Đại Chúng số 86 - phát hành ngày 16/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


TÌM THÚ VUI TRONG TUỔI LÃO 2001

Nguyên Nguyên

LTG: Bài này viết lần đầu vào khoảng 1998. Sau đó được ra mắt trên 7 Ngàn Dặm. Nay có sửa chữa và thêm phần về internet nên đổi thành TTVTTL 2001.

Theo sách Tàu những người trên lứa tuổi 50 nói chung được gọi là Lão, tuổi từ 60 đến 70 được gọi Kỳ, từ 70 đến 80 gọi Điết, và từ 80 đến 90, Mạo. Tức là dưới 50 còn được gọi Trung Niên hay Thanh niên hay Thiếu niên, nhưng trên 50 đều là Lão hết trọi, và bắt đầu có thể tạm gọi có "vấn đề". Xin đừng hiểu vội vấn đề ở đây là vấn đề cần thuốc Viagra, hay gì gì đó. Nhưng phải hiểu và chấp nhận rằng tốc độ sống ở tuổi lão bắt đầu, dù muốn dù không, chậm dần lại. Kiến thức và kinh nghiệm sống thu thập được trong 50 năm qua thật sự không phải ít và hầu như đối với ai cũng vậy. Đa số những băn khoăn hoặc thắc mắc thuở thiếu thời đều bắt đầu có giải đáp tạm gọi ổn thoã cũng như triết lý sống nếu chưa đã hiện thức thì cũng bắt đầu hiện thức được để chuẩn bị cho chuỗi năm tháng còn lại trong việc hoàn tất cuộc đời (!!).

Thật ra sự phân chia ranh giới tuổi lão cũng giống như sự phân chia ra năm tháng hay thế kỷ. Nó có tính cách “nhân tạo”. Nhiều người sẽ nói sự phân chia theo sách vở Tàu chỉ là phân chia theo lối sống thời xưa, vào lúc số năm tháng làm việc không có ấn định tuổi hưu trí và tuyệt nhiên không có quỹ hưu bỗng gì hết. Cũng có người sẽ nói có thể sự phân chia ra Lão ở giới hạn 50 tuổi phản ảnh đại khái hồi xưa tuổi hưu trí để về nhà ở ẩn hay vui thú điền viên thường bắt đầu ở lứa tuổi 50, chứ so với thời bây giờ tuổi 50 hãy còn trẻ chán. Nhưng đa số có thể chấp nhận rằng có nhiều người đã qua tuổi hưu trí hay vào tuổi Lão hẵn hòi rồi mà thật sự vẫn còn “gân” (“sans viagra”!), còn như thanh niên vậy. Chấp nhận như vậy tức chấp nhận rằng “bắt đầu trở thành lão” chỉ là một hiện tượng chủ quan, đờ-mi khoa học, và hơi mơ hồ mà thôi. Muốn chấp nhận mình đã trở thành lão cũng được và không chấp nhận hay cho rằng mình còn “giơn” cho tới cuối cuộc đời cũng không sao.

Có một khía cạnh tuổi lão thỉnh thoảng vẫn hãy còn băn khoăn là làm thế nào để tìm thú vui, một khi tham vọng tiến thân trong xã hội bắt đầu bị tuột dốc, theo luật thiên nhiên. Tìm một loại thú vui mang tính chất đam mê khó chán. Tìm thú vui trong tuổi lão. Thông thường nhất có lẽ người ta ưa chọn những gì mà hồi tuổi thơ có lần thử qua nhưng vì quá bận rộn đèn sách hay sinh kế hay chiến chinh nên không có thì giờ để theo đuổi những món đó. Hay người ta có thể theo sát cấp thang dành cho người đời là hoạt động hăng say và thiện nguyện cho các hội đoàn, cho nhà chùa, cho nhà thờ, cho hội thánh, v.v..... và gọi nôm na: làm việc chùa. Có người mang nhiều lý tưởng vẫn có thể tham gia hoạt động chính trị hăng say. Họ có cái thế của tuổi lão, một "thế lão". Ở đâu cũng được đa số kêu Chú, Cô hay Bác. Đi dự tiệc cưới hay đám tang, thường có dịp đứng ra đại diện cho gia đình bên đàng trai hay đàng gái, hoặc gia đình chịu tang chế. Trong những cuộc họp của các hội đoàn ý kiến của người tuổi lão thường được mọi người lắng nghe. Thế nhưng phải nhìn nhận đại đa số người ta trong giai cấp "lão" thường đều bắt đầu thấm mệt. Họ ưa những thú vui có vẻ nhàn hạ hơn là thứ mang nhiều "nhức đầu". Họ thích đánh cờ tướng hay chơi Bonsai hơn tranh luận về một vấn đề chính trị. Họ thích chơi tennis hơn là đi tranh giải quán quân về chạy bộ điền kinh. Họ thích tập Tai Chi (Thái Cực quyền) hay đi đánh golf hơn đi làm lao động, v.v.....

Đa số tìm thú vui bằng cách hướng về việc trông coi cháu nội cháu ngoại để giúp đỡ con cái, hoặc hướng về những công việc có tính cách "sưu tầm". Sưu tầm tem thư, sưu tầm đồ cổ, sưu tầm tranh kể cả tranh sơn mài, sưu tầm cây kiểng và vun trồng cây kiểng kể cả chơi bonsai, "sưu tầm" nhà cửa địa ốc, sưu tầm và học hỏi những cú đánh tennis mới, những phương thức Thiền, sưu tầm sách bao gồm sách truyện, hồi ký hoặc nghiên cứu, và sưu tầm rất nhiều thứ khác nữa, từ nhỏ đến lớn. Thú vui trong việc chơi với cháu có tính cách thiên nhiên, song thú vui trong sưu tầm có tính cách truyền nhiễm, bắt chước lẫn nhau. Và trong bài này chúng ta thử kể ra và khảo sát vài ba thú vui ít có người nhắc tới, để có thể mở đầu cho một cuộc "sưu tầm" về chính các thú vui có thể liệt kê ra trong tuổi lão. Những thú vui nầy được ghi lại qua những dịp mắt thấy tai nghe trong những lúc trà dư tửu hậu.

Thú vui kể ra trước hết ở đây là thú vui xem phim "permanent". Phim "permanent" còn được gọi nôm na là phim thường trực, ngày xưa thường được chiếu liên tục trong các rạp xi-nê nhất là ở Sài-Gòn. Rạp Lê Lợi ở đường Lê Thánh Tôn bên hông chợ Bến Thành có lẽ là rạp đầu tiên chiếu phim thường trực. Sau đó là rạp Vĩnh Lợi (ở đường Lê Lợi) rồi thì hầu như tất cả các rạp xi-nê đều có chiếu phim thường trực. Phim thường trực như tên gọi, tức phim được chiếu thường trực, bất tận liên tu. Người vào xem có thể vào xem bất cứ lúc nào. Phim kết thúc rồi thì đèn rạp bật sáng, nghỉ xả hơi chừng 5-10 phút rồi phim được chiếu lại ngay từ đầu. Người xem phim có thể ngồi lại xem tiếp đoạn đầu chưa xem, hoặc ở lại đó xem đi xem lại phim nhiều lần cho đến khi nào rạp đóng cửa thì mới thôi, ra về (lòng thơ thới hân hoan!). Xem phim thường trực có cái hay ho riêng của nó. Biết được đoạn cuối trước đỡ mất công hồi hộp lo âu cho số phận của vai chính trong phim. Nhất là loại phim kinh dị của Hitchcock ở thời đó. Thí dụ như xem phim Psycho thì biết ngay, nếu bắt đầu vào xem vào lúc kết cuộc, người giết nhân vật trong phim do Janet Leigh diễn xuất là Norman Bates (Anthony Perkins) chứ không phải má của anh ấy. Xem phim North By NorthWest bắt đầu vào lúc giữa phim thì được dịp biết ngay Cary Grant sẽ còn sống sót sau khi bị phi cơ của phe gian bắn xả và truy đuổi trên cánh đồng bên cạnh một con đường làng, để sau này "cặp bồ" với Eva Mary Saint trong phần kết cục của phim. (Để ý cái xen Cary Grant xách cặp chạy trốn đạn oanh tạc từ phi cơ trên cánh đồng sau này được nhiều nhà làm phim bắt chước mà họ hay gọi "pay tribute to Hitchcock" (tức tuyên dương đóng góp của nhà đạo diễn Alfred Hitchcock). Điển hình, cảnh James Bond 007 chạy trốn đạn oanh tạc từ phi cơ trong phim From Russia with Love. Tương tự xen dùng dao đâm người đang tắm shower trong phim Psycho đã trở thành một xen tiêu chuẩn cho loại phim kinh dị thriller cho mãi đến sau này và ngay cả thời hiện tại). Xem phim Lolita của Stanley Kubrick bắt đầu trước vào đoạn cuối sẽ tránh được hồi hộp và phiền phức khi biết kết cuộc Humbert không có sánh duyên cùng Lolita mặc dù sau đó Lolita đã trên 18 tuổi. Cái thú của phim thường trực nữa là giá vé rất hạ, rất "bình dân". Thường là 5 đồng. Ngoài ra xem phim thường trực rất tiện lợi cho thì giờ. Vào xem giờ nào cũng được, khỏi phải chờ đợi lâu lắc. Bởi vậy phim thường trực rất được thanh niên, học sinh, sinh viên thời đó ái mộ nồng nhiệt. Họ thường "cúp cua" trốn học để đi xem phim thường trực. Hình như ai qua tuổi học trò cũng đều có cái màn "cúp cua" này. Phim thường trực trở thành loại phim tiêu biểu cho tuổi học trò thơ ngây.

Lớn lên rồi đi vào tuổi lão người viết thấy có người thỉnh thoảng tìm về thú vui của tuổi học trò bằng cách xem phim thường trực. Ở Los Angeles ngay tại thủ đô của thế giới điện ảnh người viết có lần thấy hãy còn có rạp chiếu phim thường trực. Nhưng ở nhiều nơi khác trên thế giới rạp hát chiếu phim thường trực đã đi vào dĩ vãng, nhất là trong thời đại DVD, cable TV này. Như vậy muốn tìm thú vui vừa niên thiếu vừa lão qua phim thường trực thì ta phải làm sao. Quá dễ. Người ta chỉ việc đưa cái băng video hay dĩa vào máy VCR hay VCD xong rồi quay nhanh fast forward vaò khoảng giữa hay khoảng cuối rồi bắt đầu bấm PLAY xem phim cho tới hết, xong rồi quay ngược lại cái băng hay cái dĩa, rồi xem lại từ đầu (!!). Presto! Nguyên tắc căn bản này đều có thể được áp dụng cho mọi thứ xem tại nhà như DVD, phim trên internet, v.v..... Thậm chí đến cable TV. Cable TV thường chiếu đi chiếu lại một phim cho đến cả tháng. Hôm nay người ta có thể bật TV để xem phim Scream vào đoạn giữa vào lúc Drew Barrymore đã bị chết rồi để khỏi mất công hồi hộp lo cho số phận của Drew. Xong rồi, ngày mai ngày kia lúc nào rảnh rỗi ta lựa channel chiếu phim Scream, canh giờ để xem qua khúc đầu. Xem phim Titanic cũng vậy. Chính nhờ ở tiện nghi của phim permanent mà ta biết được kết cục trước khi xem đoạn đầu của phim là chiếc tàu Titanic trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên, chứ không phải lần thứ hai hay thứ ba, đã bị đụng vào tảng băng đá lớn rồi vỡ ra làm đôi rồi chìm luôn. Xin chúc người đọc tìm lại chút ít thú vui trong lúc xem phim thường trực tại nhà!!

Thú vui đáng kể nữa là khiêu vũ, thường gọi nôm na là nhảy đầm. Nhảy đầm theo kiểu Latin Ballroom Dancing (tức nhảy theo những điệu như Slow, Rumba, Cha-cha-cha, tango, v.v...) tuy xuất phát từ trời Âu nhưng rất phổ thông ở Á Châu qua rất nhiều thế hệ. Mãi cho tới những năm gần đây khi con em sinh đẻ ở nước ngoài lớn lên và chỉ chú trọng đến các loại nhảy mới như rap dance, break-dance, v.v... Ballroom dancing dường như mới bắt đầu tự động lùi bước. Nói chi tiết hơn một chút, so với người Tây Phương cùng lứa, người Á Châu cho đến ngày nay vẫn còn hâm mộ Ballroom dancing rất nhiều. Bằng chứng vô số kể, nhưng lý do có vẻ hãy còn hơi khó hiểu. Có người giải thích rằng ballroom dancing vừa dịu dàng, vừa mang nhiều tính cách nghệ thuật, và lại đụng chạm nam nữ vừa phải thôi, nhưng trong khi đó chỉ vượt ra ngoài luân lý Khổng Mạnh theo kiểu "nam nữ thọ thọ bất thân" chỉ có một chút xíu nên rất dễ được người Á Châu đón nhận và ưa chuộng. Cũng có thể đây là phản ảnh của một sự chống đối trong tiềm thức đối với các loại giá trị hơi lỗi thời của Khổng Mạnh chăng. Sách vở gần đây ghi chép hồi sinh thời Mao Chủ Tịch của Trung Quốc rất thích khiêu vũ. Ông ta gần như khiêu vũ hằng đêm mặc cho bên ngoài cách mạng văn hoá đang bùng bùng nổ. Tổng lý Quốc vụ viện Châu Ân Lai cũng được ghi nhận là nhảy khá hay vì ông này đã từng du học bên Pháp hồi thời còn thanh niên. Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương của Miền Nam có kể trong quyển hồi ký của ông, có đêm ông đang công tác ở Nha Trang, ông thèm nhảy đầm quá mới cho một chuyến máy bay đặc biệt bay vào SàiGòn bốc dàn nhạc của khiêu vũ trường Queen Bee bay ra Nha Trang giúp vui cho tới sáng. Người viết còn nhớ có dạo làm việc ở Cabramatta, vào lúc toà nhà lớn dành cho shopping, thương mại của ông David Lu mới khai trương. Trưa trưa, bà Alice Lu có sáng kiến dùng tiệm ăn trên lầu làm thành sàn nhảy và chỉ bán đồ ăn trưa nhẹ như mì, hủ tiếu thôi. Thế là gần như buổi trưa nào cũng vậy, có một cặp vợ chồng bác sĩ nọ người gốc Hoa say mê dìu nhau qua những điệu valse, tango, và Cha cha cha suốt từ 12 giờ đến gần 2 giờ trưa. Họ đóng cửa phòng mạch của họ tại thành phố Liverpool cách đó chừng 10 cây số để đến building của David Lu để ăn trưa và cũng để tiện khiêu vũ luôn. Thời đó điện thoại di động cellular phone chưa thịnh hành mấy nên không biết hai vợ chồng lương y này có đem theo beeper để rủi có bệnh nhân đang khẩn trương cần cấp cứu gấp gọi đến hay không. Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, khiêu vũ hiện nay còn thịnh hành đến độ là hầu như tất cả các hội cao niên đều có chương trình khiêu vũ cho các ông các bà cụ còn thích vận động đi lại theo điệu nhạc. Chỉ có một điểm hơi kẹt cho những ai hãy chưa biết nhảy mà muốn theo đuổi thú vui này. Đó là những trường dạy khiêu vũ Ballroom tại các thành phố lớn trên thế giới dần dần biến mất hoặc đóng cửa hết trọi. Họ không còn đủ số thân chủ như xưa để thương vụ được tiếp tục kiếm lời. Một, hai, ba, nhanh - nhanh - chậm - chậm. One two three, quick quick, slow, quick quick, slow...

Thú vui tiếp theo xin được khảo sát là thú vui có lẽ hiện đang bị nguy cơ biến mất, bởi càng ngày càng ít người có hứng khởi hưởng ứng. Đó là thú vui dịch Đường Thi tức dịch những bài thơ đời Đường bên Tàu ra tiếng Việt, thường thường ra thể thơ đặc thù Việt Nam là thể lục bát, câu sáu câu tám.

Đời nhà Đường bên Trung Hoa bắt đầu từ năm 618 với vua Cao Tổ và kết thúc vào năm 907 với Chiêu Tuyên Đế. Đó là thời đại có lẽ cực thịnh nhất của sự phát triển thi văn và chữ Hán. Thi hào thì có đến hàng chục chục người. Nào là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Đỗ Mục, Hạ Tri Chương, Thôi Hiệu, Thôi Hộ, Vương Xương Linh, v.v... Họ làm những bài thơ thất ngôn bát cú (tám câu 7 từ) hay tứ tuyệt (4 câu) - có từng câu đôi đối nghĩa với nhau san sát - với tiết tấu thật du dương và ý nghĩa súc tích nhưng nhẹ nhàng và thanh thoát. Đa số hướng về các đề tài ca tụng tình bằng hữu, cảm hứng của chính thi sĩ đối với trăng thanh gió mát, với nước non và cảnh đẹp, và cảm xúc khi trở về quê xưa. Đặc biệt thơ văn đời Đường hoàn toàn không có "sex" hay khơi động những tính bạo động quá trớn như thời bây giờ (!!). Thú dịch thơ Đường không biết có ở nước ta từ lúc nào nhứng có điều mọi người có thể nhìn nhận là vào những thế hệ trước dịch thơ Đường sang chữ Nôm rồi chữ quốc ngữ đã là một cái "mốt" hết sức thịnh hành. Đó là thế hệ của các bậc " tiền bối" như Lệ Thần Trần Trọng Kim, Ưu Thiên Bùi Kỷ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Khái Hưng Trần Khánh Giư, v.v... rồi đến thế hệ của Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hoàng Chương, Trần Trọng San, Chi Điền Hoàng Duy Từ, rồi gần đây, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Có vài điểm chúng ta cần phải chú ý khi bước chân vào vườn dịch Đường thi.

Trước hết tiếng Hán có vẻ như rằng "tập trung" nhiều hơn tiếng Việt hay tiếng Anh. Câu tiếng Hán thường chứa ít từ hơn câu dịch ra tiếng Việt. Thí dụ nội dịch cái tựa của mấy cuốn truyện kiếm hiệp của Kim Dung ta cũng thấy là tiếng Hán "tập trung" nhiều hơn tiếng Việt. "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" (tức Cô gái Đồ Long) nếu dịch sát nghĩa ta phải dịch "Truyện (về) thanh kiếm Ỵ Thiên và bảo đao Đồ Long" thì nghe mới hiểu được truyện muốn nói cái gì, hoặc "V” Lâm Ngũ Bá" cũng cần phải dịch đại khái là "Năm người anh hùng vô địch trong chốn v” biền" mới lột được hết ý tứ của cụm từ "v” lâm ngũ bá". Pho truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng vậy. Dịch ra tiếng Việt ít nhất phải là “truyện về Hành trình về phương Tây", hay ra tiếng Anh là "Story of a Journey to the West".

Điểm để ý thứ hai có vẻ hiển nhiên. Mặc dù tiếng Việt nguyên thủy có chung nguồn gốc với các ngôn ngữ phía Nam (như Mã Lai ngữ) - xin xem quyển sách gây chấn động một thời của Bình Nguyên Lộc "Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam", hoặc quyển kỷ yếu do nhiều tác giả "Tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc phía Nam" do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội xuất bản tại Sàigòn 1992 - tiếng Hán Việt chiếm khoảng 50-60% trong ngôn ngữ Việt Nam. Tức muốn hiểu tiếng Hán để dịch thơ Đường tự nhiên người Việt đã có căn bản “chữ Nho” đến hơn phân nửa rồi. Chỉ cần chịu khó ôn lại chút đỉnh về tiếng Hán là có thể tăng số phần trăm hiểu biết để dịch thơ Đường như các cụ đã từng làm ngày xưa (!!). Thí dụ Thiên là trời, địa là đất, nhất là một là nhất, nhị: hai, tam: ba, tứ: bốn, túc: chân, thủ: tay, mao: lông, thiết: sắt, cương: cứng, kỵ: cỡi, mã: ngựa, bạch: trắng, phi: bay, v.v... Có chuyện cười về vấn đề này. Ngày xưa có hai anh học trò, một anh siêng học một anh lười biếng. Một hôm nọ anh siêng học gặp một ông quan trong vùng. Ông quan thấy anh học trò có vẻ có chí mới chỉ con ngựa trắng bảo anh học trò hãy làm một bài thơ cảm hứng. Anh học trò suy nghĩ một chút rồi ngâm thơ rằng:

Bạch mã mao như tuyết

Tứ túc cương như thiết

Tướng công kỵ bạch mã

Bạch mã tẩu như phi

Ông quan nghe xong khoái quá bèn thưởng cho anh học trò một món tiền. Anh học trò siêng về nhà mới kể câu chuyện cho anh học trò kia nghe. Anh kia vào một hôm khác tìm đến gặp ông quan trình bày hoàn cảnh hiếu học của mình. Quan nói "được" rồi cho anh này một cơ hội cũng như anh trước, tức là quan bảo anh học trò làm một bài thơ cảm hứng tả cảnh như anh trước. Quan chỉ vào một bà lão tóc bạc đang cầm chổi quét sân. Không cần đợi lâu anh học trò lôi bài thơ của anh trước ra mà cóp, rồi anh ngâm rằng:

Bà lão mao như tuyết

Lưỡng túc cương như thiết

Tướng công kỵ bà lão

Bà lão tẩu như phi

Ông quan nghe xong giận quá kêu lính đè anh học trò ra đánh cho vài roi rồi đuổi về nhà.

Cũng tiện đây xin chép lại hai câu quen thuộc để dợt lại chữ Nho:

Khấp như thiếu nữ vu qui nhật

Tiếu tự thư sinh lạc đệ thì

Đã được thầy Tạ Ký dịch là:

Cười như thầy khoá hỏng thi

Khóc như thiếu nữ ngày đi lấy chồng

 

Trở lại chuyện thơ Đường, theo thầy Vũ Ký thi tứ của thơ Đường rất "dồi dào, súc tích như một bể nước mặn ta cô lại thành những viên muối nhỏ, âm điệu vô cùng uyển chuyển, đọc lên nghe vô cùng êm ái du dương, nhờ luật trong đục bằng trắc và tiết tấu, vần điệu của câu thơ" (Vũ Ký - "Ấn Tượng Một Thời", Hưng Đạo 1991). Cũng theo Vũ Ký người ta có thể xếp loại thơ Đường vào phái Ấn Tượng hoặc là phái Thâm Tâm. "Phái Ấn Tượng là khuynh hướng cố ghi chép các cảm giác, cảm xúc bất chợt thoáng qua của mình, sự biến chuyển của mọi sự vật trong tâm hồn và ở ngoại cảnh, hơn là họ trình diễn cái phần Tỉnh và Bất Động của sự vật. Còn Thâm Tâm phái mà các nhà thơ Đường luât, tuy không nói nhưng rất trung thành, có nghĩa là đi sâu vào những tình cảm, tâm tư sâu kín, uẩn khúc của lòng mình, nội quan thầm lặng của bản ngã, và diễn tả với giọng điệu bình dị, thân tình. " Để chứng minh, Vũ Ký đơn cử thí dụ bài Tình Dạ Tu của Lý Bạch (Li Bai) thuộc vào loại Ấn Tượng và bài Ức Đông Sơn của Đỗ Phủ (Du Fu) thuộc phái Thâm Tâm. Xin chép lại như sau.

Lý Bạch: Tình Dạ Tu

Sàng tiền khán nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương

Trước giường thấy bóng trăng soi

Tưởng chừng mặt đất sáng ngời ánh sương

Ngóng trông trăng tỏ như gương

Cúi đầu trạnh nhớ cố hương xa vời

(Vũ Ký dịch)

 

Đỗ Phủ: Ức Đông Sơn

Bất hướng Đông sơn cữu

Tường vi kỹ độ hoa

Bạch vân hoàn tụ tán

Minh nguyệt lạc thùy gia

Lâu ngày chưa viếng non Đông

Tường vi mấy độ đơm bông nẫy chồi

Họp tan mây bạc còn trôi

Trăng ngà thuở nọ lạc soi nhà nào

(Vũ Ký dịch)

Tiện trích thơ Đường xin tiếp tục chép lại hai bài thơ rất nổi tiếng, một của Thôi Hộ (Cui Hu) mà văn hào Nguyễn Du đã cảm hứng cho vào hai câu trong Kiều:

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa Đào năm ngoái còn cười gió Đông.

Và hai là bài thơ của Đỗ Mục (Du Mu) thường được các giáo sư Việt Văn giảng trong các lớp Trung Học ngày trước.

Thôi Hộ: Đề Tích Sở Kiến Xứ

Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào Hoa y cựu tiếu đông phong

Năm ngoái ngày này dưới cánh song

Hoa Đào ánh má mặt ai hồng

Mặt ai nay biết tìm đâu thấy

Chỉ thấy hoa cười trước gió đông

(Đỗ Bằng Đoàn & Bùi Khánh Đản)

Cửa này năm ngoái, hôm nay

Hoa đào phản chiếu, mày ai ửng hồng

Người đi biệt tích vận mòng

Hoa đào năm trước gió Đông còn cườI

(Chi Điền Hoàng Duy Từ dịch)

Đỗ Mục: Bạc Tần Hoài

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.

Thương nữ bất tri vong quốc hận,

Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Bài dịch:

Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát,

Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia

Gái ca đâu nghĩ nước nhà,

Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu Đình

(Lệ Thần Trần Trọng Kim)

Và thêm 1 bài “Tuyệt Cú” của Đỗ Phủ:

Giang bất điểu du bạch

Sơn thanh hoa dục nhiên

Kim khan xuân hựu quá

Hà nhật thị qui niên

Thoi chim trắng toát trên sông

Sườn non xanh ngắt trăm bông lập loè

Xuân đi, trong dạ ủ ê

Biết bao giờ lại trở về quê hương

(Lê Bảo)

Thú vui trong tuổi Lão ở thời đại mới bắt buộc phải kể đến trò chơi trên mạng internet hoặc email. Cũng nhờ tinh thần khoa học và tính khảng khái không vụ lợi (từ chối không đăng ký bản quyền hay pa-tăng) của nhà khoa học phát minh ra Internet tức cách thức liên kết những dữ kiện điện tử với nhau qua đường dây điện thoại và Mạng Toàn Cầu (World Wide Web, www), Tim Berners-Lee ở Viện Kỹ Thuật Massachusetts MIT tại Boston, internet đã phát triển nhanh chóng trên mọi lãnh vực, và chỉ trong vòng một thập kỷ thôi (từ khoảng 1990 đến nay) Internet đã hoàn toàn xâm nhập toàn cầu. Ngày nay có thể nói ngay cả những người biết xử dụng máy điện toán chút đỉnh - nhất là ở đô thị - tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, đều cũng đã kết nối mạng tức dùng qua internet, và cũng có ít lắm một địa chỉ điện thư tức email address ngoài những địa chỉ thông thường trên mặt đất để nhận báo chí thư từ. Đây là một đề tài mới mẻ nhưng rất phổ cập và càng ngày càng lan rộng, không ngừng. Có viết một hai quyển sách cũng không đủ. Và hàng chục quyển tiểu thuyết về chuyện kinh dị liên quan đến internet (như phim the Net với Sandra Bullock), hoặc về những mối tình ngang trái hay se chỉ tơ duyên qua internet cũng không vừa (như phim Youõve got mail với Tom Hanks và Meg Ryan). Khuôn khổ bài này chỉ xin được tóm tắt một vài điểm chính của thú tiêu khiển ở tuổi lão rất “à la mode” này.

Có hai thú vui chính cho tuổi Lão khi xử dụng internet. Đó là “Truy cập mạng” hay nói theo tiếng Mỹ, Surfing, và dùng email tức điện thư. Truy cập mạng gồm việc suy tra những trang web mang những đề tài mình muốn tìm hiểu, hay muốn đọc để mở mang kiến thức, hay để nghe radio các đài quốc tế như BBC, hay để xem hình các người mẫu như Cindy Crawford, các tài tử xinê như Tom Hanks, v.v... Truy cập mạng cũng dùng để đọc báo chí khắp nơi trên thế giới (một trong những trang web tiện lợi nhất xuất hiện gần đây phải kể: www.saigonbao.com), theo dõi thời sự, dùng để mua vé máy bay với giá hạ, mua vé đi “tua” Vạn Lý Trường Thành, Tháp Eiffel, Hollywood, Quận Cam, vịnh Hạ Long, v.v... hoặc dùng để đặt hàng mua đồ - tiện dụng nhất là mua sách (nổi tiếng nhất: Amazon-dot-com), mua dĩa CD, mua hoa, tặng quà sinh nhật những người quen thân thuộc, hay chỉ đơn thuần nghe nhạc, đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung như ở vietkiem.com hay come.to/lunxit, v.v... Truy cập mạng do đó bao gồm việc vân du khắp nơi trên thế giới, quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, một thế giới bao la nhưng hoàn toàn “ảo”. Tuy nhiên thế giới ảo đó có thể trở thành hiện thực dễ dàng khi tiền bạc của người xử dụng internet bắt đầu bị hao hụt, thí dụ như sau khi trương mục thẻ tín dụng bắt đầu bị khấu trừ (!!). Hoặc tức bực sau khi khám phá sáng tác đắc ý nhất của mình đã bị người khác chôm và đăng để trên mạng với tên tác giả khác!! Truy cập mạng cũng rất tiện dụng trong việc tự sửa chữa hay bảo trì các dụng cụ máy móc. Đã có trường hợp một người quen thân đã về hưu, truy cập trang web của hãng xe Mercedes tìm ra cách thức sửa chữa chiếc Mercedes cũ ông vừa mua để lái xe thăm viếng con cái cư ngụ ở một Bang khác. Một người thân khác truy cập mạng Nikon để tìm hiểu cách xử dụng một máy chụp hình thứ “xịn” anh đã nhờ một người quen tậu miễn thuế khi có dịp đi tham quan Vietnam. Có một chút tiền dư hay có con cháu hoặc bạn bè thuộc ngành điện toán một số Lão có thể tạo dựng lấy trang web của riêng mình và đặt để vào đó các sáng tác riêng của mình, muốn cho hằng triệu người khác trên thế giới đến viếng trang web và đọc được những tác phẩm “để đời” của mình. Đó là cái mốt hiện nay của những người ham thích internet - trong đó có vài thanh niên tự ý viết lịch sử Việt theo kiến thức của mình để rồi cho lên mạng mời người khác đọc chơi.

Chơi email cũng phổ thông và tiện dụng y như việc truy cập mạng. Nó bao gồm việc dùng email thay thế cho thư từ với nhau trong đó có cả gởi kèm những văn kiện điện tử, như những bài thơ ướt át của tuổi lão, những bức hình vừa mới chụp được với cháu nội cháu ngoại, những photo ghi lại buổi tiệc trao cúp quán quân về chạy điền kinh, hay giải nhất về cử tạ, về khiêu vũ của một hội cao niên nào đó, những bài báo chính trị nẩy lửa hoặc những truyện tiếu lâm vui vui chôm được đâu đó cũng từ internet, hay những thiếp màu sắc rực rỡ gởi cho nhau vào dịp lễ Giáng sinh, dịp đầu năm hoặc sinh nhật bạn bè. Cái mốt tạo những người trao đổi điện thư email với nhau thành một nhóm - thường gọi egroups - hiện rất thịnh hành. Đó là những người say mê thư từ liên lạc với nhau cùng trong họ hàng quyến thuộc xa cách nhau bằng những đại dương to lớn, hay những bạn bè thân nhau từ thuở ấu thời, cùng học chung trung học hoặc đại học, cùng chung một đơn vị quân đội với nhau, v.v...

Họ thường xuyên trao đổi email với nhau hàn huyên tâm sự hay thảo luận chuyện thời sự, chuyện “trí thứcõ, chuyện văn hoá, lịch sử, chuyện Viagra, v.v... hằng tuần và có khi hằng ngày hằng đêm. Đôi khi những người trong nhóm email cũng có cãi vã và tranh luận gay gắt với nhau, nhưng ít khi nhóm email nào phải tan rả vì việc tranh luận đó - bởi dù sao các tranh luận đó vẫn là tranh luận “ảo” hoàn toàn không có cảnh tượng nóng giận hay tiếng đập bàn đập ghế của những người tranh luận đó. Email đã dần dà thay thế những cú điện thoại gọi xa, thay thế hẳn máy FAX ít ra trong lãnh vực tư dụng, cũng như khoảng mười năm trước đó máy FAX đã tống khứ máy đánh điện tín Telex vào viện bảo tàng!

Có hai cách tạo dựng hoặc đăng ký đýa chỉ email. Cách thứ nhất là cách dùng địa chỉ của chỗ làm việc cấp phát cho mình, hay dùng địa chỉ riêng của Công Ty internet - thường gọi ISP - cấp cho khi người ta xài dịch vụ của công ty đó. Cách này có vẻ “oai” và hơi “le lói” mặc dù có vẻ không thích hợp với tuổi lão (!). Thí dụ như công ty mình làm việc là công ty thứ lớn như Boeing, IBM, Microsoft, Honda, Pentagon, v.v..., địa chỉ email do đó có thể là “TuanCEO@Boeing.Com”, người khác nghe có thể bị điếc tai. Hoặc nối kết với một công ty internet nào đó mà ai cũng biết là đắt tiền: “Tai_Troubleshooter@ExpensiveNet.Com.NZ”, ai nghe cũng ngán. Dùng địa chỉ của chỗ làm để email chuyện riêng hằng ngày với nhau bị cái kẹt là dễ bị sa thải việc!! Còn dùng địa chỉ “xịn” có lẽ phải chịu cái khổ là mấy vị Lão khác có thể chê là còn “giơn” quá, còn háo thắng quá - chưa đủ “trưởng thượng”, chững chạc để nói chuyện lão với nhau!!

Cách thứ hai là cách đăng ký xin một địa chỉ “chùa” khỏi trả tiền lệ phí gì hết. Đó là địa chỉ do các công ty internet lớn (gọi nôm na là các công ty Dot Com) như Hotmail, Yahoo, Aol, Netscape, và vô số các công ty mang dịch vụ thương mại trên mạng như iVietnam.com, vietkiem.com, v.v... Cách này có ba lợi điểm. Thứ nhất, tất cả thư từ đều được cho vào một hộp thư kín đáo, chỉ có người xử dụng nó bấm vào một số mật mã (password) mới mở được hộp thư. Thứ hai, muốn mở hộp thư này, mở ở máy computer nào và ở đâu cũng được. Thư từ giao dịch hay giao thiệp hôm nay mở ra tại San Diego, ngày mai đánh thư đi hay đọc thư mới nhận được tại San Jose hay ngay cả tại Beijing hoặc Paris cũng được. Nối kết mạng để xử dụng email cũng dễ: tại những internet café hiện có khắp các thành phố đô thị trên thế giới. Nó tương đương với thứ poste restante của ngành bưu điện ngày xưa. Lợi điểm thứ ba dành cho những ngừơi say mê chơi email. Những người này sẽ xin nhiều địa chỉ khác nhau - miễn nhớ được số mật mã của từng địa chỉ - rồi mỗi một địa chỉ sẽ được dùng cho một nhóm hay một số bạn khác nhau. Tuy nhiên dùng địa chỉ “chùa” cũng có nhiều chuyện bất tiện, trong đó phải kể đến việc nối kết mạng chứa hộp thư tiến hành hơi lâu lắc so với cách thứ nhất kể phía trên.

Email chơi theo nhóm, nếu nhóm có trên khoảng 14 người thường được chơi theo kiểu egroups. Theo đó mọi người trong nhóm sẽ đăng ký vào một mạng miễn phí như Yahoo, để rồi mỗi khi một người gởi email cho cả nhóm, chỉ cần biên vào chỗ người nhận một địa chỉ cho cả nhóm mà thôi. Xin tóm tắt một vài điều ngộ nghĩnh mắt thấy tai không nghe về việc xử dụng internet và email như sau.

• Có vài vị lão rất say mê email đến độ mỗi ngày họ nhận được trên 150 điện thư từ các nhóm bạn bè hay cộng sự làm ăn gửi đến. Âu cũng là tùy sở thích của từng vị lão. Cũng như ngày xưa có vị khoe với con cháu vào buổi tối “Hôm nay ông đã đánh được cả trăm ván cờ tướng” - ngày nay nếu lão nói “Hôm nay bà nhận được một trăm cái emails” cũng thường thôi.

• Cũng có vài vị lão gia nhập một nhóm egroups nhiều năm không bao giờ đóng góp hay gởi thư đến cho các bạn cùng nhóm. Họ im lặng năm này qua năm kia, nhưng ngày ngày vẫn thích nhận và đọc thư từ của bạn bè khác gởi đến. Cũng thường thôi - trong xã hội thực nhóm người đa số vẫn thường là những người im lặng, trong thế giới “ảo” của internet tất nhiên phải có một hiện tượng tương tự.

• Nhiều cặp lão ông lão bà thường đâm ra “lậm” với internet và email: Họ thường gửi thư từ với nhau qua internet, rồi quên đi, họ gửi cho nhau qua địa chỉ của cả nhóm. Thí dụ lão bà nhắn với lão ông trên internet: “Anh ơi em đọc bài anh cho thu nhập từ mạng (download) không được vì không có Font chữ Việt đó nếu anh in được cho em bản cứng thì hay quá” Hoặc “Đồ ăn em đã nấu sẵn - anh đi tập cử tạ ở hội cao niên về anh chỉ cần đánh thức em dậy em sẽ hâm lại cho!!!” Rõ ràng những cặp vợ chồng lão này đã tận hưởng tình yêu ngay cả trong thế giới ảo. Yêu nhau trong thế giới thực chưa đủ họ còn hẹn hò nhau, nói chuyện với nhau trong thế gìới ảo. Thế mới ra cuộc đời, không phải ở tuổi lão ai cũng phải giống ai! Mặt khác có thể nói internet đã bắt đầu thay thế những mảnh giấy nhắc nhở nhỏ dán trên tủ lạnh nhắn nhủ vợ chồng con cái tắt bếp tắt đèn trước khi đi ngủ, hay những thư nhỏ nhét vào túi áo chồng trước khi đi làm như ngày xưa. Giống y như thời mới có cellular phone, đi dự tiệc cưới thực khách vẫn có thể thấy một lão ông nào đó thuộc giới buôn bán đang giữa chừng buổi tiệc chợt kéo cái cellular phone ra bấm nút gọi cho lão bà cũng có mặt trong buổi tiệc, nhưng đi lạc qua một bàn tiệc khác để tán gẩu với một người bạn cũ, nhắn nho nhỏ “Em nên về bàn lẹ đi có món bào ngư sắp tới rồi!”

• Internet và tranh đấu cho dân chủ, cho nhân quyền có thể cũng là một thú vui trong tuổi lão. Internet có lẽ giúp đỡ những chính quyền độc tài và phe dân chúng chống đối sự áp bức - cùng một lúc và cho cả hai phía - trong việc cải thiện từ từ đời sống tự do dân chủ của quốc gia. Vì phát triển kinh tế ở thời đại mới, chính quyền nào cũng bắt buộc thúc đẩy dân chúng xử dụng và phát huy internet. Dân chúng thì tha hồ trao đổi quan điểm tranh đãu cho dân chủ cho nhân quyền qua internet. Nhưng cá tính đặc biệt của thảo luận trên internet là sự im lặng của nó bởi thực sự nó không vượt khỏi thực chất của những tín hiệu điện tử không có âm thanh. Nó nhanh thật nhưng chậm vô tận đối với âm thanh, một thành tố tuy cố hữu nhưng ắt có và đủ của mọi sự chống đối. Hiểu biết như vậy nên cả hai khối, chính quyền lẫn thành phần bất mãn, đều thích thú với internet. Internet đã tạo cho người tranh đấu một môi trường “xả xúp bắp” thả cửa trong một thế giới ảo hoàn toàn không có tiếng động. Chính quyền có thể biết nhưng cũng dễ dàng làm ngơ bởi những chống đối thảo luận trên internet đó vẫn hoàn toàn nằm trong thế giới ảo cyberspace không liên quan gì đến hiện thực, khó xách động được những người khác, nhất là những người không dùng internet. Câu châm ngôn Anh ngữ thời xa xưa hãy còn văng vẳng bên tai: “Nói là bạc, im lặng mới là vàng”. Bởi vậy không bao giờ người ta thấy đăng trên báo “Bà Hardjono bị từ chối visa đi Mã Lai vì đã có nhiều email chống đối thủ tướng Mahathir trong mạng quốc tế!”

Nhìn chung thú vui internet và email sẽ tiếp diễn dài dài và một ngày nào đó trong tương lai rất gần nó sẽ sát nhập với TiVi - để trở thành một Môi trường truyền thông hữu hiệu nhất của nhân loại tự cổ chí kim.

Lối tìm thú vui trong tuổi lão sau cùng kể ra trong bài này chỉ là một đề nghị mà thôi. Đề nghị này dành cho những ai lão luyện trong ngành điện toán. Đó là tạo phần mềm để sáng tác thơ bằng computer. Tức là nghĩ đến một tương lai không xa nào đó khi ta thấy cảm hứng dạt dào, ta chỉ việc ngồi trước máy computer đánh vào đó một vài đòi hỏi thí dụ như sau:

Thể thơ: Lục bát

Khung cảnh: Tiết mùa thu, lá vàng bay, cảnh thành thị có một cái hồ giống như Tây Hồ ở Hàng Châu hay Hồ Tây ở Hànội, phố xá hơi vắng người.

Hoàn cảnh: Cặp tình nhân phải chia tay.

Từ chính yếu (keywords): Ly biệt, không biết bao giờ gặp lại, cô đơn.

Thế là chỉ chừng một vài phút sau computer cho lên khung hình một bài thơ rất ướt át theo thể lục bát tả cảnh người con trai chia tay với người con gái, đứng bên hồ nước lặng có sương mờ trên mặt nước. Con đường bên hồ phủ đầy lá vàng trong tiết mùa thu, .v.v...

Muốn beta testing nó rất dễ. Ta cứ đem Kiều hay những bài thơ sẵn có của Vũ Hoàng Chương, của Xuân Diệu hay Nguyên Sa ra mà test. Thí dụ sau khi cho vào keywords là tiết Thanh Minh, lễ, tháng ba, tảo mộ, hội, đạp thanh, v.v... thì ta xem xem rằng computer nó sáng tác bài thơ ra thế nào. Có thể nó sẽ in ra như thế này:

Thanh Minh là tiết tháng ba

Tảo mộ là lễ hội hè đạp thanh

Thay vì như nguyên bản là:

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh

Thí dụ khác, nếu cho vào những từ chính yếu như: Nắng, Sàigòn, mát mẻ, nhớ em, ăn mặc, áo lụa, Hà Đông, v.v... Phần mềm làm thơ của máy điện toán có thể sẽ cho lên khung hình hai câu như sau:

Anh đi giữa nắng Sàigòn mát mẻ

Chợt nhớ em mặc áo made in Hà Đông

So với nguyên tác của Nguyên Sa:

Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Và nếu vậy được như vậy, ta có thể chấp nhận rằng chương trình computer sáng tác thơ đã đạt được mức thành công mỹ mãn. Việc này xem kỹ ra có vẻ rất khả thi, chỉ có một chút ít khó khăn là tâm hồn thi sĩ hay mê thi văn thường không có trong người chuyên về kỹ thuật điện toán. Nếu muốn tìm thú vui này phải tìm nó trong cái thế của một tập đoàn, một tập đoàn lão bao gồm nhiều thi sĩ và điện toán gia hợp sức lại với nhau. Đó là hành trình đi về tương lai khi tìm thú vui trong tuổi lão so với việc chơi internet, một thú đam mê hiện tại, hoặc dịch thơ Đường, một việc tìm hay duy trì thú vui tuổi lão của thời đã qua.

Nguyên Nguyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002