Đại Chúng số 91 - Ngày 1/2/2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NGÔI CHÙA XƯA

Kỹ sư Sagant Phan

Được tin người nhà từ Saigon gởi qua, ông Từ giữ chùa Giác Lâm đã qua đời tháng qua. Lòng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ thương. Thật sự ông cũng không phải là một ông Từ, mà ông chỉ là người làm công quả cho chùa từ lâu lắm rồi, ông có tật một chân, ít nói hàng ngày lặng lẻ gánh nước giếng nơi xa mà đi tưới từng gốc cây kiểng trong chùa Giác Lâm.

Ngày xưa, lúc chú tôi còn nhỏ nghe nói ông Từ này là tay chống Pháp rồi bị lính Tây bắn què chân, có lời đồn ông thuộc nhóm Nghĩa Hòa Đoàn, di cư từ bên Tàu sang . Nhiều chuyện nói lắm, nhưng không ai dám hỏi vã lại có gì mà biết rõ đâu mà hỏi.

Nhiều Phương Trượng chủ Chùa thay đổi liên miên, nhưng không ai thay đổi được chú Tư, vì có ai gánh nỗi một ngày trên ba chục đôi nước không? Còn gánh nước cho Chùa nấu cơm, giặt giụa nữa chứ?

Chùa Giác Lâm là một ngôi danh cổ tự, nhiều ngôi chùa xưa nhưng không thuộc danh tự, nhiều ngôi chùa mới, nổi tiếng nhưng không thuộc cổ tự. Còn Giác Lâm Tự thì đủ đôi, vừa danh tự vừa cổ tự.

Có nhiều ngôi chùa cổ có ghi lại trên giấy tờ, sách vở, nhưng biết bao vật đổi sao dời, vì chiến tranh vì nới rộng thành đô nên lần lần không còn dấu vết. Ai còn biết ngôi chùa xưa mà có thời kỳ một người ăn mày cõng vua Gia Long lúc bị Tây Sơn đuổi ngay tại lòng thủ đô Saigon? cách không xa trường Sư Phạm mà ngày xưa tôi từng học? Chùa này nằm trong thành Ô Mai có phải không?

Chùa Từ Ân, Khải Tường, Mai Khâu (chùa Cây Mai), Kim Tiên, Chùa Gia Điền, chùa Phước Hưng, chùa Phước Hải... nay đâu rồi?

Có chù rất đẹp như: Phưng Sơn Tự, Hội Sơn Tự, Huê Nghiêm Tự, Chùa Phước Tường vẫn còn, nhưng vì mới nên không thể gọi chùa xưa được. Chùa xưa là phải trên trăm năm, phải xây trước năm 1900. Còn sau năm 1900 thì chưa gọi là cổ tự.

Trong quyển ký tự, gọi là Chí. Chí nghĩa là là kể chuyện, ghi chép như Tam quốc Chí chẳng hạn, quyển Gia Đình Thành Thông Chí của Trịnh hoài Đức. Trịnh hoài Đức cũng là người Hoa, gốc từ bên Tàu mà sang đây. Trịnh hoài Đức cho biết Giác Lâm Tự do cư sĩ Lý thụy Long cũng người Hoa mà ta gọi là người Minh Hương. Lý thụy Long quyên tiền trong một buổi... mà nay ta gọi là hát xiệc, hay nói đúng hơn là nơi tổ chức võ đài thi đấu võ. Lúc đó tại Chợ Lớn có nhiều bang Hội, nhiều Bang Hội có đội võ và đội múa Lân, họ có võ đường, như lò võ lò Phước Kiến, lò võ lò Quảng Đông v.v... Lý thụy Long là một nhân sĩ, ông khá giàu nhờ gia đình cho vay hay đúng hơn là bảo tiêu các chành đi đường thủy, đường bộ... Lý thụy Long nhân ngày tết, cho tổ chức buổi thi đấu võ đài quyền lâm cước hải. Tiền thu góp được Ông dành để cất chùa. Thế là có ngôi chùa Giác Lâm ra đời.

Mấy người cố cựu ngày xưa có nói hậu liêu của Chùa còn giữ nhiều bảo khí như thanh long đao, mãnh đao, thương, kiếm vv.vv... Rồi có giặc 18 Thôn Vườn Trầu tại Hóc Môn, người ta mượn để thụy uy với lính Mã tà Tây, rồi bị rượt chạy bỏ lại đao thương... dĩ nhiên lính Pháp đem về mà làm củi đốt cho vui. Chùa mất đi bộ đao thương cung kiếm, chỉ còn vài cây lõng chõng nên phương trượng vụt hết xuống ao sau chùa cho đở tủi thân! Chùa được khai cuộc đất vào mùa Xuân và cũng thành hình vào mùa Xuân hai năm sau. Năm Giáp Tý (1774) mùa Xuân chùa được khánh thành, nhóm cư sĩ giàu lòng từ tâm trong đó có cư sĩ Lý thụy Long xin Chùa Từ Ân cử một sư trụ trì cho chùa.Thầy Viên Quang đực cử nhậm đến. Nơi tọa lạc Chùa Giác Lâm xưa kia thuộc địa bàn xã Phú Mỹ Thọ, huyện Bình Dương, thuộc trấn Phiên An, Tân Bình. Hiện nay chùa đổi địa bàn, nay gọi là đường Lạc long Quân, thuộc phường 10 quận Tân Bình. Trải qua 9 đời Phương trượng, chùa được xem là Tổ đình của dòng Lâm tế miền Nam.

Các vị Thiền sư trụ trì Chùa đều là những bậc chân tu đáng kính, chẳng những uyên thâm kinh Phật mà còn giỏi về chữ nghĩa, Y Học, Thiên văn, Địa Lý cùng nhiều nghề nghệ thuật.

Thiền sư Tổ chùa Giác Lâm là Sư phụ Viên Quang được Trịnh Hoài Đức làm nhiều bài thơ ca ngợi công nghiệp và tài năng. Khi Phương rượng Viên Quang vào đây, thì quanh chùa có nhiều trận bệnh dịch, nhưng chùa huy động người đến tiếp tay nào người nấu thuốc, người nấu cháo, người phục dược và chính Phương Trượng đích thân đến thăm mạch và bốc thuốc cho từng bệnh nhân lần lần hết bệnh dịch tể... và dân chúng quanh vùng cảm ngợi công đức của Phương Trượng. Họ có tạc tượng Thầy nơi góc sân chùa, nhưng nay pho tượng đồng không thấy đâu nữa.

Sau đó nhiều người mần ăn đi xa lần lần giàu có, và nhớ về quê mẹ nên hằng năm họ gởi tiền từ miệt Hậu Giang hay miệt Lục Tỉnh lên Giác Lâm Tự mà cúng dường. Chùa lớn lần. Thành nơi sầm uất, trở thành Trung Tâm Phât Giáo lớn nhất thời Lục Tỉnh thời bấy giờ.

Sau đó còn thiền sư Hồng Hưng – Thanh Đạo sửa chữa từng cột chùa, từng mái ngói... Chùa xây thêm hậu liêu và mở rộng phần trước để dạy giáo lý cho những người cư sĩ mới quy y Tam Bảo.

Trong quá khứ Giác Lâm Tự có hai lần sửa chữa to lớn. Vào năm 1979 cho đến 1804 là đợt một, còn đợt hai là từ năm 1906 đến 1909.

Cho đến năm 1999 thì nhiều người Hoa quanh đó và những gia đình cố cựu xưa lạc quyên được một số tiền khá lớn mà trùng tu lại lần thứ Ba.

Chùa có tồng cộng 98 cây cột. Đây là loại cây mà người ta chở từ miền Trung, chở từ trên Nam Vang xuống mà cúng dường. Loại gỗ mà người ta nói mối đục không nỗi, không mọt. Với 98 cột chùa, chia thành ba lớp nhà bằng nhau. Ngày xưa vì cách xa thành phố phù hoa đô hội, nên người ta có nói khuya về có nghe cọp gầm vang vội một góc đồi. Quanh là nhiếu cây lớn nhỏ như khu rừng vậy. Khuya về trăng sáng chiếu dọi toàn cảnh chùa không một nét bút nào vẻ đẹp hơn cảnh này được.

Trước đại điện trên hai cột chùa lớn. Có hai câu đối như sau:

“Tự cổ tăng nhàn thường dẩn yên hà vi bạn lữ

Sơn thâm thế cách chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu"

Tạm dịch:

"Chùa cổ, sư nhàn cùng khói hương kết duyên bầu bạn

Non xa đời khuất, chỉ cỏ hoa lưu dấu ngàn sau lại"

Tương truyền Phương trượng Viên Quang giỏi võ Thiếu Lâm, có lần sư được người trong làng nhờ sư đến trị bệnh cho một người bị bệnh điên mà ngày xưa người ta gọi là tà ma nhập. Cà làng không trói nỗi người này. Người này trước đó làm nghề nấu than lậu, tay chân lực lưỡng nhưng ngày kia nổi cơn điên anh ta đốt nhà chòi của anh rồi anh muốn đốt thêm nhà lối xóm cho đủ bộ. Với cây búa cầm trong tay, đố ai dám vào mà trói anh ta lại? Lính làng đứng xớ rớ ngoài sân, sợ anh ta thấy được thì nguy.

Hết kế người ta nhớ dến Thầy Chùa Giác Lâm, người ta nghĩ ông là bậc chân tu nên có thể tà ma sợ vía nên buông tha anh bán than nổi điên này chăng? Họ định nhờ Thầy nhiều lần, nhưng có người cản làm sao Thầy cự nổi với thằng Điên đang thủ cây búa.

Nhưng sau cùng Thầy cũng đến. Thầy đến cửa sân, nhưng hai tay vẫn gõ mõ đều đều. Anh chàng bệnh điên hình như thấy lạ, nên buông lơi cây búa mà đứng ngó. Thầy từ từ vừa đọc kinh vừa gõ mõ, rồi thầy nhập nội lúc nào không hay. Thầy chụp cổ thằng điên và quăng xuống ao sau nhà. Dĩ nhiên lúc thằng điên đang lội ngộp thở thì dân làng nhào xuống trói lôi lên. Dễ ợt, nhưng ai dám đến sát mặt mà vật cổ thằng điên với cây búa thủ của nó? Thầy cho nó theo thầy lên chùa... Rồi ngày ngày bắt nó bửa củi, đêm về thì cho nghe kinh kệ. Quần quật từ sáng gà chưa gáy rộ, đến tối mịt trăng tỏ sao mờ mới được chén cháo. Mệt quá, nên từ từ bệnh điên tan mất lúc nào không ai biết cũng không ai hay. Thế là Thầy nổi danh có tài trị bệnh ma quỷ.

Có một ông phú hộ làng Phú Nhuận, ông ăn ở rất sát rạt với người làm, tánh tình keo kiệt nên người làm tuy đông, mà thân thích không có một ai. Ai ai ông cũng cho là đồ ăn bám. Nhưng một ngày nào đó, hình như ông nằm chiêm bao thấy chuyện âm phủ, nên hối lòng. Ông nhờ người nhà cho mời Thầy đến đọc kinh cho an vui gia đạo. Thầy đến, ông vẫn còn tánh hà tiện, chỉ mời Thầy trái chuối chín hái trong vườn và ly trà nóng. Thế thôi. Nhưng sau một thời kinh Địa Tạng và Quán Thể thì Phương trượng Viên Quang đã mở được cõi lòng của Phú ông hẹp lượng. Phú ông khóc và thưa thiệt với Thầy là toàn bộ gia sản mà Phú ông giàu có là do ác nghiệt của Phú ông mà ra. Phú Ông giết mẹ già, rồi chôn thây dưới đìa cá, rồi phủ đất lên. Xây một ngôi chùa nhỏ cho oan hồn tan. Nhưng Phú Ông không bao giờ dám đến nơi nầy, từ hơn ba chục năm nay. Lời kinh Địa Tạng và chú Chuẩn Đề của Phương trượng Viên Quang đã làm Phú Ông thú nhận tội lỗi. Phú Ông khóc nức nở và xin quy y chuộc lỗi. Tội chuộc đời này nhưng đời sau ai trả đây?

Rồi ngày kia dân làng thấy một vị sư đầu cạo trọc, ngồi xếp bằng trước ngôi chùa nhỏ trên đìa cạn nước. Đọc kinh xám hối ngày đêm mưa gió cũng đọc. Trong lời kinh tiếng kệ người ta nghe thấy sư này khóc thảm thiết. Vị sư đó chính là Phú Ông. Đất đai ruộng vườn Sư mới này bán cho hết dân nghèo chỉ chừa lại ngôi chùa nhỏ trên sân đìa mà thôi.

Đó là những lời nói xa xưa từ hơn trăm nay rồi. Ngày nay vùng Phú Nhuận không ai còn nhớ ngôi chùa nhỏ của Phú Ông, ngôi chùa đó mà dưới đất là người mẹ già bị con giết chết. Phú Ông hay là Phú Nhuận?

Còn chú Tư giữ chùa Giác Lâm ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ. Người ta nói chú giỏi võ, những có ai thử đâu? Nhưng có thằng bạn tôi thì đội ơn chú vô cùng. Nó ham lội, mà không biết lội. Không biết lội lại càng ham bơi ra xa. Còn tôi biết lội thì chỉ lội nước tới chân là đủ rồi. Nó lội xuống ao rất rộng mà người ta có thể gọi là Hồ cũng được. Ngày xưa còn thời Trịnh hoài Đức, chắc chắn chỗ này là nơi ghe xuồng có thể chèo được rồi.

Thường thường người miền Nam xây nhà cửa, trước là nhà nền cao, sau nhà là ao cá. Không có gì lạ hết, người ta đào ao, lấy đất đấp nền nhà rồi cho nước sông vào. Thế là nhà vừa cao vừa có ao mà nuôi cá thả vịt, lấy nước tưới vườn tượt... Một công đôi chuyện. Còn chùa Giác Lâm thì ao thật sự là một cái Hồ rất rộng, mà người ta gọi là Bàu, như quận 10 có Bàu Sen rất lớn. Nay vẫn còn.

Thằng bạn tôi nó lội xa với cây chuối, rồi tuột tay chìm mất. Tôi biết lội nhưng lội theo kiểu chó làm sao cứu được người. Cà đám con nít la làng. Nghe một cái ùm... thì thấy chú Tư dưới nước kéo cổ thằng bạn tôi lên. Xốc nước rồi xoa ngực thế là nó tỉnh dậy. Cả làng xóm biết vụ này. Rồi thằng bạn tôi về nhà, nó bị đòn, còn tôi cũng bị đòn luôn. Nghĩa là cha mẹ nghe được vụ thằng nhỏ chết chìm thì hoảng sợ. Muốn hết hoảng sợ thì tốt nhất là cho mấy thằng nhỏ vài trận đòn. Thế là nhất cử lưỡng tiện. Cả đám con nít đều bị đòn hết ráo vì tội chút xíu nữa thì chết chìm làm sao.

Ngày kia thằng bạn tôi vào Biệt Động quân. Nó được đổi về miệt Chạu Đốc, còn tôi thì lên tận cao nguyên núi rừng. Rồi ngày kia, không hiểu lúc nào, tôi ghé ngang chùa thăm Chú Tư. Nay chú đã già, mắt mờ, đầu cạo trọc tóc không mọc từ lâu. Tôi nói: “Chú còn nhớ thằng Đẹt không? Nó ngày xưa được chú cứu nó khỏi chết chìm đó?” Chú gật đầu. Tôi nói tiếp: “Nó không còn nữa rồi. Trận đánh Thất Sơn nó bị trúng đạn chết rồi.”

Chú không nói nhưng tôi thấy đôi mắt chú có giọt lệ từ từ lăn ra. Chú khóc, và tôi cũng khóc.

Ngay chót của Miền Nam năm 75, tôi có ghé thăm chú một lần chót. Chú nói: “Chú biết con có số xuất ngoại, con không ở được đây đâu. Nhưng nhớ gởi thơ về cho Chùa nghen con."

Rồi hơn hai chục năm. Tôi chưa lần nào gởi thơ về thăm chùa Giác Lâm. Nhưng ngày nay, vừa được tin Chú Tư giữ chùa Giác Lâm chết rồi. Nước mắt tôi rơi! Tại sao Chú Tư biết tôi có số xuất ngoại? Đời binh nghiệp ngó núi ngó đồi nơi cao nguyên hoang vu hẻo lánh. Làm sao về được Thành đô, làm sao mà xuất ngoại được?

Năm nay nhìn hoa mai mua từ chợ Việtnam, nở vàng... nhưng tôi nhớ có lần, nơi góc núi lưng đèo, trên tiền đồn heo hút, dưới chân núi là một rừng mai vàng nở rực. Tôi nhớ về người mẹ của tôi, tôi ứa nước mắt:

“Tết năm nay, con được mùa mai vàng nở

Tết năm nay con không về được đâu mẹ...”

Giọt lệ này nhớ về ngôi chùa xưa, Giác Lâm Thiền Tự tại ngoại ô thành đô Saigon, nơi có Phương trượng Viên Quan, người điên chặt củi cho chùa, và thằng bạn bỏ mình nơi núi xa, tận cùng nước Việt, cùng chú Tư và Bà Mẹ. Tếát này con không về đâu mẹ ơi!

KS Sagant Phan

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002