Đại Chúng số 87 - phát hành ngày 1/12/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Bà Võ Lan Thị Bolsa Ave. Westmister CA. Tôi thường đọc đến từ "văn hóa" trong sách vở báo chí, chỉ biết mường tượng nhưng không được thấu đáo cho lắm. Xin bà cụ giải hộ. Thành kính cám ơn bà cụ.

* "Văn hóa" hiểu một cách đơn giản là nó hiện hữu trong tất cả mọi người chúng ta ngay khi mới sinh ra đời: Từ cái ăn cái mặc, đến sự nghỉ ngơi, đi đứng, suy tư trong cuộc sống hằng ngày. Quẻ Bí của Chu Dịch nói: "Quan hồ nhân văn, dĩ hóa thành thiên hạ" có nghĩa: quan sát dáng điệu của con người, lấy đó để giáo hóa cho thiên hạ. Nhưng Bổ Văn Thi của Thúc Triết thì cho rằng: "Văn hóa nội tập, vũ công nội tu". (Văn hóa là để làm cho bên trong hòa mục còn vũ công là để sửa sang bên ngoài). Thúc Triết nói "văn hóa" gần như "giáo hóa". Khổng Dĩnh Đạt trong Chu Dịch chính nghĩa thì giải thích về cái ý của bậc thánh nhân quan sát dáng vẻ con người tức nói đến cái Thi, Thư, Lễ, Nhạc... mà bày vẽ cho thiên hạ. Taylor - người đưa ra thuyết nhân loại học của nước Anh định nghĩa: "Văn hóa là một tổng thể phức tạp, trong cái phức tạp đó bao gồm đủ mọi thứ, từ tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật đến đạo đức, pháp luật phong tục... chẳng những vậy còn bao gồm cả năng lực, thói quen mà con người đã đạt được trong xã hội". Định nghĩa của "văn hóa" thật vô cùng. Nhiều học giả đã đề cập, bàn thảo, tranh luận và nhiều lúc định nghĩa trái nghịch nhau đưa ra có dến hàng trăm loại như vậy. Hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất đồng chưa đưa đến một kết luận chung cho cái nghĩa của nó.

 

Cụ Hồ Tùng Châu 49th St. Philadelphia, qua Thu Trương Drexel Hill PA. Vào khoảng năm 1940 tôi có đọc trong một tạp chí có lẽ là Tri Tân,trong đó có bài viết về bài thơ do một ông tiều vừa đi vừa hát mà Hồ Hán Thương (khoảng năm Khai Đại Nhà Hồ) mà tôi chỉ nhớ một đoạn:

"Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan

Thụ thương thương

Yên mạch mạch,

Thủy sàn sàn,

Triêu hề ngọ xuất,

Mộ hề ngọ hoàn.

Còn mấy câu bên dưới tôi chỉ nhớ loáng thoáng,nếu bà cụ biết xin nhắc hộ cho. Cám ơn bà cụ bội phần.

* Mấy câu bên dưới như sau:

Hữu y hề chế kỵ;

Hữu bội hề nhận lan.

Thát bài thanh hề bình hiểu chướng;

Điền hộ lục hề chẩm tình than.

Nhậm tha triều thị;

Nhậm tha xa mã;

Truy trần bất đáo thử giang san.

U thảo Tống triều cung kiếm;

Cổ khâu tấn đại y quan.

Vương Tạ phong lưu;

Triệu Tào sự nghiệp.

Toán vãng cổ lai kim khanh tướng,

Thạch triên đài man.

Tranh như ngã trạo đầu nhất giác,

Hồng nhật tam can.

Người tiều phu này hát xong bằng giũ áo bỏ đi một mạch. Hồ Hán Thương đoán biết đó là một bậc ẩn sĩ. Nghĩa của bài này do ông Xuân Trang địch ra như sau:

"Cây xanh xanh, Khói mờ mịt, Nước long lanh.Sớm ra khỏi động,Tối lại về ghềnh. Xiêm dây đeo mặc sức; Áo lá sắn bên mình.Cửa động rừng xanh non dịu sáng; Đầu ghềnh ruộng biếc bến thêm xinh. Mặc ai xe ngựa; Mặc ai thị thành. Nước non đây không nhuốm bụi phù sinh,Tống để cung đao vùi dưới cỏ, Tấn xưa mũ áo chẳng còn manh. Tạ, Vương phú quí; Tào,Triệu công danh; Ngồi nghĩ lại cổ kim khanh tướng, Bia đá rêu quanh, Ai đặng bằng ta choàng tỉnh giấc,Ngẩng trông ác đã đầu cành."

 

Cư sĩ Hải Trang Round Up Dr. Walnut, CA. Nghe nói Việt Nam ta cũng có nhiều loại sâm quí. Có đúng vậy không? Nếu có, xin bà cụ lược cho một số và tác dụng của nó. Thú thật tôi đang tìm hiểu về các loại sâm trên thế giới. Xin thành thật cám ơn bà cụ.

* Có như vậy. Các loại sâm quí ở Việt Nam gồm có:

1. Sâm Bố Chính: Rất nổi tiếng ở Việt Nam. Loại sâm này mọc rải rác ở trong rừng Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tỉnh... hình dáng giống như sâm Thạch Trụ, thơm và béo. Công dụng của nó chủ trị các căn chứng suy nhược thần kinh, đặc biệt chủ trị ngũ tạng: tâm, can, tỳ, phế, thận... Sâm Bố chính còn chữa được chứng đau bụng của phụ nữ.

2. Sâm Nhị Hồng: giống sâm này mọc ở phía rừng Long Thanh, Long Khánh, Bà Rịa... mọc chung với cỏ tranh. Loại này không có củ mà duy chỉ có một bộ rễ như rễ tre nhưng chứa mọng nước dùng để nấu canh cho những người mới ốm dậy. Ngoài ra đem phơi khô, nấu uống như trà. Rất khỏe.

3. Sâm Chỉ Huyết: Củ sâm giống như sâm Hoa Kỳ vị thơm và hơi béo, củ nhỏ thường có các rễ màu đỏ. Loại này phát hiện ở rừng Sơn La, Lai Châu, Hòn Gai, Cẩm Phả. Chữa các bịnh bị lòa mắt hoặc mắt yếu của người già. Phơi khô ngâm rượu uống rất bổ.

Ngoài ra còn các loại Sâm Rừng, Sa Sâm, Thượng Đẳng Hồng Huyết Sâm... Có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này hầu Cư Sĩ.

 

Bà Hải Trần (qua Lien Diep MaryLand) Có một số báo nào đó, đọc thấy bà cụ trả lời về con "rươi". Tôi được nghe một số người từng ăn rươi bảo rươi còn được gọi bằng một danh từ chữ Hán. Vậy từ đó là gì? 2/ Con rươi tiếng Hán gọi thế nào? Xin bà cụ giúp cho.

* Lịch Sử Triều Nguyễn có nói về "rươi" gọi nó là Hòa Trùng. Hòa trùng giống như con rết mà cũng mường tượng như con bọ ngựa. Thân rươi mềm như con tằm và nhỏ như đầu chiếc đũa, chiều dài hơn hai tấc có màu sắc xanh và vàng sặc sỡ... bên trong có nước trắng. Rươi thường từ gốc lúa mà ra, sinh sản ở đồng ruộng hoặc bãi biển. Rươi là món ăn hợp với khẩu vị, dân chúng ở địa phương thi nhau vớt lên mang bán được nhiều tiền. 2/ Tiếng Hán gọi rươi là "hòa trùng"- có nghĩa con sâu lúa. Chữ hán còn gọi là "Há". Tam Tự Kinh có câu trong đó có chữ "há" có nghĩa là "rươi" như sau:

"MÔNG: Mịt mù. LÀNG: Sáng. KIẾN: Đầu tháng, TẠP: Ba mươi. HÁ: Rươi. TẠP: Mắm. ĐƠN: Thắm. LỤC: Xanh...”

 

Cụ Tịnh Hải Garden Grove. Bà cụ có nhớ mười cái chủ trương lớn của Mặc gia không? Tại sao Mặc Tử lại đề ra chủ trương này? Nếu được xin nhắc lại hộ. Kính cẩn cám ơn bà cụ nhiều.

* Mười cái chủ trương của Mặc gia do Mặc Tử chủ xướng đó là:Kiêm ái, phi công, thượng hiền, tiết táng, tiết dụng, phi nhạc, phi mệnh, tôn thiêng, minh quỹ. Theo ông chỉ vì cái "giao tương ố", có nghĩa sự qua lại hàng ngày của con người vốn xấu với nhau nên tạo ra cảnh bi lụy phiền não... Vì vậy mà ông mới đề xướng phải biết "kiêm tương ái" tức phải biết thương yêu nhau, qua lại cho có lợi cho nhau, gọi đó là "giao tương lợi" v.v... Ông chủ trương người có sức thì giúp sức cho nhau, người có tiền của thì biết giúp đở nhau, người hiểu được cái đạo thì truyền lại cho nhau... chỉ cần làm được những điều trên thì thiên hạ mới hưởng cảnh thanh bình an lạc.

 

Cháu Trần Tập Xương Storn Meadw Dr Houston TX(Qua Ralph Tran): Bà cụ có nhớ bài Đánh Tổ Tôm của Trần Tế Xương không? Nếu được bà cụ nhắc lại cho. Xin cám ơn.

* Bài thơ đó như sau:

Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ

Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm.

Bài trạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm,

Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh.

Cũng có lúc không chi thì bát sách

Cũng có khi bạch định bốc yêu hồng;

Cất bài lên ông lão vẫn lẩn vòng

Không đâu cả gặp kề năm bảy phỗng.

Cũng có ván tam lèo lên chờ rộng,

Vớ phải thằng bạch thủ phỗng tay trên.

Gớm ghê thay đen thực là đen!

Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ.

May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ,

Bĩ cực rồi đến độ thái lai;

Tiếng tam khôi chi để nhường ai,

Hết bạch lại hồng, thông mãi mãi.

Nào những kẻ tay trên ban nãy,

Đến bây giờ thay thảy dưới tay ta;

Tiếng bài cao lừng lẫy khắp gần xa,

Bát vạn ấy người ta ai dám đọ.

Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ,

Thì anh hùng vị ngộ có lo chi;

Trước sau, sau trước làm gì?

 

Ông Trương Tấn Thơ Rhea Ave. Reseda: Bà cụ giải hộ mấy câu tục ngữ Trung Hoa: 1. Thiếu hóa tử ngật tử, chích chích hảo. 2. Tỉnh lý hà mô, tỉnh lý hảo. 3. Hoa đối hoa, liễu đối liễu, phá bản ky, Tương đối hoại thiều trửu. 4. Hòa thượng yếu tiền, não bạt huyên thiên. Xin cám ơn bà cụ.

* 1. Ăn mày ăn cua chết, ăn con nào cũng thấy ngon.

2. a/ Ểnh ương trong giếng, giếng như trời.

b/ Của mình thì tốt, của người thì dốt.

c/ Củi mục bà để trong rương

Hễ ai hỏi đến trầm hương của bà.

3. a/ Hoa đối hoa, liễu đối liễu, sọt thủng đối chỗi cùn

b/ Thuyền đua thì lái cũng đua

Con cóc nó nhảy, con cua nó bò.

4. Hòa thượng cần tiền, khua inh não bạt.

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002