Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


KHĂN ÁO MẾN YÊU

Song Thái Phạm Công Huyền

Tết đã đến, Xuân đã sang.

Trong cái cảnh tha hương lữ thứ, ai mà chẳng nhớ về quê cũ với bao kỷ niệm vui xuân mừng tết trong buổi thanh bình an lạc. Không những nhớ mà còn tiếc tất cả những gì là cao quý thiêng liêng từ ngàn xưa để lại trong phong tục tập quán, trong nếp sống hiền hòa ấm cúng; mà ngày nay ở nơi quê người đất khách không còn giữ được, hay đã coi như rơi vào dĩ vãng xa xăm.

Mà nay mai được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, liệu giang sơn còn có vẻ huy hoàng cẩm tú như  ngày xưa không nhỉ, và những gì là thiêng liêng cao cả của ngàn xưa, liệu có thể phục hồi nguyên vẹn lại như cũ được không? Nghĩ tới đây, ai là người còn nặng lòng với mảnh đất thân yêu nơi Sông Hồng Núi Tản, nơi Đỉnh Ngự Hương Giang, nơi Cửu Long Đồng Tháp, chẳng ngậm ngùi tê tái.

Tôi còn nhớ lắm, lúc bấy giờ, tôi chỉ mới là đứa con trai mười tám đôi mươi, trong gia đình còn có Nội Tổ và Gia Nghiêm. Thế mà bao lần Đông qua Xuân tới, phút chốc đã ngoại tám chục tuổi đầu, với bao cảnh tang thương, biến đổi, trôi dạt, long đong. Trong cảnh già nua hiện nay, tôi cố ôn lại trong ký ức những gì tôi luôn luôn nhớ tiếc.

Tôi còn nhớ lắm, cứ mỗi đêm trữ tịch của ngày xưa, vào lúc giờ Hợi bắt đầu, Nội Tổ và Gia Nghiêm đã khăn áo chỉnh tề để sắp sửa làm lễ Giao Thừa. Mà chính tôi cũng mặc cái áo lương thâm, cái quần trúc bâu trắng mới, và đội cái khăn chữ “Nhân” lên đầu để theo Ông, Cha vào làm lễ trước bàn thờ Tiên Tổ. Khi ấy Ông và Cha tôi mừng Xuân vui Tết, mà trong lòng còn bội phần hoan hỷ, vì theo cái giòng luân lưu trong huyết thống gia đình, đã nom thấy có tôi, sau này kế tiếp để hương khói phụng thờ các tiền nhân đã khuất.

Đã nhiều đời rồi, đến Ông và Cha tôi, đều do nơi Cửa Khổng Sân Trình xuất thân, nên các Người rất quý trọng tôn thờ những gì mà Thánh Hiền đã truyền dạy.

Lúc ấy tôi là học trò trường nhà nước đã lên tới bực Trung Học, nên cũng tập tễnh như anh em cùng lớp, hoặc theo như người ở tỉnh thành, mặc quần tây với áo sơ-mi (chemise).

Cho nên Nội Tổ và Gia Nghiêm mỗi dịp mừng Xuân vui Tết, lại khuyên tôi không bao giờ được quên hay bỏ cái khăn “Chữ Nhân” và cái áo dài “Năm Thân”. Vì theo các cụ, thì bộ “quốc phục” này có một ý nghĩa thực thiêng liêng cao cả. Nó biểu tượng con người đất Việt, trải qua mấy ngàn năm, vẫn là những người còn giữ được các đạo đức cao siêu vô giá. Với các đạo đức ấy, người Việt cũng chung sống trong tinh thần hiền hòa êm ấm thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đầy lòng tương thân tương ái, mãi cho đến cái ngày mà, chủ nghĩa ngoại lai xâm nhập làm xáo trộn tất cả bao nhiêu giềng mối cổ xưa, đem dân tộc đến chỗ tàn sát lẫn nhau, rồi rơi vào cái cảnh lầm than thảm khốc như hiện nay.

Ai là người Việt Nam mà chẳng nhớ bộ Quốc Phục của ta gồm có trên đầu một cái khăn, trên mình một cái áo “năm thân” và dưới là cái quần trắng. Có tiền thì mua thêm giày dép để đi, mà nếu không may được áo dài, thì trên đầu vẫn có cái khăn. Cái khăn đội trên đầu gọi là khăn chữ “Nhất” (–) hay là cái khăn chữ “Nhân”.(SCAN HÌNH CHỮ TÀU VÔ ĐÂY)

 

Trước kia, tiền nhân chúng ta, ai ai cũng đội khăn, dù là vua quan hay lê thứ. Riêng có nhà vua được dùng màu vàng. Còn quan, dân đều dùng màu đen. Thường thường là một mảnh nhiễu, mảnh lụa hay vải đen, quấn lên đầu nhiều vòng, nhiều nếp làm khăn, nhưng thế nào ở ngay giữa trán, phải quấn thế nào cho rõ ra là một chữ Nhất hay chữ Nhân. Đi ra đường hay khi lễ bái, hoặc có một việc gì, thì trước hết phải quấn khăn lên đầu và mặc áo dài. Về nhà, hoặc xong công việc thì lại rỡ khăn và cởi áo ra. Dần dần sau này, muốn tránh sự phiền phức, quấn vào gỡ ra như vậy, đồng bào đã nghĩ ra cách làm ra cái khăn có nhiều nếp khâu lại hoặc dán lại với nhau, nghĩa là một cái khăn đã quấn sẵn, rồi khi cần, chỉ chụp lên đầu, nên có cái tên là “khăn chụp”. Trong lúc yên hàn là màu đen, nhưng đến khi có tang chế thì dùng màu trắng. Trừ con cái đại tang cha mẹ thì dùng một mảnh vải trắng thắt ngang ra sau gáy. Còn thân bằng quyến thuộc, để tang lẫn nhau cũng dùng vải trắng quấn khăn trên đầu, nhưng thế nào ở giữa trán cũng phải nổi bật lên chữ Nhân hay chữ Nhất.

Ý nghĩa của “cái khăn chữ Nhất hay chữ Nhân” và cái “áo năm thân” thì khi ấy Nội Tổvà Gia Nghiêm có cắt nghĩa rõ ràng cho tôi nghe rõ, nhưng với bao ngày tháng trôi qua, với bao thăng trầm thay đổi, lênh đênh lưu lạc, thì làm sao tôi còn nhớ hết từng câu từng chữ mà viết ra đây cho hết được. Nhất là sau mấy năm học chữ Nho, tôi đã phải theo trào lưu, bỏ bút lông cầm bút sắt, ra học trường Pháp Việt nên may chỉ còn nhớ lại một vài nét chính mà thôi.

Theo Ông và Cha tôi nói thì trong Sách Luận Ngữ, thiên thứ tư, thì Đức Khổng Tử có nói rằng:

“TỬ VIẾT SÂM HỒ NGÔ ĐẠO NHẤT DI QUÁN CHI”

Nghĩa là: Đức Khổng Tử đã nói cho thầy Tăng Tử biết rằng: “Cái Đạo của ta chỉ có một mà bao trùm tất cả”.

(Sâm là tên tục của thầy Tăng Tử, còn chữ Quán có nghĩa là bao trùm tất cả, dù lớn đến đâu, dù nhỏ đến đâu, đều thâu gồm trong Đạo).

Tổ tiên chúng ta ngày xưa theo Hán Học, cho nên những điều gì của Đức Khổng Tử nói ra, đều là khuôn vàng thước ngọc. Cái Đạo của Ngài chỉ có một mà bao trùm tất cả ấy, phải được chôn sâu vào trí óc các sĩ tử để luôn luôn nhớ đến hay nom thấy.

Trong câu nói trên đây của Đức Khổng Tử, thì có bốn chữ Nhất Di Quán Chi (Scan hình chữ tàu vô đây) là quan trọng hơn cả, mà lại bắt đầu bằng chữ Nhất

(–) chỉ có một nét ngang rất dễ nhớ thì chi bằng đem ngay cái chữ Nhất ấy, lồng vào cái khăn, đội ở trên đầu, để ai ai cũng luôn nhớ, và nếu không trông thấy được ở trên đầu  mình, thì cũng nom thấy chữ Nhất ấy trên trán của mọi người xung quanh. Như vậy, ai đã nom thấy chữ Nhất, đã đặt chữ Nhất trên đầu, thì phải nhớ ngay đến bốn chữ Nhất Di Quán Chi là nhớ ngay đến cái đạo duy nhất của Ngài để tôn thờ, vì Đạo chỉ có một mà bao trùm tất cả, thực là cao siêu rộng lớn.

Mà quả cao siêu và rộng lớn thực, vì đạo Khổng cả Trời Đất và Người tức là bao trùm cả vũ trụ mênh mông, vô thỉ vô chung, cả đất với sông núi, cỏ cây, rừng sâu biển rộng, và cả loài Người, khôn ngoan, sáng láng đứng đầu trên vạn vật.

Hiểu thấu được cái Đạo bao trùm cả Thiên-Địa-Nhân thì con người sẽ hoàn toàn siêu việt đạt tới Chân-Thiện-Mỹ.

Cho nên ngay cả vua chúa nước ta cũng đội trên đầu cái khăn vàng chữ Nhất để nhắc nhở Quân Vương phải theo cái Đạo Nhất Di Quán Chi cao cả ấy, lấy giang sơn làm trọng, lấy dân tộc làm quý, và phải lo cho nước mạnh dân giàu.

Còn cái khăn chữ Nhân thì Nhân là Người, mà đã là Người, vẫn theo Khổng Học, muốn xứng đáng làm con người thì phải có Tam Cương (Quân-Sư-Phụ) và Ngũ Thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín). Tiền nhân của chúng ta đội cái khăn chữ Nhân ở ngay giữa trán trên đầu, nơi cao quý nhất của một thân người, là có ý nhắc nhở ai nấy, lúc nào cũng phải xử sự cho ra con người, lấy Tam Cương và Ngũ Thường làm căn bản. Mà quả thực không sai. Giữa mọi người (dù là chủng tộc nào cũng vậy), nếu có Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, thì làm gì còn có những chuyện hà hiếp bóc lột lẫn nhau, thì làm gì còn có những chuyện lừa thầy phản bạn, bội nghĩa vong ân, trốn chúa lộn chồng, bỏ vợ lìa con. Một xã hội nói riêng mà cả nhân loại nói chung, có Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, thì hẳn lúc nào cũng an lành vui vẻ, làm gì có chuyện chiến tranh khốc liệt, thế giới sẽ hoàn toàn hạnh phúc và hòa bình.

Cái khăn chữ Nhất hay chữ Nhân đã vậy, còn cái “Áo Dài Năm Thân”, cũng có một ý nghĩa không kém phần quan trọng cao quý.

Theo như hình vẽ, Năm Thân thì 2 thân ở đằng trước (1&2), 2 thân ở đằng sau (3&4) và 1 thân từ chỗ cài cúc chạy dài xuống thân đằng trước (số 5).

Năm thân hay năm tà của cái áo dài đàn ông Việt Nam là tượng trương cho 5 yếu tố căn bản, từ khi nguyên thủy cho đến ngày nay, đã cấu tạo ra vũ trụ, đất đai, con người cùng vạn vật, và đó là Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Năm Thân của cái áo dài ấy lại lài tượng trưng cho 5 đức tính cốt yếu của con người là Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín như vừa nói ở trên.

Tiền nhân của chúng ta khoác lên mình một cái áo gồm thâu cả càn khôn vũ trụ, gồm thâu cả cái đạo nhân –luân, thì quả cái áo dài ấy có một ý nghĩa vô cùng cao siêu, huyền diệu, mà ngòi bút non nớt của tôi, không thể nào viết ra hết được, mong các vị cao minh bổ túc thêm cho.

*

Nhớ lời di huấn của tiền nhân, cho nên đến hiện nay dù ở nơi tha hương lữ thứ, tôi không bao giờ quên và bỏ được bộ “quốc phục” khăn chụp, áo dài.

Tôi đã dặn con cái trước rằng: đến lúc lâm chung cũng mặc cho tôi bộ khăn áo ấy, kẻo xuống đến tuyền đài, gặp lại tổ tiên, sẽ bị quở trách không nhớ lời dậy bảo lúc sinh tiền, và đã trở nên con người quên cả nguồn gốc ngày xưa.

Trong những dịp trọng đại như giỗ Tết, cưới hỏi... tôi vẫn mặc bộ khăn áo ấy. Nhiều người đã chê bai là lập dị, là bang bạnh, là cổ hủ, nhưng nếu ai nấy thông cảm cùng tôi đến cái ý nghĩa cao cả mà tôi vừa trình bày ở trên, thì cũng sẽ bớt phần gay gắt với bộ khăn chụp áo dài mà tôi luôn luôn mến yêu gìn giữ.

Từ năm 1964, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Âu Châu này, cũng vào dịp Nguyên Đán, tôi đã mặc quốc phục: khăn chụp, áo dài, quần trắng, ô đen, đi dạo phố ở Paris. Tôi thấy có nhiều người các nước khác và cả người Pháp nữa, chĩa ống ảnh thu hình tôi. Tôi không rõ họ có cảm nghĩ ra sao khi nom thâý một bộ y phục khác lạ giữa nơi đô thành bực nhất này. Nhưng tôi vẫn thản nhiên và hãnh diện với bộ quần áo mà tôi vô cùng yêu mến.

Tôi mến yêu bộ quốc phục Việt Nam, tôi thấy nó có một ý nghĩa thiêng liêng cao cả, như tiền nhân đã tạo đặt ra. Vậy mà nay nó bị lãng quên, tôi ngậm ngùi nhớ tiếc. Cho nên tôi cố giữ, cố mặc, mà còn mơ ước rằng đồng bào sẽ mặc lại cái “áo dài năm thân” trên mình, và đội cái khăn chữ Nhân hay chữ Nhất, trong những ngày trọng đại, nhất là quý vị cao niên làm gương cho hậu thế.

Y phục cũng như nghi lễ, ngôn ngữ, phong tục tập quán, hội họa, điêu khắc ... là một ngành quan trọng trong nền văn hóa một dân tộc, cần được bảo tồn. Vậy mà tiếc thay đến nay đã bao người hô hào bảo tồn văn hóa dân tộc mà tôi chưa thấy bao giờ nói đến bảo tồn và sử dụng quốc phục Việt Nam. Thỉnh thoảng có một vài cuộc triển lãm, chỉ nói đến y phục phụ nữ mà không thấy đả động gì đến cái khăn quấn và chiếc áo dài của đàn ông. Thiết nghĩ cũng là một điều thiếu sót.

Tôi ao ước sớm chiều rằng trong một ngày gần đây, trên các nẻo đường ở địa cầu này, dù Âu-Á hay Úc-Mỹ-Phi, thấp thoáng thấy xuất hiện các vị tu mi nam tử với bộ quốc phục Khăn Chữ Nhân, Áo Năm Tà, để không thể nhầm người Việt Nam với người Mên, người Lào, người Tầu, người Nhật.

Người các nước khác sẽ dễ nhận ra người Việt Nam với khăn quấn, áo dài đã có 5000 năm lập quốc, với khăn đóng áo dài, đã có những chiến công hiển hách vô song, đánh đuổi mọi kẻ xâm lăng đất nước, với khăn quấn áo dài, đã có những vị anh hùng cái thế, lừng danh kim cổ như Hưng Đạo, Quang Trung, với khăn quấn áo dài đã có những ngòi bút mạnh hơn trăm vạn đạo quân của Lý Thường Kiệt bình giặc Tống, của Nguyễn Trãi đuổi quân Minh, với khăn quấn áo dài, đã có một nền luân lý thiêng liêng vững chắc về hiều thảo cùng nhân nghĩa, với khăn quấn áo dài, đã có những áng văn chương lưu truyền thơm nức như Kim-Vân-Kiều, Chinh-Phụ-Ngâm ....

Mà ngay trong giai đoạn ly gia tâu quốc hiện nay, người Việt Nam tỵ nạn trên khắp năm châu bốn bể đều thâu đoạt được những kết quả lẫy lừng trên mọi phương diện. Lại còn bao nam nữ, trên đường học vấn, trong bất cứ ngành nào, cũng được nêu danh bảng vàng chói lọi.

Như vậy thì mặc bộ quốc phục, khăn quấn áo dài, đâu có gì phải e thẹn ngượng ngùng, mà trái lạiphải tự hào mình là người Việt Nam đã có một bộ y phục đầy ý nghĩa thiêng liêng, cao cả, mà dám chắc rằng bất cứ một y phục nào khác cũng không sánh kịp.

Đã đành rằng, nay ra nước ngoài, vì công ăn việc làm không cho phép mặc bộ khăn quấn áo dài ít gọn gàng, nhưng cũng không nên coi nó là cổ hủ phải bỏ hẳn đi.

Nay lại gặp buổi Tết đến Xuân sang, đồng bào mình ở nơi hải ngoại đều cố giữ lại những gì là thuần phong mỹ tục, thiêng liêng cao quý của giống nòi, nào là Giao Thừa, nào hái lộc, van vái Tổ Tiên, cành đào chậu cúc .... thì tại sao lại không giữ lấy bộ y phục cổ truyền đầy ý nghĩa cao siêu, rộng lớn, như tôi vừa trình bầy ở trên.

Quả thực đáng tiếc và ngậm ngùi lắm thay.

Song Thái Phạm Công Huyền

Paris 2002

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002