Đại Chúng số 90 - Ngày 15/1/2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


"NO MORE BẰNG KIỀU"

An Xuyên

"No more Bằng Kiều" đó là câu thở than chua chát của một ông khán giả tò mò muốn biết "ca sĩ Việt Cộng" ra sao, đã bỏ $35 tiền mồ hôi nước mắt mua vé vào cửa vũ trường Galaxy hôm thứ Bảy 27 tháng 10 vừa qua để nghe Bằng Kiều, nam ca sĩ con cán bộ Bắc Việt hát như thế nào. Nghe nói Bằng Kiều đã kết hôn với cô ca sĩ Trizzie Phương Trinh, một ca sĩ chuyên hát nhạc kích động để theo vợ sang Mỹ đi “show” đó đây mà không bị sự chống đối của hải ngoại. Tuy vậy, Bằng Kiều vẫn không thoát khỏi búa rìu Cali, đã bị tẩy chay ở Nam Cali nên lật đật chạy sang vùng Thủ Đô kiếm chác. Đặc biệt là tại vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, vùng mang tiếng quy tụ rất nhiều quý vị được coi là trí thức và rất nhiều quý vị H.O., nhưng thường thường rất ít khi nhạy cảm trong vấn đề chống Cộng, chỉ khi nào Việt Cộng đứng trước mặt mới la làng vài ba tiếng, đi biểu tình cũng chưa chắc dám đi, thì chẳng nghe tiếng nói chống đối nào. Theo lời ông khán giả mắc mỡm, ông đã vô cùng thất vọng trước những bản nhạc Việt Nam lai căng thác loạn, từ đầu đến cuối chỉ có thét gào với lời lẽ yêu đương vô ý nghĩa, lập đi lập lại, tìm mãi chẳng thấy dấu vết Việt Nam ở đâu. Ông khán giả này nhất quyết từ nay sẽ không bao giờ phí tiền đi xem mấy show nhảm nhí với đám ca sĩ chỉ hát toàn nhạc vá víu sản xuất từ thành Hồ nữa.

Câu chuyện mới nghe xem ra có vẻ buồn cười, ngu thì "tiền mất tật mang", nhưng nghĩ cho kỹ thì câu chuyện không phải là đơn giản, nghe qua rồi bỏ như những câu chuyện bên lề khác, bởi vì thành phần đi xem có đến vài trăm người, hầu hết là các cô các cậu choai choai trên dưới 30 tuổi, lứa tuổi rường cột của đất nước. Nếu chúng ta có mặt trong đêm ca nhạc đó, chúng ta mới thực sự thấy sự phức tạp của vấn đề. Giới trẻ Việt Nam hải ngoại đang bị đặt trong tình trạng báo động trước nguy cơ xâm lấn bằng tư tưởng của bọn Cộng Sản cố thây, nhất quyết không để cho chúng ta yên. Từ Bắc đã đuổi chúng ta vào Nam. Từ Nam, đang đuổi theo chúng ta đến Mỹ, bám sát chúng ta như đỉa đeo hút máu, khiến chúng ta cả đời phải ai oán vì sống không quê hương, nay lại đang mưu toan bắt cóc con em chúng ta bằng tư tưởng.

Chúng ta nghĩ sao nếu con em chúng ta trở thành người mất gốc, không lý tưởng quốc gia, bị ru ngủ bằng những bản nhạc tình yêu loạn cuồng, không còn nhớ đến niềm đau vượt biển, những năm tháng tù đày, những buôn thúng bán bưng bị rượt bắt hàng ngày trên hè phố, và những bữa cơm tủi hổ của mẹ cha? Chúng ta nghĩ sao nếu con em chúng ta lần hồi sẽ quên hết sự chà đạp nhân phẩm con người, sự áp bức tư tưởng, sự âm thầm tiêu diệt tôn giáo của lũ đồ tể lãnh đạo Cộng Sản đang đè nặng trên vai hơn 80 triệu dân chúng Việt Nam trong nước? Chúng ta nghĩ sao nếu con em chúng ta một ngày kia sẽ thấm nhuần những bản nhạc không còn âm hưởng dân tộc, sẽ hòa đồng văn hóa với bọn Cộng Sản khát máu, trở về tiếp tay lũ xâm lăng, làm khổ dân lành? Chúng ta nghĩ sao khi nhìn con em chúng ta say mê, nhảy múa, hò hét qua những bản nhạc lai căng man rợ vì đã không được chúng ta hướng dẫn đúng mức, vì sự giao tiếp thân mật với đám con cái cán bộ du học mà chúng ta đã miệt mài chạy theo đời sống không hề hay biết?

Nền ca nhạc hải ngoại cũng cần phải đặt trong tình trạng báo động. Không những con em chúng ta, mà rồi đây, cả chúng ta cũng sẽ bị xâm lấn bằng tư tưởng của bọn cố thây Cộng Sản lúc nào không hay bởi chiến dịch vết dầu loang của chúng bọn. Vì quyền lợi cá nhân, vì tiền bạc đã làm mờ lương tri, một số người đang chạy theo lũ cán bộ Việt Nam về thâu băng, thâu hình, đem ra hải ngoại bán với giá rẻ mạt, giết hại nền ca nhạc hải ngoại như tiệm Kim Lợi ở Cali. Điều đau đớn nhất, tủi nhục nhất là người môi giới cho Kim Lợi và lũ cán bộ lại là một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, người đã quên đi cái nhục mất nước, quên đi cả sự hy sinh một phần thân thể của chính mình để bắt tay với bọn Cộng Sản, làm giàu trên xương máu đồng bào ruột thịt. Hàng ngàn cuộn băng thâu hình vội vã, nội dung nghèo nàn, hình thức thô thiển đã được tung ra thị trường hải ngoại bán với giá vứt đi. Hàng trăm dĩa nhạc âm thanh lem nhem cũng được bày bán ê hề, khêu gợi thị hiếu tham rẻ của khách hàng. Nhiều người đã cưỡng lại sự hấp dẫn của giá cả thời gian đầu, lần hồi nhìn thấy bạn bè mua, cũng "phá giới" mua theo, không còn ngần ngại sợ tiếp tay bọn thương gia phản bội đất nước như trước nữa. Ngay cả trung tâm Paris By Night, một trung tâm ca nhạc nổi tiếng của hải ngoại, chắc chắn không nghèo đến độ bất chấp mọi chống đối, một Nguyễn Ngọc Ngạn với quá khứ vợ con chết trên đường đi tìm tự do, nổi tiếng trong giới văn bút, không đến nỗi coi thường mọi miệt khinh, vậy mà cũng không từ chối nổi đồng tiền trước mặt, đã bỉ ổi cho ra đời cuộn băng B40 với hình ảnh bôi bác, với bông lúa hồng của gã Việt Cộng đội lốt thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bọn Việt Cộng còn quen thói lưu manh, dụ dỗ, cấu kết với các "ông bà bầu ca nhạc" trước tới giờ sống bằng đồng tiền của người quốc gia yêu nghệ thuật khiến các ông bà bầu quay lưng, thay vì nâng đỡ ca nhạc sĩ hải ngoại, lại mưu đồ đưa đám ca sĩ con cán bộ ra ngoại quốc trình làng. Chung quy cũng vì đồng tiền dơ bẩn của lũ cán bộ, để rồi sẽ rơi vào cạm bẫy xâm lăng của bọn chúng thêm một lần nữa trên đất khách. Không biết có phải vì đụng độ sự phản đối quyết liệt của người Việt tỵ nạn hải ngoại đối với trò “giao lưu văn hóa” hèn hạ mà bây giờ bọn chúng thay đổi âm mưu bằng cách cho ca sĩ Việt Nam “kết hôn” với ca sĩ hải ngoại để đường đường chính chính xuất hiện trên sân khấu, hát tha hồ những bản nhạc Việt Nam không ra Việt Nam không bị xua đuổi hay không? Một ngày nào, khi các ca sĩ gia nô của Việt Cộng như Lam Trường, Phương Thanh cũng có mặt trên sân khấu Mỹ quốc thì chúng ta phải hiểu vấn để không còn đơn giản chỉ có vậy, bởi vì chúng ta và con em chúng ta sắp sửa bị đầu độc bằng các bản nhạc tuyên truyền ngoại lai, xích lại gần Xã Hội Chủ Nghĩa của già Hồ lúc nào không hay. Ngoại trừ các ca sĩ này thay đổi, từ bỏ hàng ngủ Cộng Sản, hát nhạc chọn lọc của hải ngoại như ca sĩ Ái Vân chẳng hạn thì vấn đề mới không quá ưu tư.

Tuy nhiên, nói đi thì phải có nói lại. Tình trạng nhạc Việt Nam xâm chiếm thị trường hải ngoại cũng phần nào vì tình trạng khan hiếm sáng tác mới của nhạc sĩ cộng đồng tỵ nạn. Không biết hamburgers hay công việc làm ăn vất vả đã thui chột sự sáng tác của các nhạc sĩ. Nhạc mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn không đủ sức hấp dẫn giới trẻ, không phản ảnh tâm tư thế hệ đang lên. Những tài năng mới cũng không tồn tại lâu. Lê Tín Hương và Ngọc Trọng đã vắng bóng thị trường sau vài ba bản chào đời: "Có Những Niềm Riêng" và "Buồn Vương Tà Áo". Lam Phương, Nhật Trường, Đức Huy, Nhật Bằng, Trần Thiện Thanh, Ngô Thụy Miên cũng chỉ sáng tác cầm chừng. Trong khi tài năng mới, sáng tác mới không được phát triển và phổ biến rộng rãi, chúng ta lại quá lỏng lẻo trong các sinh hoạt ca nhạc, để cho nhạc Việt Nam trong nước len lỏi đến độ có bản nhạc chúng ta không còn nhận diện được xuất xứ của bản nhạc đó từ đâu. Nghe nhạc, hát nhạc mà không phân biệt được đó là nhạc Quốc Gia hay nhạc Cộng Sản. Chỉ có nước nghe thật kỹ nếu có thét gào thì biết là chính nó. Có người vô tình hát mà không biết họ đang làm quảng cáo không công cho nền ca nhạc băng hoại của Cộng Sản. Nếu chúng ta không sớm cảnh tỉnh, đến một ngày nào đó, biên giới văn hóa giữa hải ngoại chúng ta và bọn sắt máu Cộng Sản trong nước sẽ bị xóa tan, con em chúng ta sẽ thuộc lòng những bản nhạc mất gốc. Lúc đó, chúng ta sẽ không biết cách nào để giáo huấn con em cương quyết không hợp tác với bọn Cộng Sản gian manh khi chính chúng ta đang hòa đồng văn hóa với bọn chúng.

Tầng lớp trẻ rất dễ bị phân hóa, lũ thanh niên sinh viên con cán bộ trong nước qua Mỹ du học sẽ ảnh hưởng không ít con em của chúng ta. Trước nguy cơ này đây, chúng ta cần phải đẩy mạnh văn học nghệ thuật của chúng ta hơn lên nữa để những kẻ mưu đồ “giao lưu văn hóa” phải lùi bước. Chúng ta cần khuyến khích các trung tâm băng nhạc mở lòng đãi ngộ thi nhạc sĩ hải ngoại, tạo điều kiện dễ dàng cho tài năng mới sáng tác theo truyền thống dân tộc. Nhiều nhạc sĩ có hoặc chưa có tên tuổi trong làng ca nhạc, sáng tác tại các địa phương không được phổ biến rộng rãi, cần sự trợ giúp mạnh mẽ của các trung tâm băng nhạc mới có thể phát triển và ảnh hưởng sâu đậm đời sống tinh thần của cộng đồng hải ngoại. Đồng thời chúng ta ủng hộ các trung tâm băng nhạc đứng đắn, mua trực tiếp không thâu đi thâu lại, khuyến khích con em nghe nhạc chúng ta chọn là cách giúp đỡ gián tiếp nền ca nhạc hải ngoại đang trên đà suy thoái được phục hồi.

An Xuyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002