Đại Chúng số 85 - phát hành ngày 1/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


HƯƠNG SẮC QUÊ MÌNH

Lãng Nhân

Nữ Sĩ SONG THU

Khuê danh Phạm Thị Xuân Chi, tự Hữu Lan, bút hiệu Song Thu, bà vốn người làng Đông Phồn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, Trung Việt. Sinh năm 1899, thân phụ là Phạm Phú Lâm, tổ phụ là Phạm Phú Thứ, thượng thư dưới triều Tự Đức; cháu gọi bà bằng cô ruột là đại úy phi công Phạm Phú Quốc, tử nạn trong một phi vụ đánh cộng sản năm 1965.

Vỡ lòng học chữ nho, đến 13 bà theo chương trình Pháp Việt, bãi khóa theo phong trào quốc gia, rồi tiếp tục chữ nho dưới sự dìu dắt của hai thày Lê Bá Trinh và Trương Hữu là những người ái quốc nóng lòng chống ngoại xâm. Hai ông hun đúc cho bà khuynh hướng cách mạng ngay từ lúc tuổi còn thơ.

Năm 19 tuổi, bà đứng ra làm con thoi đi về giữa khoảng Trung và Bẳc, để thông tin và phổ biến những tài liệu quốc sự nhận được từ ngoại quốc.

Khi biết mình bị mật vụ để ý, bà tránh sang Cao Miên và Ai Lao, sau lại lò dò về Hà Nội. Ở đây nương náu ít lâu thấy không ổn, bà đáp xe lửa lên Vân Nam.

Cũng lại gặp khó khăn, bà tìm dường xuống Nam Vang và bị đưa về Sàigòn, giam cầm và tra tấn. Ít lâu sau được trả tự do. Qua mấy lần như thế mà bà vẫn không đổi chí, có bài thơ:

Tự Trào

Ta nghĩ khen ta cũng có tài

Hai bàn tay trắng kém gì ai!

Gặp cơn nguy biến không hề sợ

Phải bước phong ba chẳng chút nài

Tiền của tiêu pha vừa bữa một

Cháo cơm lếu láo đủ ngày hai

Phong trần dù đến bao nhiêu nữa

Son sắt lòng này há dễ phai!

Khi phải bỏ nhà đi trốn tụi mật vụ, bà ngậm ngùi:

Lìa cảnh cũ

Một bước ra đi, một bước ngừng

Đoái nhìn chốn cũ lệ rưng rưng

Nghiêng bàu tâm sự, nghiêng không cạn

Gạt giọt ly sầu, gạt khó ngưng

Non nước thương ai màu ủ dột

Cỏ hoa mến khách vẻ bâng khuâng

Cho hay cảnh cũng trêu người nhỉ

Gánh nọ trần ai nặng quá chừng?

Vì bà thông thạo chữ Hán lại có thành tích chống Pháp nên khi quân đội Nhật tới miền Nam, tướng Tùng Tỉnh cho mời hợp tác trong bộ tham mưu. Bà ngại ngùng, nhưng rồi ưng thuận vì thấy có cơ hội giúp những đồng chí bị Pháp giam giữ.

Quả nhiên bà cứu được cả trăm người. Có điểm đặc biệt là bà từ chối, không nhận lương của Nhật, chỉ bằng lòng dọn đến ở một căn nhà tiện nghi hơn nhà cũ mà thôi. Bà phân trần:

- Hợp tác với Nhật vì Nhật đã giúp Việt Nam ta lấy lại tự do và độc lập, chứ đâu phải là đi làm mướn, lương lậu làm gì cho nhẹ thể quốc gia!

Đến ngày Nhật thua, trước khi rời Việt nam nhân viên bộ tham mưu mời bà dự bữa tiệc từ biệt. Vãn tiệc viên chỉ huy trịnh trọng nói:

- Những đồ đạc trong nhà này cùng tiền bạc trong tủ sắt kia, chúng tôi xin tặng lại lão nữ sĩ. Cả súng nữa để đề phòng...

Bà cảm động, nhưng cương quyết:

- Tôi đến đây là vì đại nghĩa, chứ không vì tư lợi, chắc quý vị đã biết. Vậy tôi xin chân thành tạ ơn quyến cố chứ không dám nhận lãnh gì hết...

- Nếu bà không nhận, chúng tôi sẽ cho đốt hết.

- Tùy nơi quý vị!

Họ nhìn nhau, kinh ngạc. Sau, một người láy cái xắc của bà, nhét đầy trong đó giấy bạc 500 và một cái súng nhỏ, mang ra xe, mời bà lên để chở về nhà. Khi đến nơi, khóa cửa lại, người Nhật để xắc lên bàn, ôn tồn nói:

- Thời loạn, bà ơi! Nên đề phòng bất trắc!

Nói rồi quầy quả ra đi. Bà tần ngần một lúc sau sai người gọi một thanh niên quen thuộc đến để trao tặng khẩu súng, còn thì thu xếp nhà cửa để tản cư về Bình An. Cả trăm người tản cư một đường với bà, được bà chu cấp cho đầy đủ, nhờ số tiền của Nhật. Số tiền này còn giúp bà thoát hiểm: từ Sàigon về Bình An phải qua nhiều trạm, nào Lao Động, nào Đông Dương, nào Cứu Quốc, trạm nào cũng hạch giấy phép của Ủy ban Nhân dân, bà chỉ việc lấy ra ở mỗi trạm dăm tờ và nói:

- Đây, anh bỏ vào quỹ Cứu Quốc dùm tôi, gọi là chút đóng góp của một phụ nữ vô danh.

Thế là được khoát tay cho đi tức thì? Nhưng đến khi tình thế tạm yên bà trở lại Sàigon thì mớ giấy 500 đã bay hết, bà trạnh niềm cảm cựu trong một thiên luật Đường:

Xưa kia hoa quả nở dầy vườn

Giờ trở về đây hóa ruộng nương

Ngọn núi trông theo người viễn khách

Dòng sông trôi mãi bóng tà dương

Lâu dài năm âý, kìa hoang thổ

Miêú vũ hôm nay, nọ chiến trường

Ngừng bước nhìn xem phong cảnh cũ

Mộng hồn ngơ ngẩn cuộc tang thưong...

* * *

Thêm vào sự thấy biết sâu sắc, bà còn có tài mẫn tiệp “bảy bước thành thơ" như Tào Thực khi xưa.

Một hôm đến thăm bà bạn mới ở Sóc Trăng về, băng máy bay, nhân cử tọa đông văn nhân nam nữ và chủ nhân tả lại cảm tưởng ngồi phi cơ, nhìn xuống đồng ruộng chen nhau như các màu trên áo cà sa, lùm cây tròn như hạt châu, bà ứng khẩu ngay tám câu:

Đất bằng chốc đã lên mây

Tu luyện ngàn năm cũng thế này

Mảnh áo cà sa trăm khoảnh đất

Tràng châu An Lạc mâý vòm cây

Giang hồ lang miếu lưng tròng góp

Vũ trụï kiền khôn một túi dầy

Dòm xuống chúng sanh còn lặn hụp

Lòng ta đâu nỡ lại phương Tây!

Thơ vừa nhất khí, lại đượm mùi đạo vị, không đành về phương Tây với Phật, còn muốn làm bồ tát cứu chúng sinh, thêm vào đó ý niệm chính trị chống Pháp. Tám câu lưu loát như chơi mà thật bao hàm...

Tài mẫn tiêp của bà nhiều người còn thán phục qua câu chuyện vui sau đây trong làng ký giả hồi 1930:

Năm ấy kinh tế bất đầu khủng hoảng, bà cùng một ký giá và một giáo sư lâm cảnh khan tiền tiêu Tết, rủ nhau ra chợ Bến Thành viết câu đối thuê. Một bàn bày ra giấy đỏ mực tàu, bà ngồi ghế giữa, hai ông hai đầu cầm sãn bút đại tự chờ viết.

Chợt có ba người nói tiếng Bắc đi dạo xem Tết, dừng lại xin câu đối. Hai ông nhìn nhau chưa biết viết câu nào hợp cảnh thì bà đọc ngay:

Hội bằng hữu ư xuân viên

Tự cố hương chi lạc sự (1)

Ba người vỗ tay khen:

- Hay quá, hợp thời hợp cảnh, xin viết ngay đi...

Nghe tiếng cười vui, nhiều người dừng lại coi, một ông già quần áo đen, khăn rằn, ngỏ lời xin một câu, nếu hay sẽ tặng l0 đồng. Bà lại đọc luôn:

Sơn hà phong cảnh nguyên vô dị

Thành quách nhân dân bán dĩ phi (2)

Rồi tự tay bà viết, nét thật bay bướm. Rõ là một tay "bút pháp đã tinh" nổi tiếng ở Sài thành. Chúng tôi từng có dịp nhờ đến hoa tay của nữ sĩ: khi nhà in áp dụng phương pháp in màu khá thành công, nữ sĩ đã "tay tiên một vẩy" viết đôi câu đối:

Muôn vẻ như in tờ giấy trắng

Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh (3)

Treo ở văn phòng, được nhiều người khen “mặn mà nét bút càng nhìn càng tươi"

Sau quãng đời bôn ba làm cách mạng và giúp Nhật chống Pháp, rồi khi gặp biến huy hoắc tiền tài cho vẹn tình người, nữ sĩ vui cảnh thanh bần với con gái là Nguyễn Thị Thu Hường bút danh Phương Đài, và con nuôi là Phạm Xuân Hoàng. Tuy đã vào bậc cổ hi, nữ sĩ yếu ớt gày còm nhưng tiếng nói vẫn sang sảng, lời thơ vấn vương lòng trắc ẩn như trong bài chữ Hán:

Xuân Cảm

Ba đào cổn cổn chấn nhân hoàn

Xuân sắc tiêu diều bất nhẫn khan

Giáp mã tung hoành phao đại địa

Yên vân già tế biến không gian

Bình nguyên mạn thảo oanh khô cốt

Cự uyển danh hoa thất cựu nhan

Thành bại bách niên liêu nhĩ nhĩ

Huyết hòa lưu thủy hưởng sàn sàn

mà bà tự dịch ra quốc âm:

Ai gây sóng gió suốt nhân hoàn

Cho cảnh ngày xuân kém vẻ vang?

Yên giáp nghênh ngang phơi đại địa

Khói mây mờ mịt phủ không gian

Cỏ hoang đồng ruộng bao xương trắng

Hoa đẹp vườn xưa lợp nhụy vàng

Thành bại trăm năm rồi cũng thế

Dòng sông cuồn cuộn máu hòa chan...

Chúng tôi thắc mắc về nguyên ủy nữ sĩ Phương Đài, thì được một người có liên hệ với gia đình này, cho hay: thời kỳ bà Song Thu bị mật vụ Pháp theo dõi gắt gao, một đồng chí đưa bà đến tá túc nơi ông Nguyễn Viết Liêm, tri huyện ở một huyện trong tỉnh Mỹ Tho. Ông này tuy làm quan nhưng là người có tâm huyết lại văn nhã phong lưu nên sẵn lòng để bà mai danh ẩn tích ngay trong huyện lị.

Thế rồi lẽ hằng thanh khí, "tài tử với giai nhân là nợ sẵn", một dây một buộc dẫn cô Thu Hường ra chào đời. Nhưng hai bên không kết thành một đôi, vì bà huyện ghen tức đến uất nghẹn mà lìa trần. Do đó nữ sĩ ở lại cũng không đành, bế con đi để tránh miệng tiếng, nhất là cho ông huyện, mặc cho ông này hết lời cầu bà nán lại. Và cũng do đó, chúng tôi phỏng đoán ý nghĩa hai chữ Song Thu (màu thu bên cửa sổ):

Phải chăng hai chữ bất đầu mấy câu Kiều:

SONG THU đã khép cánh ngoài

Tai còn đồng vọng mâý lời sắt đinh

Nghĩ ngươi, thôi lại nghĩ mình

Cám lòng chua xót, lại tình bơ vơ...

Lần lữa nắng mưa, canh chầy lưỡng lự, cuối cùng nữ sĩ đã rời Sài thành, dứt áo ra đi, vào năm 197 l, thọ 73 tuổi.

Chú thích:

(l) - thoát ở câu "Hội đào lý chi phương viên, Tự thiên luân chi lạc sự" của Lý Bạch trong bài “Xuân dạ yến đào lý viên tự" nhưng đây là "Họp bạn bè nơi vườn xuân, nói chuyện vui về quê cũ”

(2) – thoát từ bài “Tòng Tây chinh” của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Lão độn trùng thử loạn ly, dự tham nhung quách nhân dân dị tích thì” (Già đần độn gặp thời loạn lạc, Gắng theo quân bàn bạc mưu cơ, Nhân dân thành quách khác xưa, Núi sông phong cảnh vẫn như độ nào...)

(3) – thoát từ bài thơ “Vịnh bức tranh tố nữ” của Hồ Xuân Hương – hai chữ “Đôi lứa” đổi ra “muôn vẻ” cho hợp cảnh.

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002