|
|
Giới Thiệu |
QUANH QUẨN CHUYỆN BÀ MÈO
Một hôm ngồi nhâm nhi cùng anh giáo nổi tiếng giỏi nhất trên đời về bất cứ ngón ngành gì, bất chợt nhìn thấy chú mèo mỏ đỏ có màu lông tam thể dễ thương đang vờn một con chuột, có thể là chú chuột "Mái", tôi sực nhớ lại chuyện "Mèo Chuột" rồi lại liên tưởng đến chữ "Bồ" mà lâu nay mình vẫn còn chưa hiểu, bèn lên tiếng hỏi: _ Anh giáo nè, tôi thường nghe tiếng "Bồ" mà tôi còn chưa rõ cái nghĩa gốc của nó là gì? Nếu anh giáo mà giải rõ được thì chiều nay đệ xin đãi một chầu... thật đặc biệt... Anh giáo lật sách rồi hí hửng: _ Chữ "bồ" là tiếng cũ của ta. Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức Hà Nội, bản in năm 1931 giảng: "Tên một thứ cỏ mềm yếu, nên thường dùng để ví người con gái: phận bồ từ vẹn chữ tòng". Còn "nhí", cũng là một tiếng xưa. Trong ngữ nôm có hai cách viết: hoặc cấu tạo với chữ NHI, bé con; viết với THIẾU, trẻ tuổi. Nên "nhí" là nhỏ, ít tuổi. Vậy "bồ nhí", là cô gái ít tuổi. Rõ ràng nhé! Các cụ cũng thâm trầm lắm. Giải nhí nhảnh, dáng lẳng lơ. Hay quá! Tuy chịu cách trình bày của anh, tôi vẫn hỏi gặng: _ Còn "bồ sứt cọp"? Nhà giáo nheo mắt: _ Nghĩa gốc tiếng "bồ" chỉ một loại đồ đựng đeo bằng tre, đáy căng bốn góc, miệng tròn có nắp đậy. Khoảng những năm trước 1950, ở miền Bắc còn những cô hàng xén, gánh hai cái bồ xinh xinh, chứa đủ loại tạp hóa: cây kim - cuộn chỉ, tới thếp giấy, cái cổ yếm... Mỗi buổi chợ, cô bước nhẹ nhàng, dáng uyển chuyển, lá áo tứ thân bay bay. Hình ảnh ấy đẹp lắm, chú ạ. Đột nhiên anh thở dài, giọng trĩu xuống: _ Nét văn hóa đó nay không còn. Văn minh cùng nghĩa với hủy diệt. Buồn thật. Buồn muốn chết! Thấy anh vòng hai tay ôm đầu gối, mắt hững hờ, mặt ủ ê, tôi nghĩ:Anh cổ thụ này đa cảm. Nhưng sợ anh sa đà, tôi sỗ sàng: _ Anh chưa làm rõ ý "sứt cạp". Giáo ta choàng dậy, lườm tôi, gắt: _ To đầu mà không thông minh - Đang u hoài một tí, nỡ phá đám. "Bồ" đựng nhiều - nặng quá nặng quá - nó bung luôn sợi mây hay lạt tre buộc ở mép ngoài mà thành méo mó. , sộc sệch... Đó là bồ sứt cạp. Chuyển sang nghĩa bóng, chỉ một phụ nữ không còn duyên con gái, thân hình nặng nề. Khen nịnh là đậm đà; phát ngôn cục mịch là to béo. Các cụ Khai Trí lấy thí dụ thẳng thừng:béo như bồ sứt cạp. Ngẫm, tôi nghĩ anh có lý. Song le, bản tính vốn tọc mạch, tôi gặng: _ Nản bồ sứt cạp, hứng chí theo bồ nhí, chẳng phải chuyện lạ ở Sàigòn. Sao có người ví von:"theo mèo". Thưa anh, nghĩa có sai khác đi không? Tưởng anh giáo lùi, không ngờ, chỉ sau ngụm nước, thêm một khói Hoa Mai, anh nhỏm người: _ Hỏi được lắm! Nhưng chú phải thấy điều này. Cùng vật nuôi trong nhà, chó với mèo khác hẳn nhau về bản chất. Chủ về, cẩu vô tư, chẳng phân biệt ông chủ hộ khẩu hay cậu út cưng, cứ ông ổng báo tin, ra cái điều tai sáng, mũi thính. Hắn chẳng đủ tinh tế nhận biết, có trường hợp người về cần êm như ru, để sau đó, lò dò từ trong buồng bước ra, vươn vai kêu rầm lên: về đã lâu, làm một giấc ngon quá! Thế mà, cẩu vẫn oang oang, đúng là quân hại chủ. Chưa hết, trời rắc vài hạt mưa, chân bẩn như ma, hắn nhảy cẳng lên, hí hửng ôm chầm lấy chủ... Thế là, váy đầm rực rỡ của bà chủ sậm thêm những vệt đen... Thực ngu như khuyển! Con mẽ ư? Ai tới, lui? Mặc! Người yểu điệu chẳng hé đôi mắt xanh, cứ lim dim sưởi nắng. Một tiếng meo cũng tiết kiệm. Chỉ những ai thường cho ăn, chăm chút... đến thật gần, con ma mảnh mới uể oải vươn vai, cong cái lưng, ve cái đuôi dài sang bên này, lại đảo dẻo sang bên kia, õng ẹo tấm thân mềm mại, dùi dụi đầu, khẽ gừ gừ trong cổ họng... Chưa hết, con quái còn nhảy tót vào lòng, nằm cuộn tròn như con rắn xúc xiểm, uốn éo cái lưng dài đưỡn, đợi vuốt ve. Cô bé nhí nhảnh muốn hớp hồn chàng trống bỏi để một bước lên đời:nhà Tây - xe Nhật - đô Mỹ... phải học thói nhõng nhẽo của mèo. Vòng tay óng ả - lời thủ thỉ rù rì ... chẳng phải gươm đao mà giết người như bỡn. Chú có đọc truyện Tàu không? Đổng Trác lộng hành, Viên Thiệu hội quân chư hầu hỏi tội, đánh không nổi... Ả Điêu Thuyển chỉ nũng nịu mấy từ, Lữ Bố vung kích đâm họ Đổng chết đứ đừ; theo Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài nhân, bị trúng tên đầy mình, Từ Hải gầm lên:"Phu nhân hại ta rồi!" Sao vậy? Ta hãy nghe Thúy Kiều khóc lóc nhận tội: Khóc rằng trí dũng có thừa Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này! Ôi! Lời ỏn thót của mỹ nhân, thực tai ương! Tai ương! Thao thao một hơi dài, giáo ta nhấp giọng hớp nước, đốt điếu thuốc rởm, lại hùng hồn: _ Mèo gợi tình, mới tuyệt vời! Tiếng lanh lảnh, nồng nàn, thê thiết... Máu lanh, cũng phải bật nhỏm. Ám ảnh nguyên thủy này được Ôn Như Hầu cảm khái đưa vào Cung Oán: Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa. A! Bước vào cuộc tình, các bậc lãng mạn nước Nam ta, chỉ mượn đến hình ảnh mây mưa của điển tích: Tiên vương nước Sở đến chơi núi Cao Đường, được thần nữ đến dâng chăn gối và thưa: "Thiếp ở Vu Sơn, buổi sớm làm mây, buổi chiều làm mưa... "Chỉ đến cõi mây mưa là thua mèo vài con giáp. Nó cuồn cuộn như chớp biển, dũng mãnh như sấm động... Tác phẩm "Chuông Gọi Hồn Ai" của Hemingway mới diễn việc cực kỳ chuẩn xác... như cơn địa chấn rền trời... vang rền tứ hướng... rồi tan biến mất vào thinh không... Đó, nó như thế đó. Cuộc tình của mèo. Đang hồi hứng khởi, anh giáo vung tay: _ Chú có biết tại sao, vấn đề của mèo lại long trời lở đất đến mái rung nhà chuyển không? Chú phải biết: đàn bà con gái có cái lưng thon, thân mềm như mèo lượn ấy, các bậc phụ lão nắm vững sách tướng, ai cũng vuốt râu khen: Những người thắt đáy lưng ong Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con. Anh hỏi thực: Chú có biết "chiều chồng" là thế nào không? Thấy anh xếp hạng vào loại ngáo - ăn cơm nhà, uống trà vợ - tôi giận quá nói dỗi: _ Ông giảng đi! Nào ngờ, cái anh chàng cứ tưởng mình là đáo để, lại không hiểu được vẻ mỉa mai của tôi mà cứ hào hứng: _ Nàng Kiều của Nguyễn Du được Tú bà rỉ tai rằng: Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời. Nghệ thuật đấy! Đạt đến đỉnh cao, nó tạo ra bùng nổ của vũ trụ. Chú hiểu rồi chứ? Còn điều tuyệt cú này. Bọn dậu-hợi-tuất... đều là quân cẩu trệ vô liêm sỉ. Giữa thanh thiên bạch nhật, đông đảo chị nọ, chú kia... bọn chúng cứ huỳnh huỵch yêu nhau. Thiệt dơ dáng dại hình. Còn mèo? Đúng con nhà tông có giáo dục. Phơi phới đưa nhau lên đỉnh cao. Mấy tay săn hình xây sự nghiệp, phải chịu phép... thua. Trong thập nhị chi (Tý-sửu-dần-mão-thìn... ) cổ nhân đặt mèo trước rồng, ý vị lắm. Rồng biểu tượng của quyền quí nhưng vô thực. Còn mão có oai của rồng; cần của sửu và giảo của tý... Nghe diễn nôm như vậy, tôi bán tín bán nghi, lý nghe cũng xuôi xuôi, mặc dù tình còn có điều ấm ách. Ngó nét mặt đần đần của tôi, anh càng đắc ý: _ Đến nghệ thuật vòi vĩnh mèo mới thần sầu. Kinh Thi có bài "Thạc Thử" - con chuột mập - như sau: Thạc thử, thạc thử Vô thực ngã mạch Dịch: Chuốt mập, chuột mập Đừng ăn lúc mạch của ta... Ý ta thán bọn tham nhũng đục khoét, dân lành chịu không thấu phải tính đường bỏ xứ... Nhưng chuột thuộc lũ quân dưới, tay sai. Chúa trùm tham ô là mèo! _ Của đáng tội, mèo cũng có nhièu nết đẹp. Anh gà, cậu chó, chị heo... cứ gặp đâu gửi đó. Sống kiểu happy thoải mái. Riêng mèo, lấy chân bươi miếng đất;xong việc. lấp lại - mới đi... Đúng tác phong văn minh. Đối với cái chết, mèo ung dung thư thới, chuẩn bị còn hơn một nhà nho vui theo mệnh trời. Chỉ mèo mới tự biết khoảng thời gian chuyển cõi mà tìm cho mình một chỗ cô tịch. Không đọc thơ cổ: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu Dịch: Người đẹp ngàn xưa như tướng giỏi Chẳng hẹn cùng ai thấy bạc đầu. Thế mà, mèo sống đúng tinh thần của thơ. Một điểm thời gian nào đó, mèo vắng bóng... Không một ai có thể tìm ra tung tích. Đến một lúc không định, ai đó mới gặp bộ xương mèo gửi lại. Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Khổng Minh gạt nước mắt trước linh cửu Châu Du... chính vào lúc này. Mèo chết, hết chuyện. Đáng lẽ tôi phải biết vậy. Khổ nỗi, tôi lại ngờ nghệch hỏi thêm: _ Thưa anh, mèo với chuột thù nghịch truyền kiếp, sao có từ "mèo chuột"? Giáo ta nhìn bằng ánh mắt hơn cả lời mắng. Anh đứng dậy, lúi húi tìm cuốn sổ tay. Đoạn khủng khỉnh: _ Dốt! Mèo chuột là từ ngữ chỉ cho phường khoái cái chuyện chuột mèo. Nó cùng một loại, chim chuột, mèo mỡ... trai gái xí xọn đeo đuổi nhau... Nó thế này:Chuột chơi với mèo, rất dễ bị mèo ăn tươi nuốt sống;đánh đu với chim cú, chim diều... là tình nguyện được thôi miên, sẵn sàng đón nhận một cái "đi đong" bất ngờ. Còn đem thân làm miếng mỡ đặt trước miệng mèo , không có chuyện mèo ngún nguẩy bỏ đi. Nói chuyện mèo chuột dù nói mãi vẫn còn. Khối chuyện mà nói. Nhưng kết luận thì chỉ có một rường một mối. "Tịch". Đầu nào cũng "tịch". Anh ngừng lời vớ lấy bình nước vối, tu một mạch. Thằng tôi, rất ư là sáng dạ, hiểu rằng chàng giáo đã mệt phờ nên ngỏ lời cáo biệt. Đúng phép thì phải mời chàng ra quán để "phè" một bữa ngọ. Khổ nỗi, cái khó bó cái khôn, nên đành làm cái thằng u mê cho đỡ khổ... Đang lúng ta lúng túng như chú chuột muốn chạy vào hang nhưng nghiệt nỗi o mèo cứ đứng thự ra đó mà le lưỡi liếm mếp như thể cơn nghiền mỡ đang lên... thì giáo ta đã mắng như xối nước: _ Này! chú đừng có rửng mỡ nhé... Giận thiệt, chỉ một buổi sáng, anh giáo công xúc tu xỉ tới hai lần. Nên, từ chỗ ngượng ngùng, tôi đổi ngay sang thái độ sung sướng, dù chỉ là sung sướng gượng gạo, cúi đầu chào chàng giáo rất ư là cung kính, miệng nở nụ cười rất tươi, hẹn một dịp khác đi "phè" nói thêm chuyện chuột mèo rửng mỡ... rồi thảnh thơi ra về... Nghe nói, đêm ấy, anh giáo không ngủ được, mở tự điển ra tìm thêm cái nghĩa của danh từ "mèo chuột". Lữ Quốc Văn
|
Copyright (c) DaiChung News Media 2002