Đại Chúng số 86 - phát hành ngày 16/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

Ngọc Phụng làm ra vẻ tự nhiên đáp lại lời mẹ chồng:

_ Dạ, thưa má con nghĩ là anh con không đến nỗi nào như vậy.

Tuy miệng nói như vậy, song mắt mũi Ngọc Phụng đỏ hoe lên, lòng nàng như trăm mối tơ vò. Biết đâu bà mẹ chồng nói đúng! Và nàng nghĩ, nếu quả Sùng Thật phản bội như vậy thì rồi tương lai của mình sẽ đi về đâu? Lần này Ngọc Phụng nói lên bằng giọng nghẹn ngào:

_ Thưa má, nếu quả anh con có lòng dạ phụ bạc như má đã nói, con sẵn sàng bồng bé Anh Hào về nhà ba má con tá túc...

Nghe Ngọc Phụng bảo như vậy, bà Thục Trinh lo sợ phải xa đứa cháu nội, nó là nguồn an ủi không có gì có thể sánh được, vội lên tiếng khuyên nhủ, cản ngăn ngay, tưởng chừng như việc đã đến ngay ngưởng cửa nhà rồi.

_ Không... đó là má ví dụ ... chứ thằng Sùng Thật không bao giờ như vậy đâu! Má bảo đảm với con... mà cho dù ví dụ nó có lòng dạ như vậy con cũng không nêm đi đâu cả. Con cứ ở lại đây với má. Ba má sẽ bảo bọc mẹ con con. Con không nên đi đâu hết, biết không?

_ Ba má thương con chừng nào, con nhờ chừng ấy. Cho dù má có ghét bỏ, con cũng cứ vui lòng sống cận kề hầu hạ ba má cho đến trăm tuổi già!

_ Ừ, con ăn ở như vậy mới trọn hiếu nghĩa... Con làm cho má vui lòng lắm.

_ Nhưng... nếu anh con không còn thương con nữa, phũ phàng phụ rẫy con, thì con không thể nào chấp nhận sống bên cạnh ba má để ăn mày tình yêu của anh con... Lúc đó, con sẽ xin phép ba má đi ra khỏi ngôi nhà này , nhường lại tất cả cho anh con... ngoại trừ Anh Hào.

_ Không!_ Bà Thục Trinh kêu lên_ Thằng Anh Hào tuy con sinh đẻ ra nhưng nó là con nhà họ Mã...

_ Dạ, thưa má, con biết. Con chỉ xin phép ba má để con mang theo săn sóc nó, nuôi nấng dạy dỗ nó nên người. Con sẽ bảo nó biết thương yêu ông bà, cha mẹ, biết trọn đạo làm người, ăn ở cho thủy chung...

_ Ừ! Nhưng mà chắc là đến lúc đó má nhớ chết đi được... Thôi, con ơi... đừng đưa nó đi đâu cả...

Rồi như sực nhớ lại vấn đề gửi tiền cho con ngày nào, bà hỏi Ngọc Phụng:

_ Kỳ vừa rôi gửi tiền chẳng biết nó nhận được chưa, mà chẳng thấy nó thư từ nói năng gì cả. À, mà này, Ngọc Phụng, má có một ít tiền còn cất dưới đáy rương, nếu khi nào con với ba có gửi sang cho nó, nhớ nhắc má lấy gửi đi luôn... thêm cho kha khá một chút. Ôi! cái thằng ấy mà, nó thấy gửi ít thì đâm ra hờn giận... Có lẽ nó bị hụt tiền nên không có có tiền về đó thôi.

_ Con cũng còn ít tiền dành dụm cho thằng Anh Hào, lần sau gửi đi con cũng bỏ thêm vào như má...

_ Con với ma đều ra ngoài làm việc, má ở nhà rảnh rổi, định mua ít heo con với lại vài con nái về chăn nuôi. Heo lớn lên má mang ra chợ bán, thế nào cũng có lợi. Lúc đó má cũng thường xuyên góp được phần với ba cùng con gửi thêm nhiều nhiều một chút, đặng nó tiêu dùng cho dư dũ. Hơn nữa, nếu một ngày nào đó thằng Sùng Thật về, mình có heo mà ngã trước cúng kiến kẻ khuất mày khuất mặt, sau mời làng xãđến uống chén rượu mừng quan trạng nhà mình vinh qui cũng đở bớt tốn kém...

Ngọc Phụng khuyên can mẹ chồng:

_ Má ơi! Nuôi heo cực lắm. Ngày con theo anh con về, má con bên nhà cũng chăn nuôi như má... nhưng riết rồi chịui không nổi... đành mang bán cả heo mẹ lẫn heo con để làm chuyện khác.

_ Ấy vậy mà má lại làm được. Má con chăn nuôi để cho vui, coi việc nuôi heo như cái vá múc thêm. Còn má đây thì... làm cho thằng Sùng Thật có tiền mà sống ở đất nước người.Má muốn nó có tiền mua vé bay về sống với gia đình cha mẹ, vợ con... Cho dù cực khổ đến bao nhiêu má cũng cam lòng.

_ Nhưng mà tiền ba con với con cũng đủ gửi cho anh con rồi. Mà làm gì nữa cho thêm mệt. Già yếu rồi má nên dưỡng sức mà đợi anh con về.

_ Dù con có khả năng đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là phận đàn bà con gái. Ba má không thể đổ cả gánh nặng lên vai con. Vậy con an lòng, má còn thừa sức để làm bất cứ công việc gì... huống hồ là việc chăn nuôi.

Bà Thục Trinh đưa mắt nhìn ra ngoài trời, tưởng tượng đến hình ảnh sởn sơ của đàn heo đàn gà... cảm thấy sung sướng mỉm cười. Ngày nay bà không còn như thời son trẻ nữa, mặt mày bà đã sạm hẳn đi và mái tóc đã muối riêu...

Một hôm, Quốc Trung về ra tận sau vườn tìm vợ, nhìn thấy bà đang loai hoai tay bồng cháu tay bưng thức ăn cho đàn heo trong chuồng, bèn kêu lên:

_ Bà ơi! Bà liệu có còn đủ sức không mà bày vẽ nuôi heo với gà! Không khéo rồi đây bà ngã bệnh nằm xuống, kể cả tôi với con Ngọc Phụng cũng phải ở nhà để săn sóc... Heo gà bán đâu không thấy chỉ thấy tôi với con Ngọc Phụng khoanh tay chịu thất nghiệp...

_ Thôi đi ông ơi! Tôi liệu tài bố chức, liệu sức làm quan... Không đau ốm đâu mà sợ. Ông với con Ngọc Phụng cứ tiếp tục lo chuyện bên ngoài , còn việc nhà vói rau heo cháo chó tôi chu toàn cho...

Công việc chăn nuôi đã làm cho bà Thục Trinh cảm thấy thích thú. Thỉnh thoảng bà bế cháu nội đến cạnh chuồng heo cười bảo:

_ Này, cháu của nội có muốn làm heo không?

Anh Hào đã tròm trèm sắp ba tuổi, nên biết nghe và có thể trả lời lại những câu hỏi thông thường. Nghe bà nội bảo mình là heo, bèn dẫy nẩy lên:

_ Không, không làm heo đâu nội!

_ Sao con lại không thích làm heo? Heo mập thế này, hết ăn rồi ngủ... nó hệt như con bây giờ, không sung sướng sao?

_ Không. Con không thích...

_ Vậy con thích làm con gì?

_ Làm chim... như kia kìa...

Nó vừa nói vừa đưa tay chỉ đàn chim sẻ đang bay nhảy trước sân nhà tìm mồi. Một vài con thấy động vụt bay lên mái hiên mặt tiềm nhà.

_ Con muốn bay lên trời như con chim đó...

_ Không. Nội không thích con làm chim...

_ Tại sao?

_ Tại vì nếu con là chim, đến một ngày nào đó đủ lông đủ cánh con sẽ bỏ nội bay đi mất hút... Lúc đó, con sẽ không còn biết mẹ, biết cha.Con bỏ lại nội một mình để bay đi bốn phương trời như thằng cha con đó.Biết không?

_ Cha con là chim sao hở nội?

_ Ờ, bà nội ví như vậy. Cha con bay đi rồi hóa thành chim bay đi cùng khắp để tìm cái mới lạ... không biết đoái hoài đến ông bà nội, đến mẹ con con...

Bé Anh Hào im lặng như ra chiều suy nghĩ. Bỗng sau đó nó vỗ vào tay của bà nội nói:

_ Chắc con khác... Con sẽ ở luôn bên mẹ, bên hai nội.

_ Ờ, con giỏi quá. Bà nội muốn vậy. Bà nội muốn con là heo nữa là đằng khác.

_ Để làm gì?

_ Để ngày ngày được nội tận tay săn sóc... Con không thể bắt chước ba con để ông bà nội với má con đau khổ!

_ Ba con bay đi đâu vậy nội?

_ Xa... xa lắm... xa vô cùng, tận nơi chân trời góc bể.

Rồi bà Thục Trinh sực nhớ lại người xưa thường bảo là muốn bói điềm thì tìm đến lũ trẻ thơ... chính miệng chúng nói mới linh thiêng. Bà liền cất tiếng hỏi:

_ Này bé bự của nội. Theo con thấy thì ba con có về với con không?

_ Có, ba có về..Ba sẽ bay về với con. Con sẽ bắt ba bỏ vào cái lồng của ông nội kia kìa...

Nó vừa nói vừa chỉ đến cái lồng nhứ chi đất bỏ trống treo ở góc mái hiên nhà.

Bà Thục Trinh mừng rỡ, tưởng chừng như thật, bà siết chặt cháo vào lòng:

_ Lời con nói ắt thiêng lắm. Nhưng bao giờ thì ba con sẽ bay về?

_ Bảy năm... nữa!

Bà THục Trinh lắc đầu đưa tay bụm ngay miệng của nó:

_ Nói bậy bạ! Bảy tháng thôi...

Anh Hào thúc mạnh chân vào vế bà nội:

_ Không... bảy năm... con muốn bảy năm

Bà Thục Trinh đành chịu thua, lấy ngón trỏ dí vào trán của Anh Hào:

_ Co cượng lắm nha... Mày vừa giống tính thằng cha mày cũng vừa giống tính ông nội mày nữa.

_ Con cũng giống bà nội nữa.

_ Không, mày chẳng giống bà nội một tí nào.

Rồi bà hạ giọng lấy tay ép sát đầu bé Anh HJào vào sát cổ với vai mình nựng nịu:

_ Không thương... đi đâu thì... đi...

Anh Hào lấy tay dụi mắt, bà Thục Trinh biết cháu nội mình buồn ngủ bèn vác lên vai vừa đi vừa ngâm ngakhúc ca Ly Tao của Khuất Nguyên: "Tứ Ngọc cầu dĩ thừa ê hề! Khạp ai phong dư thượng chinh. Triêu phát nhẫn ư Thương Ngô hề... "

........................

(Cưởi con phượng hoàng (đây) hề, vút theo gió màlên trời. Buổi sáng từ Thương Ngô ra đi (đây) hề! chiều đã đến ngay (chân núi) hề! Hoành Hồ... ta muốn lưu lại (trong giây lát)nơi quê cũ (hề) nhưng than ôi! Mặt nhật (kia) xuống quá nhanh và sắp tắt.

(Thôi, ta xin thần Hi Hòa, chậm chậm lại hề! nương theo gió mà vút lên trời... ")

Tuy tuổi đã xế chiều mà giọng của bà Thục Trinh vẫn còn như tiếng chuông ngân nga thánh thót...

Rồi bà lại ca bài hát nói như thuở nhỏ bà từng thay mẹ ru em:"Này... cột ra cột.Kèo ra kèo.Mái tranh ra mái tranh. Nuột lạt ra nuột lạt. Đứng lôn xộn hề... Này cột ra cột... Kèo ra kèo... "

Ngọc Phụng vừa đi dạy về nhìn thấy con đang ngủ gà ngủ gật trên vai mẹ chồng, vội chạy lại âu yếm hỏi:

_ Bự của má ngủ rồi sao?

_ Ừ, nó mới chợp mắt..Bồng nó về phòng đi con... để nó ở ngoài gió máy thì khốn...

Rồi bà hỏi con dâu:

_ Hôm nay con về sớm hơn mọi hôm...

_ Đâu có, cũng như thường nhật vậy thôi, má à! Mùa hè trời lâu tối, cứ năm giờ rời khỏi trường mà nhà trường cách nhà ta không bao xa nên về đến nhà như má thấy đó...

Bà Thục Trinh nheo mắt nhìn ra bên ngoài. Ánh nắng vẫn còn trải dài trên sân...

_ Ờ, lạ thật. Năm sáu giờ chiều mà trời vẫn còn nắng gắt...

Vài cánh nhạn đang lửng lơ bay giữa vòm trời...

Bà bỗng dưng nhớ lại ngày nào chưa ra đi lấy chồng còn ở với cha mẹ, cũng với hình ảnh của những buổi chiều nắng gắt trải lên giàn hoa lý, xuyên qua các khe hở chiếu xuống mặt sân như những hạt kim cương lớn nhỏ không đều nhau hệt như những viên bi tròn... Những con bồ câu hiền lành như những nhà tu hành, sẵn sàng nhường lại cho bất cứ con chim sẻ nào sà đến tranh giành lấy những miếng mồi. Cũng hàng dâm bụt làm hàng dậu sum suê cả hoa đỏ và cũng những thân cây chùm giẽ xanh um bám lấy hàng rào gai phía sau mặt nhà... Những cánh bướm trắng có, đen có, hoặc sặc sỡ như các đóa hoa đang chập chờn bay lượn trên các buội rậm ven con đường nhỏ vào làng ngang qua trước mặt nhà.

Và hình ảnh của cha mẹ, của các anh chị em, bà ngày nào còn sống cạnh bên nhau dưới một mái nhà cũng lờ mờ hiện lên trước mắt. Nay thì ông bà, cha mẹ đã ra người thiên cổ. Còn các anh chị em thì ngày nay mỗi người mỗi ngả. Kể từ ngày ra lấy chồng chỉ ở cách nhau một thôn, nhưng bà chỉ có thì giờ về thăm chỉ võn vẹn có mấy lần đếm được trên đầu ngón ta.Lần đầu, sau lễ vu qui hai hôm cùng chồng về trong ngày lễ "nhị hỉ" với con heo quay vàng cháy còn nguyên vẹn, để tế lễ bàn thờ tổ tiên. Hôm ấy cha mẹ bà vui vẻ đón nhận lễ vật, cô cô chú bác hiện diện đều thấy mát dạ, mát lòng. Cả chòm xóm láng giềng đều khen lấy khen để, ca tụng bà đúng là con nhà có đoan trang, lễ giáo... Mỗi bà mỗi lời khen tặng, nhất là về cái tiết hạnh được âm thầm nói lên cái vẹn toàn của con heo lễ nhà trai mang đến. Điều này khiến bà sung sướng vì cái tiết hạnh của mình được chồng xác nhận bà quả là người vợ còn trinh nguyên qua đêm động phòng hoa chúc.

Buổi tiệc nhị hỉ ngày hôm ấy các bà láng giềng được dịp ăn uống kể đủ mọi thứ chuyện, trong đó có chuyện con dâu nhà họ Triệu rước con gái từ Thượng Hải, chuyện con gái nhà ông Cửu làng bên, hay chuyệncon trai cụ Đại hào Mục xóm dưới đi na cái thứ gái hư hỏng về nhà, chẳng những làm mất cả danh giá của họ hàng, mà còn làm bại hoại cả tiếng tăm của chòm xóm...

_ Thì cái hôm nhị hỉ của con gái ông Cửu Kè đó, tôi có đến dự, rõ ràng là con heo bị cắt mất cái lỗ tai, khiến cho ông bà Cửu phải năn nỉ ỉ ôi mang cắt mất đi cả nửa cánh đồng để làm của hồi môn, trám miệng lại nhà trai khỏi đưa ra trình với làng xóm... về cái tội thất tiết của con gái mình.

Một bà khác chen vào:

_ Cũng như con trai cụ Đại hào Mục đi rước cái loại gái cái chữ nghĩa thánh hiền... về làm vợ, tiệc tùng linh đình, có cả phủ, huyện về dự. Thế mà không bao lâu sau đó con dâu nó... bỏ nhà xách gói theo trai... chỉ vì con trai cụ phải đi lính thú xa nhà... để cho thiên hạ chê cười không ít.

Nhiều chuyện tương tợ như vậy được kể cho nhau nghe lấy đó làm điều thích thú.

Rồi sau đó không biết mất đi mấy năm, bà về thành phục và đưa đám tang cha... rồi tiếp đó trong vòng ba tháng sau về đám tang mẹ... Kể từ đó bà không còn dịp nào về thăm nhà cha mẹ hiện do người anh trưởng nam hương khói.

Kể từ ngày bán cả cơ nghiệp, bà cùng chồng lên chợ huyện buôn bán làm ăn hòng chu toàn cho Sùng Thật ăn học, những mong công thành danh toại.

Bà Thục Trinh hy sinh tất cả miễm làm sao cho chồng được thỏa nguyện, cho con trai được vẻ vang, còn riêng bà thì sao cũng được. Chưa có đêm nào bà nghỉ ngơi được an giấc. Canh ba chưa nằm, canh năm đã dậy. Cả ngày hết loai hoai cho cháu lại lận bận với đàn heo đàn gà. Bà dành dụn chắt chiu từng đồng, không dám chi tiêu riêng cho mình dù đó là công lao bằng chính mồ hôi nước mắt của mình.

Dành dụm được một số, bà Thục Trinh lại mang ra giao cho con dâu để mang gửi đi cho Sùng Thật. Lần nào cũng vậy, Ngọc Phụng cũng đều can ngăn lại.

_ Má giữ lại để tiêu. Nội tiền của ba với concũng thừa đủ cho anh con ăn học.

Dù chồng với con dâu ngăn cản, bà Thục Trinh vẫn một mực bắt buộc phải bỏ chung vào gửi đi cho kỳ được.

_ Miễn sao cho cục cưng mình không bị thiếu thốn là tôi đủ sung sướng lắm rồi. Má chỉ cần ngày hai bữa cơm rau, kỳ dư chẳng biết chi tiêu vào việc gì nữa cả.

Quốc Trung lúc rổi rảnh cùng ngồi nói chuyện gẩu với vợ và con dâu:

_ Thằng Sùng Thật có trí thông minh phi thường. Tôi tin tưởng nó có khả năng lập nên cơ nghiệp mà không phải tốn nhiều công sức...

_ Ông căn cứ vào đâu mà dám nói vậy?

_ Chính cái thượng đình của nó bóng lộn đủ nói lên điều ấy. Duy chỉ có một điều mà tôi muốn làm sao nói ra cho nó biết để mà đề phòng...

_ Hả? Điều đó là điều gì?_ Bà Thục Trinh vội hỏi chồng.

(còn tiếp)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002