Đại Chúng số 87 - phát hành ngày 1/12/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trước)

Bà Thục Trinh sực nhớ lại ngày còn ở với cha mẹ, hình ảnh vào những buổi chiều hè oi ả bà thường ra ngồi nơi thềm nhà cạnh giàn hoa lý, ánh nắng xuyên qua các khe hở lấp lánh như những hạt kim cương lớn bằng những viên bi tròn trải đầy cả trước mặt sân nhà. Cũng đàn bồ câu hiền lành đi tìm mồi, sẵng sàng nhường lại cho bất cứ con chim sẻ nào sà đến tranh lấy miếng mồi của mình. Cũng hàng dâm bụt sum suê hoa đỏ và cũng những thân giây chùm gởi xanh um bám lấy hàng rào tre gai đã ngã màu đen sậm đang bám sát và cố vươn lên ... Hàng đàn bướm nhởn nhơ trắng có, đen huyền có, sặc sỡ đầy mầu sác có đang chập chờn bay trên các cánh hoa đây đó... Rồi hình ảnh của cha mẹ, của các anh chị em từng sống bên nhau từ tuổi bé thơ cho đến ngày khôn lớn cùng chung một mái nhà cũng từ từ hiên lên trước mắt. Nay thì các bậc sinh thành đã ra người thiên cổ. Còn các anh chị em mỗi người mỗi ngả đã từ lâu không còn liên lạc nhau được nữa.

Ngày ra đi lấy chồng tuy chỉ cách nhăm một thôn nhưng bà chỉ về thăm nhà võn vẹn không mấy lần, có thể đếm được trên năm đầu ngón tay. Lần thứ nhất vào ngày "nhị hỷ" chú Hồ đại diện cho nhà trai đưa vợ chồng bà về với con heo quay vàng ửng còn nguyên vẹn đôi tai để tế lễ tổ tiên ông bà. Hôm ấy hàng trăm cặp mắt của cô cô chú bác, hàng họ gần xa đều đưa mắt tò mò nhìn vào lễ vật được đặt ngay giữa bàn thờ, ai nấy cũng đều hài lòng, mát dạ... Chòm xóm láng giềng đều khen lấy khen để, ca tụng bà đúng là con nhà lễ giáo, đức hạnh song toàn... Mỗi bà mỗi tiếng khen tặng, khiến bà vừa sung sướng vừa thẹn thùng tưởng chừng như ai cũng biết những gì đã xảy đến cho mình trong đêm động phòng hoa chúc.

Buổi tiệc "nhị hỉ" ngày hôm ấy cả hàng họ cũng như các ông bà hàng xóm láng giềng được dịp vừa ăn uống, vừa thuật đủ thứ chuyện thuộc về các lễ cưới hỏi. Trong các câu chuyện đó có cả chuyện con gái ông Cửu Phẩm làng bên, cũng như tiểu thư của Đại Hào Mục xóm dưới toàn là thứ gái hư hỏng làm mất đi cái danh giá của cha mẹ, họ hàng mà còn làm làm bại hoại cả tiếng tăm của làng xóm nữa:

_ Thì các bà chị không nhớ cái hôm lễ "nhị hỉ" của con gái ông Cửu Kè đó sao? Hôm ấy tôi có đến dự... rõ ràng tôi toát cả mồ hôi hột khi nhìn chú heo quay vàng hoách đó... đặt chình ình trước bàn giữa thờ tổ tiên... khiến ông bà Cửu Kè thiếu điều muốn "độn thổ" mà trốn đi cho khỏi bị mất mặt trước thập mục sở thị.

Một bà khác trộng tuổi hơn giả vờ không biết gì bèn lên tiếng hỏi:

_ Thì heo quay chẳng vàng hoách chứ còn vàng như thế nào nữa... khiến chị Tư nó phải toát cả mồ hôi như vậy?

_ Nếu chỉ vậy thì tôi đâu có nói làm gì, đầu này... bên nhà trai họ đem thẻo mất đôi lỗ tai... của con trư thiếu may mắn này... rồi cho mang đến cúng tổ tiên của dòng họ ông Cửu...

_ À, tôi nhớ ra rồi... tại vì vậy mà năm ấy vợ chồng của ông Cửu Kè phải cắt đứt nửa cánh đồng làm của hồi môn cho con gái để khỏi bị... nhà trai mang ra trước tụng đình về tội mất tiết trinh của con gái mình...

_ Thì cũng như nàng tiểu thư của cụ Đại Hào Mục ngày "nhị hỉ" cũng bị bên nhà trai mang đến con heo thẻo mất đôi vành tai khiến thiên hạ xã trên làng dưới cười chê không ít...

Nhiều chuyện gái trắc nết như vậy được mang ra kể rành mạch cho mọi người nghe, mục đích là để ca tụng bà...

Rồi không bao lâu sau đó, bà về đưa đám tang cha, năm sau nữa đến đám tang của mẹ... Nay thì đã trên hai mươi năm trường bà không còn có dịp nào về thăm quê nữa.

Kể từ ngày bán cả cơ nghiệp, bà cùng chồng lên chợ huyện tìm cách sinh lợi hầu chu cấp cho Sùng Thật trong việc học hành, mong sao cho con có ngày công thành danh toại. Bà hy sinh tất cả miễn làm sao cho chồng được thỏa nguyện, cho con được vẻ vang, còn bà thì sao cũng được. Chưa có đêm nào bà nghỉ ngơi được yên giấc. Canh ba chưa nằm, canh năm đã dậy. Cà ngày hết loai hoai với cháu lại lận bận với đàn heo đàn gà. Bà dành dụm chắt chiu từng đồng , không dám chi tiêu riêng cho mình dù đó là công lao bằng chính mồ hôi nước mắt của mình.

Dành dụm được một số, bà Thục Trinh lại mang ra giao cho con dâu để gửi đi cho Sùng Thật.Lần nào cũng vậy, Ngọc Phụng cũng can ngăn:

_ Má giữ đó mà tiêu. Nội tiền của ba với con cũng thừa đủ cho anh con ăn học.

_ Thì bà cứ giữ lại. Còn nhiều việc phải cần đến... bộ bà tưởng không có chỗ cất tiền bạc hay sao?!

Dù cho chồng với con dâu ngăn cản, bà Thục Trinh vẫn một mực đòi bỏ chung vào gửi đi cho kỳ được.

_ Miễn sao cho cục cưng mình không bị thiếu thốn là má sung sướng lắm rồi. Má đâu có chi tiêu gì, ngày liếm láp ba bữa cơm rau là đủ. Hiếm chi người họ còn ăn không đủ no bộ hai cha con ông không thấy sao!

Quốc Trung thường mang diện mạo của Sùng Thật nói cho với nghe:

_ Sùng Thật có trí thông minh phi thường. Nó có nhiều khả năng để lập nên cơ nghiệp mà chẳng phải tốn công sức mấy.

_ Ông căn cứ vào đâu mà dám nói như vậy?

_ Thì tôi đã bảo như hôm rồi. Nó nhờ có cái trán. Bộ bà không nhìn thấy cái trán nó sao. Chính cái thượng đình bóng lộn của nó đã nói lên điều đó. Tuy nhiên có một điều mà tôi muốn làm sao nói ra cho nó biết để nó đề phòng...

_ Vậy điều đó là điều gì?_ Bà Thục Trinh vội hỏi chồng.

_ Nó được cái thông minh tuyệt hảo lại mắc phải cái dễ bị sa ngã trước sự quyến rũ của vinh hoa phú quí. Điều này trái với bản tính của tôi. Đồng tiền có quí thật, song không vì cái quí đó mà làm mất đi cái đức dộ của mình.

_ Ông nói vậy, thì cho nó ăn học hết cả sự nghiệp, chữ nghĩa thánh hiền nó bỏ đi đâu?

_ Tôi hằng mong cái đạo lý thánh hiền soi sáng lương tri nó...

Bà Thục Trinh bỗng dưng cười ngất nga ngất nghẻo:

_ Hóa ra ông cũng biết làm thầy tướng nữa sao? Vậy nếu ông tài giỏi, tì tôi xin ông xủ cho tôi một quẻ chừng nào cục cưng mình nó về ?

Thì hết khóa học này là vị chi nó về. Tôi không bao giờ đoán sai...

Đang vui vẻ, bà Thục Trinh sa sầm mặt xuống:

_ Tôi chỉ lo cho nó liệu có bị đau đớn bệnh hoạn gì không, mà bấy lâu nay nó chẳng gửi một lá thư nào về thăm cha mẹ vợ con cả!

_ Rồi sẽ có. Tôi cam đoan với bà như vậy.

Câu này Quốc Trung đã nói không biết đã bao nhiêu lần rồi. Bà Thục Trinh đã quá quen với lời cam kết của chồng nên bà quay mặt nhìn ra ngoài song sổ thở dài đáp lại:

_ Thôi, khuya rồi, ngủ đi!

Đã quá canh ba, tư bề vắng lặng. Bên ngoài thỉnh thoảng có tiếng chó sủa từ đầu xa vọng lại. Bà cố tìm giấc ngủ, nhưng vẫn không thể nào chợp mắt, cứ thao thức mãi. Bà không hiểu tại vì sao mà thằng con mình nó chẳng có thư từ gửi về thăm viếng!

Trong lúc đó, Quốc Trung vì quá mệt nhọc nên nằm xuông đã đánh một giấc say sưa. Tiếng ngáy của ông nhịp nhàng theo hơi thở. Thỉnh thoảng ông ú ớ nói gì trong giấc ngủ. Còn bà Thục Trinh thì cứ trăn trở hết bên này sang bên kia. Bà lo sợ đủ điều. Bà sợ thằng con mình có thể bị lủ yêu tinh ngoại quốc cướp đoạt mất linh hồn rồi. Nếu không nay đã gần trọn ba năm mà nó chẳng thiết tha gì về với vợ với con, với cha già mẹ tếu? Bà lại đặt ra bao nhiêu nghi vấn khác. Hay là nó đang bị đau ốm gì mà không dám tin cho gia đình hay vì sợ lo buồn cho nó! Hoặc giả... nó đã...

Bà Thục Trinh không dám nghĩ tiếp nữa. Rồi bà ngủ thiếp đi từ lúc nào cho mãi đến con khứu ngoài vườn ngày nào mới sáng tinh sương cũng kêu lên inh ỏi khiến cho bà phải chổi dậy... để tiếp tục quần quật suốt ngày... không bao giờ ngơi nghỉ.

Có lần bà hỏi Quốc Trung:

_ Ông có quen ai bên ngoại quốc đó không?

_ Không! Tôi làm gì có bạn bè bên ấy!

Lúc nào bà cũng cầu xin cho Sùng Thật được khỏe mạnh. Cầu xin cho nó luôn luôn vui vẻ chóng danh toại công thành để mà về sống cạnh với vợ con nó.

Bà đang nghĩ vơ vẩn thì có tiếng ngâm nga hát ru con của Ngọc Phụng vọng ra:

"Liêu lật hề! Nhược tại viễn hành

Đăng sơn lâm thủy hề! tống tương qui...

...............................................

Bịn rịn hề! (ai kia)Như đang đi xa...

Vượt núi băng rừng qua sông đó hề! Đưa kẻ hồi quy...

Bãng lãng hề! Trời (kia) cao (vòi vọi) mà khí trời cùng với da trời trong xanh... "

Bà Thục Trinh thảng thốt, không ngờ con dâu mình có giọng ngâm kỳ diệu như vậy. Tuy không được học hành bao nhiêu song bà Thục Trinh có trí thông minh chẳng kém thua ai. Bà hiểu rõ dụng ý của con dâu muốn nói lên sợ xa vắng chồng, nỗi nhớ thương cứ chất chồng hết ngày này sang ngày khác mà chồng thì... cứ vắng bặt tăm hơi! Bà lẩm nhẩm trong miệng:"Đúng rồi, đây là đoạn Bi Thư trong Cố Biện của Tống Ngọc mà Quốc Trung có lần truyền dạy cho bà ngâm dưới những đêm trăng huyền ảo!

Tiếng ngâm Ngọc Phụng vẫn tiếp tụng vọng ra:

"... .."Khuếch Lạc hề! Kỳ lữ nhi vô hữu sanh Trù,

Trường hề! như tư tự liên.

Yến phiên phiên kỳ từ quy hề!

Thiền tịch mịch nhi vô thanh

Nhạn ung ung chi Nam du hề!"

.................................................

"Lẻ loi đây hề! Lang thang không đôi bạn,

Bâng khuâng đây hề! Mình tự thương thân.

Sao chim én kia không chịi dừng hề!

Mà giã từ bay đi.

Ve sầu kia *đó hề sao nỡ) lặng thinh... "

Bỗng có tiếng Anh Hào khóc. Ngọc Phụng vỗ về con:

_ Ngủ đi con! Con của má nằm mơ phải không?

Rồi nàng lại tiếp tục ngâm:

_ ... "Thức trắng đêm cho đến sáng, không chợp mắt được chút nào hề! Đi trong đêm thanh... Đã hiến trọn cả nửa cuộc đời (đâ) hề! Bi tai! Thu chi vi khí dã!"

* * *

Sáng hôm sau, tại cửa hàng Kim Đại Minh, Quốc Trung sung sướng nhận được thư con gửi về. Tuy vậy ông cũng không khỏi ngạc nhiên tại sao Sùng Thật lại gửi thẳng đến cửa hàng mà không gửi về nhà như thường lệ?

Đây là lá thứ nhất Sùng Thật gửi về kể từ gần trọn một năm nay. Nắn nót phong thư trong tay ông suy đoán thế nào Sùng Thật cũng kể đủ mọi thứ chuyện và đưa ra mọi lý do để nói lên sự chậm trễ thư từ của mình. Quốc Trung mỉm cười lẩm bẩm: "Tuổi trẻ mà!

Ai tránh khỏi mọi quyến rũ trước cuộc sống xa hoa, nhất lại là ở những đất nước văn minh đủ điều. Miễn là sao cuối cùng nó trở về sống với vợ con nó là được rồi.

Ông hoàn toàn tin tưởng Sùng Thật. Chính ông đã nhiều lần bảo vợ với con dâu:

_ Tôi đoan chắc với bà cùng con Ngọc Phụng. Sùng Thật là đứa con chí hiếu, tôi biết nó sẽ là người chống thủy chung, người cha tốt biết chu toàn bổn phận. Có thể vì một lý do đặc biệt nào đó nên chận trễ thư gửi về thăm gia đình. Bà với con NGọc Phụng,

đừng vì sự chậm trễ của nó mà ưu tư sinh ra bệnh hoạn mà khốn khổ!

Hôm nay bức thư ông đang cầm trên tay không thấy nó còn dày cộm nữa. Lúcx bóc ra, trong đó chỉ võn vẹn mỗi một trang giấy mỏng, viết lí nhí những dòng chữ gần như không ngay hàng thẳng lối. Có lẽ Sùng Thật viết vội vã vì một lý do nào đó, có thể vì

đau ốm nên tay bị yếu đi chăng?

Quốc Trung ngồi xuống chiếc ghế mây nơi cạnh bàn cầm thư đọc:

"Thưa ba,

Con rời xa nhà thấm thoắt đã qua ba năm rồi! Ba năm trường đằng đẵng mãi lận đận với sách đèn, do đó mà con chưa thể trở về quê hương để được làm tròn chữ hiếu phụng dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi đã xế chiều!

Đã vậy đối với mẹ con Ngọc Phụng, con cũng đành bỏ bê không làm tròn trách nhiệm của người chồng và chu toàn bổn phận của người cha. Con tự xét mình có ăn học mà hành động chẳng khác nào hạng người thiếu lương tâm, vô đạo nghĩa! Chính điều này đã làm cho con cảm thấy thật vô cùng xấu hổ!

Đọc hết đoạn này, Quốc Trung gật đầu tỏ ý hài lòng: "Ta quả không uổng công cho nó ăn học. Thế mới xứng đáng là con cái nhà họ Mã...

Quốc Trung vừa định đọc tiếp phần dưới thư thì vừa có khách hàng vào, nên đành xếp lại bỏ vào túi, đợi bán xong cho khách sẽ mở ra xem tiếp.

Suốt cả ngày hôm nay lòng Quốc Trung tràn ngập cả niềm vui. Ông luôn luôn cười nói với tất cả mọi người. Các khách hàng cũng cảm thấy vui lây trước sự niềm nở của ông đối với họ.

_ Ông Quốc Trung có cháu trai lớn rồi chứ?

_ Vâng, thưa ông có... Nó... cũng vừa lớn... lên.

_ Thế câu ấy không đến đây giúp cho ông Quốc Trung sao?

_ Không. Cháu nó còn đang du học ở ngoại quốc.

_ Du học? Thế thì ông quả thật đại phúc...

Và cứ như vậy, hết người này đến người khác hỏi han và ca tụng ông có được người con đổ đạt thành tài, làm cho làng nước cũng được thơm lây...

Quốc Trung tuy nói năng vui vẻ mà đầu óc cứ vẩn vơ với mấy dòng chữ viết của con, và tỏ ra vô cùng xúc động, tự trách mình trong suốt thời gian gần đây, mặc dù không thố lộ cùng vợ với nàng dâu, nhưng thật ra ông âm thầm oán trách , hiểu lần lòng hiếu thảo và sự chung thủy của Sùng Thật.

Đợi khách đi hết, Quốc Trung lại mang thư ra đọc:

"... Thưa ba má, hoàn cảnh hiện tại không cho phép con có thể trở về thăm viếng ba má và mẹ con Ngọc Phụng được, thật khó lòng biết trước thời gian đó sẽ mất bao nhiêu lâu nữa? Nếu cứ để tình trạng này kéo dài mãi e làm lỡ mất tuổi xuân của Ngọc Phụng, điều này quả thật lòng con vô cùng áy náy... Chẳng lẽ về sự tiến thân của mình nơi xứ lạ quê người mà để nàng phải u buồn đau khổ ?! Thưa ba, com không thể ích kỷ chỉ biết nghĩ cho riêng mình mà để mặc cho vợ con phải sống trong cảnh cô đơn như vậy trọn cả cuộc đời hay sao? Sở dĩ vì vậy con mới dám đường đột viết thư này cậy

nhờ ba má đứng ra lo liệu mọi thủ tục ly hôn giữa con và Ngọc Phụng để nàng hầu sớm lập lại cuộc đời tìm lại hạnh phúc mà bao nhiêu năm trường nay nàng đã phải chịu thiệt thòi!

Riêng về phần Anh Hào phải giải quyết ra sao xin ba má tùy nghi định liệu. Con xin tuyệt đối tuân theo lời chỉ giáo của ba má về trường hợp hoặc để Anh Hào cho Ngọc Phụng nếu nàng muốn mang theo nuôi dưỡng, hoặc ba má giữ lại để khuây khỏa nỗi buồn!

Cuối thư con kính lời cầu chúc ba má an khang trường thọ. Và xin ba má cho con chuyển lời của con thăm mẹ con Ngọc Phụng lần cuối cùng!

Con của ba má,

Sùng Thật”

(còn nữa)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002