Đại Chúng số 90 - Ngày 15/1/2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MỘT DÂN TỘC YÊU ÂM NHẠC VÀ
MỘT THỜI KỲ ÂM NHẠC DÂN TỘC

Đông Văn

TRONG BỐI CẢNH CỦA MỘT ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM triền miên chiến tranh và nghèo khó từ năm 1940 đến năm 1975,có một thời kỳ có thể được coi là vàng son của nền âm nhạc dân tộc. Đây là một giai đoạn nghệ thuật âm nhạc đặc biệt phát triển vô cùng phong phú và đa dạng. Một số đông đảo chưa từng thấy các nghệ sĩ tài hoa đã sáng tác các nhạc phẩm tạo được một ảnh hưởng rộng lớn trong đại chúng,nhất là giới thanh thiếu niên khắp cả nước từ năm 1940 đến 1954 và tại Miền Nam từ năm 1955 đến 1975. Những khúc ca vừa lãng mạn vừa hào hùng này đã thật sự tồn tại trong trái tim người Việt yêu quê hương đất nước, để rồi theo nhịp đập có lúc êm đềm với những âm ba quyến rũ, có lúc tươi vui rào rạc theo sóng nhạc tuôn chảy, có lúc bừng bừng như triều dâng trong huyết quản.

Chỉ một vài câu giản dị trong Tình ca của Phạm Duy cũng đủ diễn tả trọn vẹn tính chuộng nhạc và tình yêu quê hương của người Việt:

"Tiếng nước tôi,tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi

Bốn ngàn năm thành tiếng lòng tôi."

Thật vậy, từ hàng ngàn năm trước bất cứ một đứa trẻ Việt Nam nào sau khi khóc chào đời đều được mẹ hát ru dỗ giấc cho đến tuổi lên ba lên năm, hơn thế nữa trẻ từ trong bụng mẹ đã "thấm" những câu ca đầy tình tự quê hương mà mẹ nó ru các anh chị. Âm nhạc Việt thực sự đã hiện diện từ thời tổ tiên buổi đầu dựng nước: các nhạc cụ tuy lâu đời nhưng rất tinh vi như trống đồng Đông Sơn, đàn đá Darlac nay được tìm thấy (còn các nhạc khí khác số lượng hẳn nhiều hơn nhưng thô sơ hơn đã bị hủy hoại qua thời gian) chứng tỏ rằng môn nghệ thuật này từ xưa đã đạt trình độ cao và gắn bó lâu dài với lịch sử dân tộc. Âm nhạc cũng đã từng là phương tiện giao duyên cho nam nữ từ thờ vua Hùng như được truyền tụng trong dân gian câu chuyện tình Trương Chi - Mỵ Nương; em bé chăn trâu thổi sáo đã bao đời vô cùng quen thuộc.

Nhận xét về người Việt, một nhà nghiên cứu nhân văn ngôn ngữ người phương Tây đã nói rằng:"Người Việt nói cũng như hát". Câu này không riêng ám chỉ về ngữ điệu mà rộng xa hơn: trong mọi sinh hoạt hàng ngày từ phố thị đến làng quê, trên miền núi xuống đồng bằng,trong cung đình,ngoài dân gian, khi lao động lúc thư nhàn, trong đau khổ hoặc hạnh phúc, hồi thái bình cũng như hồi chinh chiến,lúc hội hè khi tế lễ người Việt lúc nào cũng hát. Lại tùy từng địa phương, từng miền hoặc tín ngưỡng khác nhau, âm nhạc Việt có nhiều thể loại và thể điệu rất đa dạng; cải lương. Hát bộ, ca trù, quan họ, trống quân, ca Huế, hò Quảng, hò Nam Bộ, chầu văn, hát cung đình, hát tế lễ, kinh tôn giáo, vè, ngâm thơ... Thật khó tưởng tượng một dân tộc nào khác lại có một nền âm nhạc phong phú đến thế!

Không giống như các nghệ thuật khác như văn, thi, họa, đôi khi được coi là "kính nhi viễn chi" đối với đại chúng; nhạc là loại nghệ thuật tâm cảm không đòi hỏi trình độ, không cần diễn dịch, thậm chí không cần lời...Nhạc bay bổng bay xa, vu7ợt thời gian và không gian, không bị kiềm tỏa bởi bất cứ áp lực nào để đi thẳng đến tâm hồn mọi người. Sức hấp dẫn của nhạc có thể cùng lúc đến hàng vạn người như tiếng sáo Trương Lương đối với quân Sở hồi hai ngàn năm trước, và cùng lúc đến hàng tỉ người như những bản nhạc được phát trên truyền hình vào dịt tranh giải bóng tròn thế giới ngày nay.

Kỹ thuật và văn minh hiện đại của Tây Phương quả thật đã làm cho đời sống nhân loại thay đổi rất nhiều, riêng ở Việt Nam thì văn hóa nghệ thuật phương Tây - trong nhạc - đã đến cùng lúc với đoàn quân viễn chinh Pháp.

Vốn là ngườ nhạy cảm, các nghệ sĩ Việt Nam đã nhanh chóng bị thu hút bởi món nghệ thuật phương xa này, và với bản năng sáng tạo và khai phá họ đã bắt đầu thử nghiêm vận dụng thể điệu và ký âm pháp Tây Phương để khai sinh một nền âm nhạc Việt Nam mới từ những năm cuối của thập niên 30. Cách thức này cũng giống như điều các nhà ngữ học đã làm trước đó: mượn mẫu tự La Tinh để viết tiếng Việt - thu thập tinh hoa của loài người có gạn lọc để làm giàu cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Và Nguyễn Xuân Khoát là người tiên phong chủ trương và hô hào trong nhạc mới phải bảo tồn và phát huy nhạc cổ truyền dân tộc, các nhạc sĩ Việt Nam đã thực hiện được điều này từ ấy đến giờ.

Thật vậy, âm hưởng của các dân tộc dân gian vẫn tồn tại trong các sáng tác như: ca Huế (Đêm Tàn Bến Ngự). hò (Tiếng Dân Chài hoặc Gạo Trắng Trăng Thanh), dân ca Chàm (Hận Đồ Bàn), khúc ca Quan Họ (hát quan họ), dân ca Nam Bộ (Trong Mùa Lúa), Kinh Phật Giáo (Kinh Khổ). Một số khá lớn tác phẩm của Phạm Duy là dân ca mà hai bài đầu tiên là Mùa Đông Binh Sĩ và Nhớ Người Ra Đi. Không những vận dụng được dân ca, nhạc mới nhờ tính chất đại chúng đã mở ra cái giới hạn của dân ca trước đó chỉ phổ biến từng vùng riêng, nay thịnh hành khắp cả nước đến với mọi người.

Âm nhạc là một nghệ thuật luôn gắn bó với con người và biểu hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người. Trên đất nước Việt Nam thời ấy là những chuổi ngày ly loạn, quê hương đã nghèo lại càng lầm than dưới ách dô hộ của Pháp. Người dân còn phải chịu thêm một áp lực ngày càng nặng nề hơn khi cuộc đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, một cổ thuộc đôi ba tròng của các thực dân đế quốc, tài nguyên vật lực bị chúng mặc tình vơ vét để chi phí cho chiến tranh v.v...Nền âm nhạc mới cũng lên từ đó, những nhạc sĩ Việt Nam đã bùng lên như những người lính kèn xung trận. Thoạt đầu là những khúc nhạc êm ả của Dương Thiệu Tước, Doãn Mẫn và giòng nhạc mới dâng lên với Sóng Vàng (hay Giòng Sông Hát) của Vân Chung, rồi tuôn chảy trong hàng ngàn lồng ngực réo gọi Thanh Niên Ơi của Thẩm Oánh vào dịp tuổi trẻ Trẩy Hội Đền Hùng (ngày giổ Tổ 1941) để tô bồi cho một Việt Nam Hùng Tiến ở bến bờ Việt Nam Phục Quốc...Cái khí thế bừng bừng tìm về cội nguồn hiển hách giống nòi của hàng vạn chàng trai Việt đã lan tỏa đi khắp nơi thành một phong trào yêu nước đáp ứng tiếng gọi của nhóm nhạc Đồng Vọng do Hoàng Quí lèo lái, sau đó lại được tiến trợ của một nguồn nhạc khác dồi dào không kém do Lưu Hữu Phước và Tổng Hội Sinh Viên. Những bản nhạc mới được sáng tác trong vòng mấy năm đã làm chói lọi những trang sử 4000 năm, đưa cả một thế hệ Việt Nam trở về với nguồn cội dân tộc với hào khí con Hồng cháu Lạc, xưng tụng công lao các anh hùng liệt nữ như Trên Sông Bạch Đằng, Bóng Cờ Lau, Nước Non Lam Sơn của Hoàng Quí; Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Hội Nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước; Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm Duy v.v...

(còn một kỳ)

Đông Văn

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002