Đại Chúng số 87 - phát hành ngày 1/12/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


ÁNH TRĂNG BÊN LỀ

Hoàng Mai

Chuyện tình buồn của tôi được bắt đầu từ khi tôi bước lên đại học và đây là một mối tình mang nhiều tính chất lãng mạn của riêng tôi. Với tôi nó là sự chọn lựa đầu tiên khi mới lớn, lần đầu tiên biết yêu thầm nhớ trộm. Nhưng rồi nó đã kéo dài sự nối tiếp miên viễn torng cuộc sống. Ngày xưa tôi được nghe kể về chuyện tình “Hòn Vọng Phu” đề cao vai trò của người vợ hiền, với một mối tình thủy chung tuyệt đối của người chinh phụ khi phải chờ đợi người yêu để rồi hóa thành đá. Ngày nay tôi đã nghiệm ra cái lý lẽ thầm kín mà người ta đã thủy chung trong tình yêu: Bởi vì người ta đã dành một sự yêu thương tuyệt đối cho sự chọn lựa thiêng liêng của cá nhân mình, dù là có thể sự chọn lựa có tính chất một chiều mà thôi.

Tôi gặp chàng tại ngôi trường dạy về các bộ môn Kinh Tế và Thương Mại, thuộc viện đại học Minh Đức ở Sài Gòn ngày xưa. Chàng học trên tôi hai lớp và cũng hơn tôi hai tuổi. Người to nói đây là Minh Trung, một thanh niên khôi ngô, dễ mến mà tôi đã thần tượng trong lòng và đem lòng nhớ thương âm thầm từ nhiều năm qua rồi. Sự thương nhớ đó giống như một ảo ảnh của cuộc đời đối với cuộc sống có nhiều thăng trầm và khổ sở của tôi. Lớp tôi học được tổ chức thành từng nhóm nhỏ gồm 12 sinh viên, nhóm tôi có 7 trai và 5 gái. Thông lệ nhà trường khuyến khích các lớp đàn anh chị ở lớp trên xuống hướng dẫn các khóa đàn em trong việc học hành, làm bào vở như một hình thức tutoring. Đó là lý do tôi đã quen chàng. Trong năm cô gái thì có 3 người là thân nhau như chị em ruột, đó là Lan Chi, Ngọc Anh và tôi. Cả 3 chúng tôi đều học cùng trường trung học Regina Pacis ở Sài Gòn. Khi gặp nhau tại trường Kinh Thương Minh Đức thì thật là dễ dàng cho chúng tôi thân thiện nhau hơn, vì khi học chung nhóm nên chúng tôi phải bỏ ra nhiều thời giờ với nhau. Đó là cái ưu điểm rất lợi học nhóm, mỗi thành viên trong nhóm được nâng đỡ hay đóng góp ý kiến của mình để bổ túc lẫn nhau và từ đó sự học hỏi được thăng tiến mau lẹ. Nhóm tôi được Minh Trung nhận đỡ đầu trong việc tutoring. Riêng ba cô gái chúng tôi chiếm thời giờ của chàng nhiều nhất vì thường hỏi han bài vở hay có thể vì chúng tôi chậm tiến trong việc thấu hiểu những lý thuyết kinh tế tài chánh trong học trình ở bậc đại học này. Tưởng cũng nên ghi nhận là Trung là một sinh viên  xuất sắc trong nhiều môn học. Những bài vở của chàng ghi chép, trình bày rất rõ ràng, mạch lạc dễ hiểu và dễ tham khảo. Bài dành cho chúng tôi chàng luôn luôn giải thích cặn kẽ, kỹ lưỡng. Cũng nhờ đó mà chúng tôi đã quen dần với các môn học dễ dàng hơn. Điểm khác, Trung là người rất thích thể thao, chàng có một thể lực khỏe mạnh. Chàng chơi hai môn bóng rổ và tennis. Tôi để ý khả năng thể thao của chàng từ khi tham dự buổi picnic của trường tại Công Ty Đường Biên Hòa. Đây là buổi họp quy tụ tất cả sinh viên các lớp cùng với các thầy cô của phân khoa. Pinic có nhiều sinh hoạc giải trí và những giải thi đua thể thao. Ba cô gái chúng tôi đã hậu thuẫn cho đội của Trung khi thi đấu với các đội khác. Tôi đã khám phá ra sự nhanh nhẹn với một kỹ thuật vững vàng về môn bóng rổ cũng như những đường banh tennis lả lướt nhưng rất chính xác của chàng. Từ đó tôi đâm ra yêu thích hai bộ môn này.

Lan Chi, Ngọc Anh và tôi thường hẹn nhau học ở thu viện trường, nhiều lúc học với các bạn bè trong nhóm, nhưng có những lúc chỉ có 3 đứa chúng tôi mà thôi. Trong tuần, chàng thường bỏ ra nhiều thời giờ để kèm chúng tôi. Trung rất kiên nhẫn và ít khi nào cau có đối với những bài vở mà chúng tôi thường thắc mắc hỏi đi hỏi lại. Trung có người em gái, tên Mộng Thu, bằng tuổi chúng tôi, nhưng lại học ở trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Do đó chàng xem chúng tôi như Mộng Thu. Có vài lần Trung đưa Thu vào trường thăm viếng và đã giới thiệu Mộng Thu với tụi tôi. Ngoài giờ học ở Minh Đức ra, Trung và ba cô gái chúng tôi còn học thêm Anh Văn ở Hội Việt Mỹ trên đường Mạc Đỉnh Chi. Do đó trong ngày chúng tôi có quá nhiều giờ để gặp nhau. Trung học lớp 16 ở Hội Việt Mỹ, nghĩa là cao hơn chúng tôi đến 7 lớp. Vì vậy chàng còn đóng thêm vai trò thầy giáo Anh Ngữ cho chúng tôi. Thỉnh thoảng chàng còn giúp chở chúng tôi đi học hoặc về nhà khi chúng tôi bị trở ngại phương tiện di chuyển. Nếu Trung là biểu tượng cho hình ảnh của người anh lớn tuyệt vời, thì cá nhân tôi nhìn chàng xa hơn ước vọng làm anh cho tôi. Dù chơi thân với Ngọc Anh và Lan Chi, nhưng mỗi khi thầy Trung chở các bạn tôi trên xe, lòng tôi bỗng dâng lên một sự ích kỷ nào đó, tôi nghĩ là tôi đã yêu chàng và được độc quyền về chàng mà thôi. Riêng với Trung thì chàng rất tế nhị và dễ tính. Mỗi khi cần đến sự giúp đỡ, chàng ít khi nào từ chối một ai. Một hôm tôi đứng trước Hội Việt Mỹ đợi xe nhà đến rước về, nhưng vì xe hư nên chú tài xế đã không đến được đúng hẹn, Trung chạy xe ngang và hỏi tôi muốn chàng đưa về không. Tôi đã nhận lời. Hôm đó Trung được Lan Chi cho biết là ngày đó là sinh nhật  của tôi, chàng đề nghị để chàng mời tôi đi ăn tối ở Khu La Cay Chợ Lớn. Tôi nhờ chàng vòng về nhà tôi trên đường Tú Xương để tôi dặn chị người làm tôi sẽ về trễ. Vì mỗi lần đi học trễ về tôi thường bị cha mẹ hạch hỏi đủ điều. Chính trong buổi ăn này tôi có dịp hỏi han về gia đình chàng nhiều hơn. Tôi được biết bố chàng là một vị bác sĩ học ở Pháp về và tranh cử vào Quốc Hội làm dân biểu, mẹ chàng là một dược sĩ hiện làm chủ một cửa tiệm thuốc Tây khá lớn. Hai ông bà muốn sau khi chàng học xong ở Minh Đức thì chàng sẽ xuất dương du học thêm lên cao. Tôi một chút buồn bã trong ý nghĩ, tôi hỏi chàng như vậy cơ hội được chàng giúp chúng tôi còn ít hơn 2 năm mà thôi. Chàng bảo là đúng như vậy. Nhưng rồi những biến chuyển của thời cuộc mất miền Nam đến dồn dập và chàng đã xuất dương sớm hơn dự định.

Sau tháng 4 năm 75 tôi được tin nhiều bạn bè và thầy cô đã ra xứ ngoại, lòng tôi quá chán nản và không còn thiết tha muốn đến trường nữa, vì nơi đó chỉ làm tôi buồn thêm, vì tôi sẽ không còn gặp Lan Chi, Ngọc Anh, các bạn bè, nhất là Minh Trung đã có cơ hội bỏ ra đi. Bố tôi bị gọi đi “cải tạo”, mẹ tôi cố gắng cho từng đứa con ra đi. Anh lớn tôi đã du học ở Pháp từ trước và đã kết hôn với một phụ nữ địa phương. Chị em chúng tôi còn lại ở Việt Nam có vượt biên ra đi nhiều lần đã thất bại, có lần tôi và các em bị ở tù ở Rạch Giá. Nhưng ước vọng vượt biên vẫn chưa nguôi. Năm 78 tôi và hai cậu em trai đã vượt biên thành công sang Thái Lan, rồi anh tôi bảo lãnh chúng tôi sang Pháp. Chúng tôi ở chung với anh lớn tôi được vài tháng ngắn ngủi, nhưng vì những tế nhị với người chị dâu Pháp nên chị em chúng tôi dọn ra ở riêng và tự túc lo lấy mình. Tôi phải nuôi hai cậu em ăn học thay bố mẹ vẫn còn kẹt ở bên nhà. Ban ngày tôi đi làm, ban đêm đến trường học thêm nghề nghiệp. Tôi thích làm nghề data entry và từ đó tìm hiểu học hỏi thêm về computer và tôi càng thích lãnh vực vi tính hơn. Tại Paris đã có nhiều chàng trai địa phương theo tôi, nhưng cái hình ảnh của Trung vẫn ngự trị trong tim tôi, nên tôi chỉ từ chối mọi liên hệ tình cảm với họ và tiếp tục trách nhiệm lo cho hai cậu em ăn học để các em có tương lai sau này. Dĩ nhiên tôi vẫn nuôi một hoài bão là ngày nào đó sẽ gặp lại Trung. Một ngày kia tôi gặp một thanh niên mang nhiều phong cách rất galant và dáng dấp như Minh Trung, chàng tên là Đức Hùng từ Canada sang hãng tôi để huấn luyện chúng tôi về cách sử dụng những chương trình softwares mới. Hùng theo đuổi tôi ráo riết, vì mang một hình ảnh na ná như Trung nên tôi đã ngã lòng đồng ý làm bạn và tháp tùng chàng đi chơi ở những thắng cảnh du lịch ở Âu Châu từ Pháp đến Đức, Thụy Sĩ  và Ý. Dần dần tôi chấp nhận Hùng trong cuộc sống. Đến năm 83 thì hai cậu em tôi đã hoàn tất đại học và cũng là năm Hùng phải về lại Canada vì hợp đồng đã hết hạn và chàng thúc giục tôi theo chàng sang Montreal. Tôi đã lưỡng lự giữa sự chọn lựa phải bỏ hai cậu em ở lại Pháp hoặc theo Hùng về Canada. Cuối cùng tôi chọn quyết định ra đi vì tương lai. Cuộc sống ở Pháp càng khó khăn vì kinh tế yếu kém, thất nghiệp nhiều. Vả lại sang Bắc Mỹ tôi có dịp gặp lại Lan Chi hiện ở Toronto, Ngọc Anh và Trung ở Mỹ. Phần khác thì chị tôi đã sang Mỹ theo gia đình chồng bảo lãnh. Nên bắc Mỹ sẽ là vùng đầy hứa hẹn cho tôi.

Tôi bắt đầu định cư ở vùng đất mới Canada, tôi gặp ít trở ngại về ngôn ngữ tại Montreal vì tôi dùng song ngữ Anh và Pháp. Tôi ghi tên học lại đại học để lấy bằng cử nhân bốn năm. Hùng khuyến khích tôi chọn ngành Management Information System (MIS), một ngành thiêng về thương mại và điện toán, đúng với khả năng và sở thích của tôi. Ngoài ra, ở ngoài thị trường cần nhiều chuyên viên về MIS. Khi tôi gần xong năm thứ tư thì tôi phải gián đoạn việc học vì phải sinh đứa con đầu lòng. Đây cũng là khúc quanh quẩn trong tình cảm giữa tôi và Hùng. Tôi khám phá ra chàng đã dan díu với một phụ nữ làm cùng sở từ lâu rồi. Những bạn bè cùng sở với chàng đã cho tôi biết khi họ đến nhà thăm tôi sau khi cháu Vinh chào đời. Tôi càng chán nản Hùng bao nhiêu thì lại càng nhớ về Trung bấy nhiêu. Trong những phút suy nghĩ mông lung tôi đã giũ lấy cái hoài bão nhất định sẽ đi tìm Minh Trung. Tôi vẫn ao ước chàng vẫn còn độc thân và chờ đợi tôi. Những cãi vả giữa tôi và Hùng càng ngày càng trở nên dữ dội và căng thẳng, Hùng đề nghị đến giải pháp ly dị. Nhớ về Trung, tôi không một mải mai lưỡng lự, tôi đã đồng ý ký giấy tờ ly dị mà tôi chẳng cần những giúp đỡ của Hùng. Tôi muốn dứt khoát hẳn với Hùng và không còn muốn giữ một sự dính líu nào từ đây về sau, mặc dù theo sự thỏa thuận tôi sẽ giữ lấy cháu Vinh như kỷ niệm cuối cùng giữa tôi và Hùng. Vợ chồng Lan Chi từ Toronto khuyên tôi dọn về ở với họ. Chồng Lan Chi là một bác sĩ khá thành công, nên cuộc sống của họ rất khá giả. Lan Chi chỉ ở nhà nuôi con. Chi đề nghị tôi đi học tiếp một văn bằng bachelor và nàng sẽ giúp tôi trông cháu Vinh mỗi khi tôi đi học hay đi làm part time. Tôi xong văn bằng mau chóng và nhận việc làm cho một công ty lớn gốc Hoa Kỳ và có chi nhánh ở Canada. Hai năm sau đó tôi được tin bố mẹ tôi sang Califormia theo diện HO. Tôi xin thuyên chuyển về chi nhánh ở Mỹ tại Irvine. Đơn xin của tôi được chấp thuận. Đây là một nỗi mừng lớn đối với tôi, nhưng với Lan Chi thì lại khác, nàng sẽ cô đơn ở laị Canada, vì tất cả gia đình nàng đều ở Mỹ và bây giờ tôi lại ra đi xa Chi. Như vậy Chi sẽ không còn nhiều người thân ở Toronto nữa.

California quả thật là một vùng đất hứa cho người Việt Nam từ đó vươn lên, tự do phát triển những đóng góp và những tài năng của mình. Tôi đã gặp lại bố mẹ tôi, gia đình chị tôi và một cậu em trai đã lập gia đình với một cô gái người Việt Nam tại Cali, và tôi cũng gạp lại Ngọc Anh. Ngọc Anh đã lập gia đình và có hai cháu nhỏ, chồng nàng là một quản trị viên cao cấp cho một hãng hàng không thương mại Hoa Kỳ. Bao nhiêu nỗi vui mừng đã đến với tôi. Giai đoạn đầu tôi ở chung với bố mẹ tôi, tôi đi học và học tiếp lên cao học tài chánh (MBA in Finance). Hãng tôi làm càng phát triển thêm thì tôi được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn, nhất là sau khi tôi hoàn tất xong văn bằng cao học tài chánh. Điạ vị tôi vững vàng với lương bổng khá hậu hĩ. Con trai tôi cũng học xong trung học và chuẩn bị sang Boston học đại học ở đó. Cuộc đời trước mắt là một màu xanh đầy hy vọng về tương lai nghề nghiệp và nỗi hạnh phúc vui mừng đoàn tụ với gia đình cha mẹ, chị em, nhưng tôi vẫn thiếu một thứ gì mà tôi hằng theo đuổi, ao ước từ lâu. Đó là yếu tố tình cảm đối với Minh Trung. Đây là động lực chính để cho tôi ôm ấp niềm tin, cho tôi ấp ủ một cuộc sống với nhiều sinh động để cố gắng hơn và yêu đời hơn.

Một hôm vợ chồng Ngọc Anh và tôi đi dự đám cưới của một người bạn thân với chồng Ngọc Anh. Tại buổi đám cưới tình cờ chúng tôi gặp lại Mộng Thu, em gái của Trung. Chồng của Mộng Thu là bạn học cùng trường Taberd với chồng Ngọc Anh. Trái đất bao giờ cũng tròn là vậy, cái mà người Mỹ gọi là “it’s a small world”. Tôi, Ngọc Anh và Mộng Thu nhắc về những kỷ niệm xưa và nhất là về Minh Trung. Tin “sét đánh” đến với tôi là Trung đã lập gia đình và có hai cháu nhỏ. Vợ chồng Trung đều là nha sĩ và đang hành nghề ở tiểu bang New Jersey. Bao nhiêu hoài bão của tôi để gặp lại Trung trong hạnh phúc hôn nhân với tôi đã bị cuốn trôi theo chiều gió. Tôi cảm thấy mình cô đơn hơn và tủi thân hơn. Cái hạnh phúc tầm thường do tôi đã tìm kiếm hình như quá xa tầm tay với và sẽ không bao giờ có được trong cuộc sống này.

Hè năm 99, gia đình Trung dọn về nam Cali. Ngày khai trương phòng mạch chàng có mời nhiều bạn bè cũ, vợ chồng Lan Chi từ Canada, vợ chồng Ngọc Anh, vợ chồng Mộng Thu và tôi đều đến chia vui với vợ chồng Trung. Không khí khai trương thật vui vẻ và vợ chồng Trung có nhã ý sẽ mời vợ chồng Ngọc Anh, vợ chồng Lan Chi và tôi đến nhà chàng dự tiệc đoàn tụ bạn bè. Thấy tôi cô đơn, Mộng Thu kéo tôi sang một góc nói nhỏ. Thu muốn giới thiệu tôi cho anh chồng của nàng. Ông là một vị bác sĩ đã ly dị, hiện sống độc thân. Tôi chỉ cám ơn Thu và không trả lời dứt khoát. Trên đường lái xe chở vợ chồng Lan Chi về nhà tôi, tôi thấy một chút gì buồn rượi đã xâm chiếm tâm tư. Hôm chiều tối thứ bảy cuối tuần, tiệc hội ngộ bạn bè cứ diễn ra ở nhà Trung chỉ thiếu vợ chồng Lan Chi vì họ không sang được. Tôi thấy Trung, chồng Ngọc Anh, chồng Mộng Thu và người anh chồng của Mộng Thu đang nói chuyện ở phòng khách. Chúng tôi gồm phe phụ nữ thì loay hoay ở nhà bếp nấu nướng và chuẩn bị dọn tiệc. Hôm đó tôi có dịp biết rõ hơn về vợ Trung. Nàng tên là Mỹ Trâm, mẫu người vợ gương mẫu, nội trợ đảm đang, khôn khéo về ngoại giao và đã giúp chồng nhiều trong lãnh vực nghề nghiệp, quán xuyến cơ sở thương mại của gia đình. Mộng Thu có tính làm mai mối người anh chồng cho tôi. Vì một lý do thầm kín là Thu không biết được tôi đã nuôi dưỡng hình ảnh của anh ruột Thu trong lòng nhiều năm rồi. khi ra về Ngọc Anh đi bên cạnh tôi nói khẽ là tôi trông xin đẹp hơn Mỹ Trâm. Tôi trả lời đó không hẳn là yếu tố thành công ở đời theo quan niệm của tôi.

Ngày tết nhi đồng đến, Ngọc Anh rủ tôi đưa con gái út của Ngọc Anh đến dự lễ Trung Thu phát lồng đèn của cộng đồng người Việt ở phố Westminster và sẽ có Trung đến nữa. Tôi đến dự và gặp lại Trung dẫn hai cháu trai cầm lồng đèn đến vui đùa với những trẻ em thiếu nhi khác. Ngọc Anh lo trông coi mấy cháu nhỏ. Tôi và Trung chỉ đứng đằng xa nói chuyện. Tôi hỏi về Mỹ Trâm, chàng cho biết vợ chàng đã về quê hương thăm cha mẹ già đang đau yếu ở Sài Gòn. Tôi có nói với chàng là tôi đã gọi văn phòng chàng nhiều lần, nhưng chỉ gặp người thơ ký và Mỹ Trâm. Nên tôi rất ngại ngùng. Tôi dùng hết can đảm của mình để thú nhận với chàng là tôi đã yêu thầm chàng từ những ngày học ở Minh Đức và đến khi ra xứ ngoài từ Paris sang Toront, Montreal rồi đến Mỹ, tôi đã nuôi nhiều ước vọng cốt để được nhìn lại chàng vì tôi đã yêu chàng. Chàng tỏ vẻ ngạc nhiên về những gì tôi thổ lộ. Chàng cũng nhắc về chuyện quá khứ, về mọi sự đều chậm trễ đến với chàng vì khi mới sang cuộc sống của chàng rất vất vả lo giúp đỡ cho mấy em ăn học và cuối cùng chàng đã cố gắng hoàn tất học trình nha sĩ trễ hơn mọi người và quyết định lập gia đình ở lứa tuổi 42, do đó con chàng còn rất nhỏ. Chàng cũng thú nhận khi trước có những lúc chàng rất cô đơn nhớ đến trường cũ và nhớ đến bạn bè xưa mà không gặp được ai vì ở vùng New Jersey rất ít người Việt. Nhưng ai nấy đều yên bề gia thất rồi và chàng thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Chàng tâm sự tiếp là chàng sống rất hạnh phúc với Mỹ Trâm. Một khi chàng chọn lựa rồi thì sẽ không có sự thay đổi, chàng không muốn một cuộc hôn nhân dang dở sẽ bất lợi cho con cái của chàng. Những lời nói của Trung đã quá đủ cho tôi hiểu. Chàng đã minh xác cái chân tình của mình đối với Mỹ Trâm, mỗi lời nói như vậy là mỗi mũi kim chích vào tim tôi đau nhói. Nếu Trung đã chọn sự trung thành tuyệt đối với vợ mình như cái tên mà bố mẹ chàng đã đặt cho thì tôi thua cuộc khi lựa cho chính mình một mối tình một chiều thầm kín từ bao năm qua.

Trời đã tối đen và màn sương khuya đã xuống, chàng nói lời giã từ để đen hai cháu về nhà. Bóng của ba cha con dần dần mất hút trong bóng đếm, tôi đứng yên lặng khóc thút thít, Ngọc Anh đến bên cạnh vỗ về, nàng khuyên tôi nên sống lại với cái thực tế mới, thay vì cứ giữ mãi cái ảo ảnh trong tâm hồn từ bấy lâu nay. Nhìn vũng nước đọng bên lề đường với sự phản chiếu của ánh trăng rằm trung thu, Ngọc Anh đã ví tôi như một “Ánh Trăng Bên Lề” của cuộc sống tình cảm lẻ loi, cô đơn. Phải chăng tôi đã lãng mạn với cái ảo tưởng thiên về Trung quá nhiều? Tại sao tôi lại sống cứng nhắc với sự lãng mạn tuyệt đối này? Đó là những câu hỏi mà con tim tôi đã hoang mang và không thể giải thích nổi. Tôi tự an ủi lấy mình thì dù sao sống trong mộng với người mình thương vẫn hơn sống với người mà mình không thực sự yêu. Ngọc Anh đề nghị tôi trở lại xe ra về. Số lượng người tham dự lễ Trung Thu cũng đã thưa dần.

Thế là sau đó tôi và Trung không còn giữ liên lạc với nhau. Rồi bố tôi đau nặng, phần mẹ tôi đã già yếu, chị tôi thì không lo xuể cho ông bà vì chị vừa đi làm vừa lo chuo chồng con. Tôi quyết định đem bố mẹ về sống với tôi tại một nơi khác. Tôi đã mua một căn nhà mới khang trang hơn ở vùng Mission Veijo. Nhà trong khu vực của một cư xá gồm những căn nhà mới khánh thành. Cạnh nhà tôi có một khuôn viên có sân cỏ xanh tươi, có một hồ nhân tạo, tôi sân chơi rộng rãi dành cho những cư dân trong cư xá đến chơi tennis hay trẻ em giải trí với cầu tuột, xích đu. Mẹ tôi đã chọn căn nhà này vì mỗi chiều bà đưa bố tôi ra đây hóng gió và mỗi sáng bà có thể thả bộ tập thể dục. Tôi dành cuộc sống mới cho bố mẹ tôi để quên bớt hình ảnh của Minh Trung và dành nhiều thì giờ hơn để trau dồi nghề nghiệp. Tôi cảm thấy an phận và cuộc sống mới của tôi có mục đích đáng sống hơn.

Một hôm lái xe hướng về đến gần nhà, tôi thấy Trung đẩy một người đàn bà trung niên trên chiếc xe lăn. Tôi ngừng xe và bước xuống chào hỏi hai người. Chàng mừng bắt tay tôi và cho biết chàng vừa mua căn nhà ở phía bên trong, vì nhà tôi ở phía ngoài. Chàng nói với tôi người đàn bà trên xe chính là Mỹ Trâm. Tôi ngạc nhiên tột cùng và cảm thấy rất tội nghiệp cho Mỹ Trâm, vì ngày nay nhan sắc của nàng đã quá tàn tạ và trở thành phế nhân. Trung cho biết Mỹ Trâm vừa trải qua một cơn thập tử nhất sinh của căn bệnh tai biến mạch máu não. Hậu quả của sự bể mạch máu trên não bộ đưa nàng đến bại liệt nửa người, mất phần lớn trí nhớ và bị ảnh hưởng nặng ở giọng nói. Do đó nàng nói rất ngọng nghịu và khó nghe, nhiều lúc tâm tính lại gắt gỏng, la hét như một bệnh nhân tâm thần. Sau đó chàng xin cáo từ để đưa nàng ra khuôn viên hóng gió. Tôi cho xe vào nhà mà lòng thật ngẩn ngơ. Cái thế giới xung quanh cuộc sống chúng ta rất bấp bênh, nhiều rủi ro khó đoán trước được, nhiều khi biến đổi quá khắc nghiệt như trường hợp của Mỹ Trâm. Những khổ sở mà tôi đã từng trải qua có lẽ không thể sánh nổi những khổ sở mà Mỹ Trâm hay Trung phải gánh chịu ngày nay. Rồi ngày qua ngày, mỗi chiều đi làm về tôi ngó ngang cửa sổ bên nhà, tôi thấy vợ chồng Trung bên nhau ngồi dưới gốc cây. Mỹ Trâm ngồi trên xe lăn. Trung ngồi trên băng đá. Hình như Trung đang an ủi, vỗ về vợ mình. Những cảnh đó từ từ quen thuộc với nhãn quan của tôi, dù đôi lúc tôi muốn được ngồi cạnh Hùng như Mỹ Trâm để được nghe những lời nhắn nhủ của chàng, để được chàng an ủi trong cuộc sống buồn bã này.

Một buổi chiều tôi đang nấu ăn trong bếp thì bỗng nghe tiếng thét lớn trước cửa nhà. Tôi vén màn cửa sổ ngó ra ngoài thì trời đang mưa và chiếc xe lăn của Mỹ Trâm bị lật  ngang, nàng đang nằm dưới đất, tôi vội chạy ra phụ Trung đỡ nàng lên xe lăn. Mỹ Trâm giận dữ la khóc và dẫy dụa. Trung kể cho tôi nghe vì trời mưa nên chàng đẩy xe về nhà, Mỹ Trâm vùng vẫy vì muốn ở nán lại khuôn viên nên xe lật ngã. Bây giờ nàng giống như một đứa trẻ nhỏ và không có sự suy nghĩ của người lớn bình thường nữa. Tôi mời chàng và Mỹ Trâm vào nhà trú mưa. Nhưng chàng từ chối và vội vã đẩy chạy xe về hướng nhà chàng. Tôi đứng lặng nhìn theo ngẩn ngơ khi cơn mưa đang đổ xuống. Tôi cảm thấy ánh mắt mình có những giọt nước ấm lăn dài. Tôi không còn phân biệt nước đó là những giọt nước mưa hay những giọt nước mắt trên mắt tôi. Nếu tôi đang khóc thì tôi đã khóc cho Mỹ Trâm hay khóc cho Minh Trung hoặc khóc cho thân phận mình với gần 30 năm chôn dấu một cuộc tình thầm kín ở trong lòng? Từ trong nhà tôi tiếng máy hát vang vang tiếng ca của Cecille Dion về những ý niệm của bài “Power of Love”.

Hoàng Mai, viết tại Mission Veijo, mùa thu 2001

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002