Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


LÁ THƯ TOÀ SOẠN

Cứ mỗi lần nhìn những bông tuyết rơi trắng đất trời, thì lòng chúng ta lại chạnh nhớ quê hương. Bên kia đại dương, cách nữa vòng trái đất, mùa xuân đang trở về. Thời gian vẫn luân chuyển không ngừng để những ngày hè chói chang trôi đi lặng lẽ, rồi mùa thu với những chiếc lá vàng bay lênh đênh, mùa đông rét mướt lại về...và đối với chúng ta là ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt.  Trong cuộc sống tha hương bận rộn, đôi khi chúng ta quên thời gian và không gian, nhưng khi mùa đông về, tuyết rơi buốt giá, lòng ta lại hướng về cố quốc ngàn thương.  Hình như trong thinh không tỉnh lặng của đất trời vẫn còn vang bên tai chúng ta những tràng pháo Tết đón giao thừa. Chúng ta vẫn nhớ như in những nhành mai nở rực vàng trong nắng, hoa bưởi, hoa cau thơm lừng một góc vườn. Hoa huệ, thược dược, vạn thọ, hồng đào, cúc...đua nhau khoe sắc. Chúng ta ngồi mơ một ngày được ngồi bên ánh lửa gói bánh chưng, bánh tét, bánh ích cho đến nữa đêm về sáng. Và đêm 30 đi hái lộc đầu năm, chùa chật ních khách thập phương với khói trầm hương nghi ngút. Tiếng chuông chùa làm lòng ta thoát tục mơ màng quên đi chuyện đau buồn năm cũ và hướng về năm mới với bao hy vọng. Cảnh rộn rịp ngày xuân, với nếp sống hồn nhiên hiền hoà chân chất của người Việt từ ngàn năm để lại, hầu như ngày càng nhạt phai với thời gian. Chúng ta cố đốt lên những ánh lửa quê hương trong không khí ngày Tết, để tìm lại những dư âm ngày cũ, những tập quán tốt đẹp mà chúng ta cần gìn giữ trong suốt cuộc hành trình lưu vong nơi đất khách.

Mới đó mà đã 26 năm trôi qua trên xứ người. Mỗi chúng ta mơ ngày trở về thăm lại cố hương sao còn xa lơ xa lắc. Cuộc ra đi tìm tự do và đấu tranh cho tự do của người Việt tha hương hầu như đã gần bằng cuộc chiến tranh Nam-Bắc, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra được một đấng anh tài có đủ trí dũng và đạo đức để gánh vác non sông.

Xa quê hương mà lòng ngóng trông về cố quốc. Chúng ta vẫn còn một cành Mai nhỏ trong nhà để nhớ. Chúng ta vẫn còn bánh tét, bánh chưng, bánh mứt  bày bán trong các chợ Việt Nam. Mùa xuân vẫn phơi phới trên đầu môi của mỗi người Việt ly hương. Nhiều nơi, các cộng đồng người Việt còn tổ chức chợ Tết, bày trò chơi, múa lân, ca hát để lưu lại dấu vết nền văn hoá Việt trên toàn thế giới.

Thế kỷ 21 đã đến với biết bao biến động trên thế giới. Các nước trên thế giới đang phải đương đầu với nền kinh tế suy thoái liên tục trong nhiều năm qua. Khi các nước Đông Nam Châu Á chưa kịp nhóc đầu dậy và nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng thì cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã khiến cho nhân loại bước vào những năm khó khăn nhất từ hơn 20 năm qua. Hoa Kỳ phải đương đầu với nạn khủng bố, các công ty lớn trên toàn quốc khai phá sản, trên 60 triệu người đã mất việc làm và con số nầy ngày càng tăng mà không giảm đi.

Kính thưa quí độc giả, năm cũ đã đi qua, Tết năm Nhâm Ngọ đã đến.  Thời gian như bóng chim bay qua cửa sổ.  Vũ trụ và nhân sinh đều vận hành tuần hoàn, luân chuyển không ngừng theo quy luật của trời đất. Chúng ta lại nhận được bài “Năm Ngọ, Tản Mạn Chuyện Con Ngựa Trong Thi Văn” của Trương Quang.  Chúng ta có dịp tìm hiểu về những bài thơ, những bài văn, những câu chuyện xưa nay nói về loài ngựa. Loài ngựa đã giúp ích gì cho loài người? Và hình ảnh con ngựa gợi cho chúng ta nhớ tiếng ngựa lộc cộc trong đêm trường của những phu xe ở làng quê nghèo Việt Nam. Ngựa gắn bó với con người rất sâu đậm và cho đến ngày nay, ngựa vẫn là một con vật được ưa chuộng và được loài người yên mến. Nhà biên khảo Trương Quang với phong cách hành văn mạch lạc, trôi chảy, ông đã biết lồng vào đó những câu chuyện chuyển tiếp làm say mê biết bao độc giả (không có nịnh đâu nhé!) Oâng không những là người bạn thân mến, rộng lượng mà còn là người có một tấm chân tình và trung thành với bạn bè. Đó là một điểm đáng quí nơi ông. TBĐC chân thành cảm tạ tình cảm của Trương Quang dành cho TBĐC.

Mỗi năm 23 tháng Chạp, Táo Quân về trời trình tâu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế những việc làm trọn năm của con người. Táo Quân Đại Chúng đằng vân đã hơn một tuần mà vẫn chưa đến thượng giới. Đường đi càng ngày càng khó khăn, dọc đường còn bị bọn phản tặc đâm lén sau lưng, lớp thì bị kẻ gian vu khống, bị xí gạt lấy tiền. Táo muốn đi máy bay hoả tốc thì sợ không tặc tốn công, chết oan uổng mạng. Cuối cùng Táo Quân đành phải đằng vân cho chắc ăn.  Một là ngao du sơn thuỷ, hai là xem xét sự tình trần gian cho đầy đủ để khải tâu cùng Thánh Thượng. Nhà thơ Tú Lắc đã viết sớ trao tận tay cho Táo Quân y hệt ông chủ nhiệm Hoài Thanh trao tiền cứu lụt cho bà Ngô Thị Hiền chủ tịch UBTDTGVN. Năm nay, Táo Quân Đại Chúng tâu gởi những gì? Xin mời độc giả lắng nghe lời Táo tấu  trình cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Chúng ta biết về nhà văn Thinh Quang qua nhiều thi phẩm của ông. Là một người uyên bác, hiền hậu, khiêm tốn ông đã gởi lại cho hậu thế những tác phẩm văn học có giá trị. Chúng ta đã từng đọc những bài trong mục “Vũ Trụ và Con Người”, chúng ta cũng thưởng thức những bài thơ hiếm hoi của ông, chúng ta cũng đọc được những bài khảo cứu văn học và đặc biệt là những quyển tiểu thuyết tình cảm phóng tác từ truyện Quỳnh Dao. Nếu quí vị đã từng chờ đợi, say mê truyện dài “Mưa Bên Nầy, Nắng Bên Kia” thì nay, quí vị sẽ tiếp tục đọc quyển tiểu thuyết cũng rất ly kỳ và hấp dẫn của nhà văn Thinh Quang “Những Loài Hoa Dại”, đang khởi đăng từ số 91. Chúng tôi cũng giới thiệu đến quí vị bài viết mới nhất của ông “Ngày Xuân Nói Đủ Thứ Chuyện Về Tiết Lễ Đông Tây”, “Vũ Trụ Và Con Người Trong Mùa Xuân Mới”.

Kính thăm cụ Mộng Tuyền nữ sĩ, đầu năm TBĐC kính chúc cụ luôn khoẻ mạnh, minh mẩn, sáng suốt để cống hiến cho độc giả kho tàng vô giá từ quyển “tự điển sống” của cụ. Cảm ơn tấm lòng vàng của cụ khi cộng tác với TBĐC mà không hề đòi hỏi tiền thù lao và ngay cả quà cụ cũng từ chối luôn.  Đầu năm mới, cụ Mộng Tuyền nữ sĩ  cũng trả lời thư ông Hồ Hữu Cát Brookhurst Westminter Orange County CA., bà Vương Hường Thị Lainie St. West Covina, CA., ông Trần Việt (qua Quỳnh Liên Lawn Berry Ter. Silver Spring MD.), ông Đỗ Phú Quí 49th St. Philadelphia (qua Chu Center RD Drexel Hill. PA.), cụ Phương Nguyên W.Rovery Ave. Phoenix, AZ.,ông Vũ Viết  San Jose, CA., ông Hoàng Hữu Triết  Humble TX, cụ Hà Túc Đạo Westminster, Orange County, CA.,ông Du Vĩnh Sanh Monterey Park.

Ngôn ngữ là một công cụ quan trọng để con người có thể diễn đạt tư tưởng tình cảm, mục đích, chí hướng của mình. Nhờ có ngôn ngữ mà xã hội con người mới phát triển, con người mới có thể thông tin cho nhau và truyền đạt kinh nghiệm sống để phát triển nền văn minh nhân loại. Phạm Đông Văn sẽ gởi đến quí vị bài “Xuân Về Nói Chuyện Ngôn Ngữ Và Nền Văn Minh Nhân Loại”. Cảm ơn sự cộng tác của Đông Văn. Sự góp mặt của bạn sẽ làm cho TBĐC thêm phong phú.

Muốn quên chuyện đau buồn ngày 11 tháng 9 năm 2001 để chuẩn bi bước vào năm mới. Nhưng biến cố đó vẫn còn gây một nỗi kinh hoàng đau thương cho tất cả những nạn nhân đã tử nạn từ 4 chiếc phi cơ, Pentagon và Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại New York. Chúng ta cũng chia xẻ niềm đau với những người lính Mỹ đã rời khỏi quê hương đi chiến đấu xa chống lại quân khủng bố và thương tiếc cho những quân nhân đã tử trận trong những ngày lễ lớn không được hưởng mùa xuân. Chúng ta cũng không quên những đau khổ của nhân dân Afghanistan đã phải sống nhục hình dưới chế độ Taleban. Nhưng người đau khổ và đáng thương nhất là phụ nữ. Họ đã bị tước đoạt hết quyền làm người và đời sống của họ là bóng tối của địa ngục. Họ phải làm gì để chống lại chế độ Taleban và sau khi Mỹ và đông minh giải phóng cho họ, họ sẽ làm gì. Chúng ta hãy tìm hiểu sức mạnh tiềm tàng nơi họ và hãy cổ võ cho họ thành công trên con đường giải phóng phụ nữ. Mời quí vị tìm hiểu phụ nữ Afghanistan qua bài viết “Phụ Nữ Cách Mạng Afghanistan” của Thảo Nam. Cảm ơn những bài viết của bạn  đã gởi đến TBĐC.

 Sau vụ tìm hiểu tình hình cứu lụt của “những người yêu nước thứ thiệt” và đưa ra trước công luận những vụ làm ăn bất hợp pháp của họ. TBĐC đã được  chụp lên đầu cái nón cối to tổ bố.  Chuyện nầy làm cho kỹ sư  Sagant Phan sợ, nên phải viết “Mục Đọc Báo Dùm Bạn” nói về “Bộ Chính Trị CSVN Vừa Cắt Đất Việt Cho Trung Quốc”. Nếu nhắm mắt lại để đoán, thì quí vị sẽ hiểu rõ tại sao CSVN lại cắt đất cho Trung Cộng? Một lũ hèn nhát, tôn thờ chủ nghĩa vô thần, thờ phượng loài quỷ đỏ để gây tang tóc cả cả dân tộc suốt một thế kỷ và kéo dài đến nay vẫn không chấm dứt. Khi chiếm được Miền Nam, bọn CS Hà Nội đã tràn vào Nam vơ vét, cướp bóc tài sản của nhân dân Miền Nam một cách tàn nhẩn. Tội ác của chúng không có sử sách nào ghi hết được. Nay chúng lại cắt đất cho Trung Cộng vì tiền nợ mua vũ khí giết dân suốt một thế kỷ, và món nợ nầy quá to lớn không thể trả được nên cho dân đi ở đợ, đi làm gái và cuối cùng phải dâng đất triều cống cho giặc Đỏ. Mối nhục nầy ngàn năm không rữa sạch.  Nhà thơ Trúc Nam cũng nhạy bén thời cuộc, ông làm thơ tặng ngay cho bọn bán nước cầu vinh bài thơ rất hay “ Hoạ Vong Nô”. Mấy tay Bộ Chính Trị Hà Nội nhớ học thuộc bài thơ nầy làm thuốc trị bịnh “hèn”. Chúng tôi cũng cảm tạ sự nhiệt tình và sự tiếp tay của kỹ sư  Sagant Phan từ bấy lâu nay. Từ ngày có kỹ sư, TBĐC có những tin tức hết sức thú vị và nóng bỏng để cống hiến độc giả. Nhất là những bài ký ướt át tình cảm của đời lính làm ai đọc cũng thương mến. Lính rừng mà cũng tình cảm “hết xẩy”. Nhớ đọc một bài mới của kỹ sư “Câu Chuyện Vô Đề” rồi bình phẩm giúp TBĐC. Tại vì sợ người ta nói “Mèo khen mèo dài đuôi”.

Trong số báo xuân, Người Thứ Chín sẽ gởi đến chúng ta hai bài viết: “Người Được 2 Lần Giải Nobel, Trung Quốc Ngân Hàng Sự Vinh Quang Và Tủi Nhục”.

Thân gởi bạn Hoàng Trùng Dương, chúng tôi đã nhận được bài vở và những lời động viên của bạn. Cảm ơn bạn đã hiểu rõ những việc làm của chúng tôi. Bài thơ của bạn làm chúng tôi nhớ Sài Gòn quá đổi. Nhất là Sài Gòn những ngày vào xuân như hôm nay. Mơ một ngày trở lại Sài Gòn phải không Hoàng Trùng Dương.

Thân gởi Quỳnh Hạnh những lời tâm tình đầu năm, TBĐC đã nhận thư và bài viết của Quỳnh Hạnh. Cảm ơn Quỳnh Hạnh vẫn còn tin tưởng nơi tấm lòng thành của chúng tôi. Đọc bài viết “Mùa Xuân và Hội Nhập Văn Hoá” làm chúng tôi bồi hồi nhớ quê hương. Bài viết có giá trị giáo dục rất tốt. Chúng tôi hy vọng Quỳnh Hạnh và anh chị em Câu Lạc Bộ Paris sẽ luôn gắn bó với chúng tôi để chia xẻ, gánh vác việc bảo tồn nền văn hoá Việt Nam.

Ngay phần nhập đề bài “Nghĩ Về Thơ”, Nguyen Thuy đã viết: “Thơ là thứ rẽ tiền nhất cũng là thứ cao quí nhất. Thơ Việt Nam với sứ mệnh dân tộc Việt”. Tác giả đang muốn nói gì về thơ? Sứ mệnh của thơ ca và vai trò của thơ ca trong đời sống con người và trong tâm hồn dân tộc Việt? Có phải thơ càng ngày càng mất đi giá trị cao quí của nó dưới cái nhìn của độc giả không? Mời quí độc giả theo dõi bài viết của Nguyen Thuy để tìm hiểu những suy tư của tác giả về thơ ca trong đời sống chúng ta. TBĐC rất vui mừng khi được Nguyen Thuy cộng tác. Mong sẽ nhận thêm được bài vở của Nguyen Thuy trong tương lai.

Người Việt Nam chúng ta dù ở lục địa nào, phương trời nào cũng nhớ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Những ngày hội vui xuân, hội hè đình đám đã trở thành phong tục tập quán ăn sâu vào nếp sống của dân Việt từ bao đời nay. Nhân dịp Xuân về, Đào Đức Nhuận muốn giới thiệu đến độc giả bài “Tục Ngữ Ca Dao Về Ngày Tết Nguyên Đán”. TBĐC rất vui mừng chào đón người bạn cố tri.

Nói về người con gái Việt Nam thì số phận đau thương khốn khổ không bao giờ dứt.  Nhất là trong giai đoạn hiện nay, tại đất nước XHCN Việt Nam thân phận người con gái càng thêm rẽ rúng. Họ như những con vật bị lôi ra giữa chợ bán cho bọn nhà đui què, còi cộc từ Đài Loan sang mua với giá rẽ hơn bèo. Trần Phương đã viết lại số phận và tâm tư của “Người Con Gái” lấy chồng xa với nỗi lòng đau thương, thổn thức. Cảm ơn sự góp mặt của Trần Phương trong TBĐC.

Thưa Hà Ngọc Bích, TBĐC luôn sẳn sàng mở rộng vòng tay nối kết tình cảm với tất cả văn thi hữu bốn phương. Cám ơn ông đã gởi bài và viết thư động viên TBĐC. Bài viết “Ven Hồ Rũ Liễu” đã nói đến một bóng dáng của cây Liễu xoã tóc bên hồ. Đó cũng là hình dáng dịu dàng, khả ái của người con gái. Liễu còn gợi cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái và thanh tịnh.  Qua bài viết, tác giả đã ký thác nơi đó một giấc mơ bình dị, êm đềm nhưng không bao giờ đạt được. Mời bạn đọc theo dõi bài viết của Hà Ngọc Bích để hiểu về tâm tư và mơ ước thầm kín của ông.

Chúng tôi đã nhận được hai bài viết của bác Ngô Minh Tâm, Oregan. Cảm ơn tấm lòng vàng của bác đã giúp đỡ, động viên và an ủi chúng tôi. Nhờ có bác và bà con mà chúng tôi mới có thể làm nên chuyện cho cộng đồng. Chúng tôi sẽ đăng những bài viết nầy trong số sau Tết.

Kính thưa ông Nguyễn Thanh Bình, TBĐC đã nhận được nhiều bài viết nghiên cứu khoa học của ông. Chúng tôi vô cùng tri ân sự cộng tác lâu dài của ông đối với TBĐC. Chúng tôi cũng đã nhận được bốn bài mới của Nguyễn Thanh Bình và sẽ lần lượt đăng tải trong những số sau Tết. Nguyễn Thanh Bình đã nói về loại quần áo đặc biệc dành cho phi hành gia trong không gian qua bài “Bộ Đồ Không Gian” (Spacesuit) và công dụng của nó. Nguyễn Thanh Bình cũng nói về tổ chức của những nước cung cấp dầu lửa viết tắt là OPEC? Ai nằm torng tổ chức nầy và hoạt động của nó ra sao? Xin đừng bỏ qua những trang viết của Nguyễn Thanh Bình.

Ngày Xuân mà không nhắc đến nhà báo Mạc Kinh, nhà văn Lãng Nhân thì cảm thấy thất lễ vô cùng. Rất lâu trên trang báo Đại Chúng đã vắng bóng của nhà báo Mạc Kinh và đến nay thì không còn thấy bài của cụ Lãng Nhân gởi sang trong ngày Tết. Cũng có thể chúng tôi đã thất lễ hoặc làm phật lòng các vị. Nếu có gì sơ xót mong được thứ lỗi. Vẫn luôn luôn kính mến và trân trọng những người bạn, người anh, người thầy có tri thức và có tình người. Kính chúc nhà báo Mạc Kinh, nhà văn Lãng Nhân một năm mới thanh thản, bình yên, may mắn và đồi dào sức khoẻ. TBĐC cũng hy vọng có một vài dòng thư của các vị dù là những lời phê bình. Kính mến.

TBĐC đã nhận được bài của nhà văn Song Thái. Oâng nhắc về những tục lệ trong ngày Tết với niềm tiếc nuối không nguôi. Dù đã xa quê hương rất lâu nhưng những kỷ niệm về gia đình, ông bà, cha mẹ...vẫn còn in sâu trong ký ức. Tục ăn trầu, nhuộm răng hay tục khăn đóng áo dài đã có từ xa xưa. Do đó, chuyện khăn  áo trong ba ngày Tết hết sức quan trọng. Chúng ta hãy nghe Song Thái nói về cách ăn mặc trong ngày Tết và phong tục cổ truyền của dân ta trong bài “Khăn Aùo Mến Yêu”.

Trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du có hai câu thơ nói về sự nham hiểm của người đàn bà ghen: “Đàn bà dễ có mấy tay. Đời xưa mấy mặt đời nầy mấy gan...”. Ghen là biểu hiện của tình yêu, có yêu mới có ghen. Nhưng đôi lúc ghen cũng không phải là yêu mà do lòng ích kỷ, thâm độc mà ghen. Sự thâm độc ở chổ, không phải yêu thương nhưng không muốn  ai chiếm đoạt, không muốn ai lượm cái của mà mình đã bỏ đi. Trong Truyện Kiều, người đàn bà khôn ngoan, gian xảo và lắm mưu nhiều kế để giữ chồng là Hoạn Thư. Lòng ghen tuông ganh ghét kẻ đã lấy chồng mình đã khiến cho Hoạn Thư hạ độc thủ Thuý Kiều trong dịu nhẹ và êm đềm, khiến Thuý Kiều đau đớn ê chề. Mời độc giả theo dõi bài viết “Đòn Ghen Của Hoạn Thư- Một Bi Hài Kịch Chống Tục Đa Thê” của Võ Thu Tịnh.

Chúng tôi đã nhận được thư của Thu Tinh Vo ở Paris. Thưa bà, chúng tôi hoan nghênh tất cả những bài viết của bà ở tất cả thể loại. TBĐC vui mừng được bà cộng tác. Mong muốn sẽ hội ngộ cùng nhau trong kỳ Đại Hội sắp tới.

Cô giáo Ngọc thân mến, mỗi lần số báo ra là đọc được một món ăn mới. Nhờ vậy mà trên bàn ăn hàng ngày có nhiều món ăn khác nhau khiến chàng hết sức hài lòng. Chàng hỏi tại sao em giỏi vậy? Chỉ cười mỉm chi cọp với chàng và khoe: “Em đọc được trong báo Đại Chúng trang nữ công gia chánh của cô giáo Ngọc đó mà”. (Nhưng nhớ được khen đừng có nở lổ mũi quá xá cở và quên cung cấp món ăn mới đó nghen). Đầu năm chọc cô giáo Ngọc một chút cho đở buồn. Thay mặt các bà nội trợ cảm  ơn cô và xin gởi cho cô một bông hồng và những nụ hôn.

Chúng ta đã có lần nói về nhà sư “Nhất Hạnh” với làng Mai, làng Hồng bên Paris. Lẽ ra mọi người đã quên ông, hay đúng hơn người ta không muốn nhắc nhiều đến ông khi biết ngày xưa ông là một trong những nhà sư chứa chấp bom đạn, nuôi giấu cộng sản để chiếm MN. Mĩa mai thay, những người theo cộng sản lại bỏ CS mà chạy thục mạng. Ra ngoại quốc họ không biết phục thiện lại còn đặt điều nói láo như trường hợp của Sư Nhất Hạnh. Vậy hãy thử tìm hiểu xem những người Việt hải ngoại đang nói gì, đang nghe gì về con người lừng lẫy nầy. Nguyên thuỷ sẽ gởi đến bạn đọc bài viết “Về Sư Nhất Hạnh” trong số báo xuân Nhâm Ngọ.

Kính thăm nhà biên khảo Phụng Hồng, TBĐC rất vui khi thấy ông vẫn bền bỉ viết và gởi bài đến cho chúng tôi. Tính từ ngày chúng ta giao lưu tình bạn với nhau đã mấy năm rồi. Thân mến và kính trọng khi ông vẫn còn gắn bó, chia xẻ, an ủi động viên chúng tôi bằng những bài viết  và những lá thư. Hôm nay, nhận được của ông hai bài “Đón Xuân Đất Khách” và “Ngày Xuân Đọc Thơ Người Xưa....”. Chúng tôi sẽ cho đăng tải trong số báo Xuân và số Tân Xuân.

Chúng ta đã có dịp đọc những bài viết Thiền của Huyền Đức trong nhiều số báo liên tục. Huyền Đức đã vắng bóng trên trang báo Đại Chúng đã lâu và nay ông đã trở lại. Nhân năm Nhâm Ngọ, Huyền Đức gởi đến chúng ta một bài viết nói về Ngựa “Năm Ngựa Nói Chuyện Con Quái Vật Ngựa Bay”. Chắc là ly kỳ lắm. Nhớ đón xem nhe!

Năm Nhâm Ngọ có gì lạ ở Việt Nam? Có bao giờ bạn nghe câu chuyện về chiếc bánh chưng khổng lồ ở Việt Nam chưa? Nếu chưa biết xin đọc một tin ngắn viết về làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây đang gói một cái bánh chưng độc nhất vô nhị từ trước đến nay.

Nhà báo Hải Bằng cũng gắn bó với TBĐC đã lâu. Tuy xa nhưng mà gần phải không Hải Bằng. Nhân dịp cuối năm, Hải Bằng đã mần thơ tặng Táo Quân để về trời Tâu với Ngọc Hoàng chuyện hạ giới năm 2001. Táo nói chuyện đông tây nhưng không quên tố khổ CSVN. Hy vọng năm sau CS khá hơn để cho dân nhờ.

Trong số báo 90 phát hành ngày 15-1-2002, chúng ta có dịp làm quen với Việt Dịch Lý Sĩ Nguyên Thái Nguyễn Văn Thắng với bài viết “Toà Nhà Chọc Trời và Ngũ Giác Đài Bị Quân Khủng Bố Làm Sụp Đổ Vào Ngày 11 Tháng 9 Năm 2001”. Số báo Xuân Nhâm Ngọ, chúng tôi xin giới thiệu bài viết thứ hai của ông nói về “Trầu Cau” một tập quán cổ truyền của dân Việt Nam mà mãi đến nay vẫn còn duy trì. Oâng cũng lồng vào bài viết những bài ca dao tục ngữ nói về trầu, rượu, đúng với câu nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện.

Như nhà văn Hồ Trường An đã viết: “Việt Dương Nhân, một hồn thơ nở hoa trên các bụi”. Muốn hiểu được lời nói của Hồ Trường An, chúng ta phải tìm hiểu về cuộc đời của bà. Bà là một trong những người viết khoẻ, sung mãn và bền bỉ. Nhiều truyện ngắn chưa phải là hay lắm, nhưng ít nhiều gởi gấm tâm tư mình trong từng nhân vật và bối cảnh xã hội. Bằng giọng văn mộc mạc, đôi lúc chân thật bà đã nói  rất nhiều về số phận của người Việt tha hương với từng hoàn cảnh khác nhau. Đó cũng là một thành công của bà mà chúng tôi ghi nhận. Cái đáng quí ở Việt Dương Nhân là biết TBĐC không lâu nhưng lại gởi gấm tâm tư và tình cảm cho chúng tôi rất nhiều. Thân thương gởi về bạn lòng ưu ái. Không như lời bà nhắn gởi, chúng tôi đã đảo lộn dự định bằng cách đăng một truyện ngắn của bà để độc giả dễ dàng theo dõi “Như Cánh Tuyết Rơi”.

Lâu lắm, nếu chúng tôi không lầm thì đã một năm trôi qua rồi mới nhận được bài của cụ Mộng Đài. Chúng tôi rất vui mừng và cảm thấy ấm lòng chi lạ. Bài viết nầy như một món quà đầu năm cụ Mộng Đài tặng cho chúng tôi. Cảm ơn tấm lòng của cụ. Chúng ta thường nghe nói về thành phố Tô Châu, một thành phố nổi tiếng nằm ở tỉnh Giang Tây Trung Quốc với những kỳ tích lịch sử mà ai cũng  muốn đến thăm viếng và tìm hiểu. Hôm nay, trong bài viết “Xuân Về Nói Chuyện Tô Châu – Thiên Đàng Hạ Giới” của Mộng Đài. Cụ sẽ vẽ lại bức tranh thuỷ mạc về đất Tô Châu với những danh lam thắng cảnh làm mê mẫn hồn khách lãng du.

Đọc hai bài thơ của nhà thơ Đỗ Bình mà nhớ hai vợ chồng nhà văn Bình – Huyên, nhạc sĩ Trịnh Hưng, nhạc sĩ Mộng Nguyên, Lữ Bằng, nhà thơ Nguyễn Kinh Bắc - Trạng Phét, Hà Lan Phương, Ly Châu, Phương Du...(xin thứ lỗi vì không nhớ hết được tất cả quí vị). Rất lâu không thấy tin tức các anh chị? TBĐC xin gởi thăm hỏi đến toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ trong Câu Lạc Bộ Văn Học Paris. Nói đến thơ của Đỗ Bình phải nói đến chất trữ tình, lãng mạn đã trãi rộng trong thơ ông. Thơ ông còn là tiếng lòng thổn thức của chính tác giả đối với tình yêu con người, cuộc sống và quê hương. Chúng ta hãy nghe lời ông nói gì trong Xuân Muộn: “Em thường hỏi mùa xuân sao chẳng đến. Ta ngại ngùng khơi động đáy niềm đau...”. Mùa xuân làm gì đến với những kẻ tha hương? Xuân có về hay không cũng chẳng thấy gì ngoài cơn gió lạnh mùa đông và những bông tuyết rơi ngoài song cửa. Nên nhà thơ đã ngậm ngùi viết: “...Trời Đông Aâu hoa đã hết muộn màng. Vo nắm tuyết biết xuân về hừng sáng”. Cũng đề tài Xuân, nhà thơ Đỗ Bình chuyển sang tâm trạng nhớ thương, hối tiếc ngậm ngùi về những ngày xuân trên quê mẹ đến nỗi tương tư “...Có phải tương tư màu hoa cũ. Mà ta hờ hững phút giao mùa...”. Và nhành mai năm nào cũng nở rộ, nhưng niềm đau chất chứa đâu đây trong tim đã khiến nhà thơ thốt lên lời xa lạ với hoa mai “...Dù hoa có rộ vàng lối ngõ. Thì vẫn đâu là mai năm xưa”.

Vườn Thơ Xương Hoạ do nhà thơ Hà Thương Nhân phụ trách đã vun trồng nhiều hoa thơm cỏ lạ. Chúng ta may mắn được đón nhận, thưởng thức nhiều bài thơ hay, mới và nhiều khuôn mặt văn tài tên tuổi trong làng thơ ca hải ngoại. TBĐC may mắn có được những bậc đàn anh lão thành, giàu kinh nghiệm và có tài năng đã từng bước dìu dắt nâng đở chúng tôi trên bước đường dò dẫm, tìm kiếm kho tàng văn học vô giá từ những trái tim của những người nghệ sĩ. TBĐC chân thành cảm tạ tất cả anh chị em trong vườn thơ xướng hoạ đã nhọc công nuôi dưỡng Vườn Thơ Xướng Hoạ trong nhiều năm qua, và công lao lớn nhất vẫn là nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân.  Nhà thơ nữ Thân Thị Ngọc Quế đã được nhiều độc giả hâm mộ những bài thơ của bà. Thơ bà thường được nhà thơ Hà Thượng Nhân hoạ lại rất có “tình” và “ý”. Mời quý vị theo dõi hai bài thơ  xướng và hoạ “Ngày Tết Nhớ Mẹ” như sau: “ Mỗi khi giàn thiên lý. Toả ngát mùa xuân sang...” bài hoạ được viết : “Ai bên giàn thiên lý. Khi mùa xuân vừa sang...”. Cả hai nói về mùa xuân và nói về bàn tay người mẹ bằng hai cách diễn đạt khác nhau nhưng đều nhắc nhớ về nỗi nhớ thương người mẹ năm xưa nay còn đâu, bởi trong hồn tác giả, người mẹ hiền năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm tư: “...Giờ đây người khuất bóng. Mà ...hương mãi triền miên...” và nhà thơ Hà Thượng Nhân cũng khóc than mẹ: “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ. Nỗi nhớ này triền miên”.

Nhà thơ Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích cũng đã theo chúng tôi nhiều năm liên tục. Đôi lúc chúng ta thấy ông làm thơ tình yêu, đôi lúc làm thơ khóc quê hương. Nhưng tâm tư người lính là nỗi sầu mất nước, chúng ta hãy thưởng thức bài thơ của Hạo Nhiên hoạ lại  bài Th. Tướng Nguyễn Khoa Nam của thi sĩ Trường Giang. Chúng ta chỉ nghe tiếng tướng Nguyễn Khoa Nam nhưng đọc  trọn bài thơ mới thấy được hào khí của một dũng tướng trước trận mạc: “...Tuốt gươm dũng khí điều muôn trận. Thúc ngựa, uy danh khởi vạn binh... Mất  đất, dân tan, sầu hận đất....Chịu nát thân vùi chốn địa danh...”. Người dũng tướng khi thất trận đã biết giữ tiết tháo và xem cái chết nhẹ tựa hồng mao. Đời đời ghi nhớ người anh hùng Nguyễn Khao Nam.

Nhà thơ Lý Thu lặn đi đâu mà nay về đó kìa. Chắc tại nhớ Tú Lắc nhà ta nên phải xếp gió giang hồ đó phải không? Hên ghê, nếu Lý Thu mà không về là Tết năm nay Tú Lắc nằm vạ không thèm mần thơ thì kẹt.  À! Mà bài thơ chúc Tết của Huệ Thu hay đó. Chúc toàn là “đe” những thói “hư tật xấu của Tú không hà”. Nào là “chén rượu canh khuya chớ miệt mài...tiền già sáu “bách” dâng bà bốn...” Hỏng chừng nhờ vậy mà bớt đi là cà và lộn xộn với “đào” phải không? Tú đâu có chịu thua Huệ Thu. Tú còn hảnh diện khoe tật xấu ra cho mọi người xem: “Tú vốn lông bông lại bất... tài. Năm nay nếu vớ được bà hai...”. Già mà còn ham vợ bé đó. Ai có ngon hơn Tú thì cứ làm thơ tiếp coi chơi! Hì! Hì...Búa Tài Sồi, Lý Thu nhớ đừng quên Đàn Ngang Cung của Tú.

Nhà thơ Hoàng Duy cũng gởi đến bài thơ “Vườn Cũ” và bài “Chùa cũ” để nói về sự tâm trạng buồn u ẩn của ông khi nhìn lại cảnh xưa.

Còn rất nhiều văn thi hữu đã cộng tác với chúng tôi trong năm. Do trang báo có hạn chúng tôi không thể nêu hết toàn bộ tên của quý vị. Mong được thứ lỗi nếu có sự chậm trễ, sơ xót của chúng tôi.

Phương Du cũng viết về “Sự Đau Khổ” của con người và ông đã lý giải bài thơ theo ba đoạn khác nhau. Đề tài của sự  đau khổ thì luôn bàng bạc trong thơ ca, văn học, âm nhạc, hội hoạ và nhiều trường phái khác nhau. Nhưng dù sao trong phạm vi nhỏ chúng ta cũng có thể tìm hiểu một phần nào trong bài phân tích của Phương Du. Mong quí vị tìm hiểu và cung cấp thêm cho chúng tôi ý kiến.

Kính thăm nhà văn Phạm thị Quang Ninh. Cảm ơn nữ sĩ đã cộng tác với chúng tôi một thời gian rất lâu. Thỉnh thoảng do bài gởi về chậm và do sự chuyển email không đến người biên tập kịp nên lại không giới thiệu về bà. Mong bà thông cảm sự sơ xuất nầy.

Trước thềm năm mới kính chúc quí vị và toàn thể gia quyến một năm mới dồi dào sức khoẻ, an khang, thịnh vượng, may nắm và thành đạt.

Đại Chúng

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002