Đại Chúng số 89 - Mừng Giáng Sinh 2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


THỬ ĐỌC LẠI KIM DUNG III: TIẾU NGẠO GIANG HỒ

Nguyên Nguyên

(tiếp theo kỳ truớc  + hết)

Lão liền vung kim trái phải trên dưới gạt hết bốn chiêu kiếm của Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung chăm chú nhìn lão ra tay. Lão dùng kim thêu gạt bốn chiêu , toàn thân không có chỗ hở.

Ngày nay cộng đồng người gay sống yên ổn hoà mình với cộng đồng người straight. Những ai có quen biết hoặc bạn bè với những cặp gay đều để ý rằng trong bất cứ cặp nào cũng có một người thủ vai người nam (mang nhiều nam tính hơn người kia), và một người thủ vai nữ, chuyên lo việc thêu thùa bếp núc trong nhà. Người thủ vai nữ rất khéo léo, tay chân nhanh nhẹn không thua gì người đàn bà nhưng thông thường hãy còn giữ sức mạnh (nội lực theo Kim Dung) của đàn ông. Kim Dung vào năm 1963 đã tạo dựng Tịch Tà kiếm pháp và chỉ dành riêng kiếm pháp đó, thật chính xác, cho loại người này. Thật tuyệt chiêu.

Cũng ở cái thời 60 đó Kim Dung đã dựng nên chuyện Lâm Bình Chi phải làm đám cưới giả với Nhạc Linh San để che mắt thiên hạ, nhất là ngụy quân tử Nhạc Bất Quần, việc mình đã trở thành gay bất đắc dĩ. Mãi cho đến khoảng cuối thập niên 1980 nhân cái chết của tài tử Rock Hudson báo chí mới bắt đầu xì ra ở Hollywood đã có không ít đám cưới giả à la Lâm Bình Chi để che mắt giới hâm mộ điện ảnh rằng tài tử nào đó không phải gay. Nhiều đám cưới của một vài tài tử nổi tiếng hiện nay vẫn còn bị xầm xì là đám cưới che mắt, mặc dù xã hội đã biến đổi rất nhiều và vẫn có nhiều tài tử hay nhà thể thao nổi tiếng công khai có một đời sống lứa đôi gay.

Tầm nhìn xa của Kim Dung còn thể hiện qua việc Kim Dung cho Đông Phương Bất Bại rồi sau này Nhậm Ngã Hành đâm ra mù quáng mang nhiều ảo tưởng thần thánh về quyền lực. Giáo chủ Đông Phương Bất Bại bắt thuộc hạ phải luôn quỳ xuống và xưng hô: Giáo chủ thiên thu vạn tải, thống nhất giang hồ. Bịnh hơn nữa thuộc hạ phải hô to: Tri ân giáo chủ, nhờ nói lên tên giáo chủ thuộc hạ cảm thấy sáng suốt hơn lên, hoặc: Ngày nào không đọc bảo huấn của giáo chủ, thì ăn không ngon ngủ không yên.

Dành một chương mô tả và châm biếm sinh hoạt tôn sùng lãnh tụ ngay ở tổng bản doanh của Ma giáo, Kim Dung chắc hẵn đã phản ảnh đến câu nói bất hủ của Lord Acton mà chính Kim Dung chắc đã từng đọc qua trong lúc theo học Luật ở Thượng Hải thuở thanh niên: Power corrupts, absolute power corrupts absolutely (Quyền lực làm hư thối con người, quyền lực tuyệt đối chắc chắn sẽ tuyệt đối làm hư thối con người).

Viết đoạn suy tôn thần thánh những người lãnh tụ như kiểu Nhậm Ngã Hành hay Đông Phương Bất Bại vào năm 1963, Kim Dung cũng gần như đã tiên đoán những gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc trong cuộc cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông vào khoảng cuối thập niên 60, hoặc việc thần thánh hoá lãnh tụ Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên. Vào thời đó nhiều người thường dân ưa cúi đầu trước những bức hình to lớn của nhà lãnh tụ treo ở các dinh thự, các quảng trường, để cầu nguyện hay tri ân nhờ hồng phúc của lãnh tụ nhà mình được tai qua nạn khỏi, hoặc đã lao động tốt. Họ dường như quên rằng chính lãnh tụ đã gây ra bao nhiêu chết chóc và kinh hoàng trong nhân dân. Ngày nay, nhất là ở các nước tiên tiến có dân trí cao, đừng nói chi đến thần thánh hoá lãnh tụ, ngay cả chuyện thần tượng hoá nhà lãnh đạo cũng đã bắt đầu bị sụp đổ hay dẹp qua một bên. Có lẽ đó cũng nhờ hồng phúc của Monica hấp tinh đại pháp đụng độ với xi-gà kiếm pháp vào cuối thế kỷ vừa qua ở Mỹ. Phần lớn nhân loại hiện nay bắt đầu ý thức rằng lãnh tụ có giỏi đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là con người thôi.

Phần lớn nhân loại hiện nay bắt đầu ý thức rằng lãnh tụ có giỏi đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là con người thôi.

Thế còn luật Ngũ Hành vận chuyển ra sao trong TNGH? Xin tóm tắt lại những điểm chính về Ngũ Hành đã trình bày trong Thử Đọc Lại Kim Dung I. Khác với lô-gích tam đoạn luận của Tây Phương: A thắng B, B thắng C, suy ra A sẽ thắng C, lô-gích Ngũ Hành sẽ cho: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, và Hoả sẽ khắc Kim trở lại. Nếu Lô-gích Tam đoạn luận được biểu diễn bằng một đường thẳng đứng, lô gích Ngũ Hành sẽ được tượng trưng bằng một vòng tròn kín.

Mạng Thủy còn được biểu tượng bằng hướng Bắc (màu Đen), Mộc hướng Đông (màu Xanh), Hoả hường Nam (màu Đỏ), Thổ miền Trung (màu Vàng), và Kim thuộc hướng Tây (màu Trắng). Ngoài chu kỳ khắc theo lôgích kiểu Tam Đoạn Luận, Ngũ Hành còn có một chu kỳ SINH tức chu kỳ hỗ trợ: Thổ hỗ trợ Kim, Kim giúp Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc giúp Hoả, và Hoả sinh Thổ.

Đầu tiên ta để ý đến Ngũ Nhạc Kiếm Phái tức năm phe phái phối hợp với nhau thành một khối liên minh, bao gồm: Phái Hằng Sơn ở phía Bắc, Thái Sơn phiá Đông, Hành Sơn phía Nam, Hoa Sơn hướng Tây và Tung Sơn thuộc miền Trung. Nhạc Bất Quần thuộc miền Tây chưởng môn Hoa Sơn thuộc mạng Kim. Kim khắc Mộc. Hoa Sơn hường Tây khắc phục được Lâm Bình Chi người Phúc Kiến hướng Đông (Mộc) của nước Tàu, thu Lâm Bình Chi làm đồ đệ rồi chôm được Tịch Tà Kiếm Phổ của họ Lâm.

Họ Lâm là một họ rất phổ thông của người Phúc Kiến và người Triều Châu. Tại Việt Nam, đa số những người Việt có họ Lâm thường có gốc gác người Hoa xuất từ Phúc Kiến hoặc Triều Châu. Họ Lâm cũng có nghĩa là rừng, liên hệ đến cây cối, tức mạng Mộc. Họ Lâm người gốc Phúc Kiến ở phía Đông nên Lâm Bình Chi chắc chắn mang mạng Mộc. Đông Phương Bất Bại cũng mạng Mộc bởi tên lão có từ ĐÔNG. Nhạc Bất Quần thuộc mạng Kim, có thể được hỗ trợ bởi mạng Thổ. Bởi vậy chưởng môn Tung Sơn Tả Lãnh Thiền, miền Trung mạng Thổ, âm mưu nhiều năm thống nhất năm phái Ngũ Hành để lên làm minh chủ, nhưng rốt cuộc lão gần như bày mâm dọn cỗ cho đối thủ lão là Nhạc Bất Quần. Thổ đã hỗ trợ Kim. Trong trận đãu giữa Nhạc Bất Quần với Tả Lãnh Thiền - Thổ với Kim không ai khắc ai - nhưng Kim Dung đã cho Bất Quần thắng và đâm mù mắt Lãnh Thiền. Chỉ nhờ ở Bất Quần xử dụng Tịch Tà kiếm pháp (thuộc mạng Mộc ở miền Đông) mới khắc chế được Lãnh Thiền, Mộc khắc Thổ.

Phái Hằng Sơn của các vị ni cô ở phiá Bắc thuộc mạng Thủy. Phái này bị phe Tung Sơn miền Trung mạng Thổ phá rối đánh cho gần như tan hàng (Thổ khắc Thủy). Thế Lệnh Hồ Xung mạng gì? Điểm đầu tiên ta để ý Kim Dung rất thích cho nhân vật chính mang mạng Hoả: Trương Vô Kỵ, Quách Tỉnh đều mang mạng Hoả. Vậy thử cho Hồ Xung mang mạng Hoả, người phía Nam xem ra sao. Tính người mang mạng Hoả: giàu tình người, nhiều trực giác, thích được thương yêu, thích sôi nổi, giao tế giỏi, hoàn toàn thích hợp với cá tính của Lệnh Hồ Xung. Hoả thường được giúp bởi Mộc (màu xanh và hướng Đông). Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương dạy cho Độc Cô cửu kiếm. Trong tên Phong Thanh Dương có hai từ Thanh và Dương đều chỉ màu xanh thuộc mạng Mộc. Ni cô cõng Hồ Xung chạy trốn lúc Hồ Xung bị thương nặng, và thầm yêu Hồ Xung suốt đời, mang tên Nghi Lâm. Lâm tức là rừng, nhiều cây cối, mạng Mộc. Người yêu thương Lệnh Hồ Xung, giúp đỡ Lệnh Hồ Xung rất nhiều, cõng Hồ Xung lên Thiếu Lâm đổi mạng mình nhờ Phương Chứng đại sư chữa bệnh cho Hồ Xung là Nhậm Doanh Doanh. Trong TNGH Kim Dung ít mô tả về màu sắc quần áo các nhân vật, nhưng lại giới thiệu Doanh Doanh bỏ trốn khỏi tổng hành dinh Ma giáo đi tham quan giang hồ với một lão tướng bodyguard mang tên Lục Trúc Ông, trong tên có TRúC ám chỉ mạng Mộc. Doanh Doanh mạng Mộc giúp đỡ mạng Hoả của Hồ Xung. Mạng Hoả của Hồ Xung khắc chế được mạng Kim của thầy cũ Nhạc Bất Quần, nhưng có thể thầm phục mạng Thủy của các ni cô phái Hằng Sơn ở phía Bắc. Bởi vậy Kim Dung cho các vị Định Dật, Định Tĩnh và Định Nhàn trối trăn cho Hồ Xung làm chưởng môn Hằng Sơn lãnh đạo toàn các ni cô, Hồ Xung cũng phải nhận bởi Hoả bị khắc phục, bị cảm hoá bởi Thủy.

Nhậm Ngã Hành mạng gì? Lúc Nhậm Ngã Hành bị Đông Phương Bất Bại (mạng Mộc) đảo chánh, Nhậm mang mạng Thổ. Mộc khắc Thổ. Kim Dung nói rõ Nhậm bị giam dưới lòng đất - mạng Thổ. Thế nhưng Nhậm lại bị giam dưới lòng Tây Hồ ở thành phố đẹp nhất Trung Quốc Hàng Châu (Tây Hồ => TÂY => mạng Kim) trong vòng 10 năm và luyện thêm được Hấp Tinh đại pháp, Tinh thường màu trắng, lại mạng Kim. Nhậm Ngã Hành sau 10 năm bị giam cầm đã chuyển dần sang mạng Kim, để rồi Kim khắc Mộc, trở ra lật đổ và giết Đông Phương giáo chủ trả được hận xưa.

Trở lại Ngũ Hành của Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Ngũ Hành ở đây cũng tương đương với Ngũ Hành của Võ Lâm Ngũ Bá: Đông Tà Hoàng Dược Sư (Mộc), Tây Độc Âu Dương Phong (Kim), Trung Thần Thông Vương Trùng Dương (Thổ), Bắc Cái Hồng Thất Công (Thủy), Đoàn Nam Đế (Hoả). Nhưng có điểm đáng kể, mạng Thổ của miền Trung trong Võ Lâm Ngũ Bá là một vai chính nhân quân tử đạo mạo oai phong (Vương Trùng Dương) thì ở TNGH một vai cực kỳ gian ác hiểm độc thể hiện qua Tả Lãnh Thiền. Nhiều tác giả từng đưa giả thiết về Những ẩn số chánh trị trong truyện Kim Dung (NNH) hoặc Dụ Ngôn về Chính Trị (VĐSB) theo đó Vương Trùng Dương biểu hiệu cho Trung Hoa, Âu Dương Phong biểu hiệu cho Âu Mỹ, Bắc Cái cho nước Nga, Đông Tà cho nước Nhật, Nam Đế cho Việt Nam (?), v.v. chắc không khỏi ngỡ ngàng khi thấy miền Trung của Tả Lãnh Thiền phái Tung Sơn, một người nham hiểm và mang nhiều tham vọng dơ bẩn, không còn là một biểu tượng đáng yêu nữa cho nước Tàu. Biểu tượng nước Nga ở phiá Bắc (phái Hằng Sơn đầy từ bi độ lượng) hoặc nước Nhật qua những người hùng phải tự cắt thằng nhỏ của mình à la Lorena Bobbitt như Lâm Bình Chi, Đông Phương Bất Bại chắc cũng không còn cơ sở lý luận vững chắc nữa. Theo thiển ý con số 5 của Võ Lâm Ngũ Bá, hoặc Ngũ Nhạc Kiếm Phái, Kim Dung chỉ đưa ra để phô trương thuyết Ngũ Hành siêu đẳng của Trung Quốc. Và lô-gích ngũ hành đó, xuyên qua cá tính sinh-khắc giữa các nhân vật với nhau, Kim Dung đã trình bày rất mạch lạc chặt chẽ.

Bản dịch TNGH mới mẻ của Vũ Đức Sao Biển và ê-kíp quả nhiên là một việc làm đáng được khích lệ và hoan nghênh. Nếu trong ngành điện ảnh Âu Mỹ người ta đã từng quay đi quay lại nhì?u phim hay xưa cũ, như Psycho, Rear Window, Dial M for Murder, the Thrêe Musketeers, v.v. rồi ở giới phim tập Hongkong cứ vài năm họ lại quay lại Tiếu Ngạo Giang Hồ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Anh Hùng Xạ Điêu, v.v. thì tại sao ở Việt Nam ta không tán thưởng công việc đưa chiếc bình mới để chứa rượu cũ này.

Trong bản dịch mới chính các tác giả cũng thừa nhận không thể hoàn toàn chuyển hết các cụm từ hoặc thành ngữ Hán sang chữ quốc ngữ. Thí dụ: Giáo chủ thiên thu vạn tải, thống nhất giang hồ. Bởi nếu chuyển hết sẽ không còn mang tính chất kiếm hiệp nữa và vô hình chung sẽ mất hết cái hay ho tinh túy của truyện Tàu nói chung và truyện chưởng Kim Dung nói riêng. Dù vậy lần chuyển ngữ này đã đem lại cho người đọc không ít thích thú, qua những từ thuộc tiếng lóng, tiếng bình dân thường được xử dụng hằng ngày. Thí dụ, rất nhiều đoạn dịch giả viết Kiếm Khách A đánh cho kiếm khách B thua te tua chạy dài. Hoặc tại hạ sẽ có ngày lên núi của các hạ để tính sổ lại, tức để thanh toán ân oán giang hồ. Nhưng vui nhất phải là đoạn Điền Bá Quang tâm sự với Lệnh Hồ Xung rằng anh ta bị Bất Giới đại sư, thân phụ của ni cô Nghi Lâm, cắt bớt phân nửa thằng nhỏ rồi! Chỗ này chính Kim Dung đã để lộ một lôgích rất chặt chẽ: Tại sao Bất Giới chỉ cắt phân nữa thằng nhỏ của Điền Bá Quang mà thôi? Kim Dung chắc chắn không cho Bất Giới cắt hết trọn thằng nhỏ của Bá Quang bởi nếu cắt hết vô hình chung Kim Dung sẽ đẩy Bá Quang vào cái nhóm tự cắt để luyện tập Tích Tà kiếm phổ, như Lâm Bình Chi, Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại! Cho Bá Quang bị mất chỉ một demi-thằng nhỏ thôi mới giữ được Bá Quang bên phe straight của Lệnh Hồ Xung.

Một điểm nữa trong bản dịch đã khiến người đọc ở ngoài nước Việt Nam không khỏi chú ý. Đó là biến đổi của ngôn ngữ, của tiếng Việt tại Việt Nam trong vòng 25 năm qua. Bây giờ người ta gọi đánh cược thay vì đánh cuộc (đánh cá) như hồi xưa. Cược đã thay cho Cuộc và đã vào các tự điển đàng hoàng.

Hy vọng bản dịch mới Tiếu Ngạo Giang Hồ sẽ đến với giới hâm mộ Kim Dung ở bên ngoài Việt Nam trong nay mai.

Nguyên Nguyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002