Đại Chúng số 87 - phát hành ngày 1/12/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Gẫm Sự Đời

NGHĨ VỀ CÁI KIÊU KHÍ CỦA THẦY ĐỜI

Trần Liêm Khảo

Trong tập "Cái Cười Của Thánh Nhân" của Nguyễn Duy Cần có đoạn nhắc về câu chuyện Khổng Tử Đi Hỏi Lão Tử :"Lời nói của ông là lời nói của những kẻ nay đã xương tàn cốt rụi. Vả, người quân tử đắc thời thì đi xe, không đắc thời thì tay vịn nón lá mà đi chơn. Ta nghe rằng kẻ buôn giỏi khéo giữ của quý nhưng không có gì, người quân tử đức thạnh, dung mạo như người ngu. Họ khác với cái kiêu khí và đa dục của ông. Thái sắc ấy và dâm khí ấy không ích lợi gì cho ông cả! Ta sở dĩ bảo cho ông biết có bấy nhiêu thôi."

"Đoạn văn trên đây của Tư Mã Thiên nói về Lão Tử và Khổng Tử, có cái ý vị vị trào lộng mà chua cay của người Chiến Quốc đối với hạng người thích làm thầy đời, chưa thể là văn u-mặc thượng thừa... " (Cái cười của thánh nhân_ trang 26).

Sau khi đọc xong, tôi bỗng sực nhớ đến câu chuyện Ông Lý Toét với Ông Tú Tài, chẳng biết đã xảy ra từ lúc nào, song chỉ biết vào khoảng giữa thập niên 30 của thế kỷ 20, một thầy Tú nọ về làng để ngao du sơn thủy. Trên đường đi thầy Tú nhác thấy hai

ông Lý Toét và Xã Xệ_ trên tay người nào cũng mang hai cái rổ, một lớn và một nhỏ, nghêng ngang đi như chỗ không người. Đường sá thì chật hẹp mà phong thái đi của Lý Toét và Xã Xệ thì chừng như mục hạ vô nhơn.Thầy Tú vốn không thích bất kỳ ai ngang bướng trước mặt mình như vậy bèn gọi cả hai lại hỏi:

_ Các chú xách cái gì thế?

Lý Toét không đáp thẳng câu hỏi của cậu Tú nọ, lễ phép chào hỏi:

_ Thưa cậu Tú, thế cậu Tú về làng từ bao giờ?

_ Ừa ! Tôi vừa đến nơi, nhưng có điều tôi muốn hỏi các chú xách cái gì mà cả hai tay như vậy?

_ Thưa, không giấu gì cậu Tú, đó là hai cái rổ. Một cái lớn và một cái nhỏ._ Đáp xong Lý Toét cùng Xã Xệ một loạt đưa hai cái rổ lên trước mặt cho cậu Tú xem.

Cậu Tú lớn tiếng trách:

_ Nếu với cái cung cách này có ngày cả hai chú đều bị mất chức. Tôi mà làm quan huyện sẽ cho cả hai về nhà đuổi gà cho vợ.

_ Thưa cậu Tú Tài, chúng tôi đâu có làm điều gì phạm lỗi?

_ Sao lại không? Hãy lắng tai nghe đây, giá như chú Lý cũng như chú Xã đem cái "rổ nhỏ" bỏ vào cái "rổ lớn" thì có phải nó vừa khỏi làm chật đường chật sá lại tỏ ra mình văn minh của kẻ tỉnh thành, vừa không làm choáng đường đi của thiên hạ không? Các chú có nghe người xưa có câu này bao giờ chưa?

Nói xong, cậu Tú cất cao tiếng ngâm vang sang sảng:

"Tiểu lam giã thị lam

Đại lam giã thị lam

Tiểu lam phóng tại đại lam lý

Lưỡng lam thành nhất lam"

(Rổ nhỏ cũng là rổ

Rổ lớn cũng là rổ.

Rổ nhỏ bỏ vào trong rổ lớn

Hai rổ thành một rổ")

đó sao?

Lý Toét gải cổ gải đầu khúm núm thưa:

_ Dạ, thưa với cậu Tú Tài! Cậu nhờ có phúc phần ăn học đổ đến Tú Tài... lại được đi ngao du đây đó... Còn kẻ ở chốn bùn lầy nước đọng này quanh năm chỉ biết có thửa ruộng bờ ao. Tuy không có phúc phần ăn học để đổ đến Tú Tài, song cũng lem nhem ba chữ, không đến nổi bị xem là hạng người vô học. Vậy xin phép cậu Tú Tài cho Toét tôi được đáp lại cái văn chương "thượng thừa" của cậu Tú Tài được không ạ!

Nghe Lý Toét dám đòi đối đáp lại cậu Tú Tài này giương tròn xoe mắt lên tỏ vẻ ngạc nhiên gạn hỏi lại:

_ Thế chú Lý cũng sính được văn chương kiểu thượng thừa như ta sao? Được. Ta cho phép các người cứ đối lại. Ta đây nói thật cho mà biết, nếu chú Lý mà đáp được thì... Tú Tài này xin trả lại cái mảnh bằng này cho cụ Thượng Bộ Lại ngay ! Đây thề là không bao giờ đã nói ra rồi lại nuốt lại lời đâu. Vậy chú cứ đáp đi!

Lý Toét khúm núm gải đầu gải tai:

_ Dạ, thưa cậu Tú Tài, không dám! Đó là cậu Tú Tài nói vậy, chứ Toét tôi chẳng dám sính tài mà chỉ xin đáp thử để... cậu Tú Tài chấm điểm mà thôi.

Cậu Tú Tài lớn tiếng:

_ Ta không cần rào đón, chú cứ đáp lại đi, chẳng cần phải dài dòng phép tắc gì cả cho mất thì giờ.

_ Dạ, xin vâng ạ! Nếu có gì sơ sót xin cậu Tú Tài sửa lại hộ cho...

Dứt lời, Lý Toét hắng giọng dõng dạc đọc:

"Tú Tài giả thị tài

Quan tài giả thị tài.*

Tú Tài phóng tại quan tài lý

Lưỡng Tài thành nhất Tài."

Có nghĩa:

"Tú Tài cũng là Tài

Quan tài cũng là Tài.

Tú Tài bỏ vào trong Quan Tài

Hai Tài cũng trở thành một Tài"

Đến đây kẻ thuật lại chẳng nghe thấy người kể chuyện cho biết cậu Tú Tài ăn nói làm sao, chỉ nghe là sáng hôm sau cậu Tú... Tài đó không còn đi ngao du đây đó nơi chốn bùn lầy nước đọng này nữa!

Ngu Giả Trần Liêm Khảo

  • Quan tài là cái áo quan ta thường gọi  là cái hòm để lịm người chết. Nó cũng  có chữ "Tài" như cấp bằng Tú Tài...  cùng đồng một âm "Tài".

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002