Đại Chúng số 86 - phát hành ngày 16/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


1001 CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Ông Thái Kiến Hoa, Center Rd. Dreell Hill, PA. 19026: Tin Cựu Tổng Thống VNCH đã thất lộc tại Boston, tang lễ được cử hành long trọng, đồng thời sau đó một Thánh lễ cầu hồn ngay tại San Jose tại Thánh đường St. Patrick tại San Jose với sự tham dự với hàng ngàn người cùng hàng ngũ tướng lãnh cùng các cấp trong binh chủng VNCH trước kia... do Đức Ông Đỗ Văn Đỉnh chủ tế... Tôi sực nhớ đến vụ tai tiếng 16 tấn vàng mà có nguồn tin đồn đãi là Cựu TT Nguyễn Văn Thiệu đã mang đi ngày ra đi ngoại quốc tị nạn... Chuyện này có hay không? Bà cụ có nghe hay biết điều này xin mách hộ cho.

  • Trong những tháng đầu ngày mất nước vào năm 1975, tôi cũng nghe người ta đồn đãi như vậy, nhưng chẳng bao lâu sau đó, thì nguồn tin này đã được chính ngay ông Nguyễn Xuân Oánh - cựu Thống Đốc Ngân Khố Quốc Gia - người có nhiệm vụ quản thủ tài sản to lớn này cho đất nước, ở lại cộng tác với Cộng Sản Việt Nam - tuyên bố là 16 tấn vàng của quốc gia VN hiện còn ở trong kho Ngân Khố. Từ đó nguồn tin Cựu TT Nguyễn Văn Thiệu mang đi số vàng hàng chục tấn đó được hoàn toàn bạch hóa... Chuyện này hoàn toàn sai lạc.

 

Cụ Tôn Thất Viên Mãn Borcelone Plaza Westminster, Aali. Một hôm tôi được hân hạnh biết Hoàng Tử Bảo Ân, thứ nam của cố Cựu Hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, tôi sực nhớ lại "Ngọc Như Ý" mà các sử sách Trung Hoa ghi lại về bảo vật này, đem bàn thảo nhưng Hoàng tử Bảo Ân không biết rõ loại ngọc như ý này. Tôi muốn biết ý nghĩa của ngọc như ý này bà cụ biết xin chỉ giáo cho. Thành thật cám ơn cụ vô cùng.

  • Thời Ngũ Đại Tề Cao Đế Tiêu Đạo Thành từng ban thưởng cho Minh Tăng Thiệu là một ẩn sĩ lúc bấy giờ một cây như ý bằng thân trúc, cũng như Chiêu Minh Thái Tử được Lương Võ đế Tiêu Diễn một cây như ý bằng sừng con tê giác... Đồng Xương công chúa đời Đường đặc biệt có cây ngọc như ý trông giống như cây đào ngọc, phía trên đeo bảy lỗ rất sáng... Giá trị của cây như ý này là khi đeo vào người cảm thấy toàn châu thân mát mẻ khiến cho tâm hồn thoải mái tràn ngập cả sự vui vẻ... theo như ý muốn. Tưởng cũng nên biết Ngọc như ý thường lấy ngọc điêu khắc hình dạng như nấm linh chi được xem là loại thần dược mọc trên núi cao...đến cả ngàn năm mới nở một lần. (Ngày nay Trung Quốc mang xuống đồng bằng trồng, và sinh sôi nẩy nở mau chóng như các loại nấm thông thường).

  • Về sau, đến đời Thanh, còn lưu lại rất nhiều bức tranh vẽ hình cung phi mỹ nữ, người nào cây ngọc như ý. Nghĩa của Ngọc như ý là "xứng tâm vừa ý". Người ta thường dùng vật quý này để chúc thọ cho nhà vua, nhất là dùng loại "Cửu Cửu Như Ý" gồm có chín cây ngọc như ý đựng trong một cái hộp, dâng lên cho nhà vua phải đủ 9 hộp như vậy. Con số 9 biểu tượng cho số dương lớn. Chín hộp dâng lên nhà vua tức biệu tượng cho chín lần chín là con số lớn nhất, phúc phần nhất, cao cả nhất trong trời đất. Câu: "Cửu ngũ, phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân." Câu này trích ra từ Kinh Dịch tiêu biểu cho sự tôn quý của bậc thiên tử... ý nghĩa nói lên sự trường thọ... v.v... Còn rất nhiều điển tích nói về Ngọc như ý, có dịp tôi sẽ cùng cụ lạm bàn.

 

Bà Trần Xuân Hương Brookhurst Orange County: Bà cụ có nhớ bài thơ "Tứ Thời" của nhà nữ sĩ Ngô Chi Lan không? Nếu có xin bà cụ nhắc hộ.

  • Bài "Tho Tứ Thời" đo như sau:

Mùa Xuân

Khí trời ấm áp đượm hơi dương,

Thấp thoáng lâu đài vẻ ác vàng.

Rèm liễu líu lo oanh hót gió,

Giậu hoa phấp phới bướm châm hương.

Mùa Hạ

Gió bay bông lựu đỏ tơi bời,

Tựa gốc cây đu đứng nhởn chơi.

Oanh nọ tiếc xuân còn vỗ cánh

Én kia nhớ cảnh cũng gào hơi.

Mùa Thu

Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ,

Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa.

Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm,

Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.

Mùa Đông

Lò sưởi bên mình ngọc lửa hồng,

Giải buồn chén rượu lúc sầu đông.

Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa,

Gió phẩy mưa băng giải mặt sông.

 

Cụ Hoài Nam Nhân Raleigh Dr. Carrollton, TX.75007: (Qua Trương Thị Thu - Philadelphia: Gần đây người ta lại bàn về "Sấm", tôi bỗng sực nhớ lại sấm Vạn Hạnh. Bà cụ có biết gì về câu chuyện này chăng? Nếu bà cụ nhớ xin ghi lại cho. Trân trọng đội ơn bà cụ.

  • Tôi xin tóm lược như sau: "...Khi hoàng tử Thầm lên làm vua chạy đến thôn Lưu Gia Hải Ấp gặp được người thiếu nữ có nhan sắc, con của Trần Lý hành nghề ngư phủ lấy làm vợ và phong Lý tước minh tự còn phong cho cậu vợ là Tô Trung Từ làm chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Cũng kể từ đấy nhà Lý suy sụp hẳn, quần thần thì ganh ghét tị hiềm ai cũng nghĩ đến tư lợi... mà quên hẳn bảo vệ quốc gia. Đến thái tử Sảm kế vị xưng hiệu là Huệ Tông, lại càng tỏ ra nhu nhược, đam mê gái họ Trần, sách lập Trần thị làm nguyên phi, và dùng cậu Tô Trung Từ làm thái úy phụ chánh v.v...Về sau vua Huệ Tông mắc phải bệnh điên, nguyên nhân, cứ theo Việt sử Thông giám Cương mục thì, nhà vua bị trúng ác phong, dần dần biến chứng cuồng dịch, khi xưng mình là tướng nhà trời giáng hạ, lúc thì cầm giáo và khiêng mộc múa may cả ngày lẫn đêm... Lắm lúc nhà vua uống rượu say khướt ngủ li bì giao tất cả quyền hành cho anh vợ là Trần Tự Khánh v.v... Hoàng hậu chỉ sinh được hai nàng công chúa. Nàng công chúa lớn là Chiêu Thánh, còn nàng công chúa thứ hai là Thuận Thiên. Vì nhà vua mắc bệnh điên nên triều thần bắt phải nhường ngôi cho con gái mới lên bảy tuổi láy đế hiệu là Lý Chiêu Hoàng.

  • Nhà Lý tuyệt tự nên nên sang tay họ Trần. Việc này nhà sư Vạn Hạnh đã tiên tri cho Lý Thái Tổ. Bài sấm đó như sau:

Thụ căn liễu liễu

Mộc biểu thanh thanh

Hòa đao mộc lạc

Thập bát tử thành

Đông a nhập địa (*)

Dị mộc tái sinh

Chấn cung hiện nhật

Đoài cung ẩn tinh

Lục thất niên gian

Thiên hạ thái bình

Nghĩa:

Rễ cây liễu liễu

Hoa lá xanh xanh

Lúa đao cây rụng

Mười tám con thành

Đông a nhập địa (*)

Cây khác ắt sinh

Nhật xuất phương Đông

Phương Tây sao lặn

Sáu bảy năm nữa

Thiên hạ thái bình!

(*) Đông a: họ Trần. Cho thấy cơ đồ nhà Lý sang tay nhà Trần.

 

Ông Lê Văn Phan Reseda California: Nghe các thầy Đông Y bảo:Trong các loài thú, chỉ có loài "hổ" là có thể chữa được nhiều bệnh. Vậy có đúng vậy không? Bà cụ biết giải hộ. Nếu được bà cụ chỉ cho cách nấu cao hổ cốt thì thật không gì quí bằng!

  • Đúng vậy. Máu của hổ giúp cho ta có trí nhớ lâu bền. Móng chân cọp chữa các chứng kinh phong, tà khí. Răng của cọp chữa các bệnh lao trùng, phong độc hoặc bị chó dại cắn. Tim của cọp chữa ác mộng, mồ hôi trộm.Gân hổ đốt cháy còn tính chữa chứng âm suy, cũng như cổ họng mọc mụt. Da hổ đốt cháy hiệu lực phi thường trị được bệnh báng nước, sốt rét.(điều đặc biệt lưu ý, đừng bao giờ nằm trên da cọp nếu bị các lông rơi rụng nhằm vào vết thương sẽ làm lở loét sinh trùng v.v... Ngoài ra còn nhiều bộ phận của hổ chữa trị các bệnh nan y khác. Người ta lấy 10 bộ xương cọp đúng ý mình mang ngâm nước Địa Cốt Bì mà ta thường gọi là củ khởi độ hai ngày. Sau đó lấy ra dùng dao bằng tre hay miệng chén bát (không được dùng đồ sét) cạo tất cả thịt gân ra cho thật sạch, rồi lại ngâm vào với nước muối nguyên chất cũng trong vòng 2 ngày. Cuối cùng vớt ra đập thành từng mảnh nhỏ, nạo hết tủy trong xương bỏ, đoạn rửa sạch mang phơi khô khoảng được 3 nắng xong mới nấu nước đậu xanh ngâm, để chừng 2 ngày nữa lại vớt xương ra, phơi thêm nắng 3 ngày... Xong đâu đó mới ngâm xương cọ với nước gừng nguyên chất...Cuối cùng sao cho thật khô lúc bấy giờ mới nấu thành cao được. Có thể kỳ đến tôi sẽ nói về cách nấu cao.

 

Bà Nguyễn Đình Lộc Monterey Park: Trong Thần Chú Phật Đình Thủ Lăng Nghiêm, tôi làm rách mất từ câu thứ 14 đến 18. Bà cụ nhớ nhắc hộ cháu. Cám ơn bà cụ nhiều.

  • Các câu bà bị mất đó như sau: 14. Na mô bạt ra ha ma nê. 15. Na mô nhân đà ra gia. 16. Na mô bà già bà đế.17. Rô đà ra da. 18.Ô ma bát đế.

 

Ba Trương Vân Cứ San Jose: Bà cụ có biết điển tích của câu tục ngữ "Vẽ Rắn Thêm Chân"không? Nếu được xin cho cháu được nghe về điển tích của câu này.

  • Vẽ Rắn Thêm Chân" có thể câu này được dịch ra từ câu tục ngữ Trung Hoa. Đó là câu: "Họa Xà Thiêm Túc". Thường thường người ta muốn nói lên một sự việc gì không đáng vào đâu mà cứ vẽ vời thêm ra hoặc để quan trọng hóa... Theo Chiến Quốc Sách: “Nước Sở có Miếu Vũ, chủ nhân của ngôi miếu này mướn mấy người đế ở canh giữ.

  • Một đêm nọ, chủ nhân mang đến một bầu rượu để cùng nhau chia uống lấy chút làm thảo. Nhìn thấy bình rượu quá nhỏ biết khó lòng chia đều, cùng nhau bàn thảo: “Nhiều người uống không thể nào đủ được nên mở một cuộc thi, kẻ thắng sẽ trọn quyền nhâm nhi một mình cả bầu rượu này". Một người trong bọn hỏi: “Vậy trong bốn được xem là nhất trên cõi đời này là "Cầm, Kỳ, Thi, Họa" ai thích thi môn nào tự nói ra. Tất cả đều kháo mình là có tài "Vẽ" thiên hạ vô địch. Thế là họ hè nhau thi "Vẽ". Trong bọn bắt đầu dốc cả sức mình để vẽ cố đạt được chức khôi nguyên... Bỗng trong thoáng chốc có tiếng reo lên: "Tôi xong trước rồi." Anh này vừa nói vừa với tay lấy chai rượu ôm vào lòng, rồi nghêng ngang cao ngạo nói:

- Tài của tớ chẳng phải chỉ bấy nhiêu không đâu, tớ còn có thể vẽ thêm chân nữa...

Trong bọn có người đến nhìn bức tranh vẽ:

- Này, này... đừng có xạo nha... Rắn đâu có chân mà vẽ? Giao lại bầu rượu đây... Chỉ được có cái... bịa chuyện ra vẽ... vời.

  • Người vẽ xong trước chịu thua... đành nằm giương mắt nhìn đồng bọn cùng nhau ngồi đánh chén. Kể từ đó phàm ai thấy người ta nói chuyện mà thêm thắt những điều không có hoặc chẳng nhằm vào câu chuyện, thường bảo là "Vẽ rắn thêm chân".

 

Cụ Trương Trọng Thu TX. (Qua Thái Kiển): Bà cụ còn nhớ bài Dịch Thủy không? Hình như bài này của Lạc Tân Vương?

  • Đúng. Bài Dịch Tủy là của Lạc Tân Vương. Bài thơ đó như sau:

"Thử địa biệt Yên Đan,

Tráng sĩ phát xung quan,

Tích thời nhân dĩ một,

Kim nhật thủy do hàn."

Cụ Ngô Tất Tố đã dịch:

Đất này giã cậu hoàng Yên,

Tóc người tráng sĩ dựng trên mái đầu.

Người xưa khuất bóng đã lâu,

Ngày nay còn thấy nước sâu lạnh lùng.

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002