Đại Chúng số 87 - phát hành ngày 1/12/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


BÍ ẨN CỦA CÁI CHẾT

Thinh Quang

BẠN BẢO TÔI HÃY KỂ CÁI CHẾT CỦA TÔI Ư ?! Chẳng có gì bí ẩn cả. Nó không phải là kết thúc mà cũng chẳng phải khởi đầu. Đối với vạn vật con người là một trong những sinh vật có đời sống ngắn ngủi nhưng lại là một sinh vật duy nhất có những kỷ niệm tuyệt vời! Cái kỷ niệm tuyệt vời đó là để lại cho đời một nấm mồ... cùng một tấm mộ bia khắc ghi tên tuổi mình lưu danh vạn thế... Nó gần như căn bệnh di truyền bất di bất dịch. Ta học hỏi nơi tổ tiên ta những lễ nghi an táng nắm xương tàn bằng tất cả sự cung kính với niềm tiếc thương tưởng chừng như bất tận...

"Cái chết" không cần có lễ nghi mà chỉ con người muốn có những nghi lễ được yên lòng đi về Cõi Chết vì nhu cầu của tôn giáo. Vạn vật không có thay đổi mà con người thì có sự đổi thay. Vạn vật chỉ cần một nhưng con người thì đòi hỏi phải muôn hình vạn trạng. Chẳng khác nào Cõi Chết chẳng có hai mà chố Hồng Trần thì thiên hình vạn trạng.

Người làm tôn giáo đã phải tốn bao nhiêu công phu và trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử bằng ý niệm của xác chết và song song với sự đau xót của người sống, trước cái xác thân bất động đang bắt đầu rửa nát!

Cái chết chẳng có gì bí ẩn cả. Nó không biệt luận như Đức Khổng Tử bảo, mà chính nó đang sống, đang đi vào con đường hóa thân. Thế có nghĩa là cái xác thân đó đang đi vào trạng thái giữa "Cái Sống và Cái Chết". Vậy cái chết là một trong ba cái gom lại theo qui luật của Thái Cực mà phàm Thái Cực thì sinh Lưỡng Nghi như Dịch Kinh đã viết:"Hán Chí đã làm tối tăm cái thuyết Ba là Một". Há chẳng phải Thiên, Địa, Nhân là Một mà Một đó chính là Thái Cực." Cõi Chết ở nơi đó. Nơi mà con người được miên viễn rong chơi... đây đó... Vậy phải chăng Thái Cực là Đạo, là con đường dẫn đến cõi hư vô hay nẻo đi vào miền Cực Lạc?! Trang Tử bảo: "Đạo có trước Thái Cực. Thái Cực là Trời, Đất, Người. Tuy Ba mà chỉ Một. Một đó là Cùng Cực. Cõi Chết từ chỗ tột cùng đó mà ra, tột cùng đó là Biến. Biến là trở lại cái nguyên thủy của mình. Đó là Cõi Chết. Có gì bí mật đâu? Có gì Bí Ẩn đâu?!"

Ta khác với Cõi Chết vì chúng ta đang sống với thực tại, cái không còn nữa và cái sẽ chớm nở lên. Ta làm cho sự vô cùng chống lại cái vô cùng, sáng tạo nên hình ảnh Thiên Đàng hay miền Cực Lạc... để đi tìm sự thanh thản của linh hồn... vứt bỏ đi thực thể của cái đạo đức sơn phết toàn sữa tươi và mật ngọt!

Khi nền văn minh càng đi vào hồi cực thịnh, con người lại càng run sợ trước cái vô cùng của vũ trụ. Càng đi sâu vào cái khoảng không mênh mông của trời đất càng chẳng tìm thấy cái gì bên trong cái thăm thẳm đó... cho đến lúc bấy giờ họ mới sực nhớ cái cứu cánh của con người không phải là sự khám phá mà là sự đầu tư tri thức để mở rộng cái mớ lý thuyết khoa học họ thu nhận được trong cái khối óc hạn hẹp đầy nhóc cả ngã mạn, và sự tự hào, tự mãn của mình! Lúc bấy giờ họ kêu lên: "Có hay không Cõi Chết"! Họ không dám nhắc đến Thiên Đàng bởi họ sợ Địa Ngục. Họ không muốn nói lên cái vĩ đại của Đất Trời bởi họ sợ mình là cát bụi!

Người tiền sử không biết hay không cần biết có linh hồn hay không đang ngự trị trong cái xác thân của mình, mà chỉ nhằm vào bên trong cái bóng đêm đen tối đó hay trong các buội bờ rậm rịt, trước những tảng đá nằm lăn lóc ở chân núi, hoặc những thân cây cổ thụ nơi rừng rú hoang vu cùng tiếng sóng cả gầm thét hay tất cả những gì họ không tài nào lý giải được! Họ tin Sự Sống và Cái Chết của bản thân mình tùy thuộc vào bên trong cái bóng đen dày dặc đó...

* * *

Cõi Chết không cần các di vật mà chỉ cần sự yên ổn!

Các tôn giáo đều có cùng một quan điểm như nhau là gột rửa cho linh hồn kẻ chết được hoàn toàn trong sạch trước khi vào nước Thiên Đàng hay miền Cực Lạc! Họ đã làm như vậy từ nhiều thiên kỷ... Có nghĩa họ đã tiễn đưa biết bao nhiêu xác chết đi vào chốn yên nghỉ nghìn thu... Và cứ như thế... họ thay mặt cho cái Thiện để dẫn dắt linh hồn của những người nằm xuống đi vào cõi vĩnh cửu cùng một công thức như nhau bất di bất dịch...

Cõi Chết không phải là ảo tưởng mà nó là sự thật. Không thời đại nào, thiên niên kỷ nào mà không nhắc tới, bàn tới, bởi mọi vật trên cõi đời này không có gì trường cửu mà chỉ là hạn kỳ tạm thời và ngắn ngủi... theo định luật sinh, lão, bệnh, tử...

Cõi chết là đó bạn hiểu chưa? Nó là một cõi vô hình có thực mà bạn không bao giờ tin được. Cũng có thể nhiều lúc bạn nhìn thấy ma, nghe tiếng ma bên tai, thoạt đầu bạn tin là có thực, vì sự thực bạn đã nhìn, đã nghe, đã thu nhận một cách rõ ràng bằng mắt thấy tai nghe và bằng cảm giác của mình trong giờ phút huyền diệu đó! Nhưng mâu thuẫn thay! rất có thể bạn không còn tin đó là sự thật... và kết luận đó chỉ là ảo giác... Khoa học và thực tế đã kéo bạn về với Sự Sống thật hiện hữu... mà Sự Sống không bao giờ muốn tin rằng có bên kia Cõi Chết! Quả Cõi Chết thật mơ hồ đến nổi dù chính mắt ta trông thấy, tai ta nghe được nhưng chẳng ai chứng minh được lời mình nói, người chết thì chẳng bao giờ đi làm nhân chứng cả!

Vậy thì người chết mới biết có Cõi Chết. Bí ẩn là ở chỗ đó. Theo thuyết nhà Phật tất cả đều chỉ là "sắc sắc không không". Tất cả chỉ là Vô Thường. Đời chẳng qua là cõi tạm. Có đó rồi không đó. Nó chỉ là một "sát na", một khanila... Chẳng có gì là thật, mà cũng chẳng có gì là vĩnh viễn trong cõi tạm này!

Vậy thì Cõi Chết là đó. Là tất cả những dây mơ rễ má không còn dính líu đến tâm tư của mình. Kinh Dzyan nơi tiết 4 mục B nói về cái Đại Nguyên Nhân nơi tiểu tiết B là những nguyên nhân của Sự Vật.Mỗi một Nhân ấy là một Quả và rồi mỗi một Quả lại là một Nhân của cái quả tiếp theo sau đó... Những "Nguyên Nhân" đều phải chấp hành bởi bị ảnh hưởng qui luật chung của đất trời mà chẳng ai có thể tránh được.

Bạn hỏi tôi: nếu quả có Cõi Chết liệu có sự luân hồi chăng? Bạn sợ có sự luân hồi nếu quả thực có Cõi Chết? Nếu bạn tin là có thì tôi hay bạn hoặc tất cả mọi người trên thế gian này đang trả cái nợ của chúng ta tạo ra từ bao kiếp trước. Vậy cái có của chúng ta hiện hữu là di sản của chúng ta đã tạo ra từ bao nhiêu kiếp tồn trữ lại.

Bạn có bao giờ nghĩ rằng tôn giáo lúc nào cũng từ chối truyền thông với Cõi Vô Hình không? Điều làm cho tôn giáo nổi bật là họ duy trì quan niệm sắc bén về những lằn ranh không vượt qua được và không thể nào làm cho Sự Chết thất bại. Những tên phù thủy luôn luôn tìm đủ mọi cách thâm nhập vào tôn giáo dưới nhiều hình thức dùng quyền lực đối với bất cứ ai. Họ - những tên phù thủy - muốn chiếm thế thượng phong luôn cả nền văn minh của nhân loại. Mỗi nền văn minh đều có bí ẩn riêng tư của nó. Từ xưa nay, mọi cuộc tế lễ, mọi nền luân lý đều được đặt bày ra không phải để đi đúng với ý niệm của nó mà mục đích muốn tạo nên một sự thống trị không bằng vũ khí mà bằng lời nói nhân danh Đấng Tối Cao... của mình. Những tay phù thủy này hằng mong thực hiện niềm mơ ước của mình có đủ quyền năng để ban cho sự sống hay sự chết, sự bằng an hay bất ổn...

Con người tự thần thánh hóa cho mình mang dấu ấn của Cái Chết từ nhiều thế kỷ khắc sâu vào bờ tường đá, tạc ngay vào cả bàn thờ, vào thánh đường, chùa chiền và từ ngàn xưa đã khắc ghi trong cả kim tự tháp để ban bố cho mọi người những nấm mồ theo sự an bài bởi uy quyền của họ.

(còn tiếp)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002