|
|
Giới Thiệu |
LỜI MỞ ĐẦU Kỷ niệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời không phải là những bông hồng đi vào trái tim giữa người này với người kia. Nó cũng không phải là hình ảnh của cả một thời mà phẩm giá của mình được mọi người tung hô ca tụng. Mà phải nói rằng cái kỷ niệm đẹp nhất và cụ thể nhất có tự ngàn xưa của người này với người kia: đó là nấm mồ! Bao nhiêu thiên kỷ đã đi vào dĩ vãng để lại trong trí ta sau nhiều ngàn năm đâu phải bằng dòng lịch sử sống động, hoặc bằng những tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy mà bằng sự chôn cất với những lễ nghi mai táng rườm rà, phức tạp... Con người ở vào giai đoạn bắt đầu đi vào thiên niên kỷ thứ ba này làm sao tỏ ra được sự hiện hữu của mình sau các bậc tiền bối? Và cũng làm sao tỏ ra được là mình đã để lại những gì cho thiên niên kỷ thứ tư? Phải chăng bằng những ngôi nhà mồ được chạm trỗ sơn phết mà không một lời ghi chép lại cho hậu thế suy tư, nghiền ngẫm. Có thể mọi người đều có cùng một quan niệm “tử giả biệt luận”, chết là hết, là mất vĩnh viễn. Thế có nghĩa là nó Vô Thường nói như thuyết Phật nhưng không biến dị. Ở Đông Phương chẳng những từ xa xưa mà ngay cả những năm tháng cuối cùng của thế kỷ 20 và bắt đầu đi vào thế kỷ 21 vẫn còn bịn rịn với cái xác chết của mình bằng những nghi thức tang lễ rườm rà! Quan niệm về cái chết đối với Trang Tử được ghi lại: “Khi ông nhìn thấy đám đồ đệ đang bấn loạn cả lên trong giờ phút sắp lâm chung của mình bèn gọi đến hỏi: - Các ngươi làm điều gì mà lăng xăng thế? - Chúng con chuẩn bị để làm cho đám tang thầy được trọng thể. - Ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt là ngọc bích, còn tinh tú trên vòm trời là ngọc châu, vạn vật ở thế gian này là những nghi lễ của đám tang, như vậy há chẳng đủ lắm sao? Chuyện gì các ngươi phải bày vẽ thêm cho lắm việc! Đám đệ tử thưa: - Chúng con sợ diều quạ ăn mất xác thầy! Trang Tử mỉm cười: - Trên thì có diều quạ ăn, dưới thì có dòi bọ rúc rỉa. Cướp đây cho đó (không công bằng lắm sao?) Hành động đó của các con há chẳng phải là thiên lệch đó ư?! Đã lâu rồi từ ngày có các giáo hội ra đời đã giữ độc quyền đem lại nguồn hi vọng cùng những lời lẽ giống nhau cho mọi người trong các cuộc lễ cầu hồn. Họ đã có những danh từ dành cho các vong linh để mang theo đi vào bên kia thế giới. Chín chục triệu thánh lễ đã cử hành dành cho người chết, cũng cùng những lời cầu ấy lặp đi lặp lại nhiều lần của số chín mươi triệu lần như vậy,đã động viên hàng bao nhiêu ngàn giáo sĩ, bao nhiêu ngàn chức sự đại diện cho cõi “Vĩnh Cửu” trong thời gian bao nhiêu năm dài dặc tiếp nối không ngừng. Chỉ có một bầu trời. Chỉ có một cái chết. Chỉ có một hình thức xã hội. Ở đó sự an táng là một cuộc lễ liên quan đến mọi người trong diễn tiến của nó cùng những sự hiểu biết rất hữu ích. Con người của thời đại hiện tại đã thu gọn lại chỉ còn một nhóm nhỏ trong gia đình,hàng họ,bạn bè...mà không còn chủ trương làm ồn ào khắp làng nước,ngoại trừ các nhân vật có tính lịch sử. Thật ra ít có ai để ý lâu dài đến người chết, họ chỉ bị gián đoạn một thời gian ngắn ngủi để chép miệng tiếc rẻ hoặc bằng miệng lưỡi ngoại giao ca tụng nhất thời với vài dòng tiểu sử ngắn gọn, hoặc để đưa đi một chặng đường hay suốt chặng đường từ Nhà Mồ đến cửa huyệt; hoặc gửi đăng lời chia buồn với tang quyến cùng với sự trưng bày tên tuổi mình để nói lên lòng thương tiếc kẻ ra đi không hẹn ngày về! Nhưng rồi sau đó chẳng ai còn đoái hoài nữa. Xe hơi vẫn chạy. Tàu bay vẫn bay. Kẻ bộ hành vẫn bước đi với nhịp độ nhu cầu của mình. Và... cuối cùng chỉ trong thoáng mắt tất cả đều vứt lại đàng sau để chạy theo cái nhu cầu thực tế! Các áng văn chương tràn ngập đủ thể loại, nhưng ít ai nhắc nhở biên soạn một cách khá công phu nói về cái “thây ma” mình đang mang sẵn và đang nhờ nó để nói lên những điều mình muốn nói, hay bày tỏ những ước vọng thầm kín của mình. Đối với cái chết của người khác, kẻ bàng quan thường không lưu tâm đến. Nhưng với bản thân mình thì họ lại cho đó là vấn đề quan trọng. Có những ý tưởng rất ngộ nghĩnh nhưng rất thực tế. Họ sợ sự chật chội của chiếc áo quan, dù họ không còn cử động được nữa. Họ sợ bóng đêm quanh năm bao phủ dù họ biết cái thây ma của mình không bao giờ mở được mắt ra. Họ sợ diều hâu banh thây mình thành từng mãng nhỏ dù họ biết cái xã hội văn minh của thế kỷ hạt nhân không cho phép xác ma mình có quyền sình chương trên mặt đất. Họ sợ luôn cả những con giòi bọ chính cái thây ma của họ hóa thân lúc nhúc bò lên những mãng thịt rữa nát còn lại trên xác thân mình. Đó là chưa kể họ sợ nếu có thật những con “ma cũ” nằm sắp lớp kế cận đưa tay tới rờ rẫm cái xác đang rỉ nước,nát tươm của mình dưới nấm mồ hiu quạnh đời đời kiếp kiếp...Ôi! hãi hùng và khiếp đảm làm sao! “Chết”- quả hãi hùng đến cực điểm - chẳng có lời nào làm xóa nhòa hay chứng minh cho nó. Tuy vậy người ta vẫn nói đến sự hiện hữu của mình ở giữa không gian và luôn cả thời gian cùng khoảng cách nhau giữa con người với con người. Khoảng cách không rõ cái vỏ tạm thời được mượn đó còn bao xa nữa thì sẽ đến phiên mình sẽ được vùi sâu dưới lòng huyệt lạnh, bao xa nữa thì cái thây ma này sẽ xa rời vĩnh viễn với cõi đời này?! Cái khoảng cách đó biểu trưng cho sự lo âu khác biệt của mỗi người chúng ta hoặc tự chọn lấy bóng đêm làm sự an ủi cho mình hay chọn lấy niềm tin ở một trong các tôn giáo hiện hữu giữa thế gian để dẫn độ mình đến chốn Thiên Đường hay miền Cực Lạc... Người ta có quyền suy tư những gì mình muốn suy tư để dọn mình trước cho sự ra đi vĩnh viễn. Có người chọn trước nơi an nghỉ với quan niệm “sống cái nhà,già cái mồ”. Họ đã phác họa ngay cả những bộ y phục để mặc vào khi tẩm liệm. Họ đã soạn thảo sẵn kế hoạch chôn cất mình từ tế lễ đến tang phục đúng với nghi thức theo như lòng ước nguyện của mình lúc còn sinh thời! Họ cũng chuẩn bị ngay khi tuổi đã về chiều con đường mình sắp đến. Có người chọn “Thiên Táng”như Tây Tạng muốn được quấn chặt toàn thi thể mình bằng lớp vải trắng,biểu hiệu cho sự vô nhiểm của mình lúc còn ở thế gian,chấp nhận cho người sống lóc từng miếng thịt mình ra thành từng mảnh vung vải khắp nơi làm mồi cho chim ưng diều quạ... để được rỗi linh hồn hầu hòa nhập vào Cõi Phúc... Có người lại mong muốn được hỏa táng như các nước Ấn Độ, Trung Quốc để cho hương hồn người quá cố bay cao lên vòm trời tỏa ra muôn phương ngàn hướng hầu chóng được siêu thoát về Cõi Niết Bàn hay Cội Phúc... Sách Liệt Tử ghi: “Hướng Tây của Tần có nước Nghi Cừ thi thể con người sẽ được hỏa táng để giúp cho linh hồn kẻ chết được bay cao để mong được xem là con người hiếu thảo”. Có người lại muốn Hải táng để cho hồn mình được an hưởng dưới lòng sâu bể cả...thoát khỏi vòng thế tục lắm nỗi ưu phiền v.v... Trong tập Après La Mort của Léon Denis đã nói về cái đại thể tối thượng mà con người muốn được biết đến nó không tách rời ra ngoài thế giới ta đang hiện diện. Theo sách này đó là trung tâm ban bố và điều hòa mọi sự tương quan mật thiết giữa con người với vạn vật. Léon Denis đã lý luận: “Vũ trụ là một cơ chế vô cùng và vĩnh viễn, vô thỉ vô chung, không bao giờ có sự hủy diệt”. Thế có nghĩa là nó hằng hữu đời đời... Mọi vật trong vũ trụ biến hóa theo vòng luân chuyển bất tận của sự sống và sự chết. Muôn vật khắp trong vũ trụ bao la cũng có những “Mặt Nhật” tàn lụi và “Mặt Nhật” khác bừng lên. Hay có thể nói một cách khác hơn là cái thế giới lâu đời bị già cỗi đi rồi tắt lịm để cái thế giới mới mẻ khác ra đời và tiếp nối... bởi một qui luật bất di bất dịch... Tất cả những sự vật trên thế gian này đều bị chi phối bởi một nguyên tắc bất biến của vũ trụ điều hòa các thế giới riêng rẻ, song cùng một mục đích: toàn chân và toàn mỹ. Vật chất thì tan rã biến đi nhưng linh hồn thì bất diệt. Đó là một nguyên tắc! Theo Trương Hoành Cứ cho Vũ Trụ chỉ có Thái Hư là chân thực. Đạo Thái Hòa sinh ra bởi vạn vật. Theo sách Chính Nông đã viết: “Thái Hòa mà gọi là Đạo là do trong Thái Hòa có tính phù trầm, thăng giáng, động tĩnh, mọi cái ấy tương cảm nhau nên mới sinh ra cái mối đầu của “nhân huân tương dạng”, “thắng phụ khuất thân”... Ông bảo: “Cái mà đến thì cơ vi dị giản mà cái cùng cực thì quảng đại kiên cố”. Con người không thoát ra khỏi qui luật của tính phù trầm ấy. Chỉ có khác là sự thay đổi cái lớp vỏ,còn sự sống thì luôn luôn bất diệt. Chẳng có cái chết mà chỉ có sự thay đổi của kiếp sống mà thôi. Chúng ta phô bày sự suy tư gắn liền kinh nghiệm với những cái va chạm mạnh bất ngờ của những cái buông tay nhắm mắt bình thường hay do những tai nạn gây ra bất trắc, tạo cho ta hình ảnh ,hương vị và sự kinh sợ của cõi hư vô xâm nhập vào cái vỏ và tâm hồn ta. Đó không phải là sự hàn gắn của một tôn giáo sắp gãy đổ. Đó cũng không phải là một quyển Đại Luận hay là kết quả của sự dày công nghiên cứu. Thật ra nó chỉ là một kinh nghiệm trong đời sống qua bao nhiêu sự góp nhặt khá công phu từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm, từng thế kỷ gọp lại... Mỗi ngày ta theo linh cửu của một người thân và sau này lại chính “linh hồn” ta cũng theo tiễn đưa mình đi vào lòng huyệt lạnh! * * * Một giấc ngủ khác! Một giấc ngủ đầy hãi hùng hay đúng hơn là một cơn ác mộng. Chính anh ta cũng không biết nữa. Ngay cả trong giờ phút anh ta đang nằm suy tư , rằng là cái gì đã xảy đến? Cái gì đã làm cho anh kinh hoàng? Phải chăng mình đang nằm ngay lằn ranh giữa cái mộng và cái thực? Anh ta cũng chẳng biết mình đang thức hay đang ngủ? Rồi những dòng suy tưởng như vậy cứ liên miên tuôn ra toàn những lý luận mơ hồ. Anh ta tự nhủ có thể cánh cửa nhà mình không đóng! Và, bất giác anh có cảm tưởng là dường như có “ai đó” đang đứng sẵn sàng chờ đợi mình phía bên ngoài! “Dường như vậy.” - Anh ta lẩm bẩm nói - Bản năng của con người cọng với khả năng sinh tồn buộc anh đứng dậy đi thẳng về phía cửa và cài chặt then lại. Rõ ràng chính tay anh đã khép chặt lại. Có cả tiếng lách tách của ổ khóa vang lên. Nhưng khi anh định trở về giường để tiếp tục giấc ngủ thì bỗng có một sức mạnh vô hình từ bên ngoài như giữ chặt lại không cho chân anh nhích lên được dù chỉ là một động tác nhỏ. Anh hốt hoảng thật sự, ú ớ kêu lên và bừng tỉnh dậy bởi tiếng gọi của người bạn nằm cạnh giường đánh thức! Anh cảm thấy xấu hổ cho sự sợ hãi của mình, nhưng sự sợ hãi đó có vô lý hay không chính anh cũng không biết nữa! Vậy đó là mộng hay thực? Anh nhớ rõ ràng là toàn thân anh vùng đứng dậy, mang cả hơi ấm trong cái chăn theo và luôn cả hơi nóng của hai lòng bàn tay mình áp vào cái then cài cửa lại. Thế thì điều gì vừa xảy đến ? Anh có thể ngờ vực bởi sự hỗn loạn của thần kinh, nhưng có điều chính anh cũng không thể chối cải: đó là điều chính mình đang nằm sờ sờ trên giường và nghe thấy rõ ràng mọi diễn biến quanh mình... Vậy thì việc anh chồm ngồi dậy đi đến cánh cửa cài then là giấc mơ hay cảnh thực? Anh không thể xác định được điều này. Phải chăng đây là một cơn ác mộng? Tất cả trong giờ phút này anh ta cảm thấy chính mình bị cuốn hút vào cõi vô hình...qua một một con đường hầm thăm thẳm! Lần này anh ta có cảm tưởng là mình hoàn toàn bị chôn vùi giữa cơn mê dài triền miên, bất tận! * * * Rồi một giấc ngủ khác nữa... Một giấc ngủ toàn những sóng gió bão bùng... Lần này thì anh ta ngồi bật dậy. Không còn nghi ngờ gì nữa. Tiếng động cực mạnh ở ngoài cửa vọng vào chẳng khác nào như cơn địa chấn! Anh lảo đảo chạy đến mở toạt hai cánh cửa ra. Bên ngoài trời tối đen như mực. Tư bề không lấy một tiếng động – một sự im lặng đến lạnh mình bao trùn cùng khắp, khiến anh có cảm tưởng như cả dòng huyết quản trong châu thân mình hoàn toàn bị ngưng đọng lại. Trong giây phút tâm thần bất định như có ai đó nắm chặt lấy tay anh. Ôi! - Anh khẽ kêu lên - khủng khiếp làm sao! Gai ốc nổi khắp châu thân... Tim anh như ngưng đập hẳn. Rồi một đóm đen hiện dần ra trước mắt từ nhỏ đến lớn! Và... ngược lại! Hình như đó là hình ảnh của một Tử Thần tay cầm lưỡi hái! Anh hét lên và cuối cùng anh ta giật mình tỉnh dậy. Mổ hôi lạnh toát ra ướt đẫm cả người! Ngồi co lại tựa lưng vào vách tường suy nghĩ. Quả trọn cả đêm nay anh chẳng ngủ chút nào. Anh bật đèn lên để sáng.Nhưng cơn buồn ngủ lại kéo đến, không thể nào gượng được nữa, để nguyên đèn sáng, anh ngã lưng nằm xuống co quắp chân lên che lấy bụng, cố tìm một giấc ngủ an lành. Lần này thì anh ngủ say sưa không còn biết trời trăng gì nữa cho đến khi tiếng chuông đồng hồ báo thức điểm lên bảy tiếng... * * * Sau khi điểm tâm,anh đến bàn giấy ngồi và nhấc điện thoại lên. Nhưng anh chẳng gọi ai được cả. Đầu óc anh suy nghĩ mung lung. Các sự kiện đêm rồi lại lờ mờ hiện ra trước mắt. Anh có cảm tưởng lúc bấy giờ mình như đang đi lạc vào một miền xa lạ. Thật là vô lý. Rõ ràng như có sức mạnh vô hình nào đó đẩy mạnh anh về phía cửa trong cơn nửa mê nửa tỉnh. Ngoài sức đẩy vô hình đó anh chẳng thấy cái gì nữa. Người ta kể lại những giấc mơ một cách sai lệch về mẫu hình ảnh của một giấc ngủ, mà không một chút ý thức gì điều mà mình trông thấy trong giấc mộng dù đó là lành hay dữ! Thế giới của những cơn mộng mị xâm nhập vào thường đem lại những chấn động “khủng khiếp” cho kẻ đang đắm hồn trong giấc ngủ để báo trước một sự kiện nào đó sắp xảy đến với mình. Anh ta nghĩ liên miên đủ mọi thứ: chuyện thần thông biến hóa,chuyện chôn mình dưới lòng huyệt lạnh, chuyện “hô phong hoán vỏ”, sải đậu thành binh trong Vạn Pháp Qui Tôn, chuyện cả một lục địa tr.TL. đến 75.025 năm hay hơn nữa bị chôn vùi dưới lòng bể sâu mang theo cả một nền văn minh cực thịnh... Ngay từ lúc lấy lại tinh thần sảng khoái anh ta nẩy sinh ra những ý tưởng đẹp đẽ: sẵn sàng đón nhận những giấc mộng mà không một mảy may do tùy hứng hay do lòng tin tưởng của mình. Chết ư? Chẳng có gì đáng sợ. Chết chỉ là một hình thức chuyển tiếp từ sự sống này sang sự sống khác. Chỉ có sự “trốn sống” mới đáng sợ. Cái chết chỉ là một hư từ để phản nghĩa cho cái sống. Anh ta đã tự ẩn mình và chưa thấu rõ được sự im lặng đó chỉ là cuộc thử thách hằng ngày bằng những cung cách để đi dần vào cái chết. Tuy nhiên đối với anh ta còn thừa khả năng đẩy lùi sự chết một cách hào hùng. Anh ta không thể mang cơn ác mộng của mình ra so sánh với nỗi sợ hãi bâng quơ của một đứa bé trong đêm hôm khuya khoắt có cùng một ý nghĩa. Anh ta cũng không phải nhìn thấy cảnh chôn cất người chết hay nhìn thấy những cây Thánh Giá ngoài nghĩa địa cảnh cáo rằng rồi đây anh ta cũng phải chết mà run sợ! Thật ra chính nỗi cô đơn trong những lúc trống vắng chẳng có lấy một bóng người đã làm cho anh ta càng thấy rõ... “có cái gì đó” ở tận cõi xa xăm gần như mơ hồ nhưng nó lại là sự thật...đang hiện hữu bên anh. Hình như bên tai anh văng vẳng có tiếng ai mời gọi:” Vậy anh hãy kể chuyện về cái chết của anh đi!” (còn tiếp)
|
Copyright (c) DaiChung News Media 2002