Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


BẢO  TỒN VĂN-HÓA TỪ MIẾNG TRẦU ĐẾN TRẦU VÀ RƯỢU

(Tình Trai Gái/ HÀM - Đạo Vợ Chồng/HẰNG)

Nguyên-Thái Nguyễn Văn-Thắng

Dân Tộc Việt-Nam ta có tục Ăn-Trầu từ rất lâu, có lẽ từ thời Tổ Tiên thuần-hóa súc vật và cây cối khi mở đầu giai-đoạn nông nghiệp Hòa- Bình (Tên một tỉnh tại miền Bắc Việt Nam) khoảng 15.000 trước Tây Lịch (1) .Về sau, tiền nhân mới dùng chữ viết ghi lại sự tích Trầu Cau để mô tả sự liên hệ giữa Lá Trầu, miếng Cau và Vôi. Sự tích này bắt nguồn từ các thời Vua Hùng, thể hiện lên tình gia-tộc thuộc Họ Hồng Bàng, nước Văn-Lang ngày xưa (2).

Suốt mấy ngàn năm, chẳng những Trầu Cau thông dụng trong các giao tiếp giữa mọi người, cũng lại được dùng kèm với rượu trắng để cúng tế nữa. Từ những nghi thức quan trọng nhất như Tế, Lễ, Tết, Cưới, Hỏi . . . , Trầu Cau cũng được dùng để mời mọc thông thường phổ cập trong dân giã, đôi khi chỉ cốt để mào đầu một câu chuyện: 

 “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Khởi đầu của bước đường Dân-Tộc, không gợn chút dục-vọng, chỉ là vô-tư (trạng-thái đầu của vô-vi ?). Ta thấy điều đó trong bài đồng-dao về ông Tiên:

“Ông tiển Ông Tiên,

Ông có đồng tiền,

Ông giắt mái tai

Ông cài lưng khố

Ông ra hàng phố

Ông mua miếng trầu

Ông nhai tóp tép...”

Têm trầu là quệt một ít vôi trên lá trầu, cuốn tròn, gài lại bằng cuống lá đó, kèm bên cạnh một miếng cau (đã tước vỏ nhưng còn hột), đôi khi còn có cả miếng vỏ cây chay nữa. Người ăn trầu sẽ bỏ bớt hột hay không, tùy sở thích. Gom tất cả những thứ này lại để ăn ta gọi là “miếng trầu”. Nói là “ăn” nhưng lại nhả bã và nhổ “quýt trầu”  (Tuy nhiên miệng cũng có hấp thụ một ít nước trầu) vào ống nhổ.

Tục nhuộm răng đen (là một tiến trình rất cầu kỳ) và ăn trầu còn dự phần trong “y-khoa phòng ngừa” và đó là một trong những nét văn-hóa đặc thù của Tộc Bách Việt ta từ rất lâu đời (3). Thế nên, trong lời hiệu triệu tướng sĩ đánh quân Thanh, Vua Quang-Trung viết:

“Đánh cho để tóc dài, đánh cho để đen răng...”                                                                                    

Ngày xưa, người phụ nữ Việt Nam đã kỹ càng trong việc nhuộm răng đen rồi lại ăn trầu cho má hồng thêm nữa thì thật tuyệt, nhưng cô ta hơi khó tính đấy:

“Lấy chồng cho đáng tấm chồng,

Bõ công trang điểm má hồng răng đen.”

Nếu dùng người đẹp này vào kế-mỹ-nhân thì dẫu cho Hồng Thừa Đào quyết trung thành với nhà Minh mà rồi cũng phải đầu hàng (nhà Thanh) mà thôi (4).

Mời trầu là phải trực tiếp gặp mặt chớ không “ ăn trầu cách mặt”:

“Tiện đây ăn một miếng trầu,

Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?”

hoặc là

“Gặp nhau ăn một miếng trầu,

Gọi là nghĩa cũ ngày sau mà nhìn.”

thì đâu có phải chỉ là lẳng-lơ trắc nết như “Bướm ong lại đặt những lời nọ kia” (Kiều).

Tiếp khách là có trầu, chớ không như ông Tú Xương:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có,

Khách đến chơi đây, ta với ta.”

Quý nhau mời trầu đã đành, có ghét nhau cũng vẫn ra vẻ lịch sự, vẫn mời... trầu... nhưng:

“Yêu nhau cau sáu bổ ba,

Ghét nhau cau sáu bổ ra thành mười.”

Như trên đã nói, trong “miếng trầu” ít nhất là có 3 thứ: lá trầu, vôi và cau. Ở  đây chỉ thấy nói cau bổ ba hay bổ mười mà thôi, như vậy nghĩa là khi ít thành phần “cau” thì người ăn sẽ thấy không đậm đà nữa . . . và mất thú vị chăng? Hay là chỉ cần nhìn miếng cau, người được mời cũng đã nhận ra cách cư xử của nhau rồi.

Trước năm 1954, dân các tỉnh giáp ranh Hà-Nội, như Hà-Nam chẳng hạn, thường đem cau lên bán ở chợ Đồng-Xuân; đây là trung-tâm thương-mại của miền Bắc. Trước cửa chợ có đường tàu điện nên rất tiện di-chuyển, nhưng cũng không ít người vì vội vã mà nhảy lộn tàu, thay vì về Chợ Hôm lại lên tàu đi Bưởi. Gặp lúc tàu nghỉ trưa, phải xuống đi bộ trở lui, chó tây của các nhà hai bên đường tha hồ mà sủa. . ., cũng hú vía.

Có dịp theo các Bác, các Cô đem cau lên Hà-Nội bán lại càng nhớ Ông Bà ta có câu:

“Chuối đằng sau, cau đằng trước”

Nhận xét này rất là khoa-học bởi vì những nơi này được hứng nhiều ánh mặt trời hơn, trái sẽ lớn hơn, đẹp và ngon hơn; những trái ở phía này già trước, chín trước.

Trong xã giao, người con trai chủ động đã đành:

“Sáng nay tôi đi hái dâu,                         

Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn,

Hai anh đứng dậy hỏi han,”

“Thưa rằng tôi đi hái dâu,

Hai anh mở túi đưa trầu mời ăn..."

lời rằng:

- “Trầu bọc khăn trắng cau tươi,

Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh.

Ăn đi cho biết sự tình,

Để cho nó thỏa sự mình sự ta."

Đôi khi, ngầm phản ứng lại sự khắt khe từ ảnh hưởng Nho Giáo, có những lúc người con gái cũng bạo dạn mời trầu:

“Trầu này trầu quế trầu ca,                      

Trầu loan trầu phượng, trầu ta lấy mình

Trầu này trầu nghĩa trầu tình

Trầu loan trầu phượng, trầu mình lấy ta.

Trầu này têm tối hôm qua,

Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng.”

(nếu lại là    “Cất trong dải yếm mở ra mời chàng” thì càng quí).

Trầu này không phải trầu hàng,

Không bùa không thuốc sao chàng không ăn?

Hãy đừng chê khó chê khăn,

Xin chàng dừng lại mà ăn miếng trầu.”

Theo nếp sống Việt-Nam, “Giấu cha giấu mẹ”thế thôi cũng đã là quá rồi. Qua xứ tự-do Tây-phương, có cô con gái bắt cả mẹ quỵ-lụy người tình si, để rồi trong đám tang mẹ, lúc di quan, đãphải thốt ra câu “Con ngu, con làm Má khổ, con có tội!”.Thế màmới nhất tuần, chị em đã lại rước trai về đú đởn như thường. Họ cho rằng đấy là những cuộc tình đẹp! Người đàng hoàng thì gọi đó là loại mèo mả gà đồng; thật chẳng khác chi mèo với chuột trong bài ca dao:

“Con mèo mày trèo cây cau,

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.

Chú chuột đi chợ đường xa,

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.”

Để cảnh cáo những kẻ coi người mẹ như công cụ mồi chài của mình, ca dao Việt Nam cũng có câu:                                 

 “Trâu heo khi chết tế ruồi,                                   

Chẳng bằng khi sống ngọt bùi còn hơn.”

Nói rằng miếng trầu là nhịp cầu giao duyên giữa đôi trai gái; nhưng lại “Lân la điếu thuốc miếng trầu”, thì hóa ra ngày xưa trai gái cũng đều có hút thuốc (5) và ăn trầu cả đấy. Về sau, các cụ bà quay ra “xỉa răng” bằng thuốc lào cho đỡ... nhớ (6).

Khi trai gái đã bén hơi nhau rồi thì Trầu Cau cũng cầu kỳ hơn một chút:

 “Trầu vàng nhá lẫn cau xanh,

Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời.”

Thế là ta lại thấy người ăn trầu ưa trầu vàng (già chớ không phải úa), mà cau thì lại thích xanh chớ không thích vàng (cau vàng là cau đã già, hột cứng, khó nhai?).

Đã mời trầu mà “người ấy” lại không ăn thì thế nào cũng bị trách móc:

“Đi đâu cho đổ mồ hôi,

Chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn?”

“Thưa rằng bác mẹ tôi răn,

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.”     

Trả lời như vậy e hãy còn thiếu, không ăn trầu thế còn vì sao mà không ngồi? Thì ra chỗ ngồi còn bị cột buộc với câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; vả lại các cụ nhà Nho còn cấm “Đồng tịch đồng sàng” nữa kìa. Không những chỗ ngồi đã quan trọng, câu hỏi lại còn nói đến “chiếu”. Thường thì chiếu trải trên giường hay trên sập. Sập hay phản thường kê ở phòng khách còn giường thì chắc ở phòng ngủ. Nếu chiếu lại được lật trái, để úp mặt vào chiếc trải bên dưới thì đó là chỉ dấu giường của cô dâu chú rể trong ngày cưới; biểu tượng hình ly rượu hợp-cẩn Hằng, động tác ân ái của trưởng-nam trưởng-nữ đó khi mới thành hôn (chỗ thừa bù chỗ thiếu) theo phong-tục Việt Nam (7).                                                                                                                                                         

Khi trai gái mới có tình Hàm dưỡng thôi, biết tránh chiếu là phải bởi vì thời này ly                                              còn ....úp (Hàm), chưa lật ngửa (việc của Ông-Tơ  Bà-Nguyệt) lên được, thì làm sao mà rót rượu-cúng bái yết Tổ Tiên, để rồi được mẹ cho cái trâm, để mà......Hằng (xin xem lại hình vẽ Lôi trên, Tốn dưới “chồng” nhau).

Đấy là chưa nói đến nỗi oan khiên về chiếc chiếu của Thị Lộ mà Nguyễn-Trãi đã từng nhắc đến từ buổi đầu gặp gỡ:

“Ả ở nơi nào bán chiếu gon,

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?”...

Nhưng rồi tình yêu trai gái (Hàm) cũng sẽ lớn dần theo thời gian:

“Từ ngày ăn phải miếng trầu,

Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.”

Đã ăn trầu là phải nhai, nhai thấm giọng làm say, suy ngẫm, nhớ nhung để rồi tương tư ốm như Mỵ-Nương say tiếng hát Trương-Chi, say mà bỏ không được; để rồi ông Trưởng-Giả phải mời bằng được “người trong mộng” thì nàng lại chê xấu. Cổ tích là vậy, tân-thời lại có trường-hợp bà mẹ đang ốm vẫn phải vấn khăn, mặc áo dài để chèo kéo Chàng cho Nàng, bằng cách “nhờ cậu chở đi lấy thuốc Bắc” mà không xong.   Bà cụ chỉ muốn về lại Việt Nam, nhưng đâu có được! Ấy thế mà rồi vẫn còn có hoạt-cảnh bỏ nhà ra đi, cũng chẳng tới đâu:

“Một thương, hai nhớ, ba sầu,

Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi.”                             

Nói thì nói vậy chớ bụng trống mà ăn trầu thì có ngày say trầu lăn quay ra như say thuốc lào vậy; say trầu cũng chẳng khác người say thuốc lào bao nhiêu:

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên.”

Bởi vì khi “Có trầu, có vỏ, không vôi” thì làm sao môi đỏ má hồng được, có khác nào “Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu” (Kiều), cho nên:                                

“Nằm đêm trăn trở không yên,

Tai nghe tiếng dế gieo duyên ngoài thềm”

chẳng khác gì

"Có chăn có chiếu, không người nằm chung.”

Bồ chạy thẳng một mạch, quay ra đòi “nằm chung”, chớ đâu có chịu nhường phòng lớn đó cho vợ chồng đứa em, như thằng cháu nhắc khéo lại thành mang tội.

Họa hoằn lắm mới có người can đảm, để không phá hoại gia-đinh người khác:                                                     

“Có ai bận rộn vì ai,

Không ai giường rộng chiếu dài dễ xoay.”

Cho nên khi đã giao tình cấp 1 rồi cấp 2 thì tiến đến kết-hợp cấp 3, trai gái trình Lễ Trầu và Ruợu với hai họ và Tổ-Tiên để đi đến hôn-nhân, hầu có người nằm chung, là chuyện thường tình.

Nếu gặp mình mà người đẹp cứ quay mặt đi, anh chàng phải năn nỉ..., cũng vẫn văn chương:              

“Cho anh một miếng trầu vàng,

Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm.”

Nhớ nhé, chớ đừng để “Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.” ( Kiều).

Chắc yêu nhau thật đấy, nhưng lại phải xa cách như Tốn Phong và Hồ Xuân Hương thì lợn và cau cũng bị khổ lây:

“Yêu nhau chẳng lấy được nhau,

Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già.”

mà rồi dê con còn bị mắng nữa (8).

Giữa hai người mời trầu nhau nếu có tương liên, tương đắc để mà thành tri âm tri kỷ thì mới thú vị; bằng không thì cũng chẳng hay, để rồi tiếc nuối, mà chẳng biết thực hư:

“Ba đồng một mớ trầu cay,

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng,

Như chim vào lồng như cá cắn câu.....” .

Chữ “hỏi” ở đây là Lễ Hỏi, phải có rượu, có Lễ vì:                     

“Miếng trầu be rượu nên dâu nhà người”

Rượu ở đây là rượu cáo yết Tổ Tiên, kèm theo cả đầu gà má lợn để con gái báo hiếu cho cha mẹ. Phải chăng đây là lúc chàng “...trả lại nàng đôi mâm” (Mâm trầu cau và mâm rượu?!)

Trong các cuộc Tế, Lễ, người ta chỉ dùng rượu trắng (không màu). Rượu Việt-Nam được làm từ gạo nếp (làm Bánh-Dầy Bánh-Chưng cũng vậy), thứ gạo đặc sản của vùng lúa nước Đông Nam Á. Đem gạo nếp đồ xôi, ủ cho lên men rồi đem “cất rượu” (nấu cho hơi rượu bốc hơi rồi làm ngưng trong ống chảy qua bồn nước lạnh, hứng vào chai, đó là rượu). Khi Tế, Lễ thì không thể thiếu rượu; còn như lúc bình thường thì không nên uống để rồi say sưa. Ngày xưa, khi say thì bỏ bê công việc; ngày nay say thì lái xe tông người:

“Anh ơi uống rượu thì say,                                  

Bỏ ruộng ai cầy, bỏ giống ai gieo?”

Mời trầu là tục lệ trong giao thiệp, đối xử thường ngày, nên dù ăn được hay không cũng chẳng ai nỡ chối từ, cứ cầm lấy đấy, đem về cho người khác.

Thời xưa, đôi khi ăn trầu cũng còn sợ bị bỏ “bùa mê”, “bùa yêu”, thành ra người ta có thói quen:                   

“Ăn trầu thì mở trầu ra,

Một là thuốc độc hai là mặn vôi.”

Nhà thơ yêu nước Tam Nguyên Yên-Đổ Nguyễn Khuyến cũng để ý đến các cụ càng già càng nghiện trầu mà vì “lợi thì có lợi nhưng răng không còn” nên “Đi đâu chỉ những cối cùng chầy”, chưa kể có cụ còn có cả sợi dây xà-tích với hộp đựng vôi nhỏ bằng bạc. Gọi là chầy chớ thật ra chỉ là chầy một đầu có chĩa để đâm nát cau ra mà thôi. Khi dùng chầy cối để đâm trầu, người ta phải mất thời gian đâm tới xoáy lui, day qua nghiền lại vì vậy mà tục ngữ ta có câu “Cãi chầy cãi cối”.

Chắc hẳn xưa kia, Tổ Tiên ta chế cối chầy giã gạo, giã trầu, lớn nhỏ gì cũng đều bằng đá, có hình dạng theo biểu tượng Dịch Học Âm Dương (9).                                                                                 Sau này, cối chầy giã trầu được làm bằng đồng trạm trổ công phu, chỉ bỏ vừa miếng cau miếng trầu, miếng vỏ để người “có lợi nhưng không răng” đem theo cho tiện.

Cụ già nào không có cối giã mà muốn ăn trầu thì phải nhờ con cháu nhai dập ra đã. Chính vì nhận thấy sẽ có nhiều người mua cối chầy nên dù khi trước nhà thơ Tú-Xương tiếp khách không trầu, sau này lại định buôn bán cối:

“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau, 

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối,

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.”

Dù là đâm trầu hay nhai trầu, người ta đều cần chú ý thì đâm hay nhai mới mau dập trầu, họ theo dõi việc làm và trở nên suy tư, trầm tĩnh, đắn đo trong câu nói; đúng là “Ăn nhai, nói nghĩ”. Trong một hành động hệt như đang giã trầu là việc các vị trưởng lão bộ lạc Kogi, trên đỉnh núi Chira, nước Columbia thuộc Nam Mỹ, luôn xoay xoay cái chầy nhỏ để theo dõi mà nghiền cho nát cục đá vôi trong cái cối nhỏ trên tay; thỉnh thoảng họ lại đưa đầu chầy lên lưỡi mà nếm vôi.

Chầy và cối nghiền đá vôi đó chính là dụng cụ giúp người Kogi trầm tư mặc tưởng như một hình thức tham thiền (!), tiếp nối những thời gian, lúc còn trẻ, ngồi quay mặt vào tường suy tư đến vũ-trụ bao la trong hốc đá (10) để sống vô-tư giữa thiên-nhiên. Không biết sự nhai trầu (giã trầu bằng răng) và giã trầu bằng cối của Tổ Tiên ta có mang ý-nghĩa suy-tưởng thiền định như vậy không? Vào thập niên 70, ở Sàigòn, các Hòa-Thượng Độ-Lượng, H.T. Tâm-Giác, H.T. Thanh-Long, H.T. Huyền-Minh .. .  đều có ăn trầu. Ngay tại Mỹ sau này, mấy bà như bà Trường, bà Diệu-Thái ... cũng vẫn ăn trầu ... khô như thường.

Cách bổ cau, têm trầu, bầy trầu để dâng cúng trong việc tế lễ rõ ràng là đã có thời kỳ diễn tả nghi thức của Việt Đạo. Trầu Cau là miếng ăn, là biểu tượng cho sự tôn kính dùng trong các lễ Tế Thần, Lễ Gia Tiên, Lễ Tang, Lễ Hỏi, Lễ Cưới, Lễ Khao Thọ, Lễ Vinh Qui Bái Tổ, Lễ Mừng....:

“Túi vóc cho lẫn quần hồng,

Têm trầu cánh quế cho chồng đi thi.

Mai sau chồng đỗ vinh qui,

Ngựa anh đi trước, em thì võng sau.”

Vì vậy têm trầu cũng phải có mỹ thuật, Lễ Cưới thường có “Trầu têm cánh phượng”, có “Cau róc vỏ trổ hoa”, nhất là phải dùng dao sắc vì “Cau già dao sắc thì ngon”. Vả lại lúc bổ cau, cũng cần bàn tay khéo léo:

“Cau già khéo bổ thì ngon,

Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa.”

Khi bầy trầu trên đĩa, hạt cau phải sóng hàng, chầu vào giữa; đĩa trầu bầy 5 miếng hoặc 10 miếng, khi đưa mời khách phải bưng cơi trầu bằng 2 tay.

Lễ Gia Tiên thì trầu têm, nhưng Tế Lễ Thiên Thần, Quốc Tổ, thì phải để 3 lá trầu nguyên vẹn, phết một tí vôi lên đuôi lá và 3 quả cau cũng để nguyên (Trong dịp Tết Nguyên Đán hay Giỗ-Tổ, Lễ Thánh, ngay như Bánh-Chưng Bánh-Dầy cũng không được bóc hay cắt ra), cũng như phải dùng rượu trắng mà cúng (chân thật, chất phác là ở đó).

Nói đến miếng trầu, ta không nên bỏ qua bài “Mời Trầu” của Hồ Xuân Hương:

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân Hương mới quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.”

Nàng trách móc người tình hờ hững, mời trầu không thèm ăn (Chớ nếu đã ăn thì chẳng thể còn xanh hay trắng được nữa!), cứ mặc cho thời gian trôi như nước chẩy qua cầu, đến nỗi nàng phải “liều”. Dù rằng cơi trầu không kèm theo be rượu (có nghĩa là chưa Hỏi, Cưới gì) mà nàng vẫn cứ “vén phứa tượng lên”, tự mình lật ly (11) úp chiếu để rồi sau lại “Chém cha cái kiếp...” cũng chỉ “Tại” với “bị” như “Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình bị đen”(Kiều).  Trong lúc nàng Kiều, vì bất đắc dĩ, cũng từng than thở:

“Phận sao phận bạc như vôi!

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng “.

Thật ra, trong Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã dùng đến mười lăm mười sáu chữ “lễ”, duy chỉ có hai lần trước tượng thần-mày-trắng là tả hơi rõ, ngoài ra dường như không lễ nào đúng là lễ (tức là không thấy nói đến trầu và rượu). Có lẽ vì vậy, Kiều cũng chỉ là “non nước” (dùng tới 12, 13 cặp) đoạn trường “Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời” mà thôi. Đó chính vì Kia và Nọ không phối hợp điều hòa được nên mới thành “Đoạn Trường”!

Ai lại chẳng biết lá trầu xanh hăng hôi, cau chát dai cứng, vôi trắng nồng đắng nóng lúc trước nhưng một khi đã phệ-hạp (12) trong miệng, sẽ làm cho người ta thắm thiết duyên dáng, má hồng môi đỏ và say đắm lúc sau; để mà nhập cuộc kết-hợp:

“Mình với ta tuy hai mà một,

Ta với mình tuy một mà hai”

như  trong trò-chơi Kianọ sau này, nói lên bản tính hài-hòa cố hữu của người Việt      (13); đó chính là bản-sắc Văn-Hóa Dân-Tộc vậy.

Đôi khi cũng nên biết, có người ăn trầu nhổ ra nước quýt trầu màu bầm nâu chớ không được đỏ tươi để người tin dị-đoan, bằng vào nước trầu đỏ thắm hay nâu úa làm ngoại ứng, ước đoán sự việc tương lai (14).

Thế mới biết xưa kia miếng-trầu và chén rượu-trắng quan-trọng vậy thay, nó góp phần trong phong tục tập quán Việt Nam, trong Đạo Sống Việt (15) trước đây, cả về mặt hữu hình (Hình nhi hạ) và vô-hình (Hình nhi thượng) vậy. Lưu lại tục lệ Ăn Trầu cho chắc răng thơm miệng, kèm theo câu chuyện Tân và Lang, Tổ Tiên ta có ý nhắn gởi con cháu hãy khéo điều hòa tình cảm giữa anh em (gia-đình lớn) và vợ chồng  (gia-đình nhỏ, gia-đình hạt nhân). Đừng để xẩy ra tương tự như cảnh một người Dì (em mẹ) chỉ vào mặt cháu dâu mà nói “Mày là con đ. nên tao không cho nó lấy”, ở bên lề tòa-án nọ (may mà ở đó, người Mỹ không nghe được tiếng Việt). Trước kia, ngay tại SàiGòn Việt Nam cũng có trường hợp chị dâu đang ngồi khom lưng gội đầu, cô em chồng bê cả chậu nước (nước bồ kết còn nóng) dội cho ướt trụi.

Tại Mỹ còn có chuyện ông Bố muốn đến thăm con, hai đứa này ở cùng nhà với chị  mẹ; mỗi tối, sau 12 giờ đêm, khi nào “ông “ và chị đã vào phòng với nhau rồi, không cần hầu nữa, mẹ chúng mới sang với bố ở một apartment cách đó chừng 2 dặm (sau khi giàn xếp để “thuê riêng cái basement, nếu có lên là chỉ lên thăm má thôi” mà không được). Người mẹ thì nói “Anh muốn sang lúc nào cũng được, vào phòng nào cũng được, chỉ trừ phòng của bà ... và phòng của T. thôi”, nhưng bà bác này thì lại cố ý ngăn cản “ Cần gì phải đến, cứ viết thư là ngày hôm sau tụi nó nhận được rồi”; thư viết đến thì lục cặp của cháu kiểm duyệt rồi vứt đi, gây mâu thuẫn, chia rẽ gia đình người ta để thủ lợi... Thậm chí có lần, cô em bị đi cấp cứu về mà chẳng “có ai nấu (miếng cháo) cho mà ăn!”; ngược lại, ngoài cửa tủ lạnh đã có một “toa” thực đơn phải làm để cô chị mời khách như thường. Có lẽ cô chị hăm lật tẩy cô em chăng, nên cô em cứ phải nghe mọi chuyện? Họ như vậy đó, nhưng hễ mở mồm là thậm xưng làm văn-hóa và còn cố-vấn cho hội Văn-Hóa của các em sinh-viên mới thật là tai hại. Họ còn dám viết truyện công bố lập trường “Anh chị em Trâm thương yêu, đùm bọc nhau trong mọi hoàn cảnh, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất ”. Để tránh bọn thiếu văn-hóa khuynh loát, xâm phạm nhân quyền người khác như vậy (khi trai gái đã thành gia-thất rồi; lãnh trách nhiệm với gia-đình mới đó, họ đã nghiễm nhiên là cái đầu chớ không còn là tay chân nữa), tục-ngữ Việt-Nam đã có cả hai câu :                                                                                    

“Anh em như thể tay chân” (Khi chưa lập gia đình, bố mẹ là đầu), màrồi lại:

“Anh em kiến giả nhất phận"

cũng chỉ cốt nhằm mục-đích gây-dựng sao cho gia-tộc bền vững, Dân-Tộc trường tồn; người người “Tóc bạc răng long”, “Sống lâu trăm tuổi”, như câu chúc-mừng tân gia của Cụ Tam Nguyên Yên-Đổ ngày nào :                                                                                                                                         

“Nhà  này  chắc  hẳn  trăm  người  chết,

Cha  trước  con  sau,  vợ  trước  chồng “

Nhà như nói trên đây là nhà ba gian có nóc dốc, hướng Nam (hướng Nam là Lửa, là Văn Minh, Văn-Hóa), gian giữa có bàn thờ Tổ Tiên. Nhà có nóc dốc như hình nhà trên trống đồng Lạc Việt của Việt Nam, giúp con người tránh nắng trú mưa: “Con có cha như nhà có nóc”.

Theo thứ tự như trong câu đối trên, ít nhất giòng giống cũng được truyền thừa đến mươi ngàn năm vớiø biết bao cuộc Tế, Lễ, Cưới, Hỏi, Hội-Hè, Đình-Đám được lập đi lập lại để phong-tục tập-quán Trầu Cau, Rượu cùng với Lễ Nghĩa Liêm Sỉ của Đạo Sống Việt (16) trường-tồn theo thời-gian.

Nguyên-Thái Nguyễn Văn-Thắng              

Viện KIANO Văn-Hóa Việt

Chú Thích :

Trong tập-san National Geographic tháng 3, 1971, thiên khảo cứu công-phu “ New Light On A Forgotten Past”, Tiến-Sĩ Wilhem G. Solheim II, Giáo-Sư Nhân Chủng Học tại Đại Học Đường Hawaii đã đồng ý với Học-Giả Sauer rằng: ” Cây cối do nền Văn-Hóa Hòa-Bình thuần hóa đầu tiên trên trái đất. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu việc làm cho cây cối phục thủy thổ này đã được thực hiện trước năm 15,000 TTL”. Mặt khác, các Học-Giả Ping Ti Ho trong quyển “Cradle of East”(The University of Chicago press 1975) và Joseph Needham trong bộ “Science and Civilization”(Vol.I, Cambridge University) cũng công nhận rằng Văn-Hóa Đông Nam Á phát xuất từ phương Nam rồi tỏa lên...

Kinh Việt của Nam-Thiên, nhà xuất bản Hoa Tiên Rồng Úc Châu; Đạo Sống Việt, Tủ sách Việt Thường Texas / Đào Văn Dương, Vĩnh Như; Tinh Hoa Văn-Hóa Việt, Đinh Khang Hoạt; v.v.

Sứ-thần nước Văn Lang (Giao-Chỉ) đã trả lời vua nhà Chu (Trung Quốc):”Chúng tôi có tục ăn Trầu để khử mùi ô-uế và nhuộm cho răng đen...” Sử liệu Trung-Hoa cũng còn ghi lại rằng Triệu Vũ Vương đã bị đồng hóa với dân miền Nam lúc làm vua ở đó, khi viết:”Vua Triệu cũng ăn trầu, ăn mặc giản dị, khi tiếp sứ-thần nhà Hán thì ngồi xổm...”

Vào đời nhà Minh, năm Sùng-chính thứ 14, nhà Thanh đánh bại quân nhà Minh ở Cẩm-Châu bắt được Hồng-Thừa-Đào làm tù binh. Hồng-Thừa-Đào là người tại đất Trung-Nguyên, văn võ đều giỏi, lại rất sành sỏi về chính-trị Trung-Quốc. Vua Thanh là Thái-Tôn muốn nuốt trọn Trung-Hoa nên cần y, cuối cùng đành cho vợ làm mỹ-nhân-kế mới lôi kéo được Hồng về với mình. (Mỹ-nhân-kế là kế thứ 30, lại cũng liên quan đến quẻ thứ 30 Thuần Ly trong Dịch/ Thoán-từ nói đến “con bò-cái”; kế đến là 2 quẻ Hàm 31 và Hằng 32 nói đến tình trai gái và đạo vợ chồng, ta không lấy gì làm lạ).

Hình chụp 2 người đàn bà ngồi hút thuốc lào bằng điếu bát có cần hút bằng trúc nhỏ cong dài/ Bản Sắc Văn-Hóa Việt-Nam, Trần Ngọc Thêm, trang 191. Hút thuốc lào là chuyển vị khói lửa ở trên và ngoài nước trở xuống dưới vào trong nước: Vị –Tế trở nên Ký-Tế.

Ngày nay, người TâyPhương nhai kẹo cao-su để khỏi ăn trầu nhai cau, và nhai thuốc lá giả để cai thuốc lá thật.

Sách Phong tục Việt-Nam của Tân Việt, nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội 2001, trang 27.

Hồ Xuân Hương dùng hình ảnh con “Dê húc giậu” theo hào 5 quẻ Đại Tráng của Việt Dịch. Trong 64 quẻ, duy chỉ quẻ này nói đến Dê, và tượng thì có 2 sừng: “Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”.

Nhìn tượng quẻ Lôi Sơn Tiểu Quá trong Việt Dịch, Tổ Tiên Nòi Việt đã chế ra cái chầy (Pestle) để giã; nhìn tượng Chấn thì chế ra Cối để giã. Ngày xưa Việt Nam có tục giã cối chầy đón dâu/ sđd.

(10) Vidéo “Thông-điệp của nhũng người đàn-anh” của bộ-lạc Kogi do Ký-Giả Alan Ereira Đài BBC thực-hiện vào tháng 3 năm 1993, gửi đến Đại Hội Tôn-Giáo Thế-Giới họp tại Chicago vào tháng 9, 1993 (Từ năm 1983, người Kogi đã kêu gọi Ký-Giả Alan Ereira vì biết có Đại-Hội này!). Cũng vào năm 1993, triết-thuyết KIANO (Ông đưa của KIA, Bà chìa của NỌ) của Việt-Nam được Nhà Sáng Chế Nguyễn Văn-Thắng trình bày đầu tiên tại Mỹ.

(11) Trong Việt Dịch, hình cái-ly-có-chân úp là tượng quẻ Hàm, lật ly này lên ta có tượng hình quẻ Hằng. “úp chiếu” là làm 2 mặt chiếu sáp vào nhau theo tượng Lôi/Trưởng Nam trên đè Tốn/ Trưởng Nữ dưới, phụ họa cho tục-lệ dùng Chầy “Giã Cối đón dâu”/ sđd.

(12) Hỏa/Lôi Phệ-hạp, là nhai đứt (Cây bốc lửa, không còn gì ngăn cách nữa). Miếng trầu sau khi nhai thì mềm ra,cũng tương tự.

(13) Trò-chơi Khép Mở KIANO (Close-Open Game), biểu hiện triết-lý sống hài-hòa cố hữu của người ViệtNam, được nhà Sáng Chế Nguyễn Văn-Thắng hoàn thiện tại Hoa-Kỳ vào năm 1993; năm 1996, ông Thắng đã tặng Viện Bảo-Tàng Smithsonian Institution 1 bộ Trò Chơi KIANO 36 quân bằng gỗ và 1 Cây Gậy Thần Việt Nam 9 đốt bằng trúc; năm 1999, hai hiện vật này đã trở thành National Collections tại Khu Văn-Hóa trong Viện Bảo Tàng Smithsonian Museum of American History, thủ-đô Hoa-Kỳ (Thư cảm tạ của Viện Bảo Tàng).         

(14) Những tin-tưởng tương tự như vậy, phong-tục tập quán các nước đều có. Như ỏ miền Tây tiểu-bang Maryland nước Hoa-Kỳ, người ta cũng cữ quét nhà mà đổ rác vào ban đêm; người ta cũng tổ chức căng-dây hay thổi còi inh tai để vòi tiền Dâu Rể như ở Việt Nam (về sau ở Việt Nam đổi thành lệ “nộp cheo” cho làng); chuyện “Tấm Cám” cũng tương tự/ Maryland Folklore and Folklife.

(15) Dâng cúng Tổ Tiên bằng Bánh-Dầy Bánh-Chưng lớn 4 lạt, Ăn Trầu, Hút thuốc lào, Uống rượu cần, Xâm hình Rồng trên mình, Nhuộm răng đen, Đeo lông chim, Đánh Trống Đồng..., Xây Tháp Thờ Thần Lửa (Nhà Hán qua đô-hộ gọi đó là “Tháp bút”), Trải 2 chiếu-úp-mặt trong Lễ Cưới .v.v., chính là những sinh-hoạt đã góp phần xây dựng nên Nhân-sinh-quan Hàm Hằng, Vũ-trụ-quan Bĩ Thái và Ký Vị của Đạo Sống Việt-Nam 5 ngàn năm Văn-Hiến. Có kẻ thiếu hiểu biết cho rằng chỉ nên kể Việt Lịch từ khi xây được Thành Cổ-Loa thôi (vì mắt họ chỉ nhìn thấy có thành Cổ-Loa còn lại). Họ nên biết rằng nếu không nhờ Rùa Thần thì không xây được thành! Rùa Thần xuất-hiện từ lúc “cõng” Hà-Đồ Lạc-Thư  kia đấy.                                                                                                                                               

(16) Năm 1999 (?), tại Maryland Hoa-Kỳ, một tổ chức của Sinh Viên Nam Nữ người Mỹ đưa ra chủ-trương “học đã, khoan yêu!”, phù hợp với Văn-Hóa Việt Nam: “Chỉ HÀM thôi, chưa có Lễ thì chưa được HẰNG”; cũng như “. . . chưa thi đỗ thì chưa động phòng “ vậy.

Tài liệu tham khảo chính:

1- Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục (xuất bản lần đầu năm 1915)

2-Toan Ánh: Nếp cũ  1966-

Washington, D.C. ngày 11 - 9 – 2001

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002