|
|
Giới Thiệu |
MÙA XUÂN KHÔNG DÀNH RIÊNG CHO ĐẤT NƯỚC DÂN TỘC NÀO TRÊN HOÀN VŨ. Mùa Xuân cũng chẳng của riêng ai dù phái tính nào, giai cấp nào, thể chế nào... ngày xưa hay ngày nay, mà là của tất cả mọi người. "Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà". Vì vậy, mà năm nào cũng vậy, dân tộc Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên... và bất cứ ở quốc gia nào trên thế giới cũng đều có những ngày xuân theo tập tục của họ. Nói về tập tục lễ tiết trong năm, như lễ tiết tháng giêng, thường gọi đó là Xuân Tiết. Tiết này lập ra lịch Thái sơ từ thời Hán Vũ Đế... Cứ theo lịch này thì tháng giêng là tháng đầu của một năm, tháng của trăm hoa đua nở, của lộc mới đơm cành, của chim líu lo ca hót, của bướm lượn ong vờn... biểu hiện cho hình ảnh của một mùa xuân muôn hồng nghìa tía... Ngày đầu của năm được gọi là ngày Nguyên Đán. Tục lệ đốt pháo mừng ngày đầu năm mới bắt nguồn từ Nam Bắc triều. Tục đốt pháo không ngoài mục đích trừ tà ma quỉ quái... tống đi những điều hung, để đón nhận những cái gì tốt đẹp nhất. Đây cũng là ngày để con cháu mừng tuổi tổ tiên, nói lên tinh thần tìm về cội nguồn, khẳng định sự liên tục tiếp nối đời đời kiếp kiếp về dòng máu lưu truyền của tổ tiên từ ngàn xưa lưu truyền cho con cháu. Trước ngày Nguyên Đán, người Trung Hoa cũng như Việt Nam kể cả Nhật Bản hay Triều Tiên có tục "Rước Thần" ngay vào sáng 30 Tết và sau đó mới là lễ "Rước Ông Bà". Tại Vương quốc Nepal trong dịp Tết Desai cũng có lễ tương tự như ta. Họ rước Nữ Thần Dunijia - biểu tượng cho sự an lành, thịnh vượng - được tổ chức vào cuối tháng Chín đến đầu tháng Mười Dương lịch. Người Nepal còn có tục "Thánh Tẩy", mọi người mang chiếc bình đồng đến tắm dưới dòng Suối Thánh để tẩy sạch thân mình, sau đó múc về nước suối thánh trong chiếc bình đồng đem về như mang sự an khang và thịnh vượng cho gia đình. Ngoài ra, người Nepal còn các tục "Nghênh Hoa". Đặc biệt là "tục sát sinh" - một tục lệ biểu hiệu cho sự trừng trị kẻ dữ. Người Nepal có tục sùng bái "Hoàng Ngưu" - Hoàng Ngưu ở đây có nghĩa Bò Vàng được coi như là thánh thiệm, còn trâu đực, dê đực và gà trống bị liệt vào loài tà ác... Theo giai thoại lưu truyền trong nhân dân nepal thì: Nguyên thần Lama có một bà vợ rất xinh đẹp bị ác quỉ cướp đi. Thần Lama mới đến thỉnh cầu Nữ Thần DUNIJIA ban cho mình được minh mẩn trí tuệ và có một sức mạnh để đánh lại ác quỉ hầu giải cứu vợ mình. Nhờ sức mạnh của nữ thần ban cho, thần Lama mới giải thoát được vợ khỏi tay con ác quỉ. Từ đó, đến ngày thứ chín của Tết Desai, mọi người mang trâu đực, dê đực và gà trống ra giết, lấy máu chúng bôi lên các vũ khí... nói lên sự chiến thắng của mình trước ác quỉ đem lại sự bằng an cho mọi người. Ngoài cái Tết Nguyên Đán ta còn các tiết lễ khác, như Nguyên Tiêu Tiết, đó là Ngày Rằm Tháng Giêng. Tiết này theo truyền thuyết, sau ngày Hán Cao Tổ băng hà, Lữ Hậu bắt đầu lấy hết quyền bỉnh nắm trong tay, giết hại công thần đem toàn bộ anh em trong họ lên nắm quyền. Nhưng cuối cùng, các cựu thần họ Lưu trừ được anh em họ Lã đưa Hán Văn Đế lên ngôi lại nhằm đúng vào Rằm tháng Giêng. Nhân đêm trăng sáng sủa, tiết trời ấm áp, Hán Văn Đế bằng cùng các quan triều xuất cung du hành để nói lên cảnh thanh bình thịnh trị. Từ đó mới có tiết Nguyên Tiêu. Tiết này có tục treo đèn kết hoa, cũng gọi là Đăng tiết, có nghĩa tục treo đèn. Hiện nay vẫn còn giữ tục này. Nói đến tục treo đèn, tưởng chúng ta cũng nên biết Tết Đèn ở Myanma."Tết Đèn" có trước khi cả Phật giáo du nhập vào xứ sở này. Tết Đèn còn được gọi là "Thượng Đăng Tiết" hằng năm đều có tổ chức trọng thể kể từ ngày 14 đến ngày 16 tháng bảy theo lịch Myanmar. Thường khi trời vừa về đêm mọi nhà đều mang các loại đèn đủ màu đủ sắc treo trước cửa nhà trông hệt như một rừng sao lấp la lấp lánh vô cùng đẹp mắt. Cứ vào những ngày "Tết Đèn" người ta thường thi đua nhau làm những chiếc đèn trông thật lạ mắt. Họ tổ chức các cuộc thi như dệt áo cà sa dưới đèn... Theo truyền thuyết: "Thân mẫu của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni biết con mình sắp vào rừng núi thâm sâu để tu hành, bà liền thức thâu đêm dưới đèn để dệt áo cho con." Từ đó dân Myanmar thường tổ chức "Dưới Đèn Thi Dệt Áo Cà Sa" để tưởng nhớ đến bà. Sau cuộc thi, các chiếc áo dêt đó mang tặng cho các hòa thượng, sư sải, các ni cô... tại khắp các chùa chuyền. Bước qua tháng Hai Âm Lịch, ta còn có Trung Hòa Tiết được tổ chức vào ngày Mồng Một Tháng Hai. Tiết này xuất hiện từ năm Trung Hòa Đường Hy Tông. Vào ngày này đời Đường coi như là ngày lễ trọng. Mọi nhà đền ăn "Thái Dương Cao" tức Bánh Mặt Trời. Cúng Thần Mặt Trời xong thì các quan khắp đất nước lấy sách "nông tang" ra đọc mục đích để nói lên sự quyết tâm giữ cái gốc của mình. Người Sinhalese là một dân tộc đa số của nước S. Lanka – một dân tộc mà ngày nay còn giữ nhiều tập tục cổ xưa khá độc đáo. Tết của Sinhalese bắt đầu vào khoảng trung tuần tháng Tư Dương lịch, đúng vào thời điểm thu hoạch mùa màng, thời tiết ấm áp. Đây là ngày Tết có ý nghĩa chào mừng ngày mùa lúa mới. Hệt như tập tục đón mừng năm mới của ta có ý nghĩa "tống cựu nghênh tân". Trước khi Tết đến, người Sinhalese quét tước nhà cửa sạch sẽ, chưng chòng tươm tất, khâu vá quần áo chuẩn bị mặc vào những ngày đầu năm. Ngày cuối năm, họ chuẩn bị đủ mọi thứ, kể cả việc mang bỏ đi số tro cũ trong bếp chuẩn bị cho số tro mới thay vào. Họ quan niệm, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ. Họ lo nước nôi cho đầy ắp các thùng chứa từ ngày cuối năm, kiêng cử làm việc nặng nhọc vào mấy ngày Tết nhất. Họ gội đầu, tắm rửa muộn nhất vào đêm Trừ Tịch, dân tôc Sinhalese tin rằng làm sạch sẽ thân thể mình là trút bỏ được bệnh tật và được trời đất ban cho điều lành, tránh được điều dữ... Họ làm các loại bánh cho ngày Tết bằng sữa bò, chuối cùng với các loại hoa quả. Nhà nào cũng mua sẵn chiếu mới để trải ngày Tết đón khách đến mừng tuổi đầu năm. Đặc biệt ngày đầu năm người Sinhalese dùng gạo lúa mới thu hoạch nấu thành các món ăn để cả nhà cùng thưởng thức... Ngoài ra họ còn có lắm trò chơi ngày tết ngoài trời như các phụ nữ đánh trống đồng cùng nhau múa hát. Ta có Hàn Thực Tiết vào tháng Ba, đây là lễ kỷ niệm Giới Tử Thôi. Tương truyền thời Xuân Thu, Tấn Văn Công Trùng Nhĩ lưu vong nước ngoài hơn mười năm, có Giới Tử Thôi theo hộ giá. Khi Trùng Nhĩ trở về nước, Giới Tử Thôi từ quan vào rừng ở ẩn. Trùng Nhĩ đốt rừng để bức Giới Tử Thôi trở lại với triều đình.Nhưng Giới Tử Thôi thà chịu chết cháy chứ không chịu trở về. Ngày đốt rừng đúng vào ngày năm tháng ba. Bắt đầu từ đó, đúng vào ngày Giới Tử Thôi chết, người dân Trung Hoa không nấu nướng bất cứ thức ăn nào mà chỉ dùng thức ăn nguội. Do đó gọi là Hàn thực tiết tức Tết ăn nguội. Ta còn có Thanh Minh Tiết, tức là tiết Thanh Minh có tập tục cúng mồ mả xuất hiện từ đời nhà Hán và mãi đến ngày nay còn giữ... Trong ngày này nhà nào cũng cắm cành lửa ngoài cửa, để xua đuổi tà ma. Sau Thanh Minh tiết là Dục Phật Tiết tức lễ tắm Phật đúng vào ngày Mồng Tám Tháng Tư. Tương truyền Đức Thích Ca Mâu Ni giáng sinh, hướng bốn phương đi bảy bước, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất rồi nói :"Trên trời dưới đất, chỉ mình ta độc tôn". Mỗi bước chân Ngài đi hoa sen nở theo, đây là điềm báo Ngài sẽ xả thân xuất gia để phổ độ nguyện vọng cho chúng sinh. Việc làm này động đến lòng trời vì vậy mà thiên nữ trên chín từng mây giáng hoa, thiên sứ thì tấu nhạc, chín con rồng uốn lượn phun nước tắm cho Phật Thích Ca... Qua Tiết Lập Hạ là một trong hai mươi bốn lễ tết về thời tiết. Hạ thuộc về hướng Nam. Tiết này các nông dân hái hoa cúc rắc lên ruộng để không cho có sâu lúa. Tiết này có tục không thay đổi nơi cư trú, không nguyền rủa chửi bới ai, kiêng không được động đến mái tóc của mình v.v.. Sau đó là Đoan Dương tiết. Đó là Tết Đoan Ngọ. Tết này già trẻ đều hợp. Nhất là các văn nhân mặc khách quây quần bên nhau ngâm thơ vịnh phú để tưởng nhớ đến Khuất Nguyên. Các đạo sĩ thì vẽ tranh bắt quỉ, các cô gái có thể vá may thêu thùa, các bà nội trợ thì gói bánh ba góc, tức loại bánh ú tro, các nam nhi thì chuẩn bị đua thuyền rồng... Tương truyền rằng tháng năm là tháng lắm tà ma xuất hiện nên nhà nào cũng lo treo "ngũ thụy" để trừ tà. Ngũ Thụy có nghĩa là năm điều lành, gồm có năm loại cây: xương rồng, cỏ ngãi tức ngãi cứu, cây hành, hoa thạch lựu, hoa long thuyền. Cũng ngày này người ta thường uống loại rượu "Hùng hoàng" mục đích để tiêu độc và tạo cho cơ thể được cường tráng... Ở Đài Loan có Tết Mã Tổ. Tết này nhằm ngày 23 tháng ba Âm lịch... các ngư phủ ở các vùng Quảng Đông cũng như vùng duyên hải Phước Kiến và Đài Loan đều không ra biển đánh cá.Các gia đình ngư dân mang hương đèn, vàng bạc cùng lễ vật đến muiếu Mã Tổ để cúng bái, cầu xin cho "sóng yên biển lặng". Người dân ở các vùng này gọi là Mẫu Thần tức Thần Mẹ, các nơi khác thì gọi là bà "Thiên Hậu" hoặc bà "Thiên Phi". Vị Thần này là con gái họ Lâm tên Hiếu, huyện Phù Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến. Cô tin Phật và có thể biết được biển gió bão sắp đến trên biển. Có hôm Lâm Hiếu có linh cảm là cha mình gặp gió bão chìm thuyền được cứu thoát nhưng anh của cô bị nạn. Quả nhiên cha cô gặp nạn nhưng cứu được, song ông anh thì mất tích hẳn. Cô gái họ Lâm vốn có lòng từ thiện luôn luôn chữa bệnh cứu người. Nhưng tiếc thay cô bị vắn số, năm lên 29 tuổi thì đã qua đời. Sau khi chết, cô còn hiện lên cưỡi mây dạo chơi trên biển cả, giải ưu phiền cho ngư dân, cứu dân thoát khỏi cơn tai nạn. Người dân tại các vùng này gọi cô là "Thần Biển" cùng nhau dựng miếu thờ vào năm 987. Thất Tịch tiết nhằm vào ngày Mồng Bảy tháng Bảy. Ngày này Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước. Lể này có từ đời Hán, bày hoa quả ngoài trời nhìn trăng, cúng kiến. Các phụ nữ thì kết các dải lụa, cùng xâu kim dưới bóng trăng.Người xâu kim nhanh nhất dưới trăng được gọi là đắc xảo. Tại Nhật Bản có Tết Nhi Đồng. Đây là cái Tết theo truyền thống của dân tộc. Nhật nổi tiếng là quốc gia coi trọng ngày Tết dành cho nhi đồng. Ngày mồng ba tháng ba là ngày dành cho các bé gái, gọi là Ngẫu Nhân. Tết này cầu chúc hạnh phúc sẽ đến với các cô trong tương lai. Các gia đình có con gái tiến hành một số nghi lễ theo phong tục. Các bé trai được tổ chức vào ngày Mồng Năm tháng Năm, đúng vào Tết Đoan Ngọ. Ngày này các gia đình có bé trai thường mang treo hình các võ sĩ. Đặc biệt Trung Nguyên Tiết, tức ngày Rằm tháng Bảy. Tết này hợp với Thượng Nguyên tức ngày Rằm tháng Giêng và Hạ Nguyên vào Rằm tháng Mười. Ba tiết này là tết truyền thống. Tập tục chủ yếu là trung nguyên phổ độ hay siêu độ cho các oan hồn uổng tử được chóng siêu thoát không còn phải vất vưởng ở trần gian nữa. Nhật Bản có Tết Đánh Quỉ. Tết này thường tổ chức vào các thời điểm Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu và Lập Đông. Các nghi thức tồ chức ngày lễ này để xua đuổi tà ma... cầu xin cho thu hoạch được nhiều ngũ cốc, làm ăn thịnh vượng, tránh khỏi tai ương... Nghi lễ được tổ chức tại các đền miếu. Họ thường chọn một người hóa trang có bộ mặt dữ tợn như quỉ sứ, nhảy múa theo nhịp trống trước lễ đàn... Người Nhật dùng "tofu" rán đi cho vàng, gọi là "phúc đậu"đặt trước bàn thờ đoạn lớn tiếng "Đuổi quỉ đón phước", cùng lúc vứt các mảnh đậu rán khắp bốn góc nhà làm phép trấn yểm. Tiết Trung Thu, có tập tục cúng bái Thần Mặt Trăng, ăn bánh Trung Thu. Tiết Trùng Dương ăn bánh uống trà thưởng hoa cúc... Tiết tháng Mười, tháng Mười Một, là tiết Đông Chí - một trong các tiết quan trọng trong năm. Đặc biệt tiết này năm nào cũng vậy, sau tiết Đông Chí ba ngày là lể Giáng Sinh. Theo sách Đông Kinh mộng hoa lục của Mạnh Nguyên Lão thì:"Ngày Đông Chí là tháng 11, kinh thành coi trọng Tết này, cho dù nghèo khó người ta cũng dành dụm vay mượn để may áo mới, soạn cơm rượu cúng bái tổ tiên, đi lại chúc mừng nhau, đâu có khác nào ngày Nguyên Đán". Tết Đông Chí thường làm lễ tế trời... . Hoặc như Lạp Bát Tiết, tức Mồng Tám Tháng Chạp, nhà nhà ăn cháo. Tập tục này có từ đời Tống, cùng với ngày Phật Tổ thành đạo. Ngày này người giàu có thường nấu cháo bố thí cho khách qua đường... làm phước để được nhận lãnh điều thiện. Cuối cùng là lễ cúng Táo Quân. Tục này có từ lâu đời. Sách Luận Ngữ" Cúng tế góc nhà phía Tây sao bằng cúng tế nhà bếp"(dữ kỳ mị áo, ninh mị vu tao). Thường cúng ông Táo vào 23 tháng Chạp. Trên bàn thờ Ông Táo có một thần vị giấy hồng đơn, chữ mực đen, viết tước vị: "Đông Trù Tư Mạng, Táo Phủ Thần Quân" - "Đông trù tư mạng trường côn định phúc phủ quân chi thần vị". Có nghĩa: chỗ của thần bếp nhà trời chủ trì sự công bằng và ban phước) v.v... Sau cùng, lễ Trừ Tịch. Đây là lễ năm cũ ra đi và năm mới về với thế gian. Đên Trừ Tịch còn gọi là Đại Nguyệt Dạ . Nhiều gia đình khuyên các con trẻ của mình thức đón Giao Thừa, theo tập quán "Thủ Tuế Bất Thụ" với mục đích đón mừng được trời ban thêm cho tuổi... Thinh Quang
|
Copyright (c) DaiChung News Media 2002