 2 (1993), Thi nhạc Tình Thương 1 và 2, và Hoa Tâm (Thi nhạc Tình thương 3). Thơ của ông nặng về tâm linh (nói về Thiên Chúa và Đức Bà Maria). Nhạc của ông trang nghiêm, mang chất Thánh ca.

Nhà thơ Đỗ Bình lên giới thiệu nữ điêu khắc gia Vương Thu Thủy với tác phẩm Mục Đồng Chăn Trâu và Con Nghé tuyệt tác trưng bày trên bàn. Vương Thu Thủy còn làm thơ phổ nhạc. Đó là một nữ nghệ sĩ xinh đẹp và còn rất trẻ.

Ông Trần Song Thu lên trước máy vi âm. Ông cho biết chuyên về điện ảnh. Tác phẩm đầu tay của ông "Hoàng Hôn Trong Mắt Em" gồm các mẩu truyện được sáng tác dưới cặp mắt một đạo diễn. Ông lấy hứng từ các chủ đề: cảm xúc quê hương trong thời chiến, trẻ em mồ côi, và lòng nhân đạo.

Chị Thúy Hằng giới thiệu nhạc sĩ Trịnh Hưng. Nữ ca sĩ Kim Thu với giọng ca ngọt ngào đầy sinh lực trình bày bản "Lối Về Xóm Nhỏ" với sự phụ hoạ của dàn nhạc Xuân Vinh. Nghe nói, bản nhạc này cũng như một vài bản khác của người nhạc sĩ tài hoa đã từng bị một vài trung tâm ca nhạc vi phạm bản quyền.

Ca sĩ Thanh Hùng xuất hiện lần thứ nhì với bản "Giọt Mưa Thu" của Đặng Thế Phong. Trong khi đó, anh Đỗ Bình xuống các hàng ghế trao tay cho văn thi hữu và khán giả tài liệu in sẵn soạn thảo công phu nói về Phong trào Thơ Mới của giáo sư Võ Thu Tịnh.

Hoạ sĩ Nguyễn đức Tăng giới thiệu nhạc sĩ Xuân Lôi. Nữ ca sĩ Kim Thu trình bày bản "Nhạt Nắng" của ông sáng tác năm 1955.

Đến lượt giáo sư Võ Thu Tịnh lên sân khấu thuyết trình về Phong trào Thơ Mới. Ông sinh năm 1920. Nhạc sư Trương thị Quỳnh Hạnh đứng bên diễn ngâm một số bài thơ mới.

Trước mặt các văn thi hữu và khán giả vẫn chăm chú theo dõi, văn thi sĩ Nguyễn hữu Nhật nối tiếp chương trình bằng đề tài "Vai Trò của Người Cầm Bút Lưu Vong". Ông xác định khái niệm của hai chữ "lưu vong" có nghĩa là "ra đi mà không trở lại quê cũ được". Theo ông, người cầm bút lưu vong phải làm ba điều : (1) Vượt khỏi con người của mình (2) Gửi đi một tín hiệu (3) Viết về những vấn đề của người lưu vong qua các chủ đề chính trị, xã hội và gia đình.

Nữ ca sĩ Tố Lan tái xuất hiện trong bộ y phục gái quê ngày xưa, trình bày bản "Trăng Sáng Vườn Chè" thật hấp dẫn.

Thi sĩ thần học gia Nguyễn Tấn Phước lên nói về nữ thi sĩ Ý Nga có trong chương trình  nhưng không có mặt vì trở ngại hàng không.

Sau khi nữ nghệ sĩ Diệu Khánh ngâm xong bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn", anh Đỗ Bình mời mọi người sang phòng bên xem các tác phẩm của các nghệ sĩ trong chương trình sinh hoạt văn học nghệ thuật mùa Thu năm 2001. Sách và CD bán rất chạy. Riêng Bình-Huyên không mua được cuốn "Cõi Tạm" của Nguyễn thị Vinh. Họ chỉ chọn được một tập thơ và một CD thơ nhạc của nữ thi sĩ Hoàng Xuyên Anh.

Bình-Huyên cùng nhau tức cảnh sáng tác tại chỗ một bài thơ thất ngôn bát cú lấy nhan đề "Cảm Thu Đất Khách" để làm kỷ niệm buổi sinh hoạt phong phú thành công của Câu Lạc Bộ Văn Hoá Việt-Nam Paris:

Lưng trời xao xuyến gió heo may,

Lối ướt cô liêu lá trải dày,

Mây lạnh giũ tà buông lụa trắng,

Mưa dài đan áo toả hương say,

Tình quê lắng nghẹn từng hơi thở,

Đất người xiết chặt vạn bàn tay

Chia sẻ thi, văn, điêu khắc, hoạ,

Để khi xa, mãi nhớ chiều nay,...

Buổi sinh hoạt chấm dứt lúc 19 giờ 15 cùng ngày.

Bình Huyên

(Mùa Thu Paris 2001)

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002